Bài ghi nhận của : Đoàn Thanh Liêm
Nhân đọc cuốn sách vừa mới xuất bản năm 2010 :
Europe’s Promise (Sự Hứa hẹn của Âu châu)
Do
tác giả Steven Hill biên soạn
Nhà Xuất bản University of California Press ấn hành.
* * *
Sau khi chiến tranh thứ hai kết thúc vào năm 1945, thì Âu châu đã kiệt quệ,
hoang tàn đổ nát với hai cuộc đại chiến liên tiếp trong vòng có 30 năm, với hàng
mấy chục triệu nhân mạng bị hủy diệt, nền kinh tế bị tan rã, xã hội điêu đứng
tiêu điều. Trong khi đó thì nước Mỹ mỗi ngày thêm phồn thịnh, và ra tay hào
phóng cứu giúp Âu châu phục hồi lại nền kinh tế. Cụ thể là kế hoạch Marshall đã
cung cấp cho các nước Tây Âu một số ngân khoản lên đến 13 tỉ dollar trong khoảng
thời gian từ 1948 đến 1951. Nhờ vậy mà vào năm 1951, Âu châu đã lần lần phục hồi
được một cách vững mạnh, với mức sản xuất của Tây Âu đã cao hơn 35% so với năm
1938 lúc trước khi xảy ra chiến tranh.
Nhưng vào năm 2010, tức là sau trên 6 thập niên, kể từ lúc hòa bình được lập lại
năm 1945, thì Âu châu đã có những tiến bộ vượt mức về nhiều mặt kinh tế, xã hội
cũng như văn hóa, trong khi đó thì nước Mỹ dù vẫn còn là một siêu cường số một
trên thế giới, lại có nhiều dấu hiệu suy thoái, lạc hậu với nhiều xáo trộn bất
ổn trong xã hội, đặc biệt là bị suy thoái trầm trọng từ cuộc đại khủng hoảng
kinh tế khởi sự từ năm 2008 mới vừa đây. Vì thế mà người viết bài này mới phải
đặt câu hỏi được ghi thành nhan đề của bài báo, sau khi được đọc một cuốn sách
vừa mới xuất bản trong năm 2010 này. Đó là cuốn “Europe’s Promise” (Sự Hứa hẹn
của Âu châu), do một tác giả lại là người Mỹ biên soạn. Để bạn đọc dễ dàng theo
dõi câu chuyện, tôi xin giới thiệu tóm tắt về tác giả nổi tiếng và tác phẩm rất
có giá trị này.
* A - Tóm lược về cuốn sách “ Europe’s Promise”.
Cuốn sách dài trên 400 trang vừa được ra mắt vào năm 2010 do nhà xuất bản Đại
học California ấn hành. Sách có một nhan đề phụ nữa là : “Why The European Way
is The Best Hope in An Insecure Age?” (Tại sao đường lối phát triển của Âu châu
lại là niềm Hy vọng tốt đẹp nhất trong thời đại bất trắc hiện nay?)
1/ Vài dòng sơ lược về tác giả
Tác giả Steven Hill năm nay 52 tuổi, là giám đốc Chương trình Cải cách Chính trị
của New America Foundation. Ông đã từng viết bài cho hàng chục tờ báo và tạp chí
lớn ở Mỹ, ở Anh quốc và ở nhiều nước khác tại Âu châu, ở Đài loan. Ông còn là
tác giả của cuốn sách : “ 10 Steps to Repair American Democracy” (Mười Bước Để
Sửa chữa lại Nền Dân chủ Hoa kỳ) xuất bản vào năm 2006.
Cuốn sách ông cho xuất bản năm 2002 với nhan đề “Fixing Elections : The Failure
of America’s Winner Take All Politics” (Sửa lại lề lối bàu cử : Sự thất bại của
chánh sách “Người thắng cuộc ăn hết” của nước Mỹ) được coi là một cuốn sách quan
trọng nhất trình bày về nền dân chủ hiện nay tại nước Mỹ. Ông còn được mời đến
dậy học tại nhiều nơi trên đất Mỹ và Âu châu, cũng như xuất hiện trên các chương
trình phát thanh và truyền hình nổi tiếng trên thế giới.
Cuốn sách “ Sự Hứa hẹn của Âu châu” được dàn trải trong 7 phần với tất cả là 18
chương. Nội dung chính yếu được trình bày trong 370 trang, và phần Ghi chú chiếm
đến trên 60 trang ở cuối sách. Tác giả đã tham khảo rất nhiều sách báo, mà các
bài báo, đặc biệt là các trang điện tử mới nhất được trưng dẫn là vào giữa năm
2009. Ông còn thường xuyên đi qua Âu châu để phỏng vấn nhiều nhân vật, và quan
sát những đổi thay tại lục địa này. Có thể nói đây là một công trình biên khảo
rất công phu, nghiêm túc và khách quan với độ khả tín cao của một nhà nghiên cứu
có tầm vóc lớn của nước Mỹ hiện nay.
2/ Mấy nét đại cương về cuốn sách.
Mở đầu, tác giả đã ghi như sau : Trong khi nước Mỹ vẫn còn bị xâu xé với chủ
trương làm hạn chế vai trò cùa Nhà nước theo khẩu hiệu của Tổng thống Ronald
Reagan đưa ra vào năm 1981 là “ Chánh quyền là một vấn đề” (Government is the
problem), để mặc cho giới tư bản tài phiệt tha hồ thao túng, thì ở Âu châu người
ta lại chủ trương khác hẳn lại rằng : “Chánh quyền là một phần của giải pháp”
(Government is part of the solution), khiến cho Nhà nước có quyền tham dự vào
việc hướng dẫn và điều tiết nền kinh tế quốc gia. Vì thế mà tác giả đã có thể
nói “ nền kinh tế Âu châu là một thứ chế độ Tư bản Xã hội” (a version of Social
Capitalism).
Khía cạnh đáng lưu ý nhất trong cách trình bày nơi cuốn sách này là : tác giả đã
đưa ra chững con số thống kê khá đày đủ và chính xác để minh họa cho những nhận
định của mình. Chứ đó không phải là những suy luận chủ quan, đày cảm tính như
một số đông các người viết vốn có thành kiến sẵn về một lập trường nhất định nào.
Tiếp theo ông còn đưa ra những ưu điểm của Âu châu hơn hẳn bên nước Mỹ về nhiều
phương diện, cụ thể như “chăm sóc y tế phổ cập toàn dân”, “hệ thống an sinh xã
hội hào phóng”, “ giáo dục đại học gần như miễn phí”, “ công nhân được quyền
rộng rãi tham gia điều hành xí nghiệp” v.v…
Các số liệu thống kê khá chính xác đã được tác giả viện dẫn để chứng minh rằng :
“Người dân Âu châu hiện nay đang được hưởng thụ một cuộc sống bảo đảm an lành
hơn hẳn người Mỹ, và xã hội Âu châu cũng bớt các hình thức bạo động hơn so với
xã hội Mỹ”. Điển hình như : “ Số người Mỹ bị cầm tù quá đông lên đến trên 2,3
triệu, tức là chiếm đến 1% số người ở tuổi trưởng thành của nước Mỹ. Tỷ lệ 1%
này cao gấp từ 7 đến 10 lần hơn tỷ lệ số người bị cầm tù của người dân tại Âu
châu”.
3/ Một số chương điển hình.
-
Chương 3 : Lợi điểm bí mật của Âu châu : Đó là Nền Dân chủ
kinh tế (Economic Democracy). Đặc điểm của nền sản xuất kinh tế Âu châu dựa
trên 3 cơ sở chính yếu : đó là sự quyết định chung (giữa giới chủ nhân và
giới công nhân) (codetermination), ủy ban giám sát (supervisory boards) và
hội đồng trong xưởng lao động (works councils).
-
Chương 4 : Giá trị gia đình. Vì không phải chi tiêu nhiều cho
ngân sách quốc phòng, nên Âu châu chăm sóc tốt hơn so với Hoa kỳ cho nhu cầu
của các gia đình, trẻ em, người già. Tính ra Âu châu chi ra 9,200$ mỗi năm
cho một đầu người, so với Hoa kỳ chỉ chi ra có 7,300$ mà thôi.
-
Chương 8 : Sức khỏe trước đã (La Sante’ d’abord). Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO) xếp hạng Hoa kỳ vào hạng thứ 72 trong số 191 quốc gia,
thua cả Costa Rica và Dominica. Trong khi hầu hết các nước Âu châu đều được
xếp vào loại hàng đầu. Trên 15% người Mỹ (47 triệu) không có bảo hiểm y tế.
Trong khi tại Âu châu, thì mọi người đều được bảo đảm hoàn toàn đồng đều về
y tế (universal health care).
-
Chương 13 : Nền Dân chủ chính trị ở Âu châu (Political
Democracy in Europe). Chế độ đa đảng ở Âu châu xem ra lại dễ đem lại sự đồng
thuận (consensus) hơn là chế độ “độc quyền lưỡng đảng ở Hoa kỳ (two-party
duopoly). Lối bỏ phiếu theo tỷ lệ (proportional voting) ở Âu châu khiến cho
vị dân cử phải đáp ứng với nguyện vọng của người dân hơn là lối “được ăn cả
ngã về không” (winner-take-all) của Hoa kỳ.
-
Chương 17 : Phong trào Dân quyền Âu châu đang trổi dậy (A
European Civil Rights Movement Arises). Dù chưa có một phong trào mạnh mẽ,
sôi nổi như ở Mỹ từ thập niên 1950-60 của người Mỹ gốc Phi châu với một lãnh
tụ lừng danh là Mục sư Martin Luther King, thì tại Âu châu hiện nay, nạn kỳ
thị chủng tộc và tôn giáo cũng đã và đang bị kiềm hãm hạn chế rất nhiều.
Trong phần kết luận, tác giả đã nhắc lại câu hỏi của ông Matthias là một người
dân Đức trong cuộc gặp gỡ tại vùng nghỉ mát ở nước Áo vào năm 2003 như sau : “
Tại sao một nước phồn thịnh sung túc như nước Mỹ mà lại không cung cấp đày đủ
cho người dân có được một cuộc sống an lành, thoải mái vững vàng như người Âu
châu chúng tôi đang được thụ hưởng hiện nay vậy? Tại sao? Tại sao vậy?”
** B - Những khác biệt giữa Âu châu với nước Mỹ.
Như ta đã biết, Liên Hiệp Âu châu (European Union EU) cũng chỉ mới được hoàn tất
với đày đủ các cơ chế sinh hoạt cụ thể kể từ năm 2004. Số quốc gia thành viên
hiện nay của EU là 27 nước, với dân số tổng cộng là 500 triệu người, và Tổng sản
lượng (GDP) là 20 ngàn tỷ dollar (trillion), con số này tương đương với tổng số
GDP của Mỹ cộng với của Trung quốc (14 + 6 trillion). Trong khi đó thì nước Mỹ
phải chi tiêu đến trên 4% GDP về quân sự, mà Âu châu thì chỉ phải chi chưa tới
2% GDP của mình. Do đó, mà Âu châu đã có thể chi tiêu đến 26% GDP cho phúc lợi
xã hội, so với Mỹ chỉ chi tiêu được có 16%GDP cho mục này mà thôi. Kết quả là
mỗi người dân Âu châu được thụ hưởng đến 36% nhiều hơn về phúc lợi xã hội so với
người dân Mỹ.
Trong 2 trang 293 và 294, tác giả Steven Hill đã lập cả một bảng so sánh chi
tiết về những khác biệt giữa Âu châu và Mỹ về nhiều phương diện chính trị,
truyền thông, kinh tế, năng lượng và lao động. Vì bảng liệt kê này khá dài, nên
người viết chỉ xin chọn lọc ra một vài điểm điển hình chính yếu mà thôi :
1/ Về Kinh tế
-
Âu châu : Thực hiện sự Liên đới xã hội, đề cao giá trị gia
đình và cộng đồng – Thực hiện sự đồng quyết định của giới chủ với giới công
nhân (codetermination) – Tỷ lệ công nhân gia nhập nghiệp đoàn cao – Huấn
luyện và tái huấn luyện dễ dàng cho công nhân – Thuế lợi tức cao, nhưng
không phải trả thêm phụ khoản cho các dịch vụ xã hội.
-
Hoa kỳ : Quá thiên về cá nhân chủ nghĩa, xã hội đặt nặng về
tư hữu – Ít có sự tham khảo giữa giới chủ nhân và công nhân, cơ cấu tổ chức
doanh nghiệp nặng về hệ cấp (hierarchical business structures) – Tỷ lệ công
nhân gia nhập nghiệp đoàn thấp – Ít huấn luyện hoặc tái huấn luyện cho công
nhân – Thuế lợi tức thấp, nhưng người dân phải trả thêm nhiều phụ khoản cho
các dịch vụ xã hội.
2/ Về Lao động – Xã hội
-
Âu châu : Chăm sóc y tế phổ quát cho mọi người – Cha mẹ được
nghỉ lúc sinh con – Nghỉ thường niên cỡ 4-5 tuần lễ - Số giờ làm việc mỗi
tuần ngắn hơn – Tiền hưu trí thoải mái hơn – Giáo dục đại học gần như miễn
phí – Gia cư dễ dàng cho mọi người.
-
Hoa kỳ : Bảo hiểm y tế hạn chế, 47 triệu người không có
bảo hiểm – Không bó buộc phải cho công nhân nghỉ lúc sinh con – Nghỉ thường
niên chỉ có cỡ 2 tuần lễ - Số giờ làm việc trong tuần dài hơn – Khoản hưu
trí nhỏ nhoi – Chi phí cho giáo dục đại học mỗi ngày một tăng cao – Chi phí
về gia cư mỗi ngày leo thang.
3/ Về Chính trị
-
Âu châu : Chi phí vận động tranh cử do công quỹ đài thọ -
Thời lượng truyền thông miễn phí cho mọi đảng phái chính trị - Đa nguyên về
chính trị, cử tri dễ dàng chọn lựa – Số cử tri ghi danh rộng rãi – Số cử tri
đi bầu đông – Thượng nghị viện ít quyền hành hơn – Chánh sách ngoại giao dựa
trên cơ sở đa nguyên.
-
Hoa kỳ : Chi phí vận động tranh cử do tư nhân đài thọ -
Không có thời lượng truyền thông miễn phí, ứng cử viên phải trả chi phí rất
cao về quảng cáo chính trị - Nhiều đơn vị và tiểu bang chỉ có độc đảng – 70
triệu cử tri không được ghi danh đi bầu – Số cử tri đi bầu rất thấp, có khi
dưới 10% - Thượng nghị viện Mỹ có quyền hành ngang với Hạ nghị viện – Chánh
sách ngoại giao dựa trên cơ sở đơn phương và “quyền được tấn công trước”
(preemptive strikes).
*** C - Vậy thì nước Mỹ có thể học được những gì từ Âu châu?
Như đã trình bày ở trên, Âu châu có nhiều ưu điểm với những thành công vượt bậc,
mà nước Mỹ cần phải học tập rút kinh nghiệm để noi theo. Cụ thể là tại Đại học
Rutgers ở New Jersey, người ta đã tổ chức cả một khóa học lấy tên là “Bài học
của Âu châu” và mời tác giả Steven Hill đến tham gia diễn giảng, trao đổi và
thảo luận với các học viên.
Nhưng cũng không ít giới chính khách và thức giả khác thì lại cho rằng Âu châu
cũng chẳng có gì xuất sắc đặc biệt để cho người Mỹ phải chắp tay, cúi đầu xin
thọ giáo. Cái não trạng coi nước Mỹ là “trung tâm đầu não của thế giới” khởi sự
từ những thập niên 1940-50, khi cả Âu châu phải cầu cứu đến người Mỹ trong hai
cuộc thế chiến, và cả sau này để đối phó với hiểm họa cộng sản trong cuộc chiến
tranh lạnh, thì nay vẫn còn sót lại trong nhiều tầng lớp dân chúng Mỹ. Như vậy,
không thể nào mà dễ dàng thay đổi hay xóa bỏ ngay được cái thành kiến “tự coi
mình là đỉnh cao trí tuệ” vốn đã ăn rễ lâu ngày trong đại khối quần chúng tại
cường quốc này.
Vẫn biết rằng “Thuốc đắng thì mới đã tật”, mà “Lời thật thì hay mất lòng”, nhưng
thiết nghĩ ta vẫn nên dựa theo những phân tích nghiên cứu rất công phu của tác
giả cuốn sách “Europe’s Promise” này, để mà tạm thời đưa ra một vài đề xuất cụ
thể như sau :
1/ Thứ nhất :
Nước Mỹ cần phải kiên trì hơn trong việc kiến tạo cho bằng được một xã hội nhân
bản và nhân ái hơn, với các định chế chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa đặt
trọng tâm vào tình liên đới huynh đệ giữa mọi thành phần của dân tộc, vào lý
tưởng công bằng xã hội và vào sự tôn trọng phẩm giá con người. Việc này đòi hỏi
khu vực Xã hội Dân sự phải làm áp lực mạnh mẽ hơn đối với chánh quyền nhà nước,
cũng như đối với khu vực thị trường kinh tế (marketplace), nhằm có sự thay đổi
triệt để trong suy tư và hành động có tầm vóc tòan thể quốc gia.
Điển hình là không thể duy trì mãi sự ưu đãi đối với tầng lớp thiểu số những đại
gia có 1% dân số mà chiếm giữ đến trên 50% thu nhập của tòan thể quốc gia. Và
cũng không thể để cho giới chủ doanh nghiệp lại có thu nhập gấp cả trăm lần số
lương của người công nhân, đó là điều bất công tham lam quá mức, đến độ mà vị
giáo sư khả kính Peter Drucker đã phải giận dữ và lên tiếng chỉ trích gắt gao
với sự kết án nghiêm khắc, khi ông khám phá ra cái tệ trạng lạm dụng thao túng
này của giới tư bản tài phiệt ở nuớc Mỹ.
2/ Thứ hai :
Về phương diện đối ngọai, nước Mỹ phải có một thái độ khiêm tốn nhã nhặn hơn đối
với mọi thành phần trong cộng đồng quốc tế. Cái lối hành xử trịch thượng, chuyên
quyền độc đóan như một thứ ” đế quốc ỷ mạnh hiếp yếu”, “bất chấp đạo lý làm
người”, như người Mỹ vẫn ra tay thực hiện từ trước đến nay, thì rõ rệt đó là cái
điều tuyệt đối không thể chấp nhận, không thể dung thứ được nữa trong thời đại
của thế kỷ XXI ngày nay.
3/ Thứ ba :
Nhà cầm quyền nước Mỹ phải thành khẩn tìm cách học hỏi ở Âu châu trong việc
giảm bớt đáng kể cái gánh nặng quá mức về chi phí quân sự, để có thể dành thêm
phần ngân sách cho các dịch vụ xã hội, giáo dục và văn hóa. Một cường quốc mà
lại đang phải giam giữ một khối lượng lên đến hàng mấy triệu công dân của mình
trong các nhà tù, gấp từ 7 đến 10 lần so với bên Âu châu, và lại để cho đến 47
triệu người không hề có bảo hiểm y tế, thì rõ ràng là chưa thể xứng đáng gọi là
một quốc gia thực sự văn minh tiến bộ được.
Người viết rất tâm đắc với câu trích dẫn sau đây của tác giả lừng danh Alexis de
Tocqueville đã viết trong cuốn sách đã trở thành kinh điển là “Democracy in
America” xuất bản năm 1835, tức là cách nay đã 175 năm. Tocqueville đã ghi rằng
: “ Sự cao cả vĩ đại của người Mỹ không phải chỉ đơn thuần là do họ sáng suốt
hơn các dân tộc khác, mà là do họ có khả năng
sửa chữa những lỗi lầm của mình”
Trên đây chỉ là một vài suy nghĩ sơ khởi phát xuất từ việc được đọc qua cuốn
sách nhan đề “Sự hứa hẹn của Âu châu” của một thức giả người Mỹ đã dầy công tìm
hiểu, nghiên cứu về sự tiến bộ hiện nay tại châu lục này. Người viết xin mạo
muội ghi ra mấy nét đại cương thô thiển như vậy, với ước mong nhận được sự chú ý
của bạn đọc, và gây ra được một cuộc trao đổi chân tình và phấn khởi giữa những
người cùng có sự quan tâm sâu sắc đến vận mệnh của quê hương thứ hai của mình,
cũng như đến sự an vui và thái hòa của mọi dân tộc trên thế giới ngày nay vậy./
Costa Mesa, Tiết Lập Đông Canh Dần 2010
Đòan Thanh Liêm