Thư viện ở nước Mỹ là cả một hệ thống đồ sộ, là một định chế văn hóa đã ăn rễ lâu đời tại khắp các cộng đồng địa phương, từ miền nông thôn hẻo lánh, đến các khu đô thị đông đúc.Đây là cơ sở phục vụ công ích, là trung tâm sinh họat văn hóa và học tập nghiên cứu chuyên môn cho nhiều tầng lớp quần chúng. Bất cứ trường học nào, từ sơ cấp qua trung tiểu học, cho đến bậc đại học, thì đều có thư viện được trang bị đủ lọai sách báo, băng nhựa, phim ảnh, máy computer v.v… Còn thư viện công cộng (public library), thì cũng có nhiều lọai, tùy theo sự phồn thịnh của mỗi thành phố, mà được trang bị rất phong phú, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một lớn lao của bạn đọc.
Là người có sự đam mê với sách vở, chữ nghĩa, tôi thật có duyên với các thư viện của Mỹ cho đến nay tính ra đã đến trên 50 năm rồi. Hồi còn học tại trường Chu văn An Hanoi trước 1954, thì tôi hay đến thư viện của Phòng Thông Tin Mỹ ở góc phố Hàng Trống và phố Nhà Thờ, gần với Hồ Hoàn Kiếm để coi sách báo. Rồi vào miền Nam theo học ở trường Luật, thì tôi hay tới mượn sách của Thư viện Mỹ, đặt tại đường Hai Bà Trưng Saigon, sau này thì dọn ra đường Lê Lợi và đổi tên là Thư Viện Abraham Lincoln. Cũng tại Saigon, còn có một thư viện khác của Học viện Quốc gia Hành chánh, do Đại học Michigan bảo trợ (MSU Michigan State University), thì có rất nhiều sách báo Mỹ thật là hấp dẫn cho lớp sinh viên chúng tôi thời đó. Phải nói là việc học tập của chúng tôi thời Đệ nhất Cộng hoà, thì được nhờ rất nhiều từ nơi hai thư viện này.
A/ Thư Viện Quốc Hội Mỹ.
Đến năm 1960, thì tôi được cử đi tu nghiệp tại Quốc hội Hoa Kỳ để trau dồi nghiệp vụ chuyên môn về nghiên cứu luật pháp cho Quốc hội Việt nam thời Đệ nhất Cộng hòa, là nơi tôi đã bắt đầu vào làm việc từ năm 1958, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật khoa. Phần lớn thời gian tôi ở thủ đô Washington năm 1960-61, thì dành vào việc tập sự tại Thư viện Quốc hội (Library of Congress). Đây là một lọai thư viện đặc biệt, có nhiệm vụ chính yếu ban đầu là phục vụ riêng cho ngành Lập pháp trong chánh phủ Liên bang Hoa Kỳ. Nhưng lâu rồi, cơ sở này đã phát triển lớn mạnh thêm mãi lên, để phục vụ cho giới nghiên cứu chuyên môn về chánh trị, luật pháp tại Mỹ và cả trên thế giới nữa.
Có thể nói cơ sở này là niềm tự hào cho ngành Lập pháp nói riêng và cho tòan thể nước Mỹ đối với thế giới nữa.
Vào năm 1960, thì Thư Viện QH chỉ có một tòa nhà chính là Jefferson Building, tọa lạc về phía đông nam của Điện Capitol là trụ sở chính của Quốc Hội. Sau này, thì lại xây thêm hai cơ sở nữa, đó là Madison và Adams Building. Cả ba cơ sở này đều có đường hầm ăn thông với nhau. Vào năm 2000, thì tổng số nhân viên của Thư viện đã lên tới gần 5000 người. Và so sánh với hồi 1960, thì bây giờ Thư viện đã khuếch trương, phát triển gấp bội, cả về số lượng công việc, cũng như về phẩm chất các công trình nghiên cứu. Và từ mấy năm gần đây, cơ sở này đã được một nhà hảo tâm nhận đứng ra quyên góp đến hàng trăm triệu mỹ kim để tiếp tục phát triển thêm các hoạt động rất đa dạng cuả cơ sở thư viện vốn đã từng được xếp vào loại hàng đầu trên thế giới này.
Trong việc nghiên cứu chuyên môn của tôi hiện nay, thì kể từ năm 2000, tôi hay đến tham khảo với các đồng nghiệp chuyên viên gọi là “legal analyst” làm việc lại Law Library là một bộ phận trong tòan bộ của Thư viện QH. Đề tài mà tôi bắt đầu theo đuổi nghiên cứu từ năm 2000 đến nay là : “Sự phục hồi Xã hội Dân sự tại Đông Âu 1989-2009”, nên tôi phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các luật gia gốc tại Đông Âu như người Nga, Balan, Tiệp khắc v.v…Tất cả đều rất tán thành và yểm trợ việc nghiên cứu này và đã chỉ dẫn, cũng như cung ứng mọi thứ tài liệu cần thiết liên quan đến đề tài nói trên. Mỗi năm cứ vào mùa hè nắng ấm, thì tôi lại từ miền tây bay qua miền đông nước Mỹ, để vừa tham dự các khóa hội thảo tại các viện đại học, vừa tiếp tục công việc nghiên cứu tại cơ sở này.
B/ Các Thư viện địa phương.
Ngòai Thư viện QH ở thủ đô Washington, thì tôi đã tham khảo tại nhiều thư viện của các Đại học cũng như của các thành phố lớn như New York, San Francisco, San Jose… là nơi tôi hay có dịp lui tới để hội họp hay gặp gỡ bạn bè. Đó là chưa kể đến hàng chục thư viên trong phạm vi quận hạt Orange County là nơi tôi đến cư ngụ kể từ năm 1996 tới nay. Gần như lúc nào thì thư viện cũng có rất đông người đến đọc sách báo, xử dụng computer hay mượn sách, băng CD, DVD… Ai ai đến thư viện, thì cũng hăm hở, chăm chú tìm kiếm kiến thức, trau dồi bồi bổ thêm cho cái vốn trí tuệ của mình. Có khi cả một gia đình với cha mẹ dẫn dắt lũ con đến khu dành riêng cho trẻ em đọc lọai sách được minh họa bằng nhiều hình ảnh với màu sắc rất sinh động, vui mắt. Có lần tôi dẫn anh bạn Earl Martin từ tiểu bang Virginia đến thư viện của thành phố Milpitas gần San Jose, để xài internet, thì anh rất đỗi ngạc nhiên, thích thú trước quang cảnh náo nhiệt, linh động của bao nhiêu độc giả lui tới tham khảo, hay mượn sách báo tại đây. Anh nói : “ Là một người phải nộp thuế (taxpayer), tôi thấy số tiền tôi đóng góp cho ngân sách, thì đã được xử dụng đích đáng cho các dịch vụ như ở thư viện này”.
Theo tôi biết, thì ít nhất có hai lọai thư viện công cộng : Một là của riêng cho từng thành phố. Hai là hệ thống thư viện cho tòan thể một quân hạt. Cụ thể như các thành phố lớn hay phồn thịnh như San Francisco, New York, San Jose… hoặc Huntington Beach, Newport Beach, Anaheim, Santa Clara…, thì đều có thư viện khá là phong phú, hiện đại. Có thành phố lại có hàng chục chi nhánh, được phân bố tuỳ theo các khu vực dân cư khác nhau.Hay là hệ thống thư viện chung cho quận hạt như Orange County, Santa Clara County Public Libraries …, thì mồi hệ thống có rất nhiều chi nhánh rải rác trong nhiều thành phố trong quận hạt. Độc giả chỉ cần có một thẻ cuả thư viện quận hạt, thì có thể mượn sách tại bất cứ chi nhánh nào mà thuộc về hệ thống thư viện này.
Nói chung, thì độc giả có thể tự do thoải mái tham khảo sách báo, tra cứu các loại sách thuộc loại để tham khảo (reference books), xử dụng computer hay tìm kiếm danh mục các sách cuả thư viện đã được cài sẵn trên computer, mượn sách đem về nhà v.v… Nhiều thư viện được trang bị với máy tự động, giúp cho độc giả tự mình làm thủ tục “check out sách” (mượn sách đem ra khỏi thư viện) một cách đơn giản, mau lẹ, mà khỏi cần phải thông qua sự kiểm soát cuả nhân viên. Điển hình như thư viện Martin Luther King tại San Jose, thì có đến 8 máy tự động loại này, khiến cho độc giả mượn sách đem ra khỏi thư viện một cách thoải mái. Vì tất cả các khâu ghi chép thông tin về tình trạng thư viện đều được điện toán hoá toàn bộ (computerised), nên độc giả có thể dùng internet mà tự động giao dịch với thư viện trong các dịch vụ liên hệ đến việc tìm kiếm sách trong bảng thư mục, hay xin gia hạn mượn sách, khỏi cần qua trung gian cuả nhân viên phụ trách cuả thư viện.
Đặc biệt là mỗi khi độc giả cần phải hỏi han việc gì, thì nhân viên phụ trách luôn sẵn sàng giải đáp, chỉ dẫn và giúp đỡ cho rất tận tình. Phải nói là hầu hết các nhân viên làm việc tại các thư viện đều được đào tạo chuyên môn rất chu đáo, nên họ giải quyết vấn đề do bạn đọc yêu cầu một cách gọn gàng, mau lẹ. Ngoài ra còn có nhiều người tự nguyện đến giúp việc cho thư viện, họ phần đông là các sinh viên, học sinh. Và đặc biệt là các người đã về hưu, thì họ gia nhập tổ chức gọi là “ Thân hữu cuả Thư viện” (Friends of the Library) để lo giúp đỡ phát triển sinh hoạt thường xuyên cuả thư viện, cụ thể trong việc gây thêm quỹ cho thư viện (fundraising). Nhiều thư viện có cả một gian hàng bán các sách báo cũ do các nhà hảo tâm hay do các hiệu sách tặng cho, hoặc do chính thư viện loại ra (discarded books). Sách bán rất rẻ, chừng 1-2 đồng/cuốn, và nhiều khi là sách còn rất mới và cuả các tác giả nổi danh.
Ngoài ra cũng cần phải ghi nhận về sự quyên góp cuả các nhà hảo tâm trong việc xây dựng cũng như phát triển cuả thư viện. Điển hình như tại thư viện trung ương cuả thành phố Newport Beach (Central Library) toạ lạc tại khu Corona del Mar, thì danh tính cuả các nhà hảo tâm được ghi trên một bức tường ghép đá cẩm thạch rất trang trọng, và được cập nhật mỗi năm. Trên đó, ta thấy nhiều gia đình, nhiều công ty, nhiều nhân vật đã đóng góp lón lao cho việc phát triển thư viện. Và ngoài thư viện trung ương này, Newport Beach lại còn có đến 3 chi nhánh khác nữa nằm rải rác trong các khu vực khác cuả thành phố ven bờ biển này. Vì thành phố có khả năng xây dựng thư viện riêng cho mình, nên họ không cần đến một chi nhánh cuả hệ thống thư viện chung cuả cả quận hạt, ở đây là Orange County Public Libraries. Trái lại các thành phố lân cận như Costa Mesa, Westminster…, thì lại không có thư viện riêng cuả mình, nên chỉ có các chi nhánh cuả thư viện quận hạt mà thôi.
C/ Thư viện cuả các Đại học.
Đại học nào thì cũng được trang bị một thư viện dành riêng cho các giáo sư và sinh viên. Với một sĩ số hàng mấy chục ngàn sinh viên theo học, thì thư viện lại càng phải được xây cất và lắp đặt mọi thứ thiết bị hiện đại và với sách báo, phim ảnh, băng từ CD, VHS, DVD… rất phong phú và cập nhật liên tục. So với thời tôi còn theo học tại Đaị học George Washington University (GWU) ở thủ đô nước Mỹ năm 1960-61, thì thư viện Đại học ngày nay đã hiện đại tân tiến hơn rất nhiều.
Trong mấy năm gần đây, khi tham dự các khoá hội thảo tại nhiều Đại học ở các tiểu bang Virginia, Tennessee, Pennsylvania, Indiana…, thì tôi đều có dịp tham khảo nơi thư viện cuả họ. Nói chung, thì tại các thư viện này, người đọc được cung ứng mọi tiện nghi cần thiết cho việc tìm kiếm, nghiên cưú chuyên sâu cuả mình về bất kỳ một đề tài nào. Các nhân viên phục vụ tại thư viện loại này thường có trình độ chuyên nghiệp rất vững chắc, và họ thường có sự liên kết hỗ tương với nhau trong cả một hệ thống thư viện đại học. Vì thế, họ có thể tìm kiếm thông tin, tài liệu sách báo, kể cả loại chưa xuất bản giúp cho bạn đọc có đủ tài liệu tham khảo một cách mau lẹ, dễ dàng.
Tôi đăc biệt có nhiều kỷ niệm tốt đẹp với thư viện cuả Đại học EMU (Eastern Mennonite University) tại thành phố Harrisonburg, Virginia. Vào các muà hè mỗi năm, thì Đại học này thường tổ chức các khoá học tập trao đổi quốc tế cho các tham dự viên từ hàng 5-70 quốc gia tụ tập lại để bàn thảo về kinh nghiệm “Xây dựng Hoà bình” trong khuôn khổ cuả “Viện Xây Dựng Hoà Bình Muà Hè” ( Summer Peacebuilding Institute SPI ). Với cả trăm người từ khắp năm châu với múi giờ khác nhau, nên phòng lab với mấy chục máy computer được mở liên tục ngày đêm 24/24, để cho các tham dự viên sử dụng internet trong việc nghiên cứu, viết bài thuyết trình hay trao đổi e-mail với bên nhà. Đó là chưa kể đến số máy thường xuyên đặt tại thư viện dành cho sinh viên cuả trường, nhưng cũng vẫn để cho” các khách quý” (special guests) như chúng tôi trong SPI sử dụng. Và dĩ nhiên là nhân viên thư viện cũng còn dành nhiều ưu ái khác cho số khách quốc tế bọn tôi nưã.
Một thư viện đại học khác nữa cũng lôi cuốn sự chú ý cuả tôi, đó là thư viện cuả Đại học Swarthmore toạ lạc sát với thành phố Philadelphia ở Pennsylvania. Đại học này là một trong “top ten” (mười đơn vị hàng đầu) cuả nước Mỹ. Thư viện này đăc biệt có một bộ sưu tập để trong một khu vực dành riêng gọi là “Peace Collection”, chứa đựng các tài liệu sách báo, kể cả các “di cảo” viết tay cuả các nhân vật tranh đấu cho Hoà bình (Peace Activists) cuả Mỹ từ trên một thế kỷ trước. Điển hình như cuả Bà Jane Addams là một nhân vật kiệt xuất cuả Phong trào Phụ nữ tranh đấu cho Hoà bình ( Women for Peace Movement) ngay từ hồi đầu thế kỷ XX, trước khi xảy ra Đệ nhất Thế chiến 1914-18. Qua mấy lần đến tham khảo tại thư viện này, tôi mới nảy ra ý kiến là nên có một sự nghiên cứu tường tận và chính xác khoa học về sự liên hệ cuả Phong trào Hoà bình Mỹ với cuộc chiến tranh Việt nam ( The American Peace movement and the Vietnam War). Đây sẽ là một công trình nghiên cứu dài ngày cuả một nhóm hỗn hợp cả Việt lẫn Mỹ, và tôi hy vọng mình có thể tiếp tay tham gia được, sau khi đã hoàn thành cuốn sách về Đông Âu như đã ghi ở trên trong vài năm nữa.
Nói vắn tắt lại, thì các thư viện ở Mỹ được xây dựng và phát triển rất chu đáo, nó cung cấp bao nhiêu tiện nghi thoải mái cho nhiều tầng lớp độc giả trong việc học hỏi, sưu tầm, nghiên cứu và trao đổi về khoa học kỹ thuật và văn hoá. Đặc biệt nhờ có Internet, mà năng xuất phục vụ cuả thư viện đã tăng cao gấp bội, góp phần quan trọng trong việc “nâng cao Dân trí” cuả dân tộc Mỹ.. Và với sự tận tâm nhiệt thành cuả toàn bộ các nhân viên thư viện như vậy, nên quần chúng nhân dân Mỹ đã hết lòng tham gia hưởng ứng vào việc yểm trợ cho thư viện mỗi ngày một phát triển khởi sắc lên mãi. Nhờ vậy mà nước Mỹ vẫn giữ được vị trí cao trong thế giới khoa học tiến bộ hiện nay.
Và đây cũng chính là một sư minh hoạ tiêu biểu nhất về mặt văn hoá cho công cuộc xây dựng và phát triển Xã hôị Dân sự, ngay từ cấp hạ tầng cơ sở cuả các cộng đồng dân cư nhỏ bé nhất, cho đến các đô thị hiện đại nhất tại khắp các miền trên lục địa nước Mỹ ngày nay vậy.
Nhân tiện, tôi cũng xin ghi thêm ít dòng về lọai Thư Viện đặc biệt chỉ ở Mỹ mới có : đó là Thư Viện của các Tổng thống Mỹ được thiết lập để lưu giữ các tài liệu, văn kiện, vật lưu niệm v.v… lúc mỗi vị đã về hưu.
D / Thư Viện của các Tổng Thống (The Presidential Libraries).
Kể từ thời Tổng Thống Hoover hồi cuối thập niên 1920 đến nay, thì vị Tổng Thống nào cũng để lại một Thư viện mang danh tính của mình, tọa lạc tại quê hương bản quán của mỗi vị. Nhằm thỏa mãn nhu cầu phổ biến cho công chúng được rộng rãi tham khảo các lọai tài liệu này, nên chánh phủ liên bang đã trực tiếp trao trách nhiệm cho cơ quan NARA (National Archives & Records Administration = Lưu trữ Văn khố) đứng ra phối hợp sự điều hành số Thư viện này. Cho đến nay, thì đã có đến 12 Thư viện Tổng Thống do NARA trực tiếp điều hành với sự cộng tác của từng Ban Quản trị riêng của Thư viện do sáng kiến của những sang lập viên và các nhà tài trợ thuộc lãnh vực tư nhân. Đây là một sự hợp tác chặt chẽ của Xã hội Dân sự với Nhà nước trong lãnh vực văn hóa và nghiên cứu lịch sử rất quan trọng và phổ biến đặc bịêt tại nước Mỹ từ lâu nay. Còn nhiều Thư viện Tổng thống mà được thiết lập từ lâu, thì vẫn để cho Ban Quản trị tự điều hành và duy trì sinh họat theo tiêu chuẩn riêng biệt của họ, chứ không đặt dưới sự điều hành của cơ quan NARA. Điển hình như Thư viện Abraham Lincoln, thì vẫn do Tiểu bang Illinois là quê hương của Tổng Thống phụ trách.
Tôi đã có dịp đến viếng thăm một số Thư viện Tổng Thống này, cụ thể là Thư viện Richard Nixon ở Yorba Linda, California, Thư viện John F Kennedy ở Dorchester, Massachusetts, Thư vịên Jimmy Carter ở Atlanta, Georgia. Thật là đồ sộ, ngăn nắp và rất là khoa học nghiêm túc. Đó là sự đóng góp rất quý giá cho học thuật cũng như cho sự lưu giữ truyền thống của tòan thể dân tộc Mỹ qua các thời đại của người lãnh đạo quốc gia Hoa kỳ. Và tôi vẫn nuôi hy vọng là sẽ có cơ hội đến tham khảo nhiều hơn tại các Thư viện này.
Và riêng tại miền Nam California, thì ngòai Thư viện Richard Nixon , còn có Thư viện Ronald Reagan ở Simi Valley gần với Santa Barbara. Cả hai Thư viện này đều rất gần với Little Saigon của chúng ta nữa vậy . /
California, Tháng Hai 2009
Đòan Thanh Liêm.