Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Phêrô Phạm Văn Trung
Bài Viết Của
Phêrô Phạm Văn Trung
Gắn kết với Chúa Giêsu như cành nho với cây nho
Mục Tử Nhân Lành đến để chúng ta được sống
“Anh em đến mà ăn!” (Làm sáng tỏ mầu nhiệm của thức ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu)
Một cuộc viếng thăm bất ngờ tuyệt vời
Phục Sinh và Ý Nghĩa Cuộc Đời (Chi tiết từ “Sự phục sinh” (1715) của Sebastiano Ricci.)
Cái chết không chiến thắng
Tin vào Chúa Phục Sinh đòi hỏi một thái độ xác tín
Chúa Kitô trút bỏ mọi vinh quang bằng lòng chịu chết vì yêu thương
Chúng ta là một dân tộc Phục Sinh
Khao khát gặp Chúa Giêsu
Chết đi để sống tình yêu đích thực
Niềm vui trong tình xót thương của Thiên Chúa
Thiên tính hiển vinh của Chúa Giêsu.
Suy niệm và sống Mùa Chay Thánh
Kẻ thù ngày nay và Nước Trời ngày mai
Trở lại cuộc đời thanh sạch
Tin cậy và phó dâng mọi sự cho Chúa
Cầu nguyện suy niệm dành cho những người dễ bị phân tâm
Hơn cả sự chữa lành
Bài học về thẩm quyền
Chúng ta tìm thấy Chúa ở đâu?
CHÚA QUAN TÂM TÔI LÀ AI, NGÀI KHÔNG QUAN TÂM TÔI CÓ GÌ.
VIỆC CHIÊM NIỆM CÓ DÀNH CHO MỌI NGƯỜI KHÔNG?
MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH
Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu
Hãy chọn Chúa Kitô và bước đi theo Ngài
Hãy thờ phượng Đức Vua
Đón Chúa theo gương mẫu của Mẹ Maria
Niềm vui được ánh sáng Chúa Kitô chiếu rọi
Cảm nghiệm niềm vui trong Chúa Kitô
Sám hối, thú tội và thanh tẩy đời sống để đón Chúa đến
Hãy canh chừng, hãy thức tỉnh
VƯƠNG QUỐC TÌNH YÊU CỦA VUA NHÂN LÀNH
ĐỜI SỐNG ĐẠO HẠNH VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT THA NHÂN
TẨY TRẮNG ÁO MÌNH TRONG MÁU CON CHIÊN
LÀM CHO NHỮNG YẾN BẠC SINH LỢI GẤP ĐÔI
TẠI SAO CHÚNG TA LẠI CHẾT?
NGỌN ĐÈN HẾT DẦU VÀ CƠN BUỒN NGỦ
PHỤC VỤ TRONG KHIÊM NHƯỜNG
KINH THÁNH CÓ ĐỀ CẬP DẾN LUYỆN NGỤC KHÔNG?
CÁI CHẾT KHÔNG CHIẾN THẮNG

 

“Sự Sống Lại của Chúa Giêsu là chân lý cao cả nhất của đức tin chúng ta vào Chúa  Kitô, với tính cách là một chân lý trung tâm đã được tin và thể hiện trong cuộc sống bởi cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, đã được lưu truyền bởi Thánh Truyền như chân lý nền tảng, đã được xác lập bởi các văn kiện của Tân Ước, và được rao giảng, đồng thời cùng với thập giá, như là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt Qua: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết. Nhờ cái Chết của Ngài, Ngài đã chiến thắng sự chết, Ngài đã ban sự sống cho những kẻ đã chết” (GLHTCG, số 638).

Không có sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, mọi hy vọng đều mất đi, và cái chết của Ngài chẳng có ý nghĩa gì. Sự Phục Sinh giúp chúng ta có thể chia sẻ sự sống mới của Ngài và theo sau là việc Chúa Giêsu lên Trời và sai Chúa Thánh Thần xuống. Chúng ta hãy xem xét một số chân lý cốt yếu về Sự Phục Sinh để hiểu được ý nghĩa của Sự Phục Sinh đó.

 

Một sự kiện lịch sử có thật

Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết vào một ngày giờ cụ thể. Điều đó đã xảy ra trong lịch sử và được nhiều người chứng kiến. Maria Mađalêna và những Maria khác là những người đầu tiên nhìn thấy Ngài. Ngay sau đó, một số Tông Đồ đã nhìn thấy Ngài. Một số nghi ngờ, chẳng hạn như Tôma. Những người khác nhìn thấy và tin ngay. Quá trình tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu là một quá trình phụ thuộc vào đức tin. Đức tin đến từ việc thấy và nghe. Nó xuất phát từ việc nghe kể về việc Chúa Giêsu còn sống và đối với một số người, họ đã thực sự nhìn thấy điều đó. Cuối cùng, hành động tin vào Sự Phục Sinh đòi hỏi hồng ân đức tin được soi dẫn. Và ân huệ đức tin này đã tạo ra sự hiểu biết về sự thật của Sự Phục Sinh. Nói cách khác, khi nghe hoặc nhìn, con người phải cởi mở đón nhận ơn Chúa Thánh Thần đang nói trong tâm hồn họ, mặc khải sự thật về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Vì vậy, mặc dù Sự Phục Sinh là một sự kiện có thật và mang tính lịch sử, nhưng nó chỉ được hiểu và tin một cách đúng đắn nhờ ân huệ Thiên Chúa nói với linh hồn con người.

 

Phục sinh hay được sống lại?

Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ trong cuộc sống trần thế của Ngài, bao gồm cả hành động đáng kinh ngạc là làm cho một số người sống lại sau khi họ chết. Chẳng hạn, Ngài đã khiến con gái của ông Giairô sống lại (Mc 5) và cũng làm cho Ladarô, bạn của Ngài, sống lại (Ga 11). Chúa Giêsu đã làm gì trong hai trường hợp này và nó khác với sự Phục sinh của Ngài như thế nào?

Trong cả hai trường hợp này, một người đã chết. Chúa Giêsu đến với họ sau khi chết, ra lệnh và họ sống lại. Họ vẫn giống như trước khi chết, mọi người đều nhận ra họ và họ có thể tiếp tục cuộc sống của mình. Điều này khác với những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu trong sự Phục Sinh của Ngài. Chúa Giêsu không chỉ sống lại. Ngài không chỉ tiếp tục cuộc sống mà Ngài đã sống. Không, Chúa Giêsu đã sống lại. Ngài đã đón nhận một cách thức sống mới. Bây giờ Ngài đã có một cơ thể được biến đổi và phục sinh. Thân xác cũ của Ngài đã được sống lại, nhưng khác hẳn. Với thân thể mới phục sinh này, Chúa Giêsu đã mang đến một sự hiện hữu tiềm tàng mới cho toàn thể nhân loại. Cơ thể mới này là vật chất nhưng cũng có thể xuất hiện và biến mất như đã được đưa tin. Nhiều người biết Ngài đã không ngay lập tức nhận ra Ngài trong trạng thái phục sinh mới này. Ngài đã khác. Ngài có thể ăn nhưng cũng bất ngờ xuất hiện sau cánh cửa đóng kín. Ngài mang những vết thương của cuộc đóng đinh nhưng không bị thương. Ngài nói và mọi người lắng nghe với trái tim rực cháy.

Điều quan trọng là phải hiểu điểm thiết yếu này của Sự Phục Sinh. Chúa Giêsu đảm nhận một cách hiện hữu thể lý mới. Đó là một sự hiện hữu hiện có dành cho tất cả mọi người cùng chia sẻ, vào Ngày Phán xét cuối cùng và sự sống lại của tất cả những người đã chết diễn ra. Tất cả thân xác của chúng ta sẽ được sống lại, và những người công chính sẽ được chia sẻ cách thức sống mới này. Trạng thái mới này là gì? Đó là trạng thái vinh quang. Đó là cuộc sống với một cơ thể mới được vinh quang. Chúa Giêsu vẫn còn thân xác vinh hiển này ở trên trời, và chính thân xác này đứng trước mặt Chúa Cha. Vì vậy, Chúa Giêsu không chỉ được sống lại trạng thái trước đây, Ngài còn được biến đổi sang sự hiện hữu vật chất mới mà tất cả chúng ta đều được định sẵn để chia sẻ!

 

Một công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi

Chúa Giêsu có quyền tự phục sinh, nhưng đó không chỉ là hành động của Ngài. Đây là một hành động của toàn thể Chúa Ba Ngôi. Đó là ý muốn của Chúa Cha và được thực hiện bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, như trong tất cả các công trình của Ba Ngôi, toàn bộ Ba Ngôi đều hoạt động như một. Ba Ngôi hợp nhất trong một ý chí thánh thiêng duy nhất vì một mục đích thánh thiêng.

Cũng thật quan trọng khi chỉ rõ rằng Sự Phục Sinh kết hợp chính nhân tính với Ba Ngôi theo một cách mới. Sự Phục Sinh mang trạng thái con người được phục sinh và vinh quang mới này vào cuộc sống của Thiên Chúa. Bản tính con người mới được phục sinh và vinh hiển giờ đây hoàn toàn được kết hợp với Chúa Kitô, và Ngài được kết hợp với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, điều này cho thấy sự hiệp nhất của nhân tính với toàn thể Ba Ngôi.

Điều này chỉ ra cùng đích và mục tiêu của toàn nhân loại. Giờ đây chúng ta có niềm hy vọng cho cuộc sống của chính mình là chia sẻ trạng thái vinh quang mới này của Sự Phục Sinh và sự kết hợp với Chúa Ba Ngôi. Chúng ta mong chờ điều này và hy vọng vào điều này. Và hy vọng không chỉ là điều chúng ta mong ước. Niềm hy vọng Kitô giáo đích thực là một nhân đức đặt nền tảng trên một số chân lý thần thiêng được mạc khải cho chúng ta. Chúng ta có niềm tin thực sự vào Sự Phục Sinh, và ân huệ đức tin này cũng tạo ra niềm hy vọng đạt được những gì chúng ta hy vọng. Đó là một niềm hy vọng và ước muốn hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi vì niềm hy vọng này được Thiên Chúa và thực tại của Sự Phục Sinh thông truyền cho chúng ta.

Sự Phục Sinh của Chúa Kitô cho chúng ta biết rằng toàn thể nhân loại giờ đây đã được kế hoạch của Thiên Chúa và hành vi Phục Sinh lịch sử này tiền định để chia sẻ một trạng thái sống vinh quang mới, thậm chí còn vượt xa ý định ban đầu của Thiên Chúa trong Vườn Địa Đàng. Giờ đây chúng ta được mời gọi chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa, hiệp nhất với Ngài trong một cuộc sống mới vinh quang. Điều này sẽ khiến chúng ta phấn khích, ngạc nhiên và kinh sợ!

 

Bức màn được vén lên—Sự thăng thiên

Ngay cả sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết trong thân thể mới phục sinh và vinh hiển của Ngài, mọi việc vẫn chưa trọn vẹn. Sách Giáo lý nói như thế này:

“Tính chất còn che giấu của vinh quang của Đấng Phục Sinh trong thời gian này được soi sáng qua những lời bí nhiệm Ngài nói với bà Maria Magđalêna: “Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’” (Ga 20,17). Điều này nói lên sự khác biệt của việc biểu lộ giữa vinh quang của Đức Kitô phục sinh và vinh quang của Đức Kitô được tôn vinh bên hữu Chúa Cha. Biến cố Lên Trời, vừa có tính lịch sử đồng thời vừa có tính siêu việt, đánh dấu sự chuyển đổi từ vinh quang này đến vinh quang kia” (GLHTCG, số 660)

Điều này có nghĩa là vinh quang của Chúa Giêsu, vinh quang của trạng thái phục sinh và vinh quang của Ngài, không thể được nhìn thấy trọn vẹn bằng mắt thường cho đến khi chúng ta cũng bước vào vinh quang của Thiên đàng. Vì thế, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ khác nhau một cách kín ẩn. Sự vinh hiển trọn vẹn của Ngài đã bị che giấu khỏi họ.

Hãy nhớ lại cảnh Chúa Biến Hình (Mt 17). Đây cũng là một sự mặc khải về thực tại này. Trong giây lát, Chúa Giêsu chỉ vén lên một phần bức màn vinh quang của Ngài, và các Tông đồ quá choáng ngợp đến nỗi họ ngã úp mặt xuống đất. Bây giờ hãy tưởng tượng chính Chúa Giêsu này, đang vui hưởng trạng thái con người còn được vinh quang hơn bội phần, với bức màn được vén lên hoàn toàn trên Thiên đàng! Điều đó ngoài sức tưởng tượng. Vì vậy, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là nhận ra rằng hiện tại chúng ta không thể nhận ra vinh quang của trạng thái vinh hiển của Chúa Kitô đang ở trên Thiên đàng. 

Nhưng đó chính là điều Ngài đang vui hưởng  lúc này. Bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha đến muôn đời. Chỉ ở đó bức màn vinh quang của Ngài mới được vén lên vĩnh viễn. Vì vậy, khi chúng ta tuyên xưng đức tin vào Sự Phục Sinh và Thăng Thiên của Ngài, chúng ta cũng tuyên xưng đức tin vào khía cạnh đặc biệt này. Và điều đó sẽ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao và sự mong chờ được gặp Ngài ở đó.

Chúng ta cũng nên lưu ý rằng Chúa Giêsu đã thăng thiên bằng chính quyền năng của Ngài. Điều này khác với những gì chúng ta tuyên xưng về Đức Maria, mẹ Ngài. Chúng ta nói rằng Mẹ đã được đưa lên Thiên đàng “xác hồn”. Điều khác biệt là Đức Maria đã được đưa lên Thiên Đàng bởi quyền năng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, là Thiên Chúa, đã thăng thiên theo thẩm quyền và quyền năng của chính Ngài. Tất nhiên, cũng như mọi hành động khác của Chúa Kitô, điều này được thực hiện trong sự kết hợp hoàn toàn với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hành động như một, nhưng cũng hành động riêng lẻ. Mỗi Ngôi tự do lựa chọn và hành động nhưng hành động trong sự kết hiệp khiến Ba Ngôi trở thành một. Đúng, điều này thật khó hiểu, nhưng chúng ta chỉ cần cố gắng nắm bắt thực tại một cách tốt nhất có thể. Điều đó sẽ được hiểu đầy đủ trên thiên đàng.

 

Bên Hữu Chúa Cha

Khi Chúa Giêsu thăng thiên, Ngài phải đi đâu đó. Ngài đã lên một “nơi” nào đó vì bây giờ Ngài ở trong hình dạng con người và thân thể được vinh hiển. Ý tưởng về một “địa điểm” này thật khó hiểu và khá nhiệm mầu. Thiên đàng ở đâu? Vị trí vật lý của Thiên đàng đó ở đâu? Thiên đàng đó có vượt ra ngoài vũ trụ không? Thiên đàng đó có ở trong vũ trụ không? Câu trả lời đơn giản là chúng ta thực sự không biết. Nhiều nhà thần học đã suy đoán về điều này, nhưng chúng ta sẽ không cố gắng đi tìm câu trả lời. Chỉ cần nêu ra câu hỏi và cứ để cho câu hỏi đó là một điều nhiệm mầu vẫn cần được tìm hiểu là đủ.

Nhưng chúng ta cũng có thể nói rằng “nơi” Chúa Giêsu lên tới là bên hữu Chúa Cha. Chúa Cha không phải là thể xác, nhưng đó là nơi Chúa Giêsu ngự, cả xác lẫn hồn. Việc ở bên hữu Chúa Cha đặc biệt cho thấy sự thật rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia và là Vua. Ngài ngồi trên “ngai” đó để cai trị toàn thể tạo vật. Và từ nơi đó Ngài sẽ cai trị mãi mãi. Một lần nữa, điểm mấu chốt ở đây là phải hiểu rằng hình ảnh bên hữu Chúa Cha là hình ảnh đặc biệt được trao ban để mạc khải cho chúng ta thẩm quyền vương đế duy nhất của Chúa Giêsu bây giờ và mãi mãi.

 

Sự trở lại trong vinh quang…và ân sủng của Ngài

Chúng ta nói điều đó vào mỗi Chúa nhật: “Ngài sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết…” Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Ngài sẽ trở lại như thế nào và khi nào? Để hiểu đúng điều này, chúng ta phải nhìn vào ba lần đến của Chúa Kitô.

Lần đến đầu tiên là tất cả những gì chúng ta đã nói đến cho đến bây giờ. Đó là sự nhập thể của Ngài. Ngài đến vào một thời điểm cụ thể, sinh ra, sống, chết và sống lại. Việc đến này đã trọn vẹn khi Ngài thăng thiên. 

Có một lần đến thứ hai mà chúng ta thường xuyên nói đến nhưng không phải lúc nào cũng gọi nó là “lần Chúa đến”. Đó là nơi chúng ta đang ở trong lịch sử cứu độ. Đó là Chúa Giêsu đến với chúng ta hàng ngày qua ân sủng. Đó là sự hiện diện của Ngài trong các Bí tích. Đó là sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong Giáo hội. Đó là sự thông hiệp của Ngài với chúng ta và là sự giúp đỡ của Ngài ban cho chúng ta qua đời sống cầu nguyện. Và đây là một lần Chúa đến thực sự!

Phần Giáo lý về Bí tích và Cầu nguyện cho thấy phạm vi đầy đủ của việc Chúa đến qua ân sủng này. Vì vậy, hiện tại, việc này đáng được đề cập và xác định là việc Chúa Kitô đến thực sự. Điều này quan trọng vì khi Chúa Giêsu lên trời, Ngài đã không bỏ rơi chúng ta. Phải chăng Ngài rời đi và nói với chúng ta rằng Ngài sẽ trở lại, rằng chúng ta sẽ không gặp phải vấn đề gì khi Ngài ra đi và Ngài rất mong được gặp lại chúng ta một ngày nào đó. Không phải thế, Ngài nói Ngài sẽ luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Điều đó có nghĩa là Ngài sẽ ở với chúng ta cho đến khi Ngài lần đến cuối cùng mà chúng ta sẽ nói tiếp sau đây. Nhưng việc Chúa đến qua ân sủng này là điều cần thiết giúp chúng ta hiểu được những gì Ngài nói và làm.

Khi Ngài ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài đã sai Thánh Thần đến và Giáo hội khởi đầu. Giáo hội cũng sẽ được đề cập trong Chương 7, nhưng điều quan trọng cần đề cập ngay bây giờ là Giáo hội là sự hiện đến thực sự của Chúa Kitô ở đây và bây giờ. Chính Chúa Giêsu, Vua và Đấng Mêsia, Đấng đang cai trị và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta một cách tích cực qua đời sống cầu nguyện, các Bí tích và phẩm trật. Chính Chúa Giêsu nói với chúng ta qua các Thánh, qua Kinh Thánh và qua nhau. Ngài đang sống và hoạt động trong thế giới của chúng ta ở đây và bây giờ, và Ngài đang thiết lập Vương quốc của Ngài ở đây và bây giờ. Chúng ta sẽ nói thêm về điều này sau. Bây giờ chúng ta hãy ngắm nhìn lần trở lại sau cùng và vinh quang của Ngài.

 

Thời kỳ phán xét

Lần đến thứ ba và cũng là lần cuối cùng là khi Chúa Giêsu trở lại Trần gian trong vinh quang huy hoàng. Đó sẽ là “ngày tận thế như chúng ta đã biết”. Đó sẽ là thời điểm Vương quốc vĩnh viễn của Ngài được thiết lập. Có nhiều điều để nói về thời điểm này trong lịch sử và thực sự rất thú vị để suy ngẫm.

Trước khi đọc tiếp, hãy mở Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo và đọc các đoạn 671–677. 

Ồ! Đó là chuyện tốt! Gần như đọc như một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầy điều kỳ diệu trong tương lai hấp dẫn thâm sâu. Sự khác biệt duy nhất là tất cả đều đúng, tất cả đều vinh quang và vượt xa mọi bí nhiệm mà chúng ta có thể hiểu được cho đến khi điều đó thực sự diễn ra. Và điều đó sẽ diễn ra vào một thời điểm xác định trong thời gian tới! 

Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu sẽ trở lại trong tất cả sự huy hoàng và vinh quang của Ngài. Một ngày nào đó Ngài sẽ trở lại trần gian, rực rỡ và vinh quang. Chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài và thế giới như chúng ta biết hiện nay sẽ đi đến hồi kết thúc. Vào thời điểm đó, Thiên Chúa sẽ thành lập Vương quốc vĩnh viễn của Ngài, và cả Trời và Đất sẽ hợp nhất làm một. Đó sẽ là “Trời mới và Đất mới” (Kh 21:1). Trời đất trước đây sẽ qua đi và trật tự mới sẽ được thiết lập.

Nhưng đó không phải là tất cả! Vào thời điểm đó tất cả những người chết sẽ sống lại. Đúng vậy, tất cả những người đã chết đều sẽ sống lại. Điều này có nghĩa là tất cả những người đã được “an nghỉ” ở nghĩa trang hoặc nơi khác sẽ được sống lại, được ban cho một cơ thể mới vinh quang và cơ thể đó sẽ được kết hợp lại với linh hồn của họ.

 

Sách Giáo lý cũng nêu rõ:

“Chúa Kitô vinh hiển, khi ngự đến vào lúc cùng tận thời gian để phán xét kẻ sống và kẻ chết, sẽ làm tỏ lộ những điều kín nhiệm trong các tâm hồn và sẽ trả lại cho mỗi người tuỳ theo các công việc của họ và tuỳ theo việc họ đã đón nhận hoặc từ chối ân sủng” (GLHTCG, số 682)

Đây là một ý nghĩ thú vị - và cũng hơi đáng sợ! Điều đó có nghĩa là tất cả những gì bị che giấu sẽ được đưa ra ánh sáng. Điều này có thể tốt hoặc xấu tùy thuộc vào những gì được ẩn giấu. Ý nghĩ đó sẽ khiến chúng ta vừa có chút sợ hãi thiêng liêng, vừa khiến chúng ta có niềm vui thánh thiện. Sự kính sợ thánh thiện thực sự là một ân huệ từ Chúa để giúp chúng ta loại bỏ bất cứ tội lỗi bí mật và ẩn giấu nào mà chúng ta đang mắc phải hoặc đã phải chiến đấu trong quá khứ. Vì thực tế một ngày nào đó mọi chuyện sẽ sáng tỏ nên chúng ta nên giải quyết nó ngay bây giờ để tội lỗi của chúng ta không còn nữa. Nếu chúng ta làm thế, ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng được biến thành nhân đức và ân sủng. Và rồi, vào lúc cuối cùng, ân sủng và nhân đức đó sẽ được thể hiện. Sự thể hiện nhân đức này của chúng ta sẽ là nguyên nhân của niềm vui thánh thiện không chỉ cho chúng ta mà còn cho những người khác mà niềm vui đó được biểu lộ.

Khi đó, chúng ta sẽ bị phán xét dựa trên những gì có trong lương tâm của chúng ta. Chúng ta sẽ không còn chỉ là bề ngoài nữa. Chúng ta sẽ không thể tỏ ra tử tế và giả vờ là một người không phải là mình. Sự thật trọn vẹn sẽ lộ ra và sẽ được biểu lộ cho mọi người thấy theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Một điều cần lưu ý nữa là vào Ngày Phán xét Cuối cùng, ngay cả những người ở hỏa ngục cũng sẽ sống lại. Tại sao? Bởi vì là con người, chúng ta phải vĩnh viễn gắn kết với cơ thể của mình. Về bản chất, chúng ta là thể xác và linh hồn. Vì vậy, ngay cả người ở hỏa ngục cũng sẽ nhận lại được thi thể của mình. Nhưng đáng buồn thay, khi đó họ sẽ phải chịu đau khổ đời đời không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả về thể xác. Chúng ta không biết điều này thực sự là gì. Nhưng đó sẽ là một nỗi đau mất mát thực sự. Đánh mất Thiên Chúa và mất mát cả thể xác và linh hồn vì họ sẽ không thể chia sẻ sự sống với Thiên Chúa. Điều này có vẻ khắc nghiệt và không công bằng, nhưng chúng ta nên nhắc nhở bản thân rằng Thiên Chúa hoàn toàn công bằng và yêu thương trọn vẹn và cho dù sự mất mát vĩnh viễn và đau khổ vĩnh viễn này như thế nào thì điều đó vẫn đúng và chính đáng.

Cuộc sống mới này sẽ như thế nào đối với những người được chia sẻ sự sống lại vào cuộc sống mới? Đó sẽ là cuộc sống với Chúa, về thể chất và tinh thần, cũng như cuộc sống với nhau. Sách Khải Huyền nói một cách tượng trưng về cuộc sống mới này như một thành phố nơi Thiên Chúa ngự trên ngai ở trung tâm thành phố. Ánh sáng tỏa ra từ Ngài nên không cần mặt trời hay mặt trăng. Đường phố bằng vàng rực rỡ. Những cánh cổng chứa đầy đá quý. Và nhiều hơn nữa. Ngôn ngữ biểu tượng này không nên hiểu theo nghĩa đen; đúng hơn, nên được xem như một hình ảnh giúp chúng ta hiểu được vẻ đẹp, sự huy hoàng và sự tráng lệ của cuộc sống đang chờ đợi chúng ta. Đó là Trời mới và Đất mới. Tôi nóng lòng chờ đợi!

 

Các thi thể hỏa táng cũng sẽ trỗi dậy?

Một lưu ý thú vị về điều này là phong tục chôn cất của chúng ta trong nghĩa trang. Đầu tiên, như chúng ta đã đề cập, chúng ta nói người đó đã được “an nghỉ”. Ngôn ngữ này xuất phát từ niềm tin rằng cái chết là tạm thời. Mỗi thân xác đều đang trong “giấc ngủ của cái chết” và chờ đợi sự phục sinh cuối cùng đó. Ở các nghĩa trang Công giáo, một số nơi còn có tục chôn người chết quay mặt về hướng Đông. Lý do cho điều này là vì “Phương Đông” được cho là nơi Chúa Giêsu sẽ trở lại. Có lẽ đó chỉ là biểu tượng. Theo nghĩa đen, chúng ta thực sự không có cách nào biết được Lần Tái Lâm này sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng như một hành động đức tin, chúng ta chôn cất những người thân yêu của chúng ta ở một tư thế để khi họ sống lại, họ sẽ đón mừng Chúa Giêsu trở lại.

Một số người có thể tò mò về những người đã được hỏa táng hoặc chết trong một vụ hỏa hoạn hoặc theo cách nào khác dẫn đến việc thi thể bị tiêu hủy. Điều đó thật dễ dàng. Nếu Chúa có thể tạo ra Vũ trụ từ hư không, thì Ngài chắc chắn có thể tập hợp mọi hài cốt trên trái đất lại với nhau bất kể những hài cốt này ở đâu và dưới hình thức nào. Nhưng điều đó đưa đến một vấn đề thú vị cần phải giải quyết liên quan đến việc hỏa táng.

Ngày nay, việc hỏa táng ngày càng trở nên phổ biến. Giáo hội cho phép hỏa táng nhưng bổ sung một số hướng dẫn cụ thể về hỏa táng. Mục đích của những hướng dẫn này là bảo vệ niềm tin của chúng ta vào sự sống lại của thân xác. Điểm mấu chốt là khi ý định hỏa táng không hề mâu thuẫn với niềm tin vào sự sống lại của thân xác thì việc hỏa táng vẫn được cho phép. Nói cách khác, những gì chúng ta làm với hài cốt trần thế của mình sau khi chết, hoặc những gì chúng ta làm với hài cốt của những người thân yêu của chúng ta, sẽ biểu lộ những gì chúng ta tin tưởng. Vì vậy, những gì chúng ta làm phải phản chiếu rõ ràng niềm tin của chúng ta. Hãy lấy một ví dụ để minh họa. Nếu ai đó được hỏa táng và muốn rắc tro của họ ở một sân vận động vì họ là một người hâm mộ cuồng nhiệt của đội bóng đó và muốn luôn ở bên đội bóng đó, thì đây sẽ là một vấn đề liên quan đến đức tin. Tại sao? Bởi vì rắc tro như vậy không làm cho một người nên một với đội bóng đó. Hơn nữa, khi làm điều gì đó như thế này, người ta không thèm quan tâm đến sự thực là họ sẽ được an nghỉ với hy vọng và niềm tin vào sự sống lại trong tương lai của họ.

Nhưng có một số lý do thực tế đôi khi chấp nhận việc hỏa táng. Việc hỏa táng có thể ít tốn kém hơn và do đó, một số gia đình cần cân nhắc vì chi phí tang lễ cao, việc hỏa táng có thể cho phép các cặp vợ chồng được chôn cùng nhau trong cùng một ngôi mộ, có thể cho phép gia đình mang hài cốt người thân của họ dễ dàng hơn đến một vùng khác của đất nước nơi sẽ diễn ra lễ chôn cất cuối cùng (chẳng hạn như ở quê nhà nơi họ sinh ra). Trong những trường hợp này, hỏa táng chỉ là lý do thực tế chứ không phải bất cứ lý do gì liên quan đến đức tin.

Đây là một phần của toàn bộ nghi lễ Công giáo phản chiếu cái chết, sự an táng và sự phục sinh của chính Chúa Giêsu. Vì thế việc an táng cũng là vấn đề đức tin.

 

Người dịch: Phêrô Phạm Văn Trung,

theo https://mycatholic.life

Tác giả: Phêrô Phạm Văn Trung

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!