SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM B (29/9/2024)
[Ds 11,25-29; Gc 5,1-6, Mc 9,38-43.45.47-48]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Nguời la-tinh xưa có câu: “Người với người chẳng khác gì
sói” Điều đó nói lên một sự thật đau lòng là giữa người với người thật khó có
sự cảm thông, sẻ chia tha thứ, chấp nhận nhau một cách chân tình. Vì lòng con
người chúng ta chứa chất đầy ghen tỵ và không muốn ai hơn mình.
Các bài Sách Thánh của Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B hôm
nay còn nguyên giá trị “thời sự” tức là không chỉ là chuyện của thời xa xưa mà
là chuyện của chính ngày hôm nay.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Ds 11,25-29): “Ngươi phân bì giúm ta
làm chi? Uớc gì toàn dân được nói tiên tri” Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán
cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô
lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các
ông không mất ơn ấy.
Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là
El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông
được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri
trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: "El-đad
và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại". Tức thì Giosuê, con ông Nun,
tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng:
"Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi". Ông Môsê đáp lại rằng:
"Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa
ban Thần Trí Người cho họ".
2.2 Trong bài đọc 2 (Gc 5,1-6): “Của cải các ngươi bị mục
nát” Này đây, hỡi những người giàu có, các
ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của
cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các
ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn
thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ
trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã
gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu
đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các
ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết
chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc
9,38-43.45.47-48): «Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay
con nên dịp tội cho con, hãy chặt nó đi » Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy,
chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và
chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Đừng ngăn cấm y, vì
chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai
chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con
một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ
không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những
kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống
biển thì hơn.
"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi:
thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào
hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt
chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai
chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc
mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt
mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không
hề tắt".
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG
BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là Đấng
nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Ds 11,25-29) là
câu truyện Thần Khí Thiên Chúa đậu trên 70 kỳ mục của Israel, kể cả trên 2 ông
Enđát và Mêđát là 2
người không tuân thủ chỉ thị của Môsê là đến Lều Hội Ngộ mà họ lại ở lại trong
trại. Có người thấy thế liền “mách lẻo” với ông Môsê để mong ông Môsê loại trừ
họ. Nhưng ông Môsê chẳng những không loại trừ hay khiến trách 2 ông Enđát
và Mêđát mà lại còn tuyên bố một câu làm nhiều người chưng hửng:
"Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí
trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!" Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí
của Người trên họ.”
Qua đoạn Thánh Kinh này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa của
ông Môsê và của dân Israel (tức của Ki-tô giáo) là Đấng Thiên Chúa rộng lòng,
rộng tay ban phát ơn huệ của Người cho những ai Người muốn. Mọi người khác chỉ
có việc cảm tạ, ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa và mừng cho những người được ơn
ngôn sứ mà thôi.
3.1.2 Bài đọc 2 (Gc 5,1-6) là
những lời cảnh cáo nghiêm khắc của Thánh Giacôbê Tông đồ dành cho những người
giầu có mà sống xa hoa, trụy lạc và ích kỷ không biết chia sẻ của cải vật chất
mà Thiên Chúa đã ban cho họ, với những người túng thiếu cần đến sự giúp đỡ của
họ. Nguyên nhân cũng vì lòng ích kỷ mà ra.
Qua đoạn Thánh Kinh này chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là
Đấng muốn người giầu dùng của cải vật chất một cách hữu ích không chỉ cho bản
thân mình mà cho cả người khác bằng cách chia sẻ của cải ấy với những người
túng thiếu.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 9,38-43.45.47-48) có hai phần.
* Phần thứ nhất là thái độ bao dung, rộng lượng và tinh
thần quy nạp (chứ không loại trừ) của Chúa Giêsu với lời khẳng định “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” khi ông Gioan “mách lẻo” với Chúa Giêsu về sự kiện có những
người khác không thuộc nhóm môn đệ lại rao giảng nhân danh Người.
* Phần thứ hai là thái độ nghiêm khắc và quyết liệt của
Chúa Giêsu đối với những người làm gương mù gương xấu cho người khác cũng như
những phần thân thể gây hại cho chính mình.
Qua Bài Tin Mừng trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là
Đấng bao dung quảng đại và công minh chính trực, không loại trừ những người
thiện chí, nhưng quyết liệt với những người làm hại kẻ khác.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng ta làm
gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh hôm nay là
(1o) Sống tinh thần quy nạp chứ không loại trừ, tức là mở
rộng lòng tiếp nhận mọi người chứ không gạt bỏ những người không cùng phe, nhóm
với mình.
(2o) Sống tỉnh thức hay cảnh giác kẻo tạo ra gương mù gương
xấu gây hại cho kẻ khác cũng như gây hại cho chính bản thân mình.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA & THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa là chiêm ngắm Thiên Chúa và học cùng Người để có tinh thần
và cách sống theo nguyên tắc quy nạp chứ không loại trừ, vui mừng với điều tốt
lành mà không ghen tỵ với bất cứ một ai.
4.2 Thực thi sứ Điệp của Lời Chúa hôm nay là
(1o) Loại bò lòng ghen tỵ ra khỏi tâm hồn mình: vui với
người vui, mừng với sự thành công của người khác.
(2o) Tránh không làm gương mù gương xầu cho những người
xung quanh.
(3o) Quyết liệt không để cho mình phạm tội bằng thân thể
hay một phần thân thể của mình.
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ CHO HỘI THÁNH
5.1 «Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng
hộ chúng ta» Chúng ta hiệp lời
cầu nguyện cho mọi người, mọi dân tộc trên thế gian này có được tấm lòng bao
dung rộng mở đối với người khác và các dân tộc khác.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông
(Mô-sê) mà đặt trên bảy mươi kỳ mục» Chúng ta
hiệp lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, Các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục để các
vị ấy được tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân
của Người để họ đều là ngôn sứ» Chúng ta hiệp lời
cầu nguyện cho tất cả các Ki-tô hữu, nhất là cho giáo dân thuộc giáo xứ chúng
ta, được có Thần Khí Thiên Chúa trong lòng và trong cuộc sống, để mọi người nói
lời Thiên Chúa cho tha nhân đồng loại.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em
thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần
thưởng đâu» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho mọi người trong xã hội
biết mở rộng bàn tay, mở rộng cõi lòng mà giúp đỡ những người thiếu thốn.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn
ngày 25 tháng 9 năm
2024
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.