Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Toàn
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Toàn
Minh triết dân gian Việt Nam theo cái nhìn của cố Cả (Léopold Cadière)
Giáo lý về Đức Bà Maria (Trình bày đại ý cuốn sách khảo luận của Dominique Cerbelaud)
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? 2 – Nội dung của tôn giáo: Tin gì ? và dậy gì ?
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? bài 1: Tin hay là biết ?
Tôn giáo và chính-trị
Đó là lời Chúa [1]
Tình yêu có liên quan gì đến Thiên Chúa ? Câu trả lời của Feuerbach [1]
Liên quan giữa Cái chết và vấn đề Thiên Chúa theo quan niệm của Feuerbach[1]
Ludwig Feuerbach và quan-niệm vô-thần lối mới
Vấn-đề tôn-sùng Đức Bà Maria
Ý niệm « sống lại » trong tư tưởng thánh Ambrôsiô
Ý niệm « sống lại » của các vị giáo-phụ đạo Chúa Giêsu trong bốn thế kỷ đầu kỷ nguyên
Ý niệm « sống lại » trong Thánh-Kinh Cựu Ước và trong tư tưởng Do-thái vào thời đầu Tây lịch kỷ nguyên.
Đọc cuốn sách : Faire bouger l’Eglise catholique của cha Joseph MOINGT (dòng Tên)
Đối thoại giữa các tôn giáo và hòa bình trên thế giới
Nhân đọc bài : Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính » Của ĐC Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN
Giới thiệu cuốn sách viết tay: Tam giáo chư vọng (1752) Ạ
Karl Marx phê-bình tôn-giáo
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo.
Mấy nguyên tắc về khoa học con người
Từ môn psychologie đến khoa tâm-lý-học / Những chặng đường nghiên cứu con người
Bàn về thuyết ‘’tam phụ’’ trong đạo Thiên Chúa - Một bước đi vào văn hóa Việt Nam
Thần học sau Công-đồng Vaticano II (1963-1965)
Văn hóa và Tôn giáo
LIÊN QUAN GIỮA CÁI CHẾT VÀ VẤN ĐỀ THIÊN CHÚA THEO QUAN NIỆM CỦA FEUERBACH[1]

Trần Văn Toàn

 

Cái mộ chôn con người ta

chính là nơi sinh ra các thần linh

So ist das Grab der Menschen

die Geburtstätte der Götter

(Feuerbach, Sämtliche Werke, I, tr 369)

 

 0-  Đi vào vấn đề  

Khi bàn về các thần linh thì các triết gia vô thần ở Âu châu thời thượng cổ thường đưa ra nhiều lập luận. Có người cho rằng vì sợ hãi khi đứng trước vũ trụ (timor fecit deos), hay là vì không biết giải thích nguồn gốc vũ trụ ra sao, cho nên người ta mới bày đặt ra thần linh. Vấn đề là người ta thấy mình hữu hạn, có nhiều cái mình không làm được, không biết được, đồng thời lại thấy rằng cái ý thức và cái mơ ước của mình lại có một tầm thước vượt hẳn ra bên ngoài giới hạn của cá nhân mình. Nhận thức được giới hạn của mình như thế cũng tức là nhận ra rằng bên kia cái giới hạn đó có lẽ còn có cái gì khác, và chưa chừng còn có ai khác nữa.

Tôn giáo cổ sơ vốn lo lắng cho vận mệnh con người nhỏ bé, thiếu thốn, thì thường tin rằng có rất nhiều thần linh có quyền lực hơn mình, cho nên khi cần thì xin, khi sợ thì kính, mà kính thì chưa chắc đã thân, cho nên « kính nhi viễn chi » như thầy Khổng đã dậy ; tóm lại là hễ thấy đâu thiêng thì thờ tất cả. Người Hi-lạp và Rô-ma thời cổ cho rằng thần linh đều có các tật xấu như người ta, có quyền lực, nhưng lại hay đùa bỡn với vận mệnh con người, gây ra nhiều thảm kịch, nhiều bi kịch. Trong truyền thống văn  minh Ấn độ thì niềm tin căn bản là : chỉ có một thực thể thần thiêng duy nhất, còn các cá nhân, tuy có ý thức rằng mình là thực thể biệt lập, nhưng ý thức ấy là sai lầm, là ảo ảnh, cần phải tiêu diệt đi thì mới trở về thực thể duy nhất đích thực. Đó cũng là một cách tự tôn, cho rằng tuy mình nhỏ bé, nhưng thực ra là đồng nhất với thực thể vô biên, mà không biết. Vì thế chủ trương vô ngã của đức Phật cũng một phần là nằm trong niềm tin chung của văn hóa Ấn độ.

Trong các tôn giáo nhất thần hay là độc thần, thì vị Thiên Chúa không phải là một vị thần như vô số các thần khác, không phải là một thành phần vô ý thức của vũ trụ, không phải là cái linh hồn làm cho vũ trụ linh hoạt, cũng không phải là toàn thể vũ trụ, nhưng được quan niệm là siêu việt, khác hẳn vũ trụ, và hơn nữa còn quan niêm thêm là vị Thiên Chúa đó không đùa bỡn với vận mệnh con người, nhưng lưu tâm đến con người.

Riêng Feuerbach, thì ông không tin có Thiên Chúa hay thần linh nào cả. Quan niệm vô thần lối mới đã được ông trình bầy trong ba cuốn sách theo ba giai đoạn. Cuốn thứ nhất là Bản chất đạo Thiên Chúa (Das Wesen des Christentums, 1841), có chủ trương rằng bàn luận về Thiên Chúa cũng là bàn luận về con người mà thôi, vì lẽ rằng các đặc tính mà người ta gán cho Thiên Chúa, như trí khôn (lý trí), như tình yêu, v.v. thực ra cũng chính là những đặc tính của con người. Cuốn thứ hai là Những bài Khóa trình về bản chất của tôn giáo (Vorlesungen über das Wesen der Religion, xuất bản năm 1851), nghĩa là của tôn giáo nói chung. Trong giai đoạn thứ hai này, ông đưa thêm ra một ý kiến mới, là : bàn luận về Thiên Chúa cũng chỉ là bàn luận về thiên nhiên, vì rằng có ít là hai đặc tính mà người ta gán cho Thiên Chúa thì cũng chính là những đặc tính của thiên nhiên : đó là tính vạn năng (có năng lực vô cùng) và tính hằng hữu (vô thủy vô chung). Trong giai đoạn thứ ba thì ông viết sách Nguồn gốc các thần linh (Theogonie, 1857), có chủ trương tổng quát rằng thần linh được người ta tạo ra là để đáp ứng lại những điều sở ước của mình : mỗi ông thần đáp ứng lại một ước vọng của con người.

Về giới hạn của con người thì Feuerbach đặc biệt suy tư về hai cái giới hạn đã đưa đến niềm tin Thiên Chúa : một là cái chết, hai là tình yêu. Cái chết thì ai cũng biết nó là giới hạn của cá nhân ta. Còn tình yêu thì nó cho ta thấy rằng mình không tự túc được, mà phải tìm đến người khác, nghĩa là nhận ra mình là hữu hạn. Về hai giới hạn đó thì phần cốt yếu đã được Feuerbach trình bầy trong luận văn tiến sĩ triết học[2] và trong cuốn sách ông cho in nặc danh về cái chết và niềm tin con người là bất tử[3]. Hai tác phẩm này đã được soạn ra hơn mười năm trước khi ông cho xuất bản cuốn sách thời danh Bản chất đạo Thiên Chúa (1841).

Liên quan giữa tình yêu và vấn đề Thiên Chúa sẽ được trình bầy trong một thiên khảo luận khác. Còn bây giờ thì xin trình bầy quan niệm của Feuerbach về cái chết, để xem nó có liên quan thế nào tới vấn đề tôn giáo, tới vấn đề Thiên Chúa.

Như đã trưng dẫn ở đầu bài này, quan niệm Feuerbach đã được tóm tắt thật là gọn gàng : Cái mộ chôn con người ta chính là nơi sinh ra các thần linh, nghĩa là : chính vì con người ta biết mình phải chết cho nên mới bầy đặt ra là có các thần linh.

 

01- Mấy nét đại cương về hành trình triết học của Feuerbach

Có thể nói triết học của Feuerbach đã bắt nguồn từ triết học của Hegel, vì hai lý do. Một là vì cũng như Hegel, ông quan niệm rằng ý thức con người ta về thân phận mình đã phát triển theo hai giai đoạn : giai đoạn thứ nhất là tôn giáo và giai đoạn thứ hai là triết lý [4]. Hai là vì ông cũng theo lối minh chứng của Hegel mà quan niệm rằng các tôn giáo của nhân loại đã tiến triển biến hóa từ hình thức thô sơ cho đến hình thức tối cao là đạo Thiên Chúa. Vì thế khi muốn phê bình tôn giáo, ông thấy là trong lúc đầu – tức là trong cuốn Bản chất đạo Thiên Chúa – chỉ cần phê bình và đánh đổ đạo Thiên Chúa là đủ, chứ không cần đả động đến các tôn giáo khác làm gì.

Sách Bản chất đạo Thiên Chúa đã « vang bóng một thời », và còn hơn thế nữa, lập luận của ông đã thành ra quá quen thuộc, cho nên bây giờ có nhiều người phê bình tôn giáo thường đã lấy lại mà không biết. Tuy vậy, sách này vẫn chưa phải là lời nói cuối cùng, dứt khoát, của Feuerbach về tôn giáo. Có điều đáng chú ý : Feuerbach là triết gia đầu tiên, và có lẽ ông là người độc nhất đã để cả đời ông vào việc phê bình và phi bác tôn giáo, mà không xét đến hơn thiệt, không xét đến tiếng tăm, đến bước đường sự nghiệp. Ông cho rằng ông có quyền phê bình tôn giáo, là vì ông có kinh nghiệm tôn giáo và đã học thần học. Kinh nghiệm tôn giáo của ông, thì không biết là thế nào, nhưng xem chừng có tính cách sách vở hơn là sống động. Còn việc ông ghi tên học một năm thần học ở đại học, thì thực ra cũng không là bao nhiêu, nhưng cũng vẫn còn là hơn nhiều người bạo ăn bạo nói, lên tiếng phê bình những điều mình không am tường, nhưng chỉ nghe hơi mà thôi, rồi cả quyết rằng tôn giáo chỉ là thế nọ, chỉ là thế kia mà thôi. Ngoài ba cuốn sách cho in lại những bài khóa trình của ông về lịch sử triết học thời Cận đại[5], thì các tác phẩm khác đều qui cả về việc phê bình tôn giáo. Cũng nên nói thêm cho rõ là trong bài Tựa của tập I bộ Tác phẩm toàn tập (SW-I, trang IX-X), Feuerbach cho biết rằng khi giảng về lịch sử triết học như thế, thì ông thường mượn tên các triết gia thời ấy để nói lên lập trường riêng của mình.

Khởi điểm của ông là sư phụ Hegel (1770-1831). Sau khi bỏ thần học để theo triết học, ông rời Heidelberg năm 1824, đi Berlin theo học với Hegel. Trong luận văn tiến sĩ Luận về lý trí duy nhất, phổ thông, vô biên (1828), Feuerbach vẫn còn giữ lập trường duy tâm của sư phụ, coi lý trí cũng là thần trí, và vì là thần trí cho nên nó là duy nhất, phổ thông và vô biên. Cũng dễ hiểu : những cái thuộc về phạm vi của cảm giác, thì ai cũng thấy là chúng có tính cách đặc thù, riêng cho từng cá nhân, và vì thế không thể thông cho người khác được. Thực vậy, ta có thể thông cho người khác biết những điều ta tư tưởng, nhưng ta không thể thông cho người khác cái cảm giác của ta. Vì thế, lý trí có tính cách phổ thông, và con người ta chỉ thực hiện được bản chất của mình, nếu  tham gia được vào cái lý trí duy nhất, phổ thông và vô biên đó.

Trình xong luận văn đó, Feuerbach chưa chống lại Hegel ngay, nhưng ông đã xác nhận ra rằng lý trí của con người ta không thoát ly ra ngoài thể xác, nhưng có liên quan thật là mật thiết với thể xác. Tiến theo đà như thế, vào khoảng năm 1834, ông đặt trọng tâm của triết học vào thiên nhiên và vào thể xác của cá nhân, chứ không hạn hẹp vào lý trí nữa.

Riêng về vấn đề tôn giáo thì, ngoài Hegel ra, ông còn rất hứng thú đi nghe Schleiermacher (1768-1834) giảng thuyết, ông này vừa là mục sư  giải nghĩa Thánh Kinh ở giáo đường Tin lành, vừa là giáo sư giảng bài triết học ở đại học Berlin. Schleiermacher chủ trương rằng tôn giáo bắt nguồn ở chỗ con người cảm thấy mình ở trong tình trạng tùy thuộc (Abhängigkeitsgefühl), tùy thuộc vào ngoại giả, ngoại vật, ngoại giới. Nhờ có Schleiermacher mà Feuerbach nhận định ra tầm quan trọng của cảm giác và cảm tình. Từ đây cái địa vị độc tôn mà Hegel dành cho lý trí đã bắt đầu bị lung lay.

Nếu Hegel chủ trương rằng tôn giáo và triết học chỉ là hai giai đoạn tiến trình kế tiếp nhau của lý trí, thì từ nay Feuerbach đoạn tuyệt với tư tưởng Hegel, và chủ trương rằng tôn giáo và triết học không có cách nào dung hòa với nhau được. Cái có thực, cái thực thể, không còn phải là lý trí trừu tượng, nhưng là con người khả giác và năng giác. Vì thế, khi nói về lý trí, thì phải hiểu là lý trí của con người. Năm 1843 ông viết : « Triết học lối mới thì lấy con người hợp lại với thiên nhiên (vì thiên nhiên là nền tảng của con người) làm đối tượng duy nhất, phổ thông và tối cao của triết học, nghĩa là coi môn học về con người (Anthropologie) hợp lại với môn học về thiên nhiên (Physiologie) là khoa học tổng quát (phổ thông) »[6]. Chính Karl Marx – lúc đó mới đậu tiến sĩ triết học được hai năm – cũng đã nhận ngay ra tầm quan trọng của triết lý mới của Feuerbach, và đã viết thư ngày 11/08/1844 để ca tụng tác giả. Quan niệm đó của Feuerbach chính là nguồn gốc của cái phương trình thức mà Marx đặt ra giữa lập trường duy nhân bản và lập trường duy thiên nhiên (Humanismus = Naturalismus) khi ông viết ở Paris Bản thảo về kinh tế và triết học (1844).

Ngoài ra thì Schelling (1775-1854) là triết gia đương thời với Hegel cũng chủ trương rằng thiên nhiên và vật chất cũng chỉ là một thành phần của Thiên Chúa, nhưng là thành phần còn vô thức[7]. Từ đây quan niệm của Feuerbach về tôn giáo đã được thành hình. Ông đảo lộn hẳn lập trường của Hegel. Thực vậy, nếu hệ thống Hegel bắt đầu trình bầy từ tôn giáo tôn thờ thiên nhiên, rồi đi qua các tôn giáo đã xuất hiện trong lịch sử, cho đến đỉnh cao nhất là đạo Thiên Chúa, thì Feuerbach bắt đầu từ chỗ phê bình đạo Thiên Chúa, rồi trở ngược lại cho đến chỗ đặt con người và thiên nhiên làm thực thể căn bản.

Chính vì ngay từ trước năm 1839 Feuerbach đã đặt trọng tâm vào thiên nhiên, cho nên ta biết rằng sách Bản chất đạo Thiên Chúa (1841) chưa phải là câu phán đoán dứt khoát của ông về tôn giáo. Vì ở đây ông chỉ mới chủ trương rằng : nói về Thiên Chúa trong thần học cũng là nói về con người mà thôi (Theologie = Anthropologie). Sau đó mấy năm, trong bài Bản chất của tôn giáo (1845), ông đã tung ra quan niệm giông giống như Schelling và Spinoza rằng Thiên Chúa cũng chính là thiên nhiên[8], nghĩa là có những đặc tính mà người ta gán cho thiên nhiên. Quan niệm này đã được quảng diễn ra trong 30 bài ông diễn thuyết từ tháng 12 năm 1848 cho đến tháng 3 năm 1849 trong đại học  Heidelberg, do sinh viên đứng ra tổ chức và đặc biệt mời tác giả sách Bản chất đạo Thiên Chúa đến phát biểu ý kiến. Đặc biệt mời, là vì ngay từ năm 1830, vì lý do chính trị lẫn với tôn giáo  ông đã bị chính quyền tẩy chay, bị dìm xuống, không được chính thức làm giáo sư ở đại học. Những bài đó đã được xuất bản năm 1851, trong tập VIII của bộ Tác phẩm toàn tập, dưới nhan đề là Những bài khóa trình về bản chất của tôn giáo[9]. Sau này, trong sách Nguồn gốc các thần linh (1857), Feuerbach còn thêm vào đó một yếu tố mới : ông giải thích rằng thần linh được tạo ra để đáp ứng lại các cái mơ ước của con người.

 

02- Những văn kiện của Feuerbach về cái chết và niềm tin con người bất tử

Năm 1830, tức là hai năm sau khi đậu tiến sĩ, Feuerbach cho xuất bản một cuốn sách, nói là của một nhà tư tưởng nặc danh, muốn giấu tên, nhan đề là Những cảm nghĩ về cái chết và về tính bất tử, trích ra từ giấy tờ của một nhà tư tưởng, có kèm theo một ít câu suy nghĩ vừa có tính cách thần học vừa có tính cách châm biếm, do một người bạn của tác giả cho xuất bản[10]. Tuy là nặc danh, nhưng thiên hạ đoán ngay ra ai là tác giả. Vì thế tác giả bị nhà nước để ý, cấm hẳn không cho làm giáo sư đại học, cho nên chỉ sống thanh bạch bằng nghề viết sách, và nhờ vào cái xưởng làm đồ sứ của bà vợ mà thôi.

Đến năm 1834 thì cho in ra một số cảm nghĩ  triết lý có tính cách hài hước, lấy tên là Người cầm bút và con người[11], trong đó chỉ nhắc qua đến vấn đề cái chết.

Năm 1847, trong tập III của bộ Tác phẩm toàn tập, ông cho tái bản tác phẩm trước đây đã cho in nặc danh năm 1830, nhưng rút vắn đi chừng một phần ba, và xếp lại theo một lối dàn bài mới. Cũng trong tập III đó, ông cho in thêm ba bài mới cũng về đề tài đó : 1) Vấn đề tính bất tử xét theo quan điểm môn học về con người (Unsterblichkeitsfrage vom Standpunkt der Anthropologie, 1846), 2) Về ‘Những cảm nghĩ về cái chết và tính bất tử’ mà tôi đã viết, và 3) Nhận xét thêm (Nachträgliche Bemerkungen). Trong ba bài này thì bài thứ nhất quan hệ hơn cả.

Năm 1851, trong bài khóa trình thứ II về bản chất của tôn giáo[12], Feuerbach nhắc lại và tóm tắt tất cả các bài vở đã viết về cái chết và niềm tin con người bất tử. Rồi trong bài thứ XXIX và thứ XXX, ông liên kết niềm tin đó với chứng lý biện bác rằng có Thiên Chúa.

Sau cùng thì năm 1866, trong tập X, tập cuối cùng của bộ Tác phẩm toàn tập, Feuerbach viết thêm bài Về bài ‘Vấn đề tính bất tử xét theo quan điểm môn học về con người’ hay là Phê bình những lối giải thích về những biểu tượng về tính bất tử, thông dụng trong dân gian và trong thời Thượng cổ. Tuy không đưa ra thêm được ý kiến nào mới, nhưng ông cũng liệt kê ra được nhiều sự kiện trong các nền văn minh Hi-lạp, La-tinh và Do-thái trong thời Thượng cổ.

Không cần phải đi vào các chi tiết ta cũng nhận ngay ra rằng cái chết và vận mệnh của con ngưòi cá nhân là một vấn đề đã được Feuerbach rất chú ý khi ông suy nghĩ về tôn giáo. Và đây là điểm làm cho Feuerbach khác hẳn Hegel và Marx. Hai triết gia này chú trọng vào những hình thức vĩ đại của xã hội và lịch sử, chứ không lưu tâm gì đến vận mệnh của con người cá nhân nhỏ bé[13]. Thiết tưởng trong tư tưởng Ấn độ cũng thế, vì nếu con người cá nhân chỉ là ảo ảnh, hay là vô ngã, thì có vận mệnh nào là đáng kể.

Trong thiên khảo luận này, ta sẽ căn cứ vào hai tác phẩm chính, là Những cảm nghĩ về cái chết và tính bất tử (1830), Vấn đề tính bất tử xét theo quan điểm môn học về con người (1846). Hai bài này cách nhau 16 năm. Trong thời gian đó thì vấn đề cũng được bàn luận sôi nổi trong học phái Hegel.

Feuerbach không bao giờ chối bỏ hay là sửa sai cho tác phẩm Những cảm nghĩ …, viết lúc ông còn trẻ. Ông thường nhắc đến nó, coi nó như là một tác phẩm rất thần tình (genial), nói lên được thật đúng tư tưởng đặc biệt của mình, cho đến nỗi khi bộ quốc gia giáo dục cho biết là ông chỉ cần tuyên bố ông không phải là tác giả cuốn sách nặc danh đó thì sẽ được bổ nhiệm ở đại học, ông đành chịu mất hẳn con đường sự nghiệp ở cấp đại học, chứ không chịu tuyên bố như thế. Tác phẩm này có một bản dài, in năm 1930, và một bản vắn, in năm 1846. Về nội dung thì tôi dùng bản dài, trong bộ SW(B) tập XI, do Hans Martin Sass cho in ra ; còn khi trình bầy cho có mạch lạc thì tôi theo cách dàn bài trong bản vắn, trong bộ SW(B) tập III.

Tác phẩm Vấn đề tính bất tử … là tác phẩm viết ra lúc ông đã trưởng thành, chín chắn. Ông cho biết là khi suy luận, ông đã bỏ hẳn quan điểm của nhà tư tưởng trừu tượng như trong cuốn Những cảm nghĩ … , cũng không theo cái nhìn hài hước như trong năm 1834, nhưng lấy quan điểm của con người cụ thể. Tác phẩm này được viết vào năm 1846, nhưng xuất bản năm 1847. Hai tác phẩm này bổ túc cho nhau.

Sau đây là các phần sẽ được trình bầy : 1) Cá nhân và cái chết ; 2) Niềm tin con người là bất tử ; 3) Cái chết, tính bất tử và ý niệm về Thiên Chúa ; 4) Feuerbach và quan niệm về thế mạt, cũng gọi là cánh chung luận (Eschatologie) của Hegel.

 

1- Cá nhân và cái chết

 Vấn đề cá nhân và cái chết được trình bầy trong Những cảm nghĩ … , nhưng trước đó Feuerbach đã để ý đến nó. Trong luận văn tiến sĩ viết bằng tiếng La-tinh năm 1828, Về lý trí duy nhất, phổ thông, vô biên (De ratione una, universali, infinita), ông nhận xét rằng có một số nhà thần học chủ trương rằng con người cá nhân là bất tử. Ông cho rằng chủ trương ấy vừa nghịch lý, lại vừa không hợp với Thánh-Kinh của đạo Thiên Chúa[14]. Trong luận văn này, Feuerbach vẫn còn đi theo lập trường của Hegel : ông cho rằng thực thể phổ thông mới là vĩnh viễn, còn cá nhân thì không, vì thế cho nên cái chết của cá nhân chỉ là một hiện tượng tự nhiên, thông thường, không có gì đáng quan tâm. Ông còn nhắc lại rằng nhiều triết gia thời Thượng cổ đã có chủ trương rằng cái chết không làm tổn hại gì đến con người, vì lẽ rằng « các vật sống động hay là giác quan thì chỉ có thể nhận thức được cái gì có thực, nghĩa là những sự kiện tích cực, chứ không cảm nghiệm được cái đang tiêu diệt chính mình ; thế nghĩa là không có ai cảm nghiệm được cái chết của mình »[15].

Hai năm sau thì vấn đề được đem ra bàn luận một cách có hệ thống trong Những cảm nghĩ … : Feuerbach muốn tìm hiểu cho rõ bản chất và ý nghĩa của cái chết.

Về bản chất của cái chết thì, như vừa nói trước đây, lúc đó Feuerbach chưa đặt vấn đề theo quan điểm của con người cụ thể, khả giác và năng giác, nhưng vẫn còn theo quan niệm của Hegel, cho nên ông chỉ xét đến những cái tổng quát, chứ chưa để ý đến con người cá nhân, cụ thể.

Còn về ý nghĩa theo quan điểm lúc bấy giờ, thì đó không phải là ý nghĩa của cái chết đối với cá nhân đang băn khoăn về vận mệnh riêng của mình, nhưng là ý nghĩa của cái chết đối với thực thể toàn diện. Ở đây không phải là cá nhân suy nghĩ về cái chết của mình, nhưng là cái lý trí duy nhất, phổ thông, vô biên, suy luận về cái chết của cá nhân theo quan điểm của Hegel, rồi kết luận rằng cả cái chết lẫn cái tính bất tử đều không là gì hết. Cũng không lạ gì, vì theo quan điểm đó, cái chết chỉ được xét như là một hiện tượng vật lý học hay sinh lý học, chứ không liên quan gì đến vận mệnh con người cá nhân. Theo cái nhìn như thế thì cái chết của cá nhân không có gì là bi thảm cả, vì lớp cá nhân này mất đi thì sẽ có lớp cá nhân khác thay chân ngay.

Chỉ khi nào người ta đặt trọng tâm vào cá nhân đang lo lắng cho thân phận mình thì mới có vấn đề mà thôi. Cho nên trong những nền văn hóa không quan tâm đến cá nhân thì sống hay chết không thành vấn đề.

Trong phần dẫn nhập vào sách Những cảm nghĩ …, Feuerbach trình bầy vắn tắt lịch sử niềm tin con người bất tử, trong khu vực văn hóa Âu châu, và chia ra làm ba giai đoạn. Thứ nhất là thời Thượng cổ Hi-lạp và Rô-ma : ở đây người ta quan niệm rằng cá nhân tự nó không là gì đáng kể, có sống thì phải sống trong thế giới này và sống trong cộng đoàn của mình mới là sống thiết thực. Thứ hai là thời Trung cổ : tông phái Công-giáo của đạo Thiên Chúa quan niệm rằng có một thế giới bên kia cái thế giới hình sắc này, và con người cá nhân cụ thể sẽ được đoàn tụ trong cộng đồng những người tín hữu ; quan niệm này có liên quan đến học thuyết Platôn, chủ trương chỉ có linh hồn mới là bất tử. Giai đoạn thứ ba là thời Cận đại : tông phái Tin-lành của đạo Thiên Chúa đưa ra chủ trương duy lý rằng có cá nhân là nhân vị, thần thiêng, vô biên, cho nên là bất tử ; nhân vị đó là Chúa Cứu thế Giêsu. Nhưng đối với người theo khuynh hướng sùng tín (piétiste) trong phái Tin-lành, nhân vị đó là Chúa Cứu thế khi đã được tiếp nhận trong thâm tâm người tín hữu, nghĩa là khi đã trở thành cái bản ngã của người tín hữu[16]. Các sử gia chưa chắc đã đồng ý về lối phân chia các giai đoạn, và quan niệm nổi bật của mỗi giai đoạn như thế.

Nghiên cứu về lịch sử niềm tin con người bất tử, tuy chưa phải là cách phi bác niềm tin đó, nhưng dù sao cũng là cách tương đối hóa nó, nghĩa là cho rằng nó không phải là chân lý tuyệt đối, bất di bất dịch.

Bây giờ ta đi vào lập luận của Feuerbach.

 

11- Ý nghĩa của cái chết xét theo quan điểm đạo đức học 

Trong đoạn này Feuerbach muốn tìm cho ra ý nghĩa của tình yêu, vì nó đòi người ta phải vượt ra bên ngoài giới hạn của cá nhân mình, để hướng về người khác. Ông viết : « Không có lẽ gì con người có mặt trên đời chỉ là vì mình mà thôi (…) . Nếu có vật nào chỉ là một hiện hữu vị kỷ (für-sich-sein, être-pour-soi), thì ta không thể phân biệt nó với cái hư vô. Vì hễ có hiện hữu thì tức là có đầy đủ các liên quan (…) ; như thế tất nhiên là hiện hữu với người khác, trong người khác và vì người khác ; hiện hữu tức là chung sống ; ngược lại, hiện hữu vị kỷ tức là cô độc, là không có sống chung ; còn cái hư vô – ấy là nếu cái hư vô lại là có thật, như tôm cá, như cây cối – thì trong thế giới này nó là cái cô độc nhất, vô xã hội nhất. Con người ta biết yêu và phải yêu »[17].

Như thế hiện hữu tức là sống trong cộng đồng, tức là yêu. Và yêu tức là bỏ mình, là từ bỏ quan điểm cá nhân của mình. Feuerbach giải thích : « Anh càng từ bỏ cái bản ngã của anh thì tình yêu của anh càng lớn và càng chân thực. Vì nếu không bỏ mình thì không có thể yêu ai được ; yêu tức là sống trong người khác, tức là không tự đặt mình lên, không đặt cái thực chất (Wesen) của mình ở nơi mình, nhưng là đặt nó trong đối vật của tình yêu (…) . Như thế là mình không còn cái hiện hữu vị kỷ riêng của mình nữa, thực thể của người khác cũng chính là thực thể của mình (…) ; tất cả mọi thứ tình yêu đều có một đặc điểm chung, là xả thân, là xả kỷ »[18].

Đi xa thêm một bước nữa, Feuerbach đặt vấn đề cái chết. Ông quả quyết : « Tình yêu chưa đi tới chỗ hoàn hảo, nếu không có cái chết »[19]. Vì lẽ rằng : « Khi yêu thì ta nhận định và tuyên bố rằng cái hiện hữu hoàn toàn vị kỷ của mình, cái tự ngã của mình, thì không là gì cả ; ta nhận định rằng cái thực chất của mình, cái mạng sống của mình, thì không phải là cái tự ngã của mình, nhưng cái đối vật của tình yêu mới là cái tự ngã đích thực của mình (…), vì cái chết mới thực là cái vén màn cho ta thấy rằng cái hiện hữu vị kỷ của mình thì thực là cô đơn hiu quạnh (…). Chỉ có một lúc mà ta là cái tự ngã thuần túy đơn giản, chỉ có một lúc mà ta là vị kỷ, vì một mình ta, đó là lúc ta chết, lúc ta không còn là gì nữa. Như thế, chính vì cái chết vén màn cho ta thấy cái hiện hữu vị kỷ của ta, mà nó cũng vén màn cho ta thấy tình yêu là gì »[20]. Nói thế khác, yêu là chết đi một phần nào, yêu là ý thức được rằng mình phải vượt ra ngoài cái giới hạn của cá nhân mình, và chính cái bước đi vượt ra như thế mới đưa người ta đến niềm tin con người là bất tử, và đến niềm tin có vị Thiên Chúa.

Đến đây ta nhận ra trong luận điệu của Feuerbach bài học mà trước đó mấy năm ông đã lĩnh hội được của Hegel : chỉ có cái phổ thông, cái toàn thể mới là chân thực, vì thế cái cá nhân đã thành hình bằng cách biệt lập và chống đối với mọi người khác, thì nó phải vượt lên trên tính cách cô đơn và trừu tượng của nó để trở thành phổ thông[21]. Như thế có nghĩa là : cộng đoàn hay là xã hội có giá trị cao hơn là cá nhân.

Bài học đó, Feuerbach, và Marx về sau này, cả hai người cùng học thuộc cả, tuy mỗi người hiểu theo một lối. Marx đi xa hơn, xã hội của ông thì rất rộng, vì ông cho rằng con người là toàn thể các liên quan xã hội cụ thể, nghĩa là các liên quan kinh tế và chính trị. Còn Feuerbach thì vẫn đứng lại trong lập trường lý thuyết, chống lại tất cả những ai chủ trương con người cá nhân là tuyệt đối. Về mặt lý thuyết thì Feuerbach nới rộng mệnh đề căn bản của triết học Descartes (1596-1650) : « Tôi tư tưởng, như vậy là có tôi (Cogito, ergo sum) », thành ra là : « Khi tôi tư tưởng, thì chính tôi là nhân loại (Cogitans ipse sum genus humanum) »[22]. Nhưng khi nói đến xã hội, đến nhân loại, thì, như ta vừa thấy trước đây, ông vẫn cứ hạn hẹp vào liên quan ái tình giữa hai người mà thôi. Sau này, trong sách Bản chất đạo Thiên Chúa ông viết : « Ta có thể tư tưởng một mình được, nhưng muốn yêu thì phải có đôi »[23].

 

12- Nền tảng của cái chết xét theo quan điểm siêu hình học 

Như vừa trình bầy trước đây, tình yêu làm cho con người ta quên bản thân, vượt ra ngoài bản thân và tất cả những gì có tính cách cá nhân, hạn hẹp của mình. Vậy nếu, theo như chủ trương của đạo Thiên Chúa, Thiên Chúa là tình yêu thuần túy, thì trong Thiên Chúa tất cả những ai, những gì,  có tính cách đặc thù, hạn hẹp, đều phải tan biến đi hết, nghĩa là : Thiên Chúa là nền tảng của các vật hữu hạn, nay còn mai mất. Vì thế « chứng lý duy nhất minh chứng được rằng có Thiên Chúa, đó là thời gian »[24]. Vì có thời gian thì mới có những sự vật nay còn mai mất. Còn Thiên Chúa thì luôn luôn ở ngoài thời gian. Feuerbach lý luận thêm : « Hễ có cái chết trong thời gian, có cái chết ở bình diện vật chất khả giác, thì tất nhiên phải có cái chết ở ngoài thời gian, phải có cái chết ở ngoài vật chất khả giác, cái chết đó là chính Thiên Chúa »[25].

Cũng nên giải thích vì sao Feuerbach lại chủ trương rằng cái nhân vị cá biệt (Person / personne) và tình yêu, hai bên lại trái nghịch nhau. Chủ trương này là vào năm 1830, khi mà Feuerbach vẫn còn theo tư tưởng Hegel. Một đàng thì nhân vị là cái có tự kỷ ý thức, và vì thế nó là chủ thể, biệt lập hẳn ra ngoài khách thể, tức là  các sự vật trong thiên nhiên. Vậy nếu Thiên Chúa là một cá vị, thì tất nhiên phải biệt lập ra ngoài thiên nhiên. Theo như Hegel thì tinh thần (Geist / esprit) không phải là cá vị có tự kỷ ý thức, lại càng không phải là thiên nhiên, nhưng là cái tổng hợp được cả hai cái mâu thuẫn nhau đó. Nếu Thiên Chúa chỉ là cá vị có tự kỷ ý thức mà thôi, thì vẫn chưa phải là tinh thần[26].

Đàng khác, « tình yêu không phải là hiện hữu tại kỷ (an sich sein / être en soi), cũng không phải là hiện hữu vị kỷ (für sich sein / être pour soi), nhưng là hiện hữu trong cộng đồng, hiện hữu qui nhất (être un) (…) . Tình yêu đòi vừa phải có dị biệt, vừa phải có thống nhất (… ), có thống nhất được hai yếu tố mới có tình yêu »[27]. Nếu bảo rằng Thiên Chúa là tình yêu, thì theo phép biện chứng, Thiên Chúa không phải chỉ là chủ thể ở giai đoạn thứ nhất, mà còn phải là khách thể ở giai đoạn thứ hai, và là hiện hữu tuyệt đối ở giai đoạn thứ ba (là tổng hợp)[28]. Thế nghĩa là nếu Thiên Chúa chỉ là cá vị (có ý thức), là chủ thể mà thôi,  thì  không thể coi Thiên Chúa là tình yêu, vì đã là cá vị thì bao giờ cũng là hạn hẹp và đối nghịch với các cá vị khác.

Lập luận có vẻ vừa dài dòng vừa quanh co khó hiểu. Nhưng đại ý là : Thiên Chúa là nền tảng siêu hình học của cái chết của con người, không phải vì Thiên Chúa là một cá vị, nhưng vì là tình yêu. Cái chết của cá nhân là một việc rất tự nhiên, vì bản tính nó là hạn hẹp như thế. Cá nhân chết đi là hết hẳn. Feuerbach viết : « Cái chết chỉ là cái hậu quả, nó làm cho ta thấy rõ cái bản ngã của anh là có giới hạn ( … ) Anh phải chấp nhận chân lý này : anh là cái không có thực tại, mà Thiên Chúa cho nó có thực tại, có hiện hữu, cho nên nền tảng tối hậu của cái chết của anh là chính Thiên Chúa vậy »[29].

 

13 – Nền tảng của cái chết xét theo quan điểm thiên nhiên học [30] 

Đoạn này nhan đề là « Thời gian, Không gian, Sự sống », đó là phần thứ  II của cuốn sách viết năm 1830. Cách chia đề tài làm ba khúc như thế, là lấy lại của Hegel, để nói về giai đoạn khách-thể-hóa của ý thức. Mục đích là minh chứng rằng nền tảng của cái chết của cá nhân là chính ở trong bản tính tự nhiên của cá nhân.

Cá nhân nằm ở trong phạm vi những vật khả giác, cho nên nó có giới hạn trong thời gian và trong không gian. Nếu không ở trong thời gian và không gian, và nếu không xác định được các giới hạn như thế, thì không thể có cái gì là vật cá biệt, là cá nhân cả[31]. Vì thế nếu cho rằng có cá nhân nào đó là bất tử và vẫn còn tồn tại sau khi chết, thì bó buộc phải nhận rằng cá nhân đó vẫn có một vị trí trong thời gian và trong không gian, cũng như trước khi chết vậy. Cho nên ta hiểu vì sao những người tin rằng cá nhân bất tử, thì cũng tin rằng những người chết đi đều ở một nơi xa xăm nào đó, mà những người còn sống không tới được, nhưng vẫn là ở trong không gian và thời gian[32]. Cho nên giới hạn của cá nhân trong không gian và trong thời gian (giới hạn vật lý học) cũng chính là giới hạn tự nhiên của cá nhân vậy.

Feuerbach tiếp tục lý luận : « Khi ở bên ngoài tôi có cá nhân nào, thì tôi thấy ở trong tôi như có một lỗ hổng, một quãng trống, như thiếu sót một cái gì ; tôi là một vật thể (Wesen) có nhiều lỗ hổng, thực tại (Sein) của tôi thì hoàn toàn là trống rỗng ; mỗi khi có vật thể nào giống như tôi, nhưng lại hiện hữu biệt lập với tôi, thì tôi thấy như là một vết thương ; trông thấy người khác, tôi nhận ra cái mà tôi không có ; các người khác đối với tôi chỉ là những cái lỗ hổng của bản thân tôi (…) »[33]. Như thế đã rõ là nếu có cá nhân nào thì cá nhân ấy tất nhiên phải là hữu hạn.

Về tính cách hữu hạn, cũng như về cái chết, thì giới hạn của nó là ở trong thiên nhiên, chứ không phải là ở trong một vị Thiên Chúa mà người ta quan niệm như là một cá vị chống đối hẳn lại với thiên nhiên[34]. Đứng vào quan điểm của toàn thể thực tại mà nói, thì tính cách hữu hạn và cái chết của các cá nhân không thành vấn đề gì cả : có cái này chết đi thì mới có cái kia sinh ra, cái này mất thì cái kia thay, và như thế là rất tự nhiên.

Thường thường thì Feuerbach biện luận như thế. Tuy vậy ít ra là có một lần ông nhận định ra tính cách nghiêm trọng của vấn đề. Sau đây là một đoạn văn vừa quan trọng vừa hiếm có : « Cái vết nứt rạn lớn trong tạo vật, đó là cái chết : nó là giới hạn làm tiêu tan sự sống, vì chết là hết sống : đối với sự sống thì nó là cái sa mạc thuần túy nhất, cái trống rỗng ghê gớm nhất. Vẫn biết rằng cái mới sinh ra đã thay cho cái đã chết đi, nhưng cái chết đi ấy một khi đã ra đi thì đi biệt tăm, mà không bao giờ trở lại nữa, và chỗ nó ở trước đây thì vẫn trống ; sự vật chỉ là sự vật này có một lần mà thôi, con người chỉ là con người hoàn toàn định hình như thế này có một lần bây giờ mà thôi ; còn vật kia là vật mới thay chỗ cho vật cũ, thì vì nó là vật khác, cho nên nó không thay hẳn cho vật cũ được. Muốn thay được, thì tuyệt đối nó với vật cũ đã qua đi phải cũng là một. Tất cả cái thế giới này nó xốp như cái bọt biển, quả đất này thì đầy những lỗ hổng như cái sàng ; đâu đâu cũng đầy những chỗ nứt rạn ; có bao nhiêu người đã chết đi thì là có bấy nhiêu chỗ trống mà không ai chiếm, mỗi một người đã chết đi thì là một chỗ nứt rạn, một lỗ hổng lớn trong thế giới các sinh vật »[35].  Đáng lẽ ý kiến như thế có thể đưa tới nhiều câu hỏi mới, nhưng tiếc rằng Feuerbach không đặt lại vấn đề. Lập trường của ông vẫn là : phải đứng vào quan điểm của tinh thần hay là vào quan điểm của nhân loại, để vượt lên trên cái giới hạn của cá nhân.

Lấy quan điểm của tinh thần để vượt lên trên cái giới hạn của cá nhân, đó là giải pháp mà Feuerbach lấy lại của Hegel : ông nhắc lại rằng cái mục đích mà toàn thể thực tại nhằm tới, đó là chuyển từ những cái hình sắc khả giác tới Tinh thần. Theo quan niệm Hegel thì tinh thần không phải là cái vô hình vô sắc, nhưng là cái tổng hợp được tất cả ý  niệm và các hiện tượng cụ thể hữu hình hữu sắc, cho nên ông viết : « Mục đích là tinh thần, mà tinh thần chính là cái chết làm tiêu tan cái hình sắc »[36]. Nói thực ra thì giải pháp này không dễ hiểu gì.

Giải pháp thứ hai dễ hiểu hơn : là lấy quan điểm nhân loại mà vượt lên trên giới hạn của cá nhân. Nói « nhân loại » thì ai nấy dễ hiểu hơn là nói « Tinh thần » theo kiểu Hegel.  Đại khái như sau : cá nhân là hữu hạn thực, nhưng nó nằm ở trong nhân loại cho nên có thể nói là nó vô biên.

Những triết gia thừa tự tư tưởng của Hegel đều coi nhẹ nhân vị của cá nhân. Karl Marx cũng hiểu như thế , và trong Bản thảo về kinh tế và triết lý (1844), ông đã dùng từ ngữ của Feuerbach mà định nghĩa con người là vật có loại tính (Gattungswesen)[37]. Nhưng sau này Marx không dùng từ ngữ đó nữa, vì hai người không có một quan niệm về nhân loại như nhau. Thực vậy, quan niệm của Marx có tính cách xã hội và lịch sử, ông cho rằng con người là tất cả các liên quan xã hội, kinh tế và chính trị, còn quan niệm về nhân loại của Feuerbach thì nhẹ về yếu tố lịch sử, mà nặng về yếu tố tự nhiên, vì nó hạn hẹp vào liên quan nam nữ. Vì thế ta hiểu vì sao vào năm 1844 Feuerbach không nhận cộng tác với Marx trong hoạt động chính trị chọc trời quấy nước của ông : Marx chủ trương rằng sau khi phê bình trên trời (Feuerbach phê bình tôn giáo năm 1841) xong, thì đến lúc phải phê bình dưới đất, còn Feuerbach lại nghĩ rằng phê bình tôn giáo vẫn chưa xong, cho nên ông tiếp tục làm việc đó cho đến cùng. 

Quan niệm của Feuerbach về nhân loại quả thực là hạn hẹp. Ông viết trong luận văn tiến sĩ (1828) : « Nam và nữ làm thành nhân loại »[38]. Như thế thiết tưởng một phần cũng là vì ông chú tâm đến từ nguyên tiếng Đức của chữ Gattung là loại, cùng một nguồn gốc như : Gatte là chồng, Gattin là vợ, Begattung là tính-giao. Ông viết : « Cha và mẹ sinh ra anh, với tư cách là nhân loại (Gattung), và thực hiện trong cuộc tính giao (Begattung). (...) Khởi thủy đích thực của anh không phải là cha mẹ anh với tư cách là những cá nhân đã được sinh ra, nhưng với tư cách là con người, là nhân loại trong những cá nhân đó»[39]

Như thế là nhân loại ở trên cá nhân một cách tuyệt đối, nhưng nhân loại của Feuerbach xuất hiện như là thực tại tự nhiên, chứ không phải là thực tại tinh thần, vì nó không có tính cách xã hội và lịch sử.  Kết quả là nhân loại đè bẹp cá nhân : cái đau khổ và cái chết làm cho ta thấy rõ như thế. Cá nhân chỉ có một thái độ là nhẫn nại chịu đựng. Khó chịu thì chịu khó vậy. Feuerbach viết : « Những lúc anh đau khổ là những lúc cái loại (nhân loại), là thực thể tuyệt đối, ăn mừng cuộc toàn thắng. Những người ốm đau rên rỉ, những người sắp chết thở vắn thở dài, đó là những bài hát mừng thắng trận của cái loại (…)»,và vì Feuerbach chủ trương rằng Thiên Chúa rốt cục cũng chỉ là nhân loại, cho nên ông viết tiếp : « Anh rên rỉ đau khổ, đó chính là chứng lý vật thể học chứng minh là có Thiên Chúa vậy »[40].  Để nói tổng quát về ba nền tảng trên đây của cái chết, Feuerbach kết luận : «  Cái nền tảng vô hạn và vô định (der unbestimmt unendliche Grund) của cái chết của anh, đó là Thiên Chúa, tức là cái vô biên, vô hạn. Nền tảng hữu hạn và hữu định (bestimmten endlichen) thì là thời gian, không gian và sự sống, đó là những nền tảng mà ta cảm thấy được … Còn nền tảng vô hạn, nhưng hữu định của cái chết, đó là lý trí, tinh thần và ý thức»[41].

 

14 – Nền tảng của cái chết theo quan điểm tinh thần hay là tâm lý học 

Đây là giai đoạn mà Feuerbach đứng vào quan điểm tinh thần để vượt lên trên giới hạn tự nhiên (thời gian, không gian và sự sống) của cá nhân.

Như đã nói trên đây, con người là một sinh vật cụ thể, sống trong thời gian và không gian, cho nên cá nhân có giới hạn cụ thể trong thời gian và không gian, cho nên có chết cũng là rất tự nhiên. Tuy vậy Feuerbach nhận thấy rằng có những người duy tâm vẫn tin là con người bất tử, vì họ cho những giới hạn cụ thể đó không phải là giới hạn thực. Hơn nữa, vì lẽ lý trí, tinh thần và ý thức là ba yếu tố làm nên con người. Cho nên nếu con người có bị giới hạn về ba yếu tố mà ta không cảm thấy được đó, thì mới thực là có giới hạn, mới chết thực sự vậy.  Nói thế khác, cũng như đã nói trước đây về Thiên Chúa (hay là nhân loại), thì lý trí, tinh thần và ý thức cũng vừa là những cái làm nên cá nhân, vừa là những cái làm tiêu tan cá nhân.

Về ý thức : nhờ có ý thức mà con người vượt lên trên giới hạn tự nhiên của mình, và như thế là đạt tới ý niệm loại (Gattung), nhân loại, là có loại tính (Gattungswesen). Đó là ý kiến mà Feuerbach trình bầy trong chương I của sách Bản chất đạo Thiên Chúa (1841). Marx đã tạm thời lấy lại quan niệm đó trong Bản thảo về kinh tế và triết lý (1844), đồng thời lại đã thêm vào cho nó tính cách thực hành, xã hội, kinh tế và chính trị.

Nhưng khi nói về ý thức thì Feuerbach vẫn giữ quan niệm đã trình bầy trong luận văn tiến sĩ  Luận về lý trí duy nhất, phổ thông, vô biên (1828) : « Ý thức thì lúc nào cũng vẫn thế, vẫn là một, vẫn duy nhất ; chỉ có những yếu tố hữu thức, đối tượng, nghĩa là những con người cụ thể nhận thức được về mình trong ý thức là có khác nhau mà thôi. Về tri thức thì mọi người đều là một như nhau, nhưng về đối tượng của tri thức thì người ta khác nhau và không thông đồng với nhau ; vì cái mà họ biết trong ý thức là chính họ, là những cá nhân đặc thù khác nhau »[42]. Như thế đã rõ là hễ có nhiều cá nhân thì ai nấy đều là giới hạn của người khác.

Vậy theo quan điểm tinh thần thì cái chết của cá nhân là thế nào ? Theo quan điểm này thì như Feuerbach nghĩ, cái chết của cá nhân « đó là cái hành động làm cho chủ thể đi ra khỏi cái căn bản, cái chủ thể tính của mình, để rồi chỉ còn là khách thể mà thôi ». Ông giải thích tiếp : « Cái bản ngã là chủ thể đang coi anh như là một khách thể, thì nó không phải là chính anh, như tôi đã nói trên đây, nhưng nó là cái bản ngã phổ thông, nó vẫn là một ở trong mọi người, nó là cái bản ngã thuần túy của chính cái tinh thần ; với tư cách là một người, là một khách thể thì anh không phải là nó, và cái  điểm dị biệt này thì ta thấy rất rõ khi ta trông vào cái chết : vì ở trong trường hợp này, anh chỉ còn là khách thể mà thôi. Chết là lúc anh chỉ còn là khách thể như đồ vật (Gegenständlichkeit), không còn là cái chủ thể luôn luôn hoạt động, vĩnh viễn và bất tử »[43].

Xem như thế thì về mặt tinh thần, con người ta cũng có giới hạn và cũng chết như về mặt vật chất tự nhiên. Thực vậy, về mặt tinh thần thì trước khi hiện hữu thành một cá nhân, con người không là gì hết (…). Trước khi thành nên một cá nhân tự lập, thì cái mà người ta biết được đều là ở trong người khác và nhờ vào người khác cả. Feuerbach giải thích : « Cái ý thức của anh về chính mình anh, thì lúc đầu nó ở bên ngoài anh, chính những người khác mới là ý thức và tri thức của anh về chính mình anh : người khác biết về anh và đón tiếp anh ; mãi về sau này, khi anh thành ra tự lập về thân xác bên ngoài, thì anh cũng tự lập về bên trong ; những cái mà người khác biết về anh, thì bây giờ thành những cái anh biết về anh …Có thể nói như sau : anh nhận được từ tay người khác cái ý thức của anh như là một cái quà đã để sẵn. Nếu cái thân xác anh đã được ấp ủ trong lòng mẹ, thì cũng thế, cái bản ngã của anh cũng đã ở trong lòng mẹ, tức là trong ý thức của người khác vậy »[44].

Từ đó Feuerbach chủ trương rằng về mặt tinh thần cái chết chẳng qua chỉ là việc cá nhân trả lại cho người khác cái ý thức mà mình đã tiếp nhận được. Như vậy cái ý thức cũng giống như một nhiệm vụ mà cá nhân đảm nhận, rồi khi chết thì trả lại cho người khác. Sau đó thì cá nhân tồn tại trong ý thức và trong kỷ niệm của người khác : thể thức tồn tại không còn là ở vật chất bên ngoài, nhưng là ở tinh thần bên trong[45]. Vì thế nếu có đối thoại giữa cá nhân và nhân loại, thì nhân loại bao giờ cũng giữ phần thắng.

Tóm lại : cho dù cá nhân có ý thức đi nữa thì nó cũng phải chết. Mà hơn nữa, có chết đi như thế cá nhân mới đi cho đến cùng cái hành trình tinh thần hóa. Cho nên cái chết của cá nhân là lẽ đương nhiên, chứ không phải là một thảm kịch.

 

15 – Cái chết không là gì cả, bất tử cũng không là gì hết 

Cuốn sách Những cảm nghĩ … đưa tới kết luận rằng cái chết không là gì cả và bất tử cũng không là gì hết. Nói thế khác, cái chết chỉ là một vấn đề giả tạo, vì nhiều lý do.

Theo như Feuerbach thì, trước hết, « trong liên quan hạn hẹp với chính mình, cũng như trong liên quan hạn hẹp với chúng ta, thì các cá nhân đã chết đi không còn là gì hết, nhưng họ vẫn tồn tại trong thực tại  vô biên. Vì họ là những cá nhân có hạn định cho nên họ chỉ có chết đi đối với chính mình họ và đối với chúng ta, nhưng đối với bản tính con người và đối với thực tại vô biên thì không »[46].   

Riêng đối với cá nhân thì cái chết cũng không là gì cả, vì nó không động gì đến cá nhân. Về điểm này thì Feuerbach lấy lại lập luận của Epikouros[47] (triết gia Hi lạp duy vật, 341-270 trước CN), ông giải thích : « Cái chết chỉ là cái chết và chỉ gây ra đau khổ trước khi người ta chết ; như vậy nó chỉ là một cái ảo ảnh : nó chỉ có vào lúc không có nó, và nó lại không có vào lúc có nó … Cái chết chỉ là cái chết đối với người sống, chứ không đối với người đang chết ; đối với loại người này thì  nó chỉ có và chỉ ghê gớm bao lâu chưa có nó »[48]. Vậy cái chết là cái gì ? Thưa rằng nó chỉ là một cái ảo ảnh, một biểu tượng, chứ không phải là một thực tại. Ta tưởng tượng cái chết là giới hạn của sự sống. Nhưng nói đến cái chết tức là quả quyết rằng có thực tại là sự sống, mà sự sống cụ thể, tức là mạng sống, thì tất nhiên là bao giờ cũng có giới hạn. Có thế thôi. Cái chết chỉ là một kiểu nói.

Bất tử là gì ? Là phủ định cái chết, là không chết, là không có giới hạn, mà giới hạn thì lại không phải là một thực tại. Cho nên có phủ định nó thì cũng chẳng đi đến đâu, vì đó chỉ là phủ định giả tạo. Vậy khi ta nói cái nọ cái kia là bất tử thì ta chỉ có ý nói là nó vững chãi, nó có giá trị mà thôi.

Cái chết đã không là gì, bất tử cũng không là gì nốt, thì chỉ còn thực tại, thực tại hữu hạn trong thế giới này mà thôi. Ngoài ra không có vấn đề gì cả.

 

2 – Niềm tin con người là bất tử 

Tuy đã có những lý luận chắc nịch như thế về cái chết và về bất tử, nhưng cũng ngay trong sách Những cảm nghĩ …, Feuerbach đã nhận ra một sự kiện đi ngược lại những lý luận đó : niềm tin con người bất tử là một sự kiện đâu đâu cũng thấy có.

Ông không tìm cách phi bác ngay, nhưng chỉ muốn nói lên cho rõ thế nào là niềm tin đích thực con người là bất tử. Ông viết : « Niềm tin con người bất tử của anh chỉ đích thực nếu anh tin vào tính cách vô biên và vào chân lý của tinh thần, của ý thức, nếu anh tin rằng nhân loại vẫn muôn đời trẻ trung, nếu anh tin rằng nhân loại  có hiện hữu biệt lập ra bên ngoài những cá nhân có hạn định hiện đang sống, và do đó, nếu anh tin rằng các cá nhân hữu hạn đang sống bây giờ đều không bất tử, không vĩnh viễn, nghĩa là họ không phải là những cá nhân cuối cùng hoàn toàn thực hiện được bản tính và lịch sử của nhân loại »[49].     

Feuerbach trở lại vấn đề vừa nêu ra trong một bài dài, viết sau đó 16 năm : Vấn đề tính bất tử xét theo quan điểm môn học về con ngườùi (1846). Ông phân phô rằng trước đây ông đã viết theo quan điểm của triết gia, hay quan điểm của nhà tư tưởng trừu tượng, còn bây giờ thì ông xét lại vấn đề theo quan điểm của con người vừa có tư tưởng, vừa có tình cảm.

Cũng nên chú ý là ở đây khi bàn về bất tử, thì Feuerbach đứng vào quan điểm triết lý mới mà ông mới đạt tới, nhưng khi nói về cái chết thì ông lại vẫn còn giữ quan điểm của nhà tư tưởng trừu tượng. Cho nên tuy nói là xét lại vấn đề, nhưng ông không đưa ra được ý kiến mới mẻ nào cả. Thực vậy, trong bài Vấn đề tính bất tử … , ông vẫn còn viết ; « Cái chết là kết liễu cuộc sống, và vì thế là chấm dứt, là giới hạn của tư tưởng và trí tưởng tượng của ta »[50].  Cũng dễ hiểu : triết lý mới của Feuerbach chủ trương bỏ lý luận suông để nhấn mạnh vào kinh nghiệm ; thế nhưng không ai có thể kinh nghiệm được cái chết của mình. Còn những biểu tượng về bất tử, thì đó là những sự kiện mà ai nấy có thể nhận xét và tìm cách giải thích  Cho nên trong bài này Feuerbach muốn xét xem vì những lý do nào, mà cái niềm tin con người bất tử, tuy nó không có nền tảng gì đích thực, lại có thể phát sinh ra và phát triển một cách phổ thông như thế.

Bài Vấn đề tính bất tử … là tác phẩm viết lúc Feuerbach đã trưởng thành. Có một ý kiến mới mẻ đã được đưa thêm vào đây : ông quan niệm rằng niềm tin con người bất tử và niềm tin có Thiên Chúa thì cũng chỉ là một. Ý kiến này là lấy lại từ sách Bản chất  đạo Thiên Chúa  (1841), chương thứ XIX. Về điểm này thì Feuerbach đã đi xa hơn Kant, vì ông này chỉ nhận định rằng hai niềm tin đó bao giờ cũng đi đôi mà thôi.

Lý luận trong bài này là như sau : chỉ vì u mê, chỉ vì thiếu khả năng tư tưởng khách quan, thiếu óc tưởng tượng, cho nên trong đầu óc người ta mới nảy ra niềm tin con người bất tử, niềm tin linh hồn bất tử và tin có thế giới bên kia. Bài chia ra làm bốn phần : 1) Tính cách phổ thông của niềm tin con người bất tử ; 2) Tính cách cần thiết về mặt chủ quan của niềm tin con người bất tử ; 3) Niềm tin có suy nghĩ về tính bất tử ; 4) Niềm tin duy lý và vô tín ngưỡng về tính bất tử.

 

21 – Tính cách phổ thông của niềm tin con người bất tử 

Feuerbach nhìn nhận rằng niềm tin con người bất tử cũng có tính cách phổ thông như niềm tin có Thiên Chúa. Nơi nào, thời nào ta cũng thấy người ta tin rằng những người đã chết đi vẫn còn tồn tại dưới hình thức như cái bóng hay là linh hồn. Niềm tin này, xét về mặt lý thuyết thì không có giá trị là bao nhiêu, nhưng về mặt thực hành thì có nhiều người căn cứ vào đó như là chứng lý vững chãi biện bác cho quan niệm con người bất tử. Feuerbach muốn tìm cho ra cái nội dung cốt yếu của niềm tin đó.

Ngay trong trang đầu ông viết : « Người ta ai cũng tin là có bất tử, thế nghĩa là : người ta không nghĩ rằng chết là hết, vì lý do đơn giản là khi không còn hiện hữu một cách thiết thực, có hình có sắc, thì con người vẫn còn hiện hữu trong phạm vi tinh thần, nghĩa là trong kỷ niệm, trong trái tim của những người còn sống. Đối với những người còn sống thì người chết không trở thành hư vô, không hoàn toàn bị tiêu diệt, mà chỉ thay đổi thể thức hiện hữu, trước thì có hình sắc còn bây giờ thì là tinh thần, trước thì có thân xác vật chất còn bây giờ thì là vật được tượng trưng …  Nhưng con người thiếu học thì lại không biết phân biệt cái chủ quan với cái khách quan, nghĩa là không phân biệt tư tưởng với  khách thể, cái tượng trưng với cái có thực, cái tưởng tượng với cái mình nhìn thấy trực tiếp …  Vì thế, tuy người chết chỉ còn là một vật tượng trưng, nhưng lại cho là có hiện hữu thiết thực : thành ra coi cái phạm vi của kỷ niệm, tượng trưng như là phạm vi hiện hữu thiết thực »[51].   

Cũng nên chú ý là ở đây Feuerbach không còn hiểu « tinh thần » theo kiểu Hegel, nghĩa là không coi nó như là cái tổng hợp được ý tưởng trừu tượng với thực tại cụ thể, mà coi nó như là cái vô hình vô sắc, trái lại với vật chất. Vì thế, đã không phải là vật chất bên ngoài thì tất nhiên chỉ còn là cái kỷ niệm ở bên trong[52], và đó là kỷ niệm của người của người khác, của người còn sống. Cá nhân chết đi thì tự mình không còn là gì nữa. Cho nên cái mà ta gọi là linh hồn bất tử, chẳng qua chỉ là cái hình ảnh của người chết trong kỷ niệm của người còn sống. Chỉ có người thiếu học, ít suy luận mà nhiều tưởng tượng, mới coi nó là có thực. Nói tóm lại : tin có linh hồn là tinh thần bất tử chỉ là tin có ma[53] mà thôi.

Người chết, nếu có còn là một chút gì, thì hoàn toàn là nhờ vào người sống làm cho cả. Feuerbach giải thích : « Người sống dành cho người chết được vinh dự tối cao, là như để bồi thường cho người đã mất mạng sống là cái quí nhất. Như thể là có ý nói với người chết rằng : nếu đối với chính anh, anh không còn là gì nữa, thì đối với tôi anh lại càng là cao quí ; ánh sáng của đời anh đã tắt, nhưng hình ảnh thân yêu của anh lại càng phải chiếu sáng trong ký ức của tôi. Thân xác anh đã chết đi, nhưng cũng vì thế mà thanh danh càng phải được cái vinh dự là bất tử. Anh không còn phải là người nữa, chính vì thế mà đối với tôi anh phải là một vị thần »[54].

Feuerbach nhận thấy ở đây có sự mâu thuẫn làm cho ý thức của người ta thành ra một cái đáng nghi ngờ. Ông viết : « Cái mà các dân tộc tin một cách rất có ý thức thì họ lại phi bác trong thực hành, nghĩa là trong vô thức thì họ không tin như thế. Ý thức là như tấm gương, trông vào đó thì người ta thấy ngược hẳn lại cái thực tại của mình, ngược lại cái mình muốn và có thể làm được »[55]

Nếu mình chắc được rằng người chết vẫn còn tồn tại và được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, thì việc gì mà phải thương tiếc, nếu người chết là bất tử, thì cần gì phải cao tuyên rằng người ấy bất tử ?

Vì thế Feuerbach chủ trương rằng : « Cái mà các dân tộc gọi là niềm tin có cuộc sống trong thế giới bên kia, thì chỉ là niềm tin vào cuộc sống này »[56]. Feuerbach cũng nhận thấy rằng tuy chưa ai từ thế giới bên kia trở về, nhưng hầu hết các tôn giáo lại khéo mô tả, và tả chân một cách rất tỉ mỉ thế giới bên kia, với những nhân vật, những đồ vật, những khoái lạc, những cực hình y như thế giới bên này vậy. Như thế chẳng qua chỉ là lấy những hình ảnh của thế giới bên này để tưởng tượng ra thế giới bên kia.

Ông kết luận : niềm tin có bất tử, có thế giới bên kia, cho dù nó có phổ cập đến mọi nơi mọi đời, thì cũng chỉ là vì trí tưởng tượng của người thiếu văn hóa lấn át được lý trí mà thôi.

 

22 - Tính cách cần thiết về mặt chủ quan của niềm tin con người bất tử  

Vì sao người ta lại bám chặt vào cái niềm tin đầy mâu thuẫn, vô lý, do trí tưởng tượng của những người thiếu văn hoá tạo nên như thế ? Feuerbach cho rằng đó là do bản năng tự tồn.

Thực vậy, con người ta ai cũng muốn duy trì, bảo tồn những cái mình đã có. Người ta không thể ao ước, yêu thích hay tính toán làm cái gì, nếu biết là nó không lâu bền. Nếu ngày mai tất cả đều hết sạch, thì làm gì cho mệt thân ? Ta khó mà chấp nhận rằng những các mà ta yêu ta quí, như tình yêu, như tri thức khoa học, đều phải chấm dứt cả. Khó mà chấp nhận rằng chính tôi cũng chết mất tăm, như thế thật là tàn nhẫn, là vô lý. Cho nên chỉ có một bài thuốc là tưởng tượng ra rằng có bất tử. Và bất tử chỉ có nghĩa là tiếp tục cuộc sống này. Ý kiến ấy chỉ có thể phát xuất ra từ đầu óc những người nhàn rỗi chỉ biết mơ mộng. Còn những ai bận tâm lo việc cho nhân loại thì không có thì giờ để nghĩ đến cái chết và vì thế cũng không cần đến bất tử. Nếu đôi khi có nghĩ đến cái chết thì chỉ nghĩ rằng cuộc sống này thật là quí hóa, và vì thế không nên phí phạm vào những việc không đâu.

Quan niệm như thế cũng một phần nào có lý : bao lâu ta có những công tác trước mắt thì không nghĩ xa xôi. Nhưng chẳng lẽ không có ai suy nghĩ và suy tính xa hơn một chút, và tự hỏi : Rồi sao nữa ? Rồi sắp đặt công việc cho có đầu đuôi xuôi ngược. Chẳng lẽ người ta không ai có dự định xa, mà chỉ biết ăn xổi ở thì, được ngày giờ nào hay ngày giờ ấy, « sống thì nuôi lấy, chết chôn đi » ? Sống trong thời gian, lo việc cho nhân loại, có quá khứ, hiện tại và tương lai, chẳng lẽ không ai không mơ về tương lai, và tự hỏi : Rốt cục thì sống để làm gì ? Có ích gì và rồi đi đến đâu ?

Về thế giới bên kia, xét theo quan điểm thời gian thì, như vừa nói trên, người ta thường hình dung nó ra như thế giới này nối dài ra, cái đã qua đi thì không còn nữa, giai đoạn sau là cái chết của giai đoạn trước, cho nên cái chết đi liền với cái sống, vì cái sống là hữu hạn. Feuerbach cho rằng thế giới bên kia chỉ là cái biểu tượng về tương lai, được người ta coi như là có thực, và khác hẳn cái tương lai thiết thực. Vậy cái gì là tương lai thiết thực của con người ? Thưa rằng đó thời gian bất tận của lịch sử loài người.

Theo quan điểm không gian thì thế giới bên kia chỉ là quãng không gian xa cách ở ngoài tầm mắt hạn hẹp của cá nhân. Cái ở bên kia là cái mình không với tới được, không biết được, vì thế nó thuộc về phạm vi của tưởng tượng, và người ta tưởng tượng ra – ví dụ như trời – là nó đẹp hơn thế giới này.  Người ta cho rằng những người chết đã ra đi rất xa, đi đến một nơi không ai biết, cho nên rất dễ lý tưởng hóa. Thực vậy, những người còn sống, cho dù hoàn hảo mấy thì cũng như ta, cũng tầm thường như ta, cũng có thể va chạm vào ta và cạnh tranh với ta. Còn người chết thì làm hòa với mọi người, không còn có tư lợi nào trái với ta. Ở đây Feuerbach dùng lối chơi chữ mà nói : cái chết đưa con người ra khỏi cộng đoàn (Gemeinschaft) và ra khỏi tính cách tầm thường (Gemeinheit)[57].  Vì được lý tưởng hóa như thế cho nên người chết thành ra đối tượng của tôn giáo : « Con người chết đi, với tư cách là người, là đối vật của cảm giác thông thường vô tín ngưỡng, để sống lại trong tinh thần, trong tình cảm và trong kỷ niệm của người ta, như là một vị thần bảo hộ – thực vậy, người ấy phảng phất chung quanh ta, bảo vệ ta, chỉ bảo và nêu gương cho ta »[58].

Xem lập luận phê bình tôn giáo và tính bất tử, thì ta nhận ra lập trường căn bản của Feuerbach đã khác Hegel nhiều. Thực vậy, Hegel cho rằng tôn giáo và triết lý cùng có một nội dung nhưng tôn giáo thì ở giai đoạn tượng trưng, mà triết lý thì ở giai đoạn lý luận, còn Feuerbach thì không nhận như thế. Ông viết : «  Nền tảng của triết lý là tư tưởng, còn nền tảng của tôn giáo là cảm tình (Gemüth) và tưởng tượng (Phantasie) »[59]. Như vậy là tôn giáo thuộc về phạm vi cảm tình và tưởng tượng, chứ không thuộc về phạm vi hợp lý của những điều chân thực[60].

 

23 - Niềm tin có suy nghĩ về tính bất tử  

Sau khi đã bàn về nguồn gốc tâm lý học của niềm tin có tính bất tử, Feuerbach đề cập đến lịch sử niềm tin đó, từ niềm tin ngây thơ đến niềm tin có suy nghĩ, có cân nhắc.

Riêng niềm tin này thì đại khái căn cứ vào lối suy nghĩ trừu tượng, có tính cách nhị nguyên, phân biệt ra hai phần trong con người : một phần thì sẽ hư nát, một phần thì bất tử. Đó là quan niệm khá thông thường mà triết gia Platôn cũng chủ trương : linh hồn là cái vô thủy, có trước thân xác, cho nên nó cũng vô chung, nghĩa là không bao giờ chấm dứt.

Theo như Feuerbach nghĩ, thì đạo Thiên Chúa không bàn đến phần quá khứ, nghĩa là không chủ trương linh hồn có trước thân xác, mà chỉ nói tới việc sống lại trong tương lai. Tuy có nói đến xác người ta sẽ sống lại, nhưng đạo này vẫn có tính cách duy linh và duy cá nhân, vì cho rằng khi con người sống lại thì thân xác không còn vận chuyển một cách tự nhiên như trước, nhưng như một thứ ma, một thứ tinh thần, không còn có những nhu cầu sinh lý nữa. Vì thế ông nghĩ rằng cần phải bỏ hẳn quan niệm trừu tượng đó và trở lại quan niệm cho rằng cái chết cũng như cái bất tử đều không là gì hết.

 

24 - Niềm tin duy lý và vô tín ngưỡng về tính bất tử 

Theo như Feuerbach thì triết gia duy lý, tuy tin có Thiên Chúa, nhưng lại giải thích vũ trụ mà không cần gì đến Thiên Chúa, trừ khi không giải thích được, ví dụ như khi phải giải thích nguồn gốc của vũ trụ và nguồn gốc các sinh vật.

Đối với triết gia đó, thế giới bên kia không còn những cái bất toàn, bất cập, của thế giới này, và có như thế con người mới có thể tiếp tục tiến bộ đến chỗ tinh thần. Muốn minh chứng là có thế giới bên kia, thì ông ta căn cứ vào quan niệm về vận mệnh của con người. Đại khái như sau : con người có đủ khả năng và sức lực để đạt tới vận mệnh của mình. Muốn phát triển đầy đủ các khả năng của con người, về mặt tri thức, đạo đức và thẩm mỹ, thì phải có nhiều thì giờ, cho nên không thể làm việc đó trong một đời sống nào cả. Vì vậy cần phải có đời sau, để con người có thể phát triển đầy đủ theo như vận mệnh của mình.

Feuerbach không đồng ý với quan niệm đó. Theo ông, con người là vật tự nhiên cho nên không thể có vận mệnh siêu nhiên, siêu nhân. Hơn nữa, con người sống ở đời này bây giờ là sống cho mình, chứ không sống cho đời sau. Cũng như đứa hài nhi ngày nay thì sống cho nó, chứ không sống cho cậu thiếu niên ngày mai ; cậu thiếu niên cũng sống cho mình, chứ không sống cho người đứng tuổi sau này. Cho nên chết là lúc con người hoàn tất vận mệnh của mình. Ông nhắn nhủ rằng : « Chết thì chết cho xứng bậc làm người, chết với ý thức rằng chính lúc chết thì anh hoàn thành vận mệnh và cùng đích của anh »[61].

Lập luận của Feuerbach chống lại quan niệm duy lý đó về vận mệnh con người là một ý kiến căn bản của lập trường nhân bản của ông. Ông viết : « Cái vận mệnh đó chỉ là cái vận mệnh mà trong trạng thái bình thường thoải mái con người tự đặt ra cho mình, căn cứ vào bản tính, vào các khả năng và khuynh hướng của mình. Ai không tự đặt ra vận mệnh cho mình, thì sẽ chẳng có vận mệnh gì cả. Ai không biết mình sẽ đi đâu thì cũng chẳng có vận mệnh nào hết »[62].

Thêm vào đó, Feuerbach còn muốn phê bình cái thiếu sót hay bất cập của quan niệm duy lý nói trên về vận mệnh con người.

Trước hết, khi nói về các khả năng của con người thì chỉ quan niệm đó nói đến tri thức, đạo đức và thẩm mỹ, mà không nói đến những khả năng khác, ví dụ như lao động, nhu cầu cơm áo, vận mệnh của phụ nữ. Thế rồi thay vì nói đến cái vận mệnh, mà con người có thể và phải đạt tới ở đời này, nhưng lại không tới được, thì lại nêu ra cái vận mệnh mà con người không tới được, vì không thể và cũng không phải tới, để rồi tuyên bố rằng cần phải có thế giới bên kia.

Feuerbach lập luận như sau : ở đời này người ta bổ túc lẫn cho nhau về mọi phương diện. Ai nấy chỉ cần làm cái mình có thể làm được trong giới hạn cùa loài người, chứ không cần phải đi quá giới hạn đó. Và nếu bây giờ không đạt tới được cái vận mệnh của mình trong đời này, thì sau này mình hay là nhân loại cũng sẽ tới. Người ta có khả năng tiến bộ, nhưng là tiến bộ về lượng, trong giới hạn của nhân loại, chứ không tiến bộ về phẩm, ra ngoài giới hạn đó, vì như thế thì không còn phải là người nữa. Nói thế khác, có tiến bộ mấy cũng là ở trong giới hạn con người ở thế giới này, chứ không thể đi sang thế giới nào bên kia, không tới thần thánh hay Thiên Chúa nào cả, vì như thế chỉ là tưởng tượng. Chính vì coi cái tưởng tượng ấy là có thực, là đòi hỏi của bản tính của mình, cho nên người ta mới tin là phải có thế giới bên kia.  

 

3 - Cái chết, tính bất tử và ý niệm Thiên Chúa 

Trong sách Những cảm nghĩ …  Feuerbach có ý minh chứng rằng Thiên Chúa cũng chính là cái chết của con người cá nhân. Ông viện ra hai chứng lý : một là vì Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu là khuynh hướng đòi vượt ra ngoài hay là xóa bỏ giới hạn của cá nhân ; hai là vì Thiên Chúa là nền tảng đã tạo ra các vật khác bên ngoài cá nhân.

Ý kiến đó đã được giải thích trong bài Vấn đề tính bất tử ... như sau : “ Cái chết, hay là Thiên Chúa, thì cũng là một, Thiên Chúa chỉ là bản tính của cái chết đã được nhân cách hóa ; vì tất cả các đặc tính của cuộc đời và hiện hữu thiết thực, như thể xác, thời gian, nhu cầu, ước muốn, đam mê, tính bất thường, khuyết điểm, đều tiêu tan đi trong Thiên Chúa, cũng như trong cái chết. Vì thế người ta gọi cái chết là đi về Thiên Chúa, thành ra thần – người thời Thượng cổ cũng gọi như thế ( ... )” [63].

Về tính bất tử, thì ta có thể ngạc nhiên một điều, là : trong Những bài khóa trình về bản chất của tôn giáo (Vorlesungen über das Wesen der Religion, thuyết trình năm 1848-1849), Feuerbach nhắc lại rằng không những vấn đề con người bất tử có liên quan đến vấn đề Thiên Chúa, như Kant đã nêu ra, mà hơn nữa hai vấn đề cũng chỉ là một (Xem : Bài khóa trình II); ông lại chua thêm trong khóa trình XXIX : “Trong biểu tượng, trong lý thuyết, thì tính bất tử là hậu quả của niềm tin Thiên Chúa, nhưng trong thực hành hay trong thực tế, thì niềm tin con người bất tử lại là nền tảng cho niềm tin có Thiên Chúa”[64].  Điều đáng ngạc nhiên là vì bây giờ nói như thế, mà trước kia lại bảo rằng cái chết và Thiên Chúa cũng là một.

Thực ra thì ngay trong phần kết luận của sách Những cảm nghĩ ...  Feuerbach đã chủ trương rằng cái chết, tính bất tử và Thiên Chúa, đều không là gì hết, và ông chỉ muốn nói có một điều là cái thế giới hình sắc này mới là thiết thực mà thôi. Cho nên trong những hàng chữ cuối cùng của Những khóa trình ... Feuerbach tuyên bố gắt gao rằng công tác của ông, đó là: “đổi những người mến Thiên Chúa, thành những kẻ yêu con người, đổi những tín hữu thành những nhà tư tưởng, đổi những người cầu nguyện thành những kẻ làm việc, đổi những người đang sửa soạn vào thế giới bên kia thành những kẻ tìm hiểu thế giới bên này, đổi những tín đồ đạo Thiên Chúa, là những người cho rằng mình một nửa là thú vật một nửa là thiên thần, thành ra những con người, hoàn toàn là con người”[65].

Cũng không khó hiểu gì, vì nếu chỉ có thế giới hình sắc, nếu chỉ có cá nhân hữu định là có thực, thì cái chết, tính bất tử, cũng như Thiên Chúa, đều không là gì cả. Như đã nói trên đây, Feuerbach cho rằng tin có linh hồn bất tử tức là tin có ma. Cũng thế ông viết về khoa Theologie tức là thần học hay là Thiên Chúa học : “Thần học là tin có ma. Khoa thần học thông thường thì thấy ma do trí tưởng tượng trong phạm vi hình sắc, còn khoa thần học suy luận thì thấy ma do óc trừu tượng trong phạm vi vô hình sắc”[66]

Tuy vậy, nếu Thiên Chúa không có thực, thì cái ý niệm “Thiên Chúa” cũng không phải là vô nghĩa. Vì ý niệm đó nói lên cái bản tính của con người và cái bản tính của thiên nhiên. Nó chỉ là một ý niệm, một cái tên dùng để chỉ loại (Gattungsname, Gattungswort), một cái tên chung, đã được nhân cách hóa. Cho nên tin có Thiên Chúa, tin có bất tử, chẳng qua chỉ là tin rằng nhân loại là chân thực, là vô biên, bao trùm được cá nhân hữu hạn vậy[67].

 

4 – Feuerbach và cánh chung luận (Eschatologie) của Hegel 

Các bài vở của Feuerbach về các chết và tính bất tử thì đã được viết vào lúc đầu và lúc cuối quãng thời gian mà vấn đề cánh chung luận, nghĩa là vấn đề cứu cánh cuối cùng của con người, đang được tranh luận sôi nổi trong nhóm đồ đệ của Hegel. Cuốn sách nặc danh Những cảm nghĩ ... (1830) của ông, tuy có tính cách tiên phong và đã làm cho ông mất hẳn con đường tiến thân trong đại học, nhưng cũng không có âm hưởng là bao nhiêu.

Quan niệm Hegel về tính bất tử thì mãi ba năm sau mới được Fr. Richter bắt đầu đem ra tranh luận, với sự tham gia của Ch. H. Weisse, C. Fr. Goeschel, C. Conradi , v.v. Tuy vậy những điều tranh luận của họ kể là không ảnh hưởng gì đến Feuerbach  khi ông này cho xuất bản bài Vấn đề tính bất tử ... (1846)[68].  Đã thế, cũng như Feuerbach đã nhận định, dần dần họ cũng lại hạn hẹp cánh chung luận vào một vấn đề tính bất tử của cá nhân mà thôi[69].

Thực ra Hegel và Feuerbach không còn quan niệm cứu cánh của con người như nhau, vì hai người đã đứng vào hai lập trường triết lý khác nhau.

Một đàng thì Hegel muốn phá quan niệm nhị nguyên, tách rời thế giới bên này với thế giới bên kia, cho nên nhìn cái chết và tính bất tử theo một lối độc đáo. Vẫn biết là ông công nhận rằng quan niệm tính bất tử và ý niệm Thiên Chúa có liên quan với nhau, nhưng ông không có ý nói đến tính bất tử của con người sau khi chết, cũng không cho rằng Thiên Chúa phải tách rời ra khỏi toàn thể thực tại. Albert Chapelle chú giải quan niệm Hegel như sau : “ Theo như suy tư triết học thì phải hiểu tính bất tử của linh hồn như là sự có mặt của Tinh thần khách quan và phổ thông ở trong cái ý thức chủ quan của cá nhân. Theo lý luận biện chứng thì nó cũng chính là cái chết của cá nhân ...  Nếu bảo rằng sau khi cá chân chết đi thì vẫn còn tiếp tục một nếp sống cá nhân, thì tức là chưa nhận ra chân lý về mặt tinh thần của cái bản tính phải chết của con người : như thế nghĩa là chưa nhận ra rằng cái chết chính là chỗ Tinh thần xuất hiện ra như là phủ định thể tuyệt đối ...  Cái chết của tôi cũng chính là tôi ở trong Tinh thần“ [70].

Nên nhớ rằng Hegel không quan niệm Tinh thần là cái ý niệm trừu tượng, nhưng là cái tổng hợp cái ý niệm trừu tượng với cái cá vật cụ thể ; ông nói đến cái chết của đức Ki-tô, vừa là người vừa là Thiên Chúa, nghĩa là cái chết của Thiên Chúa, và vì thế cho nên khi đức Ki-tô chết, thì các yếu tố nhân loại, có hình sắc đều tiêu tan đi, lúc đó mới có điều kiện để Tinh thần xuất hiện một cách toàn diện. Có thế ông mới tương đối hóa được cái chết, cái chết của đức Ki-tô, nhưng Hegel tránh không nói đến cái chết của con người.

Trái lại thì Feuerbach không nói đến Tinh thần, vì ông quan niệm nó là quá trừu tượng, cũng không nói như Hegel về đức Ki-tô, nhưng ông nói đến nhân loại, vì có vẻ thiết thực hơn. Trong quan niệm đó thì bất cứ ai là người có hình sắc, kể cả đức Ki-tô, đều chết mất tăm, chết một cách dứt khoát. Feuerbach lấy lại lập luận của Hegel, cho rằng thân xác có chết đi, thì đó mới là điều kiện để con người trở thành tinh thần. Nhưng có điều là nếu không phải vừa là người vừa là Thiên Chúa, mà chỉ là con người mà thôi, thì làm sao chết rồi lại trở nên tinh thần được ? Chính Feuerbach cũng nhận rằng người chết không còn là gì hết đối với chính mình, mà chỉ còn là đối tượng của kỷ niệm của người còn sống mà thôi.

Rốt cục thì Feuerbach đẽ trở lại quan niệm duy vật của Epikouros.

 

* * * * * * * * *

Mấy nhận xét tổng quát 

Người ta có thể biết được gì ?

Sau khi Hegel (1770-1831) mất thì các đồ đệ đem vấn đề tính bất tử và vấn đề Thiên Chúa ra tranh luận. Đặt hai vấn đề đó, không phải là để biết vậy, trong lúc trà dư tửu hậu, nhưng là để biết xem cái đời sống hạn hẹp này có ý nghĩa gì, có đáng sống hay không. Người đương thời đã quen với quan niệm rằng Thiên Chúa là siêu việt tuyệt đối và con người cá nhân sẽ được bất tử ; nhưng hai niềm thâm tín đó không còn được bảo đảm trong hệ thống triết học của Hegel nữa.

Feuerbach thừa tự được của Hegel quan niệm cho rằng cái có tính cách tổng quát và bao trùm thì chiếm phần ưu tiên. Nhưng cái tổng quát đó là gì, thì ông đã thay đổi lập trường nhiều lần. Khi viết luận văn tiến sĩ (1828) thì ông cho đó là “lý trí duy nhất, phổ thông, vô biên“, sau thì ông cho đó là nhân loại, và sau cùng thì lại cho đó là thiên nhiên, là cái đối nghịch với cái Tinh thần của Hegel.

Đứng vào quan điểm của thực tại toàn diện, thì mạng sống hay cái chết của con người không có quan trọng gì, nhưng đối với cá nhân có ý thức về mình, về vũ trụ, và đang băn khoăn về vận mệnh của mình, thì lại rất quan trọng. Đối với Feuerbach, hễ đã là một hiện hữu cá biệt thì tất nhiên là hữu hạn, về mặt thể xác cũng như tinh thần, và vì thế có chết cũng là lẽ đương nhiên. Cái khuynh hướng yêu thương là một dấu chỉ rõ ràng là con người phải vượt ra bên ngoài cái giới hạn cá nhân để hòa mình với toàn thể nhân loại.

Tuy vậy, theo như Feuerbach thì cá nhân ai cũng có cái bản năng tự tồn, làm cho người ta muốn tồn tại, và nếu không tính lâu dài, sống được ngày nào hay ngày ấy, thì hoạt động của con người thành ra vô nghĩa. Cho nên người ta coi cái chết là một viễn tượng không thể chấp nhận được. Feuerbach giải thích rằng chính vì thế mà người ta vượt ra bên ngoài giới hạn của lý trí và của thế giới này, rồi dùng biểu tượng và tưởng tượng, mà hình dung ra cá nhân được bất tử ở trong thế giới bên kia. Niềm tin đó có phổ thông mấy đi nữa, thế giới bên kia có được mô tả một cách tỉ mỉ phong phú đến đâu đi nữa – như nhiều tôn giáo đã làm – thì cũng chẳng minh chứng được gì cả, vì đó chỉ là những hình ảnh nói lên sự thật của thế giói này mà thôi. Hơn nữa, mô tả như thế chỉ tỏ ra là người ta còn thiếu văn hóa, trí tưởng tượng vẫn còn lông bông bên ngoài lý trí và thực tại.

Trong viễn tượng ấy, cái lâu bền không phải là cái hiện hữu chốc lát của cá nhân, nhưng là thực tại vô biên của nhân loại. Cá nhân cũng biết như thế, nhưng vì  quên rằng chính mình tham gia vào thực thể vô biên của nhân loại, cho nên hình dung ra nhân loại như là một thực tại siêu việt, ở bên ngoài mình. Và cái đó, ông kết luận, chính là ý niệm Thiên Chúa vậy : Thiên Chúa là ý niệm nhân loại được coi như là thực tại biệt lập.

Xét như thế thì Thiên Chúa chỉ là một ý niệm tiêu cực, vì, cũng như nhân loại, Thiên Chúa chỉ là cái xác định giới hạn của cá nhân, là cái phủ nhận cá nhân. Thiên Chúa là cái chết của cá nhân. Và vì thế, như đã trưng dẫn ở đầu bài này, Feuerbach cho rằng “cái mộ chôn con người ta chính là nơi sinh ra các thần linh“. Còn những điểm tích cực của ý niệm Thiên Chúa, thì trong sách Bản chất đạo Thiên Chúa (1841), và trong Những khóa trình về bản chất của tôn giáo (xuất bản năm 1851), Feuerbach coi đó chỉ là những đặc tính của con người và của thiên nhiên mà thôi.

Feuerbach đinh ninh rằng một khi lý trí phát triển, văn hóa lan rộng, thì  những biểu tượng về Thiên Chúa sẽ không còn nữa, và  từ nay người ta sẽ chỉ còn để tâm lo lắng cho nhân loại trong thế giới này mà thôi. Các phong trào nhân bản về sau, tuy có khác nhau, nhưng cũng đều lấy lại ý kiến này.

Nói như Feuerbach rằng cái chết chỉ thành vấn đề đối với cá nhân, thì cũng đúng. Trong cuốn sách Thử bàn về ý nghĩa của cái chết [71], triết gia Jules Vuillemin cũng xác nhận rằng con vật thì không thấy, không ý thức được cái chết, không đặt vấn đề cái chết, vì lẽ nó không có vận mệnh riêng, mà chỉ sống chìm trong giống, hay là trong loại của nó, chứ không sống như là một cá vật biệt lập có ý thức. Con người là cá vật có ý thức, là một nhân vị, cho nên mới thấy cái chết là một vấn đề đối với vận mệnh riêng của mình.

Nếu Feuerbach chủ trương rằng con người đặt vấn đề như thế là không được, là không phải lẽ, thì là vì ông, cũng như Hegel và Marx, không quan tâm đến giá trị của nhân vị cá biệt, mà cho rằng chỉ có cái tổng quát, như : Tinh thần, nhân loại, mới là có giá trị, còn con người cá nhân thì cũng chỉ là một vật sống chìm trong đó, như con vật sống một cách vô danh, đồng nhất với loại với hạng của nó. Feuerbach không giải quyết vấn đề, vì ông cho là không có vấn đề. Ông chỉ xét lý, chỉ đứng vào quan điểm lý trí. Có điều là lý trí chỉ là một khả năng hình thức, nó đem hình thức suy luận lý thuyết, có lý sự, mạch lạc và thứ tư, vào trong các vật liệu cụ thể, do cảm giác, quan niệm, cảm tình, ước vọng, hành động, làm cho những yếu tố đó hợp lý. Nhưng tự nó trống rỗng, nếu không có vật liệu cụ thể. Ông không xét đến ước vọng của con người, vì nó đi ra ngoài thực tại có hình sắc trước mắt, và cho đó là vô lý, là không thiết thực. Nhưng như thế là bỏ mất một thành tố quan trọng của con người. 

Người ra có thể hi vọng gì ?

Đến đây ta có thể đặt ra câu hỏi sau đây : Phải chăng những tư tưởng về Thiên Chúa và về thế giới bên kia bao giờ cũng làm cho người ta lãng quên công việc ở thế giới bên này và không còn nghĩ gì đến việc tranh đấu cho phẩm giá con người ? Nếu quả là như thế thì cứ việc xóa bỏ những tư tưởng đó đi thì phẩm giá con người sẽ được đề cao. 

Nếu trả lời là có như thế, thì cũng không phải là hoàn toàn sai : ta biết có những người nại vào thế giới bên kia, để trốn tránh việc đời, có những chế độ lấy danh nghĩa Thiên Chúa, Thượng đế, mà dùng bạo động đàn áp con người. Nhưng ta cũng thấy có nhiều trường hợp lịch sử trong đó người ta không tin Trời Phật hay Thiên Chúa nào cả, thế mà con người vẫn bị đè nén, không những vì tư lợi hay lợi ích của tập đoàn, thậm chí của vị lãnh tụ cao minh đang cầm quyền ; mà còn nhân danh những ý niệm trừu tượng, những thần tượng, như : nòi giống, dân tộc, giai cấp, nhân loại, xã hội tương lai, v.v.  Như thế đã rõ là chính câu hỏi trên đây cũng cần được điều chỉnh cho xác đáng, vì lẽ có khá nhiều quan niệm khác nhau về Thiên Chúa và về thế giới bên kia, như ta biết và như Hegel đã trình bầy trong Những khóa trình về triết lý của tôn giáo.

Điều chỉnh như thế cũng là đặt thêm một câu hỏi khác : Chắc gì là những quan niệm mà Feuerbach phê bình lại hoàn toàn đúng như quan niệm của người tín hữu về Thiên Chúa và về thế giới bên kia ?

Tuy vậy cũng phải công nhận là Feuerbach có công khá lớn, là đã phê bình triệt để các biểu tượng về thế giới bên kia. Vì hễ đã nói là thế giới bên kia – “bỉ ngạn”, bờ bên kia, theo kiểu nói của nhà Phật – thì tất nhiên phải công nhận là nó ở bên ngoài phạm vi của cảm giác, của những hình ảnh mà ta theo kiểu mẫu thế giới bên này mà tạo ra. Feuerbach đã nhận xét rằng khi nói về thiên đường hay địa ngục, là những thế giới mình chưa bao giờ kinh nghiệm được, thì có nhiều tôn giáo thường lấy những hình ảnh ở thế giới này để mô tả, để tô vẽ, cho nó có vẻ đáng yêu hay đáng gớm.

Nếu thế giới hình sắc của chúng ta là hữu hạn, thì ta đoán được là bên kia giới hạn của nó, có thể có cái gì khác, nhưng ta chưa chắc là có, tuy vậy đôi khi ta có lý do để dám chắc là có, dám tin là có. Ví dụ về thời gian : xét cho cùng thì chỉ có thực tại hiện hữu là có thực bây giờ, dĩ vãng thì đã có rồi, và tương lai thì chưa có cho nên bây giờ thì nó không có thực. Nhưng ta biết là không thể coi nó là hoàn toàn hư vô. Vì rằng thời gian có bề dầy của nó : dĩ vãng bây giờ vẫn còn nằm trong ký ức của ta, làm cho ta có thể “ rút kinh nghiệm“ để hành động bây giờ cho hữu hiệu ; còn tương lai, tuy nó chưa có thực, nhưng bây giờ nó đã có trong đầu óc ta với tư cách là “dự định“, vì nhờ có nó mà ta lên khuôn sẵn cho hành động. Nếu người ta chỉ bám vào cái có sẵn chốc lát trước mắt, không sống theo bề dầy của thời gian, không dám có hi vọng gì hết, thì sẽ không bao giờ có dự định gì cho mình hay cho xã hội cả. 

Tuy Feuerbach không đem lại hi vọng gì, nhưng từ nay trở đi, khi nói về hi vọng thế giới bên kia, người ta không thể bỏ qua những điều ông đã phê bình.

Ví dụ : trong giáo hội Tin lành, có một số nhà thần học cũng làm theo Feuerbach, nghĩa là không chủ trương quan niệm nhị nguyên (tách rời linh hồn với thể xác, rồi cho là sau khi chết thì linh hồn bất tử vẫn tồn tại), và cho rằng chết là hết con người. Ta đọc trong sách Già đi và chết  của Roger Mehl về đạo Thiên Chúa : “ Có lẽ đây là trường hợp duy nhất : có một tôn giáo không ngần ngại trình bầy cái chết như là sự hủy diệt hoàn toàn của con người, của linh hồn trong âm phủ, một tôn giáo không ngần ngại cao tuyên trong lễ nghi trọng đại nhất là lễ Đại tạ (Eucharistie) : “Chúng tôi loan báo là Chúa đã chết ...” . Cái thuyết dậy về sự sống lại thì hoàn toàn không có liên quan gì với thuyết dậy rằng con người vẫn tiếp tục sống sót (survie), hay là với thuyết dậy rằng linh hồn bất tử ...  Vị Thiên Chúa làm cho người chết sống lại, thì không tìm ra được trong người đó sẵn có cái gì để khởi đầu một cuộc sống mới. Chính vì người đó đã hoàn toàn chết, cho nên phải được Thiên Chúa tái tạo lại. Và con người được sống lại thì phải được một nếp sống mới, khác hẳn cái đời sống tự nhiên trước đây đã kết liễu bằng cái chết“ [72] .

Về phía giáo hội Công giáo thì trong bài Nếp sống của những người đã chết , nhà thần học Karl Rahner có nhắc tới Feuerbach, và giải thích rằng cái đời sống này không thể tiếp tục sau khi chết, và chết là chết cả con người. Cái mà ta tạm dùng từ ngữ về thời gian mà gọi là “vĩnh cửu“ (Ewigkeit, éternité), thì nó không phải là cái tiếp tục sau lúc sinh thời, nhưng là cái vượt quá thời gian và không gian của những vật do liên hệ nhân quả định hình, vì nó như là cách thức mà tinh thần và tự do nảy nở và thực hiện ngay trong lòng thời gian [73] .

Như thế cũng đủ thấy là những lời phê bình của Feuerbach đã được coi là nghiêm trọng. Cho nên có ai nói về bất tử hay về thế giới bên kia, thì từ nay phải nói khác đi, chứ không thể lại đưa ra những hình ảnh mà Feuerbach đã phi bác. Tuy vậy cũng nên hiểu rằng các hình ảnh đó về những cái ở ngoài tầm cảm giác và quan niệm của ta, thì không phải là mô tả đích xác, nhưng chưa hẳn là vô lý, vì lý do của nó chỉ là nói lên cái ý nghĩa, cái phương hướng của hi vọng của con người đang sống. Hi vọng bao giờ cũng là dám hi vọng, vì mình có lý do riêng của mình. 

Vấn đề còn phải bỏ dở.

Nói tổng quát thì tuy có tuyên bố là mình bỏ quan niệm Tinh thần trừu tượng của Hegel, để trở về con người cụ thể, nhưng Feuerbach đã làm cho con người què cụt đi khá nhiều. Thực vậy, cái nhân loại của ông đã mất đi những liên quan xã hội, kinh tế, chính trị và lịch sử – mà Hegel và Marx đề cao – để hạn hẹp vào liên quan sinh lý tự nhiên. Đã thế, cá nhân cũng què cụt đi, vì như đã nói trên đây, Feuerbach đánh giá rất thấp trí tưởng tượng và ước vọng là hai thành phần của con người. Làm như thế thì thật khó mà tránh được những vấn đề nan giải.     

Trong phần cuối chương I của sách Bản chất đạo Thiên Chúa (1841), Feuerbach ghi nhận : “Con người không bao giờ có thể vượt ra ngoài bản tính (Wesen) đích thực của mình. Nhờ vào trí tưởng tượng, con người có thề hình dung ra những đơn vị của một loại khác, mà mình cho là cao quí hơn mình. Nhưng không bao giờ có thể thoát ra khỏi cái loại hay cái bản tính của mình. Những đặc tính (Wesensbestimmungen) mà mình gán cho những đơn vị loại khác, thì bao giờ cũng chỉ là những đặc tính lấy ra từ bản tính của chính mình“ [74]. Có điều là cái bản tính con người, thì đã khó mà biết đích xác nó là gì ? Còn cái khả năng của con người đi tới đâu lại càng khó biết hơn nữa. Thế nhưng bản tính con người đã bị Feuerbach thu hẹp lại nhiều, không cho ước vọng cái gì ngoài cái bản tính, nghĩa là chỉ ước vọng những cái ... đã có sẵn rồi.

Đành rằng người ta căn cứ vào ước muốn và tưởng tượng mà dự định. Dự định là dám dự định. Dám làm như thế, có thể đó là việc hão huyền, nhưng chắc gì là bao giờ cũng hão huyền ? Vì lẽ rằng ai có thể biết chắc là ngoài giới hạn của mình thì không có gì hết ? Dù sao cũng nhờ có tưởng tượng và ước muốn mà người ta mạo hiểm tìm ra những cái trước đây không thấy có.

Đây không phải là chỗ trình bầy có thế giới bên kia, có Thiên Chúa hay không. Như đã nói trên đây, nếu có ai nói về thế giới bên kia thì chắc là không thể quan niệm nó như là thời gian và không gian của ta bây giờ. Còn về vị Thiên Chúa, thì cũng chắc một điều là không thể quan niệm vị ấy như một nhân vật trong thế giới chúng ta, hay theo kiểu Feuerbach, như là cái ý niệm nhân loại hay là cái ý niệm thiên nhiên đã được nhân cách hóa. Nếu nói là không có Thiên Chúa, thì tất nhiên cũng phải nói mình hiểu vị đó là như thế nào đã [75]. Thiết tưởng đó là vấn đề còn phải bỏ dở.  

Vì sao vấn đề còn bỏ dở ?

Lý do chính là Immanuel Kant đã phê bình lý trí và đi tới kết luận là lý trí lý thuyết thuần túy thì chỉ dùng được trong tri thức khách quan về sự vật bên ngoài, đo lường được và hoàn toàn theo luật nhân quả tất định. Tri thức này đòi phải đối lại với chủ thể (phải có ai biết ?, thì mới có thể nói là biết gì ?) [76].  Còn những vấn đề như ; tự do, bất tử, tha nhân,Thiên Chúa, thì không thuộc về phạm vi đó, nhưng thuộc về phạm vi lý trí thực hành.

Nếu đứng vào lập trường lý trí lý thuyết thì rất dễ đi tới chủ nghĩa duy tâm hay là duy chủ, do triết gia Pháp Descartes (1596-1950) xướng xuất. Thực vậy, phải có chủ là tôi tư tưởng, tôi cảm giác, thì mới nói được là có sự vật ; sự vật có thể thay đổi hay biến mất, nhưng tôi vẫn còn đó như điều kiện để chúng xuất hiện. Triết gia người Anh, Berkeley (1685-1753) cho rằng cái gì có thì nó được cảm giác thấy (tiếng la-tinh : esse est percipi). Nói thế khác, chỉ có cái tôi là chắc chắn có, còn các đối tượng bên ngoài, kể cả thân xác của tôi là cái tôi trông thấy, đều không chắc. Do đó thì vạn sự tại tâm, và như thế rõ ràng là duy tâm. Cứ theo cái đà ấy mà đi thêm một bước lý thuyết nữa, thì lại có một số nhà tư tưởng cho rằng tất cả cái thế giới này chỉ là ảo ảnh do cái tâm của ta sinh ra mà thôi. Thêm một bước cuối cùng thì có người chủ trương rằng chính cái tôi, cái bản ngã, cũng không có nốt, vì các thành phần của nó đều là những đối tượng mà ta nói đến cả !

Đó là lý thuyết lúc trà dư tửu hậu. Descartes cũng như bao nhiên nhà duy tâm khác, tuy chỉ chắc là có mình mình, hay là mình cũng chẳng có nốt, nhưng trong đời sống thường nhật thì cũng biết né tránh đồ vật chung quanh, và cũng vẫn tiếp xúc và đối thoại, giảng giải cho người khác, v.v. Chính Feuerbach cũng có lần chấp nhận rằng cái có tính cách khách quan (objectivité) nhất, lại chính là chủ thể khác, là người khác, vì người khác có khả năng không đồng ý và phá ngang (ob-jet, Gegen-stand) cưỡng lại quan niệm và hành động của ta [77]. Tiếc rằng ông không đào sâu vấn đề, để nhận định rằng ta không biết hết và không làm chủ được tất cả thực tại. 

Cho nên đã rõ là còn có những vấn đề mà lý thuyết không giải quyết được, và cần phải đặt lại trong thực hành, chú trọng vào con người toàn diện vậy. 

Suy luận của Feuerbach đã đưa tới đâu ?

Đối với Feuerbach, và sau đó đối với Marx, thì vấn đề đã giải quyết xong một cách dứt khoát. Con người được giải phóng, thoát khỏi tay thần linh và Thiên Chúa, nhưng để rồi hoàn toàn ở trong quyền lực của nhân loại, hay của nhà nước. Cá nhân không có vận mệnh nào khác. Đến đây ta sực nhớ đến câu nhận xét của một triết gia người Nga là N. Berdiaev (1874-1948), theo đạo Thiên Chúa thuộc tông phái Chính thống, mà rất am tường cộng sản Liên Xô: “Nếu không có Thiên Chúa, ông viết, thì con người hoàn toàn tùy thuộc vào thiên nhiên và vào xã hội, vào vũ trụ và vào nhà nước“ [78], nghĩa là vừa tùy thuộc vào những định luật nhân quả tất yếu trong thiên nhiên, vừa tùy thuộc vào áp lực tự tiện của những người nắm chính quyền.

Căn cứ vào thực tế lịch sử của chế độ cộng sản xô viết mà nói như thế thì đúng, nhưng không phải vì thế mà không có nền tảng lý thuyết. Vì chính tay Feuerbach đã viết : “Nhà nước là tổng cộng tất cả thực tại. Nhà nước đứng ra quan phòng cho con người. Trong khuôn khổ của nhà nước, thì người ta đại diện cho nhau và bổ túc cho nhau – cái mà tôi không thể làm và không biết, thì có người khác có thể làm. Tôi không hiện hữu cho mình tôi ; các người khác hiện hữu cho tôi, tôi ở trong vòng tay của một thực tại phổ quát, tôi là thành phần của một toàn thể.  Nhà nước đích thực là con người không có giới hạn, con người vô biên, chân thực, hoàn hảo, thần thiêng. Nhà nước, và chỉ có nhà nước, mới là con người, con người tự quyết, con người tự qui, con người tuyệt đối [79]

Marx cũng viết hùa theo quan niệm là từ nay Thiên Chúa hay thần linh của con người cũng lại chính là con người, và ông chủ trương đưa quan niệm đó ra thực hành trong chính trị. Vấn đề oái oăm rất khó xử là không biết ai sẽ là thần linh đối với ai, vì địa vị của cái ai  trước và cái ai sau thì khác nhau một trời một vực !

Sau khi Thiên Chúa bị đồng hóa với nhân loại và chết đi biệt tích (la mort de Dieu, thì đến lượt con người cũng bị đồng hóa và đắm chìm mất tăm (la mort de l’homme) trong thế giới đồ vật, như Michel Foucault đã nhận định trong Les mots et les choses (1966). Thực vậy, không biết là vô tình hay hữu ý, nhưng có một số học giả trong ngành khoa học cũng như triết học, đang có cái chủ trương nước đôi rất khó hiểu : một đàng thì các vị đó nói truyện nhân bản, nhân nghĩa, nhân phẩm, nhân quyền, có vẻ rất thích thời, nhưng đàng khác thì lại hạ thấp con người, với lý luận rằng con người, tiếng là “linh ư vạn vật“, nhưng cũng chỉ là một động vật, một mớ cơ quan, một mớ tế bào, nguyên tử, điện tử, nghĩa là một mớ vật liệu có thể mua chẵn bán lẻ, đổi chác, như các động vật hay các đồ vật khác [80].

Sau cùng vấn đề còn phải bỏ dở nữa là vì sau câu nhận xét trên đây, Berdiaev lại viết : “Nếu có Thiên Chúa, thì về mặt tinh thần, con người là tự lập, và liên quan với Thiên Chúa là liên quan tự do, chứ không phải là liên quan tùy thuộc“. Đủ biết đây không phải là thứ Thiên Chúa như Feuerbach quan niệm. Nhưng đây lại là một vấn đề khác. 

Vận mệnh hay định mệnh

Vấn đề khác đó lại bao trùm nhiều câu hỏi mâu thuẫn với nhau về vận mệnh con người. Ví dụ : con người ta có vận mệnh gì để mình tự do định đoạt, hay là chỉ có định mệnh, do thiên nhiên hay xã hội bên ngoài định hình, hoàn toàn theo luật nhân quả ? Rồi nếu có vận mệnh, thì con người đạt thân là do tự lực hay là nhờ tha lực ? Nếu tự lực quả thực là có hạn, thì biết làm sao ? Còn tha lực thì có gì là chắc chắn và đáng tin cậy ? Lại nữa, nếu giả sử rằng không có ai cả, chẳng có người mà cũng chẳng có ta, thì không còn vấn đề gì hết, có nói cũng là không. Nhưng đã chắc gì là như thế ?

Cho nên đến đây thì ai nấy tùy tiện nhận định xem cuộc sống này có ý nghĩa gì, có hướng đi gì không. Xin đan cử ra đây hai ví dụ về suy tư căn cứ vào tri thức khoa học.

Ví dụ thứ nhất : trong cuốn sách Ngẫu nhiên và tất định. Bàn về lập trường triết học về thiên nhiên của khoa sinh vật học thời mới, nhà sinh vật học đã được giải thưởng Nobel, là Jacques Monod (1910-1976), đã đưa ra kết luận sau đây : “Rốt cục thì con người biết được rằng trong cái vũ trụ bao la và vô tình thì mình nảy sinh ra một cách ngẫu nhiên. Định mệnh cũng như nhiệm vụ của mình đều không có ghi sẵn ở đâu cả. Tới được nơi cực lạc hay là sa vào chốn tối tăm, thì đều là do mình lựa chọn cả“ [81].

Ví dụ thứ hai : trong cuốn sách Hiện tượng con người, trình bầy con đường tiến triển từ những yếu tố nhỏ hơn nguyên tử cho đến con người có ý thức tự qui, đã kiến tạo nên văn hóa và xã hội, thì nhà cổ vật học Pierre Teilhard de Chardin (1881-1954) đặt vấn đề vận mệnh con người như sau. Ông viết : “Một đàng, nếu chúng ta có những đòi hỏi về tương lai, mà lại bế tắc về phía Thiên nhiên, thì Tư tưởng là kết quả của hàng triệu năm cố gắng cũng phải chết nghẹt ngay khi phát sinh trong cái vũ trụ vô lý, như cái thai sẩy. Đàng khác, nếu có lối thoát – nếu có cái linh hồn siêu đẳng ở bên trên linh hồn chúng ta, thì phải có điều kiện hẳn hoi ta mới có thể chấp thuận dấn thân vào đó : lối thoát đó phải mở rộng nhãn giới vô biên của tâm linh, trong một cái Vũ trụ mà ta có thể tín cẩn được. ( ... ). Cả hai đàng thì không có đàng nào hiển nhiên cả. Nhưng có những điều hữu lý như lời mời gọi ta dám tín cẩn chọn con đường mình đi. ( … ). Thực ra, Vũ trụ là một công trình quá ư quan trọng. Chính vì ngay từ khởi thủy, vũ trụ đã vận dụng một cách lạ lùng quá nhiều yếu tố rất mong manh, để sinh ra ta, cho nên nếu ta có dấn thân theo cái đà ấy mà đi xa hơn, đi đến cùng, thì cũng không sợ mất mát gì. Nếu vũ trụ đã khởi công như thế thì hẳn là nó có thể cứ theo đường lối chắc chắn đã đi mà hoàn tất công trình. ( ... ). Để hoạt động thì ta có hai điểm tựa chắc chắn : một là trong tương lai, thì dưới hình thức này hay hình thức khác, hay ít ra là dưới hình thức tập thể, chúng ta không những sẽ sống sót tại (survivance), mà còn sống vượt bực (survie) nữa. Và hai là : để hình dung ra, tìm cho ra hay là đạt tới cái hình thức hiện hữu vượt bực đó, thì ta chỉ cần tư tưởng và cứ tiến đi theo như phương hướng của những con đường hợp lý nhất mà vũ trụ đã đi theo trong quá trình biến hóa“ [82].

Đó là niềm tin. Mà tin, thì không phải là vì không biết gì, nhưng là dám tin, dám có hi vọng để đi xa hơn cái tri thức hữu hạn và vô vọng của mình. Vấn đề là : ai dám tin ? ai đáng tin ?

Lambersart, 01/01/2008.

 

[1]  Thiên khảo luận này đã viết bằng Pháp văn « La mort et  le problème de Dieu dans la pensée de Ludwig Feuerbach» và in trong tạp chí Revue philosophique de Louvain (Bỉ), t. 73 (1975), tr. 304-361. Nay tu bổ thêm và viết lại bằng tiếng Việt.

Xin chú ý : khi trưng dẫn tác phẩm của Feuerbach, thì tôi dùng các lối viết tắt sau đây : 1) SW = Sämtliche Werke (Tác phẩm toàn tập, do chính Feuerbach cho in thành 10 tập, do NXB Otto Wigand, tại Leipzig, 1846-1866).  2) SW(B)= cũng là tác phẩm toàn tập (10 tập), nhưng do W. Bolin và F. Jodl cho in lại năm 1903-1911, và in lại lần thứ hai năm 1959-1960, tại NXB Frommann, tại Bad Cannstadt, gần Stuttgart. Tiếp theo đó thì năm 1962 Hans Martin Sass cho in thêm phần phụ lục là 3 tập nữa : như thế bộ SW(B) gồm tất cả là 13 tập.  3) GW = Gesammelte Werke  (Tác phẩm sưu tầm, được ấn hành tại Berlin (Đông-Đức, từ năm 1967 trở đi, do Werner Schuffenhauer đảm nhiệm, và đã trù tính   tất cả là 16 tập).

[2]  Luận văn này viết bằng tiếng La-tinh « De ratione una universali infinita », 1828 (Luận về lý trí duy nhất, phổ thông, vô biên).

[3]  Gedanken  über  Tod und Sterblichkeit, aus dem Papieren eines Denkers, nebst Anhang theologisch-satyrischer Xenien, 1830, (Cảm nghĩ về cái chết và tính bất tử, trích ra từ giấy tờ của một nhà tư tưởng, có kèm theo một ít câu suy nghĩ vừa có tính cách thần học, vừa có tính cách châm biếm).

[4]  Thực ra thì Hegel chủ trương rằng Tinh thần tuyệt đối được phát triển theo ba giai đoạn, là nghệ thuật, tôn giáo triết lý. Nhưng Feuerbach thì đã bỏ mất giai đoạn nghệ thuật.

[5]  Một cuốn, in năm 1833, về thời gian từ Francis Bacon (1561-1626) là triết gia người Anh, cho đến Baruch Spinoza (1632-1677) là triết gia người Hòa-lan ; cuốn thứ 2 (1837) về triết gia người Đức là Georg Wilhelm Leibniz (1646-1716) ; cuốn thứ 3 (1838) về nhà tư tưởng người Pháp là Pierre Bayle (1647-1706). Ba cuốn đó nằm trong bộ SW, tập III-V, hay là trong bộ GW, tập 2-4.

[6]  Grundsätze der Philosophie der Zukunft (1843), SW, t. II, tr. 343.

[7]  Xem : Gotthold Müller, « Die Welt als ‘Sohn Gottes’ – Grundstrukturen der Christologie des deutschen Idealismus », Neue Zeitschrift  für Systematische Theologie und Religionsphilosophie, 1968/1, tr. 94-95.

[8]  Das Wesen der Religion, SW, t. I,  tr. 410.

[9]  SW, t. VIII ; SW(B), t. VIII ; GW, t. 6.

[10]  SW(B), t. XI, tr. 69-323.

[11]  SW, t. III, tr. 149-259.

[12]  SW, t. VIII, tr. 17-18.

[13]  Xem : Trần Văn Toàn, « Marx et le problème de la mort », trong : tập kỷ yếu UNIVERSITAS, Numéro du Centenaire des Facultés Catholiques de Lille, tạp chí Mélanges de Science Religieuse (Lille), t. 34 (1977), tr. 187-196.

[14]  SW(B), t. XI, tr. 58, chú giải số 33.

[15]  SW(B), t. XI, tr. 45 : «  (…) quod vita sive sensus, qui non nisi, quod revera sit, (positivum) perciperet, non sui ipsius negationem, neque qisquam igitur mortem suam sentire. Cũng nên nhắc lại lập luận của triết  gia Epikouros như sau : bao lâu ta còn sống thì không có cái chết, và khi có cái chết thì không còn ta nữa, cho nên không có gì phải sợ cả, cũng không có ai sợ  nữa.

[16]  SW(B), t. XI, tr. 83. Trong cuốn sách nghiên cứu rất tỉ mỉ quan niệm của các nhà tư tưởng thời Khai-minh (Aufklärung / Lumières, thế kỷ XVIII), về giai đoạn cuối cùng của thế giới này (tận thế hay là thế mạt), thì tác giả Peter Cornehl cũng nhận định như Feuerbach trên đây rằng cá nhân là bất tử (Die Zukunft der Versöhnung - Eschatologie und Emanzipation in der Aufklärung, bei Hegel und in der hegelschen Schule, Göttingen,Vandenhoek-Ruprecht, 1971, tr. 29.

[17]  SW(B), t. XI, tr. 209-210.

[18]  SW(B), t. XI, tr. 210.

[19]  SW(B), t. XI, tr. 212.

[20]  SW(B), t. XI, tr. 213-214.

[21]  Hegel, Vorlesungen über die Philosophie der Religion (Những khóa trình về Triết lý về Tôn giáo), trong bộ Werke (Tác phẩm), Frankfurt/Main, Suhrkamp, 1969, tập 17, tr. 233.

[22]  SW(B), t. XI, tr. 21.

[23]  SW, t. VII, tr. 107. – GW, t. 5, tr. 135.

[24]  SW(B), t. XI, tr. 93.

[25]  SW(B), t. XI, tr. 94.

[26]  Khi dùng từ ngữ « tinh thần », thì Hegel không có ý nói theo kiểu thông thường rằng đó là cái gì đối nghịch với « vật chất », nhưng là cái tổng hợp được « chủ thể » và « khách thể ».

[27]  SW(B), t. XI, tr. 104.  « Hiện hữu vị kỷ » ở đây phải hiểu là « chủ thể », là cái « hiện hữu có ý thức », ý thức được khách thể.

[28]  SW(B), t. XI, tr. 105.

[29]  SW(B), t. XI, tr. 106-107.

[30]  Từ ngữ Hi-lạp « physis » có nghĩa là « thiên nhiên », nhưng người Âu châu ngày nay lại dùng trệch nghĩa đi. Ví dụ : khi Aristoteles gọi môn học về thiên nhiên là « physikê », thì người Âu châu ngày nay lại dùng chữ « Physik » hay « physique » để gọi môn « vật lý học » ! Ví dụ khác : khi Feuerbach dùng đúng từ nguyên chữ « Physiologie »  để chỉ môn « thiên nhiên học », thì ngày nay họ lại dùng để chỉ môn « sinh lý học » !

[31]  SW(B), t. XI, tr. 133.

[32]  SW(B), t. XI, tr. 134-135 và 170.

[33]  Cũng như ghi chú số 32.

[34]  SW(B), t. XI, tr. 165-166.

[35]  SW (B), t. XI, tr. 162-163.

[36]  SW(B), t. XI, tr. 143.

[37]  Xem : Trần Văn Toàn, « Notes sur le concept de Gattungswesen dans la pensée de Karl Marx », Revue Philosophique de Louvain, t. 69 (1971), tr. 525-536.

[38]  « Mari ac femina genus constituitur et continetur » trong : SW(B), t. XI, tr. 53, cước chú số 11.  Cũng xem : Bản chất đạo Thiên Chúa, SW, t. VII, tr. 217-218.

[39]  SW(B), t. XI, tr. 168.

[40]  SW(B), t. XI, tr. 179-180.

[41]  SW(B), t. XI, tr. 123.

[42]  SW(B), t. XI, tr. 195.

[43]  SW(B), t. XI, tr. 197-198.

[44]  SW(B), t. XI, tr. 202-203.

[45]  SW(B), t. XI, tr. 203.

[46]  SW(B), t. XI, tr. 313.

[47] Ông này chủ trương rằng bao lâu ta còn sống, thì chưa có cái chết, và khi có cái chết thì không còn ta nữa, vì thế cho nên không việc gì mà phải sợ chết.

[48]  SW(B), t. XI, tr 313-314.

[49]  SW, t. III, tr. 82 (trưng dẫn theo như bản văn vắn).

[50]  SW, t. X, (bản in lần thứ hai năm 1890), tr. 203.

[51]  SW, t. III, tr. 261-262.

[52]  « Kỷ niệm » thì tiếng Đức là « Erinnerung », do gốc là « in », « inner », nghĩa là « ở bên trong ».

[53]  Tiếng Đức « Geist », cũng như tiếng Anh « Ghost », vừa có nghĩa là « tinh thần » (tiếng Pháp là « esprit »), vừa có nghĩa là « ma ».

[54]  SW, t. III, tr. 271.-  Cũng nên chú ý là trong quan niệm cũ ở bên ta, thì con người ta có « hồn » và có « phách », và khi chết đi thì phần trên thành « thần », phần dưới thành « quỉ », cho nên bài vị cũng gọi là « thần vị ».

[55]  SW, t. III, tr. 272.

[56]  SW, t. III, tr. 276.

[57]  SW, t. III, tr. 298.

[58]  SW, t. III, tr. 299.

[59]  Über Philosophie und Christentum (1838), SW, t. I, tr. 49.

[60]  Kritik der christlichen oder positiven Philosophie (1839), SW, t. I, tr.138.

[61]  SW, t. III, tr. 335.

[62]  Cũng trang sách vừa trưng dẫn.

[63]  SW, t. III, tr. 318.

[64]  SW, t. VIII, tr. 346.

[65]  SW, t. VIII, tr. 370.

[66]  Luận đề  tạm thời để cải cách triết học (1842), luận đề 19, SW, t.II, tr. 249 ; GW, t. 9, tr. 247.

[67]  SW, t. VIII, tr. 122+153+155. - Cũng xem : Der Gottesbegriff als Gattungswesen des Menschen, SW(B), t. VII, tr. 259-265.

[68]  Xem : H.M. Sass, Untersuchungen sur Religionsphilosophie in der Hegelschule 1830-1850, Münster, 1963.

[69]  Xem : Peter Cornehl, Sđd ở cước chú số 16, tr. 29.

[70]  Albert Chapelle,  Hegel et la religion, tập II-C : La dialectique / La Théologie et l’Eglise, Paris, 1971, tr. 21.

[71]  Essai sur la signification de la mort, Paris, 1948, tr. 11.

[72]  Roger Mehl, Le vieillissement et la mort, Paris, 1962, tr.74-75.

[73]  Karl Rahner, « Das Leben der Toten », trong : Schriften zur Theologie, t. IV, Einsiedeln-Zürich-Köln, 1960, tr. 429-430.

[74]  SW, t. VII, tr. 17.

[75]  Xem : Trần Văn Toàn, « Vô thần và tôn giáo », Triết Đạo (Journal of Vietnamese Philosophy and Religion, Vienna, VA, USA), số 8, năm 4, Thu 2004, tr. 111-127

[76]  Ta thường nghĩ tri thức khách quan (objectivité) là biết đích xác sự vật là thế nào, chứ không như hình ảnh chủ quan của cảm giác hay quan niệm riêng ta ; nhưng nếu ta không có cảm giác hay quan niệm, thì không biết được gì hết ; và rút cục thì trong thực hành, cái khách quan chính là cái mà các chủ thể đều đồng tình chấp nhận. Vì lẽ rằng ta là chủ ở bên trong, nhưng ta chấp nhận quan điểm của người khách bên ngoài ta. Chữ « khách quan » của chúng ta có ý nghĩa hay hơn là chữ « objectivité » (Pháp) hay « Gegenständlichkeit » (Đức), vì hai chữ này làm cho ta nghĩ đến đồ vật hay đối tượng (Objet hay Gegenstand). (Xem : Trần Văn Toàn, « Mấy nguyên tắc về khoa học con người », Tạp chí Nghiên cứu con Người (Hà Nội), 1 (10) 2004, tr. 59-71.

[77]  Grundsätze der Philosophie der Zukunft (Những nguyên lý của triết lý tương lai), 1843, GW, t. 9, tr.316.

[78]  N. Berdiaev, Essai d’Autobiographie Spirituelle, Paris, Buchet-Chastel, 1958, tr. 222.

[79]  Nothwendigkeit einer Reform der Philosophie (Cần phải cải cách cho triết học), 1842, GW, t. 9, tr. 134.

[80]  Xem : Jean-Claude Guillebaud, Le principe d’humanité, Paris, Seuil, Coll. Points, n° 1027, 2001.

[81] Le hasard et la nécessité. Essai sur la philosophie naturelle de la biologie moderne (1964), Paris, 1970, Seuil, Points n° 43, tr. 224-225.

[82]  Le phénomène humain, trong bộ ŒUVRES ( tác phẩm),t. I, Paris, 1955, Seuil, tr. 258-259.

Tác giả: Gs. Trần Văn Toàn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!