.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Lời Giới Thiệu

Đôi Dòng Về Tác Giả

1. Kinh nghiệm góp nhặt trên đường đời tôi

2. Ánh sáng chói loà của Thánh Kinh

3. Nhận hiểu ý nghĩa và mục đích sâu xa hơn của ơn gọi Linh Mục

4. Chức Linh Mục trong buổi ban đầu

5. Khuôn mặt người Linh Mục qua giòng lịch sử

6. Chức Linh Mục và đời sống chủng viện theo mẫu thức TRIĐENTINÔ

7. Những vấn nạn xung quanh vấn đề độc thân

8. Khuôn mặt Linh Mục thời công đồng và sau công đồng

9. Dự đoán tương lai của ơn gọi Linh Mục

10. Những con vật trên tàu NÔ-E hôm nay

11. Này tôi là nữ tì của Đức Chúa!

lời nguyện đúc kết

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Giáo Hội cần loại Linh Mục nào?
Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức
Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.
10. NHỮNG CON VẬT TRÊN TÀU NÔ-E HÔM NAY

Trong khi quả thật Giáo Hội đang có những linh mục và giám mục mà Giáo Hội đáng có, thì có một câu hỏi quan trọng là: Phải chăng các linh mục đang có được loại Giáo Hội mà họ đáng có? Một câu hỏi thật gay go! Tất cả chúng ta, từ những Kitôhữu bình dân chất phác nhất cho tới giáo hoàng, đang là những người hưởng dụng bao kho tàng quí báu của lịch sử Giáo Hội, nhưng chúng ta cũng là những kẻ kế thừa các gánh nặng của Giáo Hội để lại nữa -  đây là một điểm mà tôi muốn đề cập qua suốt quyển sách này. Lịch sử của chúng ta là một lịch sử nhập nhằng, vì chúng ta cưu mang trong lòng mình nhiều ký ức phấn khởi đan quyện với vô số những dấu ấn của thương tích. Với tất cả những điều đó trong tâm tư mình, tôi muốn nhận định ở đây về các loại linh mục khác nhau trong Giáo Hội chúng ta, nhất là vì câu hỏi căn bản của chúng ta - “Giáo Hội cần loại  linh mục nào?” – có quan hệ trực tiếp với loại Giáo Hội mà chúng ta sẽ có.

 

con tàu Nô-e:

nguồn cảm hứng cho

chức linh mục

Ở đây tôi mạn phép bạn đọc để cố gắng mô tả những loại linh mục khác nhau đang trong hành trình với đoàn dân lữ hành của Thiên Chúa mà chúng ta gọi là Giáo Hội. Nhằm mục đích đó, tôi sẽ sử dụng biểu tượng con tàu Nô-e như con tàu của chúng ta, đặc biệt bởi vì con tàu ấy là hình ảnh báo trước con tàu của ơn cứu độ do Đức Giê-su Kitô đem lại.

Một hôm, Nô-e trở nên chán nản, buồn phiền và trong nước mắt ràn rụa ông đến gặp Chủ của con tàu và thưa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa giam con trong con tàu này với quá nhiều những con vật kinh khủng như thế này – nào là những con khỉ ngu ngốc, nào là những con heo hôi hám, nào là ...?” Ông kể một danh sách dài ngoẵng những thứ tồi tệ. Thiên Chúa lắng nghe đầy thương cảm, rồi Ngài ôn tồn nói: “Này Nô-e thân mến, ngươi đừng quên rằng con tàu này là ơn cứu độ của ngươi ở đây và lúc này. Chúng ta cứu sống những con vật tội nghiệp ấy nữa thì càng hay đấy chứ, phải không?”

con gà trống:

vừa kiêu hãnh vừa trịch thượng

Một số linh mục dường như chọn con gà trống làm bổn mạng. Họ đứng chễm chệ trên cao, tự ca ngợi vinh quang và quyền lực của mình: “Lạy Chúa, hãy nhìn và hãy lắng nghe con đây! Con là chúa tể trong lãnh địa của con. Vâng, Chúa hãy bảo đám gà mái và gà con ấy biết lắng nghe và vâng lời con, vì ích lợi của chính chúng nó!”

Rất nhiều cám dỗ tồi tệ khiến người ta kiêu ngạo – những cám dỗ này dễ dàng dấy lên trong hàng ngũ giáo sĩ, nhất là những vị có chức tước cao. Tôi tin rằng Thiên Chúa của chúng ta, Đấng vô cùng kiên nhẫn, phải bụm miệng cười và nhân hậu chịu đựng những con gà trống quái đản này. Thật vậy, tôi tin rằng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn tha thứ cho họ, bởi vì nếu tôi – chỉ là một con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa – mà có thể phì cười vào những trò cao ngạo ấy, trong một số chừng mực nào đó, thì Thiên Chúa còn có thể cười thấm thía hơn biết  chừng nào!

Dù sao, cứ nhìn cho kỹ, người ta sẽ thấy rằng cái toát ra từ những linh mục tự mãn không phải là hương thơm thánh đức mà đúng hơn chỉ là mùi tanh hôi. Để tự vệ, các linh mục này có thể không ngần ngại đưa ra những giải thích rất quờ quạng để biện minh cho tính cách tự mãn của mình. Chẳng hạn, chẳng phải họ là những vận động viên khỏe nhất và đã vượt qua những kẻ khác trong cuộc chạy đua tranh giành địa vị đó sao? Chẳng phải rõ ràng là họ rất có tài trong việc cai quản và tổ chức những “sân nuôi gà vịt” của họ đó sao? Họ chẳng xác quyết rằng họ - với quyền Thiên Chúa ban cho và với những chức tước hẳn hoi - mới có sự tinh thông để giảng dạy và cai quản đó sao? Rồi, với tất cả những hào quang đó, họ chẳng bước đi một cách ‘hách xì xằng’ trong những rừng màu sắc, ánh sáng, biểu ngữ ... xứng đáng với địa vị của họ đó sao?

Nhưng câu hỏi lồ lộ nhất vãn còn nguyên đó. Thật sự các vị đó đang làm gì trong con tàu cứu độ này? Không phải do bởi lòng khiêm nhường vô hạn mà Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Kitô, đã nhập thể và hiện thực hóa chương trình cứu độ đó sao? Không phải Thiên Chúa là Đấng đã bác bỏ mọi sự gán ghép chức linh mục với thói trịch thượng kiểu gà trống đó sao? Người Tôi Tớ của Thiên Chúa đã không cảnh giác tất cả chúng ta qua lời cầu nguyện của Đức Maria, người Nữ Tì khiêm tốn đó sao?: “Ngài đập tan những ai lòng trí kiêu căng. / Ngài hạ những người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, / và nâng lên những người bé mọn” (Lc 1,52)

Chúc tụng Ngài, lạy Chúa, vì trên con tàu của Ngài có nhiều linh mục, giám mục, giáo hoàng không khoe khoang hợm hĩnh, bên cạnh những con người thấp hèn, cô thân cô thế của Ngài – đó là những người anawim, những người chú tâm lắng nghe Lời Ngài và thể hiện cuộc sống khiêm nhường của Đức Giêsu Người Thợ Mộc. Trong sự thấp hèn của họ, Ngài đã mạc khải cho họ vinh quang đích thực của Ngài!

những con chim

sơn ca 

Một trong những ca sĩ dễ thương và được ngưỡng mộ nhất trong các loài chim, đó là chim sơn ca. Tôi thường lắng nghe tiếng hót trong trẻo của sơn ca vào giờ kinh sáng của mình, mặc dù tôi chưa bao giờ nhìn thấy một chú sơn ca nào. Chim sơn ca giúp tôi suy niệm về một khía cạnh đặc biệt nói lên tính đích thực của Kitôhữu và của người linh mục. Thật kỳ lạ, chim sơn ca vừa giấu mình không cho người ta nhìn thấy, vừa tự bộc lộ mình qua tiếng hót rộn rã giữa trời đêm. Dù chúng ta có nghèo khả năng suy tư đến mấy đi nữa, tiếng hót thánh thót của loài chim này cũng có thể nhắc chúng ta nhớ rằng thật quan trọng biết bao việc xây dựng một đời sống linh mục đích thực có sức cuốn hút người ta hướng đến sứ điệp chan hòa niềm vui của Thiên Chúa và ca tụng Ngài, chứ không phải thu hút sự chú ý về phía người sứ giả. Chim sơn ca nhắc chúng ta rằng cái tôi của chúng ta không thể bành trướng và che lấp sứ điệp niềm vui giải phóng của Thiên Chúa hay hoàn toàn làm tắc nghẽn không cho người tín hữu nghe được sứ điệp ấy. Người linh mục đích thực là người linh mục thể hiện bản ngã thực của mình, bằng cách hướng chỉ cho người khác thấy Thiên Chúa – chứ không phải thấy chính mình. Người linh mục đích thực là người sứ giả không bao giờ đứng chình ình cản lối sứ điệp. Đây chính là ý nghĩa cốt yếu của câu châm ngôn I-nhã: Mọi sự để vinh danh Chúa hơn!

Có một kinh nghiệm mà tôi thường ôn lại trong tâm trí mình giúp minh họa rất rõ ơn gọi của loài chim sơn ca. Năm 1950, tôi có dịp giảng tuần đại phúc tại một giáo xứ trong vùng, chị giúp việc cha sở đã kể cho tôi một câu chuyện rất ấn tượng – nhân vì lúc ấy tôi đang sôi nổi khen ngợi mối quan hệ tốt lành giữa vị cha sở cao niên của chị và linh mục phụ tá của ngài. Được biết trước đó chị chưa bao giờ kể câu chuyện này với bất cứ ai, vì cha sở đã bắt chị thề phải giữ kín. Tuy nhiên, chị quyết định kể cho tôi, tin tưởng rằng tôi sẽ không xì nó ra cho mọi người trong giáo xứ biết. Và câu chuyện về chim sơn ca ấy của chúng ta như sau:

Sau khi trải qua 5 năm với tư cách là một sĩ quan quân y trong quân đội hồi Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, người linh mục trẻ ấy được bổ nhiệm về làm phụ tá mục vụ ở giáo xứ, và ngay lập tức, chinh phục được trái tim của mọi người. Bực bội về điều này, ông cha sở luôn luôn nhắc cho cha phụ tá mới của mình nhớ rằng ông mới là người trách nhiệm giáo xứ chứ không phải anh ta. Đong đưa giữa lòng ganh tị và sự thán phục, ông cha sở dần dần nhận ra rằng nên chăng mình học hỏi một điều gì đó từ cha phụ tá trong việc phục vụ giáo xứ của mình, một giáo xứ vốn có rất nhiều dân tị nạn nghèo khổ.

Một bữa nọ, cha phụ tá yêu cầu chị giúp việc sắp xếp để đưa chiếc giường ngủ của mình tới cho gia đình nghèo nhất mà ngài vừa ghé thăm. Ngài cũng cấm chị không được nói cho ai biết rằng đó là chiếc giường duy nhất của ngài. Thế rồi, điều xảy ra là có một sự ngộ nhận dần dần được lan truyền giữa các giáo dân trong giáo xứ. Người ta nói với nhau rằng cha sở đã gửi tặng chiếc giường của ngài cho một gia đình nghèo – và ai nấy tỏ niềm trân trọng đối với nghĩa cử ấy của cha sở. Cha sở không thể đính chính gì được cả. Tuy nhiên, ông tìm ra một cách giải quyết khá hay: ông quyết định tặng hai trong số những cái giường thừa không dùng đến của ông cho những người nghèo nhất trong giáo xứ.  Kết quả là một mối quan hệ hoàn toàn mới đã được hình thành giữa cha sở và cha phụ tá, và cả giữa cha sở và giáo xứ nữa. Hơn nữa, chị giúp việc còn cho biết thêm rằng câu chuyện này cũng là một bài học hết sức ấn tượng cho bản thân chị.

Tôi tin rằng vị linh mục trẻ ấy có thể sẽ phàn nàn chị giúp việc của mình nếu ngài biết chị ấy đã kể cho tôi nghe câu chuyện, nhưng tôi đã hứa với chị rằng tôi sẽ giữ kín câu chuyện ấy khi tôi còn lưu lại tại giáo xứ. Tuy nhiên, về sau khi đi phục vụ tại nhiều quốc gia khác nhau, tôi đã kể câu chuyện này cho rất nhiều linh mục. Đây cũng là một câu chuyện mà tôi tự ôn lại trong tâm trí mình thường xuyên – vì nó nêu bật một khuôn mặt linh mục khiêm nhường, biết giấu mình đi để người ta có thể thật sự quy hướng về Chúa và Tin Mừng của Ngài.

 

 

nhà luân lý

khắt khe

Không thể đếm được đã bao nhiêu lần tôi được giới thiệu là “một nhà luân lý tên tuổi” mỗi khi tôi được mời nói chuyện với một cử tọa. Aùy náy trong lòng, tôi tự hỏi tại sao người ta lại gán cho mình cái tước hiệu sỉ nhục này; vì phần đông người ta hiểu mấy chữ “nhà luân lý” theo một nghĩa rất tiêu cực. Một nhà luân lý là một con người luôn luôn xét đoán và khiển trách người ta. Ông ta luôn luôn cố nhồi nhét cho người ta tất cả những điều luật và những quy định cấm “nghiêm ngặt”, mà không mấy lưu tâm đến những hoàn cảnh có thể cho phép các ngoại lệ. Ông ta dồn cho thiên hạ những nỗi sợ hãi. Thật là kinh khủng! Nếu nền luân lý kỳ quặc ấy là tiêu chuẩn ơn cứu độ của Thiên Chúa, thì hẳn là con tàu Nô-e sẽ nhanh chóng bị bỏ phế, và hỏa ngục sẽ trở thành nhung nhúc dân cư!

Nhà luân lý – theo nghĩa đặc trưng – là người chuyên tâm nhắm kiểm soát hoàn toàn lương tâm người ta, một phần qua việc đòi hỏi người ta xác định chính xác các tội theo thứ loại và theo số lượng. Trong khung cảnh tòa giải tội, vị linh mục thường vô tình biến cuộc gặp gỡ ấy thành một nơi tra khảo và xét nét, chủ yếu bằng những câu hỏi đại loại như: Anh đã phạm tội thủ dâm kinh khủng ấy bao nhiêu lần? Chị đã nuôi dưỡng trong lòng những ý tưởng không trong sạch ấy bao nhiêu lần, và chị hãy nói rõ đó là những ý tưởng không trong sạch thuộc loại nào?...

Rất may, các tín hữu Công Giáo ngày nay đã biết chọn lựa cha giải tội cho mình, và phần đông có thể tìm ra những linh mục biết nhận thức – như Thánh An-phong-sô – rằng vai trò chủ yếu của cha giải tội là trở thành tấm gương phản chiếu khuôn mặt của Thiên Chúa vô cùng thương xót, khuôn mặt của Đức Giêsu Đấng Chữa Trị. Những linh mục này hiểu rằng việc “xét xử” (trong chừng mực mà con người có thể làm) tiên vàn có nghĩa là việc biện phân giữa đâu là tình yêu đích thực và đâu là tình yêu giả mạo.

Phúc cho những hành khách nào ở trên con tàu Giáo Hội – trong tiếp xúc với các linh mục và các Kitôhữu khác – có thể cảm nghiệm được không chỉ quyền năng giải phóng của Thiên Chúa theo lời Thánh Phao-lô: “Anh em không còn thuộc về Lề Luật, nhưng là thuộc về ân sủng của Thiên Chúa” (Rm 6,14), mà họ còn – nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần – có thể giúp đỡ nhau một cách đầy khích lệ. Hãy cút đi, hỡi các nhà luân lý, và đừng bao giờ quay trở lại bao lâu các người chưa có đủ lòng khiêm tốn thực sự để biết suy ngẫm về sự quảng đại và ân cần thứ  tha của Đấng đã sáng tạo nên các người!

những

người lính gác 

Làm một lính gác, hay một người bảo vệ, tự nó không phải là cái gì xấu, nếu các linh mục nhận hiểu trách nhiệm của mình là bảo vệ các quyền chính đáng và sự tự do của mọi người, chống lại những xâm phạm bất công. Tuy nhiên, những người bảo vệ đức tin rất dễ tìm thấy sự khoái trá trong quyền lực và trong việc hành sử vai trò kiểm soát, nhất là nếu họ tóm cổ được một kẻ nào đó đang sai quấy. Leo thang tới một mức thái quá, các linh mục như thế sẽ hùng hổ tố cáo người ta dù chỉ do một vi phạm nhỏ nhặt nhất đối với một điều luật ít quan trọng nhất – mà không bao giờ kiểm tra xem chính bản thân điều luật đó có thực sự chính đáng không.

Thật đáng ngạc nhiên để nhận thấy rằng trong Giáo Hội hôm nay, các nhà bảo vệ thường sử dụng quyền cao chức trọng của mình để thi hành sự kiểm soát thái quá trên mọi vấn đề về chính thuyết (orthodoxy), nhất là về những giáo thuyết không được mạc khải - trong khi đó, họ hoàn toàn không có khả năng thuyết phục ngay cả những Kitôhữu nghiêm túc nhất tin rằng những giáo thuyết ấy đến từ Thiên Chúa. Đó là chưa kể đến những sự kiểm soát mà họ áp đặt trên người ta về những vấn đề chẳng có liên quan gì đến chính thuyết cả! Một hệ thống kiểm soát gần như toàn bộ là một hệ thống thoát thai từ sự nghi ngờ, và nó tạo ra một bầu khí không lành mạnh cho các mối quan hệ con người – điều này rõ ràng tương phản với sứ mạng của Giáo Hội là chữa trị chứ không phải xét xử.

Trong một nền văn hóa ngày càng có nhiều khả năng nhồi sọ, nắn ép công luận, nắn ép cả gien của con người, thì câu hỏi nóng bỏng được đặt ra là: Ai kiểm soát những nhà kiểm soát? Thực vậy, những nhà-kiểm-soát-không-được-ai-kiểm-soát có thể ví như một cơn dịch tàn khốc mà chúng ta cần phải luôn luôn cảnh giác.

Trong lịch sử, chúng ta thấy rằng tất cả những chế độ độc tài chuyên chế, như chế độ của Hitler và của Stalin, đã không ngừng đẩy mạnh một hệ thống kiểm soát ngày càng tinh vi hơn. Sau sự sụp đổ của chế độ theo đường lối Stalin ở Đông Đức, người ta phải giật mình khám phá ra rằng vô số người đã bị kiểm soát một cách âm thầm bởi những kẻ khác ngồi trên chóp bu và không bị ai kiểm soát – và rồi đến lượt mình, chính những người bị kiểm soát này đã trở thành những người kiểm soát. Điều đáng ghi nhận nữa là nhiều nhà kiểm soát như thế là những con người vốn có nhiều tiếng tăm! Ngay cả những tù nhân trong các trại tập trung cũng sẽ được đãi ngộ tốt hơn nếu họ nhận công việc kiểm soát và tố cáo các bạn tù của mình. Rốt cục, hầu như mọi người đều trở thành tù nhân của chính mình cách này hay cách khác do bởi hệ thống kiểm soát có tính thanh trừng, lừa gạt và phản phé ấy.

Giáo Hội, ở mọi cấp, phải ghê tởm và xa lánh một hệ thống kiểm soát như thế. Thay vào đó, chúng ta hy vọng rằng Giáo Hội sẽ chọn con đường “khoan nhượng lẫn nhau về lương tâm” – nghĩa là trong thực tiễn Giáo Hội sẽ tích cực hậu thuẫn một công luận lành mạnh đồng thời thúc đẩy sự đối thoại trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

Giới thẩm quyền trong Giáo Hội không bao giờ được phép nhân nhượng trước cám dỗ a dua chấp nhận những xu hướng thoát thai từ các ý thức hệ kinh khủng mà chúng ta đã kinh nghiệm trong thế kỷ này. Trong tư cách là người hướng dẫn người ta đến với chân lý và ánh sáng, Giáo Hội phải luôn luôn cảnh giác để chống lại những khẩu hiệu hồ đồ và rỗng tuếch kiểu như: “Hitler muôn năm! Hitler luôn luôn đúng!”

Hơn nữa, một Giáo Hội đảm nhận sứ mạng thể hiện công lý và sự khiêm nhường của Đức Kitô cũng cần phải thận trọng phòng tránh những ý thức hệ sai lầm và thiên lệch quá mức của chính mình nữa. Trong tiến trình này, mọi linh mục – dù là giáo hoàng, hồng y, giám mục, cha sở hay phụ tá mục vụ – đều có thể đóng góp rất nhiều cho Giáo Hội bằng cách biết đưa ra cũng như biết đón nhận những sự phê bình có tính xây dựng, xét như một phương thế để nhận thức sâu hơn về chân lý. Trong thời đại này, lịch sử đặc biệt nhắc chúng ta về ý nghĩa và giá trị của việc thực thi nhân đức phê bình – qua việc suy tư thần học và chia sẻ kinh nghiệm. Nhân đức này giả thiết rằng tất cả chúng ta, ở bất cứ vị trí nào trong Giáo Hội, cũng đón nhận và cống hiến cho nhau sự phê bình trong tinh thần xây dựng.

Việc tiếp nhận nhãn quan của Công Đồng Vatican II có thể là một kinh nghiệm giải phóng lớn lao và là một cơ hội tuyệt vời cho chúng ta tiến xa hơn trong nỗ lực đại kết – nhất là kể từ khi Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mở đường cho chúng ta qua việc ngài đột phá cách ngoạn mục vào cuộc đối thoại chân thành và cởûi mở.

Sự nhấn mạnh của Công Đồng về việc thúc đẩy tính tập đoàn và về việc phát triển các cơ cấu phân nhánh (subsidiary) cần phải vượt thắng trên các khuynh hướng tập quyền, chuyên chế và o ép. Não trạng “cha chú” và việc hành sử kiểm soát thái quá cần phải bị vạch mặt rõ để mọi người thấy rằng nó là một kẻ thù của sự tự do và của năng lực sáng tạo mà Đức Kitô đã đem lại cho tất cả mọi người chúng ta.

Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để đo lường tính đích thực của một ơn gọi linh mục, đó là sự cắm rễ sâu xa trong tinh thần phi bạo lực và sự thể hiện tinh thần này trong thực tiễn. Trước Vatican II, tại một số nơi trong Giáo Hội, có tồn tại một thứ thần học luân lý đặt nền trên sự khống chế (để trang bị cho các nhà kiểm soát khác nhau) – và thứ thần học này đã sản sinh ra cả loạt những linh-mục-nhà-bảo-vệ rất tiêu cực. Trong khi tôi hy vọng não trạng khống chế ấy, vì lợi ích của Giáo Hội, sẽ lụi tàn đi, thì tôi vẫn nghĩ rằng cần nêu ra ở đây ít nhất hai ví dụ về thứ não trạng này như một cảnh tỉnh cho những ai còn có xu hướng tơ tưởng đến nó.

Sau khi từ Nga trở về vào năm 1945, tôi giảng tĩnh tâm Mùa Vọng tại một giáo xứ. Theo lời đề nghị của tất cả các nhà thừa sai, tôi đã mời mọi người, không trừ ai, đến lãnh Bí Tích Hòa Giải hoặc đến để trao đổi – vì theo lòng thương xót vô hạn của Đức Kitô, mọi người đều được mời gọi lãnh nhận ơn bình an của bí tích này. Nhiều người, gồm cả những người li dị và tái hôn, đã can đảm hưởng ứng lời mời ấy của tôi. Thế nhưng, cha sở của giáo xứ đã không giấu giếm sự bực bội đối với tôi; ông bảo là ông rất “quan tâm đến kỷ luật Giáo Hội”. Bữa nọ, cha sở không chỉ từ chối không cho một phụ nữ rước lễ mà ông còn quát mắng chị cách thậm tệ trước mặt các tín hữu khác. 

Tại bữa cơm tối, không dằn được sự bức xúc, ông đã thẳng thắn chỉ trích tôi: “Anh đã giải tội cho những người đang sống trong tình trạng rối” (rõ ràng cha sở ám chỉ những người đã li dị và tái hôn). Đúng lúc ấy, chồng của người phụ nữ nói trên bước vào và cho cha sở biết rằng vợ của anh ta không phải là một người li dị. Anh chồng này yêu cầu cha sở phải thanh minh lại chuyện này và phải xin cộng đoàn giáo xứ tha thứ. Tối hôm ấy, cha sở đã nói lên lời xin lỗi cả với tôi! Điều kỳ diệu nhất là chính kinh nghiệm choáng váng này đã trở thành một kinh nghiệm hết sức ích lợi cho chính vị cha sở ấy.

Rồi, trong Mùa Chay, tôi phụ trách “ngồi tòa” suốt ba ngày tại một giáo xứ khác, nơi mà tôi nhận ra rằng rất ít người chọn xưng tội với cha sở. Và một sự việc xảy ra đã giúp tôi hiểu tại sao. Hôm ấy, đang bước vào tòa giải tội, tôi trông thấy cha sở bạt tai một phụ nữ. Liền sau đó, người phụ nữ này đến gặp tôi và than thở rằng chị chẳng làm gì nên tội ngoại trừ việc chị nghiêng qua nhắn một câu ngắn cho một phụ nữ khác ngồi bên cạnh trong nhà thờ. Trong nhận thức của mình, vị cha sở này tự cảm thấy ông là một linh mục nhiệt thành, chu toàn mọi bổn phận. Trong lương tâm, hẳn ông không có gì áy náy – nhưng vấn đề vẫn còn đó: Lương tâm của ông là loại lương tâm nào? Rõ ràng là quan điểm của vị cha sở này về vai trò canh gác (để bảo vệ kỷ luật của Giáo Hội) đã phát xuất từ một lương tâm được hướng dẫn cách sai lạc.

Hỡi các linh-mục-nhà-canh-gác tội nghiệp! Có lẽ các anh đã đơn sơ hấp thụ một loại giáo huấn và kỷ luật luân lý vừa bệnh hoạn vừa là mầm rắc gieo bệnh hoạn. Xin các anh đừng để cho hàng ngàn khoản luật và khoản cấm đoán nhân tạo dựa trên một hệ thống cứng ngắt giam hãm các anh! Trong đáy tâm hồn mình, các anh há không cảm thấy xấu hổ về tình trạng nô lệ dưới ách luật của mình sao? Tình trạng nô lệ này nhiễm vào các anh, rồi qua các anh, những người khác cũng bị nhiễm độc; còn đâu nữa sự tự do của con cái Thiên Chúa! Nếu các anh nhìn kỹ trong các tín hữu – mà các anh cho là bọn thất học và dốt nát – các anh sẽ gặp thấy rất nhiều nhà chữa trị tuyệt vời, nhiều chứng nhân của niềm vui và niềm an bình nội tâm. Các anh hãy đến gặp họ, vì chắc chắn họ có thể giúp ích nhiều cho các anh đấy!

Rất may là con số các linh mục khắt khe thái quá đang có chiều hướng giảm dần, nhưng vẫn còn khá nhiều nhà cực đoan trẻ tiếp tục xuất hiện – đó là những linh mục có thái độ cực đoan bảo thủ, vì họ đã được dạy để tin vào luật lệ và kỷ luật - cơ hồ như đó là những giá trị tối thượng của chức linh mục và của sứ vụ của họ vậy.

Đối với các linh-mục-nhà-canh-gác, được khống chế bởi những luật lệ và qui định, thì sự độc thân không phải là một kinh nghiệm tự do trong mức độ mà nó được hiểu như một phần của “cơ cấu luật thánh”. Vì vậy, các linh mục này không cảm nếm được kinh nghiệm chan hòa niềm vui của đặc sủng độc thân.

Nhiều linh mục khắt khe và nệ luật là những con người nói chung tốt lành và thành tâm, nhưng do bị hướng dẫn sai lạc nên đã có nhận thức không đúng đắn về thế nào là một nhà bảo vệ chân lý. Lẽ ra họ có thể đắc lực hơn rất nhiều nếu như họ sẵn lòng hơn để được dẫn dắt bởi Đức Kitô để đi vào trong miền đất hứa của năng lực sáng tạo và của tính đích thực, thay vì cố bám chặt vào những lan can luật lệ vốn bảo đảm cho họ một thứ cảm giác ổn định giả tạo mà thôi!

Như tôi đã từng đề cập, trong chúng ta có nhiều bạn trẻ thiết tha phục vụ Thiên Chúa trong chức linh mục nhưng không dám dứt khoát dấn thân – không chỉ vì họ sợ sẽ tới lúc nhận ra mình không thể sống đời độc thân, mà còn vì họ sợ sẽ bị khai trừ khỏi hàng linh mục một cách nhục nhã. Tôi đã phải bao lần ứa nước mắt với các linh mục vốn đã thành tâm dấn thân và vốn giàu các khả năng nhân bản, nhưng bị dồn tới đường cùng bởi các nhà bảo vệ luật cứng cỏi của Giáo Hội. Những kinh nghiệm thuộc loại này trở thành một phản chứng tá đối với niềm vui của đời sống độc thân.

Tuy nhiên, tôi vẫn không hoàn toàn tẩy chay vai trò người canh gác của chức linh mục thừa tác. Chỉ mong rằng vai trò này được nhận hiểu trong ý thức rộng hơn về “một người giữa chúng ta”. Nếu các linh-mục-nhà-canh-gác hành động một cách hoàn toàn phi bạo lực, họ có thể trở thành những nhà tiên phong của một nền văn hóa phi bạo lực. Những người cảnh sát mẫu mực và phi vũ trang làm công việc bảo vệ tự do và trật tự cộng cộng – đó chắc chắn là một bước đột phá tuyệt vời về văn hóa.

những kẻ

nệ nghi thức

Trong con tàu của ơn cứu độ, con số những nhà nệ nghi thức luôn bối rối và luôn gây bối rối cho kẻ khác cũng đã giảm dần. Cách đây khoảng năm mươi năm, tinh thần nệ nghi thức là một trong những đại dịch trong Giáo Hội. Không phải là họa hiếm việc người ta nhìn thấy – chẳng hạn - những linh mục quá lo lắng về vấn đề thành sự hay không thành sự của bí tích, phải vã mồ hôi mỗi khi đọc lời truyền phép. Ngay cả những linh mục giàu năng lực và được đặt vào những chức vụ quan trọng cũng bị hoang mang do nỗi nghi ngờ về chức thánh của mình. Họ tự hỏi lúc mình được truyền chức, mình có đã đồng thời chạm vào chén thánh, đĩa thánh và bánh thánh hay không (bởi theo luật, nếu không vậy thì việc truyền chức ấy không thành sự!)? May là Giáo Hoàng Piô XII đã chấm dứt bi hài kịch này bằng việc chính thức tuyên bố rằng đó không phải là một điều kiện cho hiệu lực của việc truyền chức.

Tinh thần nệ nghi thức trong bất cứ dạng nào cũng có thể trở thành một chứng bệnh vừa tự mãn về mình vừa xem thường kẻ khác. Việc xét nét chi li, ngay cả trong những qui định nghi thức nhỏ nhặt nhất, có thể trở thành một thứ lô cốt an toàn đối với những linh mục cắm rễ trong thái độ khư khư vâng lời tối mặt. Trong viễn ảnh đó, ta thấy các nhà nệ nghi thức dễ dàng trở thành những con chó canh cửa hung dữ. Xin dẫn ở đây một ví dụ. Hồi đó, là một linh mục trẻ Dòng Chúa Cứu Thế đang lưu lại tại một trong những cơ sở của dòng, tôi hỏi vị bề trên xem liệu mình có thể làm lễ trước khi mình ra đi vào sáng ngày mai hay không. Vị bề trên trả lời một cách đầy ẩn ý: “Nếu anh dám!” Sau Thánh Lễ, khi tôi đang gấp rút sửa soạn ra đi cho kịp chuyến tàu, một đàn anh trong nhà chặn tôi lại và nói: “Này, Bernard! Anh đã phạm hai sai sót về phụng vụ, và chúng tôi ở đây rất kiêng kỵ điều đó.” Sau khi nghe giải thích về hai điểm ấy, tôi nói với anh rằng chẳng có luật Giáo Hội nào đề cập đến những điều mà anh quan tâm cả. Để trả lời tôi, anh trưng ra một thủ bản được viết bởi một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, trong đó có đề cập rõ vấn đề mà anh ta đang khiếu nại. Rồi anh kết luận: “Chúng ta phải tuyệt đối giữ luật, vì sự hiệp nhất của chúng ta!”

Cho dù những trường hợp nệ nghi thức quá quắt và những sự kiểm soát đầy ác ý đã giảm thiểu rất nhiều, song chủ nghĩa nệ nghi thức vẫn còn tồn tại giữa chúng ta. Ngay cả giữa những vị lãnh đạo trong Giáo Hội, tinh thần này vẫn còn là một cản trở nghiêm trọng đối với việc hội nhập văn hóa và đối với tính thanh thoát trong phụng vụ.

Luật độc thân hiện nay, ít nhất một phần nào, không đang góp phần xúi quẩy cho não trạng về sự trong sạch của nghi thức vốn gây phương hại đến mệnh lệnh quan trọng của Chúa - “Tất cả anh em, hãy làm việc này để nhớ đến Thầy!” – đó sao? Nói cách khác, luật nhân tạo về độc thân có thể trở thành một cản trở đối với quyền cử hành Thánh Thể của người tín hữu, một quyền được chính Chúa bảo hộ.

kẻ nhút nhát

Thật đáng thương cho các bạn! Ai đã thiến hoạn các bạn và tước khỏi các bạn mọi năng lực sáng tạo, mọi sự dũng cảm và nhiệt tình? Hàng bao thế kỷ, Giáo Hội ở Rôma đã thiến hoạn các chàng trai trẻ nhằm mục đích giữ lại âm giọng cao của họ, vì phụ nữ không được phép hát trong nhà thờ. Thật là một thực hành kinh khủng tự bản thân nó; thứ nữa, lý do của thực hành ấy cũng hết sức sai lầm. Tôi cho đây chỉ là một ví dụ về việc tước đoạt khỏi các linh mục năng lực sáng tạo và sự thẳng thắn.

Những linh mục nhút nhát há đã không được Thiên Chúa ban cho - cũng như mọi người khác – một tinh thần can đảm và một lòng trung thực đó sao? Người linh mục nhút nhát là một người đã không may hấp thu một não trạng đầy tính áp đặt và đe dọa về quyền lực. Thay vì vạch mặt loại quyền lực này để thấy rõ bản chất của nó, các linh mục nhút nhát – xuất phát từ một cảm thức khiêm tốn sai lầm – lại hành hạ kẻ khác, và trong tiến trình đó làm ách tắc những khả năng phát triển sự vững mạnh nội tâm nơi chính mình.

Việc vượt qua tính nhút nhát đòi phải có một sự đánh giá trung thực và một sự huy động những tiềm năng nội tâm, nhất là sự khôi phục tính mềm mỏng bẩm sinh. Trong quá trình này, các linh mục và các thừa tác viên giáo dân có thể được chữa trị và được giải phóng khỏi sự áp chế chính mình – một sự chữa trị có thể đem lại cho họ khả năng chữa trị kẻ khác nữa. Thận trọng sáng suốt là nhân đức giúp phòng tránh cho các linh mục khỏi làm nhiễm độc kẻ khác do việc áp đặt cho họ cảm thức và thực hành sai lầm của mình về thái độ lụy phục một cách nô lệ.

Này bạn nhút nhát, hãy để cho Tin Mừng âm vang trong cõi lòng bạn, và hãy để cho dầu hoan lạc thấm vào mọi lỗ chân lông của bạn để giải phóng bạn! Hãy cho phép mình đón nhận sự dũng cảm và sức mạnh của Đấng Bảo Trợ, và bạn sẽ sinh hoa trái dồi dào! Hãy thành khẩn cầu xin Chúa Thánh Thần đổ tràn cho bạn đặc sủng can đảm và niềm vui, nhờ đó bạn có thể an ủi và khích lệ kẻ khác! Hãy nỗ lực đào sâu nhận thức của bạn về Paraklesis của Thánh Kinh, vì chính Chúa Thánh Thần là Đấng Bào Chữa cho bạn trước Đấng Sáng Tạo! Chính năng lực giải phóng của Chúa Thánh Thần – nếu được bạn sẵn sàng đón nhận – sẽ giải phóng bạn khỏi sự rụt rè và nhút nhát, sẽ đem lại cho bạn tràn trề niềm vui và đổ đầy trong bạn ngọn lửa tự do, quà tặng quí báu của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần dũng cảm và sáng tạo của Đức Kitô, Vị Ngôn Sứ và là Người Tôi Tớ Giavê, sẽ đem lại cho bạn tinh thần phi bạo lực, sự tự do, lòng tin tưởng và nghị lực trong tâm hồn.

kẻ bi quan

Những người bi quan thâm căn cố đế có thể được ví với những sinh vật xem ra gây phiền toái nhất trên con tàu Nô-e. Họ trút toàn những sự quấy rầy trên kẻ khác. Một số trong họ là “những ngôn sứ của thời cuối cùng”, thường xuyên quấy nhiễu thiên hạ, như Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nhắc đến hồi đầu Công Đồng. Thật không may cho chúng ta, những kẻ bi quan ghê gớm ấy vẫn còn khả năng tác động một cách tiêu cực cho bầu khí Giáo Hội.

Nhiều khi loanh quanh Vatican tôi bắt gặp những linh mục với khuôn mặt nhăn nhó cách thảm hại, trong những bộ áo thụng đen viền sọc tía, tôi thường tự hỏi không biết có cách nào để làm cho những khuôn mặt ấy tươi tắn lại không. Trong Giáo Hội không có chỗ nào có thể giúp trị liệu cho những con người ấy sao? Hay, ít nhất, không có chỗ nào để những con người ấy lánh mặt đi cho tới khi – nhờ ơn Chúa – họ vượt qua được tính cách bi quan của họ và không gây lây nhiễm cho kẻ khác sao?

Trong chính ơn gọi của mình, người linh mục là dấu chỉ và là chứng tá của niềm vui cứu độ. Linh mục được mời gọi trở thành một bài ca ngợi khen, một nguồn phấn khích và hy vọng, ngay cả dù anh ta thuộc loại tính cách sầu muộn. Nếu có được những điều kiện thích hợp, có lẽ những người sầu muộn bẩm sinh có thể trở thành những Kitôhữu chiêm niệm sâu sắc – một số thậm chí có thể nhận được những kinh nghiệm thần nhiệm.

Tuy nhiên, những linh mục khác đã hình thành một thái độ bi quan do bởi áp lực quá tải của công việc và của những trách nhiệm vượt quá khả năng đáp ứng của mình, nhất là những người nằm trong các môi trường quá nhấn mạnh đến tính hiệu năng và sự thành công. Do các xu hướng tự nhiên của mình, những người bi quan có thể dễ dàng trở thành bị chán nản do bởi những môi trường căng thẳng và những cơ cấu thiếu lành mạnh. Nếu họ có cơ hội sống và làm việc trong một môi trường vui vẻ, bình an, thì họ có thể trở thành những nguồn an bình và khích lệ cho nhiều người khác. Còn trong những hoàn cảnh éo le nhất, rượu nồng trong tính cách riêng của họ dễ dàng hóa thành giấm chua. Và đây quả là một bi kịch!

Con chồn hôi là biểu tượng của những người bi quan trầm kha. Tướng dạng của nó cũng được mắt, nhưng nó là một nỗi kinh hoàng cho ai ở gần, đặc biệt khi nó cảm thấy bị đe dọa! Lần nọ khi đang có mặt ở Mỹ, tôi ghé thăm Martin, em trai mình. Nhà của Martin thật xinh xắn, nhưng bị bao vây bởi một mùi hôi rất khó chịu. Chú ấy kể: “Em trông thấy một con chồn hôi ngoài vườn và, thật không may, em đã cố xua đuổi nó. Bị đe dọa, nó tiết ra thứ mùi hôi ngào ngạt lì lợm như thế đấy. Bây giờ em phải chờ mùa mưa đến, may ra cái mùi khủng khiếp này mới được gột rửa đi.”

Nếu chồn hôi biết cầu nguyện, có lẽ nó sẽ thưa: “Lạy Chúa là Chúa của mọi tạo vật, gồm cả con nữa. Tướng mạo con cũng khá đẹp đẽ, nhưng chẳng ai thích nổi con. Lạy Chúa, tại sao Chúa ban cho con thứ mùi này, một vũ khí tự vệ quá lợi hại đến nỗi khi thoáng ngửi ấy mùi của con, mọi người đều chạy tránh xa và con phải lủi thủi một mình? Lạy Chúa, con sẽ cần phải trải qua cuộc khủng hoảng nào về căn tính, để có thể tống khứ được thứ mùi này?”

Bạn là người bi quan? Biết đâu đó, khi đọc lời nguyện này của chồn hôi, bạn chợt nhận hiểu chính mình đầy đủ hơn, và bạn sẽ bắt tay vào một cuộc đổi thay chính mình.

anh hề

Mới đây, tôi đọc thấy trên báo chí câu chuyện về những nhóm hài thường xuyên ghé đến giúp vui miễn phí tại khoa nhi của các bệnh viện. Những nghệ sĩ hài này, với khả năng trời cho, là nguồn vui tuyệt vời của các em. Các bác sĩ nói rằng các trò hài hước có tác dụng tích cực cho tiến trình trị liệu, nhất là đối với những bệnh nhân mắc chứng căng thẳng thần kinh. Tôi có quen biết một anh hề rất dễ thương. Anh là cha của ba đứa trẻ, và có thể dễ dàng nhận một ghế giáo sư đại học. Thế nhưng, anh chọn công việc của một nghệ sĩ hài, và anh gieo tiếng cười khắp mọi nơi. Tôi thấy rõ ràng từ nơi anh toát ra một cái nhìn lạc quan đối với cuộc đời. Tôi cho hình ảnh người nghệ sĩ hài là một hình ảnh rất gần gũi với ơn gọi linh mục. Phải chăng những con người hài hước như anh bạn ấy của tôi – với tâm hồn rất mực dễ thương – không thể được Giáo Hội sai đi để làm mục tử cho những nghệ sĩ hài khác, cho các gia đình, cho các bạn bè, và nhất là cho những người ốm đau ủ dột và đang cần đến dầu hoan lạc?

Đã có thời các vị vua khôn ngoan thuê những anh hề giúp vui cho triều đình. Những anh chàng ngớ ngẩn một cách tinh tế này được trao cho đặc quyền được nói bất cứ gì mình thích, một cách khôi hài và thường đồng thời một cách trào lộng, nhằm mục đích vạch ra những cái dở và những chiều hướng nguy hiểm trong triều đình. Như vậy, nhà vua cho thấy ông hiểu được ý nghĩa của sự tín nhiệm trước, một sự tín nhiệm rốt cục đem lại ích lợi cho ông. Nhìn thoạt qua, trò hề có vẻ chỉ là trò hề thuần túy, nhưng ẩn bên dưới thường có một sứ điệp đầy ý nghĩa. Những tuồng “táo bạo” nhất của các anh hề trong hoàng cung thường nhằm mục đích trách cứ hay cảnh giác nhà vua và quần thần về những tiêu cực và sai sót, một sự đóng góp rất có giá trị cho sự ổn định của triều đại, nếu nhà vua biết khôn ngoan sẵn sàng lắng nghe.

Về một phương diện nào đó, trò hề có thể là một cách phản kháng lại những sai trái; và về một phương diện khác, nó có thể loan báo Tin Mừng rằng tình hình có thể thay đổi để nên tốt hơn, miễn là chúng ta đủ khôn ngoan, như vị vua kia, biết mở tai nghe và mở mắt nhìn. Tôi tin rằng không chỉ một mình tôi nghĩ đến nhu cầu phải có một số anh hề thật “độc” ở Vatican và ở nhiều nơi khác. Họ sẽ góp phần lớn để biến những nơi đó thành hấp dẫn hơn, lành mạnh hơn và có tính xây dựng hơn. Những anh hề thanh nhã, thâm thúy xứng đáng được chúng ta biết ơn sâu xa, vì họ không chỉ giúp chúng ta cười mà họ còn giúp chúng ta nhận thức về mình một cách nghiêm túc. Tôi cho rằng một Giáo Hội không trân trọng tiếng cười và không đánh giá cao một cảm thức hài hước thâm sâu thì quả là một Giáo Hội không nghiêm túc – theo ý nghĩa đích thực của hai tiếng “nghiêm túc”.

người nhạc sĩ

Trên con tàu Nô-e, chúng ta được nhắc nhớ rằng Thiên Chúa đã thương yêu cứu sống hàng ngàn loài chim chóc và những côn trùng biết bay; chúng không chỉ đóng góp vào hệ sinh thái mà sự sống chúng ta cần đến, nhưng còn giúp chúng ta vui tươi với những khúc nhạc của chúng, giúp chúng ta biết cách thông truyền cho nhau niềm vui cuộc sống.

Trong cuộc sống mình, nên chăng các linh mục trở thành những nhạc sĩ tấu lên những khúc ca và giúp người khác hát lên lời ngợi ca Thiên Chúa? Nói rộng hơn, nên chăng tất cả chúng ta là những Kitôhữu cùng tấu vang những khúc nhạc mừng Đấng Tác Thành mọi sự hòa điệu? Việc chúng ta diễn tả niềm vui ra bên ngoài và việc chia sẻ niềm vui trong Chúa sẽ có tác dụng khích lệ lẫn nhau một cách diệu kỳ. Cả trái đất này cần phải biết lên lời ca vang tận trời cao những bài ca yêu thương như một lời đáp trả tình yêu muôn trùng cao cả của Thiên Chúa. Tin Mừng và tất cả tạo vật tự chúng là những bài ca tình yêu kiều diễm, là niềm vui bất tuyệt cho chúng ta.

Đã có thời, vì đặc biệt nhấn mạnh đến việc xướng hát của linh mục trong phụng vụ, chỉ những người được đào tạo tốt về mặt này mới được truyền chức linh mục. Rất may, tôi không rơi vào cái thời như thế – nếu không, chắc hẳn tôi đã gặp không ít rắc rối. Dù sao, trong tình trạng mất tiếng nói của mình hiện nay, tôi vẫn rất yêu âm nhạc. Âm nhạc của Beethoven, Mozart, Handel và Bach đem lại cho tôi những nguồn cảm hứng sâu xa, vì những tác phẩm ấy – cũng như âm nhạc chuyên biệt phụng vụ ngày nay – vừa là kết tinh vừa là sự diễn tả trái tim sáng tạo của Thiên Chúa. Âm nhạc là tin mừng và là lời cầu nguyện trác tuyệt luôn luôn có sức nâng tâm hồn tôi bay bổng.

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Trong toàn bộ cuộc sống của mình, các linh mục cần phải trở thành những bài ca ngợi khen đích thực, mời gọi mọi người dâng lời ca ngợi bất tận lên Thiên Chúa. Dù gặp phải cảnh ngộ nào trong cuộc sống, chúng ta vẫn có hàng ngàn lý do để vui mừng ca tụng và tạ ơn Ngài.

nhà chữa trị  

Trong nhiều tôn giáo, nhất là những tôn giáo sơ khai, tư tế cũng đồng thời là thầy thuốc, dù đó là nam hay nữ. Sự thánh thiện rút ý nghĩa của nó ra từ sự lành mạnh,[1] và như vậy hai từ ngữ trên có quan hệ hỗ tương mật thiết với nhau. Một cách vô song, Đức Giê-su Kitô vừa là Đấng Mạc Khải vừa là Nhà Chữa Trị – là Người Tôn Thờ hoàn hảo của Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ và Nhà Chữa Trị duy nhất của mọi người và mọi tạo vật.

Nhờ chính sự hiện diện của Ngài, nhờ tình yêu và lòng nhân hậu tuyệt đỉnh của Ngài, nhờ sự tín nhiệm và niềm hy vọng đầy sức cảm kích thể hiện trong các mối quan hệ của Ngài, Đức Giêsu phát tỏa ra và thông truyền sự lành mạnh hiểu trong mọi ý nghĩa của từ ngữ này. Ngài chữa trị bằng một cách thế mà những kẻ được chữa trị sẽ dâng lời ca ngợi Thiên Chúa và – đến lượt mình – họ mang niềm hy vọng tới cho người khác. Trong toàn thể con người mình và một cách vô điều kiện, Đức Giêsu là Tin Mừng sống động của sự chữa trị.

Trong khi không phải mọi linh mục đều phải trở thành những nhà tâm lý trị liệu chuyên nghiệp hoặc trở thành những bác sĩ y khoa, thì các ngài vẫn cần phải có một sự thấu hiểu sâu xa về những yếu tố làm nên sự lành mạnh toàn vẹn của con người, cũng như phải nhận hiểu những gì có sức hỗ trợ cho các mối quan hệ lành mạnh.

Các nhà thần học luân lý có bổn phận kiểm tra mọi quan điểm và giáo huấn luân lý để xem chúng có giúp thăng tiến sức khỏe, sự lành mạnh và sự chữa trị hay không, trong khi vẫn luôn trung thành phản ảnh khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Cũng thế, các chuyên viên giáo luật được ủy thác sứ mạng kiểm tra việc xây dựng bộ giáo luật để xem nó có thăng tiến các cơ cấu và các mối quan hệ lành mạnh có sức chữa trị hay không. Hơn nữa, các nhà giáo luật có trách nhiệm cảnh báo đề phòng việc sử dụng luật theo chiều hướng gây ra sự mất lòng tin lẫn nhau, gây ra những mặc cảm tự tôn và các hệ quả tiêu cực khác.

Trong việc chọn lựa các ứng viên có tiềm năng cho chức linh mục, cần phải dành quan tâm thích đáng đến sự lành mạnh tâm lý nói chung và đến khả năng của ứng viên trong việc khai mở và dưỡng nuôi những mối quan hệ tín nhiệm nhau giữa người với người. Điều quan trọng là các linh mục và chủng sinh phải đầy tràn niềm vui trong Chúa và có một tâm hồn lạc quan, thể hiện nơi tình yêu đối với mọi người. Đây là những nhà chữa trị đích thực, dù không phải lúc nào họ cũng cho thấy rõ ràng điều này trong sứ vụ của họ.

người ngôn sứ

Các linh mục tốt lành không một cách tự động có đặc sủng giải mã các biến cố tương lai, nhưng là trong mối hiệp nhất với các tín hữu, chắc chắn họ phải học để biết cách diễn dịch những “dấu chỉ của thời đại”. Điều này có thể được thực hiện qua việc không ngừng tập chú trước hết đến những dấu hiệu đầy khích lệ về sự hiện diện của Thiên Chúa và, trong mức độ thích đáng, qua việc chú trọng đến các dấu chỉ có tính báo động. Những ai chủ yếu chú ý tới những lộn xộn trục trặc sẽ có nguy cơ biến thành “những ngôn sứ của thời cuối cùng” – đối nghịch hoàn toàn với bổn phận của người linh mục là rao giảng tin mừng của Đức Kitô Cứu Độ. 

Con người ngôn sứ có một nhãn quan toàn diện, họ không bị lún vào những chi tiết nhỏ. Họ là những con người biện phân các biến cố hiện tại, bày tỏ niềm biết ơn đối với những tốt đẹp của quá khứ, và đảm nhận trách nhiệm về tương lai. Trước hết, những con người ngôn sứ ở giữa chúng ta là những con người hoàn toàn sẵn sàng để nắm bắt các cơ hội mới (những khoảnh khắc kairos) đem lại niềm hy vọng tươi sáng hơn cho con người. Con người ngôn sứ không bao giờ dung túng mối kết hợp ma quỉ của “nếu’ và “nhưng”. Chính sự qui phục sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa sẽ trao cho người ngôn sứ sự sáng suốt đặc biệt để nhận định những gì đang xảy ra ở đây và bây giờ và để biết rõ phải làm gì. Người ngôn sứ chia sẻ nhãn quan lành mạnh của mình cho người khác và tác động người khác bằng năng lực sáng tạo của mình.

Các ngôn sứ qua mọi thời đại đã lay động lương tâm tập thể và cá nhân của chúng ta và vạch rõ những cám dỗ tinh vi và giấu ẩn. Tuy nhiên, đặc sủng vén mở những gì xấu xa và nguy hiểm chỉ có được dồi dào trong mức độ mà nó cắm rễ trong sự đón nhận với lòng biết ơn về tất cả những điều tốt lành được ban cho chúng ta, đặc sủng này cũng có thể được nhân lên bởi chính chúng ta.

hối nhân thánh thiện 

Trên con tàu của ơn cứu độ, Phê-rô được vây quanh bởi những hối nhân thánh thiện mà ông kính phục sâu sắc. Nhiều người đã sa ngã không nghiêm trọng như ông, và chính Phê-rô hẳn cũng nhìn nhận rằng họ vượt qua ông cả về lòng khiêm nhường lẫn về thái độ ăn năn thống hối.

Karl Rahner nói rằng Giáo Hội thánh thiện trong mức độ mà Giáo Hội là một hối nhân thánh thiện. Điều này cũng áp dụng cho các linh mục. Nếu chúng ta tự cho mình là công chính và tự mãn về những thành tích của mình, chúng ta vẫn còn đứng trên đỉnh đống phân cao ngạo, và tiếng gà gáy cho Phê-rô – trước khi ông sám hối – cũng gáy cho cả chúng ta nữa.

Con số ngày càng tăng các linh mục sa ngã về đức khiết tịnh ngày nay đã gây cho Giáo Hội nhiều khổ sở và – trong nhiều trường hợp – đã tạo ra gương xấu cho các tín hữu cũng như cho những người không tin. Chẳng hạn, việc dư luận tố cáo ầm ĩ về những xì căng đan tình dục với trẻ em ngày hôm nay không chỉ làm tổn thương đến các nạn nhân bị lạm dụng, vốn rất đông đảo, mà còn làm tổn thương đến các linh mục tốt phải bị điều tra nhũng nhiễu. Tuy nhiên, tôi muốn khích lệ các linh mục đã lỡ sa ngã về đức khiết tịnh, dù sa ngã trong trường hợp nào đi nữa, hãy nhìn ngắm và bắt chước mẫu gương của các hối nhân thánh thiện. Đồng thời, chúng ta đừng bao giờ quên rằng dù tội lỗi về khiết tịnh có kinh khủng đến mấy, thì vẫn có nhiều dạng sa ngã khác - không kém trầm trọng hơn và không kém tàn phá hơn - cần được chúng ta ý thức và hoán cải không ngừng trong cả đời mình.

Vào thời mà luật buộc tất cả các linh mục địa phận phải tĩnh tâm ít nhất hai năm một lần, một linh mục đã đến gặp tôi và tâm sự: “Thưa cha, việc xưng tội còn có ý nghĩa gì cho con nữa, khi mà con biết rằng tình trạng của mình đã hoàn toàn hết hy vọng rồi? Con đã phạm hình như hết mọi thứ tội liên quan đến Điều Răn Thứ Sáu!” Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi tốt đẹp và cặn kẽ với nhau. Tôi kết luận rằng nếu ước mơ của anh ta không gì hơn là trở thành một kẻ giữ luật một cách xoàng xoàng như bao kẻ xoàng xoàng khác, thì tôi không có mấy hy vọng đặt nơi anh. Đàng khác, tôi nói: “Anh còn một chọn lựa khác nữa: Anh có thể trở thành một vị thánh!” Anh ta rất đỗi ngạc nhiên, và trong ràn rụa nước mắt, anh trả lời tôi: “Thưa cha, với ơn Chúa giúp, con sẽ cố gắng!” Trong nhiều năm, anh vẫn giữ liên lạc với tôi – và kỳ thực, nhờ ơn Chúa, anh đã triệt để đổi đời. Thỉnh thoảng, anh viết cho tôi những giòng này: “Vâng, thưa cha, mọi sự đang diễn tiến tốt đẹp cho con, bao lâu con còn can đảm sống đời sống của một hối nhân thánh thiện.” Và dĩ nhiên, trong các cuộc trao đổi giữa chúng tôi, chúng tôi thường đề cập đến những cách thế mà trong đời sống hằng ngày mình có thể chứng tỏ rằng mình là một hối nhân thánh thiện. Nhiều năm sau nữa, anh bạn linh mục ấy khẩn thiết nói với tôi: “Cha nên kể lại sự thật đầy thách đố đã biến đổi đời con này cho tất cả những ai trong hoàn cảnh tương tự.” Và, bạn đọc thân mến, tôi đã kể cho bạn đấy.

Một lần khác, tôi ghé thăm một linh mục vừa bị kết án hai năm tù về tội khai man trước tòa. Số là anh ta đã thề mà chối tội dụ dỗ và lạm dụng tình dục một đứa trẻ. Tôi trao cho anh sứ điệp hy vọng: “Anh hãy quyết định đi! Anh có thể nên thánh đấy. Song, sẽ chẳng thể có chút hy vọng nào cho anh, nếu anh chỉ nhắm làm một con người tà tà loại thường.” Trong thời gian chấp hành án tù, với lòng khiêm tốn và tốt bụng của mình, anh đã thật  sự trở thành một tông đồ cho các bạn tù của anh. Về sau, anh được cử đi làm mục vụ ở nước  ngoài, và vị giám mục của giáo phận đó – vốn nắm hiểu tất cả những gì đã xảy ra – đã trao cho anh một cơ hội khác. Nhiều năm sau nữa, tôi có dịp gặp một số tín hữu thuộc giáo xứ anh. Không biết gì về quá khứ của cha sở mình, họ trầm trồ rằng cha sở của họ là một mục tử thánh thiện, một mục tử khiêm nhường và có đời sống cầu nguyện thâm sâu, một mục tử sống đời sống giản dị đơn sơ tận cùng.

Tôi nghĩ đến tất cả những linh mục được xem là hoàn toàn gãy đổ trước con mắt của nhiều người. Sự hiện diện và sức mạnh của Thiên Chúa vẫn luôn luôn có sẵn cho các linh mục ấy, nếu họ biết tích cực đón nhận Ngài và quyết tâm phấn đấu để trở thành một hối nhân thánh thiện. Nếu họ có thể thành thật dứt khoát chọn lựa sự đổi đời, và nếu – trong tiến trình đó – họ được giúp đỡ bởi một người bạn đầy quan tâm khích lệ, họ hoàn toàn có thể thành công. Hơn nữa, trong cuộc phấn đấu để hoàn thiện bản thân, họ chuyển tải cho tất cả chúng ta chân lý thâm sâu rằng Giáo Hội chỉ thánh thiện trong mức độ các phần tử trong Giáo Hội là những hối nhân thánh thiện.

Tôi cũng nghĩ đến các linh mục khác – những linh mục mà chính niềm quyết tâm muốn phấn đấu trở thành một hối nhân thánh thiện đã dẫn họ tới chỗ khiêm tốn quyết định trở về bậc sống giáo dân. Chỉ có Chúa mới biết rõ về vô số “cựu linh mục” đã trở thành những mẫu gương sống động tuyệt vời qua lòng khiêm nhường và nhiệt tâm của họ.

Tác giả: Lm Giuse Lê Công Đức (Nguyên tác : Lm. BERNARD HARING, C.SS.R.)

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!