Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
Bài Viết Của
Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh
ĐỪNG SỢ (KÍNH NHỚ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)
TIN LÀ HỒNG ÂN
CHÚA VẪN TRUNG THÀNH MÃI
TỪ MỐI PHÚC THỨ BA ĐẾN GIỜ GIAO THỪA
CHÚA LÀ ĐẤNG GIẢI THOÁT
NHỮNG ĐIỀU THIẾU SÓT
KHÔN NGOAN CỦA CON CÁI SỰ SÁNG
HỘI ĐOÀN LEGIO TRONG GIÁO HẠT CỦ CHI 10 NĂM THÀNH LẬP CURIA
MẤT VÀ ĐƯỢC
ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA KITÔ
KHIÊM NHƯỜNG VÀ BÁC ÁI
“HÃY VÀO QUA CỬA HẸP”
CHUYỂN LỬA CHO LỬA BÙNG LÊN
SỐNG HAY TIẾN ĐẾN CHẾT?
TÌM GẶP CHÚA TRONG CẦU NGUYỆN
HÃY LÀ MATTHA VÀ LÀ MARIA
YÊU VÀ LÀM
DÂNG HIẾN LỄ
“HÃY NHÂN DANH NGƯỜI MÀ RAO GIẢNG”
CÁI MỚI CỦA TÌNH YÊU
LINH MỤC: MỤC TỬ VÀ CHIÊN (SUY TƯ NHÂN LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH)
CAN ĐẢM NHÌN VÀO MÌNH, ĐỪNG LÊN ÁN NGƯỜI
TÌNH YÊU CỦA CHÚA CHO TA NGHỊ LỰC
TỰ TIN ĐỂ THÊM NGHỊ LỰC
CHÚA GIÊSU LÀ CHỦ LỊCH SỬ
KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ KHÁM PHÁ SỰ THẬT
SỨ ĐIỆP ĐƯỢC BAN TRÊN MỘT DÒNG SÔNG
ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NHAU DỰA TRÊN VẬT CHẤT
NIỀM TIN – ĐỨC TIN
“KẾT NỐI” VỚI CHÚA
NÊN THÁNH TRONG PHỤC VỤ
LÒNG TRUNG THÀNH
TRÚT BỎ
NHỮNG CÚ NHẢY HOAN CA TÌNH THƯƠNG ( Lễ Sinh nhật thánh Gioan Baotixita )
THIÊN CHÚA DUY NHẤT BA NGÔI
XÂY DỰNG TRẦN THẾ
CHỈ CÓ YÊU NHƯ THẦY…
ĐỂ CÀNH NHO SINH HOA TRÁI
NIỀM VUI VÀ ĐỨC TIN PHỤC SINH
HẠT LÚA PHẢI CHẾT ĐỂ SINH KẾT QUẢ
GIÁ PHẢI TRẢ CHO LÒNG TIN

Chúa nhật III mùa Vọng

Đi theo Chúa, trung thành thờ phượng Chúa, là nhiệm vụ của con người. Hãy biết rằng, chỉ vì Thiên Chúa là Đấng Phải được tôn thờ mà tôi tôn thờ Người, chứ không phải vì bất cứ một lý do nào khác.

Bởi đó, nếu ai nghĩ rằng thờ phượng Chúa để được một cuộc sống dễ dàng, một sự bình an bảo đảm cho cuộc đời này, hay thoát khỏi những vây bũa của bệnh tật, của đói nghèo…, người đó thất bại. Chúa không hứa ban hạnh phúc trần gian. Ngược lại, Chúa mời gọi hãy vác thập giá đời mình theo Chúa, nghĩa là hãy chấp nhận mọi hoàn cảnh, mọi biến cố trong cuộc đời mà vẫn trung thành giữ vững đức tin.

Cuộc đời thánh Gioan Tẩy giả là bằng chứng. Suốt đời mình, Thánh Gioan đã trung thành thờ phượng Chúa, trung thành với sứ mệnh tiên tri Chúa trao phó. Ngài đã trung thành với ơn gọi đến nỗi bất chấp mọi nguy hiểm, bất chấp mọi quyền hành đe dọa mạng sống mình, dám lên tiếng phản đối cả tội lỗi của vua chúa, phản đối cả hoàng triều Hêrôđê Antipas.

Ngay đầu bài Tin Mừng, thánh Mathêô đã ghi nhận: “Lúc bấy giờ ông Gioan đang ở trong tù”, nghĩa là thánh Gioan đang phải nếm trải khổ ải bởi sự bị giam cầm gây ra. Thánh Gioan phải ngồi tù vì Hêrôđê Antipas muốn bịt miệng ngài, vì ngài dám chống lại việc nhà vua sống loạn luân với người chị dâu của mình.

Một con người trung thành với Thiên Chúa, với đức tin, với lề luật như thánh Gioan, lẽ ra phải được bình an, phải sống trong hạnh phúc, phải được cảm nhận về sự nâng đỡ của Thiên Chúa, thì ngược lại, thánh Gioan lại có một cuộc sống trần gian không bảo đảm chút nào.

Bài Tin Mừng cho biết thánh Gioan Tẩy giả đang bị cầm tù. Giống như chúng ta nhiều lần bị giao động khi đối diện với đau khổ. Trong lao khổ của nhà tù, hình như thánh Gioan đã bị giao động. Qua các môn đệ của mình, thánh Gioan đã phải nặng lòng cất tiếng hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”.

Như bao nhiêu người Dothái cùng thời, thánh Gioan đang mong mỏi Đấng Cứu Chuộc trần gian đến giải thoát con người. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện, mọi người đều hy vọng Chúa sẽ cứu dân của Người khỏi bàn tay bạo quyền, khỏi mọi áp bức, khỏi cảnh bị đô hộ.

Nhưng càng chờ đợi, càng hy vọng nơi Chúa, người ta càng mỏi mòn, bởi Chúa không làm một hành động nhỏ nào để giải thoát cuộc đời trần thế của dân chúng, mà chỉ hứa ban hạnh phúc xa xôi nào đó chỉ có ở đàng sau cái chết. Nhất là đối với bản thân, sống một đời yêu mến Chúa, bây giờ lại phải ngồi tù, mạng sống cũng đang bị đe dọa từng ngày, đã khiến thánh Gioan chới với hơn, chao đảo hơn.

“Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”. Nghe lời hỏi này, làm gợi nhớ trong ta tất cả những lời rao giảng của thánh Gioan đã từng rao giảng rất mạnh mẽ, rất dứt khoát, rất xác tín:

- Ngài coi biến cố Chúa đến là một biến cố biểu dương sức mạnh đến nỗi như người cầm rìu đốn ngã thân cây không sinh lợi ích và ném vào lửa (Mt 3, 10);

- Hoặc hình ảnh một người sàng sảy sân lúa và ném lúa xấu vào lửa (Mt 3, 12);

- Hoặc “Người (Đấng Thiên Sai) đến sau tôi, nhưng mạnh hơn tôi, tôi không đáng xách giày cho Người” (Mt 3, 11);

- Khi Đấng Thiên Sai đến, Người sẽ thanh tẩy tâm hồn con người “trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3, 11).

Đối với thánh Gioan, Đấng Thiên sai, quả thật, rất đáng sợ. Người không những mạnh mẽ, mà còn uy quyền, còn cao cả vô cùng.

Sự gợi nhớ này cho ta thấy, nơi nội tâm thánh Gioan đang diễn ra một cuộc chiến đấu đầy mâu thuẫn.

Đó cũng là một nội tâm trăn trở, dằn co, xung khắc. Một nội tâm hình như cũng không có bình yên như chính sự ngồi tù của thánh Gioan.

Một mặt, thánh Gioan vẫn biết và biết rất rõ, Đấng Thiên Sai là Đấng quyền năng, là Đấng xuất phát từ Thiên Chúa, là Đấng thống trị toàn dân, là Đấng được Thiên Chúa xức dầu phong vương trên trời dưới đất, vì thế không có bất cứ sức mạnh nào có thể sánh ví.

Mặt khác, nhìn vào thực tế, ngài cũng nhận ra Chúa Giêsu là chính Đấng Thiên sai của Thiên Chúa.

Nhưng những gì đang diễn ra thì không như thánh Gioan hiểu: Chúa Giêsu như chẳng có quyền hành gì, Chúa vẫn giữ im lặng trước bao nhiêu bất công, trước tình trạng một đất nước và một dân tộc là chính đất nước và dân tộc của mình đang bị đô hộ.

Đặc biệt hơn, nhiều người công chính, mà thánh Gioan là đại diện, bị cầm tù, bị tiêu diệt…

Nỗi hoang mang của thánh Gioan có lý do: Tại sao Đấng Thiên sai, Đấng Cứu tinh trần thế đã đến rồi, mà nhân loại vẫn cứ còn đó bao nhiêu thống khổ, bao nhiêu nghi nan, bao nhiều tối tăm giăng mắc và đè bẹp… Phải chăng còn phải chờ đợi Đấng cứu tinh trần thế nào khác, chứ không phải Người, Chúa Giêsu Kitô?

Những năm đầu mới lãnh nhận đức tin, tôi ngay thơ nghĩ rằng, các thánh là những người biết rõ thánh ý Chúa. Họ là những người mà khi cần, Chúa sẽ dùng trung gian, có khi là những trung gian rất thế giá (thiên thần chẳng hạn), mạc khải cho họ.

Với suy nghĩ ấy, đối diện cùng đau khổ của chính mình, tôi đã không ít lần ghen với các thánh.

Nhưng trải qua năm tháng trong đời sống đức tin, nhất là đọc nhiều mẫu gương các thánh, tôi càng hiểu ra rằng, các thánh không tự nhiên trở thành thánh. Các ngài là những anh hùng của đức tin, các ngài dọi sáng một đức tin kiên cường trong mọi cảnh huống của đời mình, dù trải qua và hứng chịu không biết bao nhiêu thăng trầm của đời sống.

Đặc biệt, khi phải vật lộn cùng thử thách đeo bám cả đời, các thánh vẫn một mực tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, dám ngã vào vòng tay Chúa để đi đến cùng của cuộc chiến đầy thương tích giành lấy đức tin.

Thánh Gioan Tẩy giả mà bài Tin Mừng nêu gương và chúng ta đang suy niệm về ngài, cũng không là trường hợp ngoại thường. Như các thánh của Hội Thánh, thánh Gioan đang bị thử thách. Và cuộc thử thách của thánh Gioan là cuộc thử thách liên quan trực tiếp đến chính mạng sống của ngài. Ngài biết rất rõ, kẻ thù có thể đi xa hơn, chứ không chỉ giam cầm trong nhà tù, trong cuộc bịt miệng ngài đối với lời chân lý mà ngài đã anh dũng loan báo.

Đúng như thế, trong cuộc thử thách này, ngài sẽ bị giết chết bởi âm mưu của bà Hêrôđia (chị dâu của vua Hêrôđê mà vua lấy làm vợ) và bàn tay vấy máu của Hêrôđê, một ông vua nhu nhược đã để cho người chị dâu, kẻ lăn loàn với mình, giật giây.

Ngoài ra, còn một yếu tố nữa, đó là dân tộc Dothái đang nô lệ dưới gót giày Lamã. Vì thế, sự nhiễu nhương của thời đại, cũng có thể là yếu tố tác động không nhỏ lên chính nội tâm của thánh Gioan.

Hiểu như thế, ta thấy câu hỏi “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” của thánh Gioan không đơn giản chỉ là câu hỏi cho cá nhân mình, nhưng còn phản ánh nỗi nhục nhằn, lời than thở của dân tộc, của tất cả những ai tin tưởng vào Chúa.

Đặc biệt, dân tộc Dothái, không những là dân của giao ước, của lời hứa, mà còn là dân riêng Thiên Chúa đã tuyển chọn. Dân Thiên Chúa tuyển chọn mà lại đày ải như thế sao? Còn đâu là quyền năng của Thiên Chúa, của Đấng “nhân danh Chúa mà đến”? Quả thật, nỗi hoang mang của thánh Gioan không nhỏ chút nào.

Câu hỏi “Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”của thánh Gioan, cũng chính là câu hỏi của chúng ta. Nhiều lần mất bình an, chúng ta đã nghi ngờ Chúa, trách móc Chúa: “Có Chúa không? Tại sao Chúa lại để tôi phải khổ sở thế này?”.

Đành rằng, chúng ta yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng hãy nhớ, theo Chúa không là nhung là lụa, là gấm vóc, nhưng theo Chúa là vác thập giá đời mình.

Hiểu như thế, chúng ta sẽ bắt chước thánh Gioan sống tiếp cuộc đời của mình và can đảm đón nhận tất cả những biến động trong cuộc đời ấy. Nếu thánh Gioan đã đổ máu cho đức tin, chúng ta cũng hãy sống cuộc sống tử đạo từng ngày, suốt đời mình.

Không chỉ thánh Gioan, nhiều anh chị em chân chính trong thời đại chúng ta, cùng là anh em với chúng ta, cùng mang lấy thánh giá như thánh Gioan và như chúng ta.

Chẳng hạn, vào khoảng gần giữa thế kỷ XX, khi mà nỗi đau diệt chủng của Đức Quốc xã đang lan tràn, thì nhiều tấm gương của nhiều anh chị em Công giáo sáng lung linh.

Người ta ghi nhận trường hợp của cha Gapp. Ngài là người Đức, đã bị cầm tù và chịu tử đạo trong nhà tù phátxit. Trọn một lòng trung thành với Thiên Chúa, ngài đã để lại những dòng chữ cuối cùng vào buổi sáng hôm bị hành quyết:

“Nơi đây, tôi đã chiến đấu đến cùng. Tôi đã bị bắt tám tháng qua chỉ vì bảo vệ đức tin Công giáo. Vào dịp lễ Thánh Tâm, họ đã tuyên án tử hình tôi. Tôi đã làm hết sức mình, chỉ vì một mục đích duy nhất là: mọi người được tự do đến với ơn cứu độ. Tôi đã chiến đấu cho đức tin bằng lời nói và hành động. Giây phút định đoạt đã đến với tôi để hành động một lần cho cả đời. Hôm nay là ngày hành quyết. Vào lúc 7 giờ, tôi sẽ trình diện trước mặt Đấng Cứu chuộc tôi, Đấng mà tôi đã hết lòng yêu mến. Xin đừng thương tiếc tôi. Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Nước Trời tồn tại… Tôi đã sống, không chút nghi ngờ, từng giây phút từ khi bị bắt cho đến nay… Tôi đã trải qua những ngày chìm ngập trong nỗi buồn âm u; nhưng tôi đã có cơ hội để chuẩn bị cho cái chết của tôi tốt hơn. Đổ máu cho Đức Kitô và cho Hội Thánh của Ngài là niềm khao khát của tôi” (Sách đã dẫn, Vietcatholic News, linh mục Phêrô Phạm Ngọc Lê).

Các thánh cũng như mọi Kitô hữu chấp nhận hiến dâng đời mình cho Chúa, là những anh chị em của chúng ta.

Họ được vẻ vang trong ánh sáng rạng ngời của chân lý, thì vẻ đẹp đó, không phải tự nhiên mà có, nhưng vẻ đẹp đó đã được mua với giá đắc là chính cuộc đời đầy bất ổn của họ.

Hãy bắt chước họ mà tiến lên trong tinh thần vâng phục và phó thác. Đừng tìm an thân, nhưng hãy lao vào cuộc chiến dành lấy phần thắng cho đức tin thêm lung linh, thêm tỏa sáng.

Hãy luôn tâm niệm rằng, theo đạo, giữ đạo và sống đạo là nhiệm vụ cao cả của mọi tín hữu, để trung thành với Thiên Chúa, Chủ tể đời mình.

Một khi theo Chúa, thì cũng sẽ nên giống như Chúa, hoàn thành cây thập giá không phải trong một ngày, một buổi, nhưng là suốt chiều dài của đời mình.

Bởi thế, chúng ta sẽ thất bại nặng nếu nghĩ rằng, đạo sẽ mang lại sự an thân cho ta trong cuộc sống này.

Nhưng trên hết, ta phải hiểu rằng, sự trả giá nào cũng đau đớn. Cuộc trả giá cho đức tin đòi ta chấp nhận sự đau đớn bằng nỗi đau thập giá, một nỗi đau khó có đủ lời diễn tả.

Ta hãy xác tín rằng, đạo là đường dẫn ta đi qua thử thách của đời này để vinh hiển bước vào đời vĩnh cửu.

Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm đón nhận thánh ý Chúa. Xin cho chúng con đừng nghi nan nhưng luôn tin tưởng và phó thác cho Chúa mọi hoàn cảnh của đời sống chúng con. Xin thánh Gioan, đấng đã trung thành gìn giữ đức tin suốt đời mình, cầu bàu cho chúng con trong mọi cuộc chiến bảo vệ đức tin của chính chúng con. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Tác giả: Lm. JB. Vũ Xuân Hạnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!