Thánh Barthôlômêô, Tông Đồ
Ed 37:1-14; Tv 107:2-3,4-5,6-7,8-9; Mt
22:34-40
Tương truyền rằng, sau ngày lễ Ngũ Tuần, cũng như các Tông Đồ
khác, Batôlômêô đã đi khắp nơi để giảng đạo. Ngài đã đặt chân đến các miền đất
như vùng Tiểu Á, Armênia, Mêsôpôtamia, Persia, Ấn Độ và Ai-cập. Cuối cùng, ngài
bị chặt đầu rồi bị đóng đinh thập giá khoảng năm 71.
Trong danh sách các Tông Đồ, Thánh Ba-tô-lô-mê-ô thường được 3
Phúc Âm Nhất Lãm nhắc đến (Mt 10,3 ; Mc gọi Ngài là Bar-Tolmai ; ngài được Phúc
Âm Gioan gọi là Natanael (Ga 1,45-51). Người ta đoán rằng Nathanael là một thầy
thông luật hay đệ tử của trường phái luật sĩ.
Trước khi trở thành Tông Đồ, Batôlômêô đã có một cuộc gặp gỡ khá
thú vị với Đức Giêsu thông qua sự giới thiệu của Philipphê: “Đấng mà sách Luật
Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là Đức Giêsu, con ông Giuse,
người Nazarét” (Ga 1,45). Thế nhưng xem ra, Batôlômêô không mấy mặn mà với lời
giới thiệu này, bởi theo ông thì “Ở Nazarét có cái gì hay đâu” (Ga 1,46).
Tuy nhiên, sau khi được Đức Giêsu nói rõ về danh tính và nguồn
gốc của mình, Batôlômêô bèn thay đổi thái độ. Ông đã nhận ra nguồn gốc thiên sai
của Chúa Giêsu nhờ cuộc gặp gỡ với Ngài: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên
Chúa, chính Thầy là Vua Israel” (Ga 1,47-49).
Theo truyền thuyết, Natanael rao giảng ở Ấn Độ, Mésopotamie và
nhất là ở Arménie, cuối cùng chịu tử đạo tại đây. Di hài của ngài sau đó được
chuyển về đảo Lipara và về Benevent. Hoàng đế Otto III cho chuyển về Rôma và đặt
ở một cồn nhỏ trên sông Tibre. Trong Tin Mừng Gioan, Natanael là người môn đệ
thứ tư được Chúa Giêsu kêu gọi.
Khi Philipphê nói với Natanael rằng Đức Giêsu chính là Đấng
Messia, Natanael tỏ vẻ hoài nghi, bởi vì theo ông, Đấng Messia không thể xuất
thân từ một nơi mà Thánh Kinh không bao giờ nói tới như Nagiarét. Quả thực, sự
tương phản giữa quan niệm về một Đấng Messia vinh quang với nguồn gốc hèn hạ của
Đức Giêsu chính là một sự vấp phạm của mầu nhiệm nhập thể. Đức tin phải vượt qua
cớ vấp phạm này để nhận ra Đức Giêsu xuất thân từ Nagiarét tầm thường ấy chính
là Đấng Messia. Một số người do thái đã không thể vượt qua như vậy, họ nói :
“Ông này không phải là con của Giuse đấy ư ? Chúng ta há không biết cha mẹ của
ông ta sao ? Thế mà tại sao bây giờ ông ta lại tuyên bố rằng ta từ trời xuống ?
(6,42)
Đức Giêsu nói với Natanaen “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh
đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh” : Trong Ga, Đức Giêsu thường tỏ ra am tường
các biến cố và các con người (2,25 6,61 13,1). Hình ảnh cây vả hơi mơ hồ : có
người hiểu đó là nơi các rabbi thích ngồi để nghiên cứu Thánh Kinh ; có người
nghĩ đến cây biết tốt xấu trong vườn diệu quang. Có lẽ ý nghĩa ở đây là :
Natanaen là người thích suy gẫm Thánh Kinh để biết về Đấng Messia, và Đức Giêsu
cho ông hay rằng những lời tiên báo về Đấng Messia ấy đã được thực hiện nơi Ngài.
Khi chọn gọi các môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu mạc khải cho các ông
biết về Ngài: họ sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên
xuống trên Con Người (x.Ga 1,51). Tước hiệu “Con Người” được Chúa Giêsu sử dụng
để nói về chính Ngài (x.Ga 3,13), trong khi hình ảnh ‘trời rộng mở và các thiên
thần lên xuống’ lại gợi nhớ đến sự kiện Gia-cóp thấy Thiên Chúa phán với ông qua
trung gian một cái thang (x.St 28,13).
Ông Philípphê dẫn ông Nathanaen đến giới thiệu với Đức Giêsu. Vừa
thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, Người liền nói ngay về ông rằng: “Đây đích
thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1, 47). Một lời đơn
sơ, nhưng chứng tỏ Người thấu biết mọi sự trong lòng dạ mình làm ông kinh ngạc
hỏi lại: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Người trả lời rằng Người đã “thấy” ông
trước khi Philípphê gọi ông cơ! Chỉ nghe lời đó thôi mà lòng tin nơi ông đã bừng
cháy, khiến ông ngay lập tức tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên
Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” (Ga 1, 49). Đức Giêsu cho biết: “Vì tôi nói với
anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những
điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1, 50). Ông đã “thấy” một chút nơi Đức Giêsu và đã
tin Người, Người khẳng định ông tin thì ông sẽ còn được “thấy” những điều lớn
lao hơn. Vâng, chính đức tin làm cho mọi sự đều có thể được. Biết bao người
thoát khỏi bệnh hoạn tật nguyền đã nghe Người khẳng định: “lòng tin của con đã
cứu chữa con”.
Như vậy, qua lời mạc khải trên, Chúa Giêsu cho biết Ngài chính là
Đấng trung gian, qua đó Thiên Chúa hiện diện và ngỏ lời với nhân loại (x.Ga
12,45). Ngài là “chiếc thang” nối trời với đất, để Thiên Chúa đến ở với con
người và đưa dẫn con người đến cung lòng Thiên Chúa. Ngài vừa là Thiên Chúa vừa
là con người nên nơi Ngài, không còn khoảng cách giữa trời và đất. Thiên Chúa
trở nên con người để con người trở thành thiên chúa (thánh Tôma Aquinô). Vì thế,
từ nay, con đường duy nhất về trời có tên gọi là Giêsu Kitô.
Để sống trung thực, ngay thẳng, “lòng dạ không có gì gian dối”
giữa một xã hội đầy những dối gian và lọc lừa, quả là điều không hề đơn giản.
Nhưng như lời Chúa nói: “Nếu các ngươi không ăn ở công chính hơn các kinh sư và
biệt phái, các ngươi sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Vậy chúng ta phải làm gì để
làm chứng cho Tin Mừng, cho sự thật ? Chúng ta phải làm gì, để ngày sau hết, khi
ra trước Tòa Chúa, chúng ta cũng hân hoan được nghe lời nhận xét của Chúa: Nơi
anh A, chị B, lòng dạ không có gì gian dối. Hãy vào hưởng gia nghiệp đã dành sẵn
cho người từ thuở đời đời.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự thật thà đang mất dần
đi chỗ đứng, như người ta vẫn ví von vui với nhau rằng: “Thật thà, thẳng thắn
thường thua thiệt. Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương”. Sự gian dối, lừa lọc đang
len lỏi vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc sống; thậm chí, sự gian dối thống trị
ngay cả những ngành nghề nhạy cảm nhất như Giáo dục và Y tế.
Là Kitô hữu, chúng ta hãy mang Đức Kitô trong mình và tin tưởng
bước theo Ngài. Ngài biết rõ mỗi người chúng ta như từng biết rõ Nathanael trước
khi ông đến gặp Ngài. Ngài không chỉ biết qua dáng vẻ bên ngoài nhưng cả tâm
tính bên trong và vận mệnh cuộc đời mỗi người. Đi theo Ngài, sống theo giáo huấn
của Ngài, chúng ta sẽ bước đi trên con đường của sự thật, sự sống và đạt đến
hạnh phúc Nước Trời. Con đường đi theo Ngài là con đường thập giá nhưng cuối
chặng đường sẽ nở hoa phục sinh vinh quang và bước vào Thiên quốc.