Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Toàn
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Toàn
Minh triết dân gian Việt Nam theo cái nhìn của cố Cả (Léopold Cadière)
Giáo lý về Đức Bà Maria (Trình bày đại ý cuốn sách khảo luận của Dominique Cerbelaud)
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? 2 – Nội dung của tôn giáo: Tin gì ? và dậy gì ?
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? bài 1: Tin hay là biết ?
Tôn giáo và chính-trị
Đó là lời Chúa [1]
Tình yêu có liên quan gì đến Thiên Chúa ? Câu trả lời của Feuerbach [1]
Liên quan giữa Cái chết và vấn đề Thiên Chúa theo quan niệm của Feuerbach[1]
Ludwig Feuerbach và quan-niệm vô-thần lối mới
Vấn-đề tôn-sùng Đức Bà Maria
Ý niệm « sống lại » trong tư tưởng thánh Ambrôsiô
Ý niệm « sống lại » của các vị giáo-phụ đạo Chúa Giêsu trong bốn thế kỷ đầu kỷ nguyên
Ý niệm « sống lại » trong Thánh-Kinh Cựu Ước và trong tư tưởng Do-thái vào thời đầu Tây lịch kỷ nguyên.
Đọc cuốn sách : Faire bouger l’Eglise catholique của cha Joseph MOINGT (dòng Tên)
Đối thoại giữa các tôn giáo và hòa bình trên thế giới
Nhân đọc bài : Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính » Của ĐC Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN
Giới thiệu cuốn sách viết tay: Tam giáo chư vọng (1752) Ạ
Karl Marx phê-bình tôn-giáo
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo.
Mấy nguyên tắc về khoa học con người
Từ môn psychologie đến khoa tâm-lý-học / Những chặng đường nghiên cứu con người
Bàn về thuyết ‘’tam phụ’’ trong đạo Thiên Chúa - Một bước đi vào văn hóa Việt Nam
Thần học sau Công-đồng Vaticano II (1963-1965)
Văn hóa và Tôn giáo
Ý NIỆM « SỐNG LẠI » CỦA CÁC VỊ GIÁO-PHỤ ĐẠO CHÚA GIÊSU TRONG BỐN THẾ KỶ ĐẦU KỶ NGUYÊN

 

Trần văn Toàn 

0 - Đi vào vấn đề

Khi nói về quan niệm « sống lại » của các vị giáo-phụ đạo Chúa Giê-su, ta không thể không nói đến nội dung của đạo ấy và thân thế của vị giáo tổ. Nhưng vấn đề thật là quá mênh mông đối với phạm vi nhỏ hẹp của bài này. Vì thế, để đi vào vấn đề, ta chỉ nói đại ý như sau : quan niệm « sống lại » thì một phần là nối tiếp kinh nghiệm lịch sử cùng với tất cả những ước vọng trong đạo Do-thái, một phần khác thì là khởi điểm cho một niềm tin mới về Thiên Chúa và về vận mệnh con người, làm cho người ta sống đạo theo một đường lối mới. 

01 - Nối tiếp những ước vọng của đạo Do-thái 

Niềm tin  « sống lại » trong đạo Do-thái không phải là niềm tin rằng người ta, cũng như loài thảo mộc,  tự nhiên chết đi rồi sống lại như trước. Nó là một mơ ước được sống vĩnh viễn với Đức Chúa. Mơ ước đó không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là từ trời đem sẵn xuống như thế, vì nó đã biến chuyển nhiều.

Nền tảng cốt cán của nó là có vị Thiên Chúa có quyền lực, lại quan tâm lo lắng cho vận mệnh con người có tự do. Chứ vận mệnh con người không phải là do thần linh hay ma quái nào đùa bỡn mà nhào nặn ra, cũng không phải là do cái « máy trời » nào đó định hình một cách vừa tất nhiên vừa vô tình.

Cái nền tảng đó đã nhiều phen bị lung lay, vì một là người thời xưa chỉ biết có cuộc sống ở đời này mà thôi, hai là có những tai ương làm cho cá nhân cũng như dân tộc không còn thấy Thiên Chúa ra mặt lo lắng cho mình trong cuộc sống này. Chính vì nhớ đến những công việc lớn lao mà Thiên Chúa đã làm cho dân tộc khi trước, cho nên người ta vẫn còn giữ được niềm tin Thiên Chúa vừa có quyền lực vừa có từ tâm. Khi niềm tin chắc chắn như vậy lại gặp phải hoàn cảnh khốn cùng, người lành bị giết, quốc gia suy sụp, thì người ta mơ ước chắc là Thiên Chúa sẽ có lúc can thiệp, phục hồi lại trật tự, làm cho quốc gia được phục hưng, và làm cho những người vị nghĩa vong thân được sống lại. Niềm tin « sống lại » đã thành hình từ đó.

Niềm mơ ước đó vẫn tồn tại trong tâm hồn Do-thái từ thế kỷ VI trước TLKN, khi nước mất nhà tan. Vì chắc chắn như thế cho nên đã có nhiều lần người tín hữu tưởng là niềm mơ ước đó sắp được thực hiện, nhưng rồi lại không thành.

Vào thời Đức Giê-su thì phong trào khải huyền rất thịnh, có người này người nọ cho rằng mình biết được những điều huyền bí và muốn xui giục người ta theo đó mà hoạt động. Họ nghĩ rằng cái cảnh quốc gia bị đàn áp, người công chính bị hại, chính là đã đến lúc Thiên Chúa sắp sửa can thiệp một cách lạ lùng vào thế cuộc để giải phóng cho dân thoát khỏi ách đế quốc Rô-ma, cũng như trong thời xa xưa Ngài đã giải phóng cho khỏi ách vua Ai-cập. Có một số lãnh tụ sốt ruột, muốn làm « cách mệnh », nghĩa là thay đổi ngay vận mệnh cho dân tộc,  họ chủ trương rằng mình phải khởi sự khiêu chiến trước, rồi Đức Chúa mới ra tay đem thiên binh tiếp viện, cho nên họ đốc thúc nhau cầm khí giới chống lại đại binh Rô-ma. Nhưng không thành công : năm 70 sau TLKN đại tướng Ti-tô (Titus) hạ thành Giê-ru-sa-lem. Kháng chiến vẫn tiếp tục, cho đến năm 135 hoàng đế Rôma là Adrianus cho phá bình địa Giê-ru-sa-lem và cấm chỉ không cho người Do-thái vào thành nữa. Dân Do-thái mất nước là từ đấy, rồi bị di tản ra tứ phương trong 20 thế kỷ.

Không giải phóng bằng vũ lực được, phong trào khải huyền theo kiểu đó cũng dần dần  nguội đi. Như thế phải chăng là Thiên Chúa có ý định khác ? Rất có thể là như thế.

Nhóm môn đồ đã đi theo và chia sẻ đời sống đi giảng dậy đó đây của Đức Giê-su, đã biết thân thế và sự nghiệp của ngài. Cho đến phút cuối cùng họ vẫn tưởng rằng ngài sẽ có thiên binh xuống giúp phục hưng lại quốc gia. Cho nên khi thấy ngài kết liễu cuộc đời bằng cái chết ô nhục, thì họ đã thất vọng, bỏ đi hết. Nhưng họ đã gặp một sự việc, một biến cố tuy rất là khó hiểu, nhưng đã làm cho họ đổi hẳn ý kiến : ngài đã « sống lại ». Tin như thế không phải là dễ, vì cũng phải khá nhiều ngày giờ họ mới tới được niềm xác tin đó. Từ đó họ thành những chứng nhân, đem thân ra chứng thực cho niềm tin mới. Họ nhận định rằng nước Chúa không phải là nước thế gian này. 

02 - Niềm tin mới 

Nền tảng của nềm tin mới là : « Chúa đã sống lại ». Thánh Phao-lô viết : « Nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy thì lòng tin của anh em thật hão huyền (…) Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người » (1 Cr 15, 17+19). Nên chú ý là ở đây hai chữ « sống lại » không có nghĩa là lại sống như cũ, nhưng phải hiểu hai chữ đó trong nghìn năm truyền thống tôn giáo Do-thái.

Xét theo niềm tin trong truyền thống tôn giáo của người Do-thái, thì cuộc đời và cái chết của Đức Giê-su có nhiều yếu tố làm cho có thể hi vọng rằng ngài sẽ được Thiên Chúa ra ân cho « sống lại ». Thực vậy, ngài là người công chính đã bị bắt bớ hành hạ, ngài là người tôi tớ của Thiên Chúa đã bị khổ nhục và bị giết.

Nhưng không phải chỉ có hi vọng mà thôi. Những sự việc mà các môn đồ đã chứng kiến sau cuộc tử nạn của thầy mình, đã làm cho họ thay đổi hẳn : thay vì sợ hãi trốn tránh, thì họ đã dám công nhiên tuyên bố rằng thời điểm Thiên Chúa ra ân nay đã đến, như Đức Giê-su đã báo trước. Họ tin rằng cái mà trước đó chỉ là một hi vọng – căn cứ vào Thiên Chúa có quyền lực và có từ tâm – thì nay đã được thực hiện : với những sự việc như thế họ tin rằng Đức Giê-su đã « sống lại » và nước của Đức Chúa đã đến. Ngoài từ ngữ « sống lại », họ còn dùng mấy từ ngữ khác đã có sẵn trong truyền thống tôn giáo của họ, như : « chỗi dậy », « lại đứng dậy », « được tôn vinh », « được nâng lên (tận trời) », « được biến hình », « được sống », « được sáng chói »[1].

Tuy vậy họ không coi nước của Đức Chúa như  là một nước ở thế gian này, có quân đội có binh khí. Họ nhớ lại các lời giáo huấn của Đức Giê-su để hiểu cho ra thế nào là nước Chúa. Họ nhớ lại rằng ngài đã tự giới thiệu mình là « Con Người », hay là « Nhân Tử », là từ ngữ đã dùng trong sách của vị ngôn sứ Đa-ni-en để nói về một nhân vật sẽ từ trên trời xuống làm quan án phán xét muôn dân. Họ nhớ lại rằng ngài đã tuyên bố tha tội cho một số người có tội, làm cho giới hữu quyền trong tôn giáo thời đó cho là phạm thượng, vì chỉ có một Thiên Chúa là có quyền tha tội mà thôi. Đã thế, họ còn nhớ thêm nữa là ngài đã giải thích Thánh Kinh như thể chính ngài có quyền giải thích Lề Luật Chúa.

Và cứ so sánh sự việc « sống lại » sau khi chết với các hành vi và giáo huấn của Đức Giê-su lúc sinh thời, trước khi bị hành hình, rồi lại suy tư về các biến cố trong lịch sử dân Chúa, họ nhận ra rằng thân thế và sự nghiệp của ngài là một sự việc mới lạ và cao cả, mà Thiên Chúa đã làm cho dân riêng của Ngài. Sự việc đó mới mẻ và lạ lùng đến nỗi người ta nghĩ ngay đến câu Thánh-Kinh đã viết trong sách ngôn sứ I-sai-a, phần thứ ba : « Lạy Đức Chúa, (…) vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại. Trong một thời gian ngắn, dân thánh được thừa hưởng gia tài, nhưng thánh điện Ngài đã bị thù địch chúng con giày xéo ; ( …) Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan (…) » (Is 63, 17-19). Rồi tự hỏi : Biết đâu chính Thiên Chúa đã xé trời mà ngự xuống ? Chẳng lẽ lại không có như thế được ?

Chính vì có chấp nhận như thế mà đạo Chúa Giê-su đã phát sinh ra. Và từ đây liên quan giữa người ta và Thiên Chúa đã hoàn toàn chuyển hướng.

Như ta biết, sự « sống lại » không phải là sự cá nhân lại sống lấy cho mình như cũ, nhưng là sống trong liên quan thân tình với Đức Chúa. Vậy nếu Đức Chúa đã xé trời mà xuống, thì liên quan với Đức Chúa tất nhiên phải là liên quan với Đức Chúa đã xuống thế làm người, đã dạy dỗ, đã bị tử hình và đã « sống lại », nghĩa là phải tích cực dấn thân và tham gia vào nếp sống của Ngài.      

03 -  « Sống lại » là thế nào ? 

Khi dùng hai chữ « sống lại », trí tưởng tượng của ta gợi ra nhiều hình ảnh, trí khôn của ta có thể tạo ra nhiều quan niệm. Người ta thường đặt câu hỏi về số phận dành cho thân xác. Nhưng câu trả lời bao giờ cũng phải căn cứ vào những điều mà các chứng nhân đã chứng thực về sự « sống lại » của  Đức Giê-su. Có một điều chắc, là các vị đó chứng thực là Ngài đã chết, và sau này lại thấy Ngài sống.  Chứ không phải là thấy Ngài sống lại, vì thực ra không có ai thấy Ngài đang từ một tử thi nằm đó rồi dần dần hồi sinh, đứng dậy mà bước ra khỏi mộ như thế nào cả. Thấy Ngài sống, nhưng sống rất khác khi trước, rồi sau không thấy gì nữa. Sau đó thì cộng đoàn tín hữu, tức là giáo hội, có những buổi lễ kỷ niệm Ngài.

Khi nói đến việc « sống lại » của Đức Giê-su thì không có tác giả nào trong bộ Tân Ước dùng lối văn mô tả, mà chỉ dùng một vài ý niệm mà ta đã nhắc lại trước đây mà thôi, như : « được tôn vinh », « được nâng lên (tận trời) », « được biến hình », « được sống », « được sáng chói », vân vân  (Xem ghi chú số 1). Cho nên khi nói về sự « sống lại » của người ta, thì cũng cần phải tránh không dùng bừa bãi những hình ảnh tưởng tượng để mô tả.

Cốt yếu là như thế. Nhưng trí tưởng tượng của con người ta vẫn hoạt động. Cái khó khăn là làm thế nào để nói lên một thực tại thuộc về thế giới bên kia mà ta chưa bao giờ mắt thấy tai nghe, làm thế nào để nói lên mối liên quan với vị Thiên Chúa mà ta không thể thấy được.

Còn cái khó khăn thứ hai mà các vị giáo-phụ phải đương đầu là khi đạo Chúa được truyền bá ra bên ngoài văn hóa Do-thái vào đất Hi-lạp,  thì người Hi-lạp đã có một truyền thống triết học với những ý niệm và cách lập vấn rất tinh vi, cho nên họ thường không tin bất cứ ai nói gì, nhưng đứng trong lập trường triết học của họ mà cãi lý cho đến lúc hiểu cho rõ thì mới chấp nhận.  Vấn đề quan trọng bậc nhất là phiên dịch  – ta biết là bộ Tân Ước được viết bằng tiếng Hi-lạp –, phải tìm trong các từ ngữ và trong cách đặt câu, cách lập luận của người Hi-lạp, những kiểu nói để giảng giải những ý niệm và những quan niệm đã được thành hình trong mươi thế kỷ. Phiên dịch là một việc rất khó, thường thì các quan niệm được chuyển sang văn hóa khác, đều có trệch đi ít nhiều : nếu sai lạc đi thì phải biết mà tránh, nếu  làm cho quan niệm ấy được rõ ràng hơn và phong phú hơn thì phải giữ lấy. Đó chính là vấn đề hội nhập văn hóa, cần phải giải quyết mỗi khi đạo Chúa được truyền bá vào một văn hóa mới, như An độ, Trung hoa, Việt Nam, v.v.

Bước đi vào văn hóa Hi-lạp đã làm cho đạo Chúa va chạm, rồi sát cánh với lý luận triết học. Từ đó đã nảy ra một nền thần học rất phong phú. Dĩ nhiên là trong khi tiếp xúc vối các văn hoa khác, thần học cũng sẽ có một sắc thái mới và phong phú hơn.

Sau đây, khi bàn về các vị giáo phụ, ta sẽ xem nhân sinh quan của các vị đó có nội dung ra sao, và từ đó các ngài đã giải thích quan niệm « sống lại » như thế nào.

 

1 - Nhân sinh quan của các vị giáo phụ 

10 – Thất bại là một bài học 

Trước khi trình bầy quan niệm của các vị giáo phụ về con người, thiết tưởng cũng nên nhắc lại một câu truyện hi hữu, để ta thấy rõ tầm quan trọng của sự hiểu biết nhân sinh quan của văn hóa khác, khi ta muốn hội nhập văn hóa. Câu truyện đã được kể lại trong Sách Công Vụ Tông Đồ  , chương 17, câu 22-32. Đại ý là kể truyện ông Phao-lô đọc diễn từ trước hội đồng A-rê-ô-pa-gô tại A-then. Ong kể lại lịch trình của đạo Chúa, và khi nói đến Đức Giê-su (nhưng chưa xướng tên ngài ra), ông nói : « Bây giờ Người (Thiên Chúa) truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết ». Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói : « Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy ». Thế là ông Phao-lô bỏ họ mà đi (Xem Cv  17, 30-33).

Câu truyện đã như thế thì phải thế. Thất bại ấy cũng dễ hiểu lắm. Vì một đàng thì ông Phao-lô chưa có thì giờ để giải thích tỉ mỉ, như sau này sẽ viết trong Thư  I gửi tín hữu Cô-rin-tô (chương 15, có tới gần sáu mươi câu). Đàng khác, theo nhân sinh quan khá thông thường của người Hi-lạp thời ấy thì con người có hai thành phần : linh hồn và thân xác. Linh hồn là chính bản thân người ta, có đặc tính là bất tử, nhưng lại bị giam trong khối vật chất hay hư nát là cái thân xác (sôma), cũng như bị giam lỏng trong cái mộ (sêma) và chờ ngày thoát ra ngoài. Vì thế nếu bảo rằng linh hồn sẽ bất tử thì họ không lấy gì làm lạ, nhưng nếu bảo rằng thân xác sẽ sống lại thì họ cho là không nghe được. Có thế thôi.

Cũng rất có thể là vào thời gian đó Phao-lô cũng chưa biết phải giải thích thế nào cho ổn, vì trong tư tưởng Do-thái, sự « sống lại », như đã nói lên trong Sách Ma-ca-bê,  mới chỉ là một ước vọng căn cứ vào niềm tin Thiên Chúa có quyền lực ; còn sự thực ra sao thì lúc đó chỉ có một số môn đồ đã chứng thực về việc Đức Giê-su đã « sống lại », nhưng chưa ai biết phải nói lên kinh nghiệm đó thế nào cho rõ bằng từ ngữ Hi-lạp, để người được nghe có thể cho là nghe được.

Bài học đó cho Phao-lô thấy rằng giảng thuyết cho những người khôn ngoan lấy lý trí mà suy xét thì có phần khó khăn. Cho nên ông đã bỏ đi. Sau này trong Thư  I gửi tín hữu Cô-rin-tô ông viết : « Chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. ( … )  Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người » (1, 23-25).

Tuy vậy bài học đó càng làm cho môn đệ Chúa Giê-su thấy cần phải lựa lời mà nói với giới trí thức, như có viết trong Thư  I của thánh Phê-rô : «  Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn anh em về niềm hi vọng của anh em, nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng » (3, 15-16). Có thể nói câu đó là hiến chương cho khoa thần học, và cũng là mở đầu cho việc hội nhập văn hóa.

11 – Nhân sinh quan trong triết học Hi-lạp 

Các vị giáo phụ đầu tiên đã giảng thuyết và trước tác bằng tiếng Hi-lạp. Văn hóa của họ là văn hóa Hi-lạp. Nhưng nhân sinh quan của người Hi-lạp – cũng như của người Do-thái – lại có nhiều thứ. Vào mấy thế kỷ thời đầu Tây lịch kỷ nguyên thì, về triết học, ngoài hai học phái lớn vẫn còn ảnh hưởng, là học phái Platôn và học phái Aristoteles ra, còn ba học phái khác là : phái hoài nghi của Pyrrhon, phái duy lạc của Epicuros và phái khắc kỷ (Stoa). Các giáo phụ là những người có lập trường, cho nên không theo phái hoài nghi, lại có đời sống tinh thần sâu xa, cho nên không theo phái duy lạc. Vì thế tư tưởng các vị đó thường đi theo học phái khắc kỷ như nhiều người đương thời. Cho đến thời giáo phụ Ô-ri-ghê-nê (thế kỷ II-III) thì chuyển trở về nhân sinh quan của triết gia Platôn[2].

Theo như học giả Joseph A. Fischer[3], thì có ba lý do làm cho các vị đó chọn lấy nhân sinh quan của Platôn : một là vì không muốn đi theo hình thức bình dân của hai nhân sinh quan duy lạc và khắc kỷ, vì hai học phái này cho rằng người ta chết đi thì không còn gì nữa. Hai là vì không muốn lấy lại nhân sinh quan quá thô sơ của người Do-thái, cho rằng chết đi thì hồn xác không có phân biệt và chỉ còn như cái bóng thiếu hẳn sinh lực. Ba là vì có theo nhân sinh quan của Platôn, có phân biệt xác với hồn thì khi bàn về cánh-chung-luận mới giải thích được vận mệnh của cá nhân.

Nói một cách chung chung thì đại khái đa số các vị giáo phụ quan niệm con người như sau : người ta có hai phần là linh hồn và thân xác, và – như  ta đã học trong sách Bổn – chết là linh hồn ra khỏi xác. Tuy vậy các giáo phụ cũng không theo hẳn nhân sinh quan của Platôn vì nó có tính cách nhị nguyên quá khích : Platôn chủ trương rằng chỉ có linh hồn khi trút bỏ được thân xác mà sống biệt lập mới thực là người. Trái lại, các vị đó công nhận rằng thân xác không phải là vật chất xấu xa, nhưng đã do Thiên Chúa tạo nên, đã được hợp làm một với linh hồn và sẽ được « sống lại ». Như thế nghĩa là tuy cái chết có làm cho bản thân con người thay đổi triệt để, nhưng chết không phải là hết hẳn không còn gì nữa. Quan niệm này vẫn còn được duy trì không những trong triết học kinh viện (scolastique) thời Trung Cổ[4], mà cả trong tâm thức người theo đạo Chúa Giê-su cho đến ngày nay nữa.

Vẫn biết là muốn tìm cơ sở triết học cho câu quyết đoán đó thì cũng không phải là dễ. Nhưng nếu lấy lẽ rằng : sự « sống lại » không có liên quan gì đến việc linh hồn cứ tồn tại mãi vì là bất tử, để quả quyết rằng chết là hết cả[5], thì việc minh chứng cho ra lẽ chưa chắc đã dễ hơn.  Có điều là khi quả quyết rằng chết là hết cả, thì tức là đứng trong lập trường của Epicuros. Nhưng nhân sinh quan của đạo Thiên Chúa rất khác nhân sinh quan của Epicuros. 

12 – Nhân sinh quan của đạo Chúa Giê-su 

Nếu nhân sinh quan của triết học cho biết con người nhận định về chính mình như thế nào, thì nhân sinh quan tôn giáo của đạo Chúa Giê-su cho biết nhận định của Thiên Chúa về con người và dự định của Ngài về vận mệnh con người. Vì thế nếu ta tin chắc rằng chết không phải là hết tất cả, thì đó không phải hoàn toàn là do những suy luận triết học, nhưng là do Thiên Chúa cho ta biết và đề nghị cho ta tự do chấp nhận[6].

Nhân sinh quan đó, các vị giáo phụ đã chấp nhận và truyền lại cho hậu thế. Nhưng vấn đề khó khăn là người chung quanh lại có những nhân sinh quan khác. Dĩ nhiên là các vị đó không theo nhân sinh quan của Epicuros, vì nó không hợp được với niềm tin của mình. Tuy nhiên các vị đó đã căn cứ vào niềm tin của mình mà chọn trong những nhân sinh quan của người đương thời cái nào không đối nghhịch với niềm tin. Vì vậy, như đã nói trên đây, các vị đã theo phái khắc kỷ, rồi từ  Ô-ri-ghê-nê trở đi thì theo học phái Platôn. Nên biết rằng Ô-ri-ghê-nê chủ trương theo như Platôn rằng các linh hồn bất tử đã có sẵn từ muôn thủa trước khi vào trong thân xác, nhưng thánh I-rê-nê (thành Lyon) lại dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa là có tính bất tử, còn con người ta thì không có tính bất tử, nhưng có thể được Chúa cho bất  tử [7].

Quan niệm triết học nhị nguyên trong đạo Chúa Giê-su, bắt đầu từ  Ô-ri-ghê-nê, đã có ảnh hưởng nhiều đến môn Ki-tô-học, đến quan niệm « Chúa xuống thế làm người », đến quan niệm Chúa Cứu thế cứu độ loài người, và đến quan niệm con người ta được « sống lại ».

Tuy nhiên không thể trách cứ giáo hội thời đó là đã bóp méo niềm tin trong Thánh-Kinh để có thể đem ra trình bầy bằng những ý niệm Hi-lạp, trong khuôn khổ nhân sinh quan nhị nguyên. Vì thực ra truyền bá niềm tin không có nghĩa là truyền bá nhân sinh quan riêng của một nền văn hóa nào cả. Đức tin đã thành hình trong nhân sinh quan Do-thái, với những ý niệm riêng của người Do-thái. Nhưng nếu muốn giải thích cho người Hi-lạp hiểu được, thì bó buộc phải dùng đến từ ngữ, ý niệm và nhân sinh quan của Hi-lạp. Có thế thôi.

Nên chú ý : hội nhập văn hóa như thế bao giờ cũng là trao đổi văn hóa, vì những từ ngữ Hi-lạp – cũng như  Trung hoa, An độ, hay Việt Nam sau này – cũng bó buộc phải có thêm ý nghĩa mới để diễn tả những ý niệm và những quan niệm trước đây mình không có, nhưng đã từ văn hóa khác mà du nhập vào. Ví dụ như ý niệm « tạo thiên lập địa » (création), ý niệm « nhân vị » (personne)[8] đã từ lãnh vực tôn giáo chuyển sang lãnh vực triết học, làm cho người ta có thêm một cái nhìn mới mẻ về con người.

Bây giờ ta xem trong khuôn khổ nhân sinh quan vừa nói trên đây, các vị giáo phụ đã trình bầy niềm tin « sống lại » như thế nào.

 

2 – Con người được sống lại 

Ở đây, khi bàn về sự « sống lại », tất nhiên ta đặt câu hỏi về thân phận của con người cá nhân, cũng như bao nhiêu tôn giáo hay triết học đã đặt : con người được « sống lại » thì sẽ ra làm sao ?

Nhưng điểm đặc biệt, riêng biệt cho đạo Thiên Chúa – dưới hình thức đạo Do-thái hay đạo Chúa Giê-su cũng vậy – là coi sự « sống lại » cũng chính là liên quan giữa con người, cộng đồng và Thiên Chúa. Nói thế khác, « sống lại » cũng đồng nghĩa với được cứu độ, được cứu rỗi, được sống muôn đời [9]. Đó là ý nghĩa thứ nhất. Ngoài ý nghĩa « được cứu rỗi » thì hai chữ « sống lại » trong Thánh-Kinh còn dùng để chỉ sự mọi người sẽ sống lại để rồi chịu phán xét, sau đó thì người lành được cứu rỗi, kẻ dữ bị trừng phạt. Chính vì không phân biệt hai thứ « sống lại » như thế, cho nên nhiều khi ta tưởng rằng trong các giáo phụ, có vị thì chủ trương mọi người sẽ « sống lại », có vị thì chủ trương chỉ có người lành mới được « sống lại » mà thôi. Lại cũng vì không phân biệt như thế, cho nên thỉnh thoảng có người phân biệt cánh-chung-luận đã thực hiện (eschatologie réalisée dans le présent)[10] với cánh-chung-luận vị lai (eschatologie future).

Vậy theo quan niệm có khuynh hướng nhị nguyên của các giáo phụ, thì khi « sống lại » linh hồn ra sao, thân xác ra sao ?

21 – Linh hồn « sống lại » như thế nào ? 

Nếu ta hiểu rằng khi « sống lại » thì con người được  thiết lập lại sau khi chết, thì kể là không có vấn đề gì về phía linh hồn cả, vì lẽ linh hồn vốn đã được coi là bất tử rồi, như ta thấy trong các sách Cựu Ước viết vào thời dân Chúa sống dưới quyền đô hộ của người Hi-lạp, ví dụ như trong Sách Khôn Ngoan , và trong các tác giả  phần Tân Ước, như thánh Gio-an và thánh Phao-lô. Vì thế mà các giáo phụ ở thế kỷ II không có bận tâm gì về việc minh chứng linh hồn bất tử, vì ai cũng nhận như thế rồi. Các vị đó chỉ để tâm chống lại quan niệm nhị nguyên và khẳng định rằng toàn thể con người, xác và hồn, sẽ được « sống lại », được « sống muôn đời »[11].

Như thế là các vị đó đã đồng ý và lấy lại quan niệm của triết học Hi-lạp đương thời. Thật rõ ràng là có hội nhập văn hóa. Nhưng vẫn không tránh được một vài cái bất tiện. Vì xét cho cùng thì trong đó có ít là hai cái lệch lạc. Một là : quan niệm triết học nhị nguyên đó đưa đến một thứ nhân sinh quan thiếu sót, vì cho rằng con người đích thực chỉ là một cái linh hồn không xác, vì thế thân xác không phải thực là con người. Hai là : theo quan niệm đó thì linh hồn người ta tự nó có tính bất tử, mà tính bất tử là đặc tính của thần linh, cho nên phải nói rằng con người có bản tính thần linh, và đây là điều mà đạo Thiên Chúa không thể chấp nhận được, vì lẽ con người cũng như vũ trụ là do Thiên Chúa tác tạo nên.

Các vị giáo phụ đều thấy rõ vấn đề khó khăn do quan niệm linh hồn bất tử gây ra. Nhưng các vị đó lại có nhiều phản ứng, có nhiều giải pháp khác nhau.

Thêôphilê người thành An-ti-ô-khi-a, và I-rê-nê người thành Lyon – cũng như trong một vài bản văn của Justino – thì chủ trương rằng linh hồn, tự bản tính nó, thì không bất tử, chỉ có một mình Thiên Chúa là có bản tính bất tử. Còn nếu con người thực sự bất tử thì là vì được Thiên Chúa cho như thế. Athênagoras cho rằng nếu xét theo quan điểm luân lý đạo đức thì linh hồn phải là bất tử. Tuy có giải đáp khác nhau nhưng các vị đó đều nhận định hai điểm sau đây : một là : toàn thể con người, xác và hồn, sẽ « sống lại » ; hai là : thêm vào cái sống lại đó, thì còn có sự « sống lại » hiểu theo nghĩa là được thân tình với Thiên Chúa[12].

Tertulliano là người đã cố gắng suy tư về sự « sống lại » một cách có hệ thống trong cuốn sách Luận về thân xác người ta sẽ sống lại (De carnis resurrectione). Ong đem vào đạo Chúa Giê-su một quan niệm triết học về tính bất tử, bằng cách dùng hai chứng lý của Platôn : một là linh hồn có tính đơn giản, đã không do nhiều yếu tố tụ hợp lại thì cũng không có thể tan rã được ; hai là theo quan điểm luân lý đạo đức thì linh hồn phải là bất tử. Và ông dùng các bản văn có trong Thánh-Kinh để minh chứng. Rồi ông kết luận rằng linh hồn tự bản tính nó là bất tử. Đây là điểm then chốt để có thể nói về vận mệnh của cá nhân trong cánh-chung-luận[13].

Lactantiô cũng đi theo quan niệm này, và minh chứng bằng các chứng lý của Platôn và của Cicêrô, đồng thời ông nhấn mạnh rằng tính bất tử là thành phần của sự cứu độ, và sự cứu độ chỉ được hoàn thành vào lúc thế mạt, vào lúc tận thế[14].

Ô-ri-ghê-nê thì đi xa hơn một ít. Ong là giáo phụ đầu tiên chủ trương rằng linh hồn đã có sẵn trước đi vào thân xác. Quan niệm của ông đã gây ra nhiều phản ứng trong giới thần học đương thời, nhất là Mêthôđô người ở Olympô. Cái ưu điểm của quan niệm này là đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của linh hồn Chúa Ki-tô Cứu thế, nhưng cái nhược điểm của nó trong nhân sinh quan là lại chủ trương rằng linh hồn con người ta tự nó là bất tử. Muốn trung thành với truyền thống, Ô-ri-ghê-nê cho rằng linh hồn vừa tự nhiên có tính bất tử , lại vừa được Thiên Chúa cho thành bất tử nữa ! Thêm vào đó ông chủ trương rằng thân xác cũng có hai thứ bất tử, một cái là do linh hồn cho nó, một cái là do Chúa Ki-tô cho[15].

Sau thời Ô-ri-ghê-nê thì không thấy xuất hiện quan niệm nào mới cả. Có lẽ là vì người ta cũng đã thử tìm, nhưng không tìm ra thêm được giải pháp nào nữa. 

Nói tóm lại thì nếu trong vấn đề « sống lại », ta không thấy tranh luận nhiều về  linh hồn, thì là vì trong thời Thượng Cổ người ta thường đã coi linh hồn là bất tử rồi, cho nên không có vấn đề. Các vị giáo phụ cũng nghĩ theo như thế, và thấy chỉ cần sửa lại ít chút thôi : các vị đưa thêm vào đó ý kiến là con người ta không phải là thần linh, không phải là Thiên Chúa, cho nên nếu có bất tử thì không phải là vì bản tính là như thế, nhưng là vì Thiên Chúa gia ân cho được như thế.

Có người quan niệm rằng quan niệm linh hồn bất tử và quan niệm « sống lại » là hai cái không có liên quan gì với nhau. Thiết tưởng vấn đề có phần tế nhị hơn. Đối với những người đã sẵn có quan niệm linh hồn là bất tử, thì dĩ nhiên họ hiểu « sống lại » cũng là bất tử, và để cho họ hiểu niềm tin của đạo Chúa cho đúng thì, như vừa nói trên đây, ta chỉ cần thêm vào đó rằng linh hồn được bất tử là hồng ân Chúa cho, và như thế họ sẽ hiểu là tất cả con người được cứu độ. Vẫn biết rằng quan niệm « sống lại » của đạo Chúa có phần phong phú hơn, nhưng với nền văn hóa của họ, họ chỉ có thể chấp nhận được đến thế. Ta nói như thế là trong trường hợp cực đoan, vì các vị giáo phụ không bao giờ bỏ quên không nói đến việc thân xác sống lại. Và đây là vấn đề được tranh luận nhiều hơn.

Thực vậy, nếu ta quan niệm rằng con người ta có hai phần : một là linh hồn bất tử, hai là thân xác, tuy nó có thể hư nát, nhưng lại được Chúa hứa cho « sống lại » vào ngày tận thế, thì có một vấn đề phải giải quyết : vậy trong thời gian giữa giữa lúc người ta chết và ngày tận thế thì cái linh hồn không có thân xác như thế sẽ ra sao ? Nếu ta theo quan niệm « chất hình hợp nhất » (hylémorphisme), thì vấn đề thật là nan giải, vì linh hồn là hình-thể không thể tách rời ra khỏi thân xác là chất-thể.

Các giáo phụ có một giải pháp riêng, căn cứ vào chủ trương rằng linh hồn không phải là vô-chất (immatérielle). Chủ trương này đã có sẵn trong triết học Hi-lạp, và nhất là trong học phái khắc kỷ (Stoa). Chính học phái Pythagoras cũng quan niệm rằng khi người ta chết đi, thì linh hồn thành ra một cái hình ảnh (eiđôlôn), là vật chất nhưng nhẹ như không khí và nó duy trì lấy hình ảnh của thân xác. Học phái Platôn cũng nói đến « cỗ xe của linh hồn » (véhicule de l’âme), tức là một cái vỏ vật chất rất nhẹ, bọc lấy linh hồn. Cái vỏ ấy làm môi giới giữa linh hồn và thân xác, và khi người ta chết thì xác tiêu tan đi, nhưng cái vỏ ấy vẫn tồn tại, để làm chỗ cho linh hồn bám vào. Đó là giải pháp đã được giáo phụ Ô-ri-ghê-nê chủ trương[16]. Nói chung thì đa số các giáo phụ chủ trương rằng chỉ có một mình Thiên Chúa là tinh thần thuần túy, hoàn toàn không có vật chất, còn các tạo vật – trong số đó dĩ nhiên phải kể đến linh hồn – thì bao giờ cũng có vật chất, hoặc ít hoặc nhiều[17]. Phải chờ cho đến Ambrôsiô giám mục thành Milanô và Grê-gô-ri-ô giám mục thành Nazianze, mới thấy xuất hiện một cách rõ ràng quan niệm rằng linh hồn là hình ảnh Thiên Chúa, cho nên cũng không có gì là vật chất và vì thế cũng là vô-hình[18]

22 – Thân xác « sống lại » như thế nào ? 

Không những trong văn hóa Hi-lạp, mà cả trong truyền thống đạo Do-thái và đạo Chúa Giê-su,  khi nói đến việc « sống lại » thì bao giờ cũng có những câu hỏi rất phiền phức về thân xác. Một là vì nó có vẻ trái ngược hẳn lại kinh nghiệm thường nhật : nào có ai thấy xác người ta chết đi rồi sống lại bao giờ đâu ? Hai là chính trong dân Do-thái cũng vẫn có người không chấp nhận, ví dụ như phái Xa-đốc thời Chúa Giê-su.

Trên đây ta đã nhắc lại cái thất bại của thánh Phao-lô ở hội đồng thành A-then. Ta biết Phao-lô rất sẵn sàng hội nhập văn hóa, như đã viết trong Thư 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô : « Với người Do-thái, tôi đã trở nên Do-thái. Với những ai sống theo Lề Luật (Do-thái), tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, ( … ) để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật » (chương 9, câu 20-21). Đến đây ta có thể thắc mắc và tự hỏi vì sao Phao-lô lại không chấp nhận hẳn nhân sinh quan nhị nguyên của người Hi-lạp, để rồi giải thích cho họ rằng con người « sống lại » cũng đồng nghĩa với linh hồn bất tử ? Phao-lô đã nhất định không làm như thế, vì như thế là làm sai hẳn bản chất đạo Chúa Giê-su. Thực vậy, nếu thân xác không thuộc về con người, thì việc Chúa xuống thế làm người – vừa là nhập thế, vừa là nhập thể – không còn ý nghĩa gì nữa, và như thế thân xác Chúa Giê-su  chỉ là một cái ảo ảnh, Chúa không có mặt trong thế giới vật chất của chúng ta, và thân xác chúng ta cũng không được cứu độ, không được « sống lại ».

Như ta biết, thánh Phao-lô đã dành cả một chương 15 trong Thư 1 gửi tín hữu Cô-rin-tô , để bàn luận về sự « sống lại ». Lý do là vì người Co-rin-tô là người Hi-lạp, trước đó chỉ biết có linh hồn bất tử, họ cho cái xác chỉ là nhà tù của linh hồn, cho nên thấy không cần cho xác được sống lại ; đến nay nghe nói thân xác sẽ được « sống lại », thì họ nghĩ sống lại thế nào được, chẳng lẽ cái xác chết sẽ được hồi sinh, như trước đó mấy thế kỷ ngôn sứ Ê-dê-ki-en (chương 37) đã hình dung ra những bộ xương khô dần dần lại có da thịt và sống lại. Để trả lời cho người Cô-rin-tô, Phao-lô nói về sự sống lại của Chúa Giê-su và của các tín hữu.  Khi nói về Chúa Giê-su , thì ngài viết : « Đức Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết[19], mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu » (câu 20). Khi viết về con người ta « sống lại », ngài dùng ví dụ việc gieo hạt giống, để giải thích rằng cái xác được sống lại thì thật khác xa cái xác vật chất đã chết đi. Ngài viết : «  Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí[20] » (câu 44). Thiết tưởng chính vì không để ý đến giải thích ấy, cho nên nhiều khi người ta đặt những câu hỏi lạc đề về vật chất của cái xác được sống lại[21].

Các giáo phụ đã sống vào thời tiếp theo các tông đồ đều nhận định rõ ràng : thân xác người ta được « sống lại » là vì Chúa xuống thế làm người, có thân xác như ta vậy. Hai chân lý ấy có liên quan mật thiết với nhau[22]. Cho nên trong thế kỷ II giáo hội đã chống lại những người cho rằng Chúa Giê-su chỉ xuất hiện dưới hình con người, chứ không phải là người thực, vì quan niệm như thế tức là làm cho sự « sống lại » của thân xác không còn nền tảng gì nữa. Chính Tertullianô là người chủ trương linh hồn tự nó là bất tử, cũng đã viết hai cuốn sách Về thân xác Đức Ki-tôVề sự thân xác được sống lại, là hai vấn đề đi đôi với nhau.

Cũng cần nói thêm là : ở đây phải hiểu thân xác là chính mình con người ta, xét theo quan điểm là một thực tại vật chất[23], chứ không hiểu theo nghĩa là xác thịt , tức là cái thế giới tội lỗi, như thánh Phao-lô đã viết : « Xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được » (1 Cr 15, 50).

Thân xác được « sống lại », đó không phải là một chân lý hiển nhiên. Cho nên muốn nói lên, phải đưa ra đủ chứng lý. Về mặt lý thuyết cần phải minh chứng rằng như thế thì là vừa hợp tình, vừa có thể có được, lại vừa cần thiết phải có.  Còn về cách thức hình dung ra nó, tượng trưng ra nó, thì cần phải trả lời ổn thỏa cho những người hình dung ra nó một cách quá ư  thực tiễn, quá vật chất, mà không để ý đến cách phân biệt của thánh Phao-lô, như đã nhắc lại trên đây.

Hai công việc đó, các giáo phụ đều cố gắng làm, nhưng không đạt đích như nhau. Thiết tưởng không cần phải kể tên tất cả các vị đó. Sau đây chỉ xin bàn luận về tác phẩm điển hình của Tertullianô, là cuốn Luận về sự thân xác được sống lại[24] (De carnis resurrectione). Đây thực là một cuốn sách bàn luận trên bình diện lý thuyết về thân xác theo quan điểm thần học, tuy có ít nhiều phần bút chiến, nhưng sách được kết cấu một cách có hệ thống, có mạch lạc. Sách vừa tóm tắt lại các quan niệm đã có trước, lại vừa mở đường cho người ta suy luận tiếp theo.

Còn về những biểu tượng về sự « sống lại », thì sẽ xin trình bầy lý luận của Ô-ri-ghê-nê khi ông tranh luận với đối phương về các chi tiết. 

221 – Tertullianô : Chứng lý về sự thân xác được sống lại 

Cuốn sách của Tertullianô từ đầu đến cuối đã cho ta thấy ông tranh luận gắt gao với những người chủ trương rằng sự cứu độ thực ra chỉ là một tri thức (les gnostiques). Đại khái tri thức đó là nhận ra trong linh hồn ta có yếu tố thần linh, yếu tố đó bị lu mờ đi vì linh hồn đã vương vấn với thân xác. Biết như thế rồi thì người ta hiểu sự sống lại như là giải phóng linh hồn ra khỏi thân xác. Nghĩa là thân xác chỉ là vật chất, không có giá trị gì hết.

Ngược lại, Tertullianô đã đem ra nhiều chứng lý để đề cao giá trị của thân xác.

Trước hết, thân xác đã được Thiên Chúa tác tạo, không những tác tạo bằng lời nói, mà còn tác tạo bằng việc làm, nhào nặn ra từ đất bùn, rồi thổi sinh khí vào, làm cho con người thành một sinh vật. Làm như thế tức là Chúa đã dự tính trước là sẽ xuống thế làm người. Vậy nếu từ vật chất Chúa đã tác tạo ra con người, thì Ngài cũng có thể từ vật chất tái tạo con người. Nói thế khác, nếu ta tin Chúa có quyền lực tác tạo ra thế giới, ra con người, thì ta cũng tin Chúa có quyền lực để làm cho sống lại. Tertullianô cho rằng có thể như thế được lắm, vì trong thiên nhiên ta thấy, qua bốn mùa xuân hạ thu đông, thảo mộc cứ theo định kỳ mà mỗi năm lại sống lại. Ngoài ra người đương thời ai nấy đều đinh ninh rằng con chim phượng có thể chết đi rồi sống lại được (Xem các chương 5-13).

Trong những chương 14-17, ông đưa ra một vài chứng lý để minh chứng rằng sự « sống lại » không những là hợp tình mà còn cần thiết phải có. Thực vậy, Thiên Chúa có từ tâm, lại công bằng, cho nên Ngài phán xét tất cả con người, hồn cũng như xác. Nếu thân xác có liên đới với linh hồn trong tất cả các hành vi, thì thân xác cũng phải có thưởng phạt như linh hồn vậy. Vì thế thân xác phải được sống lại, để chịu phán xét. Phán xét xong mới biết là có được cứu độ hay không.

Từ chương 18 đến 51, Tertullianô căn cứ vào Thánh-Kinh để minh chứng rằng không những có thể có sống lại, mà còn cần phải có sống lại nữa. Vì suốt trong Thánh Kinh, từ các ngôn sứ cho đến lời giảng dậy của Chúa Giê-su và các tông đồ, Chúa đã hứa cho sống lại. Ong biết là có một số người đi lạc đường, chủ trương phải hiểu hai chữ « sống lại » theo nghĩa bóng, cho nên ông quả quyết là phải hiểu theo nghĩa đen : thân xác sẽ được sống lại thật. Có điều đáng ngạc nhiên, là ông không đưa sự « sống lại » của Đức Giê-su ra làm chứng lý, nhưng thực ra nếu không tin Ngài đã « sống lại » thì không thể nào nói về lới hứa của Chúa trong Cựu Ước một cách chính xác được như thế.

Trong phần thứ ba, từ chương 52 đến 63, Tertullianô đưa ra một vài chi tiết về cái thân xác được « sống lại ». Nguyên lý chung là : những thân xác được « sống lại » thì bao giờ cũng được biến hình, nhưng vẫn là một như thân xác đã sống ở đời này. Hai cái vừa là một, lại vừa khác nhau. Hai cái có liên tục với nhau như hạt giống và cây từ nó mà ra. Từ nguyên lý đó, ông  đưa ra hai kết luận. Một là : thân xác được sống lại thì cũng được tái thiết lại đầy đủ, những khuyết tật đều được sửa chữa lại, nếu không thì sao gọi được là « sống lại » ? Hai là : tất cả các cơ quan trong thân thể đều được duy trì đầy đủ, vì « tòa án của Thiên Chúa đòi người ta phải trình diện đầy đủ ; mà nếu thiếu chân tay thì không đầy đủ » [25]. Chính vì khi còn sống thân xác đã cộng tác với tinh thần, cho nên khi « sống lại » đầy đủ, thân xác sẽ gần với bản tính của tinh thần hơn, vì lúc đó các cơ quan không còn dùng để đáp lại các nhu cầu ở thế gian này nữa.

Đến đây ta nên chú ý là Tertullianô không phân biệt rõ ràng sự sống lại để chịu phán xét với sự « sống lại » hiểu theo nghĩa là « được cứu độ », được ân nghĩa với Chúa. Ong cũng không đả động gì đến số phận người có tội. 

222 – Ô-ri-ghê-nê : Những biểu tượng về sự « sống lại » 

Hai kết luận mà Tertullianô đã đưa ra trên đây, là có ý trả lời cho những người cho rằng phải bỏ thân xác đi thì mới được cứu độ. Nhưng chủ trương như thế thì lại rất hàm hồ, và hàm hồ một cách nguy hiểm. Thực vậy, cho rằng khi « sống lại » thì cái thân thể vật chất phải được đầy đủ, tức là đưa ra một quan niệm có tính cách duy vật, không thể bào chữa được, vì nó mới chỉ là cái « thân thể có sinh khí », chứ không phải là cái « thân thể có thần khí » như thánh Phao-lô đã quan niệm. Chính vì những người ngoại giáo thời đó, như Celsus, đã tưởng rằng người theo đạo Chúa Giê-su đã hiểu sự sống lại một cách duy vật như thế, cho nên họ cho là không thể tin được.

Ô-ri-ghê-nê đã hiểu ra tầm quan trọng của vấn nạn do Celsus đưa ra. Ong nhận ra rằng nếu chỉ nói rằng cái thân xác đã sống ở đời này và cái thân xác sẽ sống lại cũng là một, thì chưa đủ. Còn phải biết hình dung trạng thái đó thế nào cho lý trí có thể chấp nhận được.

Ngay về cái thân thể ở thế gian này, thì Ô-ri-ghê-nê biết rằng khó mà nói nó vẫn là một. Vì cái thân thể có sống động, cho nên luôn luôn có trao đổi vật chất với ngoại giới. Vì vật chất luôn luôn được « nhập cảng » trong thân thể và được « xuất cảng » ra ngoài, nghĩa là thay đổi luôn, cho nên không thể căn cứ vào những thành phần vật chất mà bảo con người vẫn là một như thế mãi. Đã thế thì làm sao có thể nói rằng cái thân thể đã sống ở thế gian này cũng là một với cái thân thể sẽ sống lại ?  

Ong chủ trương rằng cái làm cho con người vẫn là một, thì không phải là những thành phần vật chất, nhưng là một cái « eidos », một cái hình-thể của thân xác – hình, chứ không phải là chất –, nó là nguyên lý làm cho con người vừa có phát triển lại vừa vẫn là một. Cái hình-thể đó làm cho mỗi người, tuy có thay đổi rất nhiều về vật chất qua nhiều năm, nhưng vẫn giữ được bộ mặt, bóng dáng, tính tình, làm cho người khác nhận ra được. Cái hình-thể đó không phải là phần vật chất của thân thể, nhưng nó đi đôi với thân thể, nó có thực chứ không phải chỉ là cái vẻ bề ngoài.

Một khi đã có cái « eidos » làm cho thân thể vẫn là một , thì những thành phần vật chất có thể thay đổi, thay đổi tùy môi trường, tùy thế giới sinh hoạt. Ở dưới đất này thì thân thể có những thành phần vật chất của đất này ; ở trong thế giới có chất ê-the (éther) nhẹ và ở độ cao, thì thân thể có những thành phần ê-the, mà cũng vẫn là một ; đến khi sống lại thì sẽ ở một thế giới cao sang hơn, cho nên cái thân thể trước đây có những thành phần vật chật ở dưới đất này, thì bấy giờ sẽ được thay đổi sang một thể chất cao quí hơn[26].

Lý thuyết của Ô-ri-ghê-nê về cái làm cho thân thể con người ta vẫn là một thì  có cái ưu điểm là làm cho ta tránh được hai cái sai lầm trái ngược nhau. Một là quan niệm duy vật quá thô sơ, cho rằng khi sống lại thì thân xác phải được toàn vẹn, có đủ các cơ quan các bộ phận để đáp lại các nhu cầu ở đời này. Hai là quan niệm duy linh cho rằng khi được cứu độ hay cứu rỗi, thì không còn cần gì đến thân xác nữa, linh hồn là dư đủ rồi[27]. Grê-gô-riô người thành Nysse cũng có lập trường tương tự, nhưng ông không có chủ trương, như Ô-ri-ghê-nê, là các linh hồn đã có sẵn trước khi đi vào thân xác.

Tuy vậy cũng nên nhận xét rằng lý thuyết này quả là tế nhị, vì Ô-ri-ghê-nê không muốn lấy những yếu tố vật chất, cũng không muốn lấy cái sinh khí (psykhê, mà ta quen gọi là cái hồn) như  là nguyên lý làm cho thân thể người ta vẫn là một. Vì thế rất khó biết cái « eidos » này là cái gì : nó có công tác như cái hồn, nhưng lại không phải là cái hồn ! Vì thế  có nhiều vị giáo phụ cho là tư tưởng của Ô-ri-ghê-nê thật là khó hiểu.

Riêng Mêthôđô, thì cho rằng  thân xác ở thế gian này và thân xác được sống lại cũng chỉ là một, và ông coi cái « eidos » chẳng qua chỉ là một cái dáng dấp bề ngoài thôi. Và vào khoảng năm 300 ông là một trong những người phản đối Ô-ri-ghê-nê. Nếu ông này không đi vào lý thuyết quá tế nhị, mà chỉ nói một cách đơn giản như giáo phụ Ki-rin người thành Giê-ru-sa-lem (Cyrille de Jérusalem) rằng đó vẫn là một thân thể, nhưng ở trong hai trạng thái khác nhau, thì chắc là những người phản đối ông đã không bị lôi cuốn đi quá trớn sang quan niệm duy vật một cách quá ngây thơ.

Dù sao, giải pháp của Ô-ri-ghê-nê cũng là giải pháp được nhiều người thời đó theo. Chính vì cái « eidos » thật là khó hiểu, cho nên các giáo phụ la-tinh, như Hi-la-ri-ô thành Poitiers, không muốn đi vào lý thuyết như thế, mà chỉ nói trông trống rằng ở trong thân xác được sống lại cũng còn có vật chất, nhưng không nói rõ là vật chất loại nào. Có lẽ như thế là hay hơn cả : thiết tưởng chỉ cần nói rằng thân xác được « sống lại » sẽ được biến thể và sẽ được chuyển sang gần với tinh thần, thì cũng kể là tạm đủ, không cần phải lôi thôi tìm cách hình dung ra trạng thái đó, hay là tìm giải thích sao cho hợp lý.

Truyền thống thần học đến đây là đúng lúc thánh Ambrôsiô thành Mi-la-nô có ý định bàn luận về sự « sống lại ». Ta sẽ nói về vị thánh này trong bài tiếp theo.

 

Mấy nhận xét tổng quát 

Các vị giáo phụ đã tranh luận nhiều, nhưng các giải pháp đưa ra hình như đã đi đến chỗ bế tắc, vì lẽ các vị ấy đã đặt trọng tâm vấn đề vào sự « thân xác vẫn là một » (identité du corps), mà ai cũng biết là vật chất trong thân xác thì luôn luôn thay đổi. Ta có thể nghĩ rằng : nếu các vị ấy đặt trọng tâm vào vấn đề « nhân vị vẫn là một » (identité de la personne), nghĩa là : vẫn một con người đó trước sau chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước mặt Chúa và trước mặt người khác, thì có lẽ đã đưa ra được những viễn tượng khác hẳn. Nhưng thực ra chưa làm được, vì cái ý niệm « nhân vị » như ta vừa giải thích, thì thời đó vẫn chưa thành hình. Ngay sau đó mấy thế kỷ, triết gia Boethius (480-524) cũng chỉ định nghĩa « nhân vị » (persona) là một « bản thể cá biệt có lý trí » (rationalis naturae individua substantia), chứ chưa nói đến những yếu tố căn bản như « chủ thể » (sujet), « liên chủ thể » (intersubjectivité), « tự do » và « trách nhiệm ».

Đặt vấn đề theo lối khác thì tất nhiên là có viễn tượng mới. Nhưng chưa chắc là giải pháp đưa ra sẽ minh bạch hơn. Vì cái nhân vị, cái con người, chủ thể tự do và có trách nhiệm đó lại chính là một nhân vị nhập thể (personne incarnée), nghĩa là nó chỉ xuất hiện dưới hình thức một thân thể, một thân xác sống động luôn luôn thay đổi và trao đổi vật chất với ngoại giới. Và như thế ta lại phải trở về vấn đề thân xác như cũ. 

Đàng khác, ta cũng vẫn chưa chắc được rằng cách đặt vấn đề của các giáo phụ không còn hợp thời nữa, vì một đàng thì các vị ấy vẫn nhớ rằng con người ta phải chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về các hành vi của mình, đàng khác thì quan niệm bình dân thường vẫn còn phân biệt hồn với xác.

Nói tóm lại : dùng từ ngữ của con người mà nói về sự « sống lại » thì thật không phải là dễ. Một phần là vì thực tại con người được « sống lại » không có tính cách vật chất có thể quan sát ngay bây giờ được. Ta hi vọng sẽ được vì ta tin rằng Chúa có quyền lực và có từ tâm đối với ta. Một phần khác thì là vì sự « sống lại » cũng là liên quan thân tình với Chúa : trong liên quan đó thì ta có thể biết ta, nhưng ta chỉ có thể biết Chúa ít nhiều, qua những chứng nhân và qua sách thánh. Ta đọc trong tin mừng thánh Gio-an : « Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ : nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết » (Ga 1, 18).

Rất có thể là những lối đặt vấn đề và giải thích trên đây – cũng như của tín hữu khác về sau này – tuy là có suy luận theo lý trí, nhưng vẫn còn là bất cập. Cho dù như thế, khoa thần học không thể không dùng đến lý trí, vì nếu không, ta sẽ không có cách nào để hiểu cho rõ, để phê bình những biểu tượng ta dùng để hình dung ra sự « sống lại », và để đánh giá chính những suy luận của người khác và của ta nữa ; nếu không, ta rất dễ sinh ra mê tín, bất cứ ai nói gì cũng tin.

 

Lambersart ngày 19/06/2005

 

[1]  Tiếng Pháp là : résurrection, exaltation, élévation, glorification, transfiguration, vie, lumière.

[2]  Xem : Michel Spanneut (cựu giáo sư đại học công giáo Lille), Le stoicisme des Pères de l’Eglise, de Clément de Rome à Clément d’Alexandrie, Paris, 1957.

[3]  Studium zum Todesgedanken in der alten Kirche ; Die Beurteilung des natuerlichen Todes in der kirchlichen Literatur der ersten drei Jahrhunderte, Muenchen, 1954, tập I, tr  38-39.

[4]  Xem : Richard Heinzmann, Die Unsterblichkeit der Seele und die Auferstehung des Leibes. Eine problemgeschichtliche Untersuchung der fruehscholastischen Sentenzen- und Summenliteratur von Anselm von Laon bis Wilhelm von Auxerre, Muenster, 1965, tr 246 : « Triết học kinh viện buổi đầu không có bao giờ chủ trương người ta chết đi là hết tất cả ».

[5]  Xem Roger Mehl, Le vieilissement et la mort, Paris, 1962, tr 74-75. Quan niệm này của Roger Mahl cũng là quan niệm của đa số các nhà thần học của giáo phái Tin lành gần đây. Richard Heinzmann, trong Sách đã dẫn, tr 1, có viết : « Xét về mặt triết học và thần học thì thần học Tin lành gần đây chủ trương rằng con người chết đi là hết tất cả ». Cho nên Roger Mehl nói về sự con người ta được sống lại như sau : « Khi Thiên Chúa cho người chết được sống lại, thì  thấy họ không còn có gì để làm khởi điểm cho cuộc sống mới. Chính vì họ đã hoàn toàn chết, cho nên Thiên Chúa tái tạo ra họ một lần nữa » (tr 75).

[6]  R. Heinzmann, Sđd, tr 246.

[7]  Xem J.A. Fischer, Sđd, tr 219-220

[8]  Từ ngữ « personne » (persona) rất là khó phiên dịch. Người Trung hoa dịch là « vị », như trong câu « Thiên Chủ nhất thể tam vị ». Chúng ta dịch là « ngôi », là « nhân vị », là « cá vị » thì vẫn thấy là không chỉnh. Chữ « ngôi » thì nay bên ngoài giới công giáo ra ta quen dùng trong văn phạm. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu vì sao người công giáo thế kỷ XVII lại dịch là « ngôi » và khi viết ra chữ Nôm thì viết chữ « sơn » trên chữ  « quỉ ». Còn chữ « nhân vị »  thì  chỉ có thể dùng để nói về người ta mà thôi. Chữ « cá vị » thì  có nghĩa trông trống,  gần như « đơn vị ». 

[9] Như đã viết trước đây trong bài « Cho được rỗi, được sống, cùng được sống lại ». Sự « cứu rỗi » thì người Pháp gọi là « salut », gốc từ tiếng la-tinh, có ý nghĩa là được bảo tồn, được sức khỏe, lành mạnh, lành lặn ; còn người Đức thì gọi là « Heil », do gốc « heilen » là cứu chữa cho được lành mạnh, lành lặn. Vì thế cũng là tiếng dùng để chào hỏi nhau.

[10]  Thánh Gio-an cho rằng ai tin Đức Chúa Ki-tô, thì ngay bây giờ đã có « sống muôn đời » (vie éternelle) rồi.

[11]  Xem : Ysabelle Andia, « La résurrection de la chair selon les Valentiniens et Irénée de Lyon », Les quatre fleuves, số 15-16, 1982, tr 59-70.

[12]  Xem : J.A. Fischer, Sđd, tr 219-220.

[13]  Sđd, tr 221.

[14]  Sđd, tr 222.

[15]  Xem : Henri Crouzel, « Mort et immortalité selon Origène », Bulletin de littérature ecclésiastique, 1978, tr  81-96.

[16]  Xem : Henri Crouzel, « Le thème platonicien du ‘véhicule de l’âme’ chez Origène », Didascalia , tập VII/2 (1977) tr 225-237 ; và : Jean Daniélou, « La résurrection des corps chez Grégoire de Nysse », Vigiliae christianae, tập VII/3 (1963), tr 154-170.

[17]  Ví dụ Tertullianô , De carnis resurrectione,  số 17.

[18]  Xem : Justin Mossay, La mort et l’au-delà dans saint Grégoire de Nazianze, Louvain, 1966, tr 165-166.

[19]  Tiếng Hi-lạp là « ek nekrôn » (la-tinh : « a mortuis »), dịch sát ý là « từ cõi chết », dịch sát chữ là « bởi trong kẻ chết (mà sống lại) », như ta đọc trong kinh Tin kính.

[20]  Tiếng Hi-lạp « sôma psykhikon » (la-tinh : « corpus animale ») đối lại với « sôma pneumatikon » (latinh : « corpus spiritale », dịch là « thân thể có sinh khí » đối lại với « thân thể có thần khí », thì thật là hay.

[21]  Ví dụ kiểu nói « (Đức Bà) linh hồn và xác lên trời » dùng để dịch chữ « assumptio », là kiểu giải thích có liên quan đến những biểu tượng về không gian, lại đi hơi xa vào chi tiết, cho nên có thể làm cho người ta dễ hiểu lầm.

[22]  Xem : Ton H.C. Van Eijk, La résurrection des morts chez les Pères apostoliques, Paris, Beauchesne, 1974.

[23]  Cũng như trong tiếng Việt, chữ « mình » vừa có nghĩa là « chính mình », lại vừa có nghĩa là « mình mẩy » ; chữ « thân » (Hán Việt) có nghĩa là « mình », lại cũng có nghĩa là « thân thể ».

[24]  Có thể xem bản dịch Pháp văn của Madeleine Moreau, La résurrection des morts, Paris, Desclée de Brouwer, 1980, 163 tr.  Còn bản La-tinh thì ở trong bộ sách CSEL (Corpus scriptorum ecclesiasticorum latinorum, Wien/ nước Ao), tập XLVII, tr 25-125. 

[25]  « Saluum enim hominem tribunal dei exigit ; saluum uero sone membris non licet esse » ( CSEL XLVII, tr 121. – La résurrection des morts, tr 60.

[26]  Xem : Henri Crouzel, « Les critiques adressées par Méthode et ses contemporains à la doctrine origénienne du corps ressuscité », Gregorianum, tập 53/4 (1972), tr 679-716 ; và : « La doctrine origénienne du corps ressuscité », Bulletin de littérature ecclésiastique, 1980, tr 175-200 và tr 241-266. Cũng xem : A. Michel, bài « Résurrection des morts », trong Dictionnaire de Théologie Catholique, tập XIII/2, cột 2529-2531.

[27]  A. Michel, Bài đã dẫn, cột 2531.

Tác giả: Gs. Trần Văn Toàn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!