Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Luật sư Đoàn Thanh Liêm
Bài Viết Của
Luật sư Đoàn Thanh Liêm
Thương tiếc Bác Chín (1920 - 2012)
Tôi đã gặp lại Chị Lài tại Ba lan
Giới thiệu Sách Mới (20) : Billy Graham và Tôi (101 chuyện kể từ những người từng quen biết với Ông)
Martin Luther King và Niềm Mơ Ước của Xã Hội Dân Sự
Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.
Nước Mỹ có thể học được những gì từ Âu châu ?
Thêm Bạn - Bớt Thù
Vượt qua hận thù: trường hợp của nước Pháp và Đức (sau thế chiến thứ hai)
Thương tiếc chị Trần Thị Lài (1929 – 2014)
Suy nghĩ về chuyện Hội Nhập tại Xã Hội Âu Mỹ
Giới thiệu sách mới: Cuộc Hội Tụ lớn lao - The Great Convergence
Thương tiếc Bác Chín (1920 - 2012)
Những điều tôi học được từ Phạm Tất Hanh
Phật tại tâm, Chuá ở trong lòng
Câu chuyện Đầu Xuân Nhâm Thìn: Dĩ Thân Nhi Giáo
Tấm lòng của Phạm Tất Hanh
Giới thiệu sách: Hồng phúc nước Mỹ
Thanh thiếu niên và Công tác Xã hội (Bài 3) – Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon
Thanh thiếu niên và Công tác Xã hội (Bài 2) – Chương Trình Công Tác Hè 1965 (Summer Youth Program 1965)
Thanh thiếu niên và Công tác Xã hội (Bài 1) – Việc trợ giúp nạn nhân Bão lụt ở Miền Trung năm 1964.
Sống cho Mình và Sống cho Nhau
Hãy nâng tâm trí lên cao!
Niềm vui sách đèn
Tôi đi lượm tiền xu trên đất Mỹ
Bài 3 : KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁ0 Buddhist Economics
Giới thiệu sách “Small is Beautiful” Bài 2
Nhỏ bé thì mới đẹp đẽ ( Small is beautiful )
Những Bà Mẹ yêu quý của tôi
Tôn giáo là tấm lòng nhân ái vị tha .
Tham khảo tại các Thư Viện ở Mỹ.
Thương tiếc Giáo Sư Phó Bá Long.
Ghi nhanh về Đại Hội Thánh Mẫu 2008 .
NHỎ BÉ THÌ MỚI ĐẸP ĐẼ ( SMALL IS BEAUTIFUL )

“Small is beautiful”, đó là nhan đề của một cuốn sách xuất bản năm 1973. Tác giả là một kinh tế gia đã từng làm việc lâu năm tại Cơ quan quản lý về ngành than đá của nước Anh (National Coal Board NCB), tên là E F Schumacher. Ngay khi ra mắt công chúng, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn khắp thế giới, và cho đến nay sau trên 30 năm thì đã lưu hành được đến trên một triệu đơn vị, đó là chưa kể các ấn bản được dich ra nhiều thứ tiếng khác nữa.

Vào năm 1973 đó, tôi chỉ mới được đọc có một bài giới thiệu về cuốn sách này, trong đó có câu nguyên văn như sau khiến tôi nhớ mãi : “Small is beautiful, Simple is beautiful, Non-violent is beautiful too”. Mãi đến năm 1979-80, thì cụ Nguyễn Hiến Lê mới được ngưới cháu làm ở Liên Hiệp Quốc tại Geneva về thăm và mang cho bản dịch tiếng Pháp mà vẫn để nguyên nhan đề bằng tiếng Anh theo như nguyên tác, chứ lại không dịch ra tiếng Pháp : “Small is beautiful”. Cụ Nguyễn xem xong và cho tôi mượn đọc cuốn sách thật là hiếm mà có được ở Việt nam vào thời gian đó. Không những tôi đã say mê đọc, mà còn chuyển cho một vài người bạn thân thiết khác cùng đọc nữa. Rồi tôi lại có dịp đến trao đổi với cụ Nguyễn về nội dung cuốn sách này; nhờ vậy mà tôi vỡ lẽ ra được nhiều điều mới lạ mà tác giả đã gợi ra cho người đọc nào có sự chú tâm và đồng cảm với quan điểm của mình.

Đáng chú ý nhất là trong cuốn sách có một chương dài chừng 10 trang nhan đề là “Buddhist Economics” (Kinh tế học Phật giáo). Tác giả Schumacher viết rất gọn gàng khúc chiết, diễn giải một cái nhìn rất khác lạ đối với công chúng ở các nước Âu Mỹ.

Từ mấy tháng nay trước sự hỏang lọan cực kỳ rối ren đen tối phát sinh từ cuộc khủng hỏang kinh tế tài chánh của nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, tôi đã tìm đọc lại cuốn sách này nơi ấn bản năm 1999 kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản đầu tiên năm 1973 như đã ghi ở trên. Và với thêm nhiều tài liệu được cập nhật hóa liên quan đến tác giả và tác phẩm, tôi bèn nảy ra ý nghĩ là phải trình bày với chi tiết thật sáng sủa, mà gọn gàng về tư tưởng của tác giả Schumacher với các bạn đọc người Việt nam chúng ta.

Để cho vấn đề trình bày được thêm mạch lạc sáng tỏ, người viết xin chia ra thành 3 phần được diễn trình trong 3 bài như sau :

Bài 1/  Thân thế và sự nghiệp tác giả E F Schumacher

Bài 2/  Giới thiệu cuốn sách “Small is beautiful”

Bài 3/   Kinh tế học Phật giáo (dịch nguyên văn từ chương “Buddhist Economics”)  

Nhân tiện người viết cũng xin ghi lời tưởng nhớ với niềm ngưỡng mộ chân thành và lòng biết ơn sâu sắc đối với cụ Nguyễn Hiến Lê, là một học giả đã góp phần rất lớn lao trong công trình xây dựng văn hóa nước nhà, dưới chế độ tự do ở miền Nam Việt nam hồi trước năm 1975. Cụ sinh năm 1912 (suýt soát với tuổi của E F Schumacher) ở Hanoi, và đã từ trần vào năm 1984 ở Saigon. Và năm 2009 này là kỷ niệm 25 năm kể từ ngày Cụ từ giã chúng ta.        

Bài 1  --   Ernst  Friedrich  Schumacher  (1911 – 1977) 

Thân thế và Sự nghiệp 

1/  Sơ Lược Tiểu sử  

E F Schumacher sinh tại thành phố Bonn, nước Đức năm 1911 (cùng năm xảy ra cuộc Cách Mạng năm Tân Hợi ở Trung quốc, lật đổ vương triều nhà Mãn Thanh). Thân phụ là Giáo sư Hermann Schumacher chuyên dậy về môn Kinh tế học tại nhiều trường Đại học ở Đức, kể cả tại thủ đô Berlin vào hồi đầu thế kỷ XX. Thân mẫu là Bà Edith Zitelmann, một tài năng về tóan học. Trong chỗ thân mật E F thường được gọi là Fritz. Với cha mẹ như vậy, nên người ta không ai ngạc nhiên về sự thông minh xuất chúng của Fritz là một học sinh luôn luôn đứng vào hàng đầu trong các lớp học. Lại nữa, Fritz còn được thụ giáo với các bậc đại sư nổi danh khắp thế giới như Joseph Schumpeter gốc Áo quốc, như John Maynard Keynes bên Anh quốc v.v…

Là một sinh viên xuất sắc, nên Fritz đã được học bổng Rhodes Scholar để theo học tại Đại học Oxford hồi đầu thập niên 1930, và lại được tiếp tục theo học tại Mỹ trong ngành kinh tế tài chánh. Sau thời gian ngắn làm việc tại Đức, Fritz không thể chấp nhận đường lối độc tài phát xít của Hitler, nên đã sang làm việc bên Anh quốc ít lâu trước khi thế chiến thứ hai xảy ra năm 1939. Lúc đầu khi mới nổ ra cuộc chiến, vì là công dân Đức nên Fritz cũng bị đối xử rất ngặt nghèo như là kẻ thù địch và bị xếp vào lọai người bị cô lập  trong một trại tập trung rất khắc nghiệt. Nhưng sau ít lâu, thì cũng được các bạn hữu giải thóat ra khỏi tình trạng quản chế này và được trao phó cho công viêc thích hợp với khả năng chuyên môn của một kinh tế gia.

Chiến tranh chấm dứt, Fritz nhờ đã có quốc tịch Anh, nên được phái sang Đức với nhiệm vụ làm cố vấn kinh tế cho phái bộ Anh đặc trách về vấn đề bình định và tái thiết trong khu vực thuộc quyền quản lý của quân đội nước Anh tại Đức. Vì được chứng kiến tận mắt những tàn phá mất mát của bà con ruột thịt với mình, nên Fritz đã ngày đêm miệt mài tìm cách xây dựng lại hệ thống quản lý và phân phối ngành năng lượng, chủ yếu là than đá vốn là huyết mạch của sự phục hồi kỹ nghệ tại nước Đức, cũng như tại tòan bộ các nước thuộc miền Tây Âu châu. Sau đó ông trở về lại nước Anh và nhận chức vụ cố vấn kinh tế cho cơ quan National Coal Board (NCB), đây là công việc ông làm trong nhiều năm nhất (gần 20 năm) cho đến khi về hưu vào năm 1970.

Về đời sống gia đình, Fritz  đầu tiên cưới bà vợ người Đức là Anna Maria Petersen vào năm 1936. Anna Maria thường được gọi là Muschi trong chỗ thân mật gia đình và bạn hữu. Hai vợ chồng rất gắn bó với nhau và đã trải qua những năm khốn khó giữa thời chiến tranh bên nước Anh. Họ có với nhau 5 người con. Nhưng không may, Muschi bị bệnh ung thư và mất sớm vào năm 1960, lúc chưa đày 50 tuổi. Sau đó, thì Fritz tục huyền với bà Vreni Rosenberger, người Thụy sĩ. Cuộc hôn nhân thứ hai này đem lại cho Fritz thêm 3 người con nữa. Bà Vreni là người chăm sóc tận tình cho Fritz vào thời cuối đời, đặc biệt là cho lũ con riêng của Fritz mà còn rất nhỏ tuổi, khi người mẹ của chúng là bà Muschi qua đời. Và rốt cuộc, chính Fritz Schumacher cũng đã kiệt sức vì làm việc quá nhiều, và đã qua đời trên chuyến đi diễn thuyết tại Thụy sĩ vào năm 1977 lúc mới có 66 tuổi.

Chi tiết về cuộc đời và họat động của Fritz Schumacher đã được người con gái lớn là Barbara Schumacher Wood ghi lại khá đày đủ trong cuốn tiểu sử xuất bản năm 1984, với nhan đề là  :   “ E F Schumacher , His Life and Thought “. Nhờ tham khảo cuốn sách này, mà người viết có thể cống hiến cho bạn đọc những chi tiết lý thú.   

 2/  Hành trình tư tưởng của Fritz Schumacher.

Có thể nói Fritz là một nhân vật xuất chúng cả trong hành động cụ thể, cũng như trong công cuộc tìm kiếm giải pháp tốt đẹp có tầm vóc tòan cầu trước những khó khăn bế tắc của thế giới hiện đại. Như đã trình bày ở phần trên, thông qua việc học hỏi và làm việc tại các quốc gia tiền tiến như Đức, Anh và Mỹ trong hơn 60 năm, ông đã được tiếp cận với các luồng tư tưởng, với các nhân vật ngoại hạng, cũng như tham gia vào các hoạt động ở tầm mức cao nhất trên thế giới. Và cùng với một trí tuệ thông minh vượt trội và sức làm việc cần mẫn, say sưa miêt mài trong nhiều năm, ông đã đạt tới tình trạng “ngộ ra được’ một đường lối phải noi theo để góp phần xây dựng tốt đẹp nhất cho thời đại ngày nay. Ông đã đi khắp năm châu, bốn biển, nhất là Phi châu, châu Mỹ la tinh , Ấn độ, Miến điện để nhận diện được sự phức tạp của hòan cảnh sinh họat văn hóa xã hội và cả mặt tâm linh của nhiều sắc dân với truyền thống lịch sử rất khác biệt với nhau.

Lúc còn trẻ, vì hăng say làm việc và nghiên cứu với tinh thần lạc quan khoa học, ông như người vô thần, không chú tâm gì đến khía cạnh tâm linh của con người. Nhưng sau này, nhờ quan sát tại chỗ ở nhiều quốc gia trên thế giới, ông đã chú trọng đến ảnh hưởng của tôn giáo trong các nền văn hóa. Đặc biệt ông rất khâm phục chủ trương “Bất bạo động” của Thánh Gandhi bên Ấn độ và lối sống thanh thóat của người Phật tử tại Miến điện. Và đến cuối đời, thì ông gia nhập đạo công giáo.

Bởi vậy mà suy nghĩ của Schumacher càng thêm chín mùi hơn với khía cạnh nhân bản và nhân ái, vượt thóat được thái độ kênh kiệu, tự cao tự đại và tự mãn thường thấy nơi những người quá say mê với thành tựu khoa học kỹ thuật, cũng như về kinh tế của các nước Âu Mỹ. Càng tìm hiểu nơi các nền văn hóa cổ truyền bên ngoài thế giới Tây phương, ông càng có thái độ khiêm tốn, phục thiện và mở rộng tâm hồn để đón nhận những luồng tư tưởng khác lạ mà lại rất phong phú của nhân lọai. Có thể nói Schumacher luôn luôn nhất quán trong việc đề cao khía cạnh đạo đức nhân bản trong lề lối tổ chức sinh họat kinh tế xã hội cho con người trong thế giới ngày nay. Ông luôn nhắc nhủ, cảnh giác cái thái độ tự phụ của các nhà lãnh đạo các cường quốc chỉ biết đến khoa học, đến năng suất kinh tế thương mại, mà sao lãng vấn đề lương tâm và trách nhiệm liên đới của các quốc gia là thành viên trong cộng đồng nhân lọai.

Cụ thể Schumacher phê phán nhà bác học Einstein rằng : Vì ông ta quá mức đề cao thuyết tương đối (Relativity), thì đâm ra chối bỏ cái tiêu chuẩn đạo đức vốn có giá trị tuyệt đối. Cũng vậy, lý thuyết của Freud coi rằng con người hành động là do sự ẩn ức của sinh lý bị dồn ép, thì không còn phải chịu trách nhiệm gì về việc làm xằng bậy của mình nữa. Như vây là sự vô trách nhiệm. Schumacher cũng phê phán Karl Marx về lý thuyết định mệnh lịch sử, thì con người cũng không còn chịu trách nhiệm cá nhân của riêng bản thân nữa. Ông cũng cực lực lên án chủ trương gieo rắc hận thù của người macxít, vì đó là nguyên nhân của các vụ tàn sát kinh hòang trong thế giới cộng sản. Ta sẽ có dịp xem xét chi tiết hơn về tư tưởng của Schumacher khi đọc tác phẩm chính yếu “Small is beautiful” là đề tài sẽ được trình bày trong bài sau. 

3/  Ảnh hưởng của tư tưởng Schumacher 

Báo New York Times đã xếp cuốn “Small is beautiful” là một trong 100 cuốn sách có ảnh hưởng nhất trên thế giới (the most influential books) kể từ sau thế chiến 2. Tác giả đã được mời đi diễn thuyết tại nhiều nơi trên thế giới và được nhiều vị nguyên thủ quốc gia tham khảo ý kiến, trong đó có cả Tổng Thống Jimmy Carter của nước Mỹ. Tại nhiều nước, đặc biệt là ở Anh và Mỹ, các thân hữu ái mộ ông đã lần hồi thành lập “Hiệp hội E F Schumacher” (E F Schumacher Society) nhằm nghiên cứu, khai triển và phổ biến tư tưởng của ông. Và còn rất nhiều các tổ chức và các nhóm khác đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng của ông, mà điển hình như “ Institute for Community Economics”, “Council on Economic Priorities”, “Friends of the Earth”, “Greenpeace”, “Worldwatch Institute”, “Soil Remineralization Network”, “Global Warming Network” v.v…

Ta có thể lược kê ra các đề tài được Schumacher nêu ra ngay từ thập niên 1960 và hiện nay vào thế kỷ XXI vẫn còn tính cách thời sự cấp bách, mà được quần chúng cũng như giới trí thức hàn lâm rất quan tâm.  Điển hình một số các đề tài đó như sau  :   

·        Phê phán các hệ thống tổ chức quá mức (overorganised systems) làm phá họai tinh thần con người, cũng như cả hành tinh trái đất.

·         Đề cao sự quan trọng của “mức thang nhân sinh” (human scale) trong việc tổ chức sinh họat kinh tế xã hội.

·        Ý niệm về “kỹ thuật với bộ mặt nhân bản” (technology with human face), về “kỹ thuật thích hợp” (appropriate technology) cho từng quốc gia, có tính cách đơn giản, bất bạo động và có thể kiểm sóat được (controllable).

·        Ưu tư về sự mau cạn kiệt (rapid depletion) các tài nguyên thiên nhiên, khiến đưa tới sự phá hủy môi sinh.Cần cảnh giác về việc sử dụng quá mức các lọai tài nguyên không thể tái tạo (non-renewable resources) như than đá, dầu khí, gas…

·        Sự quan trọng của việc phục hồi lại cái hệ thống giá trị về một lối sống tốt đẹp, một xã hội an hòa (good life, good society) thay vì cứ để bị mê hoặc bởi các lọai lợi ích ngắn hạn nhất thời.

·        Sự cần thiết phải trở về với “Bốn Nhân Đức Nền Tảng” (Four Cardinal Virtues), đó là : Sự Khôn ngoan, Công lý, Dũng cảm và Tiết chế ( tiếng latin : Prudentia, Justitia, Fortitudo, Temperantia)  …     

Đại khái các đề tài này đã luôn luôn được đưa ra thảo luận trong các cuộc hôi thảo, các buổi nói chuyện trao đổi giữa nhiều nhóm, nhất là giới sinh viên Đại học, các tổ chức tôn giáo… Và các lọai ý kiến xuất phát từ các cuộc gặp gỡ này hiện vẫn được chuyển tải thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên internet. 

Sức thu hút của tư tưởng Schumacher đối với nhiều người, đó là do sự chính xác của lý luận và phân tích tình hình xã hội của ông được thể hiện rõ ràng qua sự kiểm chứng đối chiếu với thực tiễn sinh động tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Cụ thể như : Các nhà máy phát điện với kích thước quá lớn đã lần hồi bị thay thế bởi các đơn vị nhỏ bé hơn, bởi lẽ các nhà máy với quy mô vừa phải thì mới có hiệu quả chắc chắn, vũng bền hơn. Cũng như các nhà máy điện nguyên tử không còn được xây dựng ào ạt sau các vụ rì rỏ tại “Three Miles Island” ở Mỹ và nhất là sau tai nạn thảm khốc Chernobyl ở Liên Xô vào thập niên 1980, sau khi Schumacher đã qua đời năm 1977.

Nhân tiện cũng nên ghi nhận chủ trương của tác giả “Small is beautiful” cũng có nhiều nét tương đồng với quan điểm của nhà tư tưởng đương thời và cũng nổi danh khác, đó là Karl Popper gốc từ Áo quốc (1905-1994), là một vị giáo sư lâu năm của Đại học London School of Economics cũng ở nước Anh. Đó là chủ trương “Piecemeal Social Engineering” ( “Xây dụng xã hội từng mảnh một “, như đã được trình bày khá chi tiết trong tác phẩm nổi danh của ông với nhan đề là : “The Open Society and Its enemies “), mà nhà tỉ phú George Soros là một môn đệ hiện đang theo đuổi áp dụng thông qua tổ chức “Open Society Institute OSI” do ông sáng lập, có trụ sở chính tại New York, và chuyên chú về công cuộc phục hồi tại các nước Đông Âu trong giai đọan hậu cộng sản từ 20 năm nay. Người viết mong sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn về cặp đại sư Karl Popper và môn sinh George Soros này trong một dịp khác, cũng như đã viết về vị đại sư cũng rất nổi danh khác của nước Pháp là Raymond Aron (1905-1983) vào đầu năm 2008 vừa qua./ 

California, Tháng Tư 2009

Đòan Thanh Liêm 

( Bài 2   : Giới thiệu tác phẩm “Small is beautiful”). (tiếp theo)

Tác giả: Luật sư Đoàn Thanh Liêm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!