Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Luật sư Đoàn Thanh Liêm
Bài Viết Của
Luật sư Đoàn Thanh Liêm
Thương tiếc Bác Chín (1920 - 2012)
Tôi đã gặp lại Chị Lài tại Ba lan
Giới thiệu Sách Mới (20) : Billy Graham và Tôi (101 chuyện kể từ những người từng quen biết với Ông)
Martin Luther King và Niềm Mơ Ước của Xã Hội Dân Sự
Mục sư Rick Warren và sự Nhập cuộc của tín đồ tôn giáo.
Nước Mỹ có thể học được những gì từ Âu châu ?
Thêm Bạn - Bớt Thù
Vượt qua hận thù: trường hợp của nước Pháp và Đức (sau thế chiến thứ hai)
Thương tiếc chị Trần Thị Lài (1929 – 2014)
Suy nghĩ về chuyện Hội Nhập tại Xã Hội Âu Mỹ
Giới thiệu sách mới: Cuộc Hội Tụ lớn lao - The Great Convergence
Thương tiếc Bác Chín (1920 - 2012)
Những điều tôi học được từ Phạm Tất Hanh
Phật tại tâm, Chuá ở trong lòng
Câu chuyện Đầu Xuân Nhâm Thìn: Dĩ Thân Nhi Giáo
Tấm lòng của Phạm Tất Hanh
Giới thiệu sách: Hồng phúc nước Mỹ
Thanh thiếu niên và Công tác Xã hội (Bài 3) – Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon
Thanh thiếu niên và Công tác Xã hội (Bài 2) – Chương Trình Công Tác Hè 1965 (Summer Youth Program 1965)
Thanh thiếu niên và Công tác Xã hội (Bài 1) – Việc trợ giúp nạn nhân Bão lụt ở Miền Trung năm 1964.
Sống cho Mình và Sống cho Nhau
Hãy nâng tâm trí lên cao!
Niềm vui sách đèn
Tôi đi lượm tiền xu trên đất Mỹ
Bài 3 : KINH TẾ HỌC PHẬT GIÁ0 Buddhist Economics
Giới thiệu sách “Small is Beautiful” Bài 2
Nhỏ bé thì mới đẹp đẽ ( Small is beautiful )
Những Bà Mẹ yêu quý của tôi
Tôn giáo là tấm lòng nhân ái vị tha .
Tham khảo tại các Thư Viện ở Mỹ.
Thương tiếc Giáo Sư Phó Bá Long.
Ghi nhanh về Đại Hội Thánh Mẫu 2008 .
TÔI ĐÃ GẶP LẠI CHỊ LÀI TẠI BA LAN

 

Bút ký của Đoàn Thanh Liêm

*     *     *


 

Tháng 6 năm 2012 vừa rồi, trong chuyến đi Âu châu, tôi đã có dịp đến thăm gia đình chị Trần Thị Lài tại thành phố Cracovie là cố đô của nước Ba lan. Chị Lài theo học Ban Cử nhân Văn chương Pháp tại Đại học Văn khoa Sài gòn vào giữa thập niên 1950. Hồi đó, chúng tôi cùng sinh họat chung với nhau trong Nhóm Sinh viên Công giáo do cha Nguyễn Huy Lịch làm Tuyên úy hướng dẫn.

Nhóm chúng tôi có chừng 30 thành viên là sinh viên thuộc nhiều phân khoa khác nhau và thường gặp gỡ trao đổi với nhau sau khi cùng tham dự Thánh lễ ngày Chủ nhật tại nhà nguyện thuộc Tu viện Mai Khôi trên đường Nguyễn Thông gần với Bệnh viện Saint Paul. Ở độ tuổi 20 - 25, chúng tôi sinh sống thật hồn nhiên, vô tư lạc quan yêu đời giữa lòng một xã hội tương đối thanh bình và thịnh vượng ở miển Nam Việt nam thời đó.

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Lài đi dậy môn Pháp văn mấy năm tại Nữ Trung học Gia Long. Rồi chị đi qua Pháp để học thêm lên bậc cao học. Vào khỏang năm 1964, chúng tôi được tin là chị Lài thành hôn với anh Stefan Wilkanowicz và theo chồng về sinh sống tại Ba lan. Có thể đây là trường hợp đầu tiên mà một người từ miền Nam Việt nam lập gia đình với người Ba lan và đến sinh sống tại quốc gia dưới chế độ cộng sản này.

Mùa hè năm 1970, chị Lài về thăm gia đình tại Việt nam nhân dịp Lễ Giỗ Đầu của thân phụ là Cụ Trần Văn Lý – người đã từng giữ chức vụ Thủ Hiến Trung Việt dưới thời Quốc Trưởng Bảo Đại vào năm 1950. Và các bạn chúng tôi đã thật vui mừng được gặp lại chị Lài sau mấy năm xa cách. Buổi hội ngộ thân tình ấm cúng này cũng diễn ra như xưa tại văn phòng của cha Lịch trong Tu viện Mai Khôi.

Chị kể cho chúng tôi về nhiều chuyện khó khăn phức tạp dưới chế độ cộng sản ở Ba lan, đặc biệt là nếp sinh họat của người công giáo thời đó. Chị cho tôi địa chỉ của anh Stefan Wilkanowicz là phu quân của chị lúc đó đang làm cho văn phòng của Pax Romana quốc tế có trụ sở tại thành phố Fribourg Thụy Sĩ. Thế mà vào cuối năm 1970, khi tôi có việc qua Genève thì cũng tìm đến Fribourg để thăm anh Stefan luôn thể, nhưng vì đúng vào dịp nghỉ lễ Noel, nên tôi đã không gặp được anh.

Từ ngày qua định cư ở Mỹ năm 1996, tôi đã dò hỏi nhiều nơi, nhưng cũng không làm sao liên lạc được với chị Lài, kể cả qua địa chỉ e-mail do một anh bạn gửi cho. Mãi đến khi tôi qua Paris vào mùa Xuân năm 2012, thì nhờ được bà con ở Ba lan cho biết số điện thọai chính xác của gia đình chị ở thành phố Cracovie, nên tôi mới liên lạc nói chuyện được với chị Lài. Qua điện thọai, tôi nghe được giọng nói của chị thật rõ ràng và mạnh mẽ, biểu lộ nỗi vui mừng được tin về một số bạn bè thân thiết từ cái thời còn đi học đã trên 50 năm xưa ở quê nhà Việt nam.

Và vào đầu tháng 6, tôi đã bay từ thành phố Frankfurt nước Đức để tới thăm anh chị Lài & Stefan Wilkanowicz tại cái thành phố là cố đô của Ba lan. Như vậy là kể từ ngày gặp nhau lần cuối ở Saigon vào năm 1970 cho đến năm 2012 này - tức là sau 42 năm thì chị Lài và tôi mới lại có cơ hội gặp nhau ở Ba lan là quê hương của chồng chị. Rõ ràng đây là một cuộc hội ngộ trùng phùng rất mực kỳ thú đối với cả hai phía chúng tôi.

Trong dịp này, tôi đã đến sinh sống vài ngày với gia đình anh chị tại một căn hộ trên lầu ba của một chung cư tọa lạc trong khu trung tâm thành phố Cracovie. Anh chị có hai cháu gái đều đã trưởng thành và có gia đình ở riêng, nên hiện trong nhà chỉ còn có hai vợ chồng già sống chung với nhau mà thôi. Mỗi ngày thì có người đến giúp dọn dẹp nhà cửa bếp núc và đi chợ mua sắm thực phẩm cho gia đình.

Ở vào tuổi 83, chị Lài đã bắt đầu có dấu hiệu suy thóai về mặt trí nhớ, nên khi chuyện trò trao đổi với tôi, thì có nhiều câu hỏi chị cứ nhắc đi nhắc lại hòai. Trái lại, anh Stefan ông xã của chị, thì dầu đã ở tuổi 87 mà anh vẫn còn rất sáng suốt tinh tường. Anh nói tiếng Pháp khá trôi chảy lưu lóat và ra tay lo lắng chăm sóc cho tôi thật là chu đáo tươm tất.

Để bạn đọc tiện bề theo dõi câu chuyện của ”một gia đình Việt – Ba lan” này, tôi xin lần lượt ghi lại chi tiết hơn về chị Lài, anh Stefan và cháu gái tên Việt nam là Lan.

 

1 – Câu chuyện của chị Lài.

Gặp lại chị Lài lần này, tôi được nghe chị kể lại nhiều kỷ niệm xa xưa ở Việt nam mà chị nhớ rất kỹ. Cụ thể như chị nói về chuyện ông cụ hồi làm Quản Đạo ở Đà lạt hồi trước năm 1940, thì đứng ra tổ chức cho một số bà con từ miền Bắc vào làm nghề trồng rau ở vùng cao nguyên này. Chị còn nhớ lúc đi theo thân phụ ra bến xe để đón lớp người này mang theo cả gia đình cùng với mọi thứ gồng gánh nồi niêu chén bát từ mãi xứ Hà Đông Nam Định vào lập nghiệp ở địa phương.

Chị cũng kể lại những năm tháng theo học nội trú tại trường của mấy ma soeur người Pháp với kỷ luật khá nghiêm khắc – mà nhờ vậy chị tiếp thu được số vốn kiến thức vững chắc, nhất là với môn Pháp văn và cổ ngữ La tinh – khiến cho chị có thể tiến xa trên đường học vấn sau này.

Chị vẫn còn nhớ cái thời tham gia viết báo Thông Cảm với Nhóm Sinh viên Công giáo chúng tôi năm xưa ở Saigon. Chị gọi các bạn thời đó đều có tinh thần của người chiến sĩ dấn thân phục vụ xã hội và là những người đồng điệu với chị nữa (militants – âmes soeurs). Khi nghe tôi nhắc đến tên những người đã ra đi – điển hình như cha Nguyễn Huy Lịch, anh Dược sĩ Trần Quý Thái v. v..., thì chị đều nhớ đến và bày tỏ lòng thương tiếc đối với những nhân vật mà chị đã từng sát cánh gắn bó thân thiết trong thời gian cùng sinh họat chung với nhau đã đến trên nửa thế kỷ trước đây.

Trên Internet, tôi còn được đọc một bài phỏng vấn khá nhiều chi tiết do chị Lài trả lời cho một nhà báo người Ba lan tên là Malgorzata Dzieduszycka vào khỏang năm 1994. Bài báo có nhan đề tiếng Anh là : ” An interview with Lai Wilkanowicz, a Vietnamese woman who has been living in Poland for 30 years “ (Bài Phỏng vấn với bà Lài Wilkanowicz, người phụ nữ Việt nam đã sống ở Ba lan suốt 30 năm). Chị Lài kể lại về mối tình của chị với anh Stefan mà chị gặp gỡ lần đầu tiên khi cùng tham dự một Hội nghị quốc tế của Pax Romana được tổ chức vào năm 1957 tại San Salvador ở Nam Mỹ.Và mãi đến năm 1964, sau khi vượt qua bao khó khăn trở ngại, thì chị mới có thể đến Ba lan để cùng chung sống với anh được.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, chị Lài còn cho biết chị đã dịch nhiều tài liệu từ tiếng Ba lan sang tiếng Pháp – đặc biệt là các sách của Tổng Giám Mục Karol Wojtyla. Nhờ vậy mà chị mới có đủ phương tiện tài chánh để lo giúp trang trải mọi phí tổn rất nặng nề cho người em ở Việt nam có thể qua định cư bên nước Pháp. Chị cũng còn dịch cả cuốn tiểu sử của nữ tu Faustyna là người được coi như một “Sứ giả rao truyền về sự sùng kính Lòng Thương Xót Chúa” (Divine Mercy) nữa.

Và mới đây vào tháng 10/2012, báo Đàn Chim Việt còn giới thiệu cuốn Tự truyện của cháu Lan là con gái đầu lòng của anh chị, thì bài báo còn ghi là chị Lài đã cho xuất bản vào năm 2004 một cuốn Hồi ký bằng tiếng Ba lan với nhan đề : “ Từ Việt nam đến Ba lan : truyện của một người con gái quan huyện”. Các chi tiết này, quý bạn đọc đều có thể đọc trên Internet, nên tôi khỏi cần ghi thêm ở đây nữa.

 

2 – Câu chuyện của anh Stefan.

Anh Stefan năm nay đã ngòai 87 tuổi mà vẫn còn làm việc đi đứng vững vàng. Stefan là một trí thức Công giáo có tên tuổi ở Ba lan, anh đã từng làm Tổng Biên tập trong nhiều năm cho nhà xuất bản có tiếng Znak và cả cho một tờ tuần báo nữa. Anh là một thành viên của tổ chức “Bảo tàng Khu Thiêu người Auschwitz” xưa kia của Đức Quốc Xã. Và Stefan cũng có chân trong Hội Đồng Giáo Hòang về Giáo Dân (Pope's Council for Lay Catholics).

Anh dẫn tôi đi khắp nơi trong thành phố bằng xe taxi hay xe bus để làm việc này chuyện nọ một cách dễ dàng. Chị Lài có nhắc anh dẫn tôi đến thăm nhà xuất bản Znak là cơ sở anh đã gắn bó cộng tác từ nhiều năm, nhưng đúng lúc đó thì cơ sở này đang đóng cửa để sửa chữa lại, nên tôi đã không có dịp đến thăm viếng nhà xuất bản có danh tiếng này.

Stefan cho tôi biết : Bản luận văn tốt nghiệp đại học của anh lấy chủ đề là : “L'émancipation ouvrìere selon Emmanuel Mounier” (Sự Giải phóng giới Lao động theo chủ trương của Emmanuel Mounier là người khởi xướng ra chủ thuyết Nhân vị (Personnalisme) ở Pháp từ sau Đệ Nhất Thế chiến và cũng là sáng lập viên của tạp chí Esprit mà hiện vẫn còn tiếp tục ấn hành). Và chúng tôi có dịp trao đổi về các tác giả thuộc trường phái Nhân bản Thiên chúa giáo ở Pháp vào giữa thế kỷ XX như Jacques Maritain, Gabriel Marcel – mà từ hồi còn là sinh viên chúng tôi đã say mê theo dõi học hỏi. Trong nhà anh, tôi thấy vẫn còn các số báo mới nhất của tạp chí Esprit từ Pháp gửi cho anh – báo này từ sau 1975 thì tôi không hề thấy xuất hiện tại Việt nam nữa.

Stefan còn kể lại cho tôi cái kỷ niệm sinh họat sôi nổi với các “Công nghị cấp giáo phận” (synode diocésain) dười thời Giám mục Karol Wojtyla cai quản giáo phận Cracovie (mà sau này đó chính là vị Giáo hòang nổi danh Jean Paul II của Giáo Hội Công giáo La mã). Anh nói : Phải có đến 500 đơn vị các synode này với khí thế nô nức của mọi giới công giáo hội họp thảo luận về các khía cạnh đổi mời của Giáo hội Công giáo tại địa phương. Đó là một phong trào tự phát của quần chúng công giáo mà chính quyền cộng sản không thể làm cách nào mà cấm cản hay dẹp bỏ được. Tuy vậy, lên đến cấp quốc gia (synode national), thì các công nghị này lại không thể nào đạt kết quả mong muốn được.

Trả lời câu hỏi của tôi là : “Liệu bây giờ có thể gây lại phong trào quần chúng tôn giáo như vậy nữa chăng?”, thì Stefan cho biết : “Bây giờ nhờ có Internet, thì giới trẻ có nhiều điều kiện thuận tiện để phát động phong trào canh tân như đã khởi sự từ khỏang 40 năm trước ngay tại giáo phận Cracovie này.” Cuộc trao đổi giữa anh và tôi kéo dài trong nhiều giờ với nhiều chi tiết lý thú về quá trình xây dựng và phát triển phong trào canh tân của giới Công giáo Ba lan  -  mà tôi sẽ có dịp ghi lại đày đủ hơn trong một bài riêng biệt khác.

Mà ở đây, tôi muốn ghi ra sự nhận xét của mình về sự bền vững của tình yêu giữa hai anh chị Lài & Stefan - đó là cả hai người đều ôm ấp theo đuổi cùng một lý tưởng của người chiến sĩ – như chính chị Lài đã nói với tôi :  Chúng ta đều là những “militants”, là “âmes-soeurs” với nhau. Và cả hai anh chị suốt cuộc đời đều họat động trong lãnh vực văn hóa của Giáo hội Công giáo Ba lan – cụ thể là sát cánh chặt chẽ với Tổng Giám mục Karol Wojtyla ở Cracovie là người sau này trở thành Giáo Hòang Jean Paul II nổi tiếng.

Hồi ký của chị Lài cũng như Tự truyện của cháu Lan đã ghi chi tiết về mối tình này. Kể cả trong bài phỏng vấn vào năm 1994 đã nêu ở trên, thì chị Lài cũng đã nói nhiều về mối tình keo sơn tuyệt vời này nữa.

Và tôi cũng còn chứng kiến việc anh Stefan chăm sóc tận tụy và trìu mến đối với người bạn đời hiện đang có triệu chứng của bệnh Alzheimer nữa.

 

3 – Câu chuyện của cháu Lan, trưởng nữ của anh chị Lài – Stefan.   

(tên đày đủ là : Lan Marzena Wilkanowicz - Devoud)

Tôi chưa có dịp gặp cháu Lan, vì anh Stefan cho biết cháu sống tại Paris với người chồng là dân Pháp. Tôi đóan cái chữ Devoud ở cuối cái tên dài như được ghi ở trên, thì đó là tên họ của chồng cháu. Lan là tiếng Việt như Hoa Lan (Orchidea), Marzena mới là tên tiếng Ba lan. Còn Wilkanowicz là tên họ nội của cháu. (Tên mẹ là Lài (Jasmine) – em gái chị Lài có tên là Huệ (Lily), thì cũng lại là một thứ Hoa nữa)

Cuối tháng 10 năm 2012, cháu Lan có cho ấn hành cuốn Tự truyện bằng tiếng Ba lan tại thủ đô Varsovie và đã có nhiều bà con người Việt tại Ba lan đến dự buổi ra mắt. Cuốn sách này đã được giới thiệu trên báo điện tử Đàn Chim Việt và được nhiều độc giả chú ý theo dõi. Vì không đọc được nguyên tác bằng tiếng Ba lan – mà cũng chưa thấy có bản tiếng Anh hay tiếng Pháp – nên tôi xin phép được trích dẫn một vài đọan trong bài báo của Đàn Chim Việt như sau đây để giới thiệu với quý bạn đọc câu chuyện của cháu Lan :

...”Lan Marzena là kết quả của mối tình “không tưởng vô cùng lãng mạn của người trí thức Ba lan với cô gái Việt Nam dòng dõi – trong khi chiến tranh, chính trị và khỏang cách địa lý là những rào cản thách thức tưởng như không thể vượt qua.”

“Mẹ cô, Maria Teresa Trần Thị Lài là con gái của quan Trần Văn Lý, người từng giữ chức cai quản tại Đà lạt thời Pháp thuộc. 28 tuổi, bà gặp người chồng tương lai trong cuộc Họp mặt Thanh niên Công giáo Pax Romana tại San Salvador (Nam Mỹ) và … sau 7 năm xa cách, bà quyết định lấy ông Stefan Wilkanowicz khi đó là ký giả của tuần báo Công giáo Tygodnik Pawzechny…”

“... Mối tình của ông bà Wilkanowicz “ly kỳ và có khi còn hay hơn cả phim Hollywood, vì là chuyện có thật” (theo lời ghi của cô Lan)”.

“... Lan Marzena dẫn ta tới gặp các nhân vật lịch sử cận đại của Ba lan mà chị gặp, kết thân và học hỏi – trong đó có Thủ Tướng đầu tiên của Ba lan dân chủ Tadeusz Mazowiecki, các nghệ sĩ, nhà văn, các tên tuổi tạo mode Anh, Pháp mà chị từng làm việc cùng trong 13 năm làm Tổng biên tập đầu tiên của nguyệt san “Elle” Ba lan...”

 

4 – Để tóm lược lại.

Khi tìm đến thăm gia đình chị Lài ở Ba lan, tôi chỉ nhắm mục đích thật đơn giản là gặp lại người bạn thân thiết từ thuở còn đi học ở Saigon trên nửa thế kỷ trước. Nhưng sau cuộc viếng thăm này, tôi thật không ngờ là chị bạn của mình đã trải qua một cuộc sống cam go mà thật sôi động giữa lòng một đất nước xa lạ dưới sự kềm kẹp ngặt nghèo của chính quyền cộng sản. Và tôi thật vui mừng thấy được anh chị Lài – Stefan đã vượt qua được bao nhiêu nghịch cảnh sóng gió và giữ vững được niềm tin son sắt của mình đối với Đạo Công giáo - mà cả hai dòng họ của anh chị ở Việt nam cũng như ở Balan đã gắn bó vững chãi từ bao nhiêu thế hệ trước.

Bài viết này chỉ nhằm ghi lại một cách sơ lược về chuyến thăm viếng của tôi đến với gia đình anh chị. Do vậy, nó chỉ có tính cách riêng tư về tình cảm bạn hữu giữa chúng tôi – kể cả giữa một số bằng hữu quen biết trong thế hệ sinh viên chúng tôi ở Saigon thời trước mà thôi.

* Vì thế, tôi hy vọng sẽ có bà con hiện sinh sống ở Ba lan có điều kiện tham khảo trực tiếp từ các tài liệu viết bằng tiếng Ba lan – để rồi trình bày cho công chúng độc giả người Việt hiểu biết tường tận hơn về một gia đình “Việt – Balan” với nhiều tình tiết thật là ly kỳ sinh động này. Mong lắm thay!


 

Costa Mesa California, Tháng 11 năm 2012

Đòan Thanh Liêm


 

Ghi chú: Chị Teresa Maria Trần Thị Lài đã qua đời tại Cracovie vào đúng ngày 15 tháng Tám năm 2014.





 

Tác giả: Luật sư Đoàn Thanh Liêm

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!