Phúc Âm Thánh Matthêu (5, 38-48)
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Mắt đền mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo lót của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo choàng. Nếu có người bắt anh em đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
Anh em đã nghe Luật dạy rằng: 'Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù'. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Ý nghĩa đoạn Phúc Âm theo Kitô giáo
“Bài Giảng Trên Núi” được trình bày trong những trang đầu của Phúc Âm Thánh Matthêu là Phúc Âm thứ nhất trong bốn Phúc Âm. Cũng như những Phúc Âm khác, Phúc Âm Thánh Matthêu được viết ra và phải được đọc không phải như một bản văn tường thuật có tính cách lịch sử mà như chứng nghiệm của sự Phục Sinh đã xảy đến trong lịch sử. Do đó, những Phúc Âm được hiểu qua ánh sáng Phục Sinh. Chữ Phúc Âm theo tiếng Hy-Lạp là “evangelon” có nghĩa là “Tin Mừng”.
Tác giả mỗi Phúc Âm - tức Thánh Sử - dự kiến cuộc đời và sự giảng dạy của Chúa Giêsu dưới một góc cạnh đặc thù đối với riêng họ, bởi vì họ nhắm tới một quần chúng khác nhau. Từ đó phát sinh tính cách đa dạng của các Phúc Âm mà trước khi được ghi lại bằng chữ Hy-Lạp thì trước đó là những lời truyền khẩu bằng tiếng Aramean. Như vậy, Phúc Âm Thánh Matthêu có thể đã được viết bởi một nhóm Kitô hữu gốc Do-Thái khoảng độ năm chục năm sau khi Chúa Giêsu tử nạn và phục sinh.
Đoan Phúc Âm nầy trích ra từ Bài Giảng Trên Núi, một bài huấn giáo của Chúa Giêsu được trình bày trong hai Phúc Âm của Thánh Matthêu và Thánh Luca. Các Phật tử sẽ nghĩ tới “Bài Thuyết Pháp của Đức Phật ở Vườn Lộc Uyển”. Bài Giảng Trên Núi đã được Chúa Giêsu giảng dạy ở giữa trời, trước một đám đông. Bài giảng nầy chứa đựng tinh hoa của sự giáo huấn của Ngài có tính cách tôn giáo và đạo đức học. Chẳng hạn Ngài nhấn mạnh sự quan trọng phải vượt lên trên việc tuân giữ một cách máy móc những nghi thức bên ngoài để đạt tới đạo tâm.
Trong phần đầu đoạn nầy, Chúa Giêsu đòi hỏi những người theo Ngài đừng tìm cách báo thù những ai làm hại mình. Ý tưởng nầy vượt ra ngoài lề luật cũ về sự báo thù thịnh hành trong suốt miền Cận Đông. Chúa Giêsu còn đi đến chỗ tuyên bố rằng chúng ta không nên chống lại những ai làm hại chúng ta. Theo cung cách tiêu biểu của người Do-Thái, một cách hơi quá đáng, Ngài đã nhấn mạnh đến giáo huấn của mình bằng cách tuyên bố là chúng ta nên đưa má kia và luôn luôn cho điều mà người ta đòi hỏi. Đồ đệ của Ngài được khuyến khích không những phải nhượng bộ mà phải cho nhiều hơn điều người ta yêu cầu.
Sự ám chỉ áo lót và áo choàng sẽ được lĩnh hội rõ ràng hơn khi người ta biết rằng người nông dân vùng Palestine thời bấy giờ chỉ mặc một chiếc áo mà thôi.
Nguyên tắc bất đối kháng và phó thác không thể được quả quyết một cách minh bạch hơn nữa. Tuy nhiên, những giáo huấn đó về sau đã được hợp lý hóa rất nhiều.
Phần thứ hai của đoạn Phúc Âm nầy đề cập tới tình thương yêu đối với kẻ thù. “Người lân cận” chỉ hết mọi người trong làng hay thuộc một nhóm. “Kẻ thù” ám chỉ một người làm hại mình hay chỉ một kẻ xa lạ. Như vậy, thương yêu người lân cận thân thiết với mình thì không đủ. Làm như thế người ta không thể thực hiện một cách trọn vẹn ơn gọi làm người hầu được trở nên “giống như Thiên Chúa”.
Những tư tưởng gia Kitô giáo đầu tiên đã quả quyết là Thiên Chúa nhập thể làm người để con người có thể trở nên giống Thiên Chúa. Điều giáo huấn của Chúa Giêsu ở đây chứng tỏ chúng ta trở nên “con Thiên Chúa” bằng cách thương yêu mọi người một cách vô vị lợi cũng như Thiên Chúa thương yêu họ. Sự hoàn thiện của Thiên Chúa thì không biên giới và sự hoàn thiện của con người cũng phải trở nên như vậy. Tiếng Do-Thái tương đương với “hoàn thiện” là “toàn bộ” hay “nguyên vẹn”. Chính sự yêu thương kẻ thù đảm bảo cho sự nguyên vẹn của cuộc sống nhân sinh.
Những “người thu thuế”, cộng tác viên với những lực lượng La-Mã đã chiếm đóng Palestine, cũng hoàn toàn giống như Tây-Tạng bị chiếm đóng ngày nay vậy.
Trời bắt đầu sáng, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã đến không chậm trễ. Trước khi dẫn giải đoạn Phúc Âm Thánh Matthêu, ngài đưa ra vài nhận xét sơ đẳng về kỹ thuật hành thiền. Suốt những ngày hội thảo, nhiều lần ngài đã nhấn mạnh đến mục tiêu của ngài không nhằm cải giáo những Kitô hữu trong hội trường thành những Phật tử mà là để trình bày cái nhìn của một tu sĩ Phật giáo đối với những đoạn Thánh Kinh chọn lọc.
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma
(giải thích về thiền quán và thiền định)
“Vì buổi hội thảo nầy được tổ chức bởi Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo Thế Giới và vì phần đông những tham dự viên gồm những Kitô hữu sống đạo thực sự, dấn thân một cách nghiêm túc trên tiến trình đức tin, nên sự trình bày của tôi đặc biệt hướng về họ. Tôi cố gắng giải thích những kỹ thuật hay những phương pháp Phật học mà một Kitô hữu sống đạo có thể sử dụng, nhưng không vì thế mà phải gắn bó với một nền triết học sâu sắc về Phật giáo. Những điều khác biệt sâu xa có tính cách siêu hình ở giữa hai truyền thống đạo giáo đó chắc chắn sẽ xuất hiện trong những buổi hội thảo nhóm.
Điều ưu tư chính yếu của tôi là làm thế nào để có thể giúp đỡ hay phục vụ Kitô hữu sống đạo được? Điều mà tôi không chút mong muốn là gieo rắc sự ngờ vực trong tâm thức họ. Như tôi đã nói trước đây, tôi tuyệt đối tin tưởng sự đa dạng của các tôn giáo hiện nay là điều cao quí và thích hợp. Theo kinh nghiệm riêng tôi, mọi truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều nói một thứ tiếng và truyền đạt một sứ điệp chung mà trên đó chúng ta có thể đích thực xây đắp một sự thỏa thuận hỗ tương.
Một cách đại cương, tôi mong muốn người ta đừng xa rời tôn giáo làm thành nền tảng văn hóa và gia sản của họ. Dĩ nhiên, cá nhân hoàn toàn có quyền thay đổi tôn giáo nếu một tôn giáo khác đối với họ xem ra hữu hiệu hơn và thích ứng hơn cho những nhu cầu tâm linh của chính họ. Nhưng, một cách tổng quát, điều tốt hơn hết là nên có chứng nghiệm về giá trị truyền thống tôn giáo của riêng mình.
Đây là một thí dụ thuộc loại khó khăn có thể gây ra bởi việc thay đổi tôn giáo: vào thập niên sáu mươi, trong một gia đình Tây Tạng, người cha gia đình qua đời và người mẹ đến gặp tôi ít lâu sau đó. Bà tỏ bày với tôi rằng trong kiếp nầy bà là Kitô hữu, nhưng trong kiếp sau không có cách nào khác hơn đối với bà là trở thành Phật tử. Thật là rắc rối! Nếu bạn là Kitô hữu thì tốt hơn hết bạn hãy phát triển tâm linh bạn trong bối cảnh tôn giáo của bạn và trở thành một Kitô hữu lương hảo đích thực. Nếu bạn là Phật tử, bạn hãy trở nên một Phật tử chân chính. Nếu không, điều đó chỉ tạo nên sự hỗn độn trong trí óc bạn mà thôi.
Trước khi diễn giải văn bản, tôi xin có đôi lời về vấn đề “chiêm niệm” hay “thiền định”. Chữ Tây-Tạng dùng để chỉ “thiền định” là “gom”, gợi lên sự khai triển có tính cách mật thiết thường xuyên với một cách thực hành hay một đối vật riêng biệt. Quá trình “thân quen” là trọng tâm, bởi vì sự tinh luyện hay khai triển trí óc thì tương quan đến sự phát triển có tính cách quen thuộc với đối vật được chọn lựa. Do đó, duy chỉ việc áp dụng thường xuyên những kỹ thuật chiêm niệm hay thiền định và một sự tập luyện thường xuyên của trí óc mà người ta có thể dự trù trước sẽ đạt tới một sự biến đổi nội tâm, điều đó tạo thành kỷ luật cho trí óc.
Trong truyền thống Tây-Tạng, đại cương có hai loại thiền định. Một loại cần tới một dung lượng nào đó về phân tích và lý luận; người ta gọi là “thiền quán” hay thiền phân tích. Loại kia có tích cách thu nhập và tập trung hơn; người ta gọi là “thiền chỉ” hay hành động định vị trí óc.
Lấy thí dụ quán chiếu về tình yêu và lòng trắc ẩn (bi) trong ngữ cảnh Kitô giáo. Trong việc thiền quán, chúng ta sẽ đi theo những giòng tư tưởng riêng biệt, chẳng hạn: để yêu mến Thiên Chúa một cách đích thực, tôi phải tỏ lộ tình yêu đó bằng hành động yêu mến những người anh em tôi một cách nghiêm túc, tức yêu mến người lân cận của tôi.
Người ta cũng có thể suy tư về đời sống và gương mẫu của chính bản thân Chúa Giêsu Kitô: Ngài đã sống như thế nào, Ngài đã hoạt động cho lợi ích của những con người khả giác như thế nào và những hành động của Ngài đã chiếu tỏa một lối sống được gợi hứng bởi lòng trắc ẩn như thế nào.
Loại diễn tiến suy tư đó cho thấy khía cạnh phân tích của loại thiền quán trên lòng trắc ẩn (bi). Người ta cũng có thể quán chiếu một cách tương tự về lòng nhẫn nhục và khoan dung (nhẫn và hòa).
Nhờ những suy tư đó người ta sẽ dần dần nhận chân tầm mức quan trọng và giá trị của lòng trắc ẩn và khoan dung (bi và hòa). Một khi đạt tới một đích điểm nào đó mà người ta có thể chắc chắn một cách tuyệt đối về giá trị và sự cần thiết cửa lòng trắc ẩn và khoan dung (bi và hòa), người ta sẽ cảm thấy bị đánh động và được biến đổi trong nội tâm.
Tới giai đoạn đó, phải tập trung trí óc trên niềm tin độc nhất đó, không cần phải theo đuổi một tiến trình phân tích nào khác nữa. Một cách chính xác hơn, trí óc phải ở trong trạng thái quân bình tuyệt đối, tập trung trên một tiêu điểm - đó là khía cạnh thẩm thấu hay duy trì sự quán chiếu trên lòng trắc ẩn (bi).
Như vậy hai loại “thiền quán” và “thiền chỉ” đều được áp dụng trong chính một buổi “thiền định”.
Tại sao chúng ta có thể, bằng cách áp dụng những kỹ thuật thiền định như thế, không những để khai triển mà còn để làm cho lòng trắc ẩn (bi) được tinh luyện hơn. Bởi vì lòng trắc ẩn (bi) là một loại cảm xúc có năng lực khai triển.
Đại cương có hai loại cảm xúc. Một loại thuộc bản năng hơn và không có nền tảng trên lý trí. Loại khác, như lòng trắc ẩn và khoan dung (bi và hòa), ít có tính cách bản năng hơn và căn cứ vững chắc trên lý trí và kinh nghiệm.
Khi người ta thấy một cách rõ ràng những lý do hợp lý khác nhau để khai triển chúng và khi người ta xác tín một cách chắc chắn những lợi ích mà chúng mang lại, lúc bấy giờ những cảm xúc đó được tinh luyện. Điều xảy ra lúc đó là sự “giao thoa giữa khối óc và con tim”. Lòng trắc ẩn (bi) tượng trưng cho cảm xúc, hay con tim; và sự ứng dụng việc “thiền quán” thuộc về trí óc. Khi người ta đạt tới giai đoạn thuộc trạng thái “thiền chỉ” mà lòng trắc ẩn được tinh luyện, người ta tham dự vào sự hòa hợp đặc biệt của trí óc và con tim.
Nếu giờ đây người ta xem xét bản chất những trạng thái thiền định đó, người ta nhận thấy chúng được làm thành bởi những thành phần khác nhau.
Chẳng hạn, lấy thí dụ tiến trình lý giải bao gồm việc suy tư chúng ta đều là những con người, những tạo vật của một Đấng Tạo Hóa và do đó thật là những anh em chị em với nhau. Trong trường hợp đó, quí bạn tụ tiêu trí óc vào một đối vật riêng biệt. Nói cách khác, tính chủ quan lý giải của bạn tập trung vào ý tưởng hay khái niệm mà quí bạn phân tích.
Tuy nhiên, một khi đạt tới một trạng thái tập trung trên một điểm duy nhất - khi bạn cảm thấy sự biến đổi nội tâm đó, lòng trắc ẩn (bi) ở trong nội tâm của bạn đó - thì không còn một trí óc chiêm niệm và đối vật được chiêm niệm. Thay vào đó, trí óc chiêm niệm hay thiền định của bạn mở rộng ra dưới hình thức lòng trắc ẩn (bi).
Tôi chấm dứt những nhận xét sơ đẳng về vấn đề chiêm niệm hay hành thiền. Giờ đây tôi sẽ đọc đoạn Phúc Âm:
“Các ngươi đã nghe bảo rằng: 'Mắt thế mắt, răng đền răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các ngươi: đừng cự lại người ác. Nếu ai vả má phải ngươi thì hãy giơ má kia nữa. Nếu ai muốn kiện ngươi để đoạt áo lót, thì hãy bỏ cả áo choàng cho nó. Nếu ai bắt ngươi đi một dặm thì hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, ngươi hãy cho, và người muốn vay mượn, ngươi chớ khước từ.”
(Matthêu 5, 38-42)
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma
(đề cập đến hỷ xả và nhẫn hòa)
“Thực hành đức hỷ xả và nhẫn hòa như được khuyến khích trong đoạn nầy giống y hệt việc thực hành đức hỷ xả và nhẫn hòa thường được khuyến khích trong Phật giáo nói chung. Đặc biệt hoàn toàn đúng với Phật giáo Đại-Thừa trong bối cảnh “Bồ-Tát hạnh” (bodhisattva) thường khuyến khích, khi người ta làm điều ác cho mình, thì đáp trả lại bằng bất bạo động và từ bi. Trong một giới hạn nào đó, nếu đặt đoạn Phúc Âm nầy vào một chuyên luận Phật giáo, người ta có thể không nhận ra nguồn gốc Kitô giáo.”
“Các ngươi đã nghe nói: 'Hãy yêu mến thân nhân và hãy ghét kẻ địch thù'. Còn Thầy, Thầy bảo các ngươi: Hãy yêu mến kẻ thù địch và khẩn cầu cho kẻ bắt bớ các ngươi. Như vậy các ngươi trở nên con cái của Cha các ngươi ở trên trời vì Người cho mặt trời mọc trên kẻ dữ cũng như người lành và làm mưa xuống trên người công chính cũng như bất công. Vì nếu các ngươi mến yêu những kẻ yêu mến các ngươi thì các ngươi có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu các ngươi chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì các ngươi có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy các ngươi hãy nên hoàn thiện như Cha các ngươi ở trên trời là Đấng hoàn thiện.”
(Matthêu 5, 43-48)
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma
(bàn luận về từ bi với kẻ thù - sự sáng tạo - ba loại hy xả và nhẫn nhục)
“Đoạn nầy làm tôi nhớ lại một đoạn trong sách Phật giáo Đại Thừa gọi là “Bản tóm tắt những điều thực hành” trong đó ngài Shantidéva hỏi: “Nếu các ngươi không thực hành đức từ bi đối với kẻ địch thù thì các ngươi sẽ thực hành đức từ bi đối với ai?” Người ta hiểu ngầm rằng cho dẫu súc vật cũng biểu lộ đức ái, đức từ bi và một tình cảm tha giác đối với những người mà chúng cảm mến. Nếu chúng ta tự nhận mình là những người thực hành một linh đạo, cam kết theo đuổi một con đường tu đức, chúng ta phải tỏ ra mình có thể làm tốt hơn loài súc vật.
Đoạn Phúc Âm trích dẫn nầy cũng nhắc nhở tôi những suy tư của một quyển sách khác thuộc Phật giáo Đại Thừa goi là “Bồ Tát Hạnh” (người Tây phương dịch là “Tiến Tới Sự Giác Ngộ”) trong đó ngài Shantidéva xác quyết tầm mức quan trọng về thái độ đứng đắn phải có đối với kẻ thù. Nếu quí bạn biết vun trồng một thái độ chân chính, kẻ thù các bạn trở nên những bậc thầy tâm linh tuyệt hảo, bởi vì sự hiện diện của họ cho quí bạn cơ hội tấn tới trong sự hỷ xả, nhẫn nhục và cảm thông. Khi thâu thập được nhiều hỹ xả và nhẫn nhục, sẽ dễ dàng hơn trong việc phát huy thái độ của quí bạn đối với lòng từ bi và nhờ đó, lòng vị tha. Như vậy, cho dẫu đối với việc thực hành linh đạo riêng của quí bạn, sự hiện diện của một kẻ thù là yếu tố quyết định.
Sự loại suy mà Phúc Âm đưa ra với hình ảnh “mặt trời chiếu sáng mà không phân biệt” là điều rất quan trọng. Đó là một ẩn dụ tuyệt vời về lòng từ bi. Điều đó cho thấy đức từ bi thì không thiên vị và không loại trừ.
Khi đọc những đoạn nầy, tôi thấy Phúc Âm nhấn mạnh đến việc thực thi tâm hỷ xả và làm tăng giá trị những tình cảm không thiên vị đối với mọi tạo vật. Theo tôi, để triển khai năng khiếu mỗi cá nhân về tâm hỷ xả đối với mọi sinh vật và nhất là đối với kẻ thù, có một điều kiện tiên quyết quan trọng là chấp nhận mọi sinh vật một cách bình đẳng.
Nếu người ta nói với quí bạn là không được thù nghịch đối với kẻ thù của mình, phải thương yêu kẻ thù của mình; chỉ quyết đoán như vậy mà thôi thì sẽ không thúc đẩy quí bạn thay đổi được. Theo bản tính tự nhiên, ai trong chúng ta cũng cảm thấy thù nghịch đối với những ai làm hại mình và thương mến đối với những ai thương yêu mình. Đó là một tình cảm tự nhiên của con người. Vì vậy chúng ta phải có những kỹ thuật hữu hiệu để giúp đỡ chúng ta đi từ giai đoạn thiên vị gắn liền với bản tính chúng ta để sang một tình trạng hoàn toàn bình đẳng hơn.
Nhiều kỹ thuật chuyên biệt cho phép khai triễn sự bình đẳng đối với mọi sinh vật. Trong ngữ cảnh Phật giáo, người ta có thể nhắc tới ý niệm “tái sinh” để giúp chúng ta thực hành sự bình đẳng. Tuy nhiên, vì chúng ta thảo luận trong bối cảnh Kitô giáo, chắc chắn có thể gợi lên ý niệm “Sự Sáng Tạo” theo đó mọi tạo vật đều bình đẳng về phương diện hết thảy chúng sinh đều là tạo vật của một Thượng Đế. Từ niềm tin đó, người ta có thể tiến tới trong việc bình đẳng.
Ngay trước cuộc hội thảo nầy, tôi đã có dịp trao đổi vắn tắt với cha Laurence và ngài đã cắt nghĩa cho tôi là, trong nền thần học Kitô giáo, người ta cho rằng mọi người đều được tạo dựng theo “hình ảnh Thiên Chúa” - tất cả chúng ta đều chia sẻ cũng chính một bản tính thần linh. Điều nầy đối với tôi xem ra tương tự với ý niệm về “phật tính” trong Phật giáo. Niềm tin nầy cho rằng mọi người tham gia vào cũng chính một bản tính thần linh đã cung ứng cho chúng ta một nền tảng chắc chắn, một lý do rất vững mạnh để tin tưởng rằng mỗi người trong chúng ta có thể có được một tinh thần bình đẳng chân chính đối với mọi sinh vật.
Tuy nhiên, chúng ta không nên xem sự bình đẳng về linh hồn đó như là một cứu cánh nội tại. Chúng ta cũng không nên có cảm tưởng theo đuổi một trạng thái vô cảm tính hoàn toàn theo đó chúng ta không có một chút tình cảm nào cũng như không có một chút xúc động nào đối với bạn hay thù. Đó không phải là mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.
Điều mà chúng ta ao ước trước tiên đó là đặt để những nền móng, bố trí một loại đất trống mà ở đó chúng ta sẽ có thể ươm trồng những tư tưởng khác. Bình đẳng là thửa đất đồng đều đó mà chúng ta sửa soạn trước tiên. Trên căn bản đó, chúng ta sẽ suy tư những giá trị của nhẫn nhục, nhân ái và từ bi đối với mọi người.
Chúng ta cũng phải xét xem những trở ngại và những phủ định tính phát xuất từ sự thiên vị đối với những người khác. Điểm mấu chốt nằm ở cách thức sử dụng sự bình đẳng căn bản đó. Quan trọng là tập trung vào những phủ định tính của sân hận và oán thù đã tạo nên những trở ngại chính cho việc triển nở năng khiếu của chúng ta về tâm từ bi hỷ xả.
Điều đó có thể thực hiện được trong bối cảnh Kitô giáo mà không phải nhờ đến một niềm tin nào đó về sự tái sinh: Thượng Đế đã tạo dựng bạn thành một cá nhân và cho bạn tự do để hành động một cách tương hợp và ăn khớp với những ước muốn của bạn - hành động một cách đạo đức, một cách hợp luân lý và sống một cuộc sống xứng đáng với một cá nhân có tinh thần kỷ luật đạo đức và trách nhiệm. Nhờ thử thách và thực tập tâm hỷ xả và nhẫn nhục đối với đồng loại, quí bạn làm tròn lời khấn hứa nầy: quí bạn làm hài lòng “Đấng Tạo Hóa” của quí bạn. Theo một nghĩa nào đó, đây chính là tặng phẩm tốt đẹp nhất mà quí bạn có thể dâng lên Đấng Tạo Hóa linh thiêng.
Trong Phật giáo, người ta tìm thấy ý niệm gọi là “cúng dường bằng cách thực hành” (drupai chopa) theo đó, trong mọi vật cúng dường mà người ta có thể dâng lên cho Đấng mà chúng ta tôn kính - cúng dường vật chất, những bài hát ca tụng và những tặng vật khác - vật cúng dường tốt đẹp nhất là việc sống một cuộc đời thích ứng với những phương châm do Đấng đó đề ra.
Trong ngữ cảnh Kitô giáo, sống một cuộc đời có kỷ luật đạo đức, căn cứ trên tâm hỷ xả và nhẫn nhục, theo một nghĩa nào đó, quí bạn đã dâng hiến một tặng phẩm tuyệt vời lên Đấng Tạo Hóa của quí bạn. Theo một cách nào đó, điều nầy hữu ích nhiều hơn là giới hạn vào việc thực hành bằng lời cầu nguyện. Nếu quí bạn cầu nguyện mà không sống thích hợp với lời cầu nguyện ấy, điều đó chả có ích lợi lớn đâu.
Một trong những thiền sư nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng là ngài Milarepa, quả quyết trong một bài kệ về chứng nghiệm tâm linh như sau: “Đối với những vật cúng dường vật chất thì tôi không có; tôi không có gì để dâng cúng. Điều mà tôi có thể dâng cúng không hết, đó là tặng vật của sự đạt ngộ tâm linh của tôi.”
Chúng ta thấy rõ, một cách đại cương, một người tràn đầy tâm từ bi nhẫn nhục sẽ hưởng thụ sự an lạc. Một người như thế chẳng những hạnh phúc và không bị xúc động dễ dàng, mà còn được khỏe mạnh về thể xác và ít bị đau yếu. Người đó có một ý chí mạnh, ăn ngon và ngủ ngon. Đó là những lợi ích của tâm hỷ xả nhẫn nhục mà chúng ta có thể nhận thấy trong cuộc sống hằng ngày.
Một trong những điều xác tín nền tảng của tôi là bản tính con người theo bản chất thì có xu hướng về từ bi và nhân ái hơn. Bản tính con người theo bản chất thì hiền từ và không hung hãn bạo động. Điều nầy hoàn toàn phù hợp với điều mà cha Laurence đã nói về sự kiện mọi người chia sẻ cùng một bản tính thần linh.
Tôi muốn nói thêm là khi xem xét sự tương quan giữa tâm thần hay lương tâm và thể xác, người ta nhận thấy rằng những cử chỉ, xúc động và những trạng thái tâm thần lành mạnh như tâm từ bi hỷ xả thì liên hệ một cách chặt chẽ với sức khỏe thể xác và sự an sinh. Chúng làm tăng sự “an sinh thể lý”, trong khi những cử chỉ và những xúc động tiêu cực hay không lành mạnh như giận hờn, ghen ghét, những trạng thái tâm linh bị xáo trộn…làm hao mòn sức khỏe thể xác. Sự liên hệ đó chứng tỏ rằng bản chất con người vốn gần gũi hơn với những cử chỉ và những xúc động lành mạnh.
Sau khi đã suy tư về những đức tính của tâm hỷ xả nhẫn nhục và xác tín sự cần thiết phải phát huy nơi chính mình, kế đó phải xét xem những loại và những trình độ khác nhau về tâm hỷ xả nhẫn nhục. Về điểm nầy, kinh sách Phật giáo trình bày “ba loại hỷ xả nhẫn nhục”.
Loại thứ nhất là trạng thái dửng dưng không lay chuyển - người ta có thể chịu đựng đau đớn hay đau khổ mà không để chúng nhận chìm. Trong trạng thái thứ hai, hành giả không những có thể chịu đựng những đau khổ như thế, nhưng nếu cần, còn sẵn sàng và mong muốn chấp nhận vào mình những thử thách, những cực nhọc và đau khổ trên con đường tu đức. Điều nầy bao hàm việc tự ý chấp nhận những thử thách để đạt tới một mục tiêu cao hơn. Loại thứ ba là tâm hỷ xả nhẫn nhục nảy sinh do niềm xác tín chắc chắn đối với bản chất thực tế.
Trong việc thực hành của Kitô hữu, loại nhẫn nhục đó đặt căn bản trên những huyền nhiệm của việc Sáng Tạo. Cho dù sự phân biệt về ba trình độ hỷ xả đó là công việc của các tác giả Phật giáo, cũng có thể đưa vào trong ngữ cảnh Kitô giáo được. Điều đó đặc biệt chính xác đối với loại thứ hai về tâm hỷ xả nhẫn nhục - nghĩa là cương quyết chấp nhận những thử thách trên hành trình tâm linh - xem ra đó là vấn đề được đề cập đến trong đoạn sau: “Những Mối Phúc Thật” trong Phúc Âm Thánh Matthêu.”