.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG VI: SỨ VỤ TÔNG ĐỒ (LUCA 9, 2-6)

Phúc Âm Thánh Luca (9, 2-6)

 “Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bì, lương thực tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào thì ở lại nhà đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.”  

 

Ý nghĩa đoạn Phúc Âm theo Kitô giáo 

Phúc Âm Thánh Lu-ca có thể đã được viết sau khi thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá bởi quân lính La-mã năm 70. Theo truyền thống, Thánh Lu-ca là thầy thuốc, đệ tử trẻ trung của Thánh Phao-lồ. Ngài là người có trình độ văn hóa nhất trong bốn Thánh sử. Thánh Lu-ca bắt đầu Phúc Âm của ngài khi công bố rằng ngài chuyên lo sưu tầm cặn kẽ để có được những thông tin có tính cách lịch sử do những người đầu tiên đã tiếp xúc với Chúa Giêsu.  

Đoạn nầy liên hệ đến một chương thuật lại một vài phép lạ trong vô số phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu, trước và sau cái chết của Ngài, đã trao quyền cho các môn đệ được tiếp nối sứ vụ của Ngài bằng cách công bố sứ điệp của Ngài. 

Chúa Giêsu kết hợp mười hai tông đồ đã được tuyển chọn và trao cho họ “quyền phép”. Đó là những đặc tính tâm linh mà đích thân Ngài đã sở đắc, do đó có thể trao lại cho người khác. Quyền uy cốt yếu nhắm vào việc “trừ quỉ và chữa bệnh”. Nhưng mục tiêu ưu tiên của việc trao quyền đó là “công bố Nước Trời”.  

Những “phép lạ” là những dấu chỉ quyền uy và phương tiện truyền đạt, nhưng công tác đầu tiên mà họ phải hoàn thành là làm chứng “Nước Thiên Chúa”: nước đó ở bên trong chúng ta và ai cũng có thể đạt tới được. Trong Phúc Âm Thánh Mát-cô, một đoạn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu yêu cầu đừng loan tin về các phép lạ của Ngài. 

Ở nơi khác, người ta hỏi Chúa Giêsu khi nào “Nước Chúa sẽ đến. Người ta liên tưởng tới một biến cố hay một thực trạng xảy ra bên ngoài. Ngài đã trả lời: “Nước Thiên Chúa không đến một cách rầm rộ bên ngoài…Anh em hãy xem, Nước Thiên Chúa đã ở giữa anh em.” 

Sau cái chết của Chúa Giêsu, Thánh Linh của Ngài đã xuống trên các tông đồ và đã trao quyền rao giảng trọn vẹn huyền nhiệm về phần rỗi và bản tính đích thật của Chúa Giêsu. Nhưng trong thời gian sống trên dương thế, sứ điệp mà họ rao giảng là Nước Trời đã đến. 

Mối liên hệ giữa việc rao giảng về “Nước Trời” và “chữa bệnh” là một đề tài rất quan trọng trong Kitô giáo. Nước Trời không phải là một sự trừu tượng hóa để sử dụng có tính cách cá nhân. Ở giữa những điều mà con người oán trách Thượng Đế thì sự “đau khổ” đứng đầu. Do đó việc chữa lành bệnh tật đã đạt tới phần thâm sâu nhất và thông thường được dấu kín nhất ở trong chúng ta.  

Người ta đi vào Nước Trời, tức đi vào trong khung cảnh của đời sống nhân sinh bình thường. Sự đau khổ đánh thức dậy lòng mẫn cảm nơi Chúa Giêsu cũng như nơi chúng ta. Theo bản tính tự nhiên con người có thói quen định vị sự chữa lành bệnh trên bình diện thể lý mà sao nhãng việc chữa lành con người một cách toàn diện, nói cách khác trong ý nghĩa trọn vẹn của Nước Trời. 

Những chỉ dẫn mà Chúa Giêsu ban cho các môn đệ trước khi sai họ đi rao giảng Tin Mừng đã phác họa biên vực cho một nếp sống và một thái độ riêng biệt. Đó là thái độ “phó thác trọn vẹn” cho Thiên Chúa. Cuộc đời của họ phải làm chứng tá cho một sự buông bỏ hoàn toàn đối với thành công cũng như thất bại của sứ vụ họ. Nếu sứ điệp của họ bị khước từ, họ phải “giũ bụi khỏi chân” mà đi tới nơi khác. 

Người ta nhận được nếp sống của môn đệ Chúa Giêsu bởi sự “khó nghèo vật chất” và “lối sống đơn giản” tột độ. Theo đúng nghĩa, đó là nếp sống tu viện, nhưng ở trên bình diện tượng trưng, đó là con đường theo đuổi của bất cứ ai truy tầm một lối sống tâm linh hay là đệ tử. Nếp sống đó cũng giả thiết là những người đặc biệt được trao phó sứ vụ rao giảng Tin Mừng cũng được hỗ trợ bởi cộng đồng theo nghĩa rộng hơn. 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Theo tôi, đoạn nầy chú trọng tới một lý tưởng đạo giáo rất quan trọng, chung cho mọi tôn giáo. Điều đó có nghĩa là một hành giả tâm linh khi đạt tới một trình độ chứng ngộ nào đó sau một thời gian thực hành lâu dài thì không nên tự mãn với thành quả đó. Trái lại hành giả đó phải cố gắng “thông đạt cho người khác” để chính họ cũng có thể có chứng nghiệm đó nữa. Bất cứ việc thực hành tâm linh nào cốt yếu là một sự “thực hành về tình yêu và khoan hòa” nên một khi quí bạn đã đạt tới một chứng ngộ thâm sâu, tự nhiên mong muốn chia sẻ với người khác. 

Trong Phật giáo, khi người ta đề cập tới giáo huấn hay giáo lý, người ta muốn bàn tới hai cấp bậc, hai thứ loại. Một loại liên hệ đến những “văn bản”, một loại liên hệ đến “thực hành”. Cách thức tuân giữ những giáo huấn bằng “văn tự” đó là truyền bá bằng cách huấn giáo và giải thích. Những giáo huấn liên hệ đến việc “thực hành” được tuân giữ bằng cách vun bồi chứng nghiệm đó ở chính nơi chúng ta.  

Rất quan trọng khi một cá nhân dạy dỗ người khác về điều gì thì phải có một “chứng nghiệm tối thiểu” về điều mình giảng dạy, phải hoàn tất một tiến trình nào đó trong việc thực hành tâm linh. Điều đó hoàn toàn khác hẳn với những loại truyền thông khác, khi một người kể lại một câu chuyện hay khi một sử gia thuật lại một biến cố trong quá khứ.  

Trong những trường hợp đó, cá nhân dựa vào kiến thức của mình, có thể thuật lại những biến cố mà mình đã không sống qua những biến cố đó. Nhưng trong trường hợp những giáo huấn tâm linh, cần thiết vị giáo sư phải có một sự thực hành tối thiểu mang lại một sự chứng nghiệm cá nhân. 

Ở đây Chúa Giêsu bảo các môn đệ Ngài đừng mang gì trên hành trình của họ, không mang theo thức ăn, bị gậy, tiền bạc. Có thể đoạn nầy muốn qui chiếu về một lý tưởng đạo giáo quan trọng: “tinh thần đơn giản và khiêm tốn”.  

Thực ra, trong truyền thống tu viện Phật giáo, tăng hay ni được nhắc nhở là không được sở hữu bất cứ thứ gì mà chỉ “sống bằng của bố thí” mà thôi. “Bình bát” mà các khất sĩ mang theo gọi là “lhungse” có nghĩa là “đồ chứa đựng những gì mà người ta bỏ vào đó”. Từ đó khi nói một tu sĩ sống bằng của bố thí thì không thể bằng bất cứ hình thức gì họ có thể bày tỏ sự ưa thích của mình đối với những gì người ta dâng cúng. 

Ngày kia, tôi thảo luận vấn đề chay mặn với một tăng sĩ Sri-lanka học thức rất cao và thầy đã nói với tôi là các tăng sĩ Phật giáo không thể được liệt kê vào hạng chay hay mặn được vì họ sống bằng của bố thí. Dù thế nào, của ăn phải được chấp nhận. Đoạn nầy cũng khiến tôi liên tưởng tới một câu nói trong ngôn ngữ Tây-Tạng: nếu hành giả sống trên núi mà không xuống núi, bấy giờ thực phẩm và đồ dự trữ sẽ lên tới họ. 

Trong “Luật Kinh” (Vinaya Sutra) là bộ kinh ấn định những luật lệ liên quan đến đời sống tu viện, Đức Phật đã công bố nếp sống lý tưởng cho một tăng sĩ là đi từ làng nọ sang làng kia để khất thực. Sau khi đã được bố thí ở một làng nào thì phải ra đi đến một ngôi làng khác. Một ẩn dụ liên quan đến bầy ong bay từ bông nầy đến bông kia, hút nhụy từ mỗi cánh hoa mà không làm hại hoa nào. Các tăng sĩ cũng vậy phải đi từ làng nầy sang làng khác mà không gây thiệt hại hay tàn phá cho bất cứ làng nào. 

Đoạn Phúc Âm nầy cũng đề cập tới những hiện tượng như “ma quỉ” và “chữa bệnh”. Những ý niệm tương tự cũng tìm thấy trong những truyền thống tôn giáo khác. Tôi tưởng đó là những từ ngữ và những cách nói được dùng vào một thời kỳ nào đó, trong một môi trường nào đó, liên quan đến hệ thống tín ngưỡng của một dân tộc.  

Nhưng một lý tưởng lớn lao về tâm linh được nhấn mạnh ở đây: hành giả không nên tự mãn với trình độ tâm linh đạt được. Cốt yếu là “phục vụ” kẻ khác. Tôi thường nói với hành giả nên theo nguyên tắc sau đây: đối với những nhu cầu cá nhân, càng ít ưu tư và gắn bó càng tốt, nhưng đối với việc phục vụ kẻ khác, càng nên ưu tư và gắn bó càng nhiều càng tốt. Đó là lý tưởng của một hành giả tâm linh và đạo giáo. 

Việc “chữa bệnh” được nhắc nhở ở đây không nhất thiết phải hiểu theo nghĩa đen, ý nghĩa duy nhất mà mục tiêu nhắm tới là sức khỏe tồi tệ về mặt “thể lý”. Bệnh tật cũng có thể hiểu theo nghĩa “tâm lý và xúc cảm”. Đối với tôi, điều liên kết việc chữa bệnh với sự rao giảng Tin Mừng bao hàm ý nghĩa là qua sự chia sẻ những chứng nghiệm của chính cá nhân mình bằng cách giáo huấn và truyền đạt Tin Mừng đó mà người ta có thể giúp người khác thắng được bệnh tật.  

Lời khuyến dụ đó rất gần với với một vài đoạn kinh (sutras) của Phật giáo. Chẳng hạn, ở một số văn bản, vào cuối phần giáo huấn của mình, Đức Phật đã công bố: “Ai tuân giữ những giáo huấn mà tôi ban bố hôm nay đây, bằng cách ghi nhớ trên một mảnh giấy, đọc lên và giảng giải cho người khác thì sẽ được vô lượng công đức.” Ý tưởng giống nhau. 

Một vấn nạn khác rất quan trọng gắn liền với vấn đề trên đây. Đối với chúng ta là những độc giả thời đại tân tiến, cần thiết phải phân biệt giữa sự “cải giáo” và khái niệm về “sứ vụ”. Như chúng ta đã đề cập trên đây, con người ta tự phân biệt bởi rất nhiều khuynh hướng tâm linh khác nhau. Do đó, nếu một ai đó ra sức áp đặt những tín ngưỡng tôn giáo nào đó cho một người nào đang mang trong mình một xu hướng ngược lại rõ rệt, hành động đó không mang lại một hiệu quả có lợi ích mà chỉ tai hại thôi.  

Sự nhạy cảm đó được diễn tả một cách minh bạch trong lý tưởng “Bồ-Tát” (Bodhisattva) theo phái “Đại- Thừa” (Mahayana). Do đó, theo một trong mười tám phương châm của Bồ-Tát, người ta không nên dạy dỗ diệu lý về “tính không” cho bất cứ ai mà những năng khiếu tâm linh không được thích ứng.  

Vì nếu thiếu sự nhạy cảm mà người ta cứ giảng dạy giáo lý đó cho họ, người ta có nguy cơ làm dấy lên những phản ứng đối nghịch. Thay vì giúp người đó được tinh tế trong việc thực hành tâm linh, sự giáo huấn đó có thể sẽ gieo rắc hoang mang ngờ vực trong trí óc họ và có thể thúc đẩy họ đi tới “thuyết hư vô”. Trong trường hợp đó, thay vì tích lũy công đức bằng cách giáo huấn “Phật pháp” (Dharma), người ta chẳng tích lũy được gì vì không nhạy cảm đối với những đòi hỏi và khả năng thụ cảm nơi người khác.  

Những giáo huấn của Đức Phật rất minh bạch về điểm đó. Chẳng hạn người ta tìm thấy một bảng liệt kê những câu hỏi được gọi là “Mười bốn câu hỏi không được Đức Phật giải đáp”. Dĩ nhiên có nhiều cách giải thích về hiện tượng những câu hỏi không được giải đáp. Một trong những câu hỏi là: “Có một thực thể như là 'bản ngã' hay ‘cái tôi’?” Đức Phật đã không giải đáp một cách tích cực hay tiêu cực. 

Câu hỏi đến từ một cá nhân tin tưỏng rất mạnh mẽ ở nơi sự nhận dạng cái tôi với một linh hồn bất diệt và trường cửu. Do đó, Đức Phật cảm thấy nếu chối bỏ sự hiện hữu của cái tôi sẽ có nguy cơ gây bất ổn nơi người đó và thúc đẩy họ tới thuyết hư vô - một sự chối bỏ hoàn toàn sự hiện hữu của con người hay chủ thể. Ngược lại, nếu quả quyết sự hiện hữu của cái tôi cũng sẽ nguy hại không kém đối với cá nhân người đó bởi vì họ sẽ tự mãn trong sự gắn chặt vào ý niệm về một cái tôi ích kỷ và đơn độc. 

Đối diện với tình huống đó, Đức Phật không có một câu trả lời dứt khoát. Vì vậy người ta thấy Ngài đã chọn lựa một cách nhạy cảm bằng những chữ thích ứng với những nhu cầu mỗi một cá nhân. 

Ngày kia tôi đàm dạo với một tu sĩ Phật giáo Ấn-Độ về giáo lý nhà Phật đối với “vô ngã” (anatman), tức triết thuyết về sự vắng bóng của cái tôi. Thầy là một hành giả đứng đắn mà đích thân tôi đã tấn phong. Khi thầy nghe được lời phát biểu như thế lần đầu tiên, thầy đã bị khích động cho đến đỗi đã run bắn người lên; thầy không thể tuyệt đối dự kiến ý niệm đó được. Tôi phải làm giảm bớt hậu quả điều đó bằng những giải thích rộng rãi hơn. Thầy phải mất nhiều thời gian mới nắm bắt thật sự nghĩa lý của học thuyết “vô ngã” (anatman).  

Vậy thì quí bạn nhận thấy rất quan yếu phải đo lường sự thích đáng của việc giáo huấn của quí bạn đối với những năng khiếu trí thức của một người nào và những khuynh hướng tâm linh của họ.  

Ở trong Phật giáo không có truyền thống “cải giáo một các năng động” - ngoại trừ trong những biên niên sử của triều đại vua A-Dục (Asoka) ở Ấn-Độ, xem ra nhà vua đã tích cực phái nhiều đoàn tăng lữ đến những lân bang. Theo luật chung, thái độ của Phật giáo liên quan đến việc phổ biến sứ điệp của mình là như sau: ngoại trừ khi một người đến với một vị thầy và xin những giáo huấn riêng biệt, một vị thầy không nên áp đặt những quan điểm và giáo thuyết của mình cho người khác. 

Tôi muốn thêm một chữ vào một điểm quan trọng khác nêu lên bởi đoạn Phúc Âm nầy. Khi người ta suy nghĩ về “ma quỉ” - bởi vì từ ngữ đó rất thường khi trở lại trong nhiều văn bản Thánh Kinh - điều quan trọng là không nên duy trì khái niệm về một “lực vô hình” ở bên kia thế giới, một lực vĩnh cửu, độc lập và tự chủ hiện hữu như là một lực tiêu cực có tính cách tuyệt đối.  

Từ ngữ đó phải nên được gắn liền với những “khuynh hướng và xung động tiêu cực” nằm ở nơi sâu kín trong mỗi một người chúng ta. Tôi đã thảo luận điều đó với cha Laurence và xem ra cha cũng đồng ý với lối diễn giải nầy. Nếu không, hết mọi khái niệm về quỉ Satan trở nên một lãnh vực bao la gây nên nhiều nhầm lẫn. Riêng cá nhân tôi, tôi tò mò muốn biết quan điểm thuộc truyền thống Kitô giáo về bản chất “quỉ Satan”. Tôi chưa có một ý niệm về điều đó được!”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!