.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời nói đầu

Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)

Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)

Phần thảo luận (I)

Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)

Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)

Phần thảo luận (II)

Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)

Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)

Phần thảo luận (III)

Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)

Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)

Phần thảo luận (IV)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG V: SỰ HIỂN DUNG (LUCA 9, 28-36)

Phúc Âm Thánh Luca (9, 28-36) 

“Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Elia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẵn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị nầy từ biệt Đức Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê và một cho ông Êlia.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây đang bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.”

 

Ý nghĩa đoạn Phúc Âm theo Kitô giáo 

Trong câu chuyện của Thánh Luca, Chúa Giêsu vào lúc đó, vừa làm phép lạ nuôi một đám đông năm ngàn người đang đói và sau đó, Ngài đã ban bố một bài giảng hùng hồn về điều kiện làm môn đệ: “Nếu ai muốn theo Thầy, người đó phải từ bỏ chính mình…Ai muốn cứu mạng sống mình người đó sẽ mất.” Điều nầy sửa soạn chúng ta đón nhận một mạc khải duy nhất về ánh sáng tiềm ẩn nơi Chúa Giêsu mà ở đây đã chiếu tỏa từ vật chất và ý thức, từ thân xác và thần trí. 

Đoạn nầy được bao trùm bởi điều bí nhiệm. Phải liên tưởng đến một biến cố thực đã nhắc nhở ở nơi khác trong Phúc Âm, nhưng được mô tả một cách rất tượng trưng. Một trong những biểu tượng lớn lao là cuộc đàm thoại với Môsê và Êlia trong viễn tượng “Biến Hình” hay “Hiển Dung”. Môsê là người trao ban “Lề Luật” hay “Ngũ Kinh” (Torah) của Do-Thái giáo và Êlia là một trong những đại tiên tri Do-Thái sẽ trở lại trước khi Đức Kitô đến. Hai vị đó làm nên hai cột trụ của Do-Thái giáo: tương giao với Thiên Chúa qua Ngũ Kinh và các tiên tri. Vì vậy Chúa Giêsu được liên kết với truyền thống đó và Ngài là biểu tượng tuyệt đỉnh. 

Về phương diện văn hóa và tôn giáo, Chúa Giêsu là người Do-Thái, nhưng kinh nghiệm riêng của Ngài về Thiên Chúa đã làm cho Ngài siêu việt lên trên cá tính riêng và bối cảnh văn hóa của Ngài. 

Những biểu tượng nội tâm đó gợi lên bản chất của sự chiếu sáng nơi Chúa Giêsu. Trước hết trong thị kiến mà người ta thấy Ngài đang đàm đạo với Môsê và Êlia về sự “ra đi” của Ngài - nói cách khác về sự chết của Ngài và về định mệnh của Ngài sẽ kết thúc ở Giêrusalem: sự đóng đinh và sự sống lại. Điều đó có nghĩa là sự chiếu sáng của Ngài kết thúc ở trong sự đau khổ. 

Tuy nhiên, ý nghĩa cái chết tàn bạo của Chúa Giêsu ám chỉ rằng chúng ta được cứu rỗi qua sự đau khổ. Còn hơn thế nữa, sự chết của Ngài trên thánh giá chứng tỏ tình yêu của Chúa có thể đạt tới mức độ nào để thông ban cho loài người. Như vậy thánh giá thật là một biểu tượng tình yêu và một phương thế biến đổi. Do đó đau khổ mang một ý nghĩa tích cực hay cứu chuộc. 

Những môn đệ hiện diện lúc Chúa Biến Hình là những môn đệ thân cận nhất của Ngài. Tuy nhiên ở đây cũng như ở nơi khác, họ tỏ ra chưa thể hiểu được điều đó một cách trọn vẹn. Họ chỉ được hiểu trọn vẹn sau Phục Sinh khi Chúa Giêsu hiện ra cho họ và sai Thánh Thần của Ngài đến với họ. Ngay lúc đó, khả năng giới hạn của họ đối với việc hiểu biết về ý nghĩa việc làm của Chúa Giêsu cắt nghĩa tại sao Ngài đã nói với họ là đừng nói cho ai biết điều mà họ đã thấy. 

Biểu tượng thâm sâu nhất của câu chuyện là sự mạc khải bởi Thiên Chúa - hiện diện trong “đám mây” - về Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, người Con yêu dấu và người ta phải nghe Ngài. Bởi vì điều đó là một mầu nhiệm không bị giới hạn bởi không gian và thời gian, điều xảy tới trước và sau cái chết của Chúa Giêsu có thể được coi giống nhau y hệt. 

Đám mây là một biểu tượng trong Thánh kinh về mầu nhiệm của Thiên Chúa luôn luôn không thể hiểu biết được cho dẫu cả khi Ngài tự mạc khải về chính Ngài. Sự không thể hiểu biết về Thiên Chúa đó chỉ có thể biết được trong tình yêu là điều cơ bản cho hết mọi mầu nhiệm Kitô giáo 
 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma

“Đoạn nói về sự Hiển Dung gợi lại một lần nữa những đề tài chung cho những truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới. Ở đây những đề tài chung đó là khả năng có những “chứng nghiệm thần bí về thị kiến”, về tầm quan trọng của những ẩn dụ như cầu vồng và đám mây. Trong bối cảnh đoạn Phúc Âm nầy, ý nghĩa những đề tài đó có thể hơi khác một chút bởi sự kiện duy nhất tính của Chúa Giêsu trong tư cách là Con Thiên Chúa.  

Nhưng nói chung, đối với các Phật tử, nếu một hành giả đạt tới một sự thành tựu cao độ trong tiến trình biến hóa tâm linh, một sự biến hình như thế cũng có thể “tỏ lộ trên bình diện thể lý”. Những kinh (sutras) thuật lại nhiều câu chuyện tương tự về Đức Phật.  

Cũng như trong Phúc Âm, những câu chuyện đó bắt đầu cho thấy Đức Phật đang ở một nơi nào đó, vào một thời gian nào đó. Các đệ tử - thông thường là hai vị sáng giá nhất: Xá-Lợi-Phất (Shariputra)Mục Kiền Liên (Maudgalyayana) – nhận thấy một sự biến đổi về dáng dấp thể lý của Đức Phật. Một ánh sáng chiếu tỏa xác thân Ngài và một nụ cười đặc biệt chiếu sáng khuôn mặt Ngài. Rồi thì một trong những đệ tử hỏi Đức Phật: “Con thấy những biến đổi ấy ở nơi Đức Thế Tôn. Tại sao lại xảy ra được như thế? Do những nguyên nhân nào? Những tư tưởng nào đã thoáng qua trong trí óc Đức Thế Tôn? Kính xin Đức Thế Tôn dạy bảo cho chúng con biết.”  

Những ngụ ngôn tương tự với điều mà chúng ta tìm gặp trong những đoạn Phúc Âm về sự Hiển Dung. 

Sự thị kiến đối với hai tiên tri Môsê và Elia cũng tương ứng với nhiều mẩu chuyện trong Phật giáo đối với những sự việc huyền bí xảy ra mà trong đó một cá nhân trực diện với những nhân vật lịch sử. Người ta gọi đó là những “kinh nghiệm về thị kiến thuần túy” (dag-nang).  

Trong vài trường hợp, có thể có sự diện kiến thực sự với những nhân vật lịch sử, trên bình diện huyền bí. Trong những trường hợp khác, chỉ là những cuộc gặp gỡ với những sinh vật có dáng dấp hay hình hài thể lý của những nhân vật đó. Những cuộc tiếp xúc như thế có thể xảy ra. 

Để hiểu rõ những hiện tượng huyền bí đó, phải có một kiến thức tối thiểu về hiện tượng tổng quát của sự “phóng xuất”. Chẳng hạn trình độ tự chủ của sự phóng xuất tùy thuộc vào mức độ thực hiện của cá nhân đã tạo ra sự phóng xuất, gọi là tác nhân phóng xuất. Ở một cấp độ thấp hơn, sự phóng xuất tạo nên bởi một cá nhân phần lớn được kiểm soát và điều khiển bởi tác nhân phóng xuất, gần giống như máy điện tử vậy.  

Ngược lại, ở nơi một cá nhân đạt tới những sự thực hiện tâm linh cao độ, những vật thể phóng xuất có thể đạt tới một tiến trình tự trị cao độ. Một đoạn trong một văn bản Phật học cho thấy những phóng xuất tạo nên bởi một nhân vật hoàn toàn giác ngộ sẽ đạt tới một trình độ tự trị rất cao. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là những vật thể phóng xuất hiện hữu thực sự, cũng không phải chúng là những sinh vật. Theo một nghĩa nào đó, đó chỉ là những tác tạo đơn thuần của một khối óc đã biến hóa cao độ.  

Do đó, một trong bốn phương châm chính của luật lệ tu viện là đừng sát nhân. Để có sự kiện sát nhân, đối tượng bị thảm sát phải là một con người, chứ không phải là một vật phóng xuất: bởi thế, những nhân vật phóng xuất không được xem như là những sinh vật thực sự.

Ngay ngày nay, nhiều người cũng có kinh nghiệm về những “thị kiến siêu hình”. Có những người tiếp xúc được với những vị đại minh sư Ấn Độ hay Tây Tạng. Chính tôi cũng muốn có những kinh nghiệm đó, nhưng - hởi ôi! Tôi có biết bao câu hỏi để đặt ra! Nếu tôi có được một kinh nghiệm như thế với những minh sư Ấn Độ trong quá khứ, tôi phải đối đầu với một khoa học gia, tôi phải làm trạng sư cho quỉ sứ và tôi sẽ có một khối câu hỏi để nêu lên!  

Nếu những nhân vật đạt tới những trạng thái tâm linh được biến hóa cao độ và có khả năng phóng xuất cùng hiển hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, điều đó không có nghĩa là ai ai cũng sẽ có thị kiến đó và nhận ra sự hiện diện đó. Để bắt được thị kiến đó, người ta phải đạt tới một trình độ trưởng thành nào đó về tâm linh, một sự tiếp nhận và khai phóng về tâm linh. Chẳng hạn, đoạn Phúc Âm nầy nói Thánh Phêrô thấy ông Môsê và ông Elia, nếu những nhân vật khác có thể đi chung với Đức Kitô vào lúc đó, rất có thể là nhiều người trong họ đã không thấy được ông Môsê và ông Elia. 

Đối diện với những hiện tượng phóng xuất như thế, dĩ nhiên người ta muốn hiểu những động cơ liên hệ. Dựa trên căn bản nào để giải thích?  

Trong Phật giáo, nếu chúng ta tự đặt mình trong viễn tượng “Mật giáo” (Tantra) - tức khía cạnh bí truyền của Phật học Tây-Tạng - có thể cắt nghĩa từ tính năng động của những năng lực tinh tế gọi là “prana” (khí lực). Nhờ những kỹ thuật chiêm niệm khác nhau, một hành giả có thể đạt tới một sự tự chủ cao độ trên những năng lực tâm vật lý.  

Trong hệ thống “sutras” (kinh điển) là hệ thống không có tính cách “Mật giáo bí truyền” (Tantra), người ta để ý thấy những kinh nghiệm đó dưới danh xưng là “năng lực tập trung” hay “năng lực thiền quán”.  

Nói đúng ra, đó là những hiện tượng rất huyền bí và tôi không dám chắc là có khả năng để giải thích đầy đủ chi tiết. Tôi thiết tưởng đó là những lãnh vực cần nhiều nghiên cứu và sưu tầm cũng như thực nghiệm. 

Những cuộc gặp gỡ có tính cách thị kiến đó diễn ra theo những trình độ khác nhau mà người ta có thể sắp thành ba loại chính.  

Những cuộc gặp gỡ thuộc loại thứ nhất được cảm nghiệm trên “bình diện thần bí, trực giác”: cuộc gặp gỡ không có tính cách tình cảm hay đụng chạm được, nhưng có tính cách cảm giác hay trực giác về một sự hiện diện nhiều hơn.  

Những cuộc gặp gỡ thuộc loại thứ hai thì rõ rệt hơn, nhưng không ở trên bình diện cảm xúc: người ta cảm nhận trên “bình diện trí óc, khái niệm” nhiều hơn.  

Thuộc loại thứ ba là những cuộc gặp gỡ rõ rệt nhất: đó là những kinh nghiệm thuộc về “giác quan”, như thể là gặp gỡ người nào mặt đối mặt, đôi mắt mở ra. 

Một hiện tượng tương tự kèm theo những thị kiến huyền bí đã xảy ra ở biển hồ linh thánh Lhamo Lhatso ở Tây-Tạng. Tôi cũng nghe nói những du khách ngoại quốc đã có những thị kiến ở biển hồ đó nữa. Tuy nhiên, nếu mười người nhìn biển hồ cùng một lúc đó, có thể mỗi người có một thị kiến khác nhau. Nhưng cũng có thể cả mười người thấy cũng chính một hình ảnh đó. Ngay cả việc người ta có thể chụp hình nữa. Tại sao lại khác nhau như vậy? Rõ thật là huyền bí. Nhưng phải có một sự giải thích nào đó. 

Ở trong những đoạn Phúc Âm nầy, người ta thấy có đề cập tới “định mệnh”. Điều đó khiến tôi tự hỏi không biết, trong ngữ cảnh Kitô giáo, có niềm tin cho rằng mỗi người có một định mệnh riêng biệt phải chu toàn không?”  

 

Cha Laurence 

“Vâng, mọi người có một định mệnh mà khi phân tách cuối cùng thì đều tham dự vào bản tính của Thiên Chúa.” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Người ta có thể nói được là do những cảnh ngộ mà định mệnh một cá nhân được biến đổi và đổi thay không?” 

 

Cha Laurence 

“Đúng thế, bởi vì cá nhân tự do chấp nhận hay không chấp nhận định mệnh đó tức lời mời gọi. Có một sự liên kết giữa định mệnh và tự do ý chí.” 

 

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma 

“Trong Phật giáo, mặc dù người ta không dùng chữ định mệnh, người ta cũng gặp ý niệm “nghiệp” (karma), có thể là một từ tương đương gần nhất. Nếu nghiệp (karma) bao hàm một mức độ thúc bách nào đó thì không loại trừ nhu cầu phải có những điều kiện nào đó do hoàn cảnh gây nên để nghiệp (karma) thể hiện.  

Như tôi đã nói, những hình ảnh như đám mây và “cầu vồng” - do những điều kiện nào đó về độ ẩm, thời tiết, v.v…Nhưng tôi luôn luôn thắc mắc là những cầu vồng đó không có những màu sắc khác nhau mà chỉ như là một ánh sáng thuần túy màu trắng và dang ra thành đường thẳng thay vì hình cây cung. Tôi luôn tự hỏi làm sao có thể như thế được! 

Trong Phật giáo Tây-Tạng, hình ảnh cầu vồng biểu hiệu hai chức năng. Trước hết, cầu vồng thường biểu hiệu “điềm tốt, may mắn, vận hên”. Ngoài ra, cầu vồng minh họa “bản chất vô thường” và không có thực chất liên hệ tới những sự vật hay những biến cố.  

Tôi ghi nhận một cách thích thú là đoạn Phúc Âm nầy nhắc tới một “tiếng từ trên không trung” vọng xuống. Đó nữa, trong những giáo huấn của Đức Phật, người ta cũng tìm thấy những qui chiếu tương tự về một tiếng nói không biết từ đâu tới. 

Ở Tây-Tạng, người ta tin tưởng một cách chung chung rằng vào thế kỷ thứ bảy, dưới triều đại Lha Tho-thori, những kinh sách Phật giáo được rơi từ trời xuống. Các nhà bác học đã phản đối và quả quyết rằng những kinh sách đó từ Ấn-Độ tới. Nhưng nếu thời bấy giờ nguồn gốc đích thực phát xuất từ Ấn-Độ được tiết lộ thì dân chúng đã không tôn sùng. Lập tức, huyền thoại những kinh sách từ trời rơi xuống đã xuất hiện và đã làm trọn chức năng đặc biệt trong truyền thống tâm linh của Tây-Tạng.”

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!