25/07/2019
Thứ Năm Tuần XVI Mùa Thường niên
THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ
2 Cr 4, 7-15
Gioan và Giacôbê là hai trong số những môn đệ đầu tiên đi theo Chúa, đã dám nói
mạnh là bỏ mọi sự mà theo Chúa, thế mà họ cũng chưa thấm nhuần tinh thần phục vụ
mà Chúa đã dạy. Có thể nói, các ông từ bỏ nhưng còn với một tính toán, đó là trở
thành công hầu khanh tướng trong vương quốc tương lai của Người. Các ông cũng
không thoát khỏi cái lý luận thường tình của con người: “tôi cho đi để được lấy
lại”, “tôi từ bỏ mọi sự để được giàu sang hơn”, “tôi phục vụ để được phục vụ lại”.
Phải chăng tôi cũng giống như họ, lâu nay tôi theo Chúa mà chỉ nghĩ đến quyền
lợi, danh dự, ơn ích… Nói cách khác, tôi nghĩ đến nhận mà không nghĩ đến cho,
tôi nghĩ đến được người ta phục vụ mà không nghĩ đến phục vụ người ta?
Cho đi để được cho lại, đó là tính toán thường tình của con người. Người ta làm
ơn làm phúc để được đền đáp, người ta hy sinh phục vụ để tên tuổi của mình được
nhắc đến. Tiền tài, quyền bính, danh vọng là ẩn số luôn ẩn núp sau những công
việc mà con người gọi là phục vụ. Tựu trung, điều con người tìm kiếm trong mọi
phục vụ vẫn có thể là cái tôi của mình. Chúa Giêsu đã mang lại cho hai chữ “phục
vụ” ý nghĩa đích thực của nó: sống trọn vẹn cho Chúa và vì tha nhân, chứ không
vì bất cứ một tính toán lợi lộc nào. Phục vụ như thế cũng đồng nghĩa với quên
mình và quên mình cho đến chết. Xét cho cùng, theo mẫu gương Giêsu, phục vụ cũng
đồng nghĩa với chết đi. Đó là bài học mà Chúa Giêsu đã muốn lặp lại trong bài
Tin Mừng hôm nay.
Thánh Philipphê thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa
Cha, như thế chúng con mãn nguyện” (Ga 14, 8). Ước muốn của Thánh Philipphê cũng
chính là niềm khát khao của con người mọi thời vì: “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi,
hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,1). Thế nên, dọc dài thời gian, xuất
hiện rất nhiều bậc hiền nhân đưa ra những phương cách, lời hay ý đẹp để giúp con
người thấu đạt Thượng Đế. Nhưng không một ai đưa con người đến được với Thiên
Chúa; ngoại trừ Chúa Giêsu – Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúa Giêsu
xuất phát từ Thiên Chúa, là dung nhan lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Chúa
biết cách nói về Thiên Chúa, dạy cho con người chân lý yêu thương đích thực. Hơn
hết, Chúa Giêsu chính là Con Đường để con người bước vào sự sống của Thiên Chúa.
Con Đường Giêsu đã được khẳng định rõ nét qua lời nói và hành động của Chúa
trong những tháng năm trên trần thế. Người đời cho rằng của cải đời này là sự
đảm bảo cho cuộc sống thì Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay
người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn sẽ về tay ai?” (Lc
12, 20). Con người cứ lo kiếm tìm danh lợi thú trần gian, Chúa Giêsu lại đến
trần không một nơi gối đầu để phục vụ và hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Con
người đối xử với nhau bội bạc, vô tình, tàn nhẫn; Chúa Giêsu đến với mọi người
bằng tình yêu và chân thành: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga
10, 10). Con người những tưởng đã tha thứ đủ khi tha đến bảy lần thì Chúa Giêsu
dạy phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Con người vô ơn quên tình yêu Thiên Chúa,
bất tuân lệnh Thiên Chúa; Chúa Giêsu vâng lời Chúa Cha và thực thi mọi phán
quyết của Thiên Chúa: “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 9).
Chúa Giêsu là Đường Hoàn Hảo mà Chúa Cha gửi đến cho con người với tất cả lòng
thương xót. Chúa đã chết trên thập giá để cứu độ con người: “Khi các ông giương
cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,12). Và Chúa
Giêsu đã Phục Sinh để minh chứng lời Chúa nói là chân thật: “Có lời Kinh Thánh
chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại;
phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân” (Lc 24, 46-47).
Từ lúc Giacôbê bày tỏ những tham vọng không được cao thượng của Ngài cho đến khi
được chịu tử vì đạo là một cuộc biến chuyển nội tâm lâu dài. Sự nhiệt thành của
Ngài trước kia chống lại những người Samaria không muốn tiếp đón Chúa Giêsu –
dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem – nhưng về
sau đã biến nên lòng nhiệt thành vì các linh hồn. Từng bước một, tuy không làm
mất cá tính hăng hái, nhưng Giacôbê biết rằng nhiệt tâm vì quyền lợi Thiên Chúa
không thể dính dáng đến bạo lực hoặc chua chát. Chỉ có vinh quang Thiên Chúa là
khát vọng duy nhất xứng đáng mà thôi. Thánh Clêmentê thành Alexandria kể lại
khi vị tông đồ nước Tây Ban Nha được điệu ra trước tòa xử, thần thái của ngài
liêm chính đến độ kẻ tố cáo ngài sau đó đã đến xin ngài tha lỗi. Thánh Giacôbê
suy tư… và sau đó ôm hôn kẻ tố cáo mình, và nói: “Anh hãy bình an”. Hai người
sau đó cùng được lãnh nhận triều thiên tử đạo.
Thánh Giacôbê cũng có những khuyết điểm rõ ràng và không thể chối cãi. Tuy
nhiên, bên cạnh những khiếm khuyết ấy, thánh nhân cũng có một tâm hồn và một con
tim vĩ đại. Chúa Giêsu lúc nào cũng nhẫn nại với Ngài cũng như với các Tông đồ
khác. Thầy Chí Thánh cho các ngài thời gian để hấp thụ những bài học mà Người đã
dùng sự khôn ngoan và tình thương để truyền dạy cho họ. Thánh Gioan Kim khẩu
viết: “Chúng ta hãy xét Chúa đặt câu hỏi tương tự như một lời mời gọi và một lời
kích lệ như thế nào. Chúa không nói: ‘Ngươi có thể chịu thất bại được không?
Ngươi có dám chịu đổ máu không?’ nhưng Chúa lại hỏi: ‘Ngươi có thể uống…’ Để
khích lệ họ, Chúa còn thêm: ‘… chén Ta sẽ uống hay không?’ Tưởng nghĩ đến việc
uống chính chén của Chúa đã đưa các Tông đồ đến sự đáp ứng quảng đại hơn. Chúa
Giêsu gọi cuộc Khổ nạn của Người là ‘phép rửa’ để nhấn mạnh những đau khổ của
Người sẽ là nguyên nhân cho cuộc thanh tẩy toàn thế giới.”
Chúa cũng đang mời gọi chúng ta. Ước chi chúng ta đừng đầu hàng sự chán nản khi
những khuyết điểm và yếu đuối của chúng ta trở nên rõ rệt. Nếu chúng ta đến với
Chúa Giêsu để xin phù giúp, Người sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm để tiếp tục
trung thành dấn bước, bởi vì Chúa luôn nhẫn nại và cho chúng ta thời giờ cần
thiết để cải thiện.