THƯƠNG TIẾC GIÁO SƯ PHÓ BÁ LONG.
Mới từ đầu năm 2009 tới nay, mà riêng tại miền thủ đô Washington DC, tôi đã mất đi đến hai người bạn thân quý. Đó là anh Nguyễn Tự Cường mất vì tai nạn ở Thái Lan vào giữa tháng Giêng, mới ở tuổi 60. Và mới đây vào giữa tháng Hai, thì là anh Phó Bá Long từ giã cõi đời ở tuổi 87. Anh Cường là người rất tích cực tham gia trong công cuộc tranh đấu cho Nhân quyền từ nhiều năm nay. Anh luôn giữ thái độ khiêm tốn, âm thầm làm việc, nên được sự mến chuộng của nhiều người ở vùng thủ đô nước Mỹ. Còn anh Phó Bá Long, thì là người bạn thân thiết với tôi từ gần 50 năm qua, vào hồi đầu thập niên 1960 ở Saigon. Ngay từ hồi tôi còn là sinh viên theo học tại Đại học Luật khoa vào giữa thập niên 1950, thì khá đông các anh Hùynh Văn Lang, Nguyễn Ngọc Linh, Phó Bá Long, Trần Long, Nguyễn Thái, Bùi Kiến Thành, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Văn Thơ, và các Chị Phan Nguyệt Minh, Phan Ngọc Quới, Nguyễn Thị Quýt, Phạm thị Thu, Vũ Nhất Thanh, Phạm Thị Ngọ v.v…mới du học ở Mỹ lần lượt về miền Nam Việt nam. Các anh chị là những chuyên viên trẻ ở tuổi “tam thập nhi lập”, đã đem lại một luồng sinh khí mới, rất năng động, tháo vát và phóng khóang trong lãnh vực họat động văn hóa xã hội, vào những năm đầu của chế độ Việt nam Cộng hòa. Cụ thể như Trường Bách Khoa Bình Dân, Tạp chí Bách Khoa, Hội Việt Mỹ, Cơ Quan Viện Trợ Mỹ (USOM), Phái Bộ Đại Học Michigan v.v… là những cơ sở do các anh chị sáng lập, điều hành, hoặc tham gia tích cực chung với giới chức Mỹ trong ngành văn hóa xã hội… Có thể nói đây mới chính là cách thể hiện đúng cái “phong cách sống theo lối Mỹ” (the American way of life), mà các anh chị đã tiếp thu được trong thời gian du học tại Hoa kỳ. Vào năm 1960-61, tôi cũng được đi du học tu nghiệp ở Mỹ, nên có điều kiện học hỏi, quan sát cụ thể về lề lối sinh họat tại quốc gia, mà trước đó tôi chỉ được biết đến qua sách vở báo chí. Vào năm 1961, sau khi ở Mỹ về, thì tôi có dịp tham gia sinh họat với Nhóm Trí Thức Công Giáo Pax Romana, và qua đó thì quen biết gần gũi với nhiều bậc đàn anh đàn chị mà phần đông đã du học ở Âu châu hay Mỹ trở về. Anh Phó Bá Long là một trong những thành viên họat động khá tích cực của Nhóm. Hồi đó, anh Long làm việc tại hãng xăng dầu Esso tại đường Thống Nhất Saigon. Năm 1962, vào tuổi 40, anh Long mới làm lễ thành hôn với Chị Đặng Trung Nghĩa. Tôi có được mời tham dự đám cưới của hai anh chị, nhưng lúc đó tôi lại đang phải theo học tại trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức, nên đã không thể có mặt trong ngày vui này được. Anh chị có căn nhà khá rộng rãi, thóang mát gần với trường huấn luyện sĩ quan trừ bị Thủ Đức và nhóm Pax Romana chúng tôi đã được nhiều lần tới sinh họat tại ngôi nhà có vườn cây và cả hồ bơi này. Vào các năm sau 1963, anh Long thường được mời tham dự vào Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội cùng với nhiều vị giáo sư của tôi tại trường luật như Giáo sư Vũ Quốc Thúc, Nguyễn Cao Hách. Có thời anh còn được mời làm Bộ trưởng Bộ Lao Đông. Nhưng phần nhiều, anh làm việc trong lãnh vực kinh tế, ngân hàng là ngành chuyên môn của anh, kể từ khi anh theo học về “Quản trị kinh doanh “ (Business Administration) tại Đại học Harvard vào giữa thập niên 1950. Sau này, anh Long chuyển hẳn sang ngành giáo dục, và là một vị giáo sư nòng cốt của Phân Khoa Chính Trị và Kinh Doanh thuộc Trường Đại Học Đalat. Và anh tỏ ra say mê, thích thú với công việc này, khi đã vào cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”. Năm 1975, anh Long đưa cả gia đình qua Mỹ. Mãi đến năm 1989, tôi mới gặp lại anh ở Hanoi trong dịp anh dẫn Linh mục Khoa trưởng của Đại học Georgetown ở Mỹ để đàm phán về việc mở các khóa học về Quản trị kinh doanh ở Việt nam.Tôi cũng gặp cả người em gái là Phó Thị Thanh Liêm về Hanoi để thăm viếng bà cụ ở với anh Phó Bá Dzoanh là người em kế với anh Long. Rồi khi trở về Saigon, thì tôi gặp lại cả chị Nghĩa với anh Long nữa. Anh Long cũng tìm cách đến thăm Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, Luật sư Nguyễn Văn Huyền và nhiều bạn hữu xưa. Anh cho biết hồi mới qua Mỹ, vì các cháu còn nhỏ, nên anh chị rất bận rộn, phải làm đủ thứ nghề, có khi làm đến 2-3 job, thì mới có thể lo lắng chăm sóc chu đáo cho cả lũ 6 đứa con được. Sau đó, vào đầu năm 1990 thì tôi bị đi tù. Mãi tới năm 1996, gia đình tôi mới được qua định cư ở California. Và chỉ đến năm 2007, thì tôi mới gặp lại anh chị tại vùng thủ đô Washington DC. Nhiều lần, tôi đã đến sinh sống ít ngày tại nhà anh chị ở thành phố Mclean nằm sát với thủ đô. Vào tuổi 85-86, anh đã yếu nhiều, không còn lái xe được nữa. Nhưng đầu óc thì vẫn minh mẫn sáng suốt. Anh có rất nhiều sáng kiến, gợi ý cho tôi nên làm việc này chuyện nọ; và chúng tôi đã có rất nhiều thời giờ để đàm đạo trao đổi với nhau trong sự thông cảm, tâm đầu ý hợp, rất ư là tương đắc. Anh chị dành cho tôi mọi sự dễ dãi, tiện nghi để tôi theo đuổi việc nghiên cứu của tôi tại Thư viện Quốc hội Mỹ. Và tôi thật thỏai mái sử dụng computer và máy in tại phòng làm việc riêng của anh. Buổi chiều anh thường dẫn tôi ra vườn sau đi bộ trên lối đi do anh sắp xếp gạch đá, lót thảm và cả cầu gỗ, lối đi dọc theo bờ tường sát với nhà hang xóm. Anh nói đây là “chặng đường thánh giá” để cho anh vừa đi vừa suy gẫm, đọc kinh và gợi nhớ lại biết bao kỷ niệm của những người thân thương với anh trong suốt một cuộc đời nhiều biến đông của anh. Đặc biệt anh Long kể lại cho tôi nghe về mối liên hệ mật thiết của anh với Linh mục Pacific Nguyễn Bình An hồi xưa là Tuyên úy của Pax Romana, mà tôi cũng rất gần gũi, gắn bó khi chúng tôi cùng sinh họat chung với nhau hồi thập niên 1960 ở Saigon. Anh tâm sự : Cha An quả là một vị tu sĩ thánh thiện và uyên bác. Nhờ cha mà đời sống đức tin của anh được tăng cường bền vững hơn. Cha thuộc dòng Phanxico khó nghèo, luôn sống đơn sơ, khổ hạnh, mà lại hết lòng phục vụ tha nhân. Cả gia đình mấy em của anh cũng đều quý mến cha, ngay từ những năm 1951 ở Pháp, cha đã tận tình giới thiệu cho anh và các em được trú ngụ tại nhà của những người bạn Pháp của cha, để mà theo đuổi chuyện học tập trước khi được chuyển qua bên nước Mỹ. Và sau này ở Saigon, thì anh lại có duyên gặp lại cha thường xuyên, nhất là những ngày cha lâm trọng bệnh và qua đời tại tu viện kế sát với nhà anh ở Thủ Đức. Các chi tiết như thế này, anh đã ghi lại rất cảm động trong 2 tập của cuốn hồi ký tự thuật bằng tiếng Anh nhan đề là : “On the Long Way Home”. Cuốn sách tự thuật in ấn khiêm tốn đơn giản chỉ cốt để phổ biến hạn chế này, cháu Đòan Chính Trực là con trai út của tôi đã say mê đọc hết, và cháu coi đó là cuốn hồi ký hay nhất mà cháu được biết. Mặc dầu cháu chưa hề có dịp được gặp Bác Long. Anh Long hay gửi cho tôi những tài liệu rất quý của người bạn học xưa ở Mỹ với anh trong tủ sách gọi là Trinity Forum, tóm lược những tư tưởng giàu tính nhân bản của các tác giả đương đại. Và khi thấy tôi tỏ vẻ chú ý đến lọai tài liệu này, thì anh lại giới thiệu tên tuổi của tôi cho người phụ trách để họ liên lạc trực tiếp với tôi. Đặc biệt anh đã tổ chức việc phiên dịch cuốn Hồi ký của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường từ nguyên tác tiếng Pháp là : “Un excommunie’” (Kẻ bị tuyệt thông) sang tiếng Anh để phổ biến cho giới trí thức ở Mỹ và trên thế giới. Anh nói hồi trước năm 1945, khi từ Thượng Hải trở về Hanoi, thì anh theo học nốt chương trình trung học tại Trường Bưởi, nên đã được học môn Pháp văn với thầy Tường, mà anh rất khâm phục các bài giảng thật uyên bác của thầy. Cuốn sách này mô tả cái cảnh bị đọa đày, khốn khổ cùng cực của một người trí thức tại Hanoi sau vụ đàn áp phong trào “Nhân văn – Giai phẩm” kể từ năm 1956 cho đến năm 1991. Và anh đang chuẩn bị để bản Anh ngữ của cuốn Hồi ký này được xuất bản dưới dạng bìa cứng (hard cover) hầu dễ phổ biến sâu rộng trong giới Đại học ở Mỹ và trên thế giới. Về các bài tôi viết và gửi cho anh, thì anh Long đọc rất kỹ và luôn khích lệ tôi tiếp tục làm việc theo chiều hướng xây dựng tích cực, cụ thể như việc nghiên cứu về sự Phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu kể từ năm 1989 khi chế độ cộng sản bị xụp đổ. Anh rất thích mấy bài tôi viết về kinh nghiệm phát triển của chương trình Quận 6, 7 và 8 Saigon từ hồi năm 1965, mà anh có dịp tới thăm nhóm thanh niên sinh viên chúng tôi họat động tại khu vực ven biên thành phố hồi đó. Anh nói chuyện xây dựng cụ thể, thiết thực như vậy mới đích thật là “ một thứ giải pháp thay thế cho đường lối bạo lực sắt máu của người cộng sản …” Vào hồi giữa tháng Giêng 2009, khi nhận được bài tôi gửi “Lượng cả bao dung”, thì anh đã mau mắn viết e-mail trả lời là anh rất thích bài này và muốn có bản tiếng Anh để cho lớp trẻ có thể đọc một cách thông suốt dễ dàng. Nhưng tiếc thay, đây là cuộc trao đổi cuối cùng giữa anh Long và tôi, vì sau đó không lâu anh đã ngã bệnh, phải đưa vào bệnh viện và tắt thở tại đây vào ngày 17 Tháng Hai 2009. Vào tuổi 87, sự ra đi cuả anh Long không làm tôi bị bất ngờ so với trường hợp cuả anh Nguyễn Tự Cường mới có 60 tuổi. Nhưng mà tôi vẫn tiếc thương, bùi ngùi xúc động vì vừa mất đi một con người có nhân cách cao quý, có tấm lòng đôn hậu, nồng ấm đối với hết thảy mọi người. Đối với gia đình, anh Long là người con chí hiếu, người chồng tuyệt vời, người cha gương mẫu. Anh là người con trưởng đã tận tình lo lắng chăm sóc cho các em được ăn học đến nơi đến chốn ở Âu châu cũng như ở Mỹ. Khi về hưu, anh đã ra sức bổ túc và hoàn thành được một cuốn gia phả cuả dòng họ Phó cuả anh, với cả bản tiếng Anh. Và đặc biệt, anh đã nối kết được với mọi người trong dòng họ cuả mình, dù là đang sống rải rác ở khắp năm châu, bốn biển. Trong số những người thân thiết nhất trong gia đình của anh, ngòai chị Nghĩa là người bạn đời của anh, thì tôi còn quen nhiều với chị Gia Khánh mà từ những năm 1961 trở đi thường hay sinh họat với Nhóm Pax Romana chúng tôi. Sau này, chị Khánh lập gia đình với anh Bửu Hoan là bào đệ của cha Bửu Dưỡng, làm việc tại ngân Hàng Phát Triển Á châu (ADB) tại Manila. Tôi cũng vài lần gặp hai chị Lăng Tài, Thanh Liêm, nhưng không có dịp trao đổi gì nhiều. Tôi cũng không có dịp nói chuyện nhiều với các cháu con của anh chị Long, nhưng tôi tin là với một người cha và mẹ tuyệt vời như anh Long- chị Nghĩa, thì chắc chắn các cháu phải là những người con ngoan hiền, lương hảo và tài ba rất mực tất cả đấy thôi. Bài viết này tôi không thể ghi nhiều chi tiết về sự nghiệp chuyên môn về kinh tế, tài chánh và nhất là về giáo dục của anh Phó Bá Long trong suốt một cuộc đời dấn thân, hy sinh tận tụy của anh. Vì đã có những người đồng nghiệp, các vị giáo sư và rất đông môn sinh của anh ở Việt nam, ở Lào, Cambodia, ở Mỹ v.v…đã và sẽ viết đày đủ chi tiết hơn về anh. Mà tôi muốn trình bày đặc biệt về khía cạnh tâm linh của một người có niềm tin tôn giáo rất là sâu sắc như anh Long, đó là cái điều mà tôi đã được đích thân chứng kiến từ gần nửa thế kỷ nay, ở tại Việt nam cũng như trên đất Mỹ. Anh Long gia nhập đạo công giáo lúc mới có 16-17 tuổi, khi theo học tại một trường trung học do mấy thầy dòng tổ chức tại Thượng hải. Mặc dầu bị gia đình ngăn cản, anh vẫn đi tới với đạo công giáo với sự xác tín từ trong nội tâm của mình. Và khi anh trở về Việt nam năm 1940 vì lý do chiến tranh ở Trung hoa, thì anh cũng không thấy việc sống đạo của bản thân mình lại trái ngược với luân lý nho giáo trong nội bộ gia đình của mình. Anh vẫn làm tròn bổn phận chữ hiếu của một người con trưởng trong nhà, tức là hết lòng chăm sóc cha mẹ và các em trẻ hơn anh nhiều. Chỉ đến khi anh tham gia họat động trong hang ngũ Việt minh cộng sản, thì niềm tin tôn giáo bắt đầu bị chao đảo, phai lạt. Nhưng sau khi rời hàng ngũ kháng chiến vào năm 1950, thì anh lấy lại được sự thăng bằng trong niềm tin của mình. Theo như lời anh kể trong cuốn hồi ký, thì anh được nhiều vị tu sĩ công giáo tận tình nâng đỡ cho đời sống tâm linh của anh được phát triển và củng cố vững chắc mỗi ngày một tiến triển tốt đẹp hơn. Là một con người chuyên về hành động thực tiễn, anh Long ít khi bị lôi cuốn vào những cuộc tranh luận lý thuyết siêu hình phức tạp. Mà anh luôn tìm cách biểu lộ niềm tin tôn giáo của mình bằng cuộc sống lương hảo, bằng việc tận lực dấn thân phục vụ tha nhân, đặc biệt là giới trẻ trong môi trường giáo dục đại học, mà anh luôn tin tưởng rằng đó là cái thiên chức mà Thượng Đế đã an bài sắp xếp cho anh (mission). Sự nhập cuộc của anh với xã hội rõ ràng là đã xuất phát từ cái niềm tin kiên định sắt đá như thế. Tôi rất tâm đắc với anh về điểm này “ Người công giáo đích thực, thì cũng chính là một người con hiếu thảo trong gia đình, đồng thời cũng là một người công dân gương mẫu của quê hương đất nước”. Và cũng như anh Long, tôi hằng áp dụng điều đó trong lối sống và hành động cụ thể thường ngày của mình. Nay thì anh Long đã ra đi để gặp lại cha mẹ, ông bà và bao nhiêu người thân thương trong gia tộc, cũng như các bạn hữu thân thiết của anh. Trong số các bạn hữu này, tôi có thể ghi lại một số người mà sinh thời anh Long đã rất quý mến, điển hình như Cha Nguyễn Bình An, Cha Cras, Cha Nguyễn Huy Lịch, các Anh Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Bác sĩ Nguyễn Văn Thơ, Giao su Bui Xuan Bao, Dược sĩ Trần Quý Thái v.v… mà xưa kia anh vẫn thường gặp gỡ sinh họat với nhau trong Nhóm Pax Romana ở Saigon. Những người còn lại trong Nhóm này, thì hiện ở Việt nam như Cha Chân Tín, các chị Nguyễn Thị Oanh, Phạm Thị Tự, các anh Lâm Võ Hòang, Lý Chánh Trung, Uông Đại Bằng, Nguyễn Phúc Khánh, Vũ Sinh Hiên, Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Nhuận v.v… Và ở hải ngọai, thì còn rất nhiều, cụ thể như Bác sĩ Nguyễn Văn Ái ở Pháp, anh chị Nguyễn Văn Tánh- Lê Bạch Nhật ở Bỉ, chị Trần Thị Lài ở Ba lan, chị Phan Nguyệt Minh ở Texas, anh chị Trần Long ở Oregon, các anh Nguyễn Bảo Trị, Hòang Ngọc Tuệ, Võ Long Triều, Đòan Thanh Liêm ở California, anh Nguyễn Văn Trung ở Canada v.v… Chúng tôi tuy cùng có chung một niềm tin tôn giáo, cùng xưng tụng một Chúa Giêsu Cứu Thế, cùng dấn thân phục vụ xã hội theo tinh thần công bằng bác ái của Phúc Âm, nhưng chúng tôi vẫn có thể còn có những khác biệt này nọ về chính trị, hay về khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật, mà vẫn giữ được mối hòa khí thuận thảo và tương kính lẫn nhau. Anh Long có thể có “lập trường chính trị chao đảo, đã vô tình tiếp tay làm lợi cho chính quyền cộng sản ở Hanoi”, như một số bạn ở miệt thủ đô Washington đã có lần nói với tôi.Và tôi cũng đã trao đổi với anh về lọai phản ứng như vậy đối với anh. Tôi nói rằng : “Chúng ta chọn lựa ở nước ngòai, thì đó là vì lý do không chấp nhận chế độ độc tài chuyên chế của đảng cộng sản. Dứt khóat, ta phải giữ vững cái “căn cước tỵ nạn chính trị” của mình. Như vậy, việc phát biểu công khai của anh ở Việt nam năm 1992-93, vào lúc tôi đang ở trong nhà tù tại Hàm Tân Phan Thiết, để “xin Nhà nước cộng sản xí xóa cho những người bỏ nước ra đi” là điều mâu thuẫn, trái ngược hẳn với lập trường kiên định của chúng tôi là “political refugees”. Tôi nói với anh bằng giọng ôn tồn, nhỏ nhẹ, chứ không gay gắt, cụ thể là “Anh Long ngây thơ quá đấy!” Và tôi vẫn nhớ là anh không hề tranh luận với tôi về cái lập trường quan điểm như vậy của tôi. Như đã ghi ở trên, mặc dầu có sự bất đồng ý kiến như vậy, giữa anh Long và tôi thì không bao giờ lại có sự bất hòa hay chỉ trích, mạt sát lăng nhục đối với nhau. Mà trái lại, tôi vẫn giữ được sự quý mến thân tình đối với anh Long. Anh Phó Bá Long cũng như các Anh Dõan Quốc Sĩ, Hùynh Văn Lang đều là những bậc đàn anh lớn hơn tôi cả một con giáp, và cũng đều có những đóng góp, rất tích cực, rất đáng kể đối với dân tộc và đất nước, mỗi người mỗi vẻ.Và tôi đều trân trọng và noi theo tấm gương cao đẹp của các anh đã để lại cho thế hệ đàn em như tôi. Xin vĩnh biệt Anh Giáo sư Phó Bá Long, người mà tôi luôn quý mến. Với niềm luyến tiếc khôn nguôi. California, Tháng Ba 2009 Đòan Thanh Liêm
Tác giả:
Luật sư Đoàn Thanh Liêm
|