Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Toàn
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Toàn
Minh triết dân gian Việt Nam theo cái nhìn của cố Cả (Léopold Cadière)
Giáo lý về Đức Bà Maria (Trình bày đại ý cuốn sách khảo luận của Dominique Cerbelaud)
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? 2 – Nội dung của tôn giáo: Tin gì ? và dậy gì ?
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? bài 1: Tin hay là biết ?
Tôn giáo và chính-trị
Đó là lời Chúa [1]
Tình yêu có liên quan gì đến Thiên Chúa ? Câu trả lời của Feuerbach [1]
Liên quan giữa Cái chết và vấn đề Thiên Chúa theo quan niệm của Feuerbach[1]
Ludwig Feuerbach và quan-niệm vô-thần lối mới
Vấn-đề tôn-sùng Đức Bà Maria
Ý niệm « sống lại » trong tư tưởng thánh Ambrôsiô
Ý niệm « sống lại » của các vị giáo-phụ đạo Chúa Giêsu trong bốn thế kỷ đầu kỷ nguyên
Ý niệm « sống lại » trong Thánh-Kinh Cựu Ước và trong tư tưởng Do-thái vào thời đầu Tây lịch kỷ nguyên.
Đọc cuốn sách : Faire bouger l’Eglise catholique của cha Joseph MOINGT (dòng Tên)
Đối thoại giữa các tôn giáo và hòa bình trên thế giới
Nhân đọc bài : Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính » Của ĐC Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN
Giới thiệu cuốn sách viết tay: Tam giáo chư vọng (1752) Ạ
Karl Marx phê-bình tôn-giáo
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo.
Mấy nguyên tắc về khoa học con người
Từ môn psychologie đến khoa tâm-lý-học / Những chặng đường nghiên cứu con người
Bàn về thuyết ‘’tam phụ’’ trong đạo Thiên Chúa - Một bước đi vào văn hóa Việt Nam
Thần học sau Công-đồng Vaticano II (1963-1965)
Văn hóa và Tôn giáo
TÔN GIÁO VÀ CHÍNH-TRỊ

 

Trần Văn Toàn

 Của  hoàng-đế, trả về hoàng-đế,

Của Thiên-Chúa, trả về Thiên-Chúa.

(Thánh Kinh, Tân-Ước, Tin mừng theo Thánh Mát-thêu, đoạn 22, câu 21).

 

Nhà nước mà còn cần lấy tôn-giáo làm nền tảng, thì chưa phải là nhà nước chính hiệu, đích-thực [...]. Cái gọi là nhà nước Thiên-Chúa-giáo, thực ra là nhà nước chưa được hoàn-hảo, và vì thế cần phải có Thiên-Chúa-giáo, để cho tính-chất thiếu hoàn-hảo của nó được bổ-túc và được nên thần-thiêng [...]. Cái gọi là nhà nước dân-chủ, nhà nước đích-thực, thì không cần đến tôn-giáo để làm cho nó đầy-đủ về mặt chính-trị.                           

(Karl Marx, « Về vấn-đề Do-thái (Zur Judenfrage) », 1843, MEGA = Marx - Engels GesamtAusgabe = Marx - Engels Toàn-tập), Berlin, 1982, Bộ I, Tập 2, tr. 151-152).             

Xin chú ý : Trước khi đi vào đề-tài, thiết-tưởng cũng nên nói ngay rằng những ý-kiến nêu ra trên đây về tôn-giáo và về Thiên-Chúa-giáo, đều áp-dụng được vào tất cả các ý-thức-hệ nói chung, và tất cả các tôn-giáo nói riêng, nhất là những ý-thức-hệ và tôn-giáo của nhà nước (quốc-giáo).

Hai đoạn văn trưng-dẫn trên đây, tuy cách nhau như thế là mười chín thế-kỷ, đoạn sau lấy lại lập trường đoạn trước, nhưng cùng đề xướng ra một nguyên-tắc làm tiêu-chuẩn cho tổ-chức xã-hội. Đó là nguyên-tắc phân-biệt tôn-giáo với chính-trị.

Nguyên-tắc này không phải tự-dưng mà có. Nó đã nảy-nở ra theo một quá-trình lịch-sử khá dài, dài tới hơn ba nghìn năm, và trong một khu vực văn hóa hạn hẹp. Nói thế khác, không phải thời-đại nào, không phải xã-hội nào cũng tổ-chức theo nguyên-tắc ấy. Nghĩa là : đã có, đang có và chắc sẽ còn có những xã-hội không đặt vấn-đề biệt-lập tôn-giáo với chính-trị. Mà không đặt vấn-đề như thế, thì là vì người ta chưa ý-thức được cho rõ-rệt thế nào là tôn-giáo, thế nào là chính-trị. Nói cho cùng thì đó là vì cá-nhân vẫn còn chìm sâu vào trong chu-kỳ của thiên-nhiên, còn hòa-đồng với nếp sống của tập-thể, chưa ý-thức được vai trò chủ-động của mình trong trời đất, chưa nghiệm được cho sâu-đậm thế nào là ‘’nhân linh ư vạn vật’’.

Trong tình-trạng đó, tất cả những cái sở-đắc của tập-đoàn con người ta còn làm thành một khối văn-hóa duy-nhất mà người đi trước truyền lại cho người đi sau. Tôi xin tạm gọi khối văn-hóa duy-nhất ấy là tông-giáo, theo đúng gốc chữ Hán, nghĩa là những điều mà tổ-tiên, ông tổ, ông tông, dạy lại cho người ta. Những điều đó giúp cho người ta biết cách xoay-xở để sống trong trời đất, và sống êm đẹp trong những xã-hội khác nhau. Trong khối tông-giáo ấy, có những điều phải tin, phải biết, có những cái phải kỵ, phải kiêng, rồi còn có những công-việc phải làm đối với thiên-nhiên và sự-vật, những hành-vi phải có đối với người khác và thần-linh. Ai chưa có dịp tiếp-xúc với người ở ngoài tập-đoàn, thì chỉ biết có nếp sống như thế, coi như không thể nào khác đi được. Mình thấy có bổn-phận phải biết ơn và duy-trì tất cả những cái cha ông để lại. Ai làm khác đi thì bị kết án như là đã bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ ông bà, nghĩa là bất hiếu. Đã thế, khi quan-niệm về thần-linh còn gắn liền với cái khối duy nhất đó, thì tất cả những điều phải làm, phải kiêng, phải lánh, đều được coi là mệnh-lệnh của thần-linh. Không giữ thì có lỗi.    

Dần-dần, nhân vì có giao-lưu, trao đổi giữa các dân-tộc, người ta nhận ra rằng cái khối văn-hóa của mình chỉ là tương đối. Thế rồi, lấy lý-trí mà so-sánh, mà suy-luận, người ta phân-biệt ra đâu là những kiến-thức có chứng-lý, đâu là những định-kiến còn mơ-hồ ; đồng thời phân-biệt những động-tác kỹ-thuật có công-hiệu với những cử-chỉ có tính-cách ma-thuật, với những câu thần-chú vô hiệu-quả ; và sau cùng thì trong những việc phải làm, lại phân-biệt những việc có tính-cách vệ-sinh để gìn-giữ sức khỏe với những việc tu-thân, tề-gia, trị-quốc, bình thiên-hạ, kính thần-linh.

Chính trong trường-hợp đó mà các phương-hướng trong nếp sống của người ta càng được nhận-định rõ-ràng hơn và được biệt-lập thành ra nhiều phạm-vi, có nội-dung riêng, có lý-sự riêng và nền-tảng riêng, như : khoa-học, triết-lý, luân-lý-học, tôn-giáo, chính-trị, v.v.

Vì lẽ những phạm-vi đó phát-triển từ-từ, cho nên không thể nói một cách chung-chung về tôn-giáo hay về chính-trị, như là những thực-thể từ muôn thủa vẫn như thế. Một ví-dụ : Vì trong văn-hóa Á-châu không có sẵn từ-ngữ nào để phiên-dịch chữ religion của người Âu-châu, cho nên người Tàu (và người Nhật) đã dùng tiếng đôi zong-jiào (shukyo), đọc theo dọng Hán-Việt là tông-giáo hay là tôn-giáo. Nhưng theo đúng từ-nguyên thì tiếng đôi ấy chỉ nói lên cách-thức truyền-bá những cái do tổ-tông dạy lại cho ta, chứ không nói rõ là dạy cái gì, không nói rõ cái nội-dung của nó. Vì thế tự nó không có ý-nghĩa rõ-rệt đối với những người ở trong văn-hóa Tàu. Những cái mà ta gọi chung-chung là tôn giáo, chưa chắc đã có một nội-dung tối-thiểu như nhau, như : Phật-giáo, Đạo-giáo, Khổng-giáo, Thiên-Chúa-giáo, Bạch-liên-giáo, vật-bái-giáo, v.v. Chính vì ngôn-từ có công-dụng phân-loại, cho nên khi cùng dùng một từ-ngữ, người ta dễ lầm-tưởng rằng các thứ đó đều là một loại như nhau cả, rồi cho rằng tôn-giáo nọ có thể biến-thể thành tôn-giáo kia.

Nếu trên đây tôi tạm dùng chữ tông-giáo, theo đúng nghĩa chữ Hán, để chỉ cái khối văn-hóa nguyên-thủy, thì là vì hiện nay chúng ta đều đã quen dùng chữ tôn-giáo để dịch chữ religion của người Âu-châu. Nhưng nói cho cùng thì nhiều người Tây-phương cũng không có quan-niệm rõ-rệt lắm, cho nên hiện nay người ta còn tranh-luận xem có nên gọi mấy học-thuyết mới được chế ra là tôn-giáo hay không, có người còn cho rằng ma-thuật cũng là tôn- giáo nữa. Vì thế khi triết-học hay khoa-học bàn về tôn-giáo, thì cần phải xác-định mình coi bản-chất nó là như thế nào. Nếu không, sẽ có nhiều hiểu lầm tai hại, vì chưa chắc hai nhà nghiên-cứu cùng nói về một đối-vật như nhau.

Chúng ta cũng quen dùng chữ đạo là đường đi, cách ăn ở, để dịch chữ religion. Như thế có lẽ hay hơn, vì nói lên nội-dung của nó. Trong sách Phép giảng tám ngày (Rôma, 1651), giáo-sĩ Alexandre de Rhodes dùng chữ đạo để dịch chữ la-tinh lex, đúng nghĩa là luật phải giữ, con đường phải đi ; lại dịch chữ la-tinh secta là giáo [1].

Ý-thức được rằng cần phải phân-biệt tôn giáo với chính-trị, đó là một truyện, nhưng thực-hiện được hay không, được nhiều hay ít, đó lại là truyện khác, vì nó còn tùy-thuộc vào nhiều điều-kiện lịch-sử và văn-hóa của các dân tộc, có lúc lên lúc xuống. Khó thực hiện nữa là vì tính ù-lỳ không muốn thay đổi, nhưng cũng còn là vì có người thấy rằng không phân-biệt thì mình có lợi thế hơn. Tôi không có ý tìm một cách tỉ-mỉ xem nguyên-tắc đó được thực-hiện trong lịch-sử như thế nào, vì nó thuộc về sở-trường của các sử-gia.

Hiện nay, nói chung thì những quốc-gia thực-hiện được kha-khá nguyên-tắc phân-biệt tôn-giáo với chính-trị, thì đều nằm trong khu-vực văn hóa Âu-châu. Vì sao thế ? Theo thiển-ý thì có hai yếu-tố đã làm cho họ đặt ra lý-tưởng : một là văn-hóa Hi-lạp và Rô-ma, hai là quan-niệm nhất-thần của Do-thái-giáo và Thiên-Chúa-giáo. Theo giả-thuyết đó tôi xin trình bầy sau đây mấy chặng đường quyết-định trong việc hình-thành nguyên-tắc phân-biệt tôn giáo với chính-trị

 

1-    Yếu-tố duy-lý trong văn-hóa Hi-lạp

 Quan-niệm đòi-hỏi biệt-lập tôn-giáo với chính-trị đã nảy-nở ra trong hoàn-cảnh lịch-sử và văn-hóa đặc-biệt của người Hi-lạp thời thượng cổ.

Đã từ lâu các sử-gia thường nói về sự bộc-phát vào thời đó của tư-tưởng Hi-lạp trong phạm-vi duy-lý của triết-học và khoa-học, coi đó như là một hiện-tượng cực lạ. Lại có những người không đồng-ý, cho rằng không có gì lạ cả, vì họ cho rằng người Hi-lạp đã học lại được nhiều kiến-thức của người miền cực-tây châu Á, nhất là miền Lưỡng-hà-địa, lại còn học của người Ai-cập nữa. Gần đây lại có thêm một ít học-giả người Phi-châu, rất khó chịu khi nghe nói người Phi châu chậm tiến về văn minh, cho nên tuy chưa có chứng lý nhưng vẫn tuyên-bố rằng người Ai-cập còn chịu ảnh-hưởng của người da đen Phi-châu nữa, cho nên Phi-châu mới thực là nguồn gốc của văn-hóa Hi-lạp. Nhưng cho dù có tìm ra được chứng cớ, thì thiết-tưởng cái đó cũng không thành vấn-đề. Thực thế, ai lại không biết rằng người ta thâu lượm và chồng-chất kinh-nghiệm và kiến-thức qua bao nhiêu thế-hệ, bao nhiêu thế kỷ. Thâu lượm được ít hay nhiều là tùy vào khả-năng của từng dân-tộc, vào sự giao-lưu giữa các dân-tộc. Nhưng có chồng chất bao nhiêu đi nữa, mà thiếu phương-pháp để phân-biệt và tổng-hợp cho có thứ-tự mạch-lạc, thì chỉ thêm lộn-xộn, chứ không sao thành-lập được khoa-học và lối suy-tư hợp lý. Và đây mới là điểm đặc-biệt làm cho văn-hóa Hi-lạp đáng chú-ý.

Trong cuốn sách Nguồn gốc tư-tưởng Hi-lạp (1962), học-giả người Pháp Jean-Pierre Vernant có viết trong phần kết-luận : ‘’Trong văn hóa Hi-lạp, cái Lý thực ra đã được thiết-lập, hình-thành và được trình-bầy ra trước tiên là ở bình-diện chính-trị. Kinh-nghiệm về đời sống xã-hội đã được người Hi-lạp  đặt làm đề-tài để tích-cực suy-luận, vì trong đời sống của tổ-chức thị-xã (polis), kinh-nghiệm ấy đã được đặt làm đề-tài để công-chúng thảo-luận. Tư-tưởng huyền-thoại bắt đầu xuống dốc khi mà các nhà hiền-triết bắt đầu bàn-luận về trật-tự trong xã-hội, tìm cách xác-định xem nó là gì, và diễn-tả nó bằng những công-thức mà ai có trí khôn đều hiểu được cả, đồng thời áp-dụng vào đó phép đo-lường lấy số-lượng làm tiêu-chuẩn. Từ đó mới xác-định ra một đường-lối tư-tưởng chính-trị biệt-lập ra bên ngoài tôn-giáo’’ [2]. Sau đó mới bắt đầu suy-luận về vũ-trụ, và thành-lập triết-học và khoa-học.

Thời-điểm quyết-định của bước tiến đó là vào khoảng thế-kỷ XII trước Tây-lịch kỷ-nguyên, khi mà ở đất Hi-lạp thế-lực và văn-hóa Mykênai (Mycènes) bị chi-tộc Đoria (Doriens) từ miền Tây-bắc tràn xuống làm sụp-đổ.

Trước thời đó thì trong vòng ba thế-kỷ, quyền-lực trong xã-hội đều tập-trung trong tay nhà vua. Một mình nhà vua nắm trong tay cả binh-lực lẫn kinh-tế, lại giữ độc-quyền về việc tôn-giáo. Những người làm việc cho nhà vua chưa phải là công-dân hay công-chức như trong một xã-hội tự-do bình-đẳng, nhưng chỉ là thần dân, là tay sai, gọi dạ bảo vâng mà thôi. Trong chế-độ quân-chủ tuyệt-đối như thế, cung-điện nhà vua là trung-tâm của đời sống xã-hội. Sau khi chế-độ ấy sụp đổ thì lớp quí-tộc đứng ra tổ-chức xã-hội và phân-tán quyền-lực ra làm ba chức-vụ chuyên-môn : a) có người chuyên-môn việc tế-tự trong tôn-giáo, b) có người chuyên nghiệp đánh giặc nơi chiến-trường, và sau cùng thì c) có người chuyên-môn cầy ruộng ngoài đồng[3]. Từ đây trung tâm đời sống xã-hội không còn phải là cung-điện nhà vua, nơi truyền lệnh cho bá tánh, nhưng là công-trường (agora), nơi các công-dân hội họp, bàn-bạc và quyết-định. Chế-độ dân-chủ của thị-xã được thành-lập.

Người Hi-lạp gọi thị-xã của họ là polis, gọi những hoạt-động có liên-can đến việc tổ-chức thị-xã là politikê, nay ta phiên-dịch là chính-trị. Còn chế-độ dân-chủ của thị-xã thì gọi là politeia. Vào thời đó, người La-tinh ở Roma cũng có chế-độ tương-tự, trong đó xã-hội được coi là của chung, còn công việc tổ-chức xã-hội thì gọi là việc chung (res publica). Mấy từ-ngữ đó được truyền sang các ngôn-ngữ Âu-châu. Vì thế ngày nay họ gọi những người có nhiệm-vụ giữ trật-tự trong xã-hội là police, tức là công-an hay là cảnh-sát. Còn chế-độ cộng-hòa thì người Hi-lạp vẫn còn gọi nó là politeia, các dân-tộc Âu-châu khác thì gọi là république, Republik, v .v.

Từ nay việc tổ-chức xã-hội không còn căn-cứ vào lệnh trên truyền xuống của thần-linh, vào sức mạnh của người giữ binh-quyền, hay là vào sức ép của những người có nhiều tài-sản, nhưng nhất-thiết đều  tùy vào sự đồng-ý của người trong xã-hội, được diễn-tả ra bằng lời nói, sau khi đã dùng lời nói để tranh-luận. Như thế là chế-độ thị-xã đã biệt-lập tôn-giáo với chính-trị và thành ra môi-trường sinh-hoạt của những con người tự-do bình-đẳng, biết dùng lời nói và lý-sự làm phương-tiện độc-nhất để thuyết-phục nhau[4] 

Theo như học-giả Vernant thì có ba đặc-điểm trong văn-hóa thị-xã của Hi-lạp. Một là dành phần ưu-tiên cho lời nói lý-sự. Lời nói không còn phải là lời thần dậy thánh phán, không phải là lời thần-chú để làm ra các phép thần-thông, không phải là lời ra lệnh từ trên xuống dưới, nhưng là lời trao đổi bàn cãi trên bình-diện lý-sự, để phân-biệt cái đúng với cáí sai. Hai là đời sống chính-trị có tính cách công-cộng, không có gì ám-muội phải che đậy, mọi người có thể tham-gia vào được cả. Vì tôn-giáo đã tách rời ra khỏi chính-trị, cho nên có thể có nhiều hội-đoàn tôn-giáo mà không cái nào bị chính-trị chi-phối. Ba là người trong xã-hội, theo một quan-điểm nào đó, phải giống nhau , tham-gia như nhau vào việc chung.

Chính trong môi-trường văn-hóa như thế mà các triết-gia như Platon, Aristoteles, đã soạn ra những luận-thuyết về phép tổ-chức nhà nước, về chính-trị, chỉ căn cứ vào lý-trí, chứ không tựa vào quan-niệm tôn-giáo nào cả.

Cũng cần phải nói lên rằng chế-độ dân-chủ ấy, ở Hi-lạp cũng như ở Roma, chỉ thịnh-hành được hơn thế-kỷ, cho đến khi có những chính-khách như Caesar, như A-lịch-sơn (Alexandre) đại-đế, phế bỏ những thị-xã nhỏ bé, và thành-lập đế-quốc rộng lớn, bao trùm nhiều dân-tộc có văn-hóa và ngôn-ngữ khác nhau. Lúc đó nhà cầm quyền lại muốn trở về quan-niệm ngày xưa, pha trộn tôn-giáo với chính-trị, thậm chí có những đại-đế Roma bắt buộc thần-dân suy-tôn mình là thần-linh nữa. Cho nên dự-định biệt-lập tôn-giáo với chính-trị phải chờ khi có điều-kiện thuận-tiện, ở thời cận-đại, mới lại phát-triển được.

 

2-    Ảnh-hưởng của đạo Do-thái và đạo Thiên-Chúa 

Chủ-trương biệt-lập tôn-giáo với chính-trị ở Âu-châu còn do một nguồn-gốc thứ hai, mà ít ai ngờ tới, đó là đạo Do-thái và đạo Giê-su[5]. Tôi xin giải-thích như sau.

Theo thường tình thì khi gặp một hiện-tượng, một sự-vật hay một nhân-vật khác thường, có tác-động hữu-hiệu một cách lạ-lùng, thì người ta đều cho là thiêng, là linh, là thần-linh cả. Những người quá-cố cũng lại linh lại thiêng nữa. Cho nên quan-niệm rằng vũ-trụ này đầy-dẫy những thần-linh vô vàn vô số. Ngoài những vị đó, người ta còn cúng bái vị thần của riêng bộ-lạc mình. Người Do-thái trong buổi đầu chỉ thờ một thần của bộ-lạc mình là Gia-vê, nhưng dần-dần nhận định ra rằng chỉ có một vị thần duy-nhất chung cho tất cả loài người. Vị thần ấy là tuyệt-đối vô song, khác hẳn các sự-vật và nhân-vật trong vũ-trụ. Đó là vị Thiên địa chân Chúa, vị Chúa thật trời đất.

Quan-niệm đó có ba hiệu-quả : một là không có sự-vật nào trong trời đất (như mặt trời, mặt trăng, tinh-tú, loài vật, cây-cối, v.v.) được coi là thần-thiêng ; hai là không có nhân-vật nào đưọc coi là thần-linh ; ba là cái sinh-lực phồn-thực trong vũ-trụ này cũng không phải là thần-thiêng nữa. Nghĩa là ngoài Thiên-Chúa ra, thì không ai, không cái gì được thờ-phụng cả.

Xét riêng về bình-diện chính-trị thì trong xã-hội Do-thái không có vua chúa nào được coi là thần-linh hay là thiên-tử cả. Quyền-bính của nhà vua từ nay không còn cái nền tảng thần-thiêng, rồi cá-nhân của nhà vua cũng không có gì là thần-thánh. Đặc biệt nhất là khi đọc thánh-kinh của người Do-thái, ta không thấy có câu nào suy-tôn nhà vua như là một vị thần, hay là thuộc dòng-dõi thần-linh. Mà ngược lại, ví dụ như trong các sách nói về lịch-sử các vua (như hai quyển Sách Sa-mu-en và hai quyển Sách các vua), ta thấy các vua cũng có đủ các tật xấu như ai, cũng gian-dối, cũng độc-ác, cũng ngoại-tình lung tung, có vua là con ngoại tình nữa, nghĩa là chẳng có gì là thần-thánh cả. Các vua được như thế là vì Đức Chúa cho như thế, và các vua cũng không được tự-tiện muốn làm gì thì làm, vì có luật phải giữ.

Lập-trường đòi biệt-lập tôn-giáo với chính-trị của người Do-thái sinh ra hai hiện-tượng đáng chú-ý. Một là : trong lịch-sử dân-tộc Do-thái từ ba nghìn năm nay, quốc-gia chỉ độc-lập chừng độ hai, ba thế-kỷ, còn ngoài ra thì lệ-thuộc vào các đế-quốc chung quanh, như A-xy-ri, Ba-by-lon, Ba-tư, Hi-lạp, Ro-ma, và đế-quốc Hồi-giáo của ngườì Thổ-nhĩ-kỳ ; thế mà vẫn duy-trì được tôn-giáo của mình. Hai là : Chính vì không coi vua chúa và các người cầm quyền là thần-linh tuyệt-đối, cho nên vào thời cận-đại có nhiều người Do-thái tham gia tranh-đấu cho phong trào dân-chủ xã-hội, và Karl Marx là một trường-hợp điển-hình.

Lập-trường đó đã được Đức Giê-su, giáo-tổ xuất-thân từ đạo Do-thái, tiếp-tục giảng-dậy, như trong câu trưng-dẫn ở đầu bài này. Môn-đồ của ngài trong mấy thế-kỷ đầu kỷ-nguyên và từ sáu, bẩy thế-kỷ nay, đều sống trong những chế-độ chính-trị khác nhau, mà không cho rằng tôn-giáo của mình bó buộc phải hòa-đồng với một chế-độ nào. Ngay cả trong mươi thế-kỷ thời trung-cổ, tuy rằng tôn-giáo thường đi đôi và nhiều khi đồng-nhất với chính-trị, nhất là khi phải đoàn-kết chống ngoại xâm, nhưng trên nguyên-tắc vẫn phân-biệt được hai phạm-vi đó. Thế mới biết là việc thi-hành nguyên-tắc đó không phải là dễ.

 

3-    Khuynh-hướng lẫn-lộn thần-quyền với thế-quyền 

Khi đạo Giê-su được giảng ra ngoài đất Do-thái, thì nguyên-tắc biệt-lập tôn giáo với chính-trị của người Hi-lạp đã bị bỏ rơi trong đế-quốc Hi-lạp và đế-quốc Rô-ma. Cho đến nỗi, như đẵ nói trên đây, có hoàng-đế Rô-ma bắt thần-dân suy-tôn mình là thần-linh. Cũng như người Do-thái đương-thời, môn-đồ của Đức Giê-su làm thần-dân của hoàng-đế, nhưng không bao giờ chịu thờ các vị đó như là thần-linh. Chính vì thế mà đã có những cuộc bách-hại đẫm máu.

Đàng khác, tôn-giáo cổ-truyền của Hi-lạp và Rô-ma thời đó cũng đã từ lâu bị các nhà tư-tưởng duy-lý phê-bình, cho nên không còn bao nhiêu ảnh-hưởng, nhất nữa là vì người ta không còn là công-dân chung nhau lo việc nước, nhưng chỉ còn là thần-dân của hoàng đế, thay vì lo việc công, thì để tâm lo việc tư, lo cho số-phận riêng của mình. Các tôn-giáo có tính-cách giải-thoát cá-nhân từ miền Cực-tây châu Á tràn sang, trong đó có đạo Do-thái và đạo Giê-su Ki-tô, lại được người ta theo. Dĩ nhiên là môn đồ của Đức Giê-su không nghĩ đến việc pha trộn tôn-giáo với chính-trị, vì vấn-đề nguyên-tắc và cũng vì họ là thiểu-số.

Nhưng tình-thế biến-đổi sau khi, vào thế-kỷ IV, hoàng-đế Constantin theo đạo Giê-su và cho được hưởng tự-do tôn-giáo, và nhất là sau khi hoàng-đế Theodose tuyên-bố đạo Giê-su Ki-tô là quốc-giáo, và cho nhiều đặc-ân, làm cho người có đạo bám chặt vào chính-quyền. Như thế tôn-giáo được dùng như một yếu-tố văn-hóa thống-nhất đế-quốc và để biện-chính cho chính-quyền. Sau đó đế-quốc bị chia làm hai, theo ngôn-ngữ hai miền, miền Đông nói tiếng Hi-lạp và miền Tây nói tiêng La-tinh. Giáo-hội miền đông gọi là giáo-hội chính-thống, tuy có phân-biệt thần-quyền với thế-quyền, nhưng trong thực-tế thì tùy thuộc vào nhà cầm quyền, bất kể là chế-độ nào, như hoàng-đế Hi-lạp, hoàng-đế Thổ-nhĩ-kỳ, hoàng-đế Nga hay là chính-quyền Liên-Xô sau này. Cũng vì thói quen như thế mà ngày nay người cộng-sản theo ảnh-hưởng văn-hóa Nga, đều nghĩ rằng nhà nước đứng trên tôn-giáo là lẽ đương-nhiên[6]. 

Thế nhưng ở miền Tây-Âu, Giáo-hội quen gọi là Công-giáo thì lại có một lịch-sử khác và một mối liên-quan khác đối với chính-quyền.

Thực thế, ở miền Tây-Âu, đế-quốc Rô-ma bị người man-di Nhật-nhĩ-man (German) xâm-lấn và chiếm đóng, nhà nước bị tan rã, những đầu-mục võ biền, kém văn-hóa, nhiều khi không biết chữ, đứng ra cai-trị. Họ cần đến giáo-sĩ và các tu-sĩ công-giáo, là những người biết chữ, biết văn-hóa la-tinh, gíúp đỡ họ trong việc cai-trị, dậy cho họ tiếng la-tinh để thâu nhận lấy văn-hóa cổ-điển. Vì thế mà giáo-hội Rô-ma la-tinh rất có uy-tín, vì vừa là mẹ dậy cho biết đạo, vừa là thầy giáo-hóa cho các dân-tộc ở Tây-Âu. Theo nguyên-tắc thì thần-quyền được biệt-lập ra ngoài thế-quyền, nhưng cá nhân không sao tránh đụng-chạm, vì bên nào cũng muốn thắng thế và lợi-dụng bên kia. Vào quãng thế-kỷ XI trở đi thì giáo-quyền thắng thế. Và vì thế có nhiều lạm-dụng do tinh-thần thế-tục tràn vào hàng giáo-sĩ. Có nhiều cuộc canh-tân nhưng không thành. Mãi tới đầu thế-kỷ XVI, cuộc canh-tân tôn-giáo do Luther đề-xướng mới thành-công, và tông-phái Tin-lành ly-khai ra khỏi giáo-hội Công-giáo Rô-ma. Cuộc tranh-chấp giữa đôi bên trở thành chiến-tranh tôn-giáo, khá lâu nhưng bất phân thắng phụ. Dần-dần đi đến chỗ thỏa-hiệp, ngừng chiến. Nhưng đó cũng là thời-kỳ thành-lập các quốc-gia Âu-châu, như Pháp, Anh, Đức : vua chúa thường có thái độ mâu thuẫn, là vừa muốn phế bỏ đòi hòi của giáo-quyền, lại vừa muốn giáo-quyền công-nhận quyền-bính của mình là thần thiêng. Ví dụ trường hợp đại đế Napoléon của nước Pháp.

Hiệu-quả của cuộc chiến-tranh tôn-giáo là làm cho các triết-gia suy-nghĩ nhiều về chính-trị, để tìm ra một chế-độ nào có thể làm cho người ta sống chung được với nhau, mà không sát-hại nhau vì lý do khác tôn giáo. Từ đây người ta có ý-kiến rằng chính-trị là việc chung, việc công, còn tôn-giáo là  việc  riêng, việc tư. Như thế tức là trở lại những suy-tư về nhà nước, mà không xét gì đến tôn-giáo, như ngườì Hi-lạp trước đó 18 thế-kỷ đã làm (Platon, Aristoteles). Nhà tư-tưởng Hòa-lan Hugo Grotius (1583-1645) chủ trương rằng phải suy-tư về nhà nước, theo nguyên tắc “etsi Deus non daretur” hiểu theo hai nghĩa : a) “như thể là không có Thiên-Chúa” và b) “cho dù không có Thiên Chúa”. Tiếp theo đó, các triết-gia quan-tâm đến chính-trị như Thomas Hobbes (1588-1679), John Locke (1632-1704), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), v.v. đều kiến-tạo nên những lý-thuyết về nhà nước, chỉ căn-cứ vào nhu-cầu và đòi-hỏi của con người, vào hợp-đồng xã-hội, chứ không còn tựa vào những nguyên-tắc tôn-giáo nữa. Hiệu-quả của những lý-thuyết đó là Cách-mạng Pháp (1789), lật đổ chế-độ cũ, vừa là quân-chủ độc-đoán, vừa tựa vào đạo Thiên-Chúa. Cho nên câu trưng-dẫn của Karl Marx ở đầu bài này là lời phê-bình chính-sách nước Phổ (Preussen/Prusse), lúc đó vẫn còn là chế-độ cũ, như trước Cánh-mạng Pháp.

 

4-    Vấn-đề hôm nay 

Ngày nay trên thế-giới, hai thế-kỷ sau Cách-mạng Pháp, vẫn còn nhiều quốc-gia chưa thực-hiện dân-chủ bình-đẳng, thậm chí còn nhiều nước độc-tôn một tôn-giáo làm quốc-giáo, và nếu không cấm-cách thì cũng kỳ-thị những tôn-giáo khác và những người vô-tôn-giáo. Thiết-tưởng nếu không vì lợi, thì cũng là vì họ không có điều-kiện văn-hóa và lịch-sử thuận-lợi của xã-hội Âu-châu, như đã nói trên đây, để ý-thức được rằng cần phải biệt-lập tôn giáo với chính-trị. Cho nên dù có nghe nói, cũng không hiểu ra sao cả. Nhiều khi họ còn coi một tôn giáo phổ biến cho cả nhân loại như là của riêng dân tộc. Đó là một yếu-tố còn lâu-dài đe-dọa hòa-bình thế-giới.

Có điều cần phải chú-ý là : trong thời cận-đại, chủ-trương biệt-lập tôn-giáo với chính-trị đã được đề-xướng lên trong xã-hội Thiên-Chúa-giáo Âu-châu, do những người theo đạo ấy. Dĩ nhiên là khi chủ-trương ấy được áp-dụng do những người đã bỏ hay là chống tôn-giáo, thì nó sẽ theo một con đường khác.

Có thể nói là ngày nay phần nhiều các nước Âu-châu thực-hiện dân-chủ và biết biệt-lập tôn-giáo với chính-tri một cách khá thỏa-mãn, cho nên duy-trì được hòa-bình. Tuy vậy thỉnh-thoảng vẫn còn có lúc trục-trặc, nhất là ở nước Pháp. Cũng dễ hiểu. Đó là vì trong xã-hội có nhiều thành-phần, tuy rằng cùng đồng-ý chủ-trương biệt-lập tôn-giáo với chính-trị, nhưng lại không hiểu vấn-đề theo một lối như nhau. Thực vậy, có một số người vô-tôn-giáo cho rằng cần phải cấm chỉ các tôn-giáo, vì đó chỉ là mê-tín ; có một số khác chủ-trương tự-do tư-tưởng, cho nên đồng-ý phải có tự-do tôn-giáo, cũng như phải có tự-do vô-tôn-giáo ; có người cho rằng tôn-giáo là vấn-đề cá-nhân cho nên phải để tự-nhiên không cho tuyên-truyền tôn-giáo ; có người khác cho rằng tuy tôn-giáo là do cá-nhân tự-do định đoạt, nhưng nếu không nghe nói đến, thì tự-nhiên chẳng ai có tôn-giáo nào cả, cũng như chẳng ai có văn-hóa nào cả. Lại có một số người không muốn biệt-lập tôn giáo với chính-trị, nhưng họ không có ý-kiến gì rõ-rệt về việc tổ-chức nhà nước sao cho những người khác tôn-giáo, hay là không tôn-giáo, có thể chung sống hòa-bình và liên-đới với nhau.

Không giải-quyết vấn-đề cho ổn-thỏa, thì xã-hội sinh ra bất công, lộn-xộn : hiện nay còn có những nước bắt người ta phải theo một quốc giáo, ai không nghe thì bị kỳ thị, bị bắt chẹt, bị vu khống, có khi đến mất mạng. Rồi kẻ này hăm-he thánh-chiến để bảo-vệ tôn-giáo, kẻ khác hễ thấy người ta động đến mình vì lẽ này lẽ khác thi cứ la làng, rằng là có cấm đạo, là có pháp-nạn, rồi hô-hào liên-đới quốc-tế, v.v.  Thêm vào đó thì ai cũng biết là phản ứng của con người ta không phải là phản ứng của sự vật, nhưng là phản ứng tùy theo ý nghĩa mà người ta gán cho sự vật hay sự kiện. Chính vì thế mà người ta có thể nói dối, vu khống cho nhau, đánh lừa nhau, để xách động quần chúng, như ta thường thấy, nhất là trên bình diện chính trị.

Giải-quyết vấn-đề thế nào cho phải, cái đó còn tùy vào trình độ ý-thức của người trong nước, và nhất là vào thái-độ thực-tiễn, khôn-ngoan và công-bình của người có trách-nhiệm trong nước.


 

[1]  Người  Do-thái gọi tôn giáo của họ là « Thora », dịch sang tiếng Hi-lạp là « Nomos » (lề luật), sang tiếng La-tinh là « Lex » (cũng là lề luật).

[2]  Les origines de la pensée grecque, tái-bản tại Paris, Presses Universitaires de France, 1983, trang 131-132.

[3]  Thời Trung cổ người ta gọi ba giai cấp đó là : oratores, bellatores, và aratores.

[4]  Có điều đáng chú- ý là : trong tiếng Hi-lạp từ ngữ  logos vừa có nghĩa là lời nói, vừa có nghĩa là cái lý sự mà người ta thấy tiềm-tàng trong sự-vật hay là trong hành-động, lại còn có nghïa là từ ngữ, câu nói, tin tức, phép tính toán. Cho nên khoa-học có liên-quan đến nó thì gọi là logikê. Người Tàu, có lẽ vì chưa suy nghĩ chín-chắn về tiềm lực chữ lý, cho nên hấp-tấp phiên-âm đại ra là luó-jí  (Hán-Việt là la-tập !), rồi có người Việt cũng hiếu kỳ bắt chước phiên-âm ra là lôgích, đọc  ra tiếng Việt thấy nó thật là bí-hiểm, mà không thấy có âm-hưởng gì dễ hiểu như những từ-ngữ : lý-trí, lý-học, luận-lý-học, lý-sự, đáo-lý, đáng lý ra, v.v.

[5] Đạo Giê-su Ki-tô (đọc theo dọng Hán-Việt là Gia-tô Cơ-lợi-tư-Đốc), thì ở Việt-Nam đã quá quen gọi là đạo Thiên-Chúa. Như thế không phải là sai, nhưng ngoài ra còn có đạo Do-thái và đạo Hồ-hồi cÛng tin thờ một Thiên Chúa. Thiết tưởng từ nay cũng nên gọi lại cho đúng. Trong đạo Giê-su thì tông-phái Công-giáo du-nhập vào Việt-Nam trước tiên vào thời Nam Bắc phân-tranh, chúa Trịnh đàng ngoài, chúa Nguyễn đàng trong

[6] Truyền-thống Trung-quốc và Việt-Nam cũng tương-tự : vì nhà vua có ban sắc phong cho vị thần nào thì vị đó mới được  thờ trong các đền, cho nên nhà vua, ví dụ như vua Minh Mạng đã tuyên bố mình là chủ bách thần.

 

Tác giả: Gs. Trần Văn Toàn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!