.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
PHẦN THẢO LUẬN (II)

Cha Laurence

 “Xin cám ơn Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nhiều lắm. Ngài càng phân tích minh bạch những sự khác biệt một cách tinh tế giữa những tôn giáo chúng ta, tôi càng cảm nhận một sự nhất thống nào đó. Tôi thiết tưởng có một sự nghịch lý giữa hai đặc điểm nhất thống và dị biệt và tôi chân thành cám ơn ngài đã chia sẻ những tâm tư của ngài với một sự minh triết và đầy tình người biết bao. 

Tôi hân hạnh được giới thiệu với ngài những tham dự viên cho cuộc thảo luận sắp tới. Đó là thầy “Ajahn Amarao”, một tu sĩ Phật giáo của tu viện Amaravati, một tu viện không cách xa đây bao nhiêu và sơ “Eileen O'Hea”, một nữ tu dòng Thánh Giuse, điều trị viên ở Minnesota Hoa-Kỳ. Thầy Ajahn Amarao sẽ ngỏ lời trước tiên.” 


Thầy Ajahn Amarao

(thắc mắc sự kiện Thiên Chúa Ba Ngôi tương ứng với Tam Thân Phật hay Tam Bảo) 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi xin được trở về với nhiều đề tài mà ngài đã đề cập tới. Trước hết, tôi rất cảm kích khi nghe ngài cắt nghĩa sự buông bỏ liên hệ với từ tâm và biến cố xảy ra giữa Chúa Giêsu và Đức Maria - Mẹ Ngài - là một biểu tượng của đức từ tâm đích thực như thế nào.  

Trên cương vị tu sĩ Phật giáo sống ở Tây phương, tôi luôn tự hỏi về ý niệm “ly giác”, vì người đời xem đó như là một thứ rắn rỏi, khép kín của con tim. Lời giải thích của ngài rất hữu ích và tôi cố gắng sử dụng trong tương lai.  

Tuy nhiên, thay vì buông bỏ, có một cách nào khác để diễn dịch ý niệm đó của Phật giáo chăng, có thể là sự “vô sản hóa đối với người hay vật”. Người ta nhận thức ngay là việc sở hữu tự bản chất không được lành mạnh và một tình cảm thủ đắc thì khó khăn trong cuộc sống và thường mang lại sự thất vọng, chia rẽ cùng những vấn nạn khác. Sự buông bỏ mà ngài đã mô tả như đượm từ tâm và trí huệ thì bao hàm bản chất phi sở hữu. 

Thật rất hữu ích khi nghe ngài cắt nghĩa rằng sự buông bỏ thật ra là một trạng thái không gắn bó với tính cách biến ảo của sự vật và là một sự gắn bó thiết tha với chân lý, cho đến đỗi người ta đã thực sự đánh rơi cái nhãn quan giới hạn. Tôi cảm kích vì tính cách song hành khít khao giữa đoạn Phúc Âm nầy với một nguyên lý Phật giáo trong “truyền thống Nguyên Thủy” 

Theo truyền thống đó, khi một hành giả nhận thấy chân lý, ngay lập tức hành giả dấn thân đăng trình và ngộ được Phật Pháp, một viễn tượng khiến hành giả thay đổi thái độ, được gọi là “thay đổi dòng hệ”. Và điều mà đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu diễn tả là một sự thay đổi thái độ hay “dòng hệ” mà theo đó Chúa Giêsu không còn coi mình đơn thuần như là một cá nhân mà Mẹ Ngài là Đức Maria. Khi Ngài nói “Thiên Chúa là Cha tôi”, Chúa Giêsu đã đi từ một viễn tượng đặt căn bản trên cá thể để sang một viễn tượng căn cứ trên chân lý tối hậu. 

Tôi cũng rất cảm kích khi thấy ngài diễn tả khái niệm toàn thể nhân loại là anh em chị em. Khi người ta không còn nhìn nhân loại dưới góc độ cá nhân và khi người ta có chứng nghiệm về hình thức buông bỏ đó, thì một sự thay đổi thái độ đã xảy ra, chẳng khác nào một sự thức giác. Tôi đã ghi nhận nhiều điểm tương đồng.  

Tôi cũng rất xúc động khi thấy ngài đã thận trọng trao trả cho Phật giáo những gì thuộc về Phật giáo và cho Kitô giáo những gì thuộc về Kitô giáo; ngài đã nhắc nhở là đừng cố lẫn lộn giữa hai tôn giáo với nhau. Nhưng tôi phải công nhận rằng tôi không ngừng tự nhủ: Vâng, nhưng có thể cả hai tôn giáo thật ra đang đề cập đến một điểm giống nhau.  

Vì lớn lên ở Tây phương trong một môi trường Kitô giáo nhưng đã trở thành Phật tử từ nhiều năm nay, từ trong sâu thẳm nhận thức, tôi đã có một thứ lẫn lộn như nhau về hai tập hợp của những nguyên lý đó. Và điều mà tôi đã nhận chân qua chiều dài thời gian - khi lấy thiền định làm căn bản hơn là nghiên cứu qua kinh sách - đó là tôi càng lâu càng được dẫn đến một khả thể theo đó “những cách thức diễn đạt khác nhau thật ra qui hướng về những kinh nghiệm giống nhau”. 

Tôi hơi tò mò khi muốn biết ý kiến của ngài về điểm đó. Chẳng hạn, ngài đã tiếp cận ý niệm “Cha, Con và Thánh Thần” với “Pháp Thân” (Dharmakaya), “Báo Thân” (Sambhogakaya) và “Hoá Thân” (Nirmanakaya). Theo truyền thống của tôi, tôi đã tiếp cận chân lý đó với “Phật” (Bouddha), “Pháp” (Dharma) và “Tăng” (Sangha).  

Trong viễn tượng đó, “Pháp” (Dharma) biểu hiệu cho nền tảng bản thể, tức “Pháp Thân” (Dharmakaya), nói rõ ra là nơi trú ẩn của “Pháp” (Dharma). “Phật” (Bouddha) như là sự thể hiện của “Pháp” (Dharma). Những lời nói của “Phật” (Bouddha) cũng gọi là “Pháp” (Dharma); do đó “Phật” là thể hiện của “Pháp” (Dharma). “Đức Phật” cũng được gọi là “Đấng Đại Giác”.  

Vì vậy, hệ quả của tương quan giữa “Phật” (Bouddha)“Pháp” (Dharma) mà Đức Phật tri kiến và thể nhập, đó là kết quả của sự hiện diện thần trí giác ngộ trong thế giới, tức là “Tăng” (Sangha) mà người ta có thể mô tả như là một cộng đồng linh thánh và nếu muốn, đó là điều mà người ta gọi là “các thánh thông công” trong ngôn ngữ Kitô giáo. Đó là một sự hiệp thông nối kết nhiều cá thể khác nhau sống trong hòa hợp. Thiết nghĩ có lẽ tôi chỉ sở hữu một loại trí thức thích hội nhập mọi thứ cho ăn khớp với nhau.  

Nhưng giờ đây, tôi có cơ hội đặt câu hỏi! Qua bao nhiêu năm, trong những cuộc trao đổi giữa tôi với các Kitô hữu, tôi có cảm tưởng như chúng ta đề cập đến những sự kiện nếu không giống nhau thì ít nhất cũng là “những hiện tượng rất gần gũi nhau”. Cho nên khi một Kitô hữu trích dẫn câu nói của Chúa Giêsu: “Kẻ nào thực thi thánh ý Thiên Chúa…” thì chúng ta có thể nói là “ai thực hành Phật Pháp (Dharma)” được không và sự kiện đó có tương đương với việc thực thi thánh ý Thiên Chúa hay không? Hoặc giả có thể đó chính là một sai lầm về nhận thức khi suy nghĩ như thế?  

Lời mở đầu của tôi hơi dài, nhưng cuối cùng đó là câu hỏi của tôi!” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(bàn về sự đa diện của các môn phái Phật giáo) 

“Theo luật chung, có nhiều khía cạnh khác nhau liên quan đến việc thực hiện tâm linh - mà trong truyền thống Tây-Tạng xếp loại theo khía cạnh phương pháp học về tôn giáo - như từ tâm, nhân ái, khoan dung v.v…, xem ra cũng giống nhau trong Kitô giáo và Phật giáo. Khi đề cập đến câu hỏi của thầy trong bối cảnh truyền thống Phật giáo, cần phải trả lời với một ngôn ngữ chung cho hết mọi trường phái tư duy thuộc truyền thống đó.  

Tất cả những môn phái triết học Phật giáo đều đề cập đến “Tứ Diệu Đế” và tất cả đều nhắc nhở tới hai thực tại là: “tối hậu và tương đối”. Ngay cả môn phái Samkhya, một môn phái cổ điển của Ấn-Độ không phải Phật giáo cũng nói tới những thực tại tối hậu và tương đối. Nhưng khi người ta phải định nghĩa chính xác Tứ Diệu Đế và hai thực tại đó - những định nghĩa, những đặc tính riêng, v.v - chúng ta nhận thấy xuất hiện những điểm dị biệt sâu xa. 

Do đó, đối với môn phái “prasangika-madhyamaka” (phái Trung Quán) thuộc Phật giáo Đại Thừa, được thành lập trên sự diễn dịch tư tưởng của ngài Long-Thọ (Nagarjuna) bởi các ngài Chandrakirti và Aryadeva, sự mô tả trạng thái “giải thoát” hay “vô sanh” (arhat), tức thoát vòng sinh tử  luân hồi - nghĩa là trạng thái “Niết-Bàn” (Nirvana) hay sự giải thoát tâm linh - như được lãnh hội trong Phật học “abhidharma” (vi diệu pháp) – thì không được chấp nhận như là một sự trình bày đầy đủ và chung cục về Niết-Bàn (Nirvana).  

Theo quan điểm của phái “Trung Quán” (madhyamaka), đặc tính “giải thoát” (arhat) hay “Niết-Bàn” (Nirvana) đối với những môn phái tư duy khác chẳng qua là nhận dạng những trạng thái căn bản về vô minh, mê lầm và ảo giác đã cản trở con đường đưa đến “arhat” (giải thoát hay vô sanh) thì không được tinh tế lắm. Bởi đó, nếu những trạng thái vô minh cản trở con đường giải thoát không được nhận dạng một cách đúng đắn thì những phương thuốc trị liệu đã được đề xuất sẽ không có tính cách quyết định được. Kết quả của đặc điểm được mệnh danh là “giải thoát” (arhat), do đó cũng sẽ không có tính cách chung cục được.  

Thầy nhận thấy ngay trong những môn phái Phật giáo, nếu người ta dùng những từ ngữ giống nhau - trạng thái “arhat” (vô sanh); tính không (sunyata); giải thoát (moksa) hay “Niết-Bàn” (nirvana); những xúc động hay “phiền não” (klesa); v.v. - những từ ngữ đó vẫn luôn luôn không có cùng một ý nghĩa. Những từ ngữ giống nhau; những ý nghĩa đại cương cho dẫu có thể giống nhau. Tuy nhiên, do sự kiện liên hệ đến cách nhận thức và nhận dạng khác nhau theo môn phái nên sự lãnh hội cuối cùng sẽ rất khác nhau. 

Vậy để tóm tắt, tôi sẽ nói rằng có nhiều sự khác biệt đáng kể giữa một lối giải thích nầy đối với một lối giải thích khác. Và tôi tin tưởng chắc chắn rằng ở một trình độ thâm sâu, những sự khác biệt đó, những tính đặc thù đó đều có một giá trị.  

Người ta nhận chân một cách sâu sắc rằng trong khi xem xét những văn bản thâm sâu của các vị minh sư, chẳng hạn những tác giả Phật giáo Ấn-Độ trong quá khứ, họ không phải là những bậc trí thức chỉ khao khát bàn cãi những vấn đề trừu tượng; họ còn là những đệ tử chân thành và tận tụy của Đức Phật đã dấn thân cho đường lối tu thiền một cách rốt ráo. Chẳng những họ đã đạt tới những chứng nghiệm thâm sâu mà còn tỏ ra một từ tâm vượt mức đối với hết mọi chúng sinh.  

Bởi đó, tôi tin rằng những điểm tinh tế mà họ đã trực nhận và diễn đạt đều phát sinh từ đức từ tâm, từ ý thức bổn phận phải chia sẻ với tha nhân điều mà chính họ đã thực chứng. Tôi tin chắc họ đã không viết về đề tài đó chỉ vì sở thích muốn làm cho người ta nhầm lẫn thêm lên.” 

 

Sơ Eileen

(thắc mắc ở trong Phật giáo có một lối sống tiếp cận có tính cách sâu kín cá nhân như giữa Kitô hữu với Đức Kitô không) 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Thật là một đặc ân lớn lao khi chúng tôi có mặt nơi đây với sự hiện diện của ngài. Câu hỏi của tôi liên quan đến một quan điểm có thể tạo thành một dị biệt giữa hai truyền thống tôn giáo chúng ta.  

Một trong những phương cách để chúng tôi nhận biết Chúa Giêsu là lĩnh hội con người lịch sử của Ngài. Nhưng một trong những sứ mệnh của Chúa Giêsu là biến đổi tương quan của chúng tôi đối với Thiên Chúa để từ một tâm trạng sợ hãi hay nói đúng hơn là từ một giáo lý đơn thuần chúng tôi được bước sang một sự “liên kết trong ân tình”.  

Với tư cách là Kitô hữu, chúng tôi tin tưởng vào Đức Kitô Phục Sinh, vào Đức Kitô luôn sống giữa chúng tôi. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng tôi có thể chứng nghiệm về Đức Kitô hiện đang ở giữa chúng tôi và đó là một chứng nghiệm có tính cách cá nhân liên hệ đến “tình yêu và lòng sùng kính”. Sự thực hành đạo giáo càng thâm sâu thì lòng mộ mến của chúng tôi đối với Đức Kitô càng bền chặt.  

Chính vì lý do đó mà đa số trong chúng tôi đã chiêm niệm. Kinh nghiệm đó trước hết bắt đầu như với bất cứ tương quan nhân linh nào: chúng tôi cố gắng để nhận diện nhân vật đó. Ban đầu chúng tôi có khuynh hướng chiêm ngắm nhân vật đó, xem nhân vật đó như là một đối vật. Và rồi sự lãnh hội của chúng tôi dần dần vượt qua một nhân vật đơn giản bên ngoài để đạt tới con người mật thiết của Đức Kitô. Cuối cùng, chúng tôi được mời gọi kết hợp bằng tâm thức với Đức Kitô. Đối với Kitô hữu, hành trình tâm linh đó rất là “cá nhân và sâu kín”.  

Người ta có thể tìm thấy một điểm tương tự như thế ở trong Phật giáo không?” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(nói về sự liên kết giữa Phật tử với Tam Bảo) 

“Dĩ nhiên có một sự song hành như thế trong việc thực hành Phật đạo. Như tôi đã nhấn mạnh, quan trọng ở trong Phật giáo cũng như trong bối cảnh Kitô giáo, sự thực hành linh đạo của mỗi cá nhân phải đâm rễ sâu trong sự “tín thác và niềm tin” không lay chuyển nhắm vào một mục tiêu duy nhất, đó là người ta phải trao gởi trọn vẹn vào đối vật được chọn làm nơi an trụ cho sự ổn định tâm linh.  

Trong Phật giáo, việc thực hành phải đặt trên sự nương tựa vào “Tam Bảo” – “Phật” (Bouddha), “Pháp” (Dharma) và “Tăng” (Sangha) - và nhất là ở nơi “Đức Phật” (Bouddha). Trong tương quan đó, chẳng những Ngài dẫn dắt mà thôi mà hành giả phải tự đặt mình một cách tín thác dưới sự hướng dẫn sáng suốt của Đức Phật - một vị đại giác đã đạt tới một sự giác ngộ viên mãn - nhưng hành giả còn ao ước chính mình cũng thể hiện được trạng thái đó ở nơi bản thân mình nữa.  

Vì vậy động tác nhắm tới việc an trụ bao gồm nhiều khía cạnh. Đôi khi, người ta cũng dùng thành ngữ “đạt tới trạng thái bất phân ly với Đức Phật”. Điều đó không có nghĩa là hành giả đánh mất cá tính của mình hoặc hành giả chỉ trở nên một với Đức Phật. Thật ra người ta chỉ muốn nhấn mạnh là hành giả đã đạt tới một giai tầng mà trong đó hành giả giống một vị phật, một vị giác ngộ trọn vẹn. Vì vậy sự mật thiết đó đã được thể hiện viên mãn qua một trạng thái tương giao trọn vẹn.” 

 

Cha Laurence

(thắc mắc làm thế nào để Phật tử và Kitô hữu thông hiểu lẫn nhau) 

“Thưa Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma,

Tôi thiết tưởng chúng ta không cố tạo nên một tôn giáo duy nhất, dù chúng ta đang khám phá một duy nhất tính sâu xa. Và ở đâu có duy nhất tính ở đó có những dị biệt. Như ngài vừa nói, Phật giáo tìm nơi nương tựa ở Đức Phật. Đức Phật là Vạn Thế Sư Biểu của Phật giáo. Kitô hữu theo Chúa Giêsu và - cũng như Phật tử - tín thác vào một vị Thầy đặc biệt. Tôi thiết nghĩ những sự khác biệt ở trong cách thế chúng ta lãnh hội và mô tả bản tính của Đức Phật và bản tính của Chúa Giêsu. 

Còn lại trong thực hành là những bước tiến để theo đuổi một linh đạo hay làm đệ tử thì bao gồm những điều giống nhau rất nhiều. Chẳng hạn, Chúa Giêsu nói, để theo Ngài, phải từ bỏ cái tôi. Về điểm nầy, tôi tìm thấy trong Phật giáo một sự minh triết lớn lao và một sự minh bạch cũng lớn lao trong sự hiểu rõ thế nào là từ bỏ cái tôi, vượt lên trên sự ích kỷ.  

Tôi cũng tìm thấy sự minh triết đó khi Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta thương yêu nhau và thương yêu kẻ thù địch. Bài quảng diễn của ngài sáng nay đã giúp khám phá một cách tuyệt diệu điều nầy và cho thấy đã được thể hiện như thế nào đứng trên quan điểm Phật giáo. 

Trong cuốn phim mà chúng tôi trình chiếu hôm qua, chúng tôi thấy ngài đang làm việc theo kim đồng hồ ở Dharamsala. Đôi khi tôi có cảm tưởng là nhờ ngài mà chúng tôi hiểu được kim đồng hồ đã chạy như thế nào. Điều đó có nghĩa là Phật tử cũng như Kitô hữu, chúng ta đang chạm trán với “thời gian” và ý nghĩa của nó. Thật không phải dễ dàng để diễn tả điều đó bằng ngôn ngữ.  

Ngài nghĩ thế nào về hình ảnh đó để giúp hiểu biết tương quan hiện hữu ở giữa những tôn giáo khác nhau? Xem ra thiết yếu đối với tôi, khi phân tách cuối cùng, là tìm xem “Phật giáo và Kitô giáo đối thoại với nhau như thế nào”, để chúng ta hiểu nhau ngày hôm nay làm sao, bởi vì sự gặp gỡ của hai truyền thống tôn giáo nầy rất là quan trọng cho cả thế giới biết bao.” 

 

Đức Đat-Lai-Lạt-Ma

(đề cập đến sự chấp nhận một cách minh bạch tính cách đa dạng của nhân loại và mục đích chung là sản xuất những mẫu người hoàn thiện) 

“Để đạt tới một cuộc đối thoại có ý nghĩa hầu phong phú hóa hai truyền thống tôn giáo đó, tôi thiết tưởng chúng ta cần phải đi từ căn bản về một sự chấp nhận minh bạch đối với tính cách đa dạng ở trong nhân loại: đó là các dân tộc trên thế giới chất chứa những năng khiếu trí tuệ khác nhau, những lợi ích khác nhau và những khuynh hướng tâm linh khác nhau.

Chẳng hạn, đối với nhiều người, những truyền thống Kitô giáo đặt căn bản trên niềm tin vào một “Đấng Tạo Hóa” đã làm phát sinh một hiệu quả phi thường trên đời sống đạo đức và đã thúc đẩy họ một cách rốt ráo ngõ hầu hành động một cách lành mạnh và đạo đức. Nhưng điều đó không nhất thiết hoàn toàn đúng đối với mọi người.  

Truyền thống Phật giáo không nhấn mạnh đến niềm tin nơi một Đấng Tạo Hoá để có thể nảy sinh hiệu lực hơn đối với những người khác. Trong truyền thống Phật giáo, người ta nhấn mạnh về ý nghĩa của “trách nhiệm cá nhân” hơn là về một Đấng siêu việt. 

Điều chủ yếu là phải công nhận rằng cả hai truyền thống tôn giáo đều chia sẻ một mục đích chung là sản xuất một “mẫu người hoàn thiện”: một con người được hiện thực một cách trọn vẹn, trưởng thành về mặt tâm linh, tối hảo và độ lượng. Một khi hai điểm đó được chấp nhận - đồng nhất về mục đích và nhận chân rõ ràng tích cách đa dạng của những năng khiếu con người - tôi thiết nghĩ chúng ta có được một nền tảng vững chắc để đối thoại. Vẫn luôn luôn mang nặng những điều xác tín đó - hai tiền đề căn bản đó - mà tôi đã dấn thân vào việc đối thoại với những truyền thống tôn giáo khác nhau.” 

 

Cha Laurence

(nêu lên vấn đề chân lý trong tôn giáo xưa và nay) 

“Tôi cảm nhận một chân lý rạng rỡ trong ý niệm theo đó bẩm tính cá nhân mỗi người quyết định hành trình tâm linh của người đó. Nhưng trong trường hợp nầy, một truyền thống đạo giáo có thể tự hào là nắm giữ một “nhận thức tuyệt đối về chân lý” không? Đối với tôi, khi khảo sát những tương quan liên hệ mà ngài vừa trình bày xem ra đã tạo nên một giai đoạn rất hiện đại và có thể cần thiết cho sự tiến triển về tôn giáo sử. Nhưng sự khác biệt như thế nào đối với điều mà các tôn giáo đã đề cập tới xưa kia!” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(đề cập đến tính cách tương đối của chân lý và tuy Phật giáo và Kitô giáo có nhiều điểm tương đồng nhưng phải phân rẽ nhau đứng trên bình diện siêu hình) 

“Tôi có thể nói rằng ngay cả chân lý cũng không nhất thiết chỉ có một khía cạnh, trái lại chúng ta có thể nói là “khái niệm chân lý có nhiều chiều kích khác nhau”. Đặc biệt đó là quan điểm của hệ thống triết lý thuộc phái “Trung Quán” (madhyamaka) mà ở trong đó ngay ý niệm về chân lý cũng mang một chiều kích tương đối. Chân lý chỉ hiện hữu trên bình diện tương quan với sai lầm và chỉ tương quan với một nhận thức khác mà một sự vật có thể nói được là đúng. Nhưng khẳng định một khái niệm về chân lý phi thời gian và vĩnh cửu mà không qui chiếu vào đâu hết thì rất mơ hồ. 

Lấy thí dụ những giáo huấn của Đức Phật trong những trường hợp khác nhau mà đối với một số người, thoạt mới xem qua, sẽ có cảm tưởng là mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, những giáo huấn của Đức Phật về “ngã” (atman) đã được ban bố cho những người có khuynh hướng mạnh mẽ trong vấn đề quả quyết sự hiện hữu của “ngã”,  để đối lại với giáo huấn căn bản của Ngài về “vô ngã” (anatman).  

Và ngay cả giáo lý về “vô ngã” (anatman) - giáo lý về sự không hiện hữu của linh hồn hay cái ngã của một cá nhân - mà Đức Phật đã dạy cho những đệ tử của những trường phái triết học thấp hơn - như những hệ thống “vaibhashika” và “sautrantika” - phải được xem như là đúng.  

Sở dĩ như thế, vì khi xét đến nhận thức và sự hiểu biết của quần chúng vào một thời kỳ nào, trong một môi trường nào và trong một bối cảnh nào nhất định thì điều đó trở thành chân lý. Chính vì vậy mà phải hiểu rõ ý niệm chân lý trong Phật giáo.  

Một trường phái triết lý cao hơn, như phái “Trung Quán” (madhyamaka), có thể sẽ trả lời rằng sự phát biểu đó mâu thuẫn với lý trí, rằng quan niệm về “vô ngã” (anatman) đó không phải là chân lý chung cục và trọn vẹn. Tuy nhiên, phái “Trung Quán” (madhyamaka) đã không vượt qua giai đoạn kế tiếp trong việc bảo rằng Đức Phật đã ban bố một học thuyết sai lầm. Cả chính họ cũng nói đó là một phát biểu đúng bởi vì đúng trong những giới hạn của bối cảnh và tình thế đặc biệt đó mà thôi. Tất cả những điều đó chắc hẵn phức tạp quá nhiều! 

Để tóm tắt toàn bộ những điều thảo luận nầy, tôi thiết tưởng ở giữa hai truyền thống Phật giáo và Kitô giáo có một sự hội tụ khác thường và một tiềm năng phong phú hỗ tương bởi sự đối thoại, nhất là trong những lãnh vực đạo đức và thực hành tâm linh - như những việc thực hành về từ bi, bác ái, chiêm niệm và sự tiến bộ trong vấn đề khoan dung. Tôi cũng nghĩ rằng sự đối thoại đó có thể tiến rất xa và đạt tới một mức độ rất thâm sâu về tầm hiểu biết. Còn về vấn đề đối thoại có tính cách “triết lý và siêu hình”, tôi thiết tưởng chúng ta nên chia tay nhau.  

Tất cả quan niệm của Phật giáo về vũ trụ dựa trên một quan điểm triết lý đặt trọng tâm vào “lý nhân duyên”, tức nguyên lý “duyên khởi”, “duyên sinh”, theo đó bất cứ một sự vật hay một biến cố nào đều là kết quả thuần túy của những tác động hỗ tương giữa “nhân và quả”. Trong viễn tượng như thế về vũ trụ, hầu như không thể có chỗ đứng cho một chân lý phi thời gian, vĩnh cửu và tuyệt đối được. Cũng không thể hội nhập ý niệm về sự Sáng Tạo thần thiêng.  

Ngược lại, đối với một Kitô hữu mà tất cả khái niệm siêu hình về vũ trụ đặt căn bản trên niềm tin vào “Sự Sáng Tạo” và vào “Một Đấng Tạo Hóa” thần thiêng, không thể nào dung hợp ý tưởng về bất cứ một sự vật hay một biến cố nào đều được phát sinh do sự tác động hỗ tương có tính cách đơn thuần giữa nhân và quả. Vì vậy, đứng trên bình diện siêu hình, tới một điểm nào đó sự đối thoại trở nên mơ hồ và hai tôn giáo nên chia tay nhau. 

Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ là cuộc đối thoại có thể cổ võ một sự hiểu biết tốt đẹp hơn và một sự tương kính trong những lãnh vực đạo đức, hạnh kiểm cá nhân và siêu hình - nói cách khác là trong những lãnh vực mà người ta bắt gặp nhiều điểm song hành và tương hợp, cũng như trong những lãnh vực chất chứa những điểm dị biệt. Người ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng trong lãnh vực đạo đức và hạnh kiểm cá nhân có nhiều điểm song hành có tính cách tương đồng có thể phong phú hóa cho việc đối thoại và đưa tới một sự tương kính và hiểu biết nhau tốt đẹp hơn.  

Ngay cả trong lãnh vực siêu hình đánh dấu bởi rất nhiều điều dị biệt có tính cách cơ bản, sự đối thoại cho phép vượt lên trên những điểm dị biệt đó bằng cách nhận rõ sự hiện hữu của chúng để thẩm định nền tảng chung liên quan đến mục đích và hoạt động. Trong khi xét về phương diện siêu hình, những quan điểm Phật giáo và Kitô giáo rất xa cách nhau, cả hai tôn giáo có thể góp phần vào việc sản xuất những “nhân vật tuyệt hảo”, trưởng thành về mặt tâm linh và lành mạnh về mặt đạo đức. Vì vậy những điểm dị biệt không nên phân rẽ chúng ta.” 

 

Sơ Eileen  

“Câu hỏi của tôi rất đơn giản theo tôi tưởng. Nếu người ta dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa ngài với Chúa Giêsu, điều đó có làm cho ngài thích thú không? Ngài có đặt câu hỏi nào hay có điều gì mà ngài ưa thích thảo luận với Chúa Giêsu không?” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma  

“Đối với một Phật tử mà đối tượng chính là tìm sự trú ẩn nơi Đức Phật, nếu được dịp gặp gỡ một nhân vật như Đức Giêsu Kitô - mà cuộc sống thể hiện một cách rõ rệt qua một nhân vật, xét trên bình diện tâm linh, đã có ảnh hưởng trên triệu triệu sinh linh bằng cách mang đến cho họ sự giải thoát và chấm dứt khổ đau - nhân vật đó hẵn gây  nên một niềm tôn kính sâu xa vì gợi lên điều cảm hứng nơi Ngài là một “Đấng hoàn toàn giác ngộ” hay một “vị bồ tát.” 

 

Sơ Eileen  

Ngài có câu hỏi gì đặt ra không? 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Câu hỏi đầu tiên như thế nầy: “Ngài có thể mô tả bản tính của Cha được không?” Bởi vì sự kém cỏi về hiểu biết đối với “bản tính đích thực của Cha” đã dẫn đưa chúng ta đến biết bao là ngộ nhận ở dưới trần thế nầy!” 

 

Sơ Eileen  

“Thật ra ngày nay chúng tôi quan niệm Thiên Chúa vừa là Cha và Mẹ!” 

 

Cha Laurence 

“Có lẽ nên để Đức Mẹ Maria tham dự cuộc hội thảo.” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Mỗi khi tôi thấy hình ảnh “Đức Mẹ Maria”, tôi tự nhủ Ngài biểu thị cho “tình thương và từ bi”. Ngài là một biểu tượng của tình thương. Trong tranh ảnh Phật giáo Tây Tạng, có “Bồ Tát Nữ Tara” chiếm một địa vị tương tự.” 

 

Thầy Ajahn Amarao

(thắc mắc về duy nhất tính của Chúa Giêsu) 

“Không biết tôi có nên đặt thêm một câu hỏi về siêu hình nữa không? Nhưng vì chúng ta đề cập đến những dị biệt trong những truyền thống đạo giáo chúng ta, với tư cách là người Tây phương, tôi luôn gặp phải khó khăn trong việc chấp nhận “duy nhất tính của Đức Giêsu Kitô”, trong việc xem Ngài như là một nhân vật tuyệt đối tách biệt, khác với tất cả những con người khác đã đến trong thế gian nầy. Không biết ngài có những cảm nghĩ gì về vấn đề đó mà ngài muốn chia sẻ với chúng tôi không, vì rằng ý tưởng đó bàng bạc trong hầu hết mọi văn bản thuộc Kitô giáo? Ngài tự đặt mình vào trong tương quan đối với bản tính duy nhất, đặc thù của Chúa Giêsu như thế nào?”  

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(lặp lại việc ngài xem Đức Giêsu Kitô như là một vị đại giác hay một đại bồ tát) 

“Nếu thầy hỏi tôi là một Kitô hữu thực hành nên hiểu rõ sự xác quyết về duy nhất tính của Đức Giêsu Kitô như thế nào, câu trả lời của tôi là người đó không có lựa chọn nào khác hơn là phải phó thác vào quyền uy của các giáo phụ trong thời quá khứ. Nhưng nếu như thầy hỏi ý kiến riêng của cá nhân tôi, tôi sẽ qui chiếu về những điều tôi đã trình bày trước đây. Đối với tôi là một Phật tử, “Đức Giêsu Kitô phải là một Đấng Đại Giác Ngộ hoặc là một vị Bồ Tát” đã đạt tới một tiến trình tâm linh ở giai tầng rất cao. 

Giai thoại sau đây không liên hệ trực tiếp đến câu hỏi của thầy, nhưng tôi muốn nhắc đến cuộc thăm viếng mà tôi đã thực hiện ở “Lộ Đức” năm ngoái với tư cách là một khách hành hương. Khi đứng trước hang đá, tôi đã trải qua một điều rất đặc biệt. Tôi đã cảm nhận một âm ba thiêng liêng, một sự hiện diện có tính cách linh thiêng và rồi, đứng trước thánh tượng, tôi đã cầu nguyện. Tôi đã cho biết là tôi đã cảm nhận một sự tôn sùng đối với nơi linh thánh đó mà từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng và sức mạnh mang lại sự ủi an, trợ lực và chữa lành về mặt tâm linh cho biết bao nhiêu người. Tôi đã cầu nguyện để điều đó còn tiếp diễn lâu dài. Như vậy, lời cầu nguyện của tôi không hướng về một đối tượng rõ rệt nhất định - như Đức Phật Thích Ca, Đức Giêsu Kitô hoặc một vị Bồ Tát nào - mà hoàn toàn hướng về “mọi Đấng có lòng từ bi vô lượng” đối với hết mọi chúng sinh.” 

 

Cha Laurence

(thắc mắc làm thế nào phân biệt những đau khổ vượt qua được và những đau không thể vượt qua) 

“Tôi có một câu hỏi muốn đặt ra với ngài liên quan đến một nhóm hội thảo trưa nay về những bài thuyết trình của ngài. Câu hỏi liên quan đến điều mà ngài đã nói về đau khổ, nghĩa là có nhiều loại đau khổ vượt qua được và nhiều loại không. Câu hỏi như thế nầy: Làm thế nào ngài nhận ra sự khác biệt đó? Có thể nào ngài nói cho chúng tôi biết, khởi từ kinh nghiệm riêng của ngài, làm thế nào mà ngài phân biệt được.” 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(cho biết cách phân biệt những khổ đau không thể vượt qua được) 

“Tôi thiết tưởng điều đó quá rõ rệt. Khi đối diện với một khó khăn, quí bạn đã làm hết sức để khuất phục và cuối cùng, quí bạn nhận thấy rằng khó khăn đó không tan biến đi, như thế quí bạn không vượt qua được. Trong loại phân biệt đó, người ta không bắt đầu bằng một sự phân tích sáng suốt cho phép quí bạn phân định một loại đau khổ riêng biệt có thế chế ngự được hay không. Người ta không tiến hành như thế.” 

 

Cha Laurence

(đưa ra bốn câu hỏi: tái sinh - linh thiêng - sau khi chết - nhận thức) 

“Xin cám ơn ngài. Và giờ đây tôi có bốn câu hỏi rất đơn giản để đặt ra với ngài. Những câu hỏi đó không những ngắn nhất trong ngày hôm nay mà cũng rất khó giải đáp nhất. Tôi xin trình bày như sau: Cái gì tái sinh? Cái gì linh thiêng ở nơi chúng ta bây giờ đây? Cái gì xảy ra sau khi chết? Nhận thức của chúng ta có tạo nên thực tại của chúng ta không?” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(trả lời câu hỏi cuối cùng và dành phần trả lời ba câu hỏi trên cho thầy Ajahn Amarao, cha Laurence và Sơ Eileen) 

“Tôi xin trả lời câu hỏi cuối cùng trước tiên. Những kinh nghiệm cá nhân về đau khổ, đau đớn, khoái lạc và hạnh phúc, đến một điểm nào đó, thường khi là do lý trí chúng ta tạo ra. Nhiều kinh nghiệm về loại đó trong thực tế đã do trí óc chúng ta tạo ra; nhưng từ đó mà bảo rằng thực tại là một cấu trúc của trí óc là không đúng, vì quả quyết một điều trái ngược hoàn toàn.  

Trong Phật giáo, nhiều môn phái hỗ trợ quan điểm đó, nhưng cũng phát sinh những ý kiến khác trái ngược lại. Theo quan niệm vũ trụ của phái “Trung Quán” (madhyamaka) là hệ phái mà tôi trực thuộc, quan niệm rằng mọi vật đều được tạo nên bởi nhận thức thì không thể chấp nhận được. 

Đến đây, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã mỉm cười và yêu cầu ba vị sau đây là thầy Ajahn Amarao, cha Laurence và Sơ Eileen trả lời ba câu hỏi kia: Cái gì tái sinh? Cái gì linh thiêng ở nơi chúng ta? Cái gì sẽ xảy tới sau khi chết?” 

 

Thầy Ajahn Amarao

(cho biết chính những tập quán chúng ta tái sinh) 

“Cái gì tái sinh? Đứng trên quan điểm “Phật giáo nguyên thủy” (theravada), không có một quan điểm giáo lý được xác định rõ rệt. Đức Phật đã mô tả tiến trình tái sinh rất minh bạch nhưng Ngài cũng đã nói rằng hết mọi kiến thức về điều đó đều dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Do đó, khi Ngài đề cập tới ý niệm về sự chết và tái sinh trong một thế giới sống động khác, điều đó giống như một bản đồ mà Ngài đã vẽ ra. Bản đồ đó không được chuyển giao cho chúng ta như một sự vật mà tất cả chúng ta mỗi người phải tin theo, nhưng chỉ như một sơ đồ có thể giúp chúng ta nhận ra kinh nghiệm của chúng ta về thực tại. 

Theo luật chung, “cái tái sinh chính là những tập quán chúng ta”. Đó là cơ bản của sự “luân hồi”. Tất cả những gì mà lý trí bám víu vào đều tái sinh: những gì chúng ta thương, ghét, sợ hãi, tôn sùng và những gì chúng ta có một nhận thức về chúng. Sự đồng nhất của chúng ta với những khía cạnh về lý trí được thiên phú bởi một tính năng động có sức lôi cuốn. Sự quyến luyến đó giống như bánh lái xe hơi. Sự tái sinh chấm dứt chính là sự giác ngộ. Đó là một sự thoát ly trọn vẹn hay một sự bất nhất với những tư tưởng, tình cảm, tri giác và cảm giác.  

Vì vậy khi chúng ta nói vượt ra ngoài vòng sinh tử, chấm dứt tiến trình tái sinh, điều đó tương đương với việc nói rằng giác ngộ thật ra là một điều kiện tự nhiên của lý trí khi không bị khuấy động, không bị đồng nhất hóa hay bị thu hút bởi một đối vật bên trong hoặc bên ngoài. 

Cái điều tái sinh từ kiếp nầy sang kiếp khác là điều gì ở trong chúng ta “tự động hóa một cách mù quáng với những đối vật”. Hoặc giả, trong trường hợp một vị Bồ Tát, theo truyền thống đại thừa (mahayana) - truyền thống nầy hơi khác với truyền thống nguyên thủy của tôi; do đó, xin những vị thuộc Bắc tông sửa sai nếu tôi nhầm lẫn – “vị Bồ Tát đó chọn lựa tái sinh do bởi lòng từ bi hoàn toàn” mà thôi, vì lợi ích của những người khác.  

Thông thường, đối với phần đông chúng sinh, tiến trình “tái sinh xảy đến do bất trắc” hơn là do ý muốn. Những điều kiện thuộc về sự tái sinh không thể kiểm soát, được quyết định bởi điều mà người ta bám víu vào. Vì vậy nếu một vị Bồ Tát quyết định sinh ra, điều đó do kết quả của một hành động cương quyết thực hiện một điều gì. Chẳng hạn, tôi có thể cầm tờ giấy nầy và giữ như thế, và việc cầm giữ đó có thể xảy ra lặng lẽ. Hoặc giả, tôi có thể bám víu vào điều đó và tự nhủ: “Đây là tờ giấy của tôi!” Trong trường hợp đó, việc đồng nhất hóa và sở hữu hóa đã xảy ra; đó là một sự cầm giữ mù quáng.  

Tái sinh có thể xảy ra một cách đơn thuần bằng cách mặc lấy một thể xác và giữ lấy thể xác đó mà không một chút lưu luyến; một vị Bồ Tát sẽ nhập xác và mang một sự sống nhân sinh như thế đó. Tôi hơi nhiều lời, nhưng tôi không thể vắn tắt hơn được!” 

 

Cha Laurence

(cho biết điều linh thiêng ở nơi chúng ta chính là nguồn gốc của chúng ta) 

“Cái gì linh thiêng ở nơi chúng ta đây? Tôi chia sẻ câu hỏi nầy với Sơ Eileen để chứng minh rằng các Kitô hữu cũng có những lối tiếp cận khác nhau.  

Tôi thiết tưởng “điều linh thiêng chính là nguồn gốc của chúng ta”. Thánh Phaolô mô tả “Thiên Chúa như là nguồn gốc”, hướng dẫn và mục tiêu của tất cả những gì hiện hữu. Ngài cũng nói trong thư gởi tín hữu Ephêsô rằng Thiên Chúa rõ biết chúng ta và đã kén chọn chúng ta - mỗi một con người riêng biệt - trước khi sáng thế.  

Thiên Chúa là nguồn gốc của không gian và thời gian, của sự sáng thế - tất cả những điều đó hiện hữu trong sự mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hiện hữu đến muôn đời trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Ngài đã ban cho chúng ta được hiển hiện, chúng ta hiện hữu, phát sinh từ bản tính Thiên Chúa được tỏ bày và yêu mến.  

Tôi thiết tưởng điều linh thiêng ở nơi chúng ta là nguồn gốc khởi thủy của chúng ta. Chúng ta luôn luôn là một với nguồn gốc chúng ta. Hết mọi vật hiện hữu đều luôn luôn là một với nguồn gốc của chúng. Đó là sự thánh thiện và linh thiêng của chúng ta. Đó là mục tiêu của chúng ta. Hành trình nhằm mục đích trở về nguồn gốc chúng ta - ở cũng một nơi, cũng một điểm - là hành trình mà chúng ta đang thực hiện lúc nầy đây. Đó là hành trình giải thoát hay giác ngộ.” 

 

Sơ Eileen

(đề cập đến việc trở về với hình ảnh Thượng Đế, tức “bổn lai diện mục”) 

“Giáo huấn Kitô giáo luôn dạy rằng “chúng ta được tạo thành theo hình ảnh Thượng Đế”, rằng chúng ta là những đền thờ của Đức Thánh Linh và rằng chúng ta luôn kết hợp với Thiên Chúa. Nhưng thân phận làm người đã khiến chúng ta không cảm nhận một cách trọn vẹn điều đó bởi vì chúng ta còn khép kín trong những tư duy và những giáo điều của chúng ta. 

Vì vậy chúng ta chiêm niệm và thực hành tâm linh để chúng ta có thể trở về với điều mà thiền phái Phật giáo gọi là “bổn lai diện mục”, tức về với kinh nghiệm khởi thủy đó của bản thể mà Đấng Tạo Hóa đã quyết định cho chúng ta. Như ngài đã nói, điều đó không bao hàm một sự đánh mất căn tính, chính đó là kinh nghiệm về duy nhất tính ở nơi Thiên Chúa.” 

 

Cha Laurence 

“Giờ đây chúng ta sẽ thắp đèn nến để chuẩn bị chiêm niệm.” 

Trước khi hát và chiêm niệm, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và những vị đại diện thắp năm đèn nến tỏ dấu hòa điệu giữa các tôn giáo. Cử chỉ đó được lặp lại mỗi ngày. Mặc dù có tính cách đơn giản tột độ và diễn tiến không rườm rà không nghi lễ, sự việc các ngọn nến được thắp sáng lên đã làm sống dậy một sức sống đặc biệt. Cũng như với mọi nền văn hóa, hết mọi tôn giáo đều luôn nhìn ánh sáng và nhất là ánh lửa vừa sợ hãi vừa tôn kính. Cử chỉ đó mang một tính cách linh thiêng đặc biệt, cho dù trong trường hợp nầy, không có tính cách lễ nghi bắt buộc. 

Khi Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã trở về chỗ cũ và ngồi thẳng lên, người ta tắt đèn điện trong phòng. Ngài ngồi xếp bằng và kéo các vạc áo xuống, điều chỉnh cách ngồi truớc khi bất động. Kế đó ngài lấy xâu chuỗi ra, nhắm mắt lại và bắt đầu tụng niệm. Thật xúc động khi thấy những chuẩn bị tỉ mỉ của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và nhất là cung cách của ngài có tính cách hoàn toàn thân mật, thoải mái, tự nhiên và dịu dàng trong việc lần tràng hạt, điều đó xem ra vượt lên trên hết mọi sự phân ly có tính cách văn học và ngôn ngữ.  

Bài kệ ngân lên không giống như khi đọc “Kinh Kính Mầng Maria”, nhưng cách thức tôn kính mà ngài tụng niệm như nghe đọc “Kinh Kính Mầng” vậy. Và đây là bài kệ tám đoạn nói về sự “Chuyển Hóa Tư Duy” của ngài Geshe Langri Thangpa: 

“Nhận thấy hết mọi chúng sinh hữu tình

đều muốn vượt lên trên ngay cả báu vật

nhằm thỏa mãn ước vọng đạt được mục đích cao cả nhất;

ước gì họ luôn trở thành đối vật mà tôi quí mến nhất.

 

Khi tôi đồng hành với ai,

tôi luôn tự coi mình như người thấp kém nhất,

và từ trong đáy lòng tôi,

tôi luôn xem họ là những người thân thương nhất và ở trên hết mọi sự.

 

Đề cao cảnh giác khi một bóng hồng xuất hiện,

điều đó gây nguy hại cho người khác và cho cả chính tôi.

ngay khi đối diện tôi phải tránh xa ngay

không chút trì hoãn.

 

Khi tôi thấy những người hung bạo

bị đè bẹp dưới những hành động hung hãn và sự khổ đau,

những người ít thấy đó sẽ trở thành thân thương đối với tôi,

như thể tôi đã gặp được một kho tàng quí báu.

 

Khi có ai khác vì ganh tị ngược đãi tôi bằng bạo hành,

sỉ nhục tôi hay làm hại tôi,

tôi sẽ chấp nhận sự thua thiệt

và dành sự đắc thắng cho họ.

 

Khi một người mà tôi làm ơn

và tôi đặt nhiều hy vọng ở nơi họ,

nhưng họ đã làm hại tôi một cách ghê gớm,

tôi xem họ như là một vị thánh thân tình.

 

Tóm lại, một cách vừa trực tiếp và gián tiếp, tôi hiến tặng

hết mọi lợi lộc và hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh hữu tình là cha mẹ tôi;

ước gì tôi âm thầm mang lấy cho tôi

hết mọi hành động gian ác và khổ đau của họ.

 

Ước mong hết mọi chúng sinh hữu tình đừng bị vẩn đục bởi những khái niệm

thuộc về tám mối ưu tư trần tục,

và ý thức rằng hết thảy đều vô thường;

ước mong họ buông bỏ hoàn toàn để được giải thoát khỏi mọi nghiệp chướng.”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!