Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
Bài Viết Của
Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
ĐỪNG SỢ (KÍNH NHỚ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)
TIN LÀ HỒNG ÂN
CHÚA VẪN TRUNG THÀNH MÃI
TỪ MỐI PHÚC THỨ BA ĐẾN GIỜ GIAO THỪA
CHÚA LÀ ĐẤNG GIẢI THOÁT
NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT
KHÔN NGOAN CỦA CON CÁI SỰ SÁNG
HỘI ĐOÀN LEGIO TRONG GIÁO HẠT CỦ CHI 10 NĂM THÀNH LẬP CURIA
MẤT VÀ ĐƯỢC
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA KITÔ
KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI
“HÃY VÀO QUA CỬA HẸP”
CHUYỂN LỬA CHO LỬA BÙNG LÊN
SỐNG HAY TIẾN ĐẾN CHẾT?
TÌM GẶP CHÚA TRONG CẦU NGUYỆN
HÃY LÀ MATTHA VÀ LÀ MARIA
YÊU VÀ LÀM
DÂNG HIẾN LỄ
“HÃY NHÂN DANH NGƯỜI MÀ RAO GIẢNG”
CÁI MỚI CỦA TÌNH YÊU
LINH MỤC: MỤC TỬ VÀ CHIÊN (SUY TƯ NHÂN LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH)
CAN ĐẢM NHÌN VÀO MÌNH, ĐỪNG LÊN ÁN NGƯỜI
TÌNH YÊU CỦA CHÚA CHO TA NGHỊ LỰC
TỰ TIN ĐỂ THÊM NGHỊ LỰC
CHÚA GIÊSU LÀ CHỦ LỊCH SỬ
KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ KHÁM PHÁ SỰ THẬT
SỨ ĐIỆP ĐƯỢC BAN TRÊN MỘT DÒNG SÔNG
ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NHAU DỰA TRÊN VẬT CHẤT
NIỀM TIN – ĐỨC TIN
“KẾT NỐI” VỚI CHÚA
NÊN THÁNH TRONG PHỤC VỤ
LÒNG TRUNG THÀNH
TRÚT BỎ
NHỮNG CÚ NHẢY HOAN CA TÌNH THƯƠNG ( Lễ Sinh nhật thánh Gioan Baotixita )
THIÊN CHÚA DUY NHẤT BA NGÔI
XÂY DỰNG TRẦN THẾ
CHỈ CÓ YÊU NHƯ THẦY…
ĐỂ CÀNH NHO SINH HOA TRÁI
NIỀM VUI VÀ ĐỨC TIN PHỤC SINH
HẠT LÚA PHẢI CHẾT ĐỂ SINH KẾT QUẢ
LINH MỤC: MỤC TỬ VÀ CHIÊN (SUY TƯ NHÂN LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH)

  

Thời gian gần đây, tôi nhận được rất nhiều thư của các bạn trẻ, có khi thư gởi qua bưu điện, nhưng đa số là thư điện tử. Hầu hết những lá thư ấy đều chất chứa một tâm sự nào đó, các bạn trẻ muốn chia sẻ với tôi.

Hôm nay nhân dịp lễ Chúa chăn chiên nhân lành, tôi muốn trích ghi lại một vài tâm sự đáng trân trọng ấy của các bạn. Xin các bạn trẻ là tác giả của những bức thư ấy cho phép tôi là việc này.

Trước hết, đó là lá thư của một bạn nam: “…Hôm qua, lúc cha về rồi, chúng con cảm thấy tâm hồn mình thoải mái nhiều… Một phần chúng con buồn, nhưng một phần chúng con vui. Buồn vì chúng con có quá nhiều lầm lỗi, mà đáng lẽ không nên có… Vui vì chúng con có cha…”.

Một lá thư khác tương tự, gởi đi từ Đà Nẵng : “…Con đang là sinh viên. Việc học, việc làm thêm thường làm con căng thẳng. Con thường thức khuya, rất khuya để học. Đôi khi con tự hỏi, không biết mình vất vả như vậy để làm gì? Giá như có thành đạt giữa đời đi nữa thì cũng thế thôi, con người chẳng bao giờ đạt được hạnh phúc mỹ mãn ở thế gian. Kinh nghiệm dạy con rằng, dù có đạt được điều mà lòng mình hằng khao khát đi nữa, thì rồi mình lại ao ước, lại khao khát một điều khác. Mọi giá trị ở đời không làm con thỏa mãn. Bây giờ nghĩ lại, con thầm cảm ơn Chúa đã cho con được biết Chúa, đã ban cho con đức tin, nếu không thì con đã đi về đâu rồi không biết…”.

Và một lá thư khác, tôi không rõ được gởi đi từ đâu, nhưng người gởi tự xưng là một giáo lý viên, cho thấy một niềm trăn trở về đức tin rất chính đáng. Đó cũng là một thử thách mà người bạn của chúng ta phải chịu đựng: “…Con đã cầu nguyện rất nhiều về một điều mà con thấy là cần thiết, rất cần thiết nữa là đàng khác: Lạy Chúa, xin Chúa cho gia đình con được hòa thuận. Xin cho mẹ và anh con đi lễ trở lại, vì mẹ và anh con đã bỏ Chúa rất lâu.

Cha biết không, dù con có khuyên lơn mẹ và anh đến đâu đi nữa, vẫn không được. Lắm lúc còn bị cho là dám dạy khôn người lớn. Con nghĩ, chỉ có lời cầu nguyện và sự siêng năng của con, có thể lôi kéo gia đình con quay trở về với Chúa. Nhưng mãi cho đến bây giờ vẫn chưa có gì sáng sủa. Chúa chưa ban cho con. Con lấy làm lạ quá, vì sao con cầu xin Chúa những điều rất tốt lành mà Chúa lại không nghe lời con. Con không hiểu Chúa có nghe lời con không? Hay Chúa còn muốn thử thách đức tin của con nhiều hơn? Con chỉ sợ mình mệt mỏi, bỏ cuộc, không cố gắng nữa cha ạ…”. 

Lại một lá thư khác cũng liên quan đến đức tin: “….Một số người có quan niệm, nếu cha mẹ bỏ đạo thì con cái sẽ không ra gì. Nhưng đối với con thì lại khác. Con luôn cầu xin Chúa thêm sức mạnh cho con, để con có thể vượt qua. Con luôn cầu nguyện để cha mẹ con trở về cùng Chúa. Đó là những lời cầu xin chính yếu nhất của con trong các giờ cầu nguyện.

Chuyện gì thuộc về giáo lý, việc của giáo xứ, các hoạt động trong đạo… con đều muốn tìm hiểu, muốn tham gia, nhưng lại bị ngăn cản, có lúc ngăn cấm. Con rất buồn, không biết tâm sự cùng ai, chỉ biết dâng cho Chúa. Hôm nay con đánh liều gởi cho cha những tâm sự ấy…”.

Vẫn chưa hết những dòng tâm sự khác nhau của các bạn trẻ. Sau đây là nguyên văn trọn một lá thư, tôi muốn gởi đi để xin mọi người thêm lời cầu nguyện. Lá thư viết: “Cha H. ơi. Con buồn quá, mà không muốn nói với ai nên viết thư này đến cha. Cha ơi, hôm nay là ngày con được lãnh lương lần thứ năm. Cha biết không, con đã đi làm được năm tháng. Cứ mỗi lần lãnh lương là gia đình lại có chuyện không vui. Tháng đầu tiên thì ba con lãnh bí tích Xức dầu, rồi sau đó nhập viện. Một tháng sau, ba con được xuất viện. Cả nhà mừng lắm vì tưởng rằng ba đã khỏe hơn, nhưng thực tế thì ngược lại mà đâu ai biết. Sau đó đến tháng lương thứ ba, đúng vào trưa ngày con dự buổi họp các bạn trẻ trong nhóm linh hoạt viên của giáo phận, nơi con đang sống thì ba mất (lúc đó con không có ở nhà, vì còn đang họp). Tháng lương thứ tư thì xây mộ cho ba. Bây giờ là tháng thứ năm, không biết rồi sẽ còn gì nữa không, nhưng con cảm thấy rất buồn.

Thật là khó đón nhận thánh ý Chúa. Dù sao thì ba con cũng đã mất rồi. Ai cũng nói rằng, ba con mất đi đó có lẽ là một điều tốt cho gia đình, vì sẽ bớt phần lo bệnh tình của ba, nhưng làm sao có thể nghĩ như vậy được.

Con chưa bao giờ nghĩ rằng, tụi con sẽ sớm mồ côi ba như vậy. Năm nay con chỉ mới 20 tuổi, còn em út của con thì chưa tròn 5 tuổi. Đôi khi thật không hiểu Chúa thương gia đình con như thế nào nữa, thật không thể hiểu được. Mỗi ngày đi làm con thấy nặng lòng lắm. Bây giờ con mới hiểu được nỗi đau đớn trong lòng nó như thế nào.

Con nhớ ba nhiều lắm. Hình như bất cứ điều gì cũng làm con nhớ đến ba. Mỗi buổi sáng, ba thường kêu con dậy đi lễ. Buổi chiều ba đợi con đi làm về. Ba rất muốn biết chỗ làm của con nhưng chưa kịp. Con không biết phải nói thế nào, phải làm sao để giải tỏa bớt con người của mình. Mọi công việc của con đều diễn ra bình thường, không có gì thay đổi cả. Thậm chí con còn làm nhiều hơn, nói nhiều hơn, cười nhiều hơn và đi nhiều hơn, nhưng đâu vẫn vào đó. Có lẽ để con khóc thật nhiều thì tốt hơn, nhưng con lại chẳng thể khóc được.

Cha ơi, con nghĩ rằng, những ngày đầu vắng ba, con sẽ khó mà vượt qua được. Nhưng con đã vượt qua nó. Còn bây giờ, con không biết phải làm sao cả. Nhiều khi con nghĩ Chúa đã đối xử với tụi con quá tàn nhẫn. Nói là nói như vậy, nhưng cha yên tâm, con sẽ không sao đâu. Mọi chuyện chắc chắn rồi cũng sẽ qua đi mà thôi, mặc dù buồn lắm. Làm sao tránh khỏi điều đó phải không cha.

Nỗi buồn này con chỉ biết nói với cha, dù cha và con chưa hề biết mặt. Vì con không thể nói với người ngoài, chắc chắn họ sẽ không hiểu. Còn nói với người trong nhà, chỉ khơi lại nỗi buồn mà thôi. Cha cầu nguyện cho gia đình con, cha nhé, vì sau khi lo an táng ba con xong, mẹ con cũng đổ bệnh. Mấy lần đi bác sĩ, vẫn chưa biết chắc mẹ bị bệnh gì. Thôi thì một lần nữa lại phó thác cho Chúa phải không cha?

Con chúc cha luôn dồi dào sức khỏe và yên vui trong mọi sự. Nguyện xin bình an của Đấng Phục Sinh ở bên cha”.

Và còn nữa những dòng tâm sự tương tự như thế. Từ những chia sẻ rất thật lòng của các bạn trẻ, tôi thấy mình đúng là LINH MỤC, người mang lại niềm an ủi, xoa dịu sự đau buồn, làm giảm nỗi bất hạnh trong cuộc đời.

Thấy mình là linh mục, tôi càng thấy mình đúng là MỤC TỬ, nơi mà anh chị em có thể trút nỗi sầu bi. Tôi thấy mình là chỗ dựa cho anh chị em khi mệt mỏi, là niềm bình an khi anh chị em cô đơn và tuyệt vọng. Tôi thấy mình chính là dụng cụ Chúa gởi đến trần gian, để qua dụng cụ này, Chúa mãi mãi là Mục Tử chăm sóc anh chị em.

Nhận ra mình là LINH MỤC và MỤC TỬ theo hình ảnh Chúa Kitô, tôi thấy mình thật cao quý, thật lớn lao, thật danh dự, thật vinh quang, thật cần thiết cho đời. Tôi cũng thấy đó là một trách nhiệm nặng nề, vì chính nơi tôi, gương mặt của Chúa Kitô linh mục và mục tử sống mãi trong trần gian, đồng hành với con người.

Trách nhiệm linh mục và mục tử đòi tôi phải thực hiện đúng như Chúa Kitô đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”

Từ những lá thư và qua Lời Chúa, tôi có hai suy nghĩ này: Linh mục vừa là người mục tử, nhưng cũng là con chiên.

1. Linh mục, người mục tử.

Nhìn vẻ bề ngoài, thấy các bạn trẻ vô tư, đùa nghịch, thấy họ cứ cười cười nói nói, ta dễ tưởng cuộc sống của họ hạnh phúc và bình an lắm. Không phải thế, tiếp xúc nhiều với giới trẻ, tôi nhận ra, họ cũng mang trong mình biết bao nhiêu ưu tư, biết bao nhiêu nỗi muộn phiền…

Tôi không dám nói mình đã làm được gì cho ai. Nhưng phải thành thật nhìn nhận rằng, chỉ có linh mục mới là người biết nhiều về tâm tư con người. Trong tòa giải tội đã vậy, cuộc sống đời thường cũng được anh chị em chia sẻ những điều rất thật về mình, về một ai đó.

Chỉ có linh mục mới có thể được anh chị em của mình tin tưởng mà trao gởi những tâm tư, mong ước, cả những bí mật trong cuộc đời của họ. Và dường như, chỉ có linh mục mới có thể giúp giải tỏa nhiều nỗi chông chênh, bất an mà anh chị em gặp phải trong một lòng thương mến thật, một nỗi thông cảm thật, và bằng một trái tim chất chứa tình yêu diệu vợi, rất thiêng liêng, ấm áp.

Trái tim mục tử không cho phép linh mục bao che, hoặc làm ngơ trước những lỗi lầm của anh chị em. Một bên là tội lỗi, còn một bên là tội nhân. Tội lỗi thì không được dung túng, bao che. Còn tội nhân lại rất cần sự thông cảm của người mục tử.

Một linh mục yêu mến, săn sóc, đón nhận và thông cảm dù là những yếu đuối, hay ngay cả những quỵ ngã của anh chị em bằng tất cả tình yêu nồng nàn của một trái tim mục tử như thế, người linh mục xứng đáng được gọi là “cha”, tiếng “cha” triều mến mà mọi người phong tặng cho mình.

Anh chị em chính là đàn chiên Chúa Giêsu trao cho người linh mục coi sóc. Nếu Mục Tử Giêsu đã từng nói: “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”, thì mục tử thừa hành chức vụ của Mục Tử Giêsu trao phó, cũng phải nói được như Mục Tử Giêsu. Nghĩa là người linh mục cũng phải cho anh chị em của mình thấy rằng, mình cũng biết chiên. Biết trong đức tin, trong tình yêu, trong các cử hành bí tích, trong những lần thăm viếng, trong sự giảng dạy, trong mọi chiều kích của đời sống, nhằm đưa đàn chiên mình chăm sóc đến với vị Mục Tử Tối cao, đến gần với ơn cứu độ.

Thừa hành chức vị mục tử của mình, người linh mục hãy làm mọi cách, dẫu phải kiệt sức, tàn hơi, dẫu phải hy sinh nhiều về nhiều mặt khác nhau, để cố hết sức, gìn giữ chiên không bao giờ hư mất, không ai, không sự dữ nào hay kẻ thù của linh hồn là tội lỗi có thể cướp mất đàn chiên của mình. Làm được như thế, người linh mục đã dẫn đàn chiên vào hành trình tiến về sự sống đời đời.

Để làm được tất cả những điều đó trong niềm vui, trong đức mến, người linh mục hãy mang lấy tâm tư của Mục Tử Giêsu: “Đàn chiên mà Chúa trao cho tôi thì cao trọng hơn tất cả”. Bởi cao trọng, đàn chiên chính là mục tiêu hàng đầu, nơi đó tôi phục vụ, xã thân, hiến dâng đời mình, sống đức ái, biểu lộ đức tin, thông cảm, tha thứ…

Mang lấy tâm tư của Chúa Giêsu, chính là bí quyết để người linh mục tìm lại căn tính linh mục của mình: Ơn gọi của tôi bởi ai? Vì ai? Cho ai? Nhờ đó, người linh mục có niềm vui và hạnh phúc.

2. Linh mục là con chiên.

Trước khi là mục tử, người linh mục đã thuộc về đàn chiên. Dẫu cho hôm nay, có trở thành người chăn dắt đàn chiên được Chúa Kitô tín nhiệm trao phó, người linh mục vẫn là chiên thuộc về Chúa Kitô, như mọi anh chị em của mình. Vì thế, để thi hành chức vụ mục tử  cách hoàn hảo, người linh mục đừng coi thường đời sống cầu nguyện, nguyện gẫm, xét mình, đọc Lời Chúa… hằng ngày.

Ý thức mình là chiên của Mục Tử Giêsu, ngoài lòng yêu thương, tận tụy với anh chị em, người linh mục biết nỗ lực từng ngày để sống một đời sống gương mẫu: biết tự chủ, sống lành mạnh, không kiểu cách, không xa hoa, nhưng luôn học lấy lòng khiêm nhường, hiền từ của Mục Tử Giêsu.

Dù là người lãnh đạo tinh thần cho anh chị em, tôi vẫn thấy mình, có những lúc học được rất nhiều những cái hay, cái đẹp từ nơi anh chị em, làm lẽ sống cho mình. Nói cách khác, dù là mục tử cho anh chị em, vẫn không thiếu những lúc cần anh chị em làm mục tử cho mình.

Chẳng hạn, khi hướng dẫn cho các bạn trẻ muốn gia nhập Đại Chủng viện, tôi thấy mình học được nhiều điều hay từ các bạn trẻ ấy. Ví dụ: Thái độ kiên nhẫn khi nhìn thấy các bạn chờ đợi hết năm này sang năm khác để được gọi đúng tên mình. Thái độ phó thác khi không biết trước tương lai của mình có suông sẻ không. Thái độ hy sinh và dấn thân khi mang lý tưởng tu trì trong lòng mình mà phải sống giữa đời, giữa bao nhiêu cám dỗ về tình cảm, về sự thành đạt, về việc làm… Trong số các bạn trẻ ấy, có những người rất nghèo, lại dám hy sinh, dám từ chối những việc làm hái ra tiền để nhằm một mục đích duy nhất là nuôi lý tưởng ơn gọi trong tâm hồn mình…

Tôi còn thấy biết bao nhiêu anh chị khác là mục tử cho tôi. Chẳng hạn những tâm sự sầu buồn, cùng với những ưu tư về đức tin, về cuộc đời, về lẽ sống, cả những bế tắc, những nghi nan vì chưa cảm nhận được tình yêu của Chúa từ trong các lá thư mà tôi đã trích, cũng đủ cho tôi bài học về đức tin, về lòng yêu mến Chúa, yêu thương con người.

Nhất là cảm nhận rõ ràng hơn, chức linh mục của mình thật quý giá, thật đáng yêu. Nó không phải là địa vị để người linh mục ngồi trên đó như ngồi ngai vàng. Càng không bao giờ chức linh mục là một thứ danh vọng, quyền hành, là hướng nhắm cho sự thành công, bảo đảm cho tương lai của mình, để khi đạt được rồi, chỉ còn ngồi đó mà hưởng thụ, tệ hơn, vơ vét mọi vật chất cho mình.

Người linh mục càng không phải là một quan chức, chí ít là một công chức, để như một thằng mỏ ăn công, sáng làm việc có giờ, chiều hết giờ nghỉ việc…

Anh chị em còn là mục tử cho tôi khi tôi nhìn thấy lòng mến, đức tin của họ sao mà lớn quá đỗi. Để từ đó, tôi biết sống đạo đàng hoàng hơn, mực thước hơn. Nhiều người nghèo lắm, nhưng họ đã cương quyết không bước vào con đường gian tham, tội lỗi. Hoặc có những anh chị em rơi vào những hoàng cảnh bi đát, bất hạnh tột cùng, vậy mà họ vẫn cầu nguyện, vẫn tin Chúa.

Nhiều anh chị em khác đã từng sa vào vũng bùn tội lỗi, thậm chí tội ác, nhưng đã vươn lên hết sức can đảm để hoàn lương. Nhiều anh chị kiên quyết nghỉ ngày Chúa nhật, dẫu ngày ấy kiếm nhiều tiền hơn ngày thường. Và vô số những anh chị em khác tham dự thánh lễ mỗi ngày, xưng tội đều đặn, rước lễ thường xuyên… Tất cả những tấm gương ấy đều là bài học cần thiết cho đức tin của tôi. Như vậy những anh chị em ấy chính là mục tử của lòng tôi.

“Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi, Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Điều mà Cha Tôi ban cho Tôi thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Tôi là mục tử, nhưng cũng thuộc về đàn chiên. Là mục tử, tôi phải ra sức gìn giữ ơn thánh nơi tâm hồn anh chị em, để họ không hư mất, không bị cướp mất. Là chiên, tôi phải tự mình gìn giữ bản thân mình khỏi mọi sự dữ, để thuộc về Thiên Chúa mãi mãi. Tôi phải là người trước tiên gìn giữa bản thân tôi, để không ai có thể cướp được tôi khỏi tay Cha tôi, là Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ.

Để đạt được tất cả những điều đó, tôi phải biết mình là mục tử, đồng thời là chiên. Là mục tử  đại diện cho Mục Tử Giêsu hướng dẫn anh chị em mình. Là chiên, tôi thuộc về Chúa Kitô và cũng thuộc về anh chị em của tôi nữa.


 

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Tác giả: Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!