1. MÔI TRƯỜNG SỐNG HÔM
NAY.
Nhân loại đang sống trong
thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ
4 (Lần 1 năm 1787, cách mạng hơi nước; lần 2 năm 1870, cách mạng phát minh điện;
lần 3 1970 cách mạng internet; lần 4, năm 2013 trí tuệ nhân tạo robot, tự động
hóa)…
Tuy nhiên, ta thấy nhân
loại càng văn minh tiến bộ bao nhiêu, thì xã hội loài người lại càng có nhiều
vấn nạn và thách đố nghiêm trọng bấy nhiêu!
2. NHỮNG THÁCH ĐỐ.
Những thách đố nghiêm
trọng, trong môi trường chúng ta đang sống. Xin điểm qua một số vấn đề nổi cộm
đang thách đố nhân loại hôm nay:
Tình trạng vô gia cư (homelessess),
tình trạng khủng bố (terrorism), tình trạng phá thai (abortion), tình trạng chảy
máu chất xám (brain drain), thói quan liêu (bureaucracy), tình trạng lạm dụng
trẻ em (child abuse), quyền công dân (civil rights), tình trạng sống thử (
cohabitation), nạn tham nhũng (corruption), tình trạng bạo lực gia đình
(domestic violence), tình trạng an ninh lương thực (Food security), nhân quyền
(Human right), nạn buôn người (Human trafficking), nạn mù chữ (illieracy), tội
phạm vị thành niên (Juvenile delinquency), suy dinh dưỡng (Malnutrition), chủ
quyền quốc gia (Nationl Sovereignty), sự già hóa dân số (Population), cảnh nghèo
khổ (Poverty), nạn mại dâm (Prostitution), nạn phân biệt chủng tộc (Racism), nạn
hôn nhân đồng tính (Sam-sex marriage), nạn buôn lậu (Smuggling), nạn bất bình
đẳng xã hội (Social inequality), phúc lợi xã hội (Social welfare), nạn tự tử
(Suicide), nạn trốn thuế (Tax evasion), nạn mang thai vị thành niên (Teen
pregnancy), nạn thất nghiệp (Unemployment)…
Môi trường sống tại Việt
nam, cũng không thoát khỏi những vấn nạn xã hội đã nêu trên. Tuy nhiên, trong
phạm vi của bài nói, tôi chỉ nêu ba thách đố nổi cộm nhất ở Việt Nam hôm nay. Đó
là:
· Nạn phá
thai,
· Sự dối
trá,
· Không,
hoặc mất tin tưởng vào Thiên Chúa.
2.1 Tệ nạn ly hôn, nạo
phá thai ngập tràn trong xã hội; quyền
sống con người không được tôn trọng.
Ly hôn đang diễn ra khắp
mọi nơi trên thế giới, Việt Nam cũng không tránh khỏi, hệ quả thì khôn lường.
Biết bao gia đình tan hoang, con cái nheo nhọc, bơ vơ đầu đường xó chợ, bến xe,
gầm cầu…
Xin nêu những thống kê báo
động như sau:
Mười nước có số liệu ly
hôn nhiều nhất trên thế giới: 1. Bỉ 71%; 2. Bồ Đào Nha 68%; 3. Hungary 67%; 4.
Cộng Hòa Czech 66 %; 5. Tây Ban Nha 61%; 6. Luxembourg 60; 7. Estonia 58%; 8.
Cuba 56%; 9 Pháp 55%; 10. Mỹ 53%. (Vn. Economy 05/08/2016).
Còn Việt Nam, tệ nạn ly dị,
đặc biệt các gia đình trẻ từ 21 tuổi đến 30 tuổi thì ngày một nhiều hơn. Xin
trích dẫn một nghiên cứu xã hội của TS. Nguyễn Minh Hòa.
“Theo công trình nghiên
cứu xã hội học của TS Nguyễn Minh Hòa, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ
Chí Minh, tỷ lệ ly hôn/kết hôn ở Việt Nam là 31, 4%, tức là cứ ba cặp kết hôn,
lại có một cặp ly hôn. 60% các cặp ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ
chồng chỉ từ 21 đến 30, trong đó 70% số vụ ly hôn khi kết hôn từ 1 đến 7 năm và
hầu hết đã có con”.
(Theo báo Tri Thức trực
tuyến 27/11/2015: chủ đề báo động vợ chồng trẻ ly hôn).
Một điểm vô cùng tàn ác,
vô nhân đạo, và thật đau buồn, Việt Nam đang là một trong năm nước dẫn đầu về
nạn nạo phá thai trên thế giới, xin nêu cụ thể:
1. Trung Quốc 7, 93 triệu
ca/năm; 2. Nga 2, 28 triệu ca/năm; 3. Việt nam 1, 52 triệu ca/năm 4; Mỹ 1, 4
triệu ca/năm; 5. Ukraina 0, 6 triệu ca/năm. Việt Nam, tuy đứng thứ ba, nhưng xét
số ca nạo phá thai trên dân số, thì Việt Nam đã vượt Trung Quốc và Nga. Thật
khủng khiếp!
(Trung Quốc: 7.930.000ca:
1.300.000.000 dân = 0, 006; Việt Nam 1.520.000 ca: 90.000.000 dân = 0, 0168). (Tổ
chức Y tế thế giới, Vn. Express 27/9/2017).
2.2 Tệ nạn dối trá,
thiếu trung thực, chỉ vì tiền.
Tại Việt Nam ngày nay, sự
trung thực, thật thà đã trở thành của hiếm; sự dối trá trở thành phổ thông trong
xã hội. Về điểm này, các phương tiên thông tin đại chúng đã nêu khắp nơi, thậm
chí người ta còn đùa cợt bằng những câu vè dân gian: “Thật thà thì thua thiệt,
lươn lẹo lại lên lương”. Tất cả chỉ vì đồng tiền: “Tiền là tiên là phật;
là sức bật của tuổi trẻ; là sức khỏe của tuổi già; là cái đà của danh vọng; là
cái lọng để che thân; là cán cân công lý…” Nghe mà tê tái chua xót biết bao!
Sự gian dối trong xã hội,
từ chuyện nhỏ như cân thiếu cần thừa; hàng thật hàng giả; thịt cá tôm bơm nước,
gài đinh cho nặng ký, đến những vụ chạy trường, chạy chức, chạy quyền, tham
nhũng lên hàng chục ngàn tỉ. Giới thẩm quyền đã phải thột lên là: “Tham những
là quốc nạn”. Hay đã thú nhận là “Quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”
(Thời báo Tài chánh 02/04/2016).
Điều đau xót hơn cả là nạn
dối trá, lừa bịp gian lận, tham nhũng đã xâm nhập đến hai lãnh vực, mà từ trước
tới nay dân tộc ta, xã hội ta vẫn dành sự yêu mến và kính trọng. Đó là ngành Y,
ngành cứu người và đào tạo những “Lương y như từ mẫu”; và ngành Giáo dục,
ngành dạy người biết sống nhân bản, và là bộ máy cái sản sinh ra các bộ phân
khác trong xã hội. Sự gian lận trong các vụ thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn…năm
2018 là một thí dụ…
Nhưng mối hiểm họa, lớn
nhất theo tôi. Đó là:
2.3 Người ta chạy theo
vật chất, lạc thú, quay lưng, chối bỏ lòng yêu thương của Thiên Chúa.
Một thực trạng, và cũng là
nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự ly hôn, nạo phá thai, dối trá, tham những, chính
là con người đã quay lưng lại với lòng yêu thương vô bờ của thiên Chúa. Họ đã
chạy theo vật chất, tiền tài, danh vọng, lạc thú một cách bất chính, và lòng
tham trở nên vô đáy, với lối sống thực dụng. Họ không còn tin tưởng, yêu mến
Thiên Chúa; không yêu thương anh em đồng loại mình như Chúa đã yêu thương chúng
ta. Hai điều cốt lõi chúa đã truyền dạy loài người trong Mười Điều Răn.
Hiện tượng đó, không phải
chỉ diễn ra nơi những người chưa biết Chúa, tôn thờ chủ nghĩa vật chất, mà còn
xẩy ra ngay nơi một số những người đã biết Chúa.
3. NGUYÊN NHÂN CỦA
NHỮNG VẤN NẠN
3.1 Thực trạng xã hội,
nguyên nhân gần:
Trong thư chung của Hội
Đồng Giám Mục cũng đã chỉ ra một trong những nguyên nhân đó là xã hội hôm nay có
nhiều tiêu cực, đặc biệt là sự suy thoái đạo đức: “Làm sao không có thể âu lo
trước tình hình đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về
số lượng mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi
giới trẻ! Làm sao vui được trước sự hoành hành của tệ nạn tham những, vốn từ lâu
đã được coi là quốc nạn, nhưng đến nay vẫn không hề suy giảm”.
3.2 Vấn đề giáo dục,
nguyên nhân xa:
Một nguyên nhân sâu xa hơn,
đó là vấn đề giáo dục. Hiện tại, tương lai của một dân tộc, một đất nước thịnh
hay suy, mạnh hay yếu, chậm tiến hay phát triển tùy thuộc phần lớn vào nền giáo
dục. Câu nói “xã hội nào giáo dục đó” đã trở thành quen thuộc với nhiều
người.
Giáo dục của nước ta còn
nhiều bất cập như nhận định của HĐGMVN trong thư chung năm 2007: “Trước hết
phải kể đến những lệch lạc trong quan niệm về giáo dục. Do não trạng duy kinh tế,
nền giáo dục gia đình đang bị khủng khoảng…Chủ nghĩa khoa bảng cũng đang gây ra
nguy cơ cho gia đình và thái độ háo danh…Học sinh đến trường đối phó với thi cử
hơn là học làm người…”. Và một nhận định khác: “Phải đau đớn mà nói rằng
vì chúng ta thiếu hẳn một triết ký giáo dục mang tính nền tảng và chiến lược lâu
dài” (UB Công Lý& Hòa Bình/ HĐGMVN, 22-05-2012).
Gần đây nhất, trong thư
mục vụ tháng 5 và tháng 6, năm 2019, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục giáo
phận Long Xuyên, chủ tịch Ủy Ban Giáo Dân, trực thuộc HĐGMVN đã viết:
“Nhìn chung, trước hết
con người thời nay quá bận rộn tìm kiếm những giá trị trần thế để chiếm hữu và
hưởng thụ những khoái lạc trần gian, hơn là dấn thân cho những giá trị tinh thần
và tâm linh để hoan hưởng hạnh phúc đích thực của cuộc sống. Kế đến là thanh
thiếu niên ngày nay xem ra được cung phụng nên trở thành ích kỷ, và chỉ nghĩ đến
quyền lợi tích lũy cho riêng minh mà không quan tâm đến bổn phận trao tặng cho
tha nhân”.
Có thể nói, xã hội loài
người ngày nay đang tự tạo ra muôn vàn thảm cảnh bi đát, đầy thách đố đe doa đến
hạnh phúc, và sự sống còn của nhân loại. Đó chính là vì, người ta đã không tin
thờ Thiên Chúa, hoặc đã biết, nhưng vẫn quay lưng lại với tình yêu của Thiên
Chúa. Điều này, cũng đã được chính ông Eduardo Bonnin, vị sáng lập Phong trào
được Đặc Sủng đã nhận ra ngay từ những ngày đầu Phong trào được hình thành, khi
ông dành thời gian “Nghiên cứu môi trường” vào đầu thập niên 50 của thế
kỷ trước.
4. HƯỚNG KHẮC PHỤC
4.1 Thực hiện mục đích
của Phong trào trong cuộc sống.
Là một Cursillista, trước
những vấn nạn và thách đố của xã hội, chúng ta cần hiểu rõ và thực hiện mục đích
của Phong trào Cursillo, mà chúng ta đang tham gia.
Trong cuốn Tư Tưởng Nền
Tảng 3 đã chỉ rõ mục đích của Phong trào như sau:
“Mục đích của phong
trào Cursillo để giúp tha nhân sống những điều căn bản hầu trở nên người Kitô
hữu đích thực, giúp khám phá, tôn trọng và chu toàn ơn gọi riêng của mình, để
thúc đẩy những người Kitô hữu nòng cốt hầu làm dậy men môi trường bằng tinh thần
Phúc Âm” (Điều 95 TTNT3).
Như thế, mục đích của
Phong trao đã chỉ ra hai phần rõ ràng:
Giúp ta trở nên một Kitô
hữu đích thực, và làm dậy men môi trường bằng tinh thần Phúc Âm.
4.2 Điểm thứ nhất: trở
nên một Kitô hữu đích thực
Trong sách TTNT3 cũng đã
chỉ cho chúng ta:
“Có nhiều phương cách
khác nhau để diễn tả những điều căn bản hầu trở nên người Kitô hữu đích thực.
Những phương thức này hiện hữu trong các hoạt động truyền giáo khác nhau. Trong
Phong trào Cursillo, sống căn bản thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong những
thời điểm khác nhau như: Ba Cuộc Gặp Gỡ, Bí Tích Rửa Tội, Ân Sủng, và Nhiệm Thể
Chúa Kitô”.
Trong Khóa CLW2 được tổ
chức tại Tổng giáo phận Sài Gòn năm 2018, cha Anton Hà Văn Minh, linh hướng
Phong trào Cursillo Việt Nam đã trả lời thật rõ ràng và đầy đủ:
Những yếu tố cần thiết để
một Cursllista trở thành một Kitô hữu đích thực.
Và Quí cha linh hướng các
giáo phận thường nhắc nhở chúng ta:
“Muốn Loan Báo Tin
Mừng, trước hết phải thánh hóa bản thân”.
Tư tưởng: “Tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Khổng Tử trong sách Đại Học cũng rất phù
hợp với ý tưởng của Phong trào.
4.3 Điểm thứ hai: Làm
dậy men môi trường bằng tinh thần Phúc Âm.
Trong sách Cảm Nang Lãnh
Đạo còn cho chúng ta biết rõ hơn mục đích tối thượng của Phong trào: “Xây
dựng cột sống Kitô giáo trong xã hội, với những người sống những điều căn bản để
trở nên Kitô hữu đích thực. Đó là yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, để sống cuộc
sống hàng ngày của họ, cùng một lúc củng cố ba cuộc gặp gỡ ấy. Do đó mục tiêu
của Phong trào không phải là “thuyết giảng” Phúc Âm, và trở thành những chuyên
gia về Thánh Kinh, nhưng để trở thành Tin Mừng, và một cách tự nhiên, mọi hành
động của chúng ta sẽ có tác dụng truyền giáo, trong đời sống hàng ngày chúng ta
(như gia đình, khu xóm, nơi làm việc, cuộc sống xã hội và ở bất kỳ nơi
nào ta sống một phần lớn cuộc đời của mình).
Như thế, muốn cải tạo xã
hội, thì trước tiên từng anh chị em Cursillista phải biến đổi mình trở thành một
Kitô hữu đích thực. Mỗi anh chị em phải là chứng nhân cho sự công bằng, bác ái,
yêu thương, sống tình bằng hữu thân ái với anh chị em mình, và với mọi người, kể
cả những người không quí mến ta. Mặt khác, ta phải tôn trọng chính bản thân ta,
một thân xác do chính Chúa tạo dựng giống hình ảnh của người; biết tôn trọng tạo
vật; và trên hết phải hết lòng yêu mến Thiên Chúa.
Những cố gắng của từng cá
nhân, của từng nhóm thân hữu trong Phong trao trong cuộc sống Ngày Thứ Tư sẽ
chính là men, là muối và là ánh sáng trong môi trường sống có nhiều thách đố này.
Xin nêu một vài thí dụ, sự
cố gắng của cá nhân, và tập thể:
4.4 “Tôn trọng, bảo vệ
và thực hiện sự trung thực ”
Anh Sáng, một Cursillista
từ năm 1973, chủ tiệm vàng, bạn rất thân với tôi ở Cần Thơ kể rằng: Sau năm
1975, vàng ở nhiều nơi, người ta làm bát nháo lắm. Đủ loại vàng, từ 4 số 9 rồi
đến 9t9 , 9t8, 9t7, 9t6, 9t 5…Phần thiệt luôn thuộc về người tiêu dùng. Anh Sáng
quyết định chỉ làm hai loại vàng, một loại 4 số 9 và loại 9 tuổi 8*. Anh mua máy
đo tuổi vàng, mỗi chiếc nhẫn làm ra anh có đóng tuổi vàng. Một ngày kia, 3 người
thợ bạc, từ chiều đến nửa đêm đã đập được kha khá số nhẫn, để bán hôm sau. Khi
kiểm tra lần cuối, trước khi đưa số vàng bán ra thị trường, anh phát hiện vàng
chỉ đạt 9 tuổi 7. Anh quyết định phải làm lại tất cả số nhẫn đã làm. Một vài
người thợ bàn lui “làm lại cực lắm chú ơi, phải thức tới sáng”. Anh Sáng
nói: “Không được, cực cũng phải làm lại”. Rồi anh Sáng kể thêm cho tôi
nghe, chính anh giữa đêm khuya mưa gió, anh phải chạy xe Honda đến một tiệm vàng
một người bạn, cách tiệm anh gần 10 km, chia lại số vàng 4 số 9, để bù vào số
vàng mới có 9 tuổi 7,để vàng đạt đúng 9 tuổi 8. Anh Sáng còn kể: Con trai anh
khi bảo về luận văn Thạc Sĩ ngành kinh tế năm 1999 đã chọn đề tài: “Đổi mới
phương pháp kinh doanh vàng bạc, để tạo sự công bằng trong xã hội”. Kết quả,
luận văn được chấm ưu điểm. Luân văn đang được áp dụng rộng rãi hôm nay…
Với cách làm và bảo vệ sự
trung thực của anh Sáng, sự công bằng trong mua bán vàng cho cả vùng đồng bằng
Sông Cửu Long và nhiều noi dần dần được trở lại.
4.5 Bảo vệ sự sống:
Thăm nghĩa trang thai nhi
Nhóm Cursillistas tại giáo
xứ Ngọc Thạch, giáo hạt Vĩnh Thạnh, giáo phận Long Xuyên, trong việc tìm hiểu
môi trường mình đang sống, đã đến một nghĩa trang chôn cất thai nhi tại giáo xứ
Tân Long, với hơn 2000 giáo dân thuộc ấp 2A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, Tỉnh
Kiên Giang. Ban Hành giáo của giáo xứ đã cho chúng tôi biết: trong khoảng 5 năm
trở lại đây, giáo xứ có một số người tình nguyện vượt qua bao khó khăn …đi gom
thai nhi từ khắp nơi về chôn. Mỗi mộ phần, có thể chôn nhiều thai nhi, mộ phần
nhiều nhất là 5016 thai nhi. Chúng tôi đếm hơn 20 mộ phần, với hơn 50.000 thai
nhi được chôn cất. Nơi đây, hàng tuần vào sáng thứ bảy đều có lễ chôn cất thai
nhi.
Có một bà mẹ ngoài việc đi
gom thai nhi từ 3 giờ sáng hàng ngày, bà đã khuyên can được tám người không phá
thai. Bà mẹ đó đã sẵn sàng nuôi hết 8 đứa con hiện từ 2 đến 6 tuổi, khi 8 bà mẹ
kia sau khi sanh con đã bỏ con lại và đi mất!
Buổi tìm hiểu “nghĩa trang
thai nhi” đã đánh động, và mở rộng tầm nhìn đến từng người trong nhóm thân hữu
chúng tôi rất lớn. Nhờ đó mà cách sống Ngày Thứ Tư trở nên hiệu quả, và ý nghĩa
hơn…
4.6 Chúa Ki tô là giải
là giải pháp duy nhất cho những vấn nạn xã hội
Ngày nay, các chuyên gia,
các nhà hữu trách, những người thiện tâm thiện chí khắp nơi đang cố gắng tìm
cách hạn chế, hoặc xóa đi những vấn nạn của xã hội, như mở các trại cải tạo
người nghiện ma túy; các trung tâm bảo trợ xã hội; các cơ sở từ thiện…nhưng
chúng ta thấy nhan nhản người ăn xin trên đường phố, thậm chí xuất hiện nhiều kẻ
vô lương tâm, sử dụng trẻ em khuyết tật, những người già yếu để làm công cụ kiếm
tiền cho họ…
Điều này chứng tỏ là cách
giải quyết của con người đã thất bại. Vì căn nguyên những xáo trộn của thế giới
chính là do con người tách ra khỏi Thiên Chúa.
Chính thế, mà trong Rollo
3 Khóa Ba Ngày của Phong trào Cursillo:
“Người Giáo Dân Trong
Giáo Hội và Trong Trần Thế” đã xác quyết là:
Chúa Kitô là giải là
giải pháp duy nhất cho những vấn nạn xã hội
Quả thực như thế, chính Mẹ
Teresa Calcutta đã mời gọi chúng ta:
“hãy đến với Giêsu để
bắt đầu nếm thử tấm bánh của Ngài, vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an”.
Và chính Chúa đã dạy chúng ta là “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống,
không ai đến được với Cha. Mà không qua Thầy” (Ga 14,1-6) và chính “Thiên
Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,16)
5. PHẦN KẾT LUẬN
Thắp một ngọn nến, thay
bằng ngồi đó nguyền rủa bóng tối.
Chúng ta đang sống trong
một xã hội với biết bao thách đố, như đã phân tích trên, nhưng chúng ta không
thể ngồi đó để nguyền rủa bóng tối, ngược lại trong sự yêu mến và tin tưởng
tuyệt đối vào Thầy Chí Thánh Giêsu, hãy thắp nên một ngọn nến, thì tin chắc rằng
ít nhiều bóng tối sẽ được xua tan. Bởi lẽ, Phong trào cũng khẳng định rằng: “Tôi
với Chúa Kitô là một đa số tuyệt đối.”
Việt Nam với hơn 5000
Cursillistas đã trải qua giai đoạn Tiền Cursillo (Những người tìm Chúa Kitô);
cùng trải qua Khóa Ba Ngày (Những người gặp Chúa Kitô), và đang sống Ngày
Thứ Tư Hậu Cursillo (Những người theo Chúa Kitô).
Chúng ta cùng hân hoan,
nhiệt thành đi loan báo Tin Mừng cho muôn người, muôn nơi bằng chính đời sống
chứng nhân của mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng nhau thực hiện lời dạy của
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII:
“Người Kitô hữu là niềm
vui - vui cho Thiên Chúa và vui cho tha nhân” (Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII),
quê hương ta sẽ được đổi mới trong sự quan phòng của Thầy Chí Thánh.,.
Inhaxio Đặng Phúc Minh