Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
Bài Viết Của
Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
ĐỪNG SỢ (KÍNH NHỚ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)
TIN LÀ HỒNG ÂN
CHÚA VẪN TRUNG THÀNH MÃI
TỪ MỐI PHÚC THỨ BA ĐẾN GIỜ GIAO THỪA
CHÚA LÀ ĐẤNG GIẢI THOÁT
NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT
KHÔN NGOAN CỦA CON CÁI SỰ SÁNG
HỘI ĐOÀN LEGIO TRONG GIÁO HẠT CỦ CHI 10 NĂM THÀNH LẬP CURIA
MẤT VÀ ĐƯỢC
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA KITÔ
KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI
“HÃY VÀO QUA CỬA HẸP”
CHUYỂN LỬA CHO LỬA BÙNG LÊN
SỐNG HAY TIẾN ĐẾN CHẾT?
TÌM GẶP CHÚA TRONG CẦU NGUYỆN
HÃY LÀ MATTHA VÀ LÀ MARIA
YÊU VÀ LÀM
DÂNG HIẾN LỄ
“HÃY NHÂN DANH NGƯỜI MÀ RAO GIẢNG”
CÁI MỚI CỦA TÌNH YÊU
LINH MỤC: MỤC TỬ VÀ CHIÊN (SUY TƯ NHÂN LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH)
CAN ĐẢM NHÌN VÀO MÌNH, ĐỪNG LÊN ÁN NGƯỜI
TÌNH YÊU CỦA CHÚA CHO TA NGHỊ LỰC
TỰ TIN ĐỂ THÊM NGHỊ LỰC
CHÚA GIÊSU LÀ CHỦ LỊCH SỬ
KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ KHÁM PHÁ SỰ THẬT
SỨ ĐIỆP ĐƯỢC BAN TRÊN MỘT DÒNG SÔNG
ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NHAU DỰA TRÊN VẬT CHẤT
NIỀM TIN – ĐỨC TIN
“KẾT NỐI” VỚI CHÚA
NÊN THÁNH TRONG PHỤC VỤ
LÒNG TRUNG THÀNH
TRÚT BỎ
NHỮNG CÚ NHẢY HOAN CA TÌNH THƯƠNG ( Lễ Sinh nhật thánh Gioan Baotixita )
THIÊN CHÚA DUY NHẤT BA NGÔI
XÂY DỰNG TRẦN THẾ
CHỈ CÓ YÊU NHƯ THẦY…
ĐỂ CÀNH NHO SINH HOA TRÁI
NIỀM VUI VÀ ĐỨC TIN PHỤC SINH
HẠT LÚA PHẢI CHẾT ĐỂ SINH KẾT QUẢ
VÌ SAO CHÚA PHỤC SINH KHÔNG HIỆN RA VỚI HẾT MỌI NGƯỜI.

Chúa Kitô đã bị giết chết. Nhưng Chúa Kitô đã phục sinh. Có nhiều bằng chứng cho biết Chúa đã phục sinh. Một trong những bằng chứng đó là nhiều lần Chúa hiện ra. Nhiều người đã nhận ra Người đang sống sau khi họ đã khẳng định Người đã “chết”.

Điều quang trọng mà chúng ta cần ghi nhận là: không phải bất cứ ai cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra. Vậy ai mới vinh dự được Chúa Phục Sinh ghé thăm và trao ban sứ mệnh loan tải Tin Mừng Phục Sinh? Chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo để rút ra bài học sống cho mình, sao cho chân lý phục sinh cũng là chân lý cũng được ngỏ với chính bản thân mình.

1. Đám đông trảy hội đền thờ.

Niềm tin phục sinh cần được loan báo cho hết mọi người, tại sao Chúa Phục Sinh chỉ hiện ra với một số ít Người?

Ngay trong chính ngày Chúa Kitô phục sinh, tại đền thờ Giêrusalem, lễ Vượt Qua được tổ chức long trọng, một cuộc lễ rầm rộ, một cuộc lễ có một không hai trong niềm tin của người Do thái. Đó là cuộc lễ nhắc lại biến cố oai hùng, cha ông họ vượt qua Ai cập, vượt qua Hồng Hải và vượt qua kiếp nô lệ cách lạ lùng, chưa từng có. Từng đoàn, từng đoàn người đổ về đền thánh, bên cạnh những nhà lãnh đạo tôn giáo của họ, không thiếu ai: thầy cả thượng phẩm, các thượng tế, các luật sĩ… để dâng của lễ, để làm cái việc gọi là “tạ ơn và tôn thờ Chúa”. Nếu Chúa Phục Sinh mà hiện ra, giảng dạy, đọc lời tạ ơn, cử hành lễ bẻ bánh… giữa đám đông trảy hội đền thờ gồm đủ mọi thành phần ấy, chắc Người đã thành công. Bởi nếu không phải tất cả cùng tin, thì cũng có vô số kẻ chứng kiến sẽ tin theo (!).

Nhưng thật oái oăm, thật mỉa mai! Mỉa mai đến độ chua xót: cũng chính vị Chúa ấy, vị Chúa mà ngay lúc này đây, họ đọc kinh, họ thắp hương, họ bái lạy bàn thờ và dâng lễ vật lên Người…, chỉ mới hai ngày trước thôi, họ nguyền rủa, họ sỉ vả, họ đánh đập đến nhừ tử, họ giết chết một cách không thương tiếc. Nhưng cũng ngay chính lúc này đây, lúc mà họ đang tổ chức mừng lễ Vượt Qua vô cùng long trọng, họ đang cử hành nghi lễ vô cùng sốt sắng, thì Chúa của họ, Đấng mà họ vừa giết chết đã vừa mới phục sinh, đã vừa mới đội mồ bừng dậy, thì họ lại không tin. Chẳng những không tin, mà còn hoàn toàn chối từ. Khi được lính canh mồ báo tin Chúa của họ đã sống lại, đã ra khỏi mồ, họ ngang nhiên trả tiền cho lính, để lính thực hiện điều mà không bao giờ có thể thứ tha được: “Các anh hãy nói thế này: ban đêm trong lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã lấy trộm xác”. Các lãnh đạo tôn giáo Do thái do lòng ganh tỵ, họ không chỉ thủ tiêu Chúa của họ, giờ đây, họ còn thủ tiêu cả niềm tin Phục Sinh đang bừng dậy cho toàn thế giới: “Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ dàn xếp với quan, và lo cho các anh được vô sự”.

Chúa đã không bao giờ hiện ra như thế. Không bao giờ Người hiện ra giữa một rừng người thiếu tất cả mọi điều kiện về đức tin, lòng mến. Họ thiếu cả thái độ sống nội tâm mong chờ ơn cứu độ, thái độ sẵn sàng đón nhận Người như sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ. Ngược lại, họ còn hả hê vì đã có thể “loại trừ” Giêsu. Với sự hả hê háu thắng như thế, đến muôn đời con người cũng sẽ không bao giờ gặp gỡ Chúa Phục Sinh, dẫu là gặp gỡ bằng đôi mắt (như các môn đệ đã nhìn thấy Người) hay gặp gỡ trong tâm hồn.

2. Các môn đệ của Chúa Kitô.

Chúa Phục Sinh hiện ra với nhiều môn đệ, chẳng hạn: thánh Phêrô, thánh Gioan, thánh Tôma, hai môn đệ trên làng Emmau, với cả nhóm Mười Một… Các môn đệ của Người đã làm chứng, không chỉ bằng lời, mà còn bằng chính đời sống, sự sống và mạng sống của họ. Nơi các trang Tin Mừng, các môn đệ của Chúa nhiều lần khẳng định: Chúa Phục Sinh của họ đã nhiều lần hiện ra với họ. Người đồng hành, ăn uống, dạy bảo, hẹn hò ở nơi mà Người sẽ đến gặp họ, trao ban Thánh Thần, trao ban bình an, trao ban sứ mệnh cho họ, thậm chí lên tiếng trách cứ vì họ cứng lòng tin…, y như cách thức mà Người đã từng sống với họ trong ba năm dài Người giáo dục họ và rao giảng Tin Mừng…

Trong khuôn khổ bài viết, xin được dừng lại nơi lần hiện ra ngay sau phục sinh, và dừng lại nơi một trong hai thị nhân của lần hiện ra này: Bà Maria Mađalêna. Có thể coi Maria Mađalêna như là khuôn mặt đại diện cho các môn đệ của Đấng Phục Sinh. Bà cũng là đại diện và tấm gương cho chúng ta khi đặt mình trong tương quan với Chúa Phục Sinh.

Câu chuyện Chúa Phục Sinh hiện ra với bà Maria Mađalêna là câu chuyện về cuộc hiện ra đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo, và chính bà, một phụ nữ đã từng theo Chúa, nay là người đầu tiên nhìn thấy Đấng Phục Sinh. Vì sao Chúa không chọn ai khác, mà lại chọn chính Maria Mađalêna là người chứng thứ nhất cho tin mừng Phục Sinh? Có lẽ vì mấy lý do sau đây:

- Bà đang nhớ thương Chúa Giêsu. Tâm hồn đang hoàn thoàn thuộc về Chúa. Càng yêu mến Chúa, càng nhớ thương Chúa, càng cảm nhận sự xa vắng, vì từ nay Chúa không còn hiện diện bên cạnh nữa, bà càng để tâm trí mình được chiếm ngự hoàn toàn bởi hình ảnh và kỷ niệm về Chúa. Một con người toàn tâm dành cho Chúa như bà, đã được Chúa đáp trả: Bà trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Bà khát khao Chúa. Càng thương nhớ Chúa, và những kỷ niệm của Chúa càng ùa về trong tâm hồn bao nhiêu, Maria Mađalêna càng khao khát Chúa bấy nhiêu. Một tâm hồn khao khát Chúa đến độ cháy bỏng như bà, đã được Chúa đáp trả: Bà trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Bà nhận biết mình yếu hèn, Tội lỗi. Trong mớ kỷ niệm mà Maria Mađalêna đã có với Chúa, có một kỷ niệm không bao giờ bà quên được, đó là cái ngày Chúa kéo bà ra khỏi vết nhơ tội lỗi. Bà cảm nhận vừa sâu lắng, vừa mạnh mẽ tình yêu mà Chúa dành cho bà. Đó là một tình yêu vừa mềm mỏng để thu hút bà trở về đường ngay, nhưng cũng vừa dứt khoát buộc bà không thể chần chờ, mà phải đứng lên đi theo Người lập tức. Giờ đây, khi Chúa đã chết, kỷ niệm của Chúa dành cho bà buộc bà phải nhìn lại con người mình, để một lần nữa, đứng trước tình yêu của Chúa, bà phải cúi mình xuống vì thấm thía con người hèn hạ, tội lỗi của bản thân mình. Một tâm hồn hoán cải như thế đã được Chúa đáp trả: Bà trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Bà cảm thấy mình bơ vơ, trống vắng. Khi Chúa còn ở giữa trần thế, bên cạnh bà và các môn đệ khác, Maria Mađalêna rất yên tâm. Đi hay về, bà vẫn biết Chúa đang hiện diện hữu hình bên bà, bên đoàn môn đệ của Người. Còn bây giờ, nỗi niềm trống vắng, càng làm bà hướng tâm hồn, hướng tình cảm của mình về Chúa nhiều hơn. Chính lúc trơ trọi, trống vắng, Chúa càng là niềm an ủi cho bà. Bà đã được Chúa đáp trả: Bà trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Bà chỉ còn biết đặt niềm tin vào Lời Chúa hứa xưa mà thôi. Hình ảnh Chúa giờ đây sống động trong Maria Mađalêna thế nào, thì từng lời Chúa dạy để uốn nắn, để giáo dục bà càng trỗi dậy mạnh mẽ thế ấy. Thương nhớ Chúa, bà đã để mình uống lấy từng lời ngọt ngào của Chúa. Nếu con người biết sống lời Chúa hoàn hảo, sẽ được Chúa đáp trả. Maria đã sống lời Chúa. Bà đã được Chúa đáp trả: Bà trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

- Bà cầu nguyện. Không còn biết cậy vào ai, không còn có chỗ nào để trút cho vơi bớt nỗi buồn, Maria chỉ còn biết mặc lấy tâm tình cầu nguyện. Vì trong giờ phút đau thương này, chỉ  có sự cầu nguyện mới cho bà niềm bình an, mới có thể giúp bà vơi đi nỗi sầu đau mà bà và đoàn môn đệ của Chúa đang gánh chịu. Thổn thức trong cầu nguyện, Maria Mađalêna đã được Chúa đáp trả. Bà trở thành người chứng thứ nhất cho Tin Mừng Phục Sinh.

Tâm tình mà bà Maria Mađalêna có đối với Chúa cũng là tâm tình chung của các môn đệ Chúa. Vì thế, sau bà, Chúa Phục Sinh cũng đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ, để họ tin vào Người, nhận lãnh sứ mạng loan báo Người phục sinh cho toàn thế giới. Một khi tin tưởng bằng tất cả lòng yêu mến và nhớ thương Người, họ đã cống hiến tất cả sự nghiệp, tất cả năm tháng ngày giờ để phụng sự Người, để rao truyền cho thế giới Chúa của họ phục sinh, bất chấp mọi thiệt thòi, mọi nguy biến, cả đến mạng sống của họ…

3. Chúng ta hôm nay.

Chúa Phục Sinh cũng sẽ đến với chúng ta. Người sẽ chiếm ngự tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta biết để tâm hồn mình mặc lấy những tâm tình của các môn đệ xưa.

Ngày nay chúng ta sống tâm tình thương nhớ Chúa là chúng ta thực hành Lời Chúa dạy, cử hành bí tích Chúa truyền qua Hội Thánh để múc lấy nguồn ơn thánh hóa mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Đặc biệt, trong bí tích Thánh Thể, Chúa dạy: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19).

Chúng ta khao khát Chúa là để cho lòng trí hướng về Chúa. Người là thượng trí, là nguồn sống của chúng ta. Khao khát Người, chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng đời đời trong Chúa, trong sự cứu độ của Chúa. Thánh Phaolô đã từng nói lên niềm khắc khoải ấy: “Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3, 3).

Chúng ta nhận biết mình yếu hèn tội lỗi. Chúa yêu thích những ai khiêm nhu, biết mình yếu đuối mà luôn mặc lấy lòng ăn năn tội lỗi. Vỉ chính Chúa đã từng phán: "Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà là để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9,13).

Mang lấy tâm tình bơ vơ, trống vắng của các môn đệ là chúng ta tin chắc rằng, không có Chúa, cuộc đời chúng ta chỉ là cây khô, chỉ là con cá mắc cạn. Chúa an bài mọi sự, Chúa dắt dìu để đời ta luôn diễn ra trong ơn Chúa. Chúng ta cần nhìn lại quá khứ đời mình để thấy mọi hoàn cảnh, mọi biến cố xảy ra, đều đã đi qua, đều được Chúa bao bọc giữ gìn để ta còn có ngày hôm nay.

Chúng ta đặt niềm tin vào Lời Chúa hứa xưa như các môn đệ. Chẳng hạn, ta tin Lời Chúa dạy rằng: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả vì bao gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho” (Mt 11, 28). Đặt niềm tin vào Lời Chúa hứa xưa ta cảm nhận niềm bình an mà Chúa Phục Sinh sẵn sàng ban cho những ai tin tưởng nơi Người.

Ta hãy luôn luôn tụ họp nhau mà cầu nguyện vì Chúa dạy rằng: "Nếu ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Ta, thì Ta ở đấy, giữa họ" (Mt 18,20). Chúa Phục Sinh mà hiện diện giữa chúng ta, mỗi tâm hồn sẽ hết nghi nan, hết đố kỵ, nhưng yêu nhau nhiều hơn.

Như vậy, chúng ta đã hiểu vì sao Chúa Phục Sinh không hiện ra với tất cả mọi người. Bởi chỉ có ai có đủ điều kiện mới xứng đáng được Chúa Phục Sinh ghé thăm mà thôi. Nhưng sau khi đã lãnh nhận ơn Phục Sinh từ chính Chúa Phục Sinh, như các môn đệ xưa, chúng ta hãy loan báo tin mừng phục sinh cho tất cả mọi anh chị em xung quanh. Vì Chúa cần ta, như cần nhóm nhỏ các môn đệ của Chúa xưa như một nắm men trong cả một khối bột vậy. Nắm men có nhiệm vụ làm cho khối bột dậy men. Chúng ta có nhiệm vụ làm cho tin mừng phục sinh phát triển rộng khắp, vì chúng ta chính là nhóm môn đệ thời nay của Chúa Phục Sinh.

Lạy Chúa, xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào mọi góc tối tăm của linh hồn chúng con, để chúng con trung thành sống chết cho đức tin. Xin đừng để chúng con rơi vào hoàn cảnh bi thảm mà các lãnh đạo Do thái giáo xưa đã từng thực hiện, đó là một mặt tuyên xưng lòng tin của mình, nhưng mặt khác, do đời sống bê bối của chúng con, chúng con lại đang ra sức chối từ Chúa, ra sức đẩy xa ảnh hưởng của niềm tin Phục Sinh ra khỏi cuộc đời mình. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

 

Tác giả: Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!