.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG II: BÀI GIẢNG TRÊN NÚI: NHỮNG MỐI PHÚC THẬT (MATTHÊU 5, 1-10)

 Phúc Âm Thánh Matthêu (5, 1-10) 

Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Ngài ngồi xuống và các môn đệ đến gần bên Ngài. Bấy giờ Ngài mở miệng và dạy họ rằng: 

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Nước Trời là của họ!

Phúc thay ai hiền lành: họ sẽ được đất!

Phúc thay ai than khóc: họ sẽ được an ủi!

Phúc thay ai đói khát sự công chính: họ sẽ được no đủ!

Phúc thay ai xót thương: họ sẽ được thương xót!

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa!

Phúc thay ai xây dựng hòa bình: họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa!

Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính: Nước Trời là của họ!”

  

Ý nghĩa đoạn Phúc Âm theo Kitô giáo 

Đoạn Phúc Âm nầy ở đầu “Bài Giảng Trên Núi”. “Tám Mối Phúc Thật” thường được gọi là “Hiến Chương Nước Trời. Trong những điều Phước Hạnh, Chúa Giêsu cho thấy bản chất sự hạnh phúc đích thực cũng như sự chúc phúc của Thiên Chúa như thế nào. Giáo huấn của Ngài được khắc ghi trong truyền thống Thánh Kinh theo đó sự khôn ngoan và hạnh phúc đi đôi với nhau. Tiếng Hy-Lạp “makarios” có ý nghĩa “vừa được chúc phúc vừa phước hạnh” nữa.  

Trong tám mối Phước Hạnh đó, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy bản chất đích thực của sự an sinh con người. Những điều Phước Hạnh có tính cách nghịch lý đó diễn tả một sự cách mạng luân lý trong bản chất con người chưa được hoàn thành. Vì vậy Nước Trời vừa “ở đây” vừa “sẽ tới”.  

1.- “Tâm hồn nghèo khó” ám chỉ những người nghèo nàn về của cải vật chất mà Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng đề cập tới sự nghèo nàn tâm linh, tức thân phận làm người phải tùy thuộc vào Thiên Chúa. Khi chúng ta biết rằng chúng ta không thể tự thỏa mãn được mà phải liên thuộc và trách nhiệm lẫn nhau, lúc đó chúng ta có “tâm hồn nghèo khó”. Trong ý nghĩa đó, từ ngữ nầy cũng biểu thị những thái độ không sở hữu của cải vật chất và không dính bén vào bất cứ sự vật nào.  

2.- “Ai than khóc” được chúc phúc bởi vì họ phải đương đầu với tình trạng ly cách chủ yếu khỏi Thiên Chúa trong thế giới hiện thực. Ở đây sự đớn đau không thuần túy ám chỉ sự đau khổ ngoại tại mà còn chính bản chất của thân phận con người khổ đau trên hành trình hoàn thiện. Sự an ủi là trạng thái cứu rỗi hay giải thoát. 

3.- “Những người hiền lành” sẽ thừa kế gia nghiệp đất đai. Sự bất bạo động là một phương cách tuyệt hảo để chiến thắng sự dữ. “Đất đai” không nhất thiết ám chỉ cuộc sống hiện tại ở đời nầy. Sự dữ luôn luôn tự hủy hoại. Điều thất bại của sự dữ hệ tại ở chính sự hữu hạn của nó. Sự hiền lành dịu dàng vượt thắng vì mang tính chất vô hạn. 

4.- “Yêu mến điều công chính” đem lại hạnh phúc. Sự công chính mang ý nghĩa kết hợp ý muốn con người với ý muốn Thiên Chúa. Sự công chính không thể tách lìa với lòng mẫn cảm thi thố trong cuộc sống. 

5.- Những người mà chúng ta thực lòng “xót thương” đến lượt họ sẽ trở thành những kẻ thương xót người khác. Hai kiệt tác về lòng thương xót được đề cập tới trong Phúc Âm bao gồm việc bố thí cho người nghèo và tha thứ cho kẻ thù địch. 

6.- Những người có “tâm hồn trong sạch” sẽ thấy Thiên Chúa. Sự trong trắng của tâm hồn bao gồm ở chỗ nhìn xem thực tại như đang xảy ra, không chút bi méo mó hay biến dạng bởi lòng vị kỷ. Điều nầy khác với đức khiết tịnh phát xuất từ lời khấn của tu sĩ và cũng khác với sự “trong sạch luân lý” theo ý nghĩa thông thường. 

7.- “Những người xây dựng hòa bình” là con cái Thiên Chúa. Sự hòa giải những kẻ địch thủ là một công trình của Kitô hữu thường được Phúc Âm khuyến khích. Những tác nhân kiến tạo hòa bình đó đã thông phần với bản tính Thiên Chúa như Thánh Phê-rô đã nói trong một Thánh Thư của ngài, bởi vì bản tính của Thiên Chúa là mang lại hòa bình và hợp nhất ở nơi nào mà sự bất hòa và chia rẽ thống trị.  

Trong câu kế tiếp, tín đồ được đảm bảo là “sự đau khổ mà họ chấp nhận vì Chúa Giêsu” sẽ được phần thưởng lớn lao. Ở đây Chúa Giêsu ngỏ lời với các môn đệ. Sự đau khổ của cá nhân Kitô hữu được hội nhập với Ngài một cách riêng tư. Những Kitô hữu đầu tiên cũng là một cộng đoàn bé nhỏ bị bách hại. 

Sau cùng, Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ tầm vóc quan trọng của họ trong trần thế - đó là trở nên “muối” trong cuộc sống hiện thực và “ánh sáng” của chân lý. Sứ vụ của họ phải được người đời nghe và thấy qua những công việc phát xuất từ con tim nhân hậu. 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

(bàn luận về đau khổ - nhân quả - Thiên Chúa) 

“Đọc những dòng Phúc Thật nầy, điều trước tiên xảy đến trong đầu óc tôi như sau: đoạn nầy ám chỉ một việc đơn giản là những ai muốn cam kết dấn thân trên một hành trình tu đức và chấp nhận những “thử thách cùng khổ đau” mà hành trình đó mang lại thì sẽ lãnh nhận phần thưởng do sự cam kết dấn thân của họ.  

Về những văn bản chỉ dạy đức khoan dung (nhẫn hòa) đòi buộc ở quí bạn sự cương quyết chấp nhận những thử thách và đau khổ, điều đó sẽ trở nên sai lầm khi quyết đoán rằng chịu khổ đau là điều tuyệt hảo, tất cả chúng ta phải nên tìm kiếm. Tuyệt nhiên tôi không tán thành một quan điểm như vậy. Theo tôi tưởng, mục đích đời sống chúng ta là tìm kiếm hạnh phúc, tìm kiếm sự thỏa thích và viên mãn. Tuy nhiên, vì những thử thách và đau khổ là một thành phần trong đời sống con người, đương nhiên chúng ta phải tiếp cận chúng một cách thực tế hơn ngõ hầu có thể rút tỉa một vài lợi ích. 

Khi xem xét bản chất “đau khổ”, chúng ta nhận thấy có loại đau khổ người ta có thể tìm ra giải pháp để nhờ đó vượt thắng được. Nhưng cũng có loại đau khổ không thể tránh né và lướt thắng, vì đó là những sự kiện tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Trong trường hợp đó, thật quan trọng để triển khai một trạng thái tinh thần cho phép tiếp cận sự khổ đau một cách thực tế hơn. Khi hành sử như thế, có lẽ quí bạn sẽ đạt tới sự chấp nhận những khó khăn đó bao lâu chúng xuất đầu lộ diện. Thái độ đó sẽ che chở quí bạn, không nhất thiết khỏi thực tế của sự khổ đau về mặt thể lý nhưng khỏi gánh nặng tâm lý phụ thuộc và sẽ trở nên vô ích khi chống trả lại. 

Một trong những cách thức hữu hiệu nhất để đối phó với khổ đau được trình bày trong “Bồ-Tát Hạnh” là nếu một khó khăn mà có phương cách thoát ly thì không nên bận tâm vô ích. Nếu ngược lại, không có phương cách thoát ly thì việc bận tâm chả ích lợi gì! 

Những dòng chữ Phúc Thật nầy đối với tôi hình như cũng đề cập đến “nguyên lý nhân quả”. Nếu từ chuyên môn Phạn ngữ “karma” (nghiệp) không thấy xuất hiện trong ngữ cảnh Thánh Kinh thì nguyên lý đại cương về nhân quả, ngấm ngầm trong học thuyết “karma” (nghiệp) đối với tôi xem ra được nhắc nhở ở đây. Những câu Phúc Thật trên đây muốn ám chỉ rằng nếu người ta hành động thế nào người ta sẽ gặt lấy hậu quả thế đó và nếu người ta không hành động thế đó, người ta sẽ không nhận lãnh hậu quả thế kia. Rõ ràng nguyên lý nhân quả được hàm chứa trong huấn dụ nầy. 

Mặc dù những truyền thống tâm linh lớn trên thế giới không đề cập tới vấn đề nhân quả dưới góc độ những chu kỳ luân hồi tái sinh nhiều kiếp, tuy nhiên xem ra có một sứ điệp cốt lõi dựa trên “nguyên lý nhân quả”, chung cho mọi truyền thống đó. Nghĩa là, nếu bạn làm điều lành, bạn sẽ được những kết quả mong muốn và nếu bạn làm điều dữ, bạn sẽ hứng chịu những kết quả ngoài ý muốn. Sứ điệp đạo đức căn bản đó xem ra gắn liền với mọi truyền thống tâm linh lớn trên thế giới. 

Một điểm phụ thuộc ở đây cũng rất thích thú cần được ghi nhận đó là sự tương đồng nổi bật về “cách hành văn giữa các văn bản Kitô giáo và Phật giáo”. Để bắt đầu những Mối Phúc Thật, Phúc Âm ghi rằng khi thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi, ngồi xuống, v.v…Người ta cũng gặp những đoạn mở đầu tương tự trong nhiều “sutras” (Kinh Phật). Các Kinh Phật thường kể lại vào một thời nào đó, Đức Phật thăm viếng một nơi nào đó, ngài đã được một số đông đệ tử vây quanh, ngài đã ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Do đó có một sự tương đồng thích thú trong cách hành văn trình bày những đoạn tương tự. 

Một khái niệm khó khăn đã trở thành vấn đề ở đây - nhất là đối với Phật tử - đó là khái niệm một đấng thần linh - THIÊN CHÚA. Dĩ nhiên, có thể khi đề cập như thế, người ta cho rằng đó là một điều không thể diễn tả được, ở bên kia ngôn từ và khái niệm. Nhưng phải công nhận rằng trên bình diện lý thuyết, những ý niệm về “Thượng Đế và Sáng Tạo” là một quan điểm bất đồng giữa Phật tử và Kitô hữu. Tuy nhiên, tôi tin rằng những lý lẽ và những suy tư đưa tới một niềm tin như thế thì chung cho cả Phật tử và Kitô hữu. 

Nếu người ta xem xét bản chất mọi hiện tượng tự nhiên, lương tri nói với chúng ta rằng mọi biến cố đều có một “nguyên nhân”. Phải có những nguyên nhân và những điều kiện nào đó (tức “nhân và duyên”) mới phát sinh một biến cố. Điều đó chẳng những đúng với đời sống cá nhân chúng ta mà cũng đúng với toàn thể vũ trụ bên ngoài. Theo một nghĩa chung chung, cho rằng một sự việc không có nguyên nhân - dù ở trong vũ trụ hay đời sống cá nhân chúng ta - là điều không thể chấp nhận được.  

Do đó vấn đề được đặt ra như sau: trong trường hợp đó, nếu đời sống chúng ta phải có một nguyên nhân - nếu ngay cả vũ trụ bên ngoài cũng phải có một nguyên nhân - thì nguyên nhân đó từ đâu tới? Và kết quả là nguyên nhân đó chính nó cũng phải có một nguyên nhân khác, và cứ như thế chúng ta “lùi lại vô cùng tận”. 

Để vượt lên trên sự khó khăn về một sự lùi lại vô cùng tận như thế, thật hữu ích nên đưa ra định đề về một khởi điểm - một “Đấng Tạo Hóa” - và chấp nhận một số chân lý về bản chất của Đấng Tạo Hóa: Ngài độc lập, tự sinh ra, hoàn toàn phép tắc và không đòi buộc một nguyên nhân nào khác. Chấp nhận một khởi điểm như vậy giúp giải quyết vấn đề lùi lại vô cùng tận. 

Nếu người ta đưa ra định đề về một Đấng Tạo Hóa như thế và nếu người ta xem xét lịch trình tiến hóa từ Big-Bang và toàn bộ bí mật vũ trụ, người ta đương nhiên phải công nhận “Đấng Tạo Hóa có toàn quyền tuyệt đối”.  

Ngoài ra, nếu người ta xem xét bản chất vũ trụ, người ta nhận thấy vũ trụ không vận hành một cách hoàn toàn hỗn độn và ngẫu nhiên. Xem ra có một trật tự chặt chẽ, một nguyên tắc nhân quả hoạt động. Như thế người ta cũng phải chấp nhận “Đấng Tạo Hóa toàn tri”, như thể mọi tiến trình đã được kế hoạch hóa hết. Nhìn dưới góc cạnh nầy, mọi tạo vật theo một cách nào đó đều là những biểu tượng của thần lực linh thiêng kia.  

Và đứng trên quan điểm đó, lại một lần nữa, người ta có thể nói Đấng Tạo Hóa là cùng đích và tạo vật là tương đối, vô thường. Trong ý nghĩa đó, người ta có thể nói “Đấng Tạo Hóa là chân lý tuyệt đối và cùng đích”. Nhưng tôi không biết các thần học gia Kitô giáo nghĩ như thế nào về điều đó! 

Riêng cá nhân tôi, khi xem xét ý niệm về Tạo Hóa và niềm tin ở một Đấng Tạo Hóa, tôi tự nhủ kết quả chính của niềm tin đó là bơm vào một động lực, một tình cảm khẩn trương trong việc cam kết hành giả trở nên một con người lương hảo, một con người có kỷ cương về mặt đạo đức. Khi bạn được trang bị một quan niệm và một niềm tin như thế, điều đó cũng mang lại một đích điểm cho cuộc sống bạn. Điều đó thật rất hữu ích để phát triển những “nguyên tắc luân lý”. 

Đó, tôi hiểu thần học Kitô giáo như thế đó!”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!