.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Giới Thiệu

Đôi Dòng Về Tác Giả

1. Kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời tôi

2. Ánh sáng chói loà của Thánh Kinh

3. Nhận hiểu ý nghĩa và mục đích sâu xa hơn của ơn gọi Linh Mục

4. Chức Linh Mục trong buổi ban đầu

5. Khuôn mặt người Linh Mục qua giòng lịch sử

6. Chức Linh Mục và đời sống chủng viện theo mẫu thức TRIĐENTINÔ

7. Những vấn nạn xung quanh vấn đề độc thân

8. Khuôn mặt Linh Mục thời công đồng và sau công đồng

9. Dự đoán tương lai của ơn gọi Linh Mục

10. Những con vật trên tàu NÔ-E hôm nay

11. Này tôi là nữ tì của Đức Chúa!

lời nguyện đúc kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo Hội cần loại Linh Mục nào?
Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức
Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.
2. ÁNH SÁNG CHÓI LOÀ CỦA THÁNH KINH

Đức Giêsu, Đấng tự xưng là “Con Người”, Đấng là “một người trong chúng ta”, đã yêu cầu Gioan Tẩy Giả, con trai của một tư tế và ngôn sứ, làm phép rửa cho Ngài cùng với đám đông ở sông Gio-đan. Hành động này là một biểu tượng đầy kích cảm cho thấy sự liên đới đầy sức cứu độ của Ngài với các tội nhân và sự giải cứu họ khỏi vòng tội lỗi.

phép rửa của Đức Kitô –

một chìa khóa căn bản để nhận thức

Trong cốt lõi của nó, sự chuyển đổi từ tình trạng tội lỗi tới sự liên đới cứu độ là một chìa khóa để nhận hiểu ý nghĩa cuộc hoán cải mà Gioan rao giảng. Chính Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, làm cho chúng ta có thể đạt được sự hoán cải này, ở mức trọn vẹn của nó. Tuy nhiên, phép rửa của Đức Kitô còn có ý nghĩa hàm súc hơn nhiều chứ không chỉ là một sự chuyển đổi từ tình trạng liên đới trong tội lỗi tới ơn cứu độ. Đó là một biến cố độc đáo của Ba Ngôi Thiên Chúa, trực tiếp hướng chỉ đến cái chết thập giá và cuộc Phục Sinh của Đức Kitô. Trong hành động Đức Giêsu công khai lãnh nhận phép rửa, Ngài tự thánh hiến chính mình và đồng thời được thánh hiến bởi quyền năng Chúa Thánh Thần – được biểu tượng nơi hình chim bồ câu hòa bình – để tôn vinh Cha là Đấng mãi mãi làm chứng cho Đức Giêsu: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta rất hài lòng về Người” (Mt 3,1-7); “Con là Con Ta rất yêu dấu, Ta hài lòng về Con” (Lc 3,22; Mc 1,11). Những lời ấy – được trịnh trọng nhắc lại trên núi Tabo – âm vọng lại câu mở đầu của Bài Ca Thứ Nhất trong bốn Bài Ca Isaia Đệ Nhị (Is 42,1).

Việc thánh hiến qua phép rửa này, vốn luôn luôn hướng chỉ đến đỉnh điểm là cái chết Thập Giá và cuộc Phục Sinh, bộc lộ cho thấy căn tính của Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và là vị Thượng Tế mới, như được khai triển trong Thư Do Thái. Được thụ thai bởi Đức Trinh Nữ Maria nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Đức Kitô được mạc khải như là Người Tôi Tớ và Người Con phi bạo lực, đau khổ và đầy năng lực giải phóng của Thiên Chúa – Ngài là biểu tượng đích thực và là hiện thân của Bồ Câu hòa bình. Ngài là Đường không sai lầm, là Chân Lý và Sự Sống hoàn toàn mới của hòa bình được hun đúc từ thái độ phi bạo lực đầy sức giải phóng, từ sự liên đới có năng lực cứu độ và từ những đau khổ của Ngài.

Các linh mục - và tất cả những ai thuộc về đoàn dân tư tế, ngôn sứ và vương đế phục vụ của Thiên Chúa - không bao giờ có thể suy tư cho đủ về bốn Bài Ca của Người Tôi Tớ vốn được Đức Giêsu xem như chương trình sống và hoạt động của Ngài và – do đó – cũng là chương trình sống cho các môn đệ Ngài.

Dacaria, tư tế và ngôn sứ

Giao ước mới và nhãn quan hoàn toàn mới của nó về chức linh mục đã được biểu tượng nơi Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, là người thuộc về một trong những phẩm hàm cao nhất của chức tư tế Lêvi và là người đang chu toàn một việc phụng tự truyền thống khi Thiên Chúa mạc khải cho ông biết vai trò của con trai ông: “Em bé sẽ đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái It-ra-en về với Đức Chúa. Em sẽ... làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay” (Lc 1,15-17). Sứ điệp ấy của thiên thần là một sứ điệp chan hòa niềm vui: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng sẽ được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (Lc 1,14).

Tính mới mẻ của sứ điệp này và những bối cảnh xung quanh nó quá vĩ đại ngoài khả năng tiếp nhận của Dacaria đến nỗi ông trở thành câm. Tình trạng câm này của Dacaria tự nó là một biểu tượng của sự thay đổi lớn lao đã diễn ra. Dù vậy, ông vẫn trung thực đưa tin cho vợ mình là Êlidabét, người thuộc dòng tư tế Aaron và là một phụ nữ vừa có đức tin sâu sắc vừa có nhãn giới ngôn sứ.

Ngôi nhà của Dacaria trở thành khung cảnh đặc biệt cho một hiện tượng ngôn sứ độc đáo. Tất cả mọi người đều nói tiên tri – Êlidabét, Dacaria, Maria nữ tì khiêm cung của Chúa, và nhất là em bé Gioan với sự kiện “nhảy mừng trong bụng mẹ” (Lc 1,44).

Gioan Tẩy Giả, con trai

của một tư tế và ngôn sứ

Theo luật, Gioan sẽ trở thành một thành viên của tầng lớp tư tế có phẩm hàm cao của người Do Thái. Thế nhưng, chúng ta không nghe nói gì về việc Gioan thực hiện những chức năng tư tế theo truyền thống. Phép rửa đặc biệt của Gioan, trong tư cách là một dấu hiệu của sự hóan cải, thì có tính phụng vụ theo ý nghĩa tốt nhất của từ ngữ này, nhưng nó hoàn toàn đối nghịch với bất cứ hệ thống nghi lễ nào. Phép rửa của Gioan vén mở trước mầu nhiệm thâm sâu của Phép Rửa Đức Giêsu và, qua đó, vén mở cho thấy mầu nhiệm Phép Rửa của chính chúng ta – nó đánh dấu việc chúng ta đi vào trong Giao Ước Mới của ơn cứu độ, một giao ước được đặc trưng bởi ơn gọi và căn tính của Đức Giêsu xét như  Người Tôi Tớ và Người Con khiêm hạ, đau khổ, phi bạo lực và có quyền năng chữa trị của Thiên Chúa.

Ở cốt lõi của phép rửa Gioan Tẩy Giả là Đức Giêsu, “Con Người”, hiện thân tuyệt đối của sự liên đới có năng lực cứu độ, Đấng mở ra Luật Mới với ý nghĩa tối thượng là: “Anh em hãy mang lấy gánh nặng của nhau, và như thế anh em sẽ chu toàn Luật của Đức Kitô” (Gl 6,2). Sống luật này, đó không chỉ là nẻo đường dẫn tới sự liên đới có sức cứu độ (một sự liên đới được đào sâu không ngừng đến vô hạn) – mà đó cũng là con đường duy nhất để thoát ra khỏi tình trạng liên lụy trong tội lỗi. Giao Ước Mới nằm ở trung tâm mầu nhiệm thâm sâu của Phép Rửa Đức Giêsu và, do đó, của Phép Rửa chúng ta nữa.

sự tương phản:

tư tế của các ông hoàng!

Vụ giết người tàn ác theo lệnh của nhà vua - mà Gioan Tẩy Giả là nạn nhân - báo trước việc Đức Kitô chịu đóng đanh và chịu chết trong tay của các thượng tế và người đại diện của quyền bính Đế Quốc Rôma.

Hai số phận của Gioan Tẩy Giả và của Đức Giêsu minh họa sự lạm dụng có hệ thống của tôn giáo vốn ủng hộ kẻ cường quyền và thí đốt những người nghèo hèn, yếu thế. Hình thức lạm dụng này cũng là một trong những cám dỗ lớn nhất được ghi nhận nơi giới tư tế thuộc các tôn giáo và văn hóa khác nhau. Một đoạn văn về tư tế Amaziah trong Sách Ngôn Sứ Amos cho ta thấy rõ sự thật này:

Bấy giờ ông A-mát-gia, tư tế đền thờ Bết-Eân, sai người đến gặp Gia-róp-am, vua It-ra-en, và thưa: “A-mốt âm mưu chống đức vua ngay trên lãnh thổ It-ra-en, và đất nước này không còn chịu nổi bất cứ lời nào của ông ta nữa. Vì A-mốt nói như thế này:

“Gia-róp-am sẽ chết vì gươm,

và It-ra-en sẽ bị đày biệt xứ.”

Bấy giờ A-mát-gia nói với ông A-mốt: “Này thầy chiêm ơi, mau chạy về đất Giu-đa, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm! Nhưng ở Bết-Eân này, đừng có hòng nói tiên tri nữa, vì đây là thánh điện của quân vương, đây là đền thờ của vương triều.” (Am 7,10-13).

Có thể cần đến cả pho sách để chỉ nói về đề tài mối quan hệ giữa các tư tế với các vua, nhưng thiển nghĩ chỉ cần chấp nhận rằng trong Giáo Hội Công Giáo nhiều người trong chúng ta có lý do để ăn năn hối lỗi vì đã gắn bó mật thiết và là đồng minh của những thế quyền áp bức. Thiết tưởng sẽ hữu ích việc vạch ra cách mà mối quan hệ bẩn thỉu này được hình thành và phát triển.

Trong ba thế kỷ đầu của Giáo Hội, các giám mục – cách riêng - đã trung thành theo bước chân của Đức Kitô. Trở thành một giám mục, linh mục, phó tế hay một kỳ lão của Giáo Hội, điều đó tất nhiên có nghĩa rằng người ấy hoàn toàn sẵn sàng trở thành một ứng viên của cái chết tử đạo. Những người được tuyển chọn ấy hiểu khá rõ ơn gọi phổ quát và đặc biệt của mình, và họ sẵn sàng đón nhận những hệ lụy của ơn gọi ấy trong ánh sáng của biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, một phép rửa bằng nước và máu.

Thế kỷ IV, khi Constantine, một người “trở lại” với đức tin, được tôn phong hoàng đế bởi giám mục Rôma, thì những thay đổi lớn đã xảy ra. Trong khi quả thực Giáo Hội được giải phóng khỏi cuộc bách hại đẫm máu, thì một cách nhanh chóng Giáo Hội cũng bị bế tắc trong bổn phận bước theo chân Đức Giêsu Người Tôi Tớ. Sự thỏa hiệp và quị lụy quyền bính thế tục - (điều mà Đức Giêsu đã chất vấn, như được thấy trong câu chuyện cám dỗ, và điều mà Ngài đã giải trừ huyền thoại trong toàn bộ cuộc sống của Ngài từ khi nhận phép rửa cho đến cái chết Thập Giá) - không may đã trở thành một thực tại trong mọi thành phần của Giáo Hội. Nhiều giám mục hoặc chịu khuất phục hoặc ngày càng xích tới gần nghiệp chướng trở thành “tư tế của các vua”.

Trong cố gắng nâng đỡ Giáo Hội và nâng đỡ các vị lãnh đạo của Giáo Hội trong tư cách là cột trụ và là bộ mặt của xã tắc, các hoàng đế và các vua đã xây dựng những dinh thự nguy nga cho các vị ấy, đã hào phóng ban tặng đủ thứ đặc quyền đặc lợi thế gian, đã tôn phong cho các vị những tước hiệu đầy cao ngạo như “Nhà Thần Học Của Triều Đình”, “Tổng Giám mục Hoàng Thân”, “Đức Thánh Cha”, “Đức Cha”, vân vân và vân vân...

Hiện tượng kỳ dị này và những biến cố có tính bước quặt đảo ngược này – vốn còn gây nhiều di lụy mãi đến hôm nay – phải được suy tư và đánh giá lại trong ánh sáng của phép rửa bằng nước và máu của Đức Giêsu. Cách mà chúng ta chọn để nhìn và suy tư về những biến cố lịch sử từng định hình một khuôn mặt chuyên chế như thế của Giáo Hội và của quyền lãnh đạo trong Giáo Hội có thể ảnh hưởng rất quan trọng đến bản chất và chất lượng của sự chọn lựa căn bản của chúng ta trong tư cách là những Kitôhữu và những linh mục trong thời đại hôm nay.

Nói chung, Đức Giêsu không chống đối chức tư tế Do Thái giáo trong truyền thống mà Ngài nhận được, Ngài cũng không chống đối các tư tế một cách quơ đũa cả nắm. Những xung đột chính của Ngài là với các phần tử cao nhất trong giới tư tế. Tuy nhiên, đáng ghi nhận sự kiện rằng Đức Giêsu không bao giờ gọi chính Ngài hay các môn đệ Ngài là “tư tế”, Ngài cũng không nói đến cơ chế của một “chức tư tế mới”. Ít nhất những phần cũ nhất của Tân Ước gần sát với thời Đức Giêsu không bao giờ dùng từ “tư tế” để nói về Đức Giêsu hay các tông đồ của Ngài. Chỉ trong bản văn rất muộn sau này, là Thư Do Thái, được viết khi Giáo Hội đã phát triển một mức nào đó thành một tổ chức và cơ cấu, thì từ ngữ này mới được sử dụng, và chủ yếu nhằm đề ra một tương phản rõ rệt với bất cứ gì có dáng dấp một mối quan hệ gây chất vấn có thể dẫn đến việc các giáo sĩ trở thành “tư tế của các vua”. Trái lại, nhãn quan Tân Ước về chức linh mục thì hoàn toàn khác biệt, và nhãn quan ấy được hình thành như vậy trong ánh sáng của phép rửa Đức Giêsu trong nước sông Giođan và trong máu của Ngài nơi cuộc tử nạn Thập Giá.

câu chuyện về

hy tế của Abraham

Sẽ là thiếu sót việc duy chỉ chăm chú đến những khác biệt rành rành giữa chức tư tế của Cựu Ước và tính mới mẻ của những người tôi tớ của Tin Mừng. Chúng ta cũng cần phải lưu tâm tới những quan niệm sai lầm về hy tế nữa.

Abraham sẵn sàng giết Isaác để làm hy lễ đền tội dâng lên Thiên Chúa, đôi khi các nhà thần học nói về ý niệm hy tế đã chọn thái độ sẵn sàng ấy làm khởi điểm cho mình. Hồi tôi bắt đầu học thần học, người ta vẫn còn giảng dạy rằng Thiên Chúa thử thách sự sẵn sàng của Abraham trong việc giết Isaác để làm hy lễ. Abraham sẵn lòng, đó là sự thật, nhưng nói rằng Thiên Chúa muốn điều đó thì quả là một xác định hết sức đáng ngờ. Để hiểu chức linh mục của Tân Ước, điều trước hết là phải xua tan những ý niệm sai lầm về hy lễ để có thể hiểu đúng ý nghĩa đích thực của câu chuyện Abraham. Trong chiều hướng đó, cách đây khoảng 50 năm, W. Eichrodt, một học giả Thánh Kinh tên tuổi đã đề ra một cách giải thích hoàn toàn khác, cách giải thích này nói chung được chấp nhận trong giới Thánh Kinh và được giảng dạy trong lãnh vực huấn giáo ngày nay.

Eichrodt chỉ ra rằng, trong môi trường và nền văn hóa sơ khai mà Abraham đã sống và đã từ bỏ để theo tiếng Chúa gọi, có một niềm xác tín rằng trong một số trường hợp Thiên Chúa chỉ có thể được vuốt giận bằng hy tế đứa con trai đầu lòng của người ta. Người ta phải rùng mình tự hỏi trong giòng lịch sử đã có bao nhiêu đứa con trai đầu lòng bị hành quyết một cách dã man “nhân danh Thiên Chúa”. Abraham không là ngoại lệ của sự mê tín thảm khốc này. Vì ông sống trong bối cảnh mà theo truyền thống của thời ông, một hy tế như thế được kỳ vọng, vì thế Abraham với lương tâm sai lạc của mình đã kết luận rằng việc giết con mình để tế lễ là điều hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, ngay cả trong lương tâm sai lạc này của Abraham, một điều gì đó tốt vẫn có thể được nói về ông: Ông sẵn sàng làm theo thánh ý Thiên Chúa khi ông hiểu sai thánh ý ấy! Tuy nhiên, khi câu chuyện diễn tiến, Thiên Chúa đã can thiệp và đã giải phóng Abraham khỏi một lương tâm mê tín. Đây là một kinh nghiệm mạc khải vĩ đại và một bước đột phá về văn hóa để giải phóng con người khỏi một hình ảnh sai lầm và bạo lực khủng khiếp về Thiên Chúa.

Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho cách giải thích của Eichrodt là sự kiện hiển nhiên rằng kể từ đó đã có phát triển một ý thức trong It-ra-en rằng việc cố gắng làm nguôi lòng Thiên Chúa bằng mạng sống con người là một tội ác kinh tởm chống lại Thiên Chúa và loài người. Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng nhanh chóng chỉ ra rằng trong một số giai đoạn tàn bạo nào đó của lịch sử Ít-ra-en, vẫn có một số người bị ảnh hưởng và bị nhiễm cái nhìn kinh khủng ấy – một cái nhìn vẫn còn rất bình thường trong thế giới xung quanh It-ra-en.

Hình ảnh sai lạc này về một vị Thiên Chúa hay báo thù đòi hỏi con người dâng hy tế các con trai đầu lòng, lạ thay, lại được đưa trở lại vào một lý thuyết cứu chuộc được gán (có lẽ một cách lầm lẫn) cho Thánh Ansenmô. Lý thuyết này dẫn đến sự ngộ nhận thông thường rằng tội lỗi của loài người quá lớn đến nỗi công lý của Thiên Chúa đòi hỏi hy lễ là chính Con Một của Ngài để chuộc lại. Dĩ nhiên, lý thuyết này sau đó phủ trùm bóng rợp của nó trên hầu như mọi sự được coi là hy lễ trong tương quan với chính Đức Giêsu. Để làm sáng tỏ sự ngộ nhận này, không gì hữu ích hơn là nhìn sát hơn phép rửa của Đức Giêsu và tất cả những hệ quả theo sau trong ánh sáng ấy.

Người Tôi Tớ phi bạo lực, đau khổ

và có sức mạnh giải phóng

của Thiên Chúa

Tin Mừng Máccô giới thiệu căn tính và sứ mạng của Đức Giêsu trong ánh sáng của một nhận hiểu căn bản được tìm thấy trong bốn Bài Ca của Isaia Đệ Nhị: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ“ (Mc 10,45). Trong tư cách là Người Tôi Tớ, Đức Giêsu được nhìn nhận là Người Con yêu dấu. Trong bản văn tiếng Hípri, câu mở đầu của Bài Ca Thứ Nhất nói về ebed, nghĩa là người tôi tớ được tôn vinh – được tín thác mọi sự. Bản Bảy Mươi dùng từ Hy lạp pais để chỉ đứa con trai. Trong ánh sáng của các Bài Ca Người Tôi Tớ, Đức Giêsu được hiểu trước hết như người tôi tớ hòa bình – một cách hiểu không hề có bao hàm bất cứ ý niệm sai lạc nào về nhu cầu được nguôi giận của Thiên Chúa. Đúng hơn, cách hiểu ấy nhằm giúp cho con người tìm ra con đường hòa bình nơi chính Đức Giêsu, Đấng là đường hòa bình và là hiện thân của thái độ phi bạo lực.

Lời Đức Giêsu mời gọi yêu thương kẻ thù là con đường biến kẻ thù thành bạn hữu. Con đường hòa bình mà Đức Giêsu vạch ra cho chúng ta là con đường phi bạo lực – nó chọn lựa đau khổ và thậm chí sự chết thay vì giết chết hay làm hại kẻ thù. Chính năng lực phi bạo lực đầy sức giải phóng này là điểm tựa cho một thái độ hoàn toàn sẵn sàng khai quang con đường hòa bình, và sẵn  sàng làm thế bằng cách trao ban mạng sống. Đức Giêsu là Sự Thật, và một cách rất chuyên biệt, Ngài là Sự Thật về tinh thần phi bạo lực đầy sức giải phóng.

Nhưng câu hỏi vẫn còn: Phải chăng Thiên Chúa đã đòi hy lễ là chính Con Một Ngài? Bởi vì chúng ta đứng trước một mầu nhiệm thâm sâu và bởi vì từ góc nhìn của mình chúng ta chỉ có thể phát biểu trong những giới hạn của ngôn ngữ, của nhãn quan, bối cảnh con người chúng ta – là những cái luôn luôn khiếm khuyết và bất toàn - nên câu trả lời là vừa có vừa không. Trong mối tương quan nội tại và năng động của Ba Ngôi, Thiên Chúa muốn chỉ cho con người thấy con đường hòa bình bằng bất cứ giá nào. Như vậy, “hy tế Đức Kitô” là cái giá của hòa bình và hòa giải – một cái giá vừa có sức thanh toán sự chết vừa có sức trao ban sự sống, cái giá tột cùng của mạc khải độc đáo về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Nhưng, để hiểu cái giá này, cần phải cảnh giác một điều gì đó. Thiên Chúa không hề có ý định hay có kế hoạch sát hại Đức Giêsu, Người Con Yêu Dấu. Điều Thiên Chúa thực sự nhắm đến chính là sự hòa giải cho một nhân loại hòa bình và phi bạo lực. Hơn nữa, Thiên Chúa muốn – và Ngài tiếp tục muốn – chúng ta sẵn sàng trả giá cho hòa bình, hòa giải và cho tình yêu cứu độ như được hiểu trong ngôn ngữ của Thánh Phao-lô: “Ngài là sự bình an của chúng ta” (Ep 2, 14).

Để làm sáng tỏ điều này hết sức có thể, Ba Ngôi Vị - Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu Độ và Đấng Hiệp Nhất – cấm giết người và nhất là cấm giết người nhân danh Thiên Chúa. Giết người là tội ác ghê tởm nhất. Như vậy, nhận thức này làm sáng tỏ cho mọi thời rằng Thiên Chúa không bao giờ có ý muốn Người Con nhập thể của Ngài bị giết như một nạn nhân để làm cho Ngài nguôi ngoai hay để chuộc tội.

Điều Thiên Chúa thực sự nhắm đến là thái độ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí chấp nhận chết trên thập giá  nếu cần, để mạc khải tình yêu vô hạn của Thiên Chúa và để cho con người thấy con đường hòa bình, chân lý và sự sống.  Cuối cùng, đây là giá mà Đức Giêsu đã trả, thậm chí đến độ trên thánh giá Ngài cầu nguyện cho các kẻ thù của Ngài và cho mọi tội nhân. Như thế, việc giết Đức Giêsu trên thập giá là hệ quả của sự dám liều ấy chứ không phải là hệ quả của “hy tế có thể được chấp nhận” như đã được dạy hằng bao thế kỷ và vô tình đã vẽ ra cho Thiên Chúa một khuôn mặt khắc nghiệt và tàn bạo.

Cả ba Sách Tin Mừng Nhất Lãm đều trình bày câu chuyện Đức Giêsu chịu phép rửa trong ánh sáng của bốn Bài Ca Người Tôi Tớ. Ngay cả Tin Mừng Gioan cũng minh nhiên giới thiệu: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian!” (Ga 1,29). Gioan cũng nhắc chúng ta nhớ chủ đề cốt lõi của Bài Ca Thứ Nhất trong bốn Bài Ca Người Tôi Tớ: “Tôi trung Ta sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gãy; tim đèn leo lét, nó chẳng  nỡ tắt đi“ (Is 42, 2-3); “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53,7).

Một kết quả dị hợm do cách nghĩ méo mó biến Đức Giêsu thành một con dê tế thần ấy là bản văn tiếng Anh của bản Thánh Kinh Giê-ru-sa-lem – bám chặt vào cách dịch: “Yahweh has been pleased to crush him with suffering” = “Giavê hài lòng đè bẹp người trong đau khổ” (Is 53,10). Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa rút ra được niềm vui khi hành hạ Đức Giêsu không? Bản Thánh Kinh Anh ngữ mới và tất cả các bản dịch đại kết mới đều nói một cái gì đó hoàn toàn khác: “Yet the Lord took thought for his tortured Servant and healed him who made himself a sacrifice” = “Tuy nhiên Đức Chúa nghĩ đến Người Tôi Tớ tan nát của Ngài và chữa lành Người đã tự hiến mình làm hy lễ” (Is 53,10).[1]

Trong khi chúng ta có thể và sẽ tiếp tục nói về “hy lễ” như một cách giải phóng khỏi tội lụy để đạt đến sự liên đới trong hòa bình, đạt đến tình yêu vô vụ lợi, công lý có sức cứu độ, thì hy lễ theo nghĩa đúng đắn của nó có hàm chứa những sự chọn lựa gay go kèm theo những hệ quả khó khăn cho các linh mục và các Kitôhữu. Những hệ thống nghi lễ, những công phu khổ hạnh và những “hy sinh” trống rỗng không thể là hầm trú cho ta ẩn náu và không thể cho phép ta bất cần một sự nhận thức đích thực về cuộc sống. Hơn nữa, tất cả chúng ta phải sẵn sàng và mau mắn từ bỏ những gì ngăn cản bước tiến của mình trên con đường hòa bình và công lý hướng về Thiên Chúa, và chúng ta phải sẵn sàng đảm nhận những gánh nặng do hòa bình và hòa giải đặt ra bằng cách dám chịu đau khổ, thậm chí dám chịu chết, nếu đó là yêu cầu của Tin Mừng hòa bình, Tin Mừng của Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa.

Chúng ta nhấn mạnh bao nhiêu cũng không đủ rằng Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta gọi là Cha và Mẹ của Đức Giê-su Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta, không hề muốn và không hề cho phép bất cứ loại hy tế nào dẫn chúng ta đến chỗ trốn tránh tiếng gọi đích thực của mình trong, và cho, lịch sử cứu độ. Ý nghĩa đích thực của hy tế Đức Kitô rõ ràng đòi hỏi một tinh thần hy sinh chính mình, một thái độ hoàn toàn sẵn sàng đảm nhận những gánh nặng của anh chị em mình, và một lòng can đảm không nao núng để đối mặt với những chống đối, khổ đau và nguy hiểm – tất cả những cái ấy có thể bật lên trong quá trình thăng tiến hòa bình, công lý và tình yêu cứu độ.

tinh thần phi bạo lực

và sự thứ tha tội lỗi

Cốt lõi của sự tự thức nơi Đức Kitô trong tư cách là Người Tôi Tớ phi bạo lực và là bí tích của hòa bình cũng dọi tia sáng trên cuộc khủng hoảng hiện nay xung quanh bí tích hòa giải.

Câu chuyện nổi tiếng về Cơn Lụt Hồng Thủy là biểu tượng rõ ràng cho thấy con đường tự hủy diệt của toàn thể nhân loại xuyên qua bạo lực và sai lầm, cả hai luôn luôn sóng bước cùng với thói kiêu căng và ngạo mạn. “Đất đã ra hư hỏng trước nhan Thiên Chúa và đầy bạo lực. Thiên Chúa nhìn đất và thấy nó đã ra hư hỏng, vì mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất” (St 6,11-12).

Thánh Kinh kể lại một lịch sử dài về bạo lực của chế độ đàn ông trị. Lamec, người khủng bố các vợ mình và là một hậu duệ của Cain, kẻ sát nhân, là một điển hình rất rõ nét cho sự thật này: “Ông Lamec nói với các bà vợ: ‘Ađa và Xila, hãy nghe tiếng ta! Thê thiếp của Lamec, hãy lắng tai nghe lời ta! Vì một vết thương, ta đã giết một người, vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Lamec thì gấp bảy mươi bảy!” (St 4,23-24).

Điều rõ ràng là chỉ những con người phi bạo lực mới được cứu trong và xuyên qua cơn Hồng Thủy ấy. Chính Đức Giêsu đã qui chiếu đến nhãn quan này khi Phêrô hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, con phải tha thứ bao nhiêu lần? Bảy lần chăng?” Đức Giêsu đáp: “Ta không bảo anh tha thứ bảy lần, nhưng là bảy mươi bảy lần” (Mt 18,21-22). Viêc Matthêu vận dụng ẩn dụ này cho thấy rằng Đức Giêsu tha thiết muốn chúng ta tha thứ vô giới hạn.

Được rửa với Đức Kitô “để được thứ tha tội lỗi” nghĩa là được tha thứ, và điều đó cũng còn có nghĩa – quan trọng hơn nhiều - rằng tất cả được cứu khỏi số phận tội lụy, tất cả được mang về mối liên đới có sức cứu độ, và tất cả được mời gọi trở thành những người cộng tác trong sứ mạng hòa bình và hòa giải của Đức Kitô trên trần thế.

Nếu ta có thể nói rằng chức linh mục thừa tác thêm một cái gì đó cho chức linh mục phổ quát của tất cả những ai đã chịu Phép Rửa, thì sự “thêm một cái gì đó” ấy chắc hẳn nằm ở chỗ: ở mọi cấp độ, các linh mục phải là những mẫu gương của thứ tha, những nhà lãnh đạo và những người kiến tạo hòa bình trên con đường tiến tới phi bạo lực và hoà giải. Con đừơng ấy bao hàm một tinh thần hủy mình ra không và sẵn sàng nhận hiểu đúng đắn về thái độ từ bỏ chính mình. Nói cách khác, các linh mục phải là những nhà kiến tạo hòa bình dám nhận mọi hiểm nguy, mọi gánh nặng, mọi hy sinh cần thiết để thi hành sứ mạng của Đức Kitô. Để có được thái độ sẵn sàng và bỏ mình như vậy, các linh mục cần biết sẵn lòng khiêm tốn cộng tác với mọi người thiện chí nhằm phục vụ cho ơn cứu chuộc con người khỏi tội lụy trong mọi hình thức bất công, lầm lạc và bạo lực của nó ở bất cứ nơi nào mà nó có mặt. Điều này hoàn toàn khác hẳn với những thực hành khổ chế có tính trấn áp chính mình vốn bị nhiều người chất vấn – những thực hành này có bao gồm những sự hành hạ chính mình và những đau khổ không cần thiết nhằm mục đích làm nguôi ngoai cơn giận của một vị Thiên Chúa hay báo thù.

Thư Do Thái giới thiệu Đức Kitô như vị thượng tế đầy lòng trắc ẩn, và chính lòng trắc ẩn và tình thương này thúc đẩy Đức Kitô thương xót các tội nhân. Điểm đặc trưng nơi một người linh mục đích thực là: “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ cho chính mình như vậy” (Dt 5,2-3).

Tôi có một đề nghị đầy sức chữa trị và đầy an ủi cho các linh mục cũng như cho các Kitô hữu phải khổ sở vì trằn trọc không biết mình đã xưng thú đàng hoàng mọi tội trọng của mình chưa, không biết mình đã xưng đúng loại tội và đúng số lượng chưa – đề nghị đó là: Bạn hãy tập trung mọi sự chú ý và mọi năng lực của bạn vào việc trở thành một dấu hiệu hữu hình và đầy thuyết phục của sự chữa trị, thứ tha và của tinh thần phi bạo lực hết sức có thể! Đó là một loại bí tích đấy! Rồi bạn sẽ được đảm bảo trong đức tin rằng Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi của bạn. Chỉ khi nào quyết chí bước đi trên lộ trình này, chúng ta mới có thể đóng góp phần mình vào nỗ lực vượt qua cơn khủng hoảng hiện nay xung quanh bí tích của hòa bình và hòa giải.

 

 

chức linh mục của các tín hữu

và chức linh mục thừa tác

Công Đồng Vatican II đã sải những bước dài trên con đường vượt qua não trạng giáo sĩ trị in hằn bao đời, não trạng đó đánh giá cao các linh mục và đánh giá thấp người giáo dân – sự phân biệt này dẫn đến nhiều hình thức lảng xa và phân biệt trong Giáo Hội. Từ một góc nhìn phụng vụ, tôi thấy những lá chắn ấy chưa bao giờ được ghi nhận rõ ràng hơn thời điểm cách đây ít lâu khi tôi ghé thăm một số nhà thờ ở Ý và nhận thấy các bàn thờ được đặt ở một tầng cao hơn gian giữa của giáo đừơng. Thời ấy, ít khi một linh mục bước xuống vào giữa lòng Giáo Hội, ngay cả lúc cho rước lễ.

May thay, quyết định của Công Đồng uỷ trao cho mọi người đã chịu Phép Rửa - những Kitô hữu không có chức thánh – các vai trò quan trọng trong phụng vụ và mục vụ là một bước quan trọng trong việc phá bỏ các lá chắn ấy. Hiện nay đa số trong chúng ta đều biết rằng chức linh mục không phải là một bước đi lên trong bậc thang xã hội, nhưng đúng hơn, đó là một sự dấn thân đặc biệt để đi xuống, trong khiêm nhường và phục vụ, đến với con người để trở thành “một người trong họ”. Khi làm thế, ý nghĩa của chức linh mục  không bị lạc mất. Đúng hơn, có thể nói, chức linh mục được vãn hồi, được củng cố và được đào sâu theo chiều hướng trở lại với sự khiêm nhường của Đức Kitô như dấu hiệu căn tính của Ngài là Thượng Tế tốt lành. Chức linh mục phổ quát và chức linh mục thừa tác cùng hướng chỉ đến ơn gọi Phép Rửa của chúng ta là ơn gọi phục vụ cho nền hòa bình Messianic trên trái đất này.

Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức (Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!