Hầu hết mọi người, mọi nhà, mọi xóm thôn phường xã, trên quê hương Việt Nam vào thời điểm này, đang náo nức đón Tết truyền thống của dân tộc, những ngày khởi đầu cho một năm mới Âm lịch với bao mơ ước hy vọng… Tết Nguyên Đán cũng là tâm điểm mùa xuân của đất trời với những bận rộn thăm hỏi chúc mừng nhau, sau một năm ngược xuôi vất vả làm ăn đối với người Việt đã có từ ngàn xưa, và có lẽ còn mãi mãi đến mai sau.
Hòa với niềm vui của trời đất, yêu mến con người, yêu mến đất trời với muôn sắc hoa tươi đẹp rộ nở muôn nơi, cùng ngàn tiếng chim reo vui khắp nẻo, tôi xin trở về với một mùa xuân không phải chỉ một năm đến với chúng ta một lần, mà mãi mãi ở với chúng ta, nếu ta biết nhận ra và gìn giữ.
Đó là mùa xuân tình yêu.
Tình yêu chính là một mùa xuân vĩnh hằng ở nơi Tạo hóa, và vì yêu thương Ngài đã ban tặng nhưng không tình yêu đó cho chúng ta không phân biệt mầu da, sắc tộc, tiếng nói, giầu sang, nghèo hèn hay địa vị xã hội…
Trong phạm vi và giới hạn của bài viết, tôi xin góp một phần nhỏ vào việc đi tìm:
Cội nguộn của mùa xuân tình yêu.
Làm sao nhận ra và giữ mãi được mùa xuân tình yêu?
Cội nguồn của mùa xuân tình yêu.
Đối với những Kitô hữu khắp nơi trên thế giới, họ tin tưởng cội nguồn của mùa xuân tình yêu chính là Thiên Chúa. Điều đó đã được chính Thiên Chúa xác định qua thư thứ nhất của Thánh Gioan:
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 16).
Niềm tin đó là tột đỉnh của đức tin Công Giáo như Đức Thánh Cha Gioan II khẳng định trong bài giảng giáo lý ngày 2/10/1985:
“Thiên Chúa là tình yêu, chân lý tột đỉnh của đức tin”.
Điều đó cũng được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trình bầy trong Thông điệp: “Thiên Chúa là tình yêu” (Deus Caritas est) ban hành ngày 25-12-2005 tại Rôma.
Tình yêu nơi con người
Và cũng chính vì Thiên Chúa là tình yêu, mà Ngài đã tạo dựng vũ trụ muôn loài, tạo ra con người giống hình ảnh của Ngài có hồn thiêng bất tử và thân xác để làm chủ muôn loài. Con người là loài thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa ban cho có tình cảm, có lý trí, có lương tâm, có tự do…
Chỉ riêng mặt tình cảm thì đây đã là một vấn đề đa dạng, phong phú làm sao có thể nghĩ hết, nói hết, viết hết được muôn mặt về tình cảm nơi con người. Nhân loại với sự say mê sáng tác của hàng vạn nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, biên kịch, đạo diễn, diễn viên…Kết quả đã để lại thiên kinh vạn quyển, để lại muôn vàn vở kịch, và biết bao bộ phim mô tả hàng ngàn hàng vạn những tình tiết khác nhau của tình cảm, từ “vui mừng và hy vọng, u sầu và lo lắng”, đến bồi hồi lưu luyến nhớ nhung… thông qua sự biểu lộ của các nhân vật.
Trong muôn mặt tình cảm đó, nổi trội hơn cả là tình yêu như: tình yêu dâng hiến (các bậc tu trì); tình yêu của cha mẹ với con cái; tình yêu của mỗi người với đất nước; tình yêu con người với thiên nhiên; và đặc biệt là tình yêu nam nữ… Làm sao có thể hiểu hết về tình yêu nam nữ. Một vấn đề có thể nói xưa hơn trái đất, nhưng cũng nóng bỏng hơn mọi vấn đề thời sự khác đang diễn ra hàng ngày. Chỉ riêng phần cắt nghĩa tình yêu nam nữ con người cũng đành chịu không mô tả trọn vẹn được.
Xuân Diệu, nhà thơ trữ tình vào bậc nhất Việt Nam đã thốt lên:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ gió hiu hiu”
(Vì sao, Xuân Diệu)
Trong thông điệp: “Thiên Chúa là tình yêu” ngày 25 tháng 12 năm 2005 tại Rôma Đức thánh cha Bênêđictô XVI đã nói: “Tình yêu giữa người nam và người nữ không xuất phát từ suy tư và ý chí nhưng thống trị con người trọn vẹn”,
(số 3, Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu).
Trong khi đó, theo lý thuyết, dưới cái nhìn của những anh em vô thần thì họ cho rằng: vật chất, vũ trụ này đã tự nhiên mà có từ đời đời. Sự sống cũng tự nhiên mà có. Trải qua nhiều triệu năm sự sống tiến hóa từ đơn giản (đơn bào) rồi đến phước tạp (đa bào) mà thành muôn loài, từ thực vật cỏ cây, rồi đến động vật từ thấp tới cao theo các qui luật tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Con người cũng do tiến hóa từ một loài khỉ mà ra. Con người không có hồn thiêng bất tử, chết là hết.
Tôi thường có dịp trao đổi với một số bạn bè chưa tin vào Thượng Đế, họ đã lý giải về tình yêu nam nữ rất đơn giản, hoàn toàn vật chất, thực dụng, không có gì là cao siêu huyền bí trong tình yêu cả. Họ cho là: khi đến tuổi trưởng thành, chính Hormone-testosterone của nam và Homone- oestrogene của người nữ được tạo ra trong cơ thể, khiến người ta yêu nhau, say đắm nhau. Khi về già, hai loại hormone trong người nam và người nữ không sinh sản ra nữa nên họ hết say đắm nhau. Họ kết luận vật chất có trước, ý thức có sau.
Tôi có dịp trao đổi: “Đức tin không phải là truyện đặt cược”; rồi việc ngày 13-07-2013 hai Tiến sĩ Colin Freeman và John Harding ở trường Đại học Sheffield và Warwich Anh quốc đã tìm thấy chất Protein ovocledidin-17 (OC-17) chỉ có trong buồng trứng con gà mái. Kết luận con gà có trước quả trứng. Nhưng nếu quả trứng không có đực thì vẫn không thể có gà con được, vậy gà trống ở đâu? Đó là những cuộc trao đổi cởi mở vui vẻ và bổ ích có lợi cho cả hai phía, và sự thật trong chân lý ngày được rõ hơn…
Làm sao con người giữ được tình yêu vĩnh hằng nơi Thiên Chúa
Quả thực, chỉ riêng những cố gắng theo khả năng của con người thì hoàn toàn bất lực, một khi nguyên tổ chúng ta (Adam và Eva) đã lỗi phạm không vâng lời đã cắt đứt tình yêu với Thiên Chúa.
Chính Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại, không muốn để nhân loại hư mất, nên đã ban Người Con duy nhất là Ngôi Hai xuống thế làm người, cứu chuộc muôn dân. Trước khi về trời, Người đã lập nên các Bí tích cần thiết cho đời sống linh hồn và thể xác chúng ta.
Chúng ta cần biết thống hối về những lỗi lầm đã lỗi phậm đối với Thiên Chúa.
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm
Tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”
(TV 51, 3-4)
Thống hối với ước mong được Chúa nhân từ thứ tha, từ đó ta xứng đáng là con Chúa để chúc tụng Thiên Chúa.
“Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con
Con nguyện tán dương Chúa
Và chúc tụng Thánh Danh muôn thưở muôn đời
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
Và ca ngợi Thánh Danh muôn thưở muôn đời”
(TV 145, 1-2)
Thánh sử Matthêu dạy chúng ta: “Người phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu” (Mt 22, 37-38).
Đồng thời cần thực hiện lời Thiên Chúa phán dạy chúng ta để nước Thiên Chúa ngày một mở rộng đến muôn dân trên khắp địa cầu.
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà Loan Báo Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo” (Mc16,15). Thánh Phaolo nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảngTin Mừng”. Được như thế, tình yêu Thiên Chúa sẽ mãi ở cùng chúng ta.
Làm sao giữ được tình yêu nơi gia đình
Người Việt khao khát được hưởng bầu khí yêu thương đầm ấm nơi gia đình, vì thế, đi đâu cũng mong về nhà; và không đâu bằng nhà mình. Đặc biệt trong những ngày Tết Âm Lịch hàng năm, hàng trăm ngàn kiều bào ở khắp nơi trên thế giới sẵn sàng vượt nửa vòng trái đất với bao tốn phí về với gia đình trong những ngày đầu xuân.
Còn tại Việt Nam, hàng triệu công nhân rời thành phố về quê ăn tết với gia đình.
Ôi! Gia đình hai tiếng thân thương đầm ấm biết bao!
Làm sao giữ mãi được bầu khí yêu thương đầm ấm nơi gia đình?
Từ ngàn xưa, ông cha ta đã coi trọng việc kết hôn, dụng vợ gả chồng cho con cái
“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay”
(Ca dao)
Chú trọng đến hôn nhân là một điều cần, nhưng chưa đủ, phải có quan điểm đúng đắn tiến bộ về hôn nhân nữa mới được. Quan điểm tiến bộ và đúng đắn của đạo Công Giáo là: đơn hôn (một vợ một chồng) và vĩnh hôn (vĩnh viễn).
Ngoài ra, trước khi kết hôn cần phải được học một lớp dự bị hôn nhân để biết rõ mục đích, ý nghĩa của hôn nhân và giúp gìn giữ hạnh phúc lứa đôi.
Đó chính là những điều cần thiết để sau này có một mái ấm hạnh phúc.
Trong đời sống hôn nhân, điều quan trọng nhất là sự thuận hòa. Ông cha ta đã dạy:
“Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”
Muốn có thuận hòa thì cần sự quảng đại tha thứ; biết hy sinh cho nhau; sống vì nhau; vì hạnh phúc gia đình; vì tương lai con cái.
Gia đình, cộng đoàn cầu nguyện, cộng đoàn yêu thương, chính là ngôi trường đầu tiên cho con cái của chúng ta cả về đạo cũng như đời, nó đóng một vài trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con cái chúng ta sau nay.
Inhaxiô Đặng Phúc Minh