Thứ Bảy Tuần XII Mùa Thường Niên
Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, Tông Đồ
Mt 16, 13-19
Chúng ta vui mừng cử hành lễ kính hai thánh tông
đồ Phêrô và Phaolô với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì sự quan phòng Chúa đã thực
thi cho và trong Hội Thánh của Người. Trên nền tảng đức tin của Phêrô, Thiên
Chúa đã xây dựng Hội Thánh; và trong sự nhiệt thành của Phaolô, Thiên Chúa đã mở
rộng Hội Thánh.
Thánh Phêrô và Phaolô tuy có nhiều khác biệt về
mặt con người như tính tình, trình độ và khuynh hướng nhưng hai ông đã gặp nhau
trong ơn gọi Tông Đồ; hình thức và thời điểm khác nhau nhưng chính Đức Giêsu đã
kêu gọi và tuyển chọn; để rồi hai ông cùng chia sẻ một bận tâm, một thao thức là
xây dựng Hội Thánh trần thế. Nếu như với lời "Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này,
Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, Phêrô đã trở nên nền tảng cho đời sống đức tin
trong Hội Thánh; thì "Phaolô, sao ngươi tìm bắt Ta”, Phaolô đã trở nên nguồn cảm
hứng cho đức tin của dân ngoại. Mỗi người một vẻ nhưng cả hai đã trở nên mạnh mẽ
hơn trong đức tin sau những lần vấp ngã và trở thành cột trụ cho Giáo Hội Công
Giáo.
Nơi sự yếu đuối của Phêrô và Phaolô, Hội Thánh dễ
cảm thông với những yếu đuối loài người của anh chị em như chính Đức Kitô đã nêu
gương. Nếu như ngày nay trong Hội Thánh vẫn có những gương xấu trì trệ, hay bất
cứ một khuyết điểm bất toàn nào đi nữa, thì chúng ta cũng hãy tin chắc rằng Hội
Thánh là của Chúa và Chúa có thể làm mọi sự, vì "Thầy ở cùng các con mọi ngày
cho đến tận thế”.
Mừng lễ trọng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô
là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trỗi vượt và quan trọng này trong đạo
chúng ta.
Mỗi vị đều có hai danh xưng khác nhau, đó là
Simon – Phêrô; Saolô – Phaolô. Nếu tên gọi Simon và Saolô nói lên con người cũ,
con người chưa được biến đổi, thì Phêrô và Phaolô là con người mới, con người đã
được biến đổi bởi Đức Kitô.
Khi nhìn vào cuộc đời Phêrô, ta thấy Phêrô thể
hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và
dễ thay đổi, phản bội trong những lúc gặp khó khăn thử thách. Nhưng trong ông,
cũng có một Phêrô khiêm tốn, chất phác và rất hăng hái, biết sám hối và nhận lỗi
của mình; một Phêrô mạnh mẽ và vững vàng trong đức tin, lòng mến, cũng như trong
sứ vụ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai”; “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa
Hằng Sống” (Mt 16,16).
Sau khi gặp Chúa Giêsu, được Chúa mời gọi, ông đã
từ bỏ tất cả để theo Chúa. Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô,
nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh
xưng này, Phêrô trở thành Tông Đồ của Chúa, và được chọn làm thủ lãnh của nhóm
12. Phêrô đã sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong suốt 3 năm trên mọi nẻo đường
rao giảng.
Sau khi Chúa về trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ
đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã đến giảng đạo tại Rôma, rồi bị bắt và
bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo truyền thống kể lại, khi nghe tin sẽ bị
bắt, Phêrô hoảng sợ tìm đường trốn khỏi Rôma để về quê. Trên đường đi, ngài đã
gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá vào thành Rôma, Phêrô hỏi Chúa: “Quo vadis –
Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào Thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ
hai”. Hiểu ra ý Chúa nên Phêrô đã trở lại với đoàn chiên của ngài và chấp nhận
án tử hình trên thập giá. Đang khi chịu đóng đinh, Phêrô xin lính Lamã đóng đinh
đầu ngược, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa
Giêsu.
Khi Thầy Giêsu kiểm tra bài: “Còn anh em, anh em
bảo Thầy là ai?” Điều đặc biệt ở đây là Thầy muốn chính các ông nói lên ý nghĩ
của họ. Ông Phêrô có ngay đáp án đúng nhất: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Ông
đại diện cho các môn đệ tuyên xưng Thầy là Đấng Thiên Sai. Dù tuyên xưng nhưng
ông chưa thể hiểu thấu. Thầy nghiêm giọng cấm các ông không được nói với ai về
căn tính của Thầy. Đấng Thiên Sai đến không phải như cái nhìn của người Do thái
cũng như các môn đệ, để thống trị bằng sức mạnh, nhưng bằng con đường yêu thương
và vác thập giá như Người báo trước: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các
kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi
dậy.” Phêrô không phải chỉ tuyên xưng với Thầy như vậy là xong, nhưng còn phải
đi vào cuộc Thương Khó với Thầy mà theo Thầy. Nhưng sẽ có ngày vinh quang như
Thầy đã phục sinh khải hoàn. Các ông giữ im lặng cho đến ngày lễ Ngũ tuần, Phêrô
mới công bố: “nên Người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi
nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư
nát...” Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em
đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng
Kitô” (Cv 2, 31.36).
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên
Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông
nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo
lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như
sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông,
Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên, kế vị ngươi một người do chính ngươi
sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ
xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó
vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là
con” (2 Sm 7,12-14).
Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-mon.
Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua
Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem,
Đức Giêsu cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu “Con Vua Đa-vít”
này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng Đức Giêsu với tước hiệu “Con Thiên Chúa
hằng sống”, Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giêsu đã
cho biết ý nghĩa của tước hiệu này chỉ về bản tính Thiên Chúa của
Người, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự
thật ấy (x Mt 16,17).
Với Phaolô, ta thấy có một Saolô trước khi gặp
Đấng Phục Sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lổng, nhưng là
một người nhiệt thành với truyền thống đạo Do Thái. Là con của một gia đình khá
giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống cha ông,
Saolô hăng hái đi bắt bớ các kitô hữu đầu tiên vốn thuộc về một tôn giáo mới
đang đe dọa sự tồn tại của đạo Dothái.
Thánh Phaolô là người bách hại, trở thành sứ giả
của Tin Mừng, không coi việc rao giảng Tin Mừng như một lý do để kiêu ngạo,
nhưng là một sự cần thiết. “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1
Cr 9,16). Thánh Phaolô nói trước các kỳ mục của Hội thánh Êphêsô : “Khi phục vụ
Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách...” (Cv
20,19). Với người thành Côrinthô, ngài nhắc nhớ lại những sự mệt nhọc, khó khăn,
đói khát, lạnh lẽo...Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của
tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh” (2 Cr 11,27).
Và rồi chắc chắn Thánh Phaolô và ta không bao giờ
quên cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp
Đấng Phục Sinh, và được Ngài đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông Đồ của
dân ngoại. Sau cuộc trở lại này, Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang
Hy lạp và La mã nhiều lần để rao giảng Tin Mừng, rồi chịu tử đạo khi bị chặt đầu
vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.
Thánh Phaolô, trong các bản văn nói về sự kiện
Damas, luôn đặt kinh nghiệm này với cuộc đời quá khứ của một người Pharisêu và
bách hại đạo: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Israel, họ Benjamin,
là người Hipri, con của người Hipri; giữ luật thì đúng như một người Pharisêu;
nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo lề luật, thì
chẳng ai trách được tôi” (Pl 3,5-6). Thánh Phaolô thêm vào: “Tôi coi tất cả mọi
sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa
của tôi” (Pl 3,8). Người Pharisêu Saul, tự cho mình là “công chính” qua việc
tuân giữ lề luật không đâu chê trách được, bây giờ lại tuyên xưng: “Vì Người tôi
đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với
Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sư công chính do luật
Môisen đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công
chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3,7-9).
Ta thấy nét đặc thù khác trong linh đạo thánh
Phaolô được nhấn mạnh : Đức Kitô là trung tâm cuộc sống và lời rao giảng của
thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô và chết là một mối lợi: thập giá
Đức Kitô là vinh quang duy nhất của tôi”; “Với Đức Kitô, tôi đã bị đóng đinh ;
không còn phải là tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi; hiện tại tôi sống
trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã phó nộp vì tôi”
(Gl 2,19-20).
Việc trở lại ở Damas đã biến đổi cách triệt để
cuộc đời thánh Phaolô. Một khi đã gắn bó vào Chúa Kitô, ngài biết phải tin tưởng
vào ai. Thế là không còn phải lo âu gì cả. Ngài nói với những người thành
Philippe: “Quên đi quá khứ, để chỉ biết lao về phía trước, tôi chạy thẳng tới
đích, để chiếm phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi
trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3,13-14).
Ta cũng bắt gặp tình yêu Chúa Kitô đang cháy
trong tâm hồn thánh Phaolô: “Với tình yêu này, thánh Phaolô cho rằng mình là kẻ
hạnh phúc nhất giữa nhân loại...Tận hưởng tình yêu này, có nghĩa đối với Ngài là
chiếm hữu cuộc sống, thế giới, Thiên thần của mình, hiện tại, tương lai, vương
quyền, lời hứa, hạnh phúc vĩnh cửu”. Như vậy, sự tàn bạo và cơn giận của kẻ thù
đã biến đổi thành sức mạnh và tình yêu cho một vị Tông Đồ say mê truyền giáo.
Thánh Phaolô luôn tiến bước đến trước với một lòng nhiệt thành trên các con
đường để nắm bắt Đấng là vinh quang duy nhất của mình. “Để chống lại Đức Giêsu,
ngài đã đi về Damas ; để nắm bắt được Đức Giêsu, ngài đã phải đi khắp cùng thế
giới.”
Mừng lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ hôm nay,
chúng ta hãy tha thiết nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của hai thánh, ban
cho mọi thánh phần trong Hội Thánh, cách riệng, cho mỗi người chúng ta biết tích
cực góp phần mình vào việc xây dựng Hội Thánh trần gian và mở rộng Nước Chúa.
Đồng thời chúng ta xin thêm lòng yêu mến Chúa Giêsu Phục Sinh, yêu mến và gắn bó
với Hội Thánh của Chúa, cũng như trung thành hoàn tất ơn gọi theo Chúa đến cùng