Trần Văn Toàn
Bài đăng ở tập san Định Hướng
Các giáo sĩ đạo Thiên Chúa từ Tây phương sang Việt nam vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, chính vào lúc Nho thịnh, Phật và Lão suy. Cho nên tiếng là đi vào đất của tam giáo, nhưng thực ra chỉ gặp gỡ và đối thoại với Nho giáo mà thôi.
Để giải thích tình trạng đó, có người cho rằng Phật giáo đã rất thịnh trong mấy thế kỷ được các vua nhà Lý, nhà Trần, rất mực nâng đỡ, thế rồi thịnh quá hóa suy, là hợp với lẽ tuần hoàn trong trời đất. Tôi không biết được lẽ trời, nhưng thiết tưởng còn có lý do khác. Thực vậy, gặp lúc sự sống còn của dân tộc, của quốc gia, bị quân Nguyên, rồi quân Minh, đe dọa một cách cực kỳ nghiêm trọng, những người có trách nhiệm trong nước không thể lấy phép tu tiên, lấy quan niệm điềm tĩnh vô vi, bất động, bất bạo động, lấy con đường giải thoát cá nhân ra khỏi vòng sinh tử, làm phương tiện bảo vệ đất nước. Lý do làm cho Nho thịnh, đó là vì có đưa ra được những nguyên tắc để tổ chức xã hội sao cho hùng mạnh, có trật tự. Dân chúng cũng nghĩ như thế, cho nên đinh ninh rằng Trời, rằng Phật, đều dậy chính đạo tam cương ngũ thường, cũng dậy người ta phải trung phải hiếu.
Người Việt, bên lương cũng như bên giáo, thường có điều thắc mắc, vì nghĩ rằng theo đạo từ ngoại quốc đưa vào, thì tất không hợp với tập tục của mình. Có người cho rằng đi đạo là bỏ ông bà cha mẹ. Vì thế ngay từ buổi đầu, các giáo sĩ đã ra công giải thích rằng : tuy đạo Thiên Chúa từ Thái-tây truyền sang, nhưng nguồn gốc nó lại là từ Tiểu-Á, đàng khác truyền thống tam giáo Việt nam cũng là từ ngoại quốc, Ấn-độ và Trung-hoa, đem vào, và sau cùng thì người theo đạo Thiên Chúa sống ở đời cũng không ngoài phạm vi trung hiếu, có khác chăng là khác thể thức.
Muốn giảng tin lành cho một xã hội tổ chức trên căn bản Nho giáo, lẽ tất nhiên là các giáo sĩ đạo Thiên Chúa phải nói đến lập trường của mình về tam cương ngũ thường, vì lẽ rằng từ vua quan cho đến dân chúng, ai cũng đứng vào lập trường của chính đạo để đánh giá tin lành, xem có thể chấp nhận được hay là không. Sau đây tôi xin đề cập đến phần quan trọng của tam cương, và xin nói về ngũ thường trong một dịp khác.
Thuyết ‘’tam phụ’’ đã được giáo sĩ đạo Thiên Chúa giảng dậy ở Việt nam từ thế kỷ XVII. Cho đến cuối thế kỷ XIX, sách vở vẫn còn trình bầy thuyết đó. Có lẽ cũng là để trả lời cho những ai, trong thời Văn-thân, trách đạo Thiên Chúa là đạo ‘’vô phụ vô quân’’, như tôi sẽ nói sau đây.
Theo thiển ý, thuyết ‘’tam phụ’’ là một lối hội nhập văn hóa rất khéo : vừa nói lên được điểm tương đồng với quan niệm ‘’tam cương’’, vừa trình bầy được quan niệm đặc biệt của đạo Thiên Chúa.
Sau đây tôi xin nói trước hết về liên quan giữa đạo Nho và đạo Thiên Chúa, sau đó trình bầy mấy văn kiện về thuyết ‘’tam phụ’’, và sau cùng thì xin đưa ra một vài nhận xét.
1 - Liên quan phức tạp giữa đạo Nho và đạo Thiên Chúa
Xét cho cùng thì tam giáo cũng có nhiều chỗ dị biệt với nhau. Còn riêng đạo Thiên Chúa thì có những điểm tương đồng với tam giáo, nhưng cũng có những điểm dị biệt. Về mặt lý thuyết thì những điểm tương đồng phải là nền móng cho cuộc gặp gỡ trao đổi, những điểm dị biệt phải là những yếu tố có thể bổ túc và làm giầu cho truyền thống tôn giáo Việt nam.
Thí dụ như trong tư tưởng Lão giáo, ta thấy có những suy luận về đạo là thực thể căn bản, vượt lên trên khả năng hiểu biết và diễn tả của con người, cũng như Đức Chúa mà người theo đạo Do thái không thể và không được lấy tên gì để gọi cả. Rõ rành là danh khả danh phi thường danh. Về đạo Phật thì các giáo sĩ tây phương thấy rõ là giới tăng sĩ cũng có chủ trương xuất gia tu hành, cũng chú trọng vào việc an tĩnh tư niệm như mình. Có điều là vào thời đạo pháp đang đi xuống, một đàng thì ít ai biết đến tư tưởng Lão Trang và những hoạt động có tính cách phù thủy hay ma thuật thì người ta lại cho là của Đạo giáo, đàng khác thì dân chúng, tiếng là theo đạo Phật, nhưng vẫn hoạt động tranh sống, chứ có mấy khi nghĩ đến việc giải thoát ra ngoài vòng sinh tử.
Về Nho giáo : theo như tôi hiểu thì Nho gia không để ý đến phần lý thuyết hình nhi thượng cho lắm, vì nhiều lẽ : thiên hà ngôn tai ? Vị tri sinh yên tri tử ? Quỉ thần kính nhi viễn chi, vân vân. Nhưng nếu ta bỏ phần đó ra thì cái dự định nhập cuộc của nhà Nho, tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ, cũng theo một hướng như dự định nhập thế của đạo Thiên Chúa. Người theo đạo Thiên Chúa không thấy mình bỏ mất luân thường đạo lý, như người ngoài hay dị nghị. Trong thập giới thì có giới thứ bốn dậy thảo kính cha mẹ và vua quan. Cho nên khi bị hạch tội về điểm đó, người ta cho là có sự hiểu lầm tầy trời.
Một trong những lý do làm cho nhà nho ghét đạo, cấm đạo, đó là vì người ta đinh ninh rằng người theo đạo Thiên Chúa không biết gì đến đạo vua tôi, đến nghĩa cha con. Trong lúc phong trào ‘’bình tây sát tả’’ đang lên mạnh, bài hịch của văn-thân tung ra ngày mồng hai tháng hai năm Tự-Đức thứ hai mươi bẩy, có mấy câu chửi bới nặng lời như sau : ‘’Huống chi đạo Gia tô vào nước ta chúng thường xưng trời xưng thánh, làm ngu muội dân ta. Nói về giáo lý thì vô phụ vô quân, thật là loài dê chó... Nay giảng thuyết đạo theo thói cha lợn xề, mẹ chó, tự làm ô uế danh giáo. Thuyết Chúa Lời Giêsu nghe lại càng ô uế’’ . Có điều thật đáng chú ý là khi viết chữ ‘’Lời’’ (trong câu hán văn ‘’Chúa Lời Giêsu chi thuyết’’), thì người viết hịch lại dùng chữ ‘’lợi’’(nghĩa là ‘’lợi ích’’ hay ‘’lời lãi’’) chứ không theo cách viết của người theo đạo Thiên Chúa ( viết chữ ‘’thiên’’ trên chữ ‘’thượng’’) . Như thế chứng tỏ rằng người viết hịch không biết chi đến sách chữ nôm của đạo Thiên Chúa. Có lẽ vì mỗi khi được sách vở của ‘’tả đạo’’ thì người ta đốt đi chứ không đọc làm gì.
Cần phải nói thêm là sĩ phu và vua quan của ta thật rất ít người tìm xem người theo đạo Thiên Chúa tin những điều gì, ăn ở ra sao. Trong số những người được hiểu biết về lẽ đạo, thì có một số người nhà nho, có khi đã ra làm quan, xin theo đạo, một số khác không theo vì có địa vị và trách nhiệm trong phủ chúa, nhưng vẫn giữ mối thiện cảm với người có đạo và để cho vợ con theo đạo. Nói chung chung thì đa số không tìm hiểu, có lẽ vì họ chắc chắn là mình đã có chính đạo rồi.
Trái lại giáo sĩ Tây phương đã cố gắng rất nhiều để tìm hiểu tín ngưỡng và văn hóa của người Việt nam. Theo như chỗ tôi được biết và được đọc, thì vào giữa thế kỷ XVIII họ đã soạn ra một cuốn sách bằng tiếng latinh và một cuốn bằng chữ quốc ngữ về những tín ngưỡng và lễ nghi tôn giáo của ta, mà viết thật là tỉ mỉ. Sau này có những vị soạn tự điển, có cả chữ nôm lẫn chữ Hán nữa.
2 - Trình bầy mấy văn kiện về thuyết ‘’tam phụ’’
Văn kiện sớm nhất về thuyết ‘’tam phụ’’, nghĩa là ‘’ba cha’’, mà chúng ta có, đã được in bằng chữ quốc ngữ, kèm bản dịch bằng tiếng latinh, trong cuốn sách Phép giảng tám ngày do giáo sĩ Alexandre de Rhodes cho xuất bản tại Roma năm 1651. Lẽ tất nhiên không phải đến năm đó các giáo sĩ mới lập ra thuyết ‘’tam phụ’’, mà là trước đó mấy chục năm, các giáo sĩ đã tìm cách giảng cho người Việt ta hiểu vị trí của Đức Chúa Trời (Thiên Chúa) trong hệ thống tam cương, và dần dần thuyết đó mới được thành hình. Trong mấy thế kỷ tiếp theo, thuyết đó vẫn được giảng cho giáo dân. Vì đó là văn kiện căn bản, lại khó tìm, nên tôi xin chép đoạn văn tiếng việt đó ra đây, theo cách viết tiếng Việt bây giờ, nhưng không chép bản tiếng latinh. Sau đó tôi tìm trong sách vở mấy thế kỷ sau, để xem thuyết ‘’tam phụ’’ đã được các bậc tiền bối chúng ta quảng diễn ra như thế nào. Và sau cùng thì xin nhắc qua đến dư âm của văn kiện này trong sách Tây dương Gia tô bí lục, là sách của người chống đạo Thiên Chúa.
a) Thuyết ‘’tam phụ’’ trong sách ‘’Phép giảng tám ngày’’
‘’Có ba đấng bề trên, gọi là ba cha, ta phải thờ, ở đấng nào, cho nên đấng ấy. Đấng dưới là cha mẹ sinh thân xác cho ta : đấng giữa là vua Chúa trị nước : đấng trên là đức Chúa trời đất, làm Chúa thật trên hết mọi sự : có ba đấng này ta mới được sống, được ở. Vì chưng ta có cha mẹ thì mới được thân xác thịt này sinh ra mà chớ : song le linh hồn ta chẳng phải bởi cha mẹ mà ra đâu. Ta chịu ơn mẹ vì có chịu thai, mà ta ở trong lòng mẹ chín tháng mười ngày, chịu khốn khó mà đẻ ta, đoạn ba năm bú mớm : có khi thì mẹ cắt của mình ăn mà cho con ăn : cũng có khi mẹ ăn miếng đắng, mà miếng ngon để dành cho con ăn : lại có khi mẹ nằm chốn ướt, mà chốn ráo để cho con nằm. Cha đẻ con đoạn thì lo việc nuôi nấng, vì vậy có khi thì cha thức sớm chẳng ngủ, mà làm nghề nọ nghề kia, chạy xuôi chạy ngược, kiếm của mà nuôi con. Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải, ví bằng có ai chẳng thảo kính, chẳng khứng vâng phép cha mẹ, thật thì có tội trọng.
Vua Chúa cùng gọi là cha cả và nước, cùng các dân : chẳng có vua Chúa, thì nước ở an lành chẳng được : vì chưng vua Chúa trị nước cho dân ở được an lành. Vì vậy vua Chúa thì giữ nước, và cho kẻo giặc bề ngoài phá nước làm khốn dân sau thì sửa trong nước, làm cho đại thần hòa thuận cùng nhau và tiểu dân yêu đang (= đương) thông việc cùng nhau nữa (inferiores vero amicitiam invicem et communicationem sectentur). Ví bằng chẳng có vua Chúa sửa nước một ngày, thật là có ra những sư long đong, hỗn hào trong dân mà chớ. Đại thần trong nước quân tử thì giúp vua Chúa trị nhậm sứa nước. Tiểu nhân thì ra tiền năm tiền quí giúp việc vua Chúa nữa. Vì vậy hễ là kẻ ở trong nước thì phải kính dái vua Chúa ? Ví bằng có ai trong nước mà theo ngụy thì chịu phạt đã đáng.
Hãy còn cha cả là Chúa trên hết mọi sự : đã hóa nên và giữ gìn trời đất muôn vật cùng hết mọi sự. Nào có ai hồ nghi mà chẳng chịu thờ phượng đấy trên hết mọi sự, mà chẳng dại ru ? Thủa xưa khi chưa có trời, chưa có đất, chưa có đí gì, mà đã có một đức Chúa trời thanh nhàn vui vẻ vậy chẳng có thiếu gì sốt, mới sinh ra trời, sinh ra đất, lại hóa ra mọi sự ở trong trời này nữa. Trên trời thì hóa ra mặt trời mặt trăng, cùng ngôi sao cho ta được sáng. Ví bằng chẳng có sáng, ta ở làm sao được ? Dưới hạ giới này thì sinh ra muông chim cầm thú, hoa quả, cây cối, rau cỏ cho ta ăn. Cùng có làm nên gỗ, nước, lửa, gió cùng các kỳ sự cho ta dùng. Ví bằng thiên hạ chẳng có mưa chẳng có nắng ta sống làm chi được ? Thật trời đất cùng mọi sự ở trong thế giới này bởi một đức Chúa trời rộng rãi vô cùng mà có. Vì vậy ta cám ơn đức Chúa trời là cha cả chúng tôi, và thờ phượng đấy trên hết mọi sự thì thậm phải’’.
b) Thuyết ‘’tam phụ’’ về sau được quảng diễn như thế nào ?
Văn kiện trên đây thực ra hơi khó đọc, vì một là viết theo kiểu nói trước đây hơn ba trăm rưởi năm, hai là vì các giáo sĩ Tây phương phải dịch nó ra từ tiếng latinh là tiếng có những ý niệm và cách đặt câu rất khác xa tiếng Việt. Tuy vậy cũng không đến nỗi khó hiểu.
Có một điều chắc là người giảng đạo, từ giáo sĩ ngoại quốc cho đến thày giảng bản xứ, ai nấy đều tùy hoàn cảnh, tùy trình độ hiểu biết và câu hỏi của người nghe mà giải thích, quảng diễn những ý kiến căn bản trên đây. Dần dần xếp đặt lại cho có thứ tự mạch lạc, nhất là đến lúc thấy cần phải soạn ra sách Thánh giáo yếu lý, gọi là sách Bổn dạy đạo thánh, để cho giáo dân học thuộc lòng. Có thể nói đây là lần đầu tiên người Việt được học về tôn giáo một cách có hệ thống, có phần đoạn, và đi từ những chân lý nền tảng cần phải biết, cần phải tin, cho đến những điều thực hành, như luân lý phải giữ và lễ nghi cầu kinh trong việc thờ phượng.
Trong sách Bổn.
Soạn giả của cuốn sách Bổn đầu tiên, sắp xếp theo thứ tự câu hỏi, câu thưa, là giám mục Bá-Đa-Lộc, Pierre Pigneaux de Béhaine , được ủy nhiệm coi sóc địa phận Đàng Trong. Hiện nay ta thấy trong thư viện và văn khố của Hội Thừa sai Missions étrangères de Paris, có bản viết tay, bằng chữ quốc ngữ, theo tiếng Đàng Trong, viết năm 1774, và bản chữ nôm viết năm 1782. Hai bản chỉ khác nhau về một vài chi tiết không đáng kể.
Vì sách Bổn dành cho giáo dân chỉ nói lên một cách vắn tắt những điều căn bản mà người giảng đạo phải giải thích và quảng diễn thêm, cho nên về quan niệm ‘’tam phụ’’, ta chỉ thấy có vài câu được xếp gọn ghẽ vào giới thứ bốn trong thập giới, như sau :
‘’ H(ỏi) : Giái (giới) thứ bốn dạy ta những gì ? T(hưa) : Dạy ta phải thảo kính, vâng lời chịu lụy cùng giúp đỡ cha mẹ’’ (tr. 50).
Có thể nói : tất cả nội dung chữ hiếu là ở đó. Có khác chăng thì là ở chỗ, vì lý do tín lý, người theo đạo Thiên Chúa không quải lạy đơm tế ông bà cha mẹ theo như nghi lễ của các tôn giáo khác ở Việt nam, nhưng theo như thể thức và nghi lễ riêng của đạo mình. Tiếp theo đó :
‘’ H(ỏi) : Giái (giới) này dạy ta phải thảo kính cha mẹ mà thôi sao ? T(hưa) : Cũng dạy ta phải kính thờ mọi kẻ bề trên, như vua chúa quan quờn (quyền), chúa nhà cùng thày dạy dỗ và những kẻ già nua tuổi tác nữa’’ (tr. 52)
Câu trả lời đó bao trùm được cả lòng trung với vua (quan), lẫn nghĩa thày trò và lòng tôn kính đối với những người có tuổi. Sau cùng còn thêm vào đó những điều mà kẻ bề trên phải làm đối với kẻ bề dưới : dạy dỗ, sửa phạt, làm gương tốt và dưỡng nuôi (tr. 53).
Về sau này sách Bổn được in ra khá nhiều lần, cả chữ nôm lẫn chữ quốc ngữ , mỗi lần in mỗi khác, vì thường có tu bổ thêm, có bàn rộng thêm về các khoản trên đây về ‘’tam phụ’’, và thường lấy lại trong các sách như Chân đạo yếu lý và Chân đạo dẫn giải.
Trong các sách ‘’Chân đạo yếu lý’’ và ‘’Chơn đạo dẫn giải’’ .
Hai cuốn sách Chân đạo yếu lý (CĐYL) và Chơn đạo dẫn giải (CĐDG), in vào cuối thế kỷ XIX, vào lúc Văn-thân vẫn còn hoạt động mạnh, đều dành phần thứ ba cho vấn đề ‘’tam phụ’’. Hai cuốn đi vào vấn đề theo hai thứ tự ngược nhau, nhưng nội dung rất gần nhau.
Nếu trước đây Alexandre de Rhodes dùng chữ Việt ‘’ba cha’’, thì hai cuốn sách ở đây dùng chữ Hán-Việt ‘’tam phụ’’. Cuốn thứ hai, CĐDG, còn giải nghĩa ngay cho rõ rằng : thượng phụ là Đức Chúa Trời, trung phụ là vua, hạ phụ là cha mẹ. CĐYL giải thích :’’Vậy có ba đấng gọi là TAM PHU, vì ba đấng ấy hay thương người ta như cha thương con, cho nên người ta phải kính thờ đấng có lòng thương mình như con kính thờ cha mẹ vậy’’(tr. 47).
Bàn về hạ phụ, là cha mẹ, trước tiên hai sách nói đến công ơn cha mẹ, sau đó thì cả hai cuốn cùng xướng ra bảy điều phải làm để tỏ lòng báo hiếu : 1) ‘’kính sợ cha mẹ, như dân kính sợ đấng làm vua và tôi tá kính sợ chúa mình vậy’’(CĐYL, tr.48) ; 2) vâng lời chịu lụy cha mẹ ; 3) nuôi nấng cha mẹ, chẳng nên bỏ cha mẹ đói khát rách rưới ; 4) Khi cha mẹ ốm đau thì phải nhẫn nhục mà săn sóc ngày đêm ; 5) khi cha mẹ qua đời thì phải lo tống táng và xem sóc mồ mả cha mẹ. Năm điều này thì người không theo đạo Thiên Chúa cũng biết cả. Còn hai điều sau cùng thì riêng cho người có đạo : 6) khi cha mẹ lâm chung thì phải lo liệu về phần hồn, cho người được chịu các phép trong đạo, và sau đó thì phải đọc kinh, phải làm các việc lành phúc đức, để cầu nguyện cho người : đó là trả ơn về phần linh hồn. 7) Khi làm lễ tống táng, cũng như làm lễ giỗ chạp, thì phải làm theo phép đạo, như xin lễ, cầu hồn ở nhà thờ, chứ không được làm những sự dị đoan (CĐYL, tr. 47-51, CĐDG, tr. 39-42).
Đối với vua là trung phụ, thì CĐYL chủ trương :’’Ta phải kính đấng làm vua, cùng lấy làm trọng hơn thày dạy dỗ, hơn cha mẹ’’ (tr. 51), và CĐDG chú thích thêm :’’Gọi vua là trung phụ , là cha bậc giữa, vâng lịnh cha bậc trên là Đức Chúa Trời, mà trị nước cũng như quan nguyên soái khâm mạng Hoàng đế, mà trị dân vậy’’ (tr. 37). Vì thế người thứ dân phải làm năm điều để tỏ lòng trung : 1) kính phục vua ; 2) vâng lệnh vua cho hết lòng ; 3) phải đi lính, nộp thuế, và các công tác có ích lợi chung ; 4) giúp đỡ vua cho hết lòng ; 5) phải ở cho hết lòng trung nghĩa, không được làm ngụy. (CĐYL, tr.51-53 ; CĐDG, tr. 37-39).
Ngoài ra CĐYL còn thêm một điều nữa, riêng cho người có đạo Thiên Chúa : ‘’Kẻ ngoan đạo chẳng những là ở hết lòng ngay cùng vua, nhưng mà lại hằng ngày hằng cầu xin Đức Chúa Lời (Trời) phù hộ thêm sức cho người được trường cửu mà trị nước cho bằng yên lâu dài ; lại cầu cho các quan được mọi sự lành vì đấng làm quan thì thay mặt vua cũng như vua thay mặt Đức Chúa Lời (Trời) mà coi sóc dân sự’’(tr. 53). Đó là điều người có đạo vẫn thực hành khi đọc kinh : ‘’Tôi xin Chúa tôi phù hộ cho đức vua trị nước này và các đấng có chức quyền được mọi sự lành đời này và đời sau’’ (trong Kinh cám ơn chịu lễ đoạn), hay là xin ‘’các thánh thiên thần cầu cho vua chúa quan quyền sửa dân cho yên càng ngày càng thịnh’’ (trong Kinh cầu các thánh thiên thần).
Về thượng phụ là Đức Chúa Trời thì CĐDG nói khá nhiều về bản tính người : vô thỉ (thủy) vô chung, tự hữu nhi hữu vô cùng, thiêng liêng sáng láng vô cùng, phép tắc vô cùng, nhơn (nhân) từ vô cùng, công bình vô cùng, tốt lành vô cùng và ở khắp mọi nơi. Đặc biệt nhất là về các đặc điểm nói trên, thì dẫn chứng khá nhiều bằng chữ Hán, ví dụ như : thượng chi tải vô kinh vô xú, hoàng thiên bất phụ đạo tâm nhơn (nhân), thiên Chúa sanh thiên sanh địa sanh nhơn, hiệu thiên phụ mẫu, v.v., và giải nghĩa bằng tiếng Việt (tr. 28-31).
Về lý do vì sao ta phải thờ phượng Đức Chúa Trời thì hai cuốn sách đều đưa ra năm lý do như nhau. Tôi xin trưng dẫn ra đây theo như sách CĐDG, vì có phần tỉ mỉ hơn và có dẫn chứng bằng chữ Hán. ‘’Một là ta phải biết ơn Đ.C.T. đã sinh ra ta cho có xác có hồn thiêng liêng giống như Người ; nên trọng hơn mọi sự trên trời dưới đất’’(tr. 31). ‘’Hai là ... hằng gìn giữ ta cho còn’’(tr.31). ‘’Ba là... hằng nuôi dưỡng ta cho sống..., như có chữ rằng : thiên sinh nhơn, hà nhơn vô lộc... , lại lời ngạn ngữ rằng : trời sinh trời dưỡng’’(tr. 33). ‘’Bốn là ...cho ta đặng biết đạo thánh Người’’(tr.33). ‘’Năm là ta phải biết ơn Đức Chúa Trời sinh ta, có ý cho ta thờ phượng Người, hầu ngày sau hưởng phúc đời đời’’(tr. 34).
Trong việc thờ phượng thì dĩ nhiên là phải kính sợ, vâng phục, và hành động theo như ba nhân đức căn bản, là tin, cậy và mến. Thiết tưởng không cần phải nói dài ở đây.
Cũng nên chú ý là sau hai cuốn sách này, thuyết ‘’tam phụ’’ rất ít được đề cập. Có lẽ là vì vào thời bảo hộ Pháp, nhà vua không còn quyền hành gì nữa, làm cho người ta không biết nói gì và nói thế nào cho phải về lẽ’’trung quân’’.
c) Dư âm của thuyết ‘’tam phụ’’ trong sách ‘’Tây dương Gia tô bí lục’’
Ai cũng biết sách này là sách chống lại đạo Thiên Chúa. Khi sách được dịch và in ra thì các học giả trong nước và ngoài nước đã đón tiếp, phê bình và nhận xét như thế nào, tôi không muốn nói đến, vì không biết hết, và cũng không muốn đi vào tất cả những vấn đề được nêu ra cho dài dòng vô ích ở đây. Chỉ xin đưa ra một vài nhận xét tổng quát vắn tắt. Về những điều gọi là bí mật, thì không nói làm gì, vì không ai tìm ra được bằng chứng để biện hộ hay là phi bác, và như thế lại càng có vẻ thật là bí mật ! Riêng về những điều không bí mật, vì đã có nói đến trong nhiều văn kiện, thì có rất nhiều điều lẫn lộn và hiểu sai lạc. Những cái sai lạc đó, một người làm thày giảng cũng không đến nỗi mắc phải, thế mà lại cho rằng do hai giám mục (đức thày) và hai linh mục (thày cả), sống vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, soạn ra thì thật là vô cùng khó hiểu. Có điều chắc, là mãi tới năm 1933 mới có giám mục tiên khởi Việt nam được thụ phong, tên là Nguyễn Bá Tòng, coi sóc địa phận Phát Diệm (Ninh Bình), chứ trước đó không có giám mục người Việt nào cả.
Nói cho đúng ra thì tác giả cuốn Tây dương Gia tô bí lục, cũng mất nhiều công phu, nhưng vì tài liệu sử dụng thiếu sót lệch lạc, cho nên sử gia muốn dùng nó làm tài liệu, phải so sánh và phê bình nội tại và ngoại tại cuốn sách. Có lẽ sách đó cho ta biết về đề tài thì ít, mà về phương pháp và dụng ý của tác giả thì nhiều hơn.
Trong văn kiện kể đây có nhắc tới thuyết ‘’tam phụ’’ như sau :
‘’Đình thần xét trong kinh Bởi trời chép ở Thực lục có câu :’Cha chúng tôi ở trên trời... ‘ bèn xin Giáo hoàng xuống chiếu truyền rằng : ‘Người ta có ba cha, Cha bậc trên là chúa Trời, cha bậc giữa là vua, cha bậc dưới mới là cha đẻ ra mình. Cha bậc trên sinh ra cả cha bậc giữa và cha bậc dưới, cho nên mọi sự đều phải tuân theo cha bậc trên làm chính. Cha bậc giữa theo phép của cha bậc trên mà thi hành, kẻ nào không tuân theo tức là bất hiếu, phạm vào điều thứ bốn trong kinh Mười điều răn, bị phạt tội đày xuống địa ngục’. Cái thuyết Ba cha của tả đạo do gốc ở đó’’ (trang 256).
Cũng cần chú ý là hai chữ ‘’Thực lục’’ ở đây dùng để chỉ bộ sách ‘’Phúc âm’’.
Riêng về kinh gọi là ‘’Bởi trời’’, thì chữ Hán gọi là kinh ‘’Tại thiên’’ (hay ‘’Thiên chủ kinh’’), vì bắt đầu thế này : ‘’Tại thiên ngã đẳng phụ giả, nguyện nhĩ danh kiến thánh, nhĩ quốc lâm cách, v.v.’’. Ai có biết một chút về đạo Thiên Chúa ở Việt nam, thì tất sẽ gọi kinh đó là kinh ‘’Lạy cha’’, chứ kinh ‘’Bởi trời (lời)’’ ( bắt đầu thế này : Lạy ơn Đức Chúa Giêsu, xưa bởi lời (trời) mà xuống thế gian ba mươi ba năm...), thực ra là kinh cầu cho linh hồn những người quá cố !
Tuy vậy cái dư âm của thuyết ‘’ba cha’’ hay là ‘’tam phụ’’ kể là cũng còn khá đúng. Chỉ có hoàn cảnh phát sinh ra thuyết đó, thì thật là kỳ quặc !
3 - Một vài nhận xét về thuyết ‘’tam phụ’’
Trong phần mở bài này tôi có đưa ra ý kiến rằng thuyết ‘’tam phụ’’ của đạo Thiên Chúa ở Việt nam là một lối hội nhập văn hóa rất khéo. Để chứng minh điều đó, tôi xin đưa ra đây mấy điều nhận xét. Tôi sẽ nhận xét theo như thứ tự các câu hỏi cần phải đặt ra khi ta bàn về vấn đề hội nhập văn hóa. Để trả lời câu hỏi : Đưa vào cái gì ?, thì ở đây ta thấy là : đưa vào một xã hội lấy tam cương ngũ thường làm căn bản. Để trả lời câu hỏi : Đưa cái gì vào ?, thì ta cũng sẽ thấy là : đưa quan niệm Đức Chúa Trời là cha chúng ta. Nói thế khác, điều sẽ nhận xét gồm ba phần : ‘’quan niệm Đức Chúa Trời là cha chúng ta, đi vào một xã hội lấy cương thường làm gốc, dưới hình thức đạo tam phụ’’.
a) Vào một xã hội lấy cương thường làm gốc
Căn cứ vào những văn kiện đã trình bầy trước đây, người theo đạo Thiên Chúa không đi ra ngoài đạo làm người, và biết giảng dạy cho nhau về trung hiếu một cách có hệ thống và thật tỉ mỉ. Không những phải trung hiếu theo như nhân đạo, mà còn phải trung hiếu theo như thiên đạo nữa, vì lẽ còn nói lên rằng trung hiếu là hợp với lẽ trời : cha mẹ, vua quan, ta phải coi như là người thay mặt Đức Chúa Trời để ân cần săn sóc ta. Sánh với dân bên lương chung quanh, nếu có điểm dị biệt, thì chỉ là dị biệt về thể thức, chứ không có khác về nội dung. Và như ngày nay ta biết, có nhiều thể thức có thể thay đổi, và thực sự gần đây đã thay đổi.
Hơn nữa, nói cho cùng thì nếu giáo sĩ Tây phương coi thường và không tôn kính vua chúa, cha mẹ của họ, và cũng dạy cho người Việt coi thường nhân đạo, như có người vô tình hay hữu ý chủ trương, thì làm thế nào mà cảm hóa được ai, làm thế nào cho người ta chịu theo đạo, đến nỗi cam tâm chịu vua quan bắt bớ, tra tấn, giết lát, mà vẫn không bỏ mất lòng trung hiếu ? Khi bị truy nã thì cùng lắm là chạy trốn, chứ không dám làm ngụy đối với vua, như đã nói trên đây. Vẫn biết là vào thời Văn thân, thì người theo đạo cũng có khi cầm khí giới, nhưng là để tự vệ, khi bị Văn thân tự động đốc thúc người làng chung quanh đến đánh, chứ không có ý chống lại quan quân của triều đình. Thiết tưởng về điểm đó thì sử gia ngày nay có thể đứng ra ngoài cuộc, căn cứ vào các tài liệu từ mọi phía đưa tới, để nhìn lại quá khứ cho chính xác hơn.
Từ khi nước ta thiết lập chế độ cộng hòa thì cái liên lạc quân-thần cũng thay hình đổi dạng. Tôi còn nhớ là vào khoảng năm 1946, sau khi vua Bảo-Đại từ chức, thì giáo dân ở miền Phát-Diệm, khi đọc kinh cám ơn chịu lễ đoạn, thay vì ’’xin Chúa tôi phù hộ cho đức vua trị nước này’’, thì đọc :’’xin Chúa tôi phù hộ cho chính phủ trị nước này’’.
Vì thế khi bị vua quan hay là Văn thân hạch tội là bất trung bất hiếu, thì người theo đạo cho là mình bị cái oan tầy trời, như cái oan ... thị Kính ! Nói tóm lại là khi theo đạo Thiên Chúa thì người Việt nam vẫn không rời đạo cương thường. Cho nên đạo Thiên Chúa lấy cương thường làm chỗ bén rễ vào văn hóa Việt nam, như thế cũng không có gì là lạ.
b) Quan niệm Đức Chúa Trời là cha chúng ta
Trong mấy văn kiện trình bầy trên đây, ta đã thấy một vài nét về Đức Chúa Trời là thượng phụ. Nay xin bàn rộng ra cho rõ ý nghĩa.
Để nói về vị tối cao duy nhất phải tôn thờ, thì trong đạo Do-thái cấm không cho dùng tên nào cả. Cùng lắm thì dùng kiểu nói quanh, tiếng Híp-ri là ‘’ha sem’’, nghĩa là ‘’tính danh (ngài)’’, thế thôi. Khi đạo du nhập vào Âu châu thì người ta dùng những chữ để chỉ thần (linh), như : Theos, Deus, Dieu, God, Gott, v.v., nhưng viết chữ hoa như là tên riêng, để nói lên rằng vị tối cao là duy nhất. Khi đạo vào đến Trung hoa, các vị thừa sai người Âu châu không biết phải dùng danh từ nào để vừa chính danh, lại vừa thích hợp với văn hóa người Tàu. Có nhiều danh từ được đưa ra bàn cãi, như : Thiên, Thượng đế, Thần. Sau cùng thì thỏa thuận dùng hai chữ Thiên chủ.
Khi giảng đạo trên đất Việt nam thì cũng dùng hai chữ Hán Thiên chủ, nhưng người giáo dân Việt nam thì đọc là Thiên Chúa. Nhưng khi dùng tiếng Việt thì nói là Chúa Trời, và thêm chữ Đức ở đàng trước để thêm phần kính trọng. Sau này có người gọi tắt là Đức Chúa. Trong các sách cổ, cả nôm lẫn quốc ngữ, ta cũng thấy dùng chữ Dêu, Chúa Dêu. Đó là phiên âm từ tiếng Bồ-đào-nha . Thỉnh thoảng cũng dùng chữ Thượng đế, nhất là khi nói truyện với giới nho sĩ.
Sở dĩ khó tìm ra tên gọi cho chỉnh, là vì theo tín lý của đạo, vị tối cao khác hẳn thần linh trong các tôn giáo khác. Thực thế, vị tối cao duy nhất không phải là một trong vô số thần linh đó. Tất cả các thần linh được tôn thờ, như : mặt trời, mặt trăng (có người gọi là ‘’thái dương bồ tát và thái âm bồ tát), trời đất, tinh tú (như nhị thập bát tú, nam tào, bắc đẩu), sông núi, thảo mộc, cầm thú (ví dụ như con bò thiêng), và cả những nhân vật lịch sử nữa, đều không phải là vị tối cao. Nói thế khác : không có vật gì trong thiên nhiên này được coi là thần thiêng nữa. Đó là ý nghĩa chương thứ nhất trong sách Sáng thế, cuốn sách đầu tiên trong bộ kinh thánh. Gọi vị tối cao là Thiên Chúa, Chúa Trời, là gọi tắt, thực ra có ý gọi là : Thiên địa chân chúa, Chúa thật trời đất muôn vật.
Chưa hết. Trong nhiều tôn giáo cũng như trong nhiều chính thể ngày nay, người ta có khuynh hướng tôn thờ vua chúa, đế vương, như là thần minh, như là thần thiêng. Trái lại trong đạo Đức Chúa Trời, chỉ nhận có một Chúa mà thôi ? Vua chúa, đế vương cũng là người như ai. Khi ta đọc bộ kinh thánh, đọc đến sách Sa-mu-en, hay sách Các vua, ta thấy các vua Do-thái cũng là người như bất cứ ai, có nhiều vị thiếu đức thiếu hạnh, không có gì là thần là thánh cả. Nói thế khác không có vua chúa nào là thần linh cả.
Tóm lại là đạo Đức Chúa Trời đã tục hóa cả thiên nhiên lẫn chính quyền. Và như thế là đem lại cho con người một ý thức mới về chỗ đứng của mình trong trời đất, làm cho có điều kiện để tự giải phóng. Nicolai Berdiaev là triết gia người Nga, đã viết sách về nguồn gốc và ý nghĩa của chế độ cộng sản Nga ; sau khi trở lại theo đạo Thiên Chúa trong tông phái Chính thống, ông có viết trong tiểu truyện về bản thân một câu đáng làm cho ai nấy suy nghĩ : ‘’Nếu không có Thiên Chúa, thì con người hoàn toàn chịu lép vế đối với thiên nhiên và đối với xã hội, đối với vũ trụ và đối với nhà nước’’ .
Song song với quan niệm về Thiên Chúa siêu việt, trong đạo còn dạy rằng Thiên Chúa là như cha mẹ săn sóc cho loài người ta. Đây là điều đặc biệt của đạo Thiên Chúa.
Thực vậy, những hoạt động mà ta gọi là tôn giáo thì có nhiều thứ rất khác nhău, từ những hoạt động có tính cách phù thủy ma thuật, cho đến những lễ nghi có tính cách tượng trưng, những suy niệm tôn sùng có tính cách tinh thần. Quan niệm về vũ trụ và về chỗ đứng của con người trong đó cũng có nhiều thứ. Nhiều khi người ta cho rằng vũ trụ này xoay vần là do một sức mạnh vô danh, vô tri vô giác vô tình, cứ tuần tự nhi tiến, theo luật nhân quả, không xét đến ai, không kiêng nể ai. Ai biết được định luật điều khiển guồng máy càn khôn, thì lợi dụng được, không thì chịu vậy. Tư tưởng khoa học cũng hạn hẹp vào quan niệm đó, và không có cách nào để tìm ra ý nghĩa cuộc đời. Trong cuốn sách Le hasard et la nécessité (1970), nhà bác học Jacques Monod (giải thưởng Nobel) kết luận như sau :’’Bây giờ là lúc con người ta biết được rằng mình cô đơn trong cái vũ trụ bao la và vô tình, mình từ cái vũ trụ đó mà phát sinh ra cũng là ngẫu nhiên, cho nên không có đâu viết sẵn vận mệnh và nghĩa vụ của mình cả. Việc lựa chọn Nước Trời (le Royaume) hay nơi tối tăm là tùy ý’’ . Đứng trước viễn tượng bế tắc và vô nghĩa như thế, có những nhà hiền triết cho rằng khôn hơn cả là tìm lối thoát ra khỏi vòng sinh tử.
Lại có những tôn giáo cho rằng có nhiều thần linh, nhưng hoặc là các vị đó hoàn toàn hạnh phúc trong thế giới riêng của mình, và không để tâm gì đến thế giới con người (đó là quan niệm của triết gia Epicure). Hoặc là các vị đó có thế lực điều khiển và nhào nặn định mệnh con người, nhưng lại thích đùa chơi với vận mệnh của chúng sinh, gây ra nhiều bi kịch : các nhà văn của Hi-lạp cổ đã đưa lên sân khấu nhiều bi kịch thời danh như thế. Đứng trong quan niệm ấy, thường thì người ta bầy ra lễ bái cúng tế, tìm cách siểm nịnh các thần minh, để tìm chút lợi cho mình. Nói cho cùng thì như thế cũng không khác quan niệm phù thủy là bao. Như ta biết, ngay từ đầu, đạo Thiên Chúa đã chống đối quan niệm phù thủy.
Trong truyền thống tôn giáo Ấn độ chỉ có một thực thể duy nhất thần thiêng, còn ngoài ra các vật mà ta coi là những cá vật ở trong vũ trụ này, kể cả chính ta, chính cái tự ngã của ta, tất cả chỉ là ảo ảnh. Vì thế vấn đề là làm sao ý thức được như thế và tìm cách hủy bỏ cái tự ngã và tất cả những cái ảo ảnh đó đi, để rồi hợp nhất với thực thể duy nhất, mà không còn ý thức cá nhân nữa.
Điểm đặc sắc trong đạo thiên Chúa, kể từ lúc đạo Do thái phát sinh, là quan niệm có thể đáp lại lời mời gọi của Đức Chúa Trời, lập giao ước với vị tối cao, để thiết lập mối tình cha con. Đọc bộ thánh kinh đã được viết ra trong quãng một nghìn năm, ta thấy đó là một truyện dài chia ra làm nhiều hồi, kể lại việc gặp gỡ đối thoại giữa người ta và Thiên Chúa trong các biến cố lịch sử, và nội dung của cuộc đối thoại là vận mệnh con người. Nói là vận mệnh, vì theo quan niệm này thì không có định mệnh. Vận mệnh đó người ta tự do tác tạo ra trong khi gặp gỡ Thiên Chúa. Lời Chúa nói chỉ là những đề nghị giao kết với ngài và đi vào một nếp sống mới. Ai muốn chọn như thế thì tùy nghi. Dĩ nhiên là truyện dài đó chưa chấm dứt. Ai đáp lại lời mời gọi mà chịu nhận Thiên Chúa là cha chung của chúng ta, thì tất nhiên sẽ nhận rằng mọi người là anh em. Nếp sống cũng sẽ theo đó mà có một hình thức mới. Cái tự ngã của chúng ta, tuy thật là có hạn, nhưng không mất đi, lại được những liên quan với người khác và với Thiên Chúa làm cho phong phú, trong vận mệnh mà chúng ta cùng xây dựng.
c) Dưới hình thức đạo ‘’tam phụ’’
Nếu ta coi Thiên Chúa là cha chung mọi người, thì lẽ dĩ nhiên là ta có ba bậc cha và Đức Chúa Trời là cha bậc trên, là thượng phụ.
Quan niệm tam phụ không phải là không có chút nền tảng trong văn hóa Việt nam. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes có nhận xét trong Phép giảng tám ngày (tr. 21-22) như sau :
Thật có cha cả là Chúa cả hóa ra mọi sự. Nhin (nhân) vì sự ấy thì đầu năm vua Chúa An nam làm phép cả, có đại thần cả và nước và quân quốc đều cùng thiên hạ đi cùng, ra giao mà tế thượng đế, đến khi vua Chúa đã tế thượng đế đoạn, thì đại thần cùng kẻ cả trong nước, cùng cả và thiên hạ mới lạy vua Chúa trước mặt dân. Thôi đoạn ai nấy thì về nhà mà lạy cha mẹ cùng kẻ bề trên mình, ông bà ông vải. Trong việc này ta xét được người An nam lấy lẽ mình mà thờ ba đấng cha, dù mà chưa biết tỏ tường.
Tuy đã nhận ra thứ bậc, nhưng người Việt chưa biết tỏ tường thượng phụ là ai. Vì lẽ rằng quan niệm về Trời, vẫn còn mơ hồ. Trời có thể là vòm trời xanh, cũng có thể là ‘’ông Trời’’. Sau này, vào đầu thế kỷ XX, giáo sĩ Léopold Cadière đã bàn luận nhiều về ông Trời, căn cứ vào những kiểu nói và hoạt động trong dân gian. Nhưng trước đó hai thế kỷ rưỡi, giáo sĩ A. de Rhodes có lẽ chưa có đủ phương tiện để quan sát, cho nên nghĩ rằng người Việt chỉ biết có vòm trời xanh, vô tri vô giác. Vì thế ông giảng rằng không nên thờ trời, mà phải thờ Chúa Trời. Ông giải thích :
Nhà thì khác, chúa nhà thì khác : trời thì khác, Chúa trời thì khác. Như thế nhà là vật chẳng biết điều gì, trời cũng vậy những xác không, chẳng biết đí gì, chẳng thông lẽ gì sốt. Vậy chẳng nên thờ trời, chẳng khá lạy trời ; lạy đức Chúa trời, thờ đức Chúa trời thì mới phải. (Phép giảng tám ngày, tr.15-16).
Trước đó một trang, ông dùng lối tán chữ nho, để giảng :
Trong chữ ngô có chữ thiên là trời, giải thì có hai chữ, một là chữ nhít (nhất), hai là chữ đại, nghĩa là một cả (=lớn). Song le ai là một cả, ắt là đức Chúa trời sinh ra trời đất muôn vật, thật là một cả : cả và loài người ta thì phải thờ kính đấy, ấy là lẽ phải. Trời là nhà chẳng biết đí gì, thờ thì chẳng phải lẽ đâu. (tr. 14).
Nói tóm lại : đạo tam phụ đã có sẵn ở Việt nam, và khi đưa vào nước ta quan niệm về Chúa Trời là vị tối cao, là thượng phụ, thì các giáo sĩ Âu châu đã làm cho đạo ấy được sáng tỏ ra hơn là quan niệm còn mơ hồ của dân gian về trời và về ông trời. Thiết tưởng ngày nay ta không nên gán cho quan niệm cũ về ông trời tất cả nội dung mà đạo Thiên Chúa đã đưa vào Việt nam, rồi cho rằng dân ta tự mình đã hiểu biết hết cả rồi.
Việc hội nhập văn hóa này đã có một hiệu quả bất ngờ. Vẫn biết là trước đó vua chúa Việt nam có tế trời, nghĩa là nhìn nhận rằng bên trên mình còn có trời, cao trọng hơn mình. Lại nhìn nhận rằng mình trị dân là theo mệnh trời. Nhưng trong thực tế thì nhà vua là ở trên hết. Vì, một là thiên hà ngôn tai, trời có nói gì đâu, cho nên có ai tìm ra được lệnh nào của trời để kiểm soát được nhà vua ; hai là chữ thiên mệnh, cũng không ai có tiêu chuẩn nào mà xác định, chỉ biết rằng khi trong nước bị tai vạ loạn lạc, mà nhà vua không làm sao cứu được, thì những ai muốn tranh ngôi, đều nói là mệnh trời đã hết. Ai hùng cứ được một phương thì có thể nói như Từ Hải :’’Dọc ngang nào biết trên đầu có ai’’ (Truyện Kiều, câu 2472).
Đạo Thiên Chúa dạy kính trọng vua quan và cha mẹ, nhưng không cho các bậc ấy là vị tối cao. Như đã trưng dẫn trên đây, triết gia Berdiaev đã hiểu tỏ liên lạc giữa quan niệm về Thiên Chúa và vị trí của người trị dân.
Ngày nay chế độ quân chủ đã chấm dứt, tuy vậy vẫn có những người nắm chính quyền ở đó đây, có khuynh hướng coi mình như là vị tối cao, có quyền đòi mọi người phải triệt để tuân lệnh. Nhưng trong các nước dân chủ, khi phạm nhân bị cáo là đã phạm tội sát tộc, nếu viện cớ là mình chỉ biết thi hành lệnh trên, thì tòa án sẽ không chấp nhận, vì còn có luật nhân quyền, luật nhân đạo, còn cao hơn là lệnh của người trên truyền xuống, ấy là không nói đến thiên đạo.
Vì thế nếu nhận rằng ‘’trên đầu có ai’’, thì ta sẽ không thể chấp nhận bất cứ người nào tự cho rằng mình có quyền tuyệt đối trên đời. Như thế cũng là hợp với tinh thần dân chủ vậy.