Phúc Âm Thánh Mác-Cô (3, 31-35)
“Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Ngài ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Ngài. Có kẻ nói với Ngài rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Ngài đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi”’ Rồi Ngài rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói:”‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.”
Ý nghĩa đoạn Phúc Âm theo Kitô giáo
Phúc Âm thánh Mác-Cô ngắn nhất. Theo truyền thống, thánh Mác-Cô là môn đệ thánh Phêrô, người đứng đầu mười hai môn đệ của Chúa Giêsu. Đó là Phúc Âm được viết đầu tiên vào năm 65 Công Nguyên, có lẽ cho các Kitô hữu không phải gốc Do-Thái đang sinh sống ở La-Mã, nơi mà Thánh Phêrô bị tử hình.
Thánh Mác-Cô cho rằng giáo huấn của Chúa Giêsu về Nước Trời khai mở một kỷ nguyên mới cho thế giới. Nước đó không bao gồm trong một giáo huấn có tính cách tín lý giản lược, nhưng đó là một bí nhiệm hay một bí mật về thực thể cuối cùng (tức Thiên Chúa) mà Chúa Giêsu đích thân nhập thể và mạc khải cho các môn đệ.
Sứ mệnh của Chúa Giêsu trước hết là để mạc khải căn tính đặc thù, chính xác và thâm sâu của Ngài. Sứ Mệnh đó được thể hiện bằng việc dạy dỗ và nằm trong mối liên hệ nối kết Ngài với các môn đệ. Phúc Âm đó thường cho thấy các môn đệ không thể hiểu được những gì mà Chúa Giêsu giảng dạy.
Đoạn nầy tiếp theo sau câu chuyện trong đó Chúa Giêsu chọn mười hai môn đệ chính và sai họ đi công bố Nước Trời. Ngài trở về quê hương mình, nơi mà gia đình Ngài tưởng rằng Ngài trở nên điên rồ. Ngay buổi đầu tiên bắt đầu giảng dạy công khai Chúa Giêsu đã làm cho những người Pha-ri-siêu đang nắm quyền hành tôn giáo giận dữ, bởi vì Ngài tố cáo sự giả dối của họ bằng quyền uy lớn lao của cá nhân Ngài. Đối với những người khác, họ tố giác Ngài là bị quỉ ám.
Chúa Giêsu đang giảng dạy khi người ta đến cho Ngài hay là Mẹ Ngài và các người liên hệ trong gia đình Ngài đến gặp Ngài. Họ không tới gần Ngài, có lẽ vì e ngại hay vì không chấp nhận hành động của Ngài. Chúa Giêsu không khước từ họ trong tư cách là những thành phần trong gia đình, nhưng Ngài lên tiếng phản đối việc họ không thấu hiểu Ngài vì họ đã biểu lộ điều đó đối với giáo huấn và sứ mệnh của Ngài.
Ngài đã thay thế mối liên hệ huyết tộc bằng mối liên hệ nối kết những “ai thi hành thánh ý Thiên Chúa”, như chính Ngài đã làm. Ở đây hiện rõ lên ý tưởng là những “con cái Thiên Chúa” tham dự vào bản tính phổ cập của Thiên Chúa.
“Nước Thiên Chúa” đòi hỏi chúng ta – trên bình diện cá nhân – những thay đổi triệt để. Là “con cái Thiên Chúa” bao gồm việc xem mọi liên hệ nhân sinh của chúng ta tùy thuộc vào tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đối với Kitô hữu, tương quan với Thiên Chúa đó có thể hiểu được trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa Giêsu. Thiên Chúa thì vô hình và không thể hiểu được, nhưng mối liên hệ nối kết chúng ta với Thiên Chúa được biểu lộ trong cách thức chúng ta kết hợp lại với nhau.
Do đó, mối liên hệ của chúng ta với Chúa Giêsu Phục Sinh cũng dẫn đưa chúng ta đến những mối liên hệ hỗ tương nghiêm túc hơn. Đó là nguồn gốc ý niệm về Giáo hội – “thân thể Chúa Kitô” - tức là một hình thức hòa hợp trọn vẹn hết thảy mọi đồ đệ của Ngài và một tổng thể của vũ trụ, trong tầm mức Ngài là “Logos” (Ngôi Lời) phổ cập.
Đoạn nầy là một trong những đoạn mà “Đức Maria”, Mẹ Chúa Giêsu xuất hiện. Ngài là Đấng được các người Công giáo cách riêng tôn kính đặc biệt. Đức Maria không phải là một vị thần linh mà là một nhân vật lịch sử với một sự thánh thiện và một thụ cảm tính rất đặc biệt đối với Thiên Chúa. Đối với nhiều Kitô hữu, Ngài còn tiếp tục thi hành mục vụ tình thương với một năng lực đặc biệt. Nỗi ưu tư của Ngài đối với nhân loại khổ đau là một cách thế dẫn dắt loài người trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, Con của Ngài.
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma
“Ý tưởng đầu tiên xảy đến trong trí óc tôi khi đọc xong là đoạn nầy không những chỉ trình bày một định nghĩa thế nào là từ bi mà còn đề cập đến những diễn tiến phát sinh tâm từ bi. Trong đoạn nầy, Đức Giêsu chấp nhận một thái độ theo đó Ngài không đặt để một tầm mức quan trọng đặc biệt đối với Mẹ Ngài hay anh chị em Ngài. Theo tôi, điều đó chứng tỏ tâm từ bi chân chính đích thật thì khước từ mọi sự gắn bó, khước từ những giới hạn của sự thiên vị cá nhân.
Điểm nầy rất gần với ý niệm Phật giáo theo đó tâm từ bi đích thực phải thoát ly những ràng buộc của sự quyến luyến. Như tôi đã nhấn mạnh trong buổi thảo luận trước đây về bản chất tâm từ bi, điều kiện tiên quyết để có tâm từ bi chân thật là phải có một tình cảm bình đẳng với mọi chúng sinh.
Tình trạng trí thức bình thường của chúng ta in đậm dấu vết của sự thiên vị. Chúng ta xa lánh những người mà chúng ta xét thấy không thân thiện hay thù nghịch và chúng ta cảm thấy một tình cảm thân cận hay gắn bó đối vớí những người mà chúng ta cho là bạn bè thân thương. Chúng ta thấy rõ sự phản ứng có tính cách xúc động của chúng ta đối với người khác thì có tính cách dao động và hay thiên vị.
Bao lâu chúng ta không chế ngự những thành kiến đó, chúng ta không thể nào phát huy một tâm từ bi chân chính được. Cho dẫu khi chúng ta có thể cảm nhận một mức độ từ bi nào đó đối với tha nhân, tâm từ bi đó vẫn bị hoen ố bởi thiên vị bao lâu nó không được đặt trên nền tảng của một sự bình đẳng thâm sâu vì còn lẫn lộn với sự quyến luyến.
Nếu quí bạn quan sát tâm từ bi xen lẫn với sự gắn bó - cho dù sự xen lẫn có tính cách xúc động đó lớn lao và vững chắc đến đâu - quí bạn sẽ nhận thấy tâm từ bi đó dựa trên những đặc tính thiết thực về đối vật của tâm từ bi - đối vật đó là bạn thân, người trong gia đình hay bất cứ ai. Tình cảm quí bạn cũng sẽ đổi thay tùy theo sự thay đổi thái độ của quí bạn với đối vật đó. Chẳng hạn, trong sự tương giao với một người bạn thân, ngày kia – phủ phàng làm sao – bạn khám phá ra người bạn đó không còn những đức tính tốt như trước kia và thái độ mới đó đương nhiên ảnh hưởng đến những tình cảm của quí bạn đối với người bạn đó.
Tâm từ bi đích thực, trái lại, phát xuất từ một sự “nhận thức sáng suốt về kinh nghiệm khổ đau” mà đối vật của tâm từ bi quí bạn phải nhận chịu và sự ý thức về sinh vật đó đáng được thương xót và cảm mến. Tình cảm xót thương nảy sinh từ sự nhận thức đó không bị lay chuyển - cho dù phản ứng của đối phương đối với quí bạn xem ra thù nghịch. Cho dù tiêu cực đến đâu, điều đó không mảy may ảnh hưởng trên tâm từ bi của quí bạn. Tâm từ bi đó luôn luôn vẫn thế hay còn được củng cố thêm lên.
Nếu quí bạn xem xét một cách nghiêm túc bản chất tâm từ bi, quí bạn cũng nhận thấy rằng tâm từ bi chân chính có thể trải rộng ra cho địch thủ mình - những kẻ xem ra thù nghịch với quí bạn. Ngược lại, tâm từ bi pha lẫn sự gắn bó không thể chiếu tỏa trên người nào mà quí bạn xét thấy là địch thủ. Theo ngôn ngữ thông thường, chúng ta định nghĩa một kẻ thù địch là một người hoặc làm hại chúng ta một cách trực tiếp hay bị thúc đẩy bởi ý tưởng đó. Ý thức một con người như thế đang cố làm hại quí bạn thì không thể phát sinh một tình cảm thân cận hay tha giác được, bởi vì những tình cảm đó đòi buộc một sự gắn bó đối với con người.
Tuy nhiên, ý thức rằng một người khác muốn làm hại quí bạn mà không thể làm lay chuyển tâm từ bi đích thực - một thứ từ bi đặt căn bản trên một sự nhận thức sáng suốt về người đó với tư cách là một cá nhân đau khổ, được thúc đẩy bởi lòng ước muốn tự nhiên và theo bản năng để tìm kiếm hạnh phúc và lướt thắng khổ đau như chúng ta vậy.
Trong bối cảnh linh đạo Kitô giáo, điều đó có thể được diễn tả như sau: kẻ địch thù đó chia sẻ cùng một bản tính thần linh hoàn toàn như tôi; họ là một sinh vật được sáng tạo bởi quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Thật ra, họ xứng đáng được thiện cảm và xót thương. Loại từ bi đó hoặc tình cảm tha giác đó là tâm từ bi đích thực, được gạn lọc mọi tình cảm gắn bó.
Câu cuối của đoạn Phúc Âm nầy quả quyết rằng bất cứ ai thực thi ý muốn Thượng Đế là mẹ tôi, là anh em chị em tôi. Theo nghĩa đen, điều đó xem ra dẫn nhập một hình thức thiên vị nào đó, một sự phân biệt dựa trên một điều kiện: chỉ những kẻ vâng theo ý muốn của Thượng Đế mới là mẹ tôi, anh em chị em tôi.
Tuy nhiên, trong ngữ cảnh Kitô giáo, tôi thiết nghĩ người ta có thể đề cập đoạn Phúc Âm nầy bằng cách diễn dịch một cách rộng nghĩa hơn. Người ta cũng có thể hiểu rằng hết “mọi kẻ chia sẻ một thần tính” – những kẻ có khả năng thực thi ý muốn Thượng Đế - là mẹ tôi, anh chị em tôi. Điều đó bao gồm toàn thể nhân loại và nhấn mạnh đến tính cách duy nhất và bình đẳng của mọi chúng sinh.
Trong bối cảnh đó, tôi muốn nhấn mạnh một yếu tố đặc thù liên hệ đến việc thưc thi “Bồ-Tát hạnh”. Có một loại giáo huấn và thực hành chuyên biệt gọi là “lo-jong” - luyện tập trí thức hay biến đổi ý thức hệ - có thể áp dụng trong trường hợp nầy. Thật ra trong nhiều văn bản có đề cập một cách đặc biệt để suy tư về lòng mẫn cảm (từ tâm) của chúng sinh, những người được nói tới trong đoạn sách nầy. Chẳng hạn, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra lòng mẫn cảm (từ tâm) của một người liên hệ đến đời sống chúng ta. Nhưng nếu quí bạn quan sát bản chất cuộc sống các bạn, kể cả sự sống còn của thể xác, quí bạn sẽ nhận thấy hết mọi yếu tố đóng góp vào sự sinh tồn và an sinh của quí bạn - cơm ăn, nhà ở và cả danh thơm tiếng tốt - đều là thành quả của sự “hỗ trợ bởi tha nhân”.
Điều đó rất đúng nếu người ta sinh sống ở chốn đô thị. Hầu hết mọi khía cạnh đời sống quí bạn tùy thuộc một cách chặt chẽ vào người khác. Nếu chẳng may có một sự đình công cửa ngành điện lực, dù chỉ một ngày thôi, toàn thể thành phố quí bạn trở nên đen tối. Sự liên hệ chặt chẽ đó quá rõ rệt không cần phải nêu lên. Đối với thực phẩm và vấn đề gia cư cũng thế. Quí bạn cần đến sự hợp tác trực tiếp hay gián tiếp của nhiều người mới có thể hưởng dụng những sản phẩm cần thiết đó. Dù cho đối với một hiện tượng xem ra phù phiếm như danh vọng, quí bạn cũng cần đến người khác.
Nếu quí bạn sống đơn độc trong chốn rừng sâu núi thẳm, điều duy nhất có thể mang lại vinh danh mà quí bạn muốn tạo ra đó là tiếng đồn xa! Nếu không có người khác hỗ trợ, không thể tạo ra danh thơm tiếng tốt được. Như vậy, hết mọi tha nhân đều liên hệ và tham gia vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống quí bạn.
Bằng cách theo đuổi dòng tư tưởng đó, quí bạn bắt đầu nhận chân lòng nhân (từ tâm) của người khác và nếu quí bạn là một hành giả tu đức, quí bạn cũng sẽ nhận thấy rằng mọi truyền thống tâm linh lớn trên thế giới đều chấp nhận giá trị của lòng vị tha và tâm từ bi. Nếu quí bạn xem xét cảm xúc quí báu đó hay tinh thần vị tha, mẫm cảm, quí bạn sẽ thấy rằng quí bạn cần phải có một đối vật để phát sinh tình cảm đó: và đối vật đó là một người anh em đồng loại.
Nhìn theo quan điểm đặc biệt đó thì tâm từ bi không thể thành tựu nếu không có sự “hiện hữu của tha nhân”. Hết mọi khía cạnh liên quan đến đời sống quí bạn - việc thực hành đạo giáo, việc phát triển tâm linh, sự sống còn về thể xác của quí bạn - không thể thực hiện được, nếu không có tha nhân. Khi suy tư như thế, quí bạn sẽ tìm ra đầy đủ lý do để cảm thấy mình liên hệ đến người khác, để cảm thấy nhu cầu phải đáp trả lòng tốt của họ.
Dưới ánh sáng của những xác tín trên đây, không thể tin được rằng có một số người không một chút quan trọng gì hết đối với cuộc sống quí bạn và cho phép quí bạn có một thái độ lãnh đạm đối với họ. Không có nhân vật nào mà không liên hệ mảy may đến quí bạn hết.
Tôi xin làm sáng tỏ việc sử dụng từ ngữ “cảm xúc”. Người ta nói với tôi là đối với nhiều người từ ngữ “cảm xúc” mang một ý nghĩa rất tiêu cực - quá sơ đẳng, có tính cách xung động, nếu không muốn nói là gần với thú tính. Tuy nhiên, cách đây nhiều năm, nhân một cuộc diễn thuyết có sự tham dự của các nhà sinh vật học và tâm lý gia, chúng tôi đã bàn luận bản chất của cảm xúc và những phương cách để định nghĩa.
Kết quả sau nhiều cuộc thảo luận lâu dài, chúng tôi đều đồng ý trên sự kiện là cảm xúc có thể tích cực, tiêu cực hay trung dung. Trong ý nghĩa đó, cho dù đứng trên quan điểm Phật giáo, không có chút mâu thuẫn nào khi gán những cảm xúc cho một vị Phật hoàn toàn giác ngộ. Chính trong ý nghĩa rộng rãi đó mà tôi dùng từ ngữ “cảm xúc”.