Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gs. Trần Văn Toàn
Bài Viết Của
Gs. Trần Văn Toàn
Minh triết dân gian Việt Nam theo cái nhìn của cố Cả (Léopold Cadière)
Giáo lý về Đức Bà Maria (Trình bày đại ý cuốn sách khảo luận của Dominique Cerbelaud)
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? 2 – Nội dung của tôn giáo: Tin gì ? và dậy gì ?
Tôn giáo hay là tín ngưỡng ? bài 1: Tin hay là biết ?
Tôn giáo và chính-trị
Đó là lời Chúa [1]
Tình yêu có liên quan gì đến Thiên Chúa ? Câu trả lời của Feuerbach [1]
Liên quan giữa Cái chết và vấn đề Thiên Chúa theo quan niệm của Feuerbach[1]
Ludwig Feuerbach và quan-niệm vô-thần lối mới
Vấn-đề tôn-sùng Đức Bà Maria
Ý niệm « sống lại » trong tư tưởng thánh Ambrôsiô
Ý niệm « sống lại » của các vị giáo-phụ đạo Chúa Giêsu trong bốn thế kỷ đầu kỷ nguyên
Ý niệm « sống lại » trong Thánh-Kinh Cựu Ước và trong tư tưởng Do-thái vào thời đầu Tây lịch kỷ nguyên.
Đọc cuốn sách : Faire bouger l’Eglise catholique của cha Joseph MOINGT (dòng Tên)
Đối thoại giữa các tôn giáo và hòa bình trên thế giới
Nhân đọc bài : Giải quyết vấn đề tranh luận « đồng bản thể » hay « đồng bản tính » Của ĐC Bùi Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN
Giới thiệu cuốn sách viết tay: Tam giáo chư vọng (1752) Ạ
Karl Marx phê-bình tôn-giáo
Hành-trình vô-thần của Karl Marx khi còn thanh-niên qua những sách đọc tham-khảo về tôn-giáo.
Mấy nguyên tắc về khoa học con người
Từ môn psychologie đến khoa tâm-lý-học / Những chặng đường nghiên cứu con người
Bàn về thuyết ‘’tam phụ’’ trong đạo Thiên Chúa - Một bước đi vào văn hóa Việt Nam
Thần học sau Công-đồng Vaticano II (1963-1965)
Văn hóa và Tôn giáo
GIÁO LÝ VỀ ĐỨC BÀ MARIA (TRÌNH BÀY ĐẠI Ý CUỐN SÁCH KHẢO LUẬN CỦA DOMINIQUE CERBELAUD)

Trần Văn Toàn

Trong số 215 (02/02/2014) đặc san Giáo Sĩ Việt Nam đã đưa lên mạng lưới bài « Vấn đề tôn sùng Đức Bà Maria » ,đã in năm 2003 trong tạp chí TRIẾT ĐẠO (Hoa Kỳ). Vấn đề được đặt ra nhân dịp đọc ba tài liệu của hai nhà thần học là Tissa Balasuriya và Bruno Chenu, và của vị Hồng-y Ratzinger (sau này là đức giáo tông Biển-Đức XVI). Về cuối bài, trong phần Tái bút, tôi mới chỉ nhắc đến tên cuốn sách nghiên cứu rất công phu của nhà thần học Dominique Cerbelaud thuộc dòng Đa-minh, là : Marie, Un parcours dogmatique, TS Cogitatio fidei, số 232, NXB Cerf, Paris, 2004. Nay xin trình bày đại ý cuốn sách để tu bổ hồ sơ cho  đầy đủ hơn.

Trái lại với trường hợp Balasuriya đã bàn trước đây (đã bị rút phép thông công lầm trong một năm), Cerbelaud chỉ mới bị môt vài người bên Pháp lên tiếng là không đồng ý, nhưng không sao cả, vì chưa có vị nào đưa ra được lý do gì để làm khó dễ.

Sau đây xin trình bày mấy đề tài cốt yếu của cuốn sách, rồi đưa ra một vài nhận xét, để ai nấy rộng đường suy xét về vấn đề tôn sùng Đức Bà Maria, sao cho hợp với Phúc âm[1] và với giáo lý. 

1 – Giáo lý và các lối sùng đạo

Trong bài viết trưóc đây, tôi đã đưa ra mấy lý do làm cho lối sống đạo của dân công-giáo hơi thiếu thăng bằng : một là quan-niệm thần-học đã có chỗ lệch-lạc, hai là vì không tham-gia được vào lễ-nghi cử-hành bằng tiếng La-tinh. Có thể nói thêm là còn vì thiếu bản dịch Thánh-kinh ra tiếng Việt, cho nên không tiếp-xúc được thẳng với lời Chúa. Và vì thế hay hội nhập văn hóa, bằng cách tựa theo tôn-giáo bình-dân cổ-sơ mà thờ-phượng và tôn-sùng. Cái lệch lạc nói đây là ở chỗ người ta quên, không để ý đến Chúa Giêsu Ki-tô là môi giới độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người, cho nên tìm nhiều môi giới khác : trên trời thì có Đức Bà và các thánh, dưới đất thì có vị giáo tông, đôi khi được coi như là đại diện Chúa Ki-tô đang ở dưới đất này.

Trong chương IV, tác giả Cerbelaud nhận định là giáo lý và các lối sùng đạo phải đi đôi với nhau. Thường thì giáo lý phải là tiêu chuẩn định hình và kiểm soát cho các lối sùng đạo và sống đạo, nhưng khi các lối sùng đạo bộc phát trong dân gian lại định hình cho giáo lý, thì thật là có vấn đề. Vấn đề là sau bao nhiêu thế kỷ các lối sùng đạo bộc phát mạnh mẽ như thế, nếu không căn cứ vào tiêu chuẩn Phúc âm, thì  dần dần rất dám có khuynh hướng chuyển thành những tín điều trong giáo lý. 

11 – Đặt thêm các ngày lễ trong phụng vụ.

Cerbelaud nhận định rằng trong ba thế kỷ đầu tiên của giáo hội, thì các ngày lễ và lễ nghi đều đặt trọng tâm vào công việc chuộc tội của Chúa Ki-tô, và thỉnh thoảng có nói đến Đức Bà, nhưng là như vai trò phụ thuộc.

Riêng tôi, tôi dám chắc là Đức Bà cũng chẳng có lấy gì làm tủi phận, vì chính người đã khiêm tốn mà thưa rằng : « Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời ». Nhưng rồi trong những thế kỷ tiếp theo đó đã có những thay đổi lớn. Theo như tôi hiểu thì có lẽ vì những cuộc tranh cãi về Đức Ki-tô trong tín lý của các nhà thần học, thì quá sức trừu tượng đối với giáo dân ít học, cho nên lòng sùng đạo dần dần chuyển hướng về Đức Bà và các thánh. Và vì trong Phúc âm rất ít nói về Đức Bà, cho nên người sùng đạo về tìm trong văn chương bình dân với khá nhiều sách « ngoại thư » (apocryphes)[2], giầu tưởng tượng, đã viết ra sau Phúc âm khá lâu.

Trước khi trở lại với Cerbelaud, thiết tưởng cũng nên chú ý rằng cuốn lịch của giáo hội thì gồm có hai phần. Phần thứ nhất gọi là « temporal », kỳ niệm ơn cứu chuộc, chia ra làm hai mùa : mùa Phục sinh, sửa soạn từ mùa chay, qua mùa thương khó, cho đến khi hoàn thành vào lễ Phục sinh, lễ ĐCG lên trời, rồi lễ ĐCTT hiện xuống ; và mùa Giáng sinh, sửa soạn từ mùa  « vọng » cho đến lễ Ba Vua. Phần thứ hai gọi là « sanctoral », kỷ niệm các thánh đã được nhờ ơn Chúa cứu chuộc. Phần này đã được rất mực phát triển, và các giáo tông, nhất là Đức Gio-an Phao-lô đệ nhị, đã tuyên thánh cho rất nhiều tôi tớ của Chúa.

Chỗ đứng của Đức Bà chính ra là ở phần thứ hai này, nhưng, như Cerbelaud trình bày, từ thế kỷ thứ IV trở đi, khuynh hướng tôn vinh Đức Bà đã dần dần đưa chỗ đứng của người về phần thứ nhất.

Vào năm 336, giáo hội đặt lễ Giáng sinh (Đức Bà sinh ĐCG nơi hang đá) vào ngày 25 tháng 12 dương lịch, vốn là ngày lễ mừng mặt trời của người ngoại đạo. Từ đó, tính ngược lên chín tháng, ngày 25 tháng 3 phải là lễ Truyền tin. Rồi 40 ngày sau lễ Giáng sinh, là ngày 2 tháng 2, lễ Đức Bà dâng ĐCG trong đền thánh. Đó là những lễ có căn cứ vào Phúc âm.

Các lễ về sau thì căn cứ vào quan niệm bình dân trong các « ngoại thư ». Vào thế kỷ V, người ta mừng lễ sinh nhật Đức Bà ngày 8 tháng 9 ; tính ngược lên chín tháng thì ngày 8 tháng 12 phải là ngày bà thánh Anna chịu thai Đức Bà. Rồi sau đó đặt ra lễ dâng Đức Bà trong đền thánh. Cerbelaud viết : « Người ta có cảm giác là các sách « ngoại thư » như có dụng ý là trình bày song song Đức Mẹ và Chúa Con. » (tr 109). Từ đó đã đưa Đức Bà ra chỗ cao xa hơn các thánh[3], và gần chỗ ĐCT ba ngôi hơn.

Sau này, vào thế kỷ XIII, các cha dòng thánh Phan-xi-cô mừng lễ Đức Bà đi viếng bà thánh Y-sa-ve ; đến năm 1475, giáo hội  đặt lễ đó trong lịch vào ngày 21 tháng 5 (giữa lễ Truyền tin và lễ Giáng sinh). Tiếp theo là lễ Đức Bà là nữ vương, ngày 22 tháng 8. Lại còn lấy ngày thứ 7 trong tuần lễ làm ngày dâng kính Đức Bà.

Ngoài các lễ kể trên, thì các bài hát kính Đức Bà lại càng nói lên địa vị cao trọng của Đức Bà. Ta nên chú ý rằng giáo hội thường rất để ý đến lời cầu nguyện sao cho phải phép : ta xin Chúa thương xót chúng tôi , nhưng ta xin Đúc Bà và các thánh cầu cho chúng tôi. Thế nhưng, ngày xưa cũng như ngày nay, những người đặt ra lời ca có thi vị thì thật là quá nhiều, lại thường không phải là những nhà thần học cân nhắc từng chữ, cho nên rất dễ nói « quá lời », mà giáo quyền cũng khó kiểm soát cho xuể, ấy là nếu không đua theo.

Ví dụ như trong bài « Sub tuum praesidium » (tk IV), thì lời cầu nguyện là nói thẳng với Đức Bà, và xin Đức Bà phù hộ và cứu cho khỏi nguy – và đây lại chính là hai đặc quyền của Thiên Chúa. Rồi trong bài « Salve Regina » (Lạy nữ vương mẹ nhân lành), tk XI, thì như Cerbelaud viết : « Ở đây đã thấy có khuynh hướng đưa về cho Đức Bà những đặc tính của ba ngôi Thiên Chúa »( tr 115) : Mẹ nhân lành cũng như Chúa nhân từ, và ĐB là Chúa bàu, là đấng an ủi, cũng như Đức Chúa Thánh Thần là đấng an ủi và là « trạng sư ». Người đã khiêm tốn xưng mình là tôi tá ĐCT, thì nay được tôn lên làm nữ vương.

Chưa hết. Tuy Phúc âm không có nói gì, nhưng người ta suy tính rằng « Chúa Giê-su sống lại trước hết đi viếng Đức Mẹ » mới là hợp tình hợp lý. Vẫn biết giáo hội giữ đúng phép, ca tụng một mình Chúa là « Tu solus sanctus », là « Chúa rất thánh »  (panagios), nhưng rồi người ta lại cứ chuyển đặc tính đó cho Đức Bà, gọi là « rất thánh Đức Bà » (panagia), vượt cao lên trên các thiên thần và trên hết các thánh. Thế rồi sách Diễm-ca trong Cựu Ước cũng lại được áp dụng vào Đức Bà.

Trong phạm vi nghệ thuật, thì người ta nghĩ thánh Lu-ca là họa sĩ, cho nên chắc là có vẽ hình Đức Bà. Vào thế kỷ XIII, thánh Phan-xi-cô sáng chế ra hang đá máng cỏ, để giáo dân có được trước mắt và hình dung ra một cách cụ thể quang cảnh lễ Giáng sinh. Vào thế kỷ XIV, thì các họa sĩ vẽ ra cảnh « Pietà », là cảnh Đức Bà ẵm con sau khi tháo đanh. Như thế, Cerbelaud cho rằng « Đức Bà Maria đã được đưa vào phạm vi Thiên Chúa » (tr 127).

Đi thêm một bước nữa, trong giáo hội công giáo, người ta bắt đầu vẽ hình Đức Bà một mình, mà không có kèm Đức Ki-tô nữa.  Có hình Đức Bà cầu nguyện hoàn toàn hướng về Thiên Chúa. Rồi có hình Đức Bà đưa hai tay hướng về dưới đất, để nhận lấy lời cầu xin và để ban ơn (Đức Bà ban ơn) (tr 127), như Chúa vậy.

Nói tóm lại là những đặc tính của ba ngôi Thiên Chúa đã được chuyển dần dần sang Đức Bà.

Thực vậy, nhiều đặc điểm của Chúa Thánh Thần được chuyển sang Đức Bà : « Đức Bà bàu chữa kẻ có tội », « Đức Bà yên ủi kẻ âu lo » (tr 129). Khi nói « Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép ĐC Thánh Thần », thì người ta cũng nói lên một cách rất tự nhiên : Đức Bà là bạn thanh sạch ĐCTT.

Đức Bà là hình ảnh Chúa Ki-tô : thánh I-rê-nê-ô gọi Đức Bà là bà Êvà mới, cũng như Đức Chúa Giê-su là ông tổ phụ A-đam mới. Dần dần đi đến chỗ coi Đức Bà là đồng công cứu chuộc với Chúa Giê-su, và vì thế đã có người đạo đức ở Việt Nam lập ra dòng Đồng công.  Đức Bà còn là hình ảnh Đúc Chúa Cha, vì cùng có con là Đức Chúa Giê-su, vừa là Thiên Chúa, vừa là người ta. Cerbelaud kết luận : « Người giáo dân sùng đạo sẽ thường có khuynh hướng nâng cao Đức Bà lên một vị trí do đặc ân của Chúa ba ngôi, và  vì thế việc tôn kính Đức Bà  gọi là hyperdulia, là phép tôn kính cao cấp (tr 131). 

12 - Các cách thức tôn sùng bên ngoài phụng vụ

Như ta biết, các cha dòng thánh Đa-minh đã chuyên môn khuyến khích việc lần hạt, như tràng hoa hồng kính Đức Bà. Vào thế kỷ XVII, XVIII, thì các cha dòng Tên đặt ra « tháng Đức Bà », là tháng 5, và đã được Tòa Thánh chuẩn y năm 1821. Theo cái gương sùng đạo ấy, năm 1855 người ta đã chọn thêm tháng 3 làm tháng ông thánh Giu-se, năm 1868 chọn tháng 10 làm tháng Mân-côi (Rosariô), năm 1873 chọn tháng 6 làm tháng Trái tim ĐC Giê-su.

Đặc biệt nhất là phép lần hạt. Cốt yếu là kinh Kính mừng, trước gọi là kinh Ave, là lời thiên thần chào Đức Bà khi truyền tin – ta biết là còn có kinh Truyền tin nữa. Kinh này có nguồn gốc trong Phúc âm (PA thánh Lu-ca 1, 28). Nếu các thầy dòng đọc 150 thánh vịnh làm kinh cầu nguyện, thì giáo dân ít học cũng có thể đọc 150 kinh Kính mừng thay vào đó. Đến năm 1480 thì bên nước Ý, người ta có sáng kiến rất hay là chia 150 kinh ra làm 15 lần 10 kinh, mỗi lần thì suy niệm về một mầu nhiệm trong đạo. Như ta biết, 15 mầu nhiệm đó lại chia làm 3 hồi, gọi là năm sự vui, năm sự thương và năm sự mừng. Gần đây đức giáo tông Gio-an Phaolo đệ nhị, rất có lòng kính Đức Bà – với khẩu hiệu Totus tuus (xin hoàn toàn là của Mẹ) – đã nới rộng cái khuôn khổ ấy và thêm vào đó 5 mầu nhiệm nữa, gọi là năm sự sáng (mystères lumineux), nhưng hình như không mấy ai để ý.

Đến năm 1571, mồng 7 tháng 10, thì quân binh Công giáo thắng quân Hồi giáo của vua Selim II ở Lepante, do đó người ta đặt ra lễ Đức Bà Mân-côi vào chính ngày mồng 7 tháng 10. Trong sách lễ của chúng ta còn có nhiều lễ Đức Bà hơn nữa.

Có lẽ kinh cầu Đức Bà là kinh tóm tắt được hết các lý do để tôn kính Đức Bà. Vào cuối thế kỷ XIII thì có giai thoại nói là cái nhà thánh (santa casa) của thánh gia đã được các thiên thần di chuyển từ đất thánh về thành Loretta, tỉnh Ancona, nước Ý. Đức giáo tông Sixtô thứ V đã chấp nhận kinh cầu Đức Bà làm kinh nguyện chính thức của giáo hội.

Cerbelaud phân tích kinh cầu, và nhận định như sau : trước tiên thì có 12 câu (trong tiếng Việt thì bắt đầu bằng chữ « Đức Mẹ ») nói lên rằng người là mẹ ; 5 câu tiếp theo (bắt đầu bằng chữ « Đức Nữ ») nói lên người là trinh nữ  ; rồi 13 câu (bắt đầu bằng chữ « Đức Bà ») nêu lên những tước hiệu của một số nhân vật trong Cựu Ước được áp dụng cho Đức Bà ; 4 câu sau nói lên chức vụ của Đức Bà, ví dụ như « yên ủi kẻ âu lo » ; 12 câu sau cùng thì tôn Đức Bà là « nữ vương ». Như thế  thật là tôn vinh Đức Bà « trên hết thiên thần cùng trên hết các thánh ». Vì thế riêng tôi cũng không lấy gì làm lạ, khi thấy trong các sách đạo của ta ngày xưa quen dùng tước hiệu « Đức Chúa Bà ».

Tôi xin thêm vào đó một nhận xét riêng là : trong các kinh cầu khác, thì giáo hội nhắc lại trong mỗi câu những việc mà Chúa Giê-su hay là các thánh đã làm trong khi còn sống. Nhưng trong kinh cầu Đức Bà thì lại không nói đến những việc mà Đức Bà đã làm khì còn sống, mà chỉ nói lên các tước hiệu cao sang mà sau này giáo hội cao tuyên về Đức Bà.

Tôi cũng chú ý một điểm nữa là : trong tiếng Việt thì ông cha ta đã dùng những khẩu hiệu có thêm chữ « Đức », rất kính cẩn : « Đức Mẹ », « Đức Nữ », « Đức Bà » ; trong khi đó thì bản tiếng la-tinh và bản chữ Hán (gọi là kinh cầu chữ), chỉ nói là : « Mẹ » / « mater » /  « mẫu », « Virgo » / « trinh nữ ». Rồi khi xướng lên các tước hiệu, thì bản dịch tiếng Việt nói thêm cho rõ : « Đức Bà là … » hay : « Đức Bà như … », chứ không nói cụt ngủn như : « tòa đấng khôn ngoan » / « sedes sapientiae » / « thượng trí chi tọa », hay là : « đền vàng » / « domus aurea » /  « hoàng kim chi điện », v.v.  

Sau cùng, tôi xin nhắc lại là : tuy đã rất mực đề cao Đức Bà như thế, nhưng trong phần đầu và phần cuối kinh cầu, giáo hội vẫn không quên giữ cho đúng phép, là  « xin Chúa thương xót », « xin Chúa tha tội », « xin Chúa nhậm lời », và trong phần chính thì xin Đức Bà « cầu cho chúng tôi ».       

Cũng phải chờ cho đến Công đồng Vaticano II mới hạn chế được ít chút phong trào thi đua tuyên dương Đức Bà, như xưa có người đạo đức đã nói : « De Maria nunquam satis (về Maria thì không bao giờ nói cho đủ được) ». Rồi sau này, chính đức giáo tông Biển Đức XVI cũng cho biết là đã nhận được đó đây nhiều đơn xin tuyên bố tín điều Đức Bà đồng công cứu chuộc, nhưng người nhất định không chịu.  

13 - Đức Bà hiện ra, và lòng sùng đạo của quần chúng

Trong các cách thức tôn sùng bên ngoài phụng vụ thì những nơi hành hương là nơi rất sầm uất, quần chúng thường nô nức đi như trẩy hội, mà giáo quyền có lên tiếng bảo phải dè dặt thì cũng không có hiệu quả là bao nhiêu : Cerbelaud gọi lối sùng đạo bộc phát như thế nhiều khi là lối sùng đạo « hoang dại » (religieux sauvage) (tr 137). Như đã nói trong bài trước đây, nhà thần học Bruno Chenu cũng đồng ý rằng cần phải điều chỉnh sao cho hợp với Phúc âm, và nhà thần học Josef Ratzinger (Biển Đức XVI) cũng nhận xét là trong đó không có mặc khải gì mới lạ cả.

Trong giới công giáo có khá nhiều nơi được tiếng là nơi Đức Bà đã hiện ra, Có tiếng vào hạng nhất là Lourdes (Lộ-Đức) ở Pháp, Czenstochowa ở Ba-lan, ở Việt Nam thì có La-Vang, v.v.  Còn có nhiều nơi khác nữa, tuy giáo quyền dè dặt không chấp thuận, nhưng dân chúng vẩn cứ tổ chức đi trẩy hội.

Trong những trường hợp đó, Cerbelaud nhận xét rằng những người được ơn thấy Đức Bà hiện ra thì « thường là những người ít học, nhất  là đàn bà con gái, vào tuổi thiếu niên hay là trẻ thơ ». Ông viết tiếp : « Những kẻ « bé mọn » như thế mà được tiếp xúc trực tiếp với thế giới  trên trời, làm cho ta nhớ đến cuối thời Trung cổ ở trong giáo hội la-tinh : những người được ơn thiêng liêng bí nhiệm như thế thường là phụ nữ ít học, họ nói là đã được mắt thấy tai nghe những điều mặc khải riêng. Thế  đã rõ là trong trường hợp  Đức Bà  hiện ra, ta nhận thấy đó là điển hình chống đối lại hàng giáo sĩ, mà chống nhau từng nét (một bên là đứa con gái trẻ thơ vô học, bên kia là giáo sĩ, người đàn ông lớn tuổi, có học thức). Có lẽ chính vì cái khuynh hướng chống giáo sĩ đó, mà  giáo quyền phải lúng túng khi gặp hiện tượng ấy, không biết phải xử trí thế nào cho phải. Người ta thấy rõ thái độ lúng túng như thế, không biết dàn xếp sao cho ổn thỏa trong cuộc khủng hoảng về thần bí cuốn thời Trung cổ » (tr 138). 

2 – Tín điều công giáo : Đức Bà vô nhiễm nguyên tội (1854)

Đây thực là một sáng kiến mới lạ của tông tòa Roma. Thực vậy, như Cerbelaud đã nhận xét, cho đến giữa thế kỷ XIX, thì mỗi lần có xác định một tín điều, thì giáo hội phải cẩn thận họp công đồng để bàn luận và giải quyết một vấn đề đức tin chính yếu đang gây ra bất hòa. Nhưng lần này thì tông tòa Roma, tuy không có ai đặt vấn đề - vì tín điều này không phải là trọng tâm chính yếu, không phải là « lẽ cần phải tin cho được rỗi linh hồn » -  đã đơn phương tự ý xác định và tuyên bố Đức Bà vô nhiễm nguyên tội, mà không có họp công đồng nào cả. Lý do viện ra là niềm tin đó trong giáo hội « xưa nay vẫn đã được tuyên dương ở khắp mọi nơi ». Cerbelaud cho biết là lý do đó không đúng hẳn (tr 141).           

21 – Tín điều không hiển nhiên

Niềm tin này không hiển nhiên, vì nhiều lý do.

Thứ nhất là vì, từ thế kỷ II, cho đến thế kỷ V, có nhiều vị giáo phụ  - ví dụ như Origênê, Tertullianô – cho rằng Đức Bà không phải là không có khuyết điểm hay tội lỗi gì.

Thứ hai là quan niệm chủ trương Đức Bà là « rất thánh » cũng không được công nhận. Nói thế khác, Đức Bà cũng phải được Chúa cứu rỗi, cứu cho khỏi tội.

Phải chờ đến cuối thời Trung cổ thì mới có ít nhà thần học, nhất là thuộc dòng thánh Phan-xi-cô, đưa ra ý kiến là Đức Bà « vô nhiễm ». Sau đó thì ngày 17/09/1439 trong công đồng ở Bâle (Thụy-sĩ) mới đua ra giả thuyết là Đức Bà được hưởng đặc ân của Chúa.  

22 - Hệ thống các tín điều công giáo

Liên quan giữa « nguyên tội » và « vô nhiễm nguyên tội »

Cerbelaud viết : « Vấn đề Đức Bà Maria vô nhiễm nguyên tội là căn cứ vào lý thuyết về tội tổ tông truyền.. Ngoài bối cảnh đó ra thì vấn đề đặt ra không có nghĩa lý gì hết …Thế rồi công đồng Tridentinô tuyên bố đó là tín điều[4], và rồi chính cái tín điều tuyên bố năm 1854 thì lại cũng căn cứ vào đó » (tr 157).

Tội tổ tông truyền [5] (nguyên tội) được đưa vào sổ các tín điều

Tội tổ tông truyền là do thánh Augustinô đề xướng ra, nhưng thật rắc rối, là vì thánh nhân đã hiểu lầm hai chữ « in quo » trong thư thánh Bảo-lộc viết cho giáo hữu thành Roma, đoạn 5, câu 12. Thực thế, thay vì hiểu hai chữ « in quo » (ở giống dở, neutre) là « vì lẽ » [6], thì thánh nhân lại nghĩ chữ « in quo » là ở giống đực, masculin, cho nên hiểu là : « trong tổ phụ A-đam » thì mọi người đã phạm tội. Theo đúng như thần học đó, người công giáo VN ở miền bắc trước đây thường đọc trong kinh cám ơn chịu lễ đoạn : « Xưa bởi tổ tông chúng tôi ăn lái cấm cho nên thiên hạ mất sống, …Xưa bởi tội A-dong truyền thì mọi người điều mắc tội hết cả thảy ».

Vì hiểu như thế, cho nên giáo hội thấy là cần phải « rửa tội cho trẻ thơ », vì nếu không thì nhỡ nó chết thì không được lên thiên đường, mà phải xuống « lâm bô », cũng giống như « ngục tổ tông » vậy.

Tín điều Đức Bà vô nhiễm nguyên tội (08/12/1854)

Về tín điều này, Cerbelaud đưa ra nhận xét : thường thường thì các tín điều trước đây căn cứ vào Thánh kinh. Đàng này khác : người ta bắt đầu từ lập trường của giáo quyền, rồi mới tìm chọn trong Thánh kinh những câu nào có thể biện hộ cho lập trường đã có.

Như thế đã rõ là đức giáo tông có một ảnh hưởng quyết định. Cerbelaud viết : « Chính vào thời kỳ phải tạm rời giáo đô về Avignon mà  các giáo tông bắt đầu mừng lễ (bà thánh Anna) chịu thai Đức Bà, mà không xét gì đến các lễ nghi trong phụng vụ trước đấy ở ngoài thành Roma », và rồi cứ cho rằng : « cầu nguyện thế nào thì phải tin như thế ấy » (tr 167), tuy rằng về điểm này trong giáo hội, từ thời các giáo phụ vẫn còn có nhiều ý kiến bất đồng.

Liên quan giữa tín điều này và tín điều Đức Giáo tông không sai lầm.

Nếu tín điều Đức Bà vô nhiễm nguyên tội khó được chấp nhận [7], thì chỉ cần tin rằng đức giáo tông không sai lầm được, rồi áp dụng ngược lại là xong. Đó là giải pháp của Tòa thánh Roma.

Tôi muốn thêm vào đây cho rõ là : công đồng Vaticano I chưa kịp bàn đến các điều quan trọng thì đã phải bỏ dở, phải đình lại vì chiến tranh giữa Pháp và Đức (1870), nhưng cũng vội tuyên bố tín điều Đức giáo tông không sai lầm được. Tuyên bố, lấy uy tín của mình mà tuyên bố cho mình, chứ không có thảo luận cho đáo lý như các công đồng về trước[8]. Cerbelaud nhận xét (tr 175) rằng cách làm việc như thế chưa từng thấy trong giáo hội.  Đó là điều mà một nghị phụ có mặt trong công đồng, là giám mục C. J. Hefele, cai quản giáo phận Rottenburg, và là chuyên gia đã viết bộ lich sử các công đồng (Conciliengeschichte, 9 tập,  1855-1890), đã phàn nàn cay đắng trong các thư viết cho nhà cầm quyền ở Stuttgart [9].

Kết quả là một số giáo sư thần học, đứng đầu là Döllinger, đã không chịu, rồi bị rút phép thông công và ly khai với giáo hội Roma mà lập thành phái « Cựu công giáo (Vieux catholiques / Altkathiloken) », hiện nay vẫn còn, nhất là ở Hòa-lan.  Một thế kỷ sau, nhà thần học, giáo sư Hans Küng cũng viết sách đặt lại vấn đề [10].

Để kết luận, Cerbelaud viết : « Thực ra, cho dù văn kiện Ineffabilis Deus có dài lời giải thích mấy đi nữa, thì cả trong Thánh kinh và trong sách các giáo phụ, cũng không có gì hết để biện hộ cho thuyết chủ trương Đức Bà Maria vô nhiễm nguyên tội. Vì hồ sơ thánh kinh và giáo phụ rất là nhẹ, cho nên phải cho lời dậy của đức Giáo tông là thật nặng đồng cân, thì mới xuôi » (tr 176). 

3 – Tín điều : Đức Bà linh hồn và xác lên trời (1950)

Tuy rằng nhiều vấn đề chưa được thảo luận cho đáo lý, nhưng một khi đã chịu nhận rằng đức giáo tông không sai lầm được, thì tín điều mới này cũng không còn gặp trở ngại gì nữa. Chỉ cần lý luận là biết được mà thôi. Thực vậy, vì cho rằng tội nguyên tổ có liên quan đến cái chết (Sáng thế ký 2, 2), và vì không mắc tội nguyên tổ, cho nên Đức Bà không phải chết, mà có chết thì thân xác cũng không bị tiêu tan, lại được Đức Chúa Con đưa lên trời cả hồn lẫn xác (assumptio), mà không phải chờ ngày tận thế.

Lý luận là như thế, nhưng lần này, trong văn kiện Munificentissimus Deus. đức giáo tông tránh không đi vào những chi tiết khó hiểu nữa.

Thực ra thì trong Thánh kinh không có nói gì hết về việc này. Mấy thế kỳ đầu cũng không ai nói gì. phải chờ đến cuối thế kỷ V, mới thấy trong vô số các « ngoại thư » (apocryphes) bàn đến việc Đức Bà đi sang thế giới bên kia (transitus Mariae),  nhưng lại suy luận khác nhau, không có đồng ý là đi như thế nào. Người thì cho rằng Đức Bà chỉ ngủ thiếp đi thôi (dormitio), và đến ngày thứ ba thì được đức Ki-t ô đem lên trời (Assumptio / Analepsis). Người khác thì cho rằng Đức Bà đã được Chúa cho sống lại và đem lên thiên đường. Lại còn có người chỉ nói rằng Đức Bà không chết và cả hồn lẫn xác đã được đưa lên trời. Nói ra thì dễ, vì tin rằng Chúa có quyền phép mầu nhiệm vô cùng, nhưng thật khó mà tưởng tượng ra được, vì trời là gì ? là trong không gian hay ở ngoài không gian ?

Văn kiện kể trên chỉ nói lý thuyết chung chung và tránh không đi vào chi tiết khó hiểu, nhưng lại cũng không nói lên là gốc tích không lấy trong Thánh kinh, nhưng lấy từ các « ngoại thư ». Lập luận thì vẫn một điệu như sau : a), đó là việc nên làm, b) Chúa có phép làm được, c) cho nên Chúa đã làm như thế.

Cerbelaud nhận xét như sau : cứ sự thường thì có hai tình trạng : a) ai nấy mắc tội nguyên tổ (đây là bình diện siêu nhiên) và vì thế phải chết (đây là bình diện tự nhiên), hai bình diện ấy liên quan với nhau như thế nào thì không biết, nhưng  Đức Bà được coi là ngoại lệ, do đặc ân của Chúa (tr 195). Thật là khó hiểu, nhưng có thế thôi.

 4 - Để kết luận

Cerbelaud để ra tất cả chương VII, để nói lên rằng từ thời Trung cổ cho đến giữa thế kỷ XX, thì đã có nhiều tâm hồn đạo đức  thánh thiện đã đua nhau tôn vinh Đức Bà lên gần như là Thiên Chúa, như : Louis-Marie Grignon de Montfort (1673-1715), Alphonse de Liguori (1696-1787), Maximilien Kolbe (1894-1941), kể cả Leonardo Boff (có chân trong nhóm thần học giải phóng). Thêm vào đó thì, như ta biết, đã có những người vận động xin đức giáo tông tuyên bố Đức Bà đồng công cứu chuộc (trong đó chắc là có dòng Đồng công), nhưng không được.

Sau đó tác giả đưa ra nhận xét rằng đó là khuynh hướng muốn vượt ra ngoài các công đồng của toàn thể giáo hội và tập trung quyền bính vào đức giáo tông. Ông viết : « Việc tuyên bố các tín điều hình như không còn phải là để giải quyết những vấn đề khó khăn nội bộ của giáo hội, nhưng là để đề cao uy quyền giảng dậy của Tòa thánh Roma » (tr 213). Cũng phải chờ cho đến công đồng Vaticanô II, mới thấy khuynh hướng đó được hạn chế lại trong khuôn khổ giáo lý.

Đọc hồ sơ đến đây, tôi xin đưa ra một vài nhận xét về hồ sơ Đức Bà và về vị trí của tông tòa Roma, là hai vấn đề có liên quan với nhau.

            A - Về Đức Bà thì như ta thấy, trong các học giả và nhiều người đạo đức, có kẻ nói đi, người nói lại, và nói nhiều lắm, khó mà thêm vào được gì mới. Có điều là hình như ít ai nói tới đức khiêm nhường của Đức Bà đã tự xưng là tôi tá Đức Chúa Trời. Đó là điều mà trong phụng vụ chính thức, giáo hội rất hay nhắc tới, như trong bài hát kinh Magnificat (Linh hồn tôi tán dương Đức Chúa, Lc 1, 46-55). Giáo dân Việt Nam vẫn không quên kính bảy sự thương khó Đức Bà và vẫn nhớ « Đức Bà là gương nhân đức ».

            B - Về Tông tòa Roma, thì Cerbelaud đã nói nhiều về việc tập trung quyền bính, và mới chỉ nhắc qua là công đồng Vaticanô II bắt đầu hạn chế lại. Thiết tưởng cần phải nói tiếp thêm cho rõ, nếu không thì người ta rất dễ hiểu lầm về giáo hội. Ở đây tôi xin mượn ý kiến của nhà thần học Pierre Dentin viết về Giáo tông [11].

Đại ý như sau : tông tòa Roma đã tranh đấu để việc đạo không bị các vua chúa phần đời lợi dụng làm phương tiện biện chính cho cho chính quyền, nhiều khi là bạo quyền. Đồng thời đi đến chỗ tập trung quyền bính. Không tập trung như thế thì giáo hội mất thống nhất và chia làm vô số môn phái tự trị, không ai bảo được ai, như trong các giáo hội Tin lành.  Biết thế các giáo hội Tin lành đã cổ võ phong trào Đại kết, nhưng không phải là dễ, vì có tới hơn 22 nghìn giáo hội tự trị, và giáo hội công giáo đông hơn tất cả và thống nhất hơn thì buổi đầu lại không muốn tham gia, mà rồi khi tham gia thì lại mạnh quá. Nhưng tập trung như thế lại làm cho mất tính cách đồng liêu của các giám mục công giáo, làm cho các vị này thành ra như công chức để tông tòa sai bảo vậy.  Dentin viết : « Khi người anh cả cho mình là gia trưởng và muốn cai quản các em như là những người thừa hành mệnh lệnh của mình, thì gia đình sẽ sớm ly tán » (tr 35). « Giáo tông, đó là một chức vụ, chứ không phải là một phép bí tích » (tr 37). « Giáo tông chỉ có một chức vụ là làm giám mục giáo phận Roma » (tr 37).

Lập trường cho rằng giáo tông không sai lầm, hay là « vô ngộ », cũng là một trở ngại lớn cho việc thống nhất các giáo hội. Chính vì các giáo hội Tin lành đã nhân danh Thánh kinh mà ly khai, cho nên Tông tòa Roma trong vòng ba trăm năm đã cấm giáo dân không được đọc Thánh kinh : chỉ cần nghe đức giáo tông giảng dậy giải thích là đủ rồi.  Biết như thế là bế tắc, cho nên hai vị giáo tông Gio-an XXIII và Phao-lô Gio-an II đều đã tuyên bố sẽ không bao giờ giảng dậy « ex cathedra », nhân danh giáo hội có ơn « vô ngộ » Chúa ban cho [12].

Muốn cai quản cả và hội thánh, cần phải lập ra một bộ máy hành chính rất tinh vi và lâu đời, tức là giáo triều (curie), mà thành phần là các vị hồng y lại là do giáo tông đặt ra. Công đồng Vaticanô II muốn hạn chế, cho nên nhắc lại tính cách đồng liêu của các giám mục, cùng cai quản hội thánh với đức giáo tông. Thế nhưng ngay thời đức giáo tông Gio-an Phao-lô II thì, như Dentin viết : « Đức giáo tông Gio-an Phao-lô II không còn cai quản giáo hội nữa, nhưng là cái « tập đoàn giáo sĩ trị » (lobby hiérocratique », gồm chừng mươi nhân vật có tai mắt trong giáo triều, mà người đứng đầu là vị hồng y Sodano » (tr 40). Khi đức giáo tông bị kiệt sức, thì tập đoàn này càng lấn át quyền hành [13].  Người ta cứ nhân danh đức giáo tông, rồi tự tiện làm như ý riêng mình. Năm 1985, Đức giáo tông có giao cho vị hồng y Godfried Danneels, tổng giám mục Malines-Bruxelles, nghiên cứu vấn đề rồi cho ý kiến. Vị này cũng phàn nàn về giáo triều như thế.

Sau đó Đức giáo tông Biển-Đức XVI, cựu giáo sư thần học, rất am hiểu vấn đề, cũng không làm gì được. Và người đã từ chức giáo tông. Cũng may cho giáo hội là đức giáo tông Phan-xi-cô mới đây đã thay đổi hẳn lối làm việc : những người trong tập đoàn kia, nhất là hồng y Sodano, trước đây đã  lạm quyền thì nay đã được cho nghỉ việc, và từ đây người chọn ở ngoài giáo triều một số hồng y đại diện cho các lục địa trong thế giới công giáo, để làm cố vấn cho mình. Với sự can đảm mở ra đường lối mới, đức giáo tông làm cho giáo dân ngày càng thêm hi vọng và lạc quan về tương lai giáo hội. 


[1]  Tôi dùng kiểu nói « sao cho hợp với Phúc âm » là để giải cho rõ nghĩa chữ « évangéliser (la pìété mariale populaire)». Chứ bây giờ có một vài người ưa dùng cụm từ có chữ « -hóa » cho nó gọn, rồi dịch chữ « évangélisation » và « nouvelle évangélisation » ra là « phúc âm hóa » và « tân phúc âm hóa », nhưng như thế thật là tối nghĩa, không biết có ý nói là « giảng dậy phúc âm », « làm cho thành phúc âm », hay là « làm cho hợp với phúc âm » !

[2]  Tôi nghĩ là không nên dịch là « ngụy thư », vì ở đây người ta thường chỉ muốn thêu dệt cho đẹp, chứ không có ý làm ngụy chống lại Phúc âm. Và nhất là vì chẳng lẽ lại nói rằng việc tôn sùng Đức Bà thêu dệt ra là chống lại Phúc âm.

[3]  Về sau này, giáo hội gọi việc thờ phượng Chúa (culte) là latria, việc tôn kính các thánh là dulia (do chữ Hi-lạp doulos là tôi tá : tôn kính các tôi tá của Chúa), rồi đặc biệt gọi việc tôn kính Đức Bà là hyperdulia, tức là dulia cao cấp. Trong kinh kính Đức Bà hằng cứu giúp thì giáo dân Việt Nam lại đọc : « Con muốn làm tôi Mẹ cách trọn hơn, là phó hết mình trong tay Mẹ ».

[4]  Ngày 17/06/1546.

[5]  Về tội tổ tông truyền thì từ hơn nửa thế kỳ nay đã có nhiều sách vở. Nay tôi chỉ xin giới thiệu một cuốn sách tập thể, vừa vắn tắt, vừa là tổng hợp : LE PÉCHÉ ORIGINEL – Heurs et malheurs d’un dogme, Sous la direction de Christophe Boureux et Christoph Theobald,  Coll. Concilium, Éd. Bayard, Paris, 2005, 216 p.

[6]  Bản dịch VN của Nhóm Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ : « Do đó cũng như vì một người duy nhất, mà tội đã xâm nhập trần gian, và vì tội, sự chết cũng đã xâm nhập ; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi lẽ mọi người đã phạm tội » (những chữ đã gây ra vấn đề thì in chữ ngả ở đây). Hai chữ gây ra vấn đề đó, tiếng Hi-lạp là « eph’ô », tiếng la-tinh là « in quo ».

[7]  Tôi còn nhớ : trước đây hơn một nửa thế kỷ, có người nói rằng khi bên Công giáo đơn phương tuyên bố Đức Bà vô nhiễm nguyên tội, là có ý chống lại bên Tin lành, thì linh mục Ignace Lepp, trong cuốn sách Le monde chrétien et ses malfaçons trả lời là : không phải là có ý chống, nhưng là coi như không có bên Tin lành.

[8]  Nhằm vào lúc nước Ý thống nhất và lấy mất đất của Toà thánh, cho nên các nghị phụ trong công đồng có vẻ như coi việc tuyên bố tín điều này là để bù cho đức Giáo tông phần thiệt vì mất đất.

[9]  Tôi còn nhớ là đã được đọc những thư ấy trong thư viện ở Mainz bên Đức năm 1958.

[10]  Bản dịch từ Đức văn sang Pháp văn là : Infaillible ? Une interprétation, Paris, Desclée De Brouwer, 1971.

[11]  Trong cuốn sách nhỏ nhưng rất súc tích : La papauté, tủ sách « Que penser de … ? » của các cha dòng Tên ở Namur (nước Bỉ), Namur, 1998.

[12]  Vị giáo tông cuối cùng đã tuyên bố « ex cathedra » là đức Pi-ô XII (Xem sách của Dentin, tr 39).

[13]  Xem : Giancarlo ZIZOLA ,  trong cuốn sách Le Successeur (người kế vị), Paris, Desclée de Brouwers,  1995, tr 302).

Tác giả: Gs. Trần Văn Toàn

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!