.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Giới Thiệu

Đôi Dòng Về Tác Giả

1. Kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời tôi

2. Ánh sáng chói loà của Thánh Kinh

3. Nhận hiểu ý nghĩa và mục đích sâu xa hơn của ơn gọi Linh Mục

4. Chức Linh Mục trong buổi ban đầu

5. Khuôn mặt người Linh Mục qua giòng lịch sử

6. Chức Linh Mục và đời sống chủng viện theo mẫu thức TRIĐENTINÔ

7. Những vấn nạn xung quanh vấn đề độc thân

8. Khuôn mặt Linh Mục thời công đồng và sau công đồng

9. Dự đoán tương lai của ơn gọi Linh Mục

10. Những con vật trên tàu NÔ-E hôm nay

11. Này tôi là nữ tì của Đức Chúa!

lời nguyện đúc kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo Hội cần loại Linh Mục nào?
Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức
Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.
11. NÀY TÔI LÀ NỮ TÌ CỦA ĐỨC CHÚA!

Tôi kết thúc quyển sách này bằng cách qui hướng tất cả sự chú ý của mình về Đức Maria – đây hoàn toàn không phải chỉ là chuyện cảm tính hay chuyện điểm tô cho có màu mè đạo đức. Một cách độc đáo, Đức Maria đứng bên cạnh Đức Kitô, Người Tôi Tớ Giavê. Đáp lại lời Thiên Chúa đề nghị, Maria đã thưa: “Này tôi đây, là nữ tì của Đức Chúa” (Lc 1,38). Lời ấy không cho thấy rằng Maria (mà Giáo Hội gọi là “Đức Trinh Nữ”) đã nhận hiểu sâu sắc về vai trò hiện diện của mình bên cạnh Đức Giêsu trong ánh sáng của bốn Bài Ca Người Tôi Tớ đó sao?

Maria: Nữ Tì của Thiên Chúa

và mẫu gương của

con người linh mục

Cùng với Giu-se, phải chăng chúng ta không thể giả định rằng Maria đã rót vào lòng con trẻ chính những Bài Ca Người Tôi Tớ trong truyền thống Do Thái của mình – những Bài Ca đã nuôi dưỡng đức tin của Maria một cách sâu sắc? Niềm hy vọng nơi Maria hoàn toàn tương phản với niềm hy vọng của các thượng tế Do Thái, những người bắt hụt sứ điệp đích thực của Thánh Kinh và đã ngưỡng vọng một Mêsia quyền uy vung gươm lấp lóa. Đức tin của Maria là đức tin của những người anawim, những con người bé nhỏ thấp hèn trong It-ra-en. Với niềm hy vọng không lay chuyển, họ không ngừng cầu xin Người Tôi Tớ khiêm nhường và phi bạo lực đến giải phóng họ. Niềm hy vọng thẳm sâu ấy âm vang trong họ qua những lời đầy cảm kích của Ngôn Sứ Isaia Đệ Nhị. Maria là Nữ Tì được đặc tuyển cho con trai mình, Đức Giêsu, Đấng là hiện thân trọn vẹn niềm hy vọng của những người anawim.

Maria, trong tư cách là Nữ Tì khiêm tốn của Giavê (như ngài tự mô tả chính mình trong khoảnh khắc quyết định), là con người đi vào sâu thẳm nhất trong mầu nhiệm và trong sứ mạng của Đức Kitô - một mầu nhiệm được vén mở ngay từ đầu trong biến cố phép rửa của Ngài ở sông Gio-đan, được mang tới chỗ hoàn tất trong phép rửa bằng máu của Ngài trên Thập Giá, và cuối cùng được đóng ấn bằng cuộc Phục Sinh.

Có lẽ ở đây cần phải nhắc qua giáo thuyết truyền thống vốn quả quyết rằng nghi thức truyền chức linh mục in một dấu ấn không thể xóa được trong linh hồn của người linh mục – một giáo thuyết (mà tôi nói thêm rằng) không hề liên quan gì với những quan niệm pháp thuật và cũng không được hiểu theo nghĩa đen. Từ quan điểm của Maria, chúng ta có thể thực sự nói rằng Maria là hình ảnh phản chiếu cách hiện lộ của con mình, được đóng dấu và niêm ấn bởi ơn gọi trở thành người Nữ Tì của Chúa. Chính bởi quyền năng Chúa Thánh Thần mà Maria được “rửa” và được thánh hiến để phục vụ cho “Người Tôi Tớ Vô Song Của Đức Chúa”, trong tư cách là người nữ tì đau khổ và phi bạo lực để tôn vinh Thiên Chúa, để phục vụ cho ơn cứu độ của loài người và của mọi tạo vật. Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng Maria là một người tham dự chính yếu vào cuộc chiến thắng cánh chung đập tan tinh thần cao ngạo và bạo lực. Nếu cách giải thích của tôi về đặc tính không thể xóa nhòa của chức linh mục – như cũng được mạc khải trong vai trò của Đức Maria - là đúng, thì tôi hy vọng rằng cách giải thích này có thể trở nên một động lực mạnh mẽ và một viễn tượng thiết yếu cho đời sống linh mục, một cách hoàn toàn cụ thể.

Vai trò của Đức Maria trong đời sống Giáo Hội được kết tinh nơi sự hiện diện trung kiên của ngài với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn và cái chết Thập Giá. Chúng ta ca ngợi Đức Maria bởi vì Thiên Chúa “đã nhìn đến phận hèn nữ tì của Chúa / ... Thiên Chúa đã xô người quyền thế xuống khỏi ngai vàng / và nâng lên những người bé mọn” (Lc 1, 48-52). Bài kinh Magnificat, lời cầu nguyện bất hủ của những người anawim, không chỉ là một lời tiên tri tuyệt vời được thốt lên từ môi miệng Đức Maria. Đúng hơn, chính Maria là Bài Kinh Magnificat nhập thể. Cả cuộc sống mình, Maria hiện diện với Đức Giêsu, Người Tôi Tớ Giavê, trong tất cả những khoảnh khắc ý nghĩa nhất của cuộc sống Người Tôi Tớ này.

Ở đây, tưởng nên quay trở lại với các tiêu chuẩn mà Phê-rô đưa ra để tuyển chọn một tông đồ: Đó là một người “đã đi với chúng ta suốt quãng thời gian mà Chúa Giêsu hiện diện với chúng ta, bắt đầu từ phép rửa của ông Gioan, cho đến khi Ngài được đưa lên khỏi chúng ta .... để người ấy cùng với chúng ta làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa” (Cv 1,21-22). Hơn tất cả các tông đồ của thuở ấy và hơn tất cả các Kitôhữu nhiệt thành trong mọi thời đại, Maria hoàn toàn đáp ứng những tiêu chuẩn về sự hiện diện của người tông đồ - qua việc sinh hạ Đức Giêsu trong khó nghèo, dâng Đức Giêsu trong Đền Thờ, chia sẻ với Đức Giêsu cuộc trốn thoát sang Ai cập, nuôi dạy Đức Giêsu cho đến tuổi trưởng thành, và cuối cùng đứng bên Thập Giá Đức Giêsu cùng với Gioan, người tông đồ duy nhất khác hiện diện. Đức Giêsu đã trao phó hai người cho nhau.

Tại sao Thánh Kinh không nói gì về những cuộc hiện ra của Đức Kitô Phục Sinh với Maria, Mẹ Ngài? Tôi cho rằng sự giải thích sau đây có thể thuyết phục: Tất cả các trình thuật Tin Mừng về những cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh đều tập chú chủ yếu đến viễn tượng giúp cho các môn đệ Đức Giêsu dần dần vượt qua nỗi thất vọng và nghi ngờ. Maria, đàng khác, đã được đặc ân đi vào trực tiếp trong đức tin đối với cuộc Phục Sinh vinh quang của Đức Giêsu – trên cơ sở mối hiệp thông độc đáo trong tinh thần của Maria với Người Tôi Tớ Giavê.

Trong văn kiện Marialis Cultus nổi tiếng của mình, chính Giáo Hoàng Phao-lô VI đã hướng Thánh Mẫu học và lòng tôn sùng Đức Maria theo chiều nhận thức Thánh Kinh như trên. Bài kinh Magnificat là một trong những lời cầu nguyện vô song của một thần học giải phóng đích thực. Nếu chúng ta, những linh mục, nhận biết và yêu mến Đức Maria, Nữ Vương các ngôn sứ và các tông đồ, Đấng đứng gần sát nhất với Người Tôi Tớ Giavê, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhảy được một bước dài trong việc nhận thức và sống tốt hơn ơn gọi của mình.

Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức (Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!