TÔN GIÁO LÀ TẤM LÒNG NHÂN ÁI VỊ THA .
Tôi sinh trưởng trong một gia đình nông dân bên bờ đê sông Hồng thuộc miền đồng bằng Bắc Việt, trong tỉnh Nam Định. Dòng họ nội ngọai nhà tôi đều đã nhiều đời theo đạo công giáo. Mà ông nội tôi lại là một ông thầy đồ dậy chữ nho, nên trong gia đình chúng tôi vẫn còn giữ được cái truyền thống “gia phong gia đạo” do ông bà để lại. Cha tôi là con trưởng, mà mẹ tôi cũng là trưởng nữ của ông bà ngọai, cho nên hai ông bà đều chú tâm đến công việc của cả dòng họ, chứ không phải chỉ chăm lo riêng cho gia đình riêng của mình. Vì ông nội tôi mất khi tôi mới được 5-6 tuổi, nên tôi chẳng hề được học một câu chữ nho nào của cụ. Tuy vậy, tôi vẫn thấy trong gia đình chúng tôi, thì ai nấy vẫn thường được cha mẹ rèn cặp chỉ bảo theo đường lối lễ giáo đã ăn rễ sâu trong nhiều thế hệ các gia đình ở miền thôn quê từ thuở xa xưa. Tôi vẫn còn nhớ lời cha mẹ hay nhắc nhủ lũ anh chị em chúng tôi đại khái như : “Giấy rách giữ lề”, “ Trai thì trung hiếu làm đầu, Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”,” Thà chịu nghèo chứ không chịu hèn “, “ Thương người như thể thương thân” v.v… Nói chung thì cuộc sống tại miền quê hồi trước năm 1945 thường là êm đềm, lương hảo, bà con thân tộc cũng như người cùng trong lối xóm luôn đày tình nghĩa tương thân tương trợ, cưu mang giúp đỡ lẫn nhau. Làng tôi hồi đó có chừng 100 gia đình theo đạo công giáo cũng như theo đạo Phật, nên có cả nhà thờ, có cả chùa. Đặc biệt lại còn có cả một ngôi đình làng nữa. Mẹ tôi chẳng biết đọc, chẳng biết viết chữ quốc ngữ. Nhưng bà lại có trí nhớ rất tốt, bà thuộc làu kinh sách và nhất là ca dao tục ngữ. Bà thường dậy các con theo lối “truyền khẩu” như trong lối giáo dục ngàn xưa của cha ông chúng ta. Nhưng quan trọng nhất là cả hai bố mẹ chúng tôi đã để lại tấm gương trong sáng của sự lương thiện và tấm lòng nhân ái đối với bà con thân tộc, cũng như với mọi người trong xóm làng. Thật đúng như lời nhắc nhủ “ Dĩ thân nhi giáo”, tức là đem cái nhân cách, cái gương sống động của chính bản thân mình ra mà truyền lại cho con cháu, hơn là chỉ dùng lời nói suông. Cụ thể như là cứ vào dịp Mùa Chay trước Lễ Phục sinh, thì mẹ tôi năm nào cũng tổ chức kêu gọi bà con nghèo túng trong làng tới để nhận lãnh mỗi gia đình một vài ký gạo, vì vào lúc đó thì phần đông đã cạn hết thực phẩm. Mẹ tôi dặn là : Các con phải tần tiện, nhịn ăn nhịn tiêu để còn dành dụm chia sớt cho bà con đang túng thiếu; có như vậy thì mới đúng là “nhường cơm sẻ áo” giúp bà con gần gũi với mình. Nhà tôi có cái rủi, mà sau này lại thành cái may. Đó là trường hợp xảy đến cho bà chị cả chúng tôi; chị bị tật nguyền thành người câm điếc ngay sau một cơn sốt nặng hồi mới lên ba tuổi. Khỏi phải nói là cha mẹ tôi rất buồn phiền vì cái tai nạn đối với người con gái đầu lòng như vậy. Nhưng may mà chị tôi lại được nhận vào trại người câm điếc tại thị xã Thái bình do mấy nữ tu thuộc nhà dòng Saint Vincent de Paul đảm trách. Và chính tôi vào lúc 9-10 tuổi, thì cũng được gửi vào sinh sống tại cơ sở này mà hồi đó có tên là “Asile Saint Joseph”; tôi ở chung trong khu nam giới với mấy anh câm điếc.. Tại cơ sở này, ngòai ngưới câm điếc nam nữ ra, lại có cả các con lai mà người cha là lính trong quân đội Pháp, kể cả người gốc Phi châu da đen, và mẹ là người Việt nữa. Phần đông các anh chị này là bị cha mẹ bỏ mặc cho mấy ma soeur chăm sóc, chứ ít khi có ai trong gia đình đến thăm viếng hay tiếp tế cho. Thành ra ngay từ hồi còn nhỏ tuổi, tôi đã đích thân được chứng kiến sự chăm sóc của các nữ tu này đối với những con người tật nguyền hay mồ côi bị gia đình ruồng bỏ như thế. Đây rõ rệt là sự biểu lộ của tình nhân ái, lòng xót thương đối với đồng lọai theo đúng như giáo huấn của giáo hội công giáo là : “ Mến Chúa thì phải Yêu Người”. Rồi khi đến tuổi trưởng thành, thì tôi đã dấn thân vào các lọai công tác xã hội, cụ thể như cùng với nhiều bạn hữu khác tham gia vào công cuộc cải thiện nếp sống của tầng lớp người kém may mắn tại khu vực các quận 6,7,8 ngọai ô thành phố Saigon từ năm 1965, lúc tôi bắt đầu vào cái tuổi “tam thập nhi lập” trở đi. Trong mấy năm làm việc tại chương trình phát triển ở địa phương này, tôi được dịp cộng tác với các vị giới chức, tu sĩ và tín đồ bên Phật giáo, Công giáo cũng như Tin lành. Tất cả đều hết lòng ra tay giúp đỡ những nạn nhân chiến cuộc, đặc biệt là những gia đình bị mất nhà cửa trong vụ tấn công hồi Tết Mậu thân 1968. Điển hình như Thầy Thích Tắc Thành tại chùa Đông Phước, phường Bình Đông quận 7, Linh mục Nguyễn Huy Chương tại nhà thờ Rạch Cát quận 7, Linh mục Hòang Quỳnh tại nhà thờ Bình An quận 8, Sư Bà Thích Như Thanh chùa Huê Lâm quận 6, Thầy Thích Tâm Quang ở Phú Lâm, Soeur Nicole trường Nữ Vương Hòa Bình quận 3 v.v… Các tu sĩ này đặc biệt chăm lo việc mở phòng khám bệnh, phát thuốc, mở các lớp học, lớp dậy nghề cho các học viên nam, nữ tại địa phương; đồng thời cũng giúp vận động bà con tham gia công việc chỉnh trang tái thiết tại các xóm hẻm như đặt đường cống thóat nước, xây cất cầu bắc qua các kinh rạch, và nhất là xây dựng lại nhà cửa bị phá hủy tại 20 khu tái thiết trong cả 3 quận ven biên này vốn bị tàn phá nặng nề, vì là cửa ngõ cho sự xâm nhập của quân đội cộng sản vào thành phố qua ngả Long An, Rạch Kiến, Cần Giuộc… Về phía cơ quan từ thiện xã hội ngọai quốc mà hay yểm trợ cho công tác phát triển và xây dựng nói trên, thì phải kể đến cơ quan CARE, tổ chức Xã Hội Tin Lành Việt Nam (VNCS Vietnam Christian Service), tổ chức Xã Hội Tin Lành Á châu (ACS Asian Christian Service), cơ quan Cứu Trợ Công giáo Mỹ ( CRS Catholic Relief Service), Tổ chức Quaker Mỹ và Anh, Adenauer Foundation của Đức v.v… Như vậy là phần lớn các cơ quan từ thiện nhân đạo này cũng đều xuất phát từ các tổ chức tôn giáo. Vì chương trình phát triển chúng tôi là một tổ chức tự nguyện của giới thanh niên, sinh viên Việt nam, hòan tòan độc lập chứ không lệ thuộc vào chính quyền hay một tổ chức chính trị hay tôn giáo nào, nên anh chị em chúng tôi cứ thỏai mái tiếp xúc và hợp tác với bất kỳ cơ quan, tổ chức đòan thể hiệp hội nào, dù là bản xứ hay ngọai quốc, kể cả cơ quan viện trợ cùa chánh phủ Mỹ USAID. Xuyên qua các họat động nhiều năm tại Saigon như vậy, mà tôi được Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (WCC World Council of Churches) tại Geneva chú ý đến và mời tham gia cộng tác với họ vào các năm 1972-74 trong chức vụ Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Liên lạc tại Saigon ( Saigon Research & Liaison Office). Trong cương vị này, tôi có điều kiện thấu hiểu cặn kẽ hơn về sự dấn thân nhập cuộc của tôn giáo trong các sinh họat đa dạng và phức tạp của xã hội hiện đại trong bối cảnh của cuộc chiến trạnh lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản. Tôi sẽ có dịp viết chi tiết hơn về cái kinh nghiệm này vào một dịp khác. Riêng trong bài này, tôi muốn trình bày về khía cạnh nhân ái vị tha của các tôn giáo mà tôi có dịp tham gia cộng tác với các tu sĩ cũng như tín đồ, trong suốt trên 40 năm họat động xã hội sôi nổi, miệt mài của tôi ở Việt nam giữa thời chiến tranh tàn khốc, cũng như tại nước Mỹ thanh bình mà tôi đã đến định cư từ trên 10 năm nay. Xin ghi lại một số kỷ niệm vui buồn với anh chị em học viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tại Khu Chùa Lá, Phú Thọ Hòa Gia Định. Đây là cơ sở đào tạo cán sự xã hội của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Học viên là các tu sĩ và Phật tử, cả nam lẫn nữ. Vào giữa năm 1967, tôi có dẫn một vị giáo sư người Hoa từ Hongkong qua thăm cơ sở này, thì gặp đúng lúc trường đang ủ rũ đau buồn vì cái tang tóc xảy ra mấy bữa trước do kẻ lạ mặt thảy lựu đạn vào phòng học của các học viên vào ban đêm, khiến cho một cô giáo và một học viên bị sát hại và nhiều người khác bị thương. Thầy Thích Thanh Văn, Giám Đốc của trường với gịong trầm buồn nói với chúng tôi là mọi người tại đây đang quá xúc động trước tai nạn thảm khốc này, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi việc học tập để sau này có thể phục vụ xã hội tốt đẹp hơn. Và sau này, tôi đã có dịp hợp tác với các học viên này tại nhiều nơi, đặc biệt là ở vùng Quảng Trị, Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh trong nhiều năm cho đến 1975 khi trường bị giải thể. Ngay giữa thời chiến tranh mà vẫn có những người trẻ tuổi hăng say với công tác xã hội,tận tâm tận lực chăm sóc cho các nạn nhân chiến cuộc, ngay tại các vùng mất an ninh. Và họ đã bị nhiều lần bị sát hại, mà chỉ sau năm 1975, thì người ta mới có thể biết rõ kẻ chủ mưu là ai. Ngòai bên Công giáo và Phật giáo ra, tôi cũng còn có nhiều cơ hôi gặp gỡ và sát cánh với các giới chức và tín đồ thuộc các tôn giáo khác như Tin Lành, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Nói chung, thì tôn giáo nào cũng tham gia cụ thể vào các họat động nhân đạo từ thiện ngay từ cấp hạ tầng cơ sở tại miền quê hẻo lánh, cũng như tại các xóm hẻm lầy lội nơi các thành phố. Cụ thể như tại miệt Long Xuyên nơi thánh địa của Phật Giáo Hòa Hảo, vào cuối năm 1966, tôi có dịp tới tham gia với anh em sinh viên trong việc giúp làm nhà cho các gia đình nạn nhân vụ lũ lụt tại Cù lao Ông Chưởng, thì chúng tôi được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các giới chức và tín đồ tại đây. Nhờ vậy mà công tác cứu trợ được hòan thành tốt đẹp.Rồi khi ở trong tù tại Hàm Tân vào năm 1994-95, tôi cũng gặp một số tù nhân chính trị là tín đồ Hòa Hảo như các Anh Võ Thành Sắc, Nguyễn Văn Sâm, ai nấy đều tỏ ra là người có nhân cách đàng hòang, chững chạc. Về phía bên Cao Đài cũng vậy, tôi cũng gặp nhiều chức sắc và tín đồ rất ngoan đạo và hăng say với chuyện xã hội từ thiện, mà điển hình như Ông Muời Thơ ở phường Hưng Phú, quận 8, Cô Sáu (là em của nhà bác học Nguyễn Ngọc Bích) tại Thánh Thất Cao Đài đường Hậu Giang, quận 6 Saigon. Cả hai vị này đều rất tích cực trong việc đời cũng như việc đạo tại địa phương. Và tại nhà tù Hàm Tân, thì tôi cũng rất gần gũi với các Anh Phan Văn Phần gốc ở Long Hoa, Tây Ninh, Nguyễn Văn Bá từ Sadec, tất cả đều là tín đồ Cao Đài thuần thành, mà là tù nhân chính trị lâu năm. Anh em tù nhân chính trị chúng tôi ở Hàm Tân hồi đó thì rất gắn bó, tương thân tương trợ với nhau. Thật là một kỷ niệm sâu đậm ngay trong thời gian còn ở trong nhà tù cộng sản ở Việt nam. Trước 1975, tôi cũng có dịp đế thăm Viện Đại Học Cao Đài ở Tây Ninh và cũng đang tìm cách giới thiệu móc nối Đại học này với một vài Đại học ngọai quốc. Nhưng tiếc thay, việc chưa kịp làm, thì đã đến 1975 đưa đến việc cơ sở này bị giải thể, cũng như bao nhiêu cơ sở giáo dục của các tôn giáo khác nữa. Theo truyền thống văn hóa đạo đức Á đông của cha ông ta, thì người quân tử phải có đày đủ ba tính cách, đó là Nhân, Trí và Dũng. Tức là phải có lòng Nhân ái, biết yêu mến quý trọng đối với mọi người trong nhân quần xã hội. Rồi phải có sự trau dồi trí tuệ, học hỏi cho nắm vững được cái vốn liếng hiểu biết khoa học kỹ thuật, hầu có thể theo kịp được với sự tiến bộ của thời đại. Và hơn nữa, lại phải có sự dũng cảm, nhẫn nại bền chí để tranh đấu cho công lý và lẽ phải, để còn bênh vực cho những người bị kẻ có quyền thế chèn ép hiếp đáp. Mà qua các sự việc cụ thể đã trình bày ở trên, thì ta thấy rõ ràng là : Tôn giáo đã và còn tiếp tục thể hiện được tinh thần nhân ái, bao dung đối với con người trong xã hội hiện đại. Và tôn giáo cũng luôn nhẫn nại bền chí trong công cuộc phục vụ nhân sinh : đó là tính cách dũng cảm, sự đảm lược của người quân tử vậy. Còn về phần trí tuệ, thì như ta có thể thấy được ngay bên Âu Mỹ này, hiện có biết bao nhiêu cơ sở đại hoc và viện nghiên cứu, các bệnh viện mà đều xuất phát từ các tổ chức tôn giáo. Nói vắn tắt lại, thì trong một thể chế dân chủ đa nguyên như ở tại các quốc gia Âu Mỹ hiện nay, thì các tổ chức tôn giáo được tự do sinh họat và phát triển trong khuôn khổ của lãnh vực Xã hội Dân sự. Và do đó mà có thể đóng góp lớn lao cho sự an vui, hạnh phúc của con người trong xã hội. Điển hình như tại nước Mỹ hiện nay, thì các tôn giáo đã chiếm đến 60% trong số cả triệu các tổ chức phi chánh phủ (non-governmental organizations), cũng như trong số trên 3 triệu các nhóm nhỏ (small groups). Và họ hoạt động rất hiệu quả trong các chương trình xã hội được gọi là “Faith-based Social Action”. Hơn thế nữa, tôn giáo lại còn kết hợp với giới hàn lâm đại học trong các việc đào tạo huấn luyện và nghiên cứu ở mức độ chuyên môn cao, được coi như sự “Hợp tác giữa Tôn giáo và Đại học” (Cooperation between Churches and Academy). Một bên có Tâm hồn, có Lòng Nhân Ái, có sự Bền chí Hy sinh. Còn một bên có sự thông tuệ, sự tìm kiếm miệt mài, sâu sắc về các ngành khoa học kỹ thuật. Mà hai bên kết hợp chân thành và bền chặt với nhau, thì chắc chắn là sẽ thành công vững bền trong sứ mệnh phục vụ nhân quần xã hội ngày nay vậy. Bởi lẽ sự kết hợp đó sẽ thực hiện được cả 3 vế của cái phương trình : “ Think globally + Act locally + Love totally” ( Suy nghĩ tòan cục + Họat động cụ thể trong tầm tay + Yêu thương trọn vẹn). Sự kết hợp nhuần nhuyễn như vậy mà có cơ được thực hiện tại quê hương đất nước chúng ta, thì chắc chắn sẽ là niềm hy vọng tươi sáng chứa chan cho dân tộc Việt nam trong một tương lai sắp đến vậy./ California, Tháng Tư 2009 Đòan Thanh Liêm
Tác giả:
Luật sư Đoàn Thanh Liêm
|