.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG VII: ĐỨC TIN (GIOAN 12, 44-50)

Phúc Âm Thánh Gioan (12, 44-50) 

“Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan tòa xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.” 

 

Ý nghĩa đoạn Phúc Âm theo Kitô giáo 

Truyền thống đã đồng nhất tác giả Phúc Âm Thánh Gioan với “môn đệ mà Chúa Giêsu yêu dấu”. Tác giả đó trình bày Đức Giêsu như là “Logos” (từ ngữ Hy-Lạp có nghĩa là “Lời). Cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu được nhận diện dưới ánh sáng của sự Minh Triết toàn diện đối chiếu một ý nghĩa tượng trưng cho mỗi một chi tiết liên hệ đến cuộc đời Chúa Giêsu. Thánh Gioan nói về tương quan mật thiết nối kết Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Ngài tự đặt mình vào tương quan với Thiên Chúa trong một liên hệ đặc biệt giữa “Cha và Con”. 

Đoạn Phúc Âm nầy tóm tắt nhiều bài thuyết giảng của Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Gioan. Trong những lời lẽ đó, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của Chúa Giêsu và điều mà những Kitô hữu tiên khởi nghĩ về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu luôn luôn đặt trọng tâm ý thức của Ngài ở nơi Cha. Vì vậy, nếu người ta tin tưởng Ngài, thực sự người ta tin Thiên Chúa, chứ không phải chỉ tin Ngài mà thôi. Ngài nói rằng “Cha đã sai Ngài” - điều đó có nghĩa là cuộc đời của Ngài là một “sứ vụ”.  

Thấy Chúa Giêsu chính là thấy Cha đã sai Ngài. Mối dây liên kết Chúa Giêsu với Cha Ngài thì bất khả phân ly (hay “advaitique” như người ta thường đề cập tới trong giáo lý Ấn-Độ giáo). “Advaitique” có nghĩa là “bất nhị”, qui về giáo lý bất nhị trong Ấn-Độ giáo. Thiên Chúa và vũ trụ chẳng hạn, không phải một mà cũng không phải hai. 

Chúa Giêsu được trình bày như là “ánh sáng đến trong thế gian” để phá tan bóng tối. Do đó Đức Tin đặt để nơi Chúa Giêsu hơn là một niềm tin có tính cách hoàn toàn tín lý. Đức Tin đó là một tương quan có tính cách cá nhân đối với Ngài và vì vậy với thực tế mà qua đó Ngài tương giao. Chính sự tương quan đó tạo thành “quá trình khai ngộ” phá tan những bóng tối của sự vô minh và tham úy đang ngự trị nơi con tim nhân loại. 

Dây Đức Tin là “hodos” (từ ngữ Hy-Lạp dùng trong Phúc Âm) hay là con đường sống đạo của Kitô hữu. Chúa Giêsu đã nói: “Cha và tôi chỉ là một”. Ngài cũng còn nói: “Cha thì lớn hơn tôi”. Đó là hai khía cạnh của sự tương giao giữa Chúa Giêsu và Cha Ngài cũng là Cha chúng ta nữa. 

Trải qua bao thế kỷ, những tư tưởng gia Kitô giáo đã triển khai giáo thuyết về “Thiên Chúa Ba Ngôi” nhằm để ý tới mối dây liên kết đó, mối dây cứu độ, biến đổi và hoàn tất. “Cha” là nền tảng của Bản Thể vô hình và không thể biết được, “Con” (đã nhập thể trong Đức Kitô) được Cha yêu mến. Và tình yêu hỗ tương giữa Cha và Con là “Thánh Thần”, tức Ngôi Thứ Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi.  

Do đó Thiên Chúa là “ba trong một”. Chúa Giêsu đã hứa sẽ sai Thánh Thần vào trong thế gian sau khi Ngài không còn được nhìn thấy trên mặt đất - tức sau khi Ngài chết, phục sinh và cuối cùng trở về với Cha. 

Chúa Giêsu tuyên bố những giới răn của Cha có “sự sống đời đời”. Ngài cũng nói là Ngài đã đến để mọi người được sự sống sung mãn. Sự sống đời đời không chỉ một cuộc sống không chấm dứt mà thôi. Cuộc sống đời đời biểu hiệu cho một sự triển khai trọn vẹn của tiềm năng lương tâm con người.  

Giới răn duy nhất mà Chúa Giêsu nhấn mạnh là “tình yêu hỗ tương”. Vậy thì lương tâm trọn vẹn là một sự thể hiện hoàn toàn khả năng yêu thương nhau của con người. “Tình Yêu” chính là bản chất của Thiên Chúa (Cha yêu Con và tình yêu đó là Thánh Thần).  

Mọi người được mời gọi thông phần vào bản tính siêu nhiên của Thiên Chúa, trở nên thần tính do tình yêu (cũng như chúng ta đã thấy trong đoạn trích Phúc Âm Thánh Matthêu trước đây) để học hỏi yêu mến Thiên Chúa như Thiên Chúa yêu thương - một cách vô điều kiện và phổ quát.

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Đoạn Phúc Âm trích dẫn nầy của Thánh Gioan đối với tôi xem ra là một đoạn quan trọng trong Thánh kinh. Điều trước tiên đập vào mắt tôi là sự giống nhau một cách chặt chẽ với một đoạn đặc biệt trong kinh điển Phật giáo mà trong đó Đức Phật đã công bố là hễ ai nhận ra nguyên tắc “hệ thuộc hỗ tương” thì thấy “Pháp” (Dharma) và hễ ai thấy Pháp là thấy “Đức Phật Như Lai” (Tathagata). Kết quả là do sự hiểu biết bản chất sự hệ thuộc hỗ tương, do sự hiểu biết Pháp (Dharma), người ta hiểu bản chất đích thực của phật tính.  

Một khía cạnh khác của vấn đề là dùng giác quan để nhận chân thân thể của Đức Phật mà thôi thì không tương ứng với thị kiến đích thực về chính Ngài. Để thấy Đức Phật thật sự, phải ý thức “Pháp Thân” (Dharmakaya) là “Thân Chân Lý” của Đức Phật. Chính đó mới thấy Đức Phật thật.  

Cũng thế, đoạn nầy nhấn mạnh rằng chính nhờ sự nhân cách hóa có tính cách sử tính của Đức Kitô mà người ta mới có kinh nghiệm đích thật về Cha mà Ngài biểu hiện. Đức Kitô là đường đưa tới sự gặp gỡ Cha.  

Cũng ở đây, chúng ta tìm thấy ẩn dụ về “ánh sáng”, điều đó chung cho hết mọi truyền thống tôn giáo. Trong ngữ cảnh Phật giáo, ánh sáng gắn liền một cách chặt chẽ với “trí”, tức sự minh triết và quán thông; bóng tối là đặc điểm của vô minh và là một trạng thái thiếu hiểu biết, trạng thái vô ngộ.  

Điều nầy tương ứng với hai khía cạnh của đạo pháp: “khía cạnh kỹ thuật” bao gồm những việc thực hành như bi và nhẫn, và “khía cạnh trí” hay sự quán thông, tức một sự nhận thức minh bạch thấu suốt bản chất của thực tại. Chính khía cạnh quán thông hay trí của đạo là phương thuốc hiệu nghiệm để giải trừ vô minh 

Vì đoạn Phúc Âm nầy cũng nhấn mạnh tới sự quan trọng của đức tin trong việc thực hành linh đạo của mỗi người, tôi thiết nghĩ sẽ rất hữu ích để dẫn giải đôi chút về nhận thức Phật giáo đối với đức tin. Từ ngữ Tây-tạng để chỉ “đức tin” là “té-pa” có thể thân cận với ý niệm “tín thác” hay “tin chắc”.  

Truyền thống Phật giáo phân biệt “ba loại đức tin” khác nhau. Loại thứ nhất là “lòng ngưỡng mộ” đối với một nhân vật đặc biệt hay một trạng thái đặc biệt. Loại thứ hai là đức tin “mong ước”. Người ta tìm thấy ở đây ý niệm thi đua, tức mong muốn đạt tới thể trạng đó. Loại thứ ba là đức tin mang tính cách “xác tín”.  

Tôi thiết nghĩ cả ba loại đức tin đó cũng tương đương trong ngữ cảnh Kitô giáo. Chẳng hạn, một Kitô hữu sống đạo thật trong khi đọc và suy tư về đời sống Đức Giêsu thì phát sinh lòng “mộ mến” và tôn sùng mãnh liệt đối với Ngài. Kế đó, bằng cách củng cố lòng ngưỡng mộ và đức tin của mình, họ có thể đạt tới giai tầng thứ hai tức đức tin “mong ước”. Nến bạn là Phật tử, bạn mong ước đạt tới phật tính.  

Với tư cách người Kitô hữu, bạn không dùng những từ ngữ đó, nhưng có thể nói được là bạn ao ước đạt tới sự hoàn thiện của thiên tính, đạt tới sự nhiệm hiệp với Thiên Chúa. Cuối cùng, một khi sự ao ước đó đã được triển nở, bạn đạt tới niềm “xác tín thâm sâu” là bạn có thể thực hiện một cách sung mãn trạng thái đó. Đó là giai tầng thứ ba về đức tin. Tôi thiết nghĩ ba giai tầng đó của đức tin cũng có thể áp dụng được trong bối cảnh Phật giáo hay Kitô giáo. 

Phật giáo luôn luôn nhấn mạnh đến nhu cầu phải “liên kết đức tin với lý trí” để làm cho linh đạo của mình được tiến bộ. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) - minh sư Ấn Độ ở thế kỷ thứ hai - đã công bố trong một chuyên luận thời danh của ngài là đức tin và lý trí hay đức tin và óc phân tích, đều là những điều phải có đối với một hành giả tâm linh.  

Đức tin dẫn đưa bạn đến một cuộc sống nội tâm cao hơn, trong khi lý trí và tinh thần phân tích dẫn đưa bạn đến sự giải thoát hoàn toàn. Điều quan trọng là trong bối cảnh của linh đạo chúng ta, đức tin phải được xây đắp trên lý trí và sự hiểu biết. 

Để triển khai một đức tin xuất phát từ lý trí hay sự hiểu biết, một hành giả tâm linh lúc khởi đầu phải chứng tỏ có “tinh thần cởi mở”. Vì không có một từ ngữ thích ứng để diễn đạt, chúng ta có thể gọi trạng thái đó là một sự ngờ vực lành mạnh. Khi bạn ở trong trạng thái cởi mở đó, bạn có thể lý luận và qua tiến trình lý giải, bạn có thể triển khai một sự hiểu biết nào đó.  

Khi sự hiểu biết đó được củng cố sẽ phát sinh một sự tín thác, một tín ngường hay một sự vững tin ở nơi đối vật đó. Như vậy, đức tin đó, sự tín thác và sự tin chắc đó sẽ rất vững chãi bởi vì đức tin đó đâm rễ sâu trong lý trí và sự hiểu biết.  

Chính vì thế mà chúng ta nhận thấy Đức Phật, trong những kinh điển của Ngài, thường cảnh cáo những đệ tử chỉ chấp nhận lời Ngài vì sự tôn kính đối với cá nhân của Ngài. Ngài khuyên bảo họ hãy “kiểm chứng các lời Ngài nói”, cũng giống như ông thợ bạc giảo nghiệm đặc tính của vàng ròng bằng những phương pháp rất khắt khe. Chỉ khi họ thông hiểu, họ mới có thể chấp nhận tính cách chính xác của những điều Ngài giảng dạy. 

Trong đoạn Phúc Âm nầy, tôi thấy nói tới việc ánh sáng phá tan bóng tối, ngay sau khi nhắc tới sự cứu rỗi. Để liên hệ hai ý tưởng đó, tôi có thể nói được rằng bóng tối của sự vô minh được đánh tan bởi sự cứu rỗi chân chính, tức trạng thái được giải thoát. Trong ý nghĩa đó, có thể hiểu nghĩa lý của chính sự cứu rỗi trong bối cảnh Kitô giáo được. 

Định rõ bản chất chính xác của sự “cứu rỗi” là một nan đề khá phức tạp. Trong những hệ thống tôn giáo khác nhau của Ấn-Độ cổ đại, nhiều người chấp nhận một hình thức nầy hay một hình thức khác về ý niệm cứu rỗi. Từ ngữ Tây-Tạng để chỉ “cứu rỗi” là “tharpa” có nghĩa là “trả lại tự do” hay “sự tự do”.  

Nhiều truyền thống không chấp nhận những ý niệm như thế. Nhiều môn phái chủ trương những ảo giác của trí thức đã gắn liền với trí thức hay đó là một yếu tố nội tại và đương nhiên là một thành phần của chính bản chất lý trí.  

Theo họ, không mảy may nào có được sự giải thoát bởi vì những phủ định tính và những ảo giác đã gắn liền với lý trí và không thể nào tách biệt được. Cho dẫu những người chấp nhận một ý tưởng nào đó về sự cứu rỗi hay giải thoát, họ bất đồng ý kiến rất nhiều về định nghĩa và những đặc tính liên hệ đến trạng thái cứu rỗi đó.  

Chẳng hạn, trong vài môn phái cổ thời Ấn-Độ, trạng thái cứu rỗi có chiều hướng muốn mô tả bằng từ ngữ không gian hay “môi trường ngoại vi” có những đặc tính tích cực mang hình dáng một cái lọng lộn ngược. 

Tuy nhiên, nếu có vài truyền thống Phật giáo chấp nhận ý niệm cứu rỗi, những truyền thống đó chỉ xem sự cứu rỗi như là trạng thái tinh thần hay tâm linh có tính cách đặc thù đối với cá nhân đó, trạng thái hoàn thiện của trí óc, hơn là có tính cách môi trường ngoại diện.  

Phật giáo hoàn toàn chấp nhận ý niệm về những thế giới thuần khiết của chư Phật, tức những trạng thái thuần khiết mà sự biến hiện phát xuất từ những tiềm lực tích cực của nghiệp quả đối với cá nhân. Cũng có thể những người bình thường được tái sinh và tham dự vào những thế giới thuần khiết của chư Phật.  

Chẳng hạn, đối với những Phật tử, môi trường vật chất - tức trái đất hay quả địa cầu nầy - không thể được coi như một thế giới hoàn hảo được. Nhưng ở trong thế giới nầy, người ta có thể nói được rằng có những cá nhân đã đạt tới Niết-Bàn và sự giác ngộ trọn vẹn. Theo Phật giáo, sự cứu rỗi hay sự giải thoát phải được hiểu như là một “trạng thái nội tại”, một trạng thái triển khai về tâm linh.”

 

Cha Laurence 

Thiên đàng là kinh nghiệm về sự chia sẻ niềm vui, sự an bình và tình yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của khả năng con người.”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Vậy thì không nhất thiết phải liên kết với một không gian vật chất?” 

 

Cha Laurence 

“Không. Điều đó chỉ có trong giấc mộng.”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Ngược lại, bằng cách quảng diễn, người ta có thể hiểu rằng “hỏa ngục” như là một “trạng thái tinh thần rất tiêu cực”, sự lầm lạc?”

 

Cha Laurence 

“Đúng thế.”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Điều đó có nghĩa là không nhất thiết phải nghĩ tưởng hỏa ngục hay thiên đàng như là một môi trường ngoại vi?”

 

Cha Laurence 

“Không. “Hỏa ngục” là sống trong “trạng thái xa rời Thiên Chúa”, điều nầy tự bản chất là phi thực. Đó là một trạng thái ảo tưởng bởi vì không điều gì có thể tách rời khỏi Thượng Đế. Tuy nhiên, nếu chúng ta tưởng rằng chúng ta tách rời khỏi Thượng Đế, tức nhiên chúng ta đang ở trong hỏa ngục.”

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Trong Phúc Âm, Đức Giêsu nói: “Tôi không đến để kết án…Lời tôi đã nói ra, chính lời đó sẽ đoán xét.” Tôi thiết tưởng điều nầy phản ảnh một cách chính xác về ý niệm “nghiệp” (karma) trong Phật giáo. Không có một Đấng biệt lập “ở trên cao” làm trọng tài về việc người ta phải sống như thế nào và phải hiểu biết ra sao; ngược lại, điều đó hàm chứa chân lý trong chính “nguyên tắc nhân quả”.  

Nếu người ta hành động một cách đạo đức hay có kỹ cương, sẽ gặt hái những hậu quả mong muốn. Nếu người ta hành động một cách tiêu cực hay thiếu lành mạnh, người ta phải gánh chịu những hậu quả xấu. “Chân lý của định luật nhân quả là thẩm phán”, chứ không phải là một Đấng hay một nhân vật sẽ phán quyết. Quí bạn nghĩ sao?”

 

Cha Laurence 

“Trong Thánh kinh người ta tìm thấy một ẩn dụ có tích cách thi phú về việc Thiên Chúa đã phạt nhân loại vì tội lỗi của họ. Nhưng tôi thiết nghĩ giáo huấn của Chúa Giêsu đã vượt lên trên hình ảnh Thiên Chúa đoán phạt và thay thế bằng hình ảnh “Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện”.  

Tội lỗi vẫn có đó. Tội lỗi là một sự kiện. Nhưng sự trừng phạt liên kết với tội lỗi thì gắn chặt vào chính tội lỗi. Thay vì phải nhấn mạnh vào luật nhân quả, cho dù điều đó xem ra hợp lý, tôi thiết nghĩ Kitô hữu nên nhấn mạnh đến sự “tự do ý chí”. Chúng ta hành sử sự tự do ý chí ở trong những lãnh vực đó, ít nhất là trong một chừng mực nào đó.”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!