SỐNG LỜI CHÚA
HÔM NAY
CHÚA NHẬT I
MÙA CHAY NĂM C (09/03/2025)
[Đnl 26,4-10;
Rm 10, 8-13; Lc 4, 1-13]
I. DẪN VÀO
PHỤNG VỤ
Phần đông
giáo dân đều hiểu rằng Mùa Chay là thời gian ăn năn sám hối về những thiếu sót
và tội lỗi của mình nên việc ăn chay, cầu nguyện và làm việc lành phúc đức được
mọi người đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiểu như vậy là không sai. Nhưng nếu
hiểu cách sâu xa và bao trùm hơn thì Mùa Chay chính là thời gian để các tín hữu
thể hiện thái độ và hành động của mình với tư cách là kẻ tin.
Từ lời
ông Môsê nói với dân Israel (bài đọc 1) và lời của Thánh Phaolô viết cho cộng
đoàn tín hữu Roma (bài đọc 2) đến lời nói và việc làm của Chúa Giêsu trong cuộc
chiến đấu với Xatan (bài Phúc Âm) đều làm nổi bật thái độ và hành động của
những kẻ tin vào Thiên Chúa.
Vậy chúng
ta hãy đọc kỹ và suy niệm ba bài Sách Thánh của Chúa Nhật I Mùa Chay
Năm C hôm nay để hiểu và có thái độ và hành động của những kẻ tin
vào Thiên Chúa.
II. LẮNG NGHE
LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong
bài đọc 1 (Đnl 26, 4-10): "Dân được chọn tuyên xưng đức tin". Ông Môsê
nói cùng dân chúng rằng: "Thầy tư tế nhận của đầu mùa từ tay ngươi và đem
đặt trước bàn thờ của Chúa là Thiên Chúa ngươi, và ngươi sẽ nói trước mặt Chúa
là Thiên Chúa rằng: "Tổ phụ con là Aramêô du mục đã đi xuống Ai-cập và
sống ở đó như ngoại kiều với một ít người; và đã phát triển thành một dân tộc
vĩ đại, hùng mạnh và đông đúc. Các người Ai-cập đã ngược
đãi, hành hạ và bắt chúng con làm việc nặng nhọc. Chúng con
đã kêu cầu Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, và Chúa đã nghe lời chúng con,
đã nhìn thấy cảnh thống khổ, cực nhọc và khốn cùng của chúng con. Chúa
đã dùng bàn tay mạnh, cánh tay hùng, dùng
những biến cố khủng khiếp và những dấu lạ phi thường mà dẫn
chúng con ra khỏi Ai-cập. Chúa đưa chúng con đến đây, ban cho chúng con xứ này,
một xứ chảy sữa và mật. Và vì thế, lạy Chúa, giờ đây
con dâng tiến Chúa những của đầu mùa, hoa màu ruộng đất mà Chúa đã ban cho
con". Ngươi sẽ đem đặt nó trước mặt Chúa là Thiên Chúa ngươi và sấp mình
trước tôn nhan Người.
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 10, 8-13): "Kẻ tin tưởng tuyên
xưng đức tin trong Chúa Kitô". Anh em thân mến, Thánh Kinh
nói gì? Lời ở kề trong miệng và trong lòng ngươi. Đó là lời đức tin mà
chúng tôi rao giảng. Vì nếu miệng ngươi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và
lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ
được rỗi. Quả thế, tin trong lòng thì sẽ được công chính, tuyên
xưng ngoài miệng sẽ được cứu rỗi. Vì Thánh Kinh đã có
nói: “Hễ ai tin vào Người sẽ không phải hổ
thẹn". Bởi lẽ không có sự phân biệt
người Do-thái và Hy-lạp: Vì là cùng một Chúa của
mọi người, Ngài rộng rãi đối với tất cả mọi người
khẩn xin cùng Ngài. Vì mọi kẻ cầu khẩn Danh Ngài, đều được
cứu độ.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 4,1-13): "Thánh Thần thúc đẩy
Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ". Khi ấy,
Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần
đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những
ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến
thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến
thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không
phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả
các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền
hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai
tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!"
Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là
Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường
cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình
xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ
ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp
phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách
Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để
chờ dịp khác.
III.
KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân
dung của Thiên Chúa
3.1.1 Bài
đọc 1 (Đnl 26,4-10) là những lời của ông Môsê giảng giải cho
dân Israel về cách họ phải đối xử với Thiên Chúa như thế nào cho
tương xứng. Ông đã khéo léo nhắc lại cách vắn gọn lịch sử của dân và cách Thiên
Chúa đã cứu dân khỏi cảnh nô lệ Ai-cập và đưa dân vào Đất Hứa. Nhờ có đất và sự
quan phòng đầy thương yêu của Thiên Chúa mà dân mới có hoa mầu, lương thực, sữa
và mật… Vì thế dân Israel dâng lên Thiên Chúa của lễ đầu mùa là để tỏ
lòng biết ơn và quy phục Vị Chúa Tể Vũ Trụ và Lịch Sử của mình.
Trong
trích đoạn Đnl 26,4-10 trên, chúng ta khám phá ra nhiều nét đáng yêu trên dung
mạo của Thiên Chúa: Trước hết Thiên Chúa là Đấng đã nghe thấy lời kêu than của
những người bị áp bức. Kế đến Thiên Chúa là Đấng ra tay giải thoát họ. Sau cùng
Thiên Chúa là Đấng đồng hành với dân trong suốt cuộc hành trình vào Đất Hứa.
Trong biến cố Xuất Hành (cũng là Vượt Qua) của dân Israel, Thiên Chúa tự
mạc khải vừa là Đấng yêu thương, vừa là Đấng quyền năng. Đó cũng chính là Thiên
Chúa mà chúng ta tìm kiếm, tôn thờ và sống cùng!
3.1.2 Bài
đọc 2 (Rm 10,8-13) là những lời Thánh Phaolô Tông đồ nói về đối tượng của
niềm tin của các Kitô hữu. Đối tượng đó là chính Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên
Chúa. So với những người Do-thái thì các Kitô hữu chúng ta đã tiến thêm được
một bước trên con đường tìm kiếm, gặp gỡ và hiểu biết Thiên Chúa. Hay đúng hơn
là mạc khải của Thiên Chúa đã chuyển sang một giai đoạn mới: Thiên Chúa tự mạc
khải trong/qua Con Một là Chúa Giêsu Kitô. Để xứng đáng với hồng ân vĩ đại ấy
của Thiên Chúa, các Kitô hữu vừa phải tin trong lòng vừa phải tuyên xưng ngoài
miệng tức bằng lời nói và việc làm.
Trong
trích đoạn Rm 10,8-13 trên, chúng ta nhận ra Lời Thiên Chúa rất gần chúng ta, ở
ngay bên, thậm chí ở trong chúng ta. Hơn nữa Lời ấy đã thành xác phàm và ở giữa
chúng ta, làm bầu làm bạn và đồng hành với chúng ta, chuộc hết lỗi lầm của
chúng ta để cho chúng ta được hòa giải và sống trong tình yêu của Cha. Đó là
Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng. Cách
tuyên xưng thuyết phục nhất là sống theo giáo lý, mệnh lệnh, giới răn của
Chúa.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 4, 1-13) là đoạn
Phúc âm Luca tường thuật cách sống động và tỷ mỷ về những cơn/đợt/chước cám dỗ
mà Sa-tan đã bày ra với Chúa Giêsu trong hoang địa. Satan tìm hết mọi cách để
kéo Chúa Giêsu ra khỏi vòng thân mật và đường lối của Thiên Chúa. Còn Chúa
Giêsu thì nhất định không nhượng bộ Satan một ly một tý nào. Của cải, vinh hoa,
phú quý, lạc thú, quyền lực…. đối với Người, chả là gì cả! Trước sau Chúa
Giê-su chỉ nghe Lời của Cha, chỉ thực hiện chỉ thị của Cha, chỉ tìm kiếm những
gì làm đẹp lòng Cha mà thôi!
Trong
đoạn Phúc Âm Lc 4, 1-13 này, chúng ta thấy Chúa Giêsu quả là Con Chí
Ái của Cha và là mẫu mực cho cách sống -từ suy nghĩ qua lời nói và đến hành
động- quy phục Thiên Chúa với tất cả lòng yêu thương, trí sáng suốt và ý chí
kiên cường. Chúng ta hãy học với Người để (a) không bị Sa-tan, thế gian và xác
thịt lừa gạt hay gài bẫy và (b) để luôn được sống trong tình thân và sự quy
phục Thiên Chúa.
3.2 Sứ điệp
của Lời Chúa:
Sứ điệp
của Lời Chúa hôm nay là thề hiện thái độ và hành động của những kẻ tin vào
Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã cứu thoát và hướng dẫn chúng ta từng giây từng
phút. Chúng ta cứ nhìn vào Chúa Giê-su mà học theo: trong cơn cám dỗ của
Sa-tan, Người đã kiên cường thể hiện thái độ và hành động của Người Con Chí Ái
của Cha, Người Con mà Cha hết sức hài lòng.
IV. SỐNG VỚI
THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với
Thiên Chúa
Là
Đấng rất gần gũi và thân thương đã ra tay cứu thoát con dân Ít-ra-en khỏi
cảnh nô lệ Ai-cập và đưa dân vào Miến Đất Hứa.
Là Chúa
Giê-su, Đấng đã chiến thắng thần dữ là xa-tan trong hoang địa để gắn bó
với Đấng đã sai Người đến trần gian để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.
Là Chúa
Thánh Thần, Đấng luôn thông hiệp với Chúa Cha và với Chúa Con (Chúa Giê-su)
trong mọi công trình tạo dựng và cứu độ nhân loại.
4.2 Thực thi
Sứ điệp của Người
Để thực
thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi xét mình xem hàng ngày/tuần tôi sống với
Thiên Chúa như thế nào:
* Tôi có
cảm nhận được Thiên Chúa là Đấng hết sức gần gũi, lắng nghe, ra tay cứu vớt và
ban muôn vàn ơn cho tôi không?
* Tôi có
thể hiện thái độ và hành động của kẻ tin vào Thiên Chúa hay tôi sống chẳng khác
gì những người không biết, không tin Chúa?
* Tôi có
chạy đến với Thiên Chúa và kêu cầu Người mỗi khi tôi bị áp bức, bóc lột, đau
khổ không? Hay tôi chạy đến thày bói, tử vi, tướng số, cầu cơ, bùa ngải, người
đời để
cậy nhờ trong những lúc gặp khó khăn, bế tắc?
V. CẦU NGUYỆN
CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1 «Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã
thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu, đã
dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu
lạ điềm thiêng, để giải thóat chúng tôi.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho loài người ngày
hôm nay, nhất là cho những người bị áp bức, lầm than, cơ cực về vật chất cũng
như tinh thần, để họ được Thiên Chúa đoái thương và giải thoát.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin
Chúa nhậm lời chúng con!
5.2 «Khi anh (em) đến dâng của đầu mùa, tư
tế sẽ nhận lấy giỏ từ tay anh (em) và đem đặt trước bàn thờ Đức Chúa, Thiên
Chúa của anh (em)» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho Hội Thánh Công
Giáo khắp năm châu, cách riêng cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô (đang bênh nặng) ,
cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi Kitô hữu biết thể hiện
lòng biết ơn đối với Thiên Chúa là Nguồn Mạch Mọi Ơn!
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa
nhậm lời chúng con!
5.3 «Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu
trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này,
được ơn yêu mến việc đọc, học và suy niệm Lời Chúa để hàng ngày được
Lời Chúa nuôi dưỡng một cách phong phú và bền lâu.
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
5.4 «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa
sẽ được cứu thoát.» Chúng ta hãy dâng lời cầu xin Chúa cho tất cả những ai
đang mòn mỏi chờ đợi được giải thoát khỏi cảnh chiến tranh, bệnh tật, đói
nghèo, bất công, áp bức, để họ cảm nghiệm được Lời Chúa là Lời hằng sống và
linh nghiệm!
Xướng: Chúng ta hãy cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con!
Sàigòn ngày 05 tháng 03 năm 2025
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.