.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Giới Thiệu

Đôi Dòng Về Tác Giả

1. Kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời tôi

2. Ánh sáng chói loà của Thánh Kinh

3. Nhận hiểu ý nghĩa và mục đích sâu xa hơn của ơn gọi Linh Mục

4. Chức Linh Mục trong buổi ban đầu

5. Khuôn mặt người Linh Mục qua giòng lịch sử

6. Chức Linh Mục và đời sống chủng viện theo mẫu thức TRIĐENTINÔ

7. Những vấn nạn xung quanh vấn đề độc thân

8. Khuôn mặt Linh Mục thời công đồng và sau công đồng

9. Dự đoán tương lai của ơn gọi Linh Mục

10. Những con vật trên tàu NÔ-E hôm nay

11. Này tôi là nữ tì của Đức Chúa!

lời nguyện đúc kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo Hội cần loại Linh Mục nào?
Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức
Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.
LỜI GIỚI THIỆU

Mới đây, tôi tình cờ bắt gặp một bài viết với cái tựa đề giựt gân: ĐỨC GIÊSU ĐÂU CÓ CẦN CÁC LINH MỤC! Là một linh mục cao niên, đã bỏ ra gần cả đời mình để giúp người ta xây dựng một tinh thần an hòa, vui tươi và bản lĩnh, song phải thú nhận rằng thoạt đầu tôi đã khó chịu với cái tiêu đề ấy. Thế nhưng, khi lần đọc qua bài viết, tôi khám phá rằng tác giả của nó, một nhà thần học Công Giáo, không hề có ý định chống đối chức linh mục. Đúng hơn, bằng những luận cứ chặt chẽ, ông thách đố bạn đọc suy ngẫm một câu hỏi thâm trầm hơn, đó là: “Đức Giêsu đã thực sự có ý định gì khi Ngài chọn và sai các Tông Đồ và các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người?”

Được gợi hứng từ bài viết đó, tôi đã đặt cho một số người Công Giáo tích cực câu hỏi rằng Đức Giêsu thực sự muốn hay không muốn chức linh mục. Họ trả lời câu hỏi của tôi bằng cách đặt ra câu hỏi của chính họ: “Hình ảnh nào về chức linh mục, theo cha, phù hợp với ý định của Đức Giêsu?” Trong khi câu hỏi của họ ít nhất biểu lộ một cách mặc nhiên niềm tin rằng Đức Giêsu đã có một cái nhìn về chức linh mục, thì họ đẩy lại cho tôi công việc phác họa cái nhìn đó.

Nhằm yêu cầu những con người trưởng thành ấy cùng tham gia vào cuộc suy tư này, tôi đặt lại câu hỏi nguyên thủy của mình một cách cụ thể hơn và hỏi họ: “Các bạn coi ai là mẫu linh mục lý tưởng mà Đức Giêsu đã phác họa?” Người thứ nhất trả lời: “Thưa cha, con nghĩ đến những người như Giám mục Jacques Gaillot, một vị tông đồ trung thực, thẳng thắn của hòa bình,  một con người hoàn toàn dấn thân cho những kẻ bị loại ra bên lề cuộc sống.”

Mới đây, sau một bài nói chuyện với một nhóm vài trăm nhà hoạt động cho hòa bình, tôi thẳng thắn tuyên bố rằng một Kitôhữu, nhất là một linh mục, nếu không tỏa ra tinh thần hòa bình và không giúp thăng tiến hòa bình, nếu không cổ võ cho con đường phi bạo lực và cho một nền công lý phổ cập, thì Kitôhữu ấy chẳng có giá trị gì. Lập tức, từ trong thính giả có ý kiến: “Vậy phải nghĩ sao về việc cách chức Giám mục Gaillot, vị giám mục duy nhất ở Pháp nêu rõ lập trường chống vũ khí hạt nhân và kiên quyết đứng về phía những người tội lỗi và những kẻ bị khinh thường?” Hơi ngập ngừng, tôi nói: “Dường như một Kitôhữu, hoàn toàn dấn thân cho tinh thần phi bạo lực theo Tin Mừng, đương nhiên sẽ gặp rủi ro.” Tôi tin rằng đó là một rủi ro cùng loại với rủi ro của các ngôn sứ thời xưa, nhất là của Đức Giêsu, vị Ngôn Sứ và Người Mẫu của mọi thời đại.

Bạn đọc thân mến, vì thế, tôi mời bạn cùng bước vào cuộc tìm hiểu này để nhận hiểu sâu xa hơn về điều Đức Giêsu nhắm đến khi Ngài kêu gọi những kẻ tin Ngài thể hiện sự sống Phục Sinh của Ngài và loan báo chiến thắng cuối cùng của hòa bình trong và xuyên qua cuộc Phục Sinh ấy. Trong quá trình tìm hiểu, chúng ta sẽ tham chiếu đến Thánh Kinh và lịch sử – bởi vì Đức Giêsu, Đấng đã có, đang có và sẽ đến, dạy chúng ta trong nhãn giới của toàn lịch sử cứu độ.

Thật vậy, một lý do chính để khảo sát Thánh Kinh - (ngoài công việc rất quan trọng là vãn hồi ý nghĩa nguyên thủy trong những bối cảnh lịch sử khác nhau của nó) - là nhằm để khám phá theo một khoa chú giải mới những gì mà Tin Mừng muốn nói hôm nay, và những nhận hiểu này có thể ảnh hưởng như thế nào đến ý nghĩa của sứ vụ linh mục hôm nay và ngày mai. Như vậy, khoa chú giải này đòi hỏi chúng ta phải nhận hiểu và vận dụng các dấu chỉ của thời đại như một phần cốt yếu của cuộc thảo luận, nếu chúng ta muốn biện phân đúng đắn loại chức linh mục nào mà Đức Giêsu đã hình dung. Điều này đặc biệt quan trọng, vì với chủ điểm “linh mục”, chúng ta hầu như không tìm thấy gì liên quan trong Kinh Thánh Kitô giáo – chính bởi vì từ ngữ này chưa tồn tại vào thời mà Kinh Thánh được viết ra hay được sưu tập. Cuối cùng, điều quan trọng không phải là chính bản thân hạn từ chuyên biệt ấy mà đúng hơn là hiện tượng chức linh mục, theo một ý nghĩa chuyên biệt Kitô giáo, được ghi nhận trong lịch sử và qui hướng về cuộc đời và sứ vụ của chính Đức Giêsu.

Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức (Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!