Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm C
Ngày 14 tháng hai
Đnl 26, 4-10; Rm 10, 8-13; Lc 4, 1-13
Ngày hôm nay ta bắt gặp hình ảnh Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (4,1-13).
Việc đầu tiên Chúa Giêsu làm trước khi thực thi Sứ Mạng Cứu Thế đó là Chúa Gêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa để cầu nguyện và ăn chay 40 đêm ngày và chịu cuộc thử thách, đó là chịu ma quỷ hiện đến cám dỗ đủ cách. Chắc có người tự hỏi: Có lẽ nào Satan lại dám cả gan đến cám dỗ Chúa như thế! Xin thưa: Thứ nhất: Lúc đó quỷ chưa biết rõ Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa giáng phàm, vì Ngài giống hệt như mọi người khác, thứ đến, suốt 30 năm Ngài không làm phép lạ, cũng không tỏ lộ quyền phép đặc biệt nào, nên Satan không hiểu được một Vị Thiên Chúa lại có thể sống ẩn dật với hình hài giống hệt như bất cứ phàm nhân nào khác, nên nó mới dám đến cám dỗ Người như thế!
Qua trình thuật khỏi đầu sứ vụ Cứu Thế này, thánh Luca muốn cho chúng ta thấy Chúa khai mở một cuộc xuất hành mới để giải phóng loài người khỏi ách thống trị của Satan, của sự dữ. Từ chối các chước cám dỗ của chúng ta và cái chết như là hậu quả đắng cay của vòng xích oan nghiệt ấy.
So sánh với trình thuật Tin Mừng theo thánh Matthêu, ta thấy trình thuật của thánh Luca có 3 đặc điểm sau đây:
Trước tiên là vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Chúa Giêsu.
Ắt hẳn ta còn nhớ tất cả mọi thời điểm quan trọng trong thời Chúa Giêsu đều được ghi dấu bằng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Dù làm gì, dù ăn dù ngủ, Chúa Giêsu luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Thánh Thần.
Với thánh sử, trong kinh nghiệm Phục sinh và lịch sử của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần không phải là một sức mạnh như diễn tả trong Kinh Thánh Cựu Ước mà là một bản vị, là Ðấng hướng dẫn cuộc đời chúng ta vào hành động trong lòng thế giới. Chính Ngài đã dẫn đưa Chúa Giêsu vào sa mạc và trợ lực Chúa Giêsu trong cơn thử thách.
Trong sa mạc, Chúa Giêsu đã bị cám dỗ từ bỏ con đường chông gai Thiên Chúa đã vạch ra để đi theo một số con đường khác hấp dẫn ngoạn mục hơn và dễ dãi hơn. Chúa Giêsu phải chọn con đường nào đây? Dùng quyền năng cứu thế để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và hiện sinh, biến đá sỏi thành bánh mà ăn chứ không cần phải lao nhọc vất vả, hay sống theo luật công bằng hoặc tinh thần liên đới chia sẻ làm việc, hay là dùng các phép lạ lôi kéo các tín đồ cho nó mau và khỏe chứ tội gì mà phải khó nhọc rao giảng, gieo vãi hạt giống nơi tâm lòng con người. Và thôi thúc họ đối chiếu cuộc sống hằng ngày với giáo huấn sự thật làm gì? Hoặc là dùng bạo lực và các thế lực vật chất, tinh thần để lôi kéo môn đệ và tín đồ v.v...
Có quá nhiều cám dỗ đặt ra trước mặt Chúa Giêsu, nhưng rồi ta thấy Chúa Giêsu đã chọn con đường khổ đau.
Với thánh Luca, chiến thắng của Chúa Giêsu trên các chước cám dỗ trước ngày công khai loan báo Tin Mừng Nước Trời, báo cho biết chiến thắng sau cùng của Chúa Giêsu khi bị chết treo trên thập giá.
Ðặc biệt thứ hai là vai trò quan trọng của thành Giêrusalem. Toàn Phúc Âm thánh Luca trình bày cuộc đời Chúa Giêsu như là một hành trình tiến về Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu sẽ thực hiện công cuộc cứu độ trần gian, qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Vì vậy, thánh Luca đặt cám dỗ thứ ba trong bối cảnh thành Giêrusalem nơi ơn cứu độ được thành toàn. Do đó không chướng ngại nào kể cả ma quỉ được phép cản trở hành trình ấy của Chúa Giêsu.
Sau cùng của cám dỗ đó là hình ảnh sa mạc. Trong sa mạc của cuộc xuất hành xưa kia, dân Do Thái đã lẩm bẩm kêu trách Thiên Chúa. Họ đã ngã quỵ trước cám dỗ và khước từ Thiên Chúa là Ðấng giải phóng mình. Lẩm bẩm là từ ngữ Kinh Thánh dùng để diễn tả thái độ chống lại Thiên Chúa, phản đối Ngài, muốn gợi ý cho Thiên Chúa phải làm thế nào để giải phóng mình trong sa mạc. Chúa đã không nhượng bộ mà nghe lời ma quỉ cám dỗ và theo cách thế nó đề nghị để thực hiện công trình cứu thế. Mặc dù đói khát và khổ sở, Chúa Giêsu vẫn luôn kiên vững và tin vào tình yêu thương quan phòng ấp ủ của Thiên Chúa. Ngài không yêu sách, dù không trông thấy các dấu chỉ của tình yêu thương quan phòng và ấp ủ đó diễn tả bằng giàu sang, chức quyền và thành công trong đời.
”Nếu ông là Con Thiên Chúa”: đó là câu nói vừa thăm dò vừa khiêu khích. Ma quỷ đang mò mẫm tìm xem điều mình nghi ngờ có đúng không.
Thật vậy, ma quỷ muốn biết chính xác: Con Người khác thường đã ăn chay 40 ngày đêm trong hoang địa này có phải là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người không? Và để kiểm chứng, Ma Quỷ dùng mưu thuật. ”Suy bụng ta ra bụng người”, tục ngữ Việt Nam nói thế và sự thật cũng đúng như vậy, ít ra trong trường hợp của tên Quỷ đang tìm cách cám dỗ Đức Chúa Giêsu đây.
Vốn đầy tràn kiêu căng, không muốn tuân phục, nhưng ưa thích khoe khoang, Ma Quỷ nghĩ rằng có lẽ ”Vị Khác Thường” này cũng giống như hắn. Tên Quỷ tự nhủ: ”Nếu Ông ta là Con Thiên Chúa” hẳn Ông ta sẽ vỗ ngực nhận ngay tức khắc và sẽ vung tay làm phép lạ ra oai, vừa có bánh để ăn vừa để minh chứng ta đây là Con Thiên Chúa ! Nào ngờ, tên Quỷ bị đánh bại liền. Đức Chúa Giêsu đáp: ”Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa!”
Ma quỷ là loài xảo trá, là con rắn độc. Rắn thuộc loài bò sát không chân. Do đó, rắn không gây tiếng động, nên dễ dàng chộp bắt con mồi. Ma quỷ cũng thế. Để cám dỗ loài người đi theo đường tà vạy, Ma quỷ thường nhẹ nhàng êm ái lẻn vào lòng, vuốt ve phần hạ cấp nhất của con người. “Có thực mới vực được đạo”, người ta nói thế và Ma quỷ có lẽ cũng đồng ý như vậy. Ma quỷ luôn luôn bắt đầu tấn công nơi cái điểm yếu nhất của con người.
“Khi quỷ đã thử thách Chúa đủ cách, nó rút lui để chờ dịp khác” (Lc 4:13) . Sau khi Satan bị thua trong mọi cơn cám dỗ, nó xấu hổ, bẽ bàng rút êm để chờ dịp khác! Nó thua keo này, nhưng nó sẽ chờ keo khác, chỉ khi nào chúng ta thở hơi cuối cùng thì chúng mới ngưng hẳn cám dỗ chúng ta !
Tin Mừng nói rõ Satan là cha sự dối trá, gian manh, quỷ quyệt, là đầu “quyền lực bóng tối” (Lc 22:53), là hoàng tử của thế giới huỷdiệt và chắc chắn “Chúng sẽ trở lại” (Jo 14:30). Vì thế, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu cẩn thận đề phòng và quyết liệt chống trả mọi mưu chước thâm hiểm của chúng bằng Lời Kinh Thánh, bằng chuyên tâm cầu nguyện, sống thân thiết với Thiên Chúa, để múc lấy Thần Lực để có thể chiến thắng thần dữ.
Và để chống lại mọi mưu thâm chước độc của tà thần, chúng ta có mẫu gương chiến thắng của Đức Chúa Giêsu Kitô trong trình thuật Tin Mừng hôm nay
Ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, với tất cả sự khiêm tốn và đặc biệt là niềm tin để rồi có Chúa Thánh Thần cùng đồng hành, Ngài đã vượt qua cám dỗ. Ta cũng hãy xin Chúa Thánh Thần đồng hành với ta trên mọi nẻo đường đời để ta thấy cuộc đời của ta ngày mỗi ngày kết hiệp mật thiết với Chúa hơn và không có cám dỗ nào có thể khuất phục ta được.