.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG IV: NƯỚC TRỜI (MAC-CÔ 4,26-34)

Phúc Âm Thánh Mac-Cô (4, 26-34) 

Ngài nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.” 

Rồi Ngài lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” 

Ngài dùng nhiều ngụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Ngài không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau thì Ngài giải nghĩa hết. 

 

Ý nghĩa đoạn Phúc Âm theo Kitô giáo 

Chúa Giêsu giảng dạy bằng những “dụ ngôn”, những câu chuyện và những lý luận đơn giản có tính cách loại suy rút ra từ những hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Ở đây, có hai dụ ngôn mô tả “Nước Thiên Chúa” đã tạo thành nhân tố của giáo huấn Ngài. Đoạn nầy gợi lên hai đường hướng suy tư: phương pháp thuộc linh về sự giảng dạy bằng dụ ngôn và ý nghĩa Nước Thiên Chúa trong giáo huấn của Chúa Giêsu. 

Trước đó, Chúa Giêsu đã nói với môn đệ là Ngài giảng dạy một cách công khai bằng những dụ ngôn nhưng “đối với họ được ủy thác điều bí nhiệm về Nước Trời”. Mặc dù Ngài giảng dạy bộc trực trước mặt mọi người, cử tọa của Ngài đã phản ứng và lĩnh hội khác nhau. Ngài tôn trọng khả năng lãnh hội khác nhau đó, nhưng giáo huấn Kitô giáo nhấn mạnh rằng hết thảy mọi người, dù thế nào đi nữa, đều được mời gọi trở nên thánh thiện và có thể đạt được điều đó nếu chấp nhận để Ân Sủng tác động. 

Nước Thiên Chúa cũng được diễn tả bằng sự “cai trị” hay “quyền năng của Thiên Chúa”, điều đó làm cho ý nghĩa của Nước Thiên Chúa có tính cách năng động hơn. Như cha John Main đã nói, Nước Thiên Chúa không phải là một nơi chốn mà là một kinh nghiệm. Chúa Giêsu đã nói (Mat-thiêu 11, 25) là Nước Trời không được mạc khải cho những kẻ thông minh và người thông thái nhưng cho những kẻ khiêm hạ và đơn sơ.  

Vào cuối đời Ngài, khi người ta thách thức Ngài tự cứu lấy mình cho khỏi sự chết bằng cách dùng quyền năng làm vua của mình, Ngài đã đáp lại là “Nước của Ngài không thuộc trần gian nầy”. Nước Thiên Chúa được mạc khải trong tác động hỗ tương của giáo huấn Chúa Giêsu với những ai nghe Ngài và sự mạc khải về chân lý đó tạo thành động lực của “Ngôi Lời Thiên Chúa”. 

Những dụ ngôn đó làm sáng tỏ ý nghĩa trái ngược của Nước Trời - như một hạt cải rơi xuống đất và phải mục nát nếu người ta muốn có một mùa gặt. Những dụ ngôn đó dùng những hình ảnh về sự phát triển tự nhiên để minh chứng Nước Trời được thể hiện như thế nào. Vậy đó là một tiến trình kéo dài suốt cả đời sống con người. 

Trong dụ ngôn thứ nhất Chúa Giêsu minh chứng là Nước Trời lớn lên ngày nầy qua ngày khác ở bên trong con người mà họ không ý thức một cách bình thường. Điều đó đã dẫn tới một mùa gặt: Chúa Giêsu nói là Ngài đã đến để “con người có đời sống sung mãn”. Nước Trời chính là “trạng thái sung mãn” của cuộc sống con người, điều đó bao gồm một sự tham gia một cách sung mãn và trọn vẹn vào bản tính Thiên Chúa. 

Dụ ngôn thứ hai minh chứng sự sung mãn của đời sống không phải là một kinh nghiệm riêng tư, có tính cách cá nhân. Sự sung mãn đó đã khởi đầu một cách bé nhỏ, nghĩa là trong những “giới hạn tự ngã” của một cá nhân nhưng lớn lên cho đến khi siêu việt lên trên những giới hạn đó để trở thành một “kinh nghiệm khai phóng và độ lượng” mà không còn những rào cản. 

Mặc dù biểu tượng về vua chúa và vương quốc gợi lên một thứ quyền uy có tích cách trần thế, Chúa Giêsu nhấn mạnh là quyền uy của Thiên Chúa không dùng tới vũ lực và bạo động, mà là “tình yêu”. Những đặc điểm làm nổi bật Nước Trời, theo Tân Ước, là “tình yêu, an bình, kiên nhẫn, âu yếm, nhân từ, dịu dàng, trung tín và tự chế”. 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Câu cuối của đoạn Phúc Âm gợi lại cho tôi một thành ngữ đặc biệt của Tây Tạng – “me ngag pe khyu” - có nghĩa là chỉ truyền đạt điều cốt lõi thâm sâu nhất của giáo huấn cho một nhóm nhỏ được chọn lọc. Người ta thường cắt nghĩa điều đó như là một cách nói lửng của người đối thoại vì không muốn tiết lộ điều bí mật, e ngại những người khác sẽ biết được.  

Truyền thống Phật giáo Tây Tạng phân biệt nhiều cách tiếp cận những điều giảng dạy. “Tsog she” là lối “giáo huấn được trình bày công khai” mà nội dung thì bỏ ngỏ và ai cũng có thể tiếp thu được. Còn “lop she” theo nguyên ngữ là loại “giáo huấn dành cho nhóm đệ tử”. Trong trường hợp nầy, phần chú giải có tính cách chọn lọc, được trình bày cho một nhóm nhỏ có khả năng lĩnh hội thực sự chiều sâu và ý nghĩa các sứ điệp. 

Đoạn nầy liên quan trực tiếp đến ý tưởng “Nước Thiên Chúa”. Ẩn dụ được dùng ở đây là hạt cải, nảy mầm đâm mộng và một thân cây đã thoát ra khỏi hạt cải đó. Sự liên kết giữa hai yếu tố - ý tưởng về Nước Thiên Chúa và ẩn dụ về hạt cải - cho thấy những giai đoạn khác nhau về sự triển nở và cải tiến bản chất thần linh nơi chúng ta, như đã bàn luận trước đây.  

Ngay trước hay sau đoạn nầy, cũng có nói về trình độ triển nở tùy thuộc một số yếu tố như đất đai mầu mỡ và nơi chốn ươm trồng. Có chỗ đất, người ta sẽ thu hoạch một mùa gặt tốt, ở chỗ đất khác, cây mọc nhanh hơn. Cũng có chỗ đất, dĩ nhiên cây mọc nhanh hơn nhưng cũng chết nhanh hơn. Và cứ như thế… 

Đối với một Phật tử như tôi, những đoạn nầy qui chiếu về một giáo huấn tương tự ở trong Phật giáo nhằm phân tích tính cách đa dạng của các chúng sinh và những trình độ tiếp thu khác nhau của họ khi xét riêng từng cá nhân. Như vậy, theo tín ngưỡng chúng tôi, “Phật tánh” thì phổ cập và tâm từ bi của đức Phật thì không thiên vị, ôm ấp hết mọi chúng sinh, điều đó khiến chúng ta quay về với ẩn dụ mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ trong Phúc Âm theo Thánh Matthêu. Tuy nhiên, vì các chúng sinh khác nhau theo trình độ tiếp thu nên sự tiến bộ tâm linh cũng sẽ khác nhau giữa cá nhân nầy với cá nhân khác. 

Tôi thấy ý tưởng đó - thường được nhấn mạnh và diễn đạt rõ ràng trong văn học Phật giáo - thì rất hấp dẫn: ở giữa nhân loại có một sự đa dạng về khả năng thuộc linh và trình độ tiếp thu, sự say mê cũng như những khuynh hướng tâm linh.  

Trong văn học Phật giáo, hết mọi trường phái tư duy đều qui hướng về một vị minh sư, đó là Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên sự đa dạng của những giáo huấn được gán cho Đức Phật thì khác nhau cho đến đỗi - có vài giáo huấn xem ra mâu thuẫn nhau - nên người ta phải cẩn thận kẻo rơi vào chủ nghĩa giáo điều.  

Hết mọi giáo huấn đa dạng đó thì đều liên hệ đến những khuynh hướng thuộc linh, những nhu cầu và khả năng tâm linh khác nhau của chúng sinh. Và nếu tôi hiểu rõ lý do tồn tại của sự đa dạng đó thì chắc chắn tôi sẽ ái mộ sự phong phú và giá trị của những truyền thống tôn giáo khác, bởi vì điều đó cho phép tôi áp dụng “nguyên tắc đa dạng” cho những truyền thống đó.  

Vì tính cách đa dạng của những giáo thuyết được giảng dạy trong những kinh sách riêng của Đức Phật, các Phật tử đã phân biệt giữa chất liệu mà một văn bản riêng biệt đã đề cập tới và chủ ý của tác giả. Một điều công bố xuất hiện trong một văn bản không hẵn đã tương ứng với quan điểm của tác giả. 

Ở trong Kitô giáo, xem ra có nhiều cách để diễn đạt và hiểu biết về ý niệm Thiên Chúa. Trong một cuộc thảo luận trước đây với cha Laurence về vấn đề nầy, xem ra không những có nhiều quan điểm khác nhau mà còn có một sự lãnh hội có phần bí nhiệm thâm sâu về ý niệm Thiên Chúa, đó là cách dự kiến Thiên Chúa nhẹ về đặc tính thần thiêng có tính cách bản vị mà nặng về nền tảng có tính cách bản thể.  

Vì vậy những đặc tính như từ bi cũng có thể quy hướng về nền tảng thần thiêng của bản thể. Do đó, nếu chúng ta phải hiểu biết “Thiên Chúa” - như là nền tảng tối hậu của bản thể - người ta có thể tiếp cận với vài yếu tố thuộc về tư duy và có tính cách thực hành trong Phật giáo, cũng như với đôi khía cạnh thuộc trường phái tư tưởng Ấn giáo là Samkhya như khái niệm về “Đại Ngã” (mahabrahman). 

Vì vậy chúng ta phải coi chừng việc giản lược tất cả vào một tập hợp những thành ngữ chung đến đỗi cuối ngày không còn gì phân biệt được để làm nổi bật giá trị của những truyền thống liên hệ của chúng ta. Như tôi đã nói trước đây, tôi thiết tưởng rất hữu ích là những tôn giáo lớn nên duy trì nét độc đáo, tín ngưỡng, thị kiến và những thực hành riêng biệt của mình.  

Chẳng hạn, nếu người ta muốn bằng mọi cách tìm kiếm một điểm so sánh trong Phật giáo với khái niệm về “Thiên Chúa Ba Ngôi”, khái niệm đầu tiên đến trong trí óc sẽ là “Tam Thân Phật” (kayas) - giáo thuyết về ba thân của Đức Phật: “Pháp Thân”(Dharmakaya),“Báo Thân”(Sambhogakaya) “HóaThân”(Nirmanakaya). Dĩ nhiên, khi có thể được, nên kiếm tìm những điểm tương đồng, tuy nhiên tôi thiết tưởng chúng ta phải lưu ý là đừng đi quá xa trong việc so sánh đó.  

Cha Laurence đã nhấn mạnh - tôi đã ghi nhận một cách thích thú - là trong nhiều trường hợp thần học Kitô giáo cho thấy “Chúa Con” được đồng hóa với “Ngôi Lời Thiên Chúa” trong một buổi hội thảo về Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tôi liền nghĩ ngay tới một điểm tương đồng trong Phật giáo Đại-Thừa mà “Báo Thân” (Sambhogakaya) - một trong Tam Thân Phật - thường được định nghĩa như là “lời nói hoàn thiện của Đức Phật”. 

Tuy nhiên một ngạn ngữ Tây Tạng đã nói là bất cứ điều gì có thể chấp nhận được đều được trình bày bởi một nhân vật thông minh! Vậy nếu người ta tìm kiếm bằng mọi giá để phanh phui ra những điểm tương đồng tiếp cận, người ta có thể gặp phải rủi ro là pha trộn tất cả vào một đại thực thể duy nhất. Tôi xin nhắc lại là tôi không tán thành việc tìm kiếm một tôn giáo đại đồng. Tôi không tin đó là việc làm sáng suốt. Nếu chúng ta quá tiến sâu trong việc truy tầm những điểm tương đồng mà quên đi những dị biệt, thì điều đó sẽ đi về đâu? 

Bởi đó, điều chủ yếu là các vị minh sư tôn giáo đã giảng dạy theo trình độ lãnh hội, khuynh hướng tâm linh và khả năng trí thức của mỗi người. Cũng như người ta không thể ăn bất cứ vật gì rồi nói “vì cái đó ngon cho tôi nên mọi người cũng phải ăn”; mỗi người phải ăn vật gì mang lại cho họ điều tốt nhất về sức khỏe thể xác tùy theo cấu trúc thể xác.  

Người ta phải theo một chế độ ăn uống thích ứng với sức khỏe cá nhân bởi vì khi ăn uống, điều mà người ta tìm kiếm, đó là nuôi sống cơ thể. Thật là điên rồ khi muốn ăn một món đặc biệt cho dù món đó không thích hợp và có thể nguy hại cho sức khỏe vì lý do duy nhất là món đó trân quí và đắt tiền. 

Cũng thế, tôn giáo là của ăn tinh thần. Khi người ta dấn thân theo đuổi một linh đạo, điều quan trọng là việc thực hành phải thích hợp nhất cho sự phát triển thuộc linh, những khả năng tâm linh. Điều cốt yếu là mỗi cá nhân nên tìm kiếm hình thức thực hành và niềm tin thích hợp nhất cho những nhu cầu cá biệt. Nhờ thế, họ sẽ đạt tới sự biến đổi nội tâm và sự an bình bên trong nhờ đó họ trở nên một con người trưởng thành về mặt tâm linh và một con người lương hảo, khoan dung với con tim rộng mở. Đó là tiêu chuẩn nên xem xét khi người ta muốn tìm kiếm một của ăn thuộc linh. 

Niềm tin vào “Sự Sáng Tạo” và “Một Đấng Thiêng Liêng” thì không chung cho hết mọi truyền thống tôn giáo lớn. Nếu có nhiều người đặt niềm tin và sự thực hành của mình trên căn bản tiền đề thiết yếu đó thì có nhiều người khác không cùng niềm tin đó. 

Tuy nhiên điều chung cho hết mọi tôn giáo là tầm mức quan trọng của một nền tảng vững chắc về việc thực hành linh đạo của mỗi một người về đà vươn lên trong đức tin hoặc sự tín nhiệm nơi một đối vật nương tựa. Chẳng hạn, trong trường hợp Phật giáo - tôn giáo phi thần - người ta phó thác sự yên ổn tâm linh nơi đà vươn lên dựa vào “Tam Bảo” tức “Phật, Pháp và Tăng”. Đó là nền tảng việc thực hành trong Phật giáo. 

Để có được một sự tín thác hướng về một điểm duy nhất và một sức mạnh để trao phó cho một đối vật nương tựa cho sự an sinh về thuộc linh, người ta cần phát huy một tình cảm thân mật và những sự liên kết sâu xa với những đối vật của Đức Tin. 

Trong trường hợp những tôn giáo hữu thần mà theo đó hết mọi tạo vật được sáng tạo bởi chính một thần lực, quí bạn có những điểm tựa vững chắc để phát huy tình cảm liên kết thân mật sẽ là nền tảng của Đức Tin hay một sự tín thác được tụ tiêu một cách tuyệt hảo cho phép quí bạn trao phó sự an sinh thuộc linh của quí bạn vào đối vật đó.”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!