Từ muôn thuở, sống chung đã là một bản năng tự nhiên mà Tạo Hóa phú cho muôn loài. Người ta còn gọi đó là: sống “bầy đàn”. Tục ngữ Việt nam có câu:
“Ngựa chạy có bầy, chim bay có đàn”
Mỗi loài, lại còn phải tìm cách thích nghi với thiên nhiên và đấu tranh với các loaì khác theo các qui luật: mạnh được yếu thua, tiến hóa… để sinh tồn...
Loài chim Godwit bay liên tục, vượt đoạn đường cả mười ngàn km trong hơn 10 ngày, từ bang Alaska của Hoa Kỳ giáp Canada vào mùa thu, hầu tránh cái lạnh dưới 0 độ, để tìm sự ấm áp nơi đất nước Newzealand, và Đông Nam Australia. Khi mùa xuân về, chúng lại thực hiện chuyến bay ngược trở lại Alaska, vì nơi đây đã ấm áp.
Loài người, từ ngàn xưa, ngay từ thời ăn lông ở lỗ đã hình thành những bộ lạc. Sự phát triển liên tục của nhân loại từ thuở sơ khai đến ngày nay, đã lập nên 252 nước ở khắp năm châu trên thế giới. Ta cùng suy nghĩ về: Việc sống chung của con người
Con người cần được sống chung:
Con người cần được sống chung, trước hết là để bảo tồn giống nòi, sau nữa, sống chung mới giúp loài người tiến bộ, phát triển…
Xin trích dẫn một vài mẫu chuyện để minh họa cho điều cần thiết của việc sống chung.
Câu chuyện cô gái Rơ Châm H’P nhiêng:
Trước đây, cô là người Việt thuộc dân tộc Jrai, ở xã La Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nay là người Camphuchia ở vùng rừng núi thuộc huyện Ô Ya Dao, Tỉnh Ratanakiri gíap giới tỉnh Gia Lai. Cô lạc vào rừng năm 1989, lúc đó mới 8 tuổi đang học lớp hai. Sau 18 năm, vào ngày 13/01/2007 một đoàn thợ gỗ đã bắt được cô trong rừng. Họ tưởng là đã bắt được người rừng, vì cô trần truồng, tóc dài chấm đất, nhưng rất nhanh nhẹn, lại sợ người nên luôn tìm cách trốn chạy. Cha cô là Ksolu và vợ con ông đã òa khóc khi tìm lại được cô.
Đã hơn mười tháng trôi qua, kể từ ngày về ở với gia đình, cô vẫn sống theo bản năng của các loài thú rừng: Thích ăn các thức ăn sống và trái cây, đêm về, cô leo lên ôm cột nhà để ngủ. Cô vẫn hướng về núi rừng và đã một vài lần bỏ trốn trở lại chốn sơn lâm (Tóm lược báo Tuổi Trẻ 18/01/2007).
Chuyện Mai An Tiêm:
Trong truyền thuyết lịch sử dân tộc ta thì chính Mai An Tiêm là người không cam chịu cảnh sống cô độc, lẻ loi khi bi Vua cha đầy ra hoang đảo. Chính An Tiêm đã khắc vào những quả dưa hấu thả xuống biển tìm cách liên lạc với người trên các con thuyền buôn và đất liền để có được một cơ hội sống chung.
Kết quả, An Tiêm đã thực hiện được ứơc mơ khi các thuyền buôn ghé lại, được Vua cha đón nhận trở về.
Ngày nay, trong thời đại kỹ thuật số, và bùng nổ thông tin thì sự sống chung càng trở nên tối cần thiết hơn lúc nào hết. Mỗi đất nước muốn tồn taị, tiến bộ và phát triển, người ta đã chọn con đường hội nhập để trao đổi về văn hóa, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và cả chính trị nữa…Và chỉ có con đường hội nhập, hay còn gọi là sống chung mới đưa đất nước đó thoát khỏi suy thoái, nghèo đói, chậm tiến và lạc hậu...
Sống chung là một điều cần thiết không những giữa cá nhân với cá nhân, mà còn giữa quộc gia này với quốc gia khác. Nhưng để sống chung được diễn ra một cách tốt đẹp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể và nước này với nước khác thì không phải là điều dễ dàng. Lịch sử nhân loại và của dân tộc ta đã diễn ra biết bao cuộc chiến tranh đẫm mấu khốc liệt ngay từ khởi đầu của con người, giữa các bộ lạc, và giai đoạn đầu dựng nước Văn Lang. Ngày nay, ta vẫn thường thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng bao điều tranh chấp đáng tiếc, bao cuộc chiến tàn khốc đã xẩy ra hàng ngày giữa cá nhân với cá nhân, nhóm này với nhóm khác, nước này với nước khác trên khắp thế giới…
Những cố gắng góp sức tốt cho sự sống chung.
Ý thức được tầm quan trọng trong việc sống chung, tổ tiên, ông bà ta rất chú tâm và đã dạy con cháu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Các ngài đã để lại biết bao lời khuyên con cháu với mong ước: Con cháu biết sống thuận hòa, biết yêu thương giúp đỡ nhau. Các Ngài dạy: “Một câu nhịn là chín câu lành; Chín bỏ làm mười, năm bỏ làm ba; Lá lành đùm lá rách; Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Điều gì minh không muốn thì đừng làm cho người khác)’’. Cha ông ta còn rất chú trọng sự đoàn kết, thuận hòa. Đó chính là một yếu tố dẫn đến sự thành công và hạnh phúc: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng can; Đoàn kết thí sống, chia rẽ thì chết
Cũng cùng ý hướng đó, nhân loaị đã có nhiều cố gắng để giữ gìn sự hòa bình cho thế giới, an bình cho mỗi người bằng cách lập ra các tổ chức như: Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Tòa Án Quốc Tế…Gần đây, năm 1997 một trong những cố gắng của Unesco là hướng về sự giáo dục con người. Unesco đã đưa ra bốn cột trụ của việc học (The Four Pillars of Learning) là: Học để biết; học để làm; học để sống chung; học để làm người (Leảrning to know; Learning to do; Learning to live together; Learning to be).
Như thế, sống chung quả là quan trọng và khó khăn, nên rất cần được học hỏi. Sống chung, chính là một trong bốn cột trụ của sự học mà nhân loại đã nhìn nhận và đang cố gắng quảng bá và thực hiện cho nhân loại được an bình.
Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới nói chung, và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng cũng đã đóng góp tích cực đầy hiệu quả cho việc sống chung hòa bình của nhân loại, và sự bình an của từng người không phân biệt mầu da, sắc tộc tôn giáo…về ba lãnh vực: Tinh thần, vật chất và cả sự sống bất tử của linh hồn nữa. Các ủy ban: Công Lý và Hòa Bình, Caritas, Di Dân, Loan Báo Tin Mừng…có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới đã nói lên điều đó.
Trong hoàn cảnh cụ thể của xã hội Việt Nam hôm nay, người Công Giáo dựa vào đâu để sống chung cho tốt đẹp?
Tôi nghĩ: ta phải dựa vào Lời chúa, vào những điều Chúa đã dạy, Chúa đã sống. Chúa đã dạy ta phải yêu thương anh em như chính mình, và cao hơn phải yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương ta. Chúa đã sống thật thà và khiêm nhường. Người đã phán: “hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường (Matthêu 11, 29)
Ngoài ra, trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1980, các Ngài còn dạy chúng ta: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Giáo Hội địa phương hướng dẫn chúng ta cụ thể sống tam hợp là:
“Hợp tác, hợp pháp và hợp lý”.
Bài học về việc sống chung:
Bài học và cũng là tấm gương lớn nhất về sống chung cho những người tin vào Thiên Chúa chính là: Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.
Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng ra vũ trụ muôn loài. Ngài có quyền năng tuyệt đối trên muôn loài. Nhưng vì yêu thương và muốn cứu chuộc nhân loại, Chúa Cha đã sai Con Một của Ngài là Ngôi Hai xuống thế làm người, thật hiền lành và khiêm nhường sống chung với nhân loại trong 33 năm. Đó chính là Đức Giêsu Kitô đã chịu chết trên Thánh Giá, sau ba ngày, Người sống lại, và sau bốn mươi ngày, Người hiển vinh về trời, Ngài đã sai Chúa Thánh Thân xuống ở cùng chúng ta. Ngày tận thế, Người lại trở lại phán xét kẻ lành, kẻ dữ. Người Công Giáo luôn sắt son tin tưởng như thế, với mong ước cũng được Chúa đưa về trời, sau cuộc lữ hành đầy gian nan ở trần gian.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh