Và cầu nguyện cho TGP. Huế
17/11/2021
Dịp Tĩnh Tâm Năm Linh Mục Huế
tại Lavang
Lễ Đức Mẹ Lavang BĐ 1: 2Mcb
7,1.20-31; PA: Lc 1,39-56
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3no2qdK
Nguồn TGP Huế
Kính thưa Cộng đoàn Phụng Vụ,
Hôm nay, chúng ta dâng
lễ kính Đức Mẹ Lavang, cầu nguyện cho TGP. Huế thân yêu và đặc biệt mừng lễ Kim
Khánh Linh Mục của một người anh em của chúng ta, là Cha Stanislaô Nguyễn Đức
Vệ, chịu chức linh mục năm mới 27 tuổi. Như người nghệ sĩ hay một công trình sư
khi hoàn thành một tác phẩm thì đứng lùi lại đủ xa để ngắm nghía, kiểm tra, hầu
chỉnh sửa những chỗ chưa vừa ý, ước mong có một kiệt tác tuyệt vời; Cha Vệ cũng
nhìn lại hành trình 77 năm cuộc đời và 50 năm linh mục của mình. Trong cái nhìn
lại đó, giống như Đức Mẹ vui mừng ca tụng mọi kỳ công Chúa đã thương làm cho
mình trong Kinh Magnificat, cái nổi bật
trước mắt Cha Vệ là Thánh Ý Nhiệm Mầu và Tình Yêu của Thiên Chúa, cùng Lòng Vâng
Phục và Biết Ơn Hân Hoan của Mình, qua mọi biến cố của cuộc sống làm
người, làm con Chúa, nhất là làm linh mục của Chúa.

Quả vậy, Cha Vệ là
con cả trong một gia đình đông đúc với 11 người con, 5 trai 6 gái của Ông Bà Cố
Dương, vốn là Cựu Chủng Sinh Huế, nên ơn gọi của Cha Vệ được nhiệt liệt ao ước
và chăm sóc tận tình từ thuở ấu thơ, với sự trợ giúp của linh mục nghĩa phụ trẻ
trung, nhiệt thành năng động, là Cha Giuse Đổ Bá Ái, cũng chịu chức linh mục
năm 27 tuổi; hiện ngài đã 97 tuổi đang hưu dưỡng tại Giáo phận Nha Trang, và năm
nay cũng mừng 70 năm linh mục. Thật là tuyệt vời và hiếm có hai bố con đều sống
thọ và có những điểm đặc biệt như vậy. Nhờ môi sinh và hoàn cảnh sống tốt đẹp
đó của gia đình, như bà mẹ của gia đình Macabêô đã can đảm khôn ngoan khuyên
dạy 7 người con bằng lòng chấp nhận cái chết để trung thành với Luật Chúa, từ
ngày tu học ở Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, rồi TCV Hoan Thiện và Trường Thiên Hữu,
chú Vệ sớm tỏ ra nhiều khả năng và tố chất khả dĩ bảo đảm cho một ứng viên linh
mục, nên khi vừa mãn lớp Première (Tú Tài I), đã được Bề Trên Giáo Phận chọn lên
học Giáo Hoàng Học Viện Đà-Lạt, nơi dành cho các chủng sinh ưu tú của các giáo
phận Miền Nam Việt Nam, nhằm chuẩn bị nhân sự cốt cán tương lai của Giáo Hội
Việt Nam. Ngày 18.12.1971, Thầy Vệ được thụ phong linh mục, cùng với Cha bạn Lê
Công Mỹ (hôm nay vắng mặt, chúng ta cầu nguyện nhiều cho ngài). Cha Vệ tốt
nghiệp Cử Nhân Thần Học và được sai về dạy Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện đến 1975.
Từ 1975, làm quản xứ Tây Linh, Gia Hội và Tân Thủy.

Nhờ môi trường
sống, môi trường được đào tạo và môi trường thi hành sứ vụ đào tạo, Cha Vệ ngày
càng trở nên điềm đạm, kín đáo, tín cẩn, có chiều sâu nội tâm, được quí mến tin
cậy. Bằng chứng là Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền đưa ngài vào Ban Tư Vấn
khi tuổi còn khá trẻ và cho tham dự vào một số sự kiện đặc biệt. Khi ĐHY Giuse
Maria Trịnh Văn Căn làm Giám Quản Tông Tòa TGP. Huế, Ngài đã chọn cha Vệ làm
ứng viên Giám Mục Huế. Và khi Đức TGM Têphanô Nguyễn Như Thể cai quản TGP Huế, Ngài
cũng đã tin tưởng chọn Cha Vệ làm Tổng Đại Diện cho mình. Trong thời gian 8 năm
làm TĐD (1997-2005), cha Vệ tương tác phục vụ đắc lực mọi thành phần Dân Chúa
khắp các giáo xứ và Dòng Tu trong giáo phận, đã tổ chức rất thành công hai đại
lễ mang tính quốc gia và giáo phận, đó là Năm Thánh 200 năm Đức Mẹ Hiện Ra tại
Lavang và Năm Thánh 150 năm thành lập TGP. Huế. Tạ ơn Chúa. Khi thôi chức TĐD
thì nhận Quản xứ Nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam và Hạt Trưởng Hạt Thành Phố Huế
(2007-2008). Rồi tuy mới 66 tuổi, ngài bị bệnh phải đi Saigòn chữa mấy tháng và
vì vấn đề sức khỏe, cha Vệ về hưu dưỡng tại Nhà Chung Huế cho đến bây giờ.
Theo gương Cha Bố Giuse
Đỗ Bá Ái quảng đại nuôi dưỡng ơn gọi, gầy dựng được 5 linh mục nghĩa tử, Cha Vệ
có 4 nghĩa tử linh mục, 7 nghĩa tử nữ tu, và từ các nghĩa tử linh mục của mình,
Cha Vệ đã có đến 7 cháu linh mục, và còn nhiều ứng sinh nam nữ tiềm năng. Đúng
là cha nào con đó! Ngoài di sản nhân sự ấy, Cha Vệ cũng để lại một di sản tinh
thần lớn lao gồm 18 cuốn sách đủ loại, trong đó có ba cuốn về nhân thân, lịch
sử tác vụ và nhiệm sở của các linh mục giáo phận Huế. Chúng ta cũng nên đọc mấy
cuốn sách này để thêm hiểu biết đời sống, sứ vụ, thành công, thất bại của anh
em linh mục để cảm thông nâng đỡ, cầu nguyện và thêm bài học kinh nghiệm cho
mình. Cuốn sách nổi trội nhất là cuốn tổng hợp các bài giảng trong suốt hành
trình dài đời linh mục, nhất là những năm làm TĐD, với tựa đề CHO HIỂN VINH DANH NGÀI, để Mừng Kim
Khánh Linh Mục (1971-2021), mà mỗi người chúng ta đều được biếu tặng một cuốn
làm kỷ niệm.
Người ta thường nói
Kim Khánh xong là tới kim tĩnh, nghĩa là đi dần tới cái chết, nhưng Cha Vệ vẫn
khỏe mạnh yêu đời. Thật ra chỉ hai chân yếu đi không vững, chứ tinh thần rất
minh mẫn, không ngừng làm việc trí thức, đã giúp dạy Học viện Liên Dòng, và
hiện nay vẫn ngày ngày dịch đưa lên mạng xã hội những bài suy niệm phụng vụ chư
thánh, giúp cho đời sống đức tin của tín hữu thêm tăng triển.
Tạ ơn Chúa, nhân dịp lễ Tạ ơn Kim Khánh
Linh Mục của Cha Vệ, chúng ta có cơ hội nhìn lại những điểm mốc thời gian quan
trọng trong cuộc đời và sứ vụ linh mục của mình, để nhìn lại quá khứ, thẩm tra hiện tại và
canh tân hướng về tương lai, nhằm bảo vệ
và sống cao độ sứ vụ linh
mục, ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.
Trước hết là Ngày Được
Thụ Phong Linh Mục, thời điểm quyết định, vì nếu không có ngày này thì
chẳng có ngày nào khác tiếp theo, đặc biệt là Ngân Khánh, Kim Khánh hay Ngọc
Khánh Linh Mục. Chính từ ngày này, chúng ta trở nên hiện thân của Chúa Kitô, sống
thánh thiện đời độc thân khiết tịnh, vâng phục Đấng Bản Quyền, sống chan hòa tình
huynh đệ bí tích với các linh mục khác, tận tình chăm sóc đoàn chiên được trao
phó, trong mối hiệp thông thắm tình giữa các thế hệ linh mục, như Công Đồng
Vaticanô II dạy: “Các linh mục nhiều tuổi hãy đón nhận
những linh mục trẻ như những người em thực sự, giúp đỡ họ trong những công tác
và gánh nặng đầu tiên của sứ vụ linh mục; gắng hiểu tâm trạng của họ và theo
dõi các dự tính của họ với thiện chí. Còn các linh mục trẻ phải biết kính trọng
tuổi tác và kinh nghiệm của các vị lớn tuổi; bàn hỏi với các ngài và sẵn lòng
cộng tác với các ngài trong việc chăm sóc các linh hồn”. (Vat. II, Presbyterorum Ordinis, số 8).
Rồi tiếp đến là Ngày Kỷ Niệm Thụ Phong Linh Mục. Nhiều người trong chúng ta đã làm một
việc rất tốt là kỷ niệm hằng năm Ngày Thụ Phong Linh Mục. Chớ gì không chỉ là
lễ lạc, quà cáp vui tươi bên ngoài, nhưng sống đầy đủ ý nghĩa nội tâm sâu xa và
tầm quan trọng của ngày đó, trong việc nhìn lại quá khứ thăng trầm một năm qua, thẩm tra điều
chỉnh cuộc sống hiện tại và dự phóng canh tân hướng về tương lai, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tình cảm tính dục trong Giáo Hội và Xã
Hội, để ngày càng trở nên linh mục đích thực hơn như Chúa và Giáo Hội mong ước,
và mình đã cam kết ngày thụ phong. ĐTC Phanxicô nói: “Tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm trong cuộc sống, nhưng điều quan
trọng là không ở lại trong sự sai lầm, và đừng nằm lì trên mặt đất khi bị ngã
xuống. Việc đứng dậy cũng phải nhờ người giúp. Nhiều
khi trong cuộc đời, chúng ta tìm thấy một bàn tay giúp chúng ta đứng dậy: chúng
ta cũng phải làm điều đó với người khác, bằng kinh nghiệm mình có. Hãy sử dụng
những gì chúng ta đã trải qua để tạo ra những điều tốt đẹp thực sự. (https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-10/dtc-phanxico-gap-nhom-tu-nhan.html
)
Để có độ
lùi đủ dài và nhiều dữ kiện cụ thể cho việc kiểm
điểm quá khứ, thẩm tra điều chỉnh hiện tại và dự phóng hoán cải canh tân tương
lai, nhiều anh em lên kế hoạch mừng ra mừng, kỷ niệm thụ phong 5 năm, 10
năm, 15 năm, 20 năm, trước khi tới được Ngân Khánh, Kim Khánh và họa hoằn Ngọc
Khánh hay 70 năm Linh Mục như cha già Ngọc, cha già Ái.
Kính thưa
Cộng Đoàn Phụng Vụ,
Hôm nay,
trong tinh thần Thượng Hội Đồng XVI vừa khai mạc và chủ đề tĩnh tâm Giáo Hội Hiệp Hành: Hiệp Thông-Tham Gia và Sứ
Vụ, cầu nguyện cách riêng cho Tổng Giáo Phận Huế thân yêu, mà thành phần cốt cán xây dựng giáo phận
là các linh mục, chúng ta xem đến hai mối hiệp thông giúp chúng ta có một đời
linh mục lành thánh và bình an.
Trước hết là
hiệp thông với Bề Trên, như Pastores Dabo Vobis dạy:
“Không có thừa tác vụ linh mục ở ngoài sự
hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giám mục đoàn, đặc biệt với Giám mục Bản Quyền giáo phận, trong lòng tôn kính như con
thảo và sự tuân phục đã hứa khi thụ phong” (PDV. 28; LG. 28; PO 7,15; GL 245,2). Bộ Giáo Sĩ thêm: “Chính đức ái mục tử thúc đẩy các linh mục biết hy
sinh ý riêng để vâng lời phục vụ Chúa và anh em, lấy tinh thần đức tin mà đón
nhận và thi hành các mệnh lệnh cũng như lời khuyên dạy của ĐGH và ĐGM của mình,
cùng các đấng Bề trên khác, hoàn toàn sẵn lòng tự hiến hết mức trong mọi chức
vụ được giao phó, dù là chức vụ hết sức thấp kém nghèo hèn”. (Kim Chỉ Nam 2013, số 56,7).
ĐTC
Biển Đức XVI nói: “Không ai có khả năng chăn dắt
đoàn chiên của Chúa, nếu không sống sâu xa và đích thực sự vâng lời Chúa Kitô
và Giáo Hội: Sự ngoan ngoãn của Dân Chúa đối với linh mục tùy thuộc sự ngoan
ngoãn của linh mục đối với Chúa Kitô. Do đó, phải luôn có sự gặp gỡ cá nhân và
liên lỉ với Chúa, hiểu biết sâu đậm và nên một với ý muốn của Chúa”. Và Thánh Giáo Hoàng Cơ-lê-men-tê I dạy: “Cấp trên không thể đứng vững nếu không có cấp dưới, ngược lại cấp dưới
cũng chẳng là gì nếu không có cấp trên. Mọi cấp bậc phải hoà hợp với nhau, như
thế mới có lợi. Chúng ta cũng hãy xem ví dụ về thân thể. Ðầu mà không có chân
thì chẳng là gì cả, chân không có đầu cũng vậy. Các bộ phận nhỏ nhất trong thân
thể chúng ta cũng đều cần thiết và có ích cho toàn thân, hơn nữa, tất cả đều
hoà hợp và cùng hướng về một mục tiêu là làm cho toàn thân được mạnh khoẻ”.
(Trích thư của thánh Cơ-lê-men-tê I,
giáo hoàng, gửi tín hữu Cô-rin-tô. Bài đọc 2 Kinh Sách Thứ Sáu Tuần IV - Mùa
Phục Sinh).
Tuy nhiên trong thực tế, đức
vâng lời không luôn luôn dễ dàng, nên Thánh Maximilianô Maria Kônbê nói: “Thiên Chúa là Đấng vô cùng khôn ngoan
thượng trí, Người biết rõ chúng ta phải làm gì để Người được thêm vinh quang,
nên đã bày tỏ ý muốn của Người cho chúng ta, nhất là qua những vị đại diện của
Người trên trần gian. Vì vậy, chính sự vâng phục, và chỉ có sự vâng phục mà
thôi, mới cho ta biết chắc ý muốn của Thiên Chúa. Thật ra bề trên cũng có thể
lầm lẫn, nhưng không thể có chuyện chúng ta sống theo đức vâng phục mà lại vấp
phải sai lầm. Một ngoại lệ duy nhất chúng ta không phải vâng phục khi bề trên
truyền làm một điều rõ ràng vi phạm luật Chúa, vì lúc đó, bề trên không còn là
người chuyển đạt ý Chúa một cách trung thực nữa” (Trích Thư thánh M.M. Kônbê
– Bài đọc 2 lễ ngày 14.8). Còn Thánh
Inhaxiô Antiôkia khẳng định: “Chúng ta phải thật tình vâng lời không chút giả dối, vì
nếu ai lừa dối thì không phải là lừa dối vị Giám mục hữu hình này, nhưng là cố
tình lường gạt vị Giám Mục vô hình. Bất cứ hành động nào như thế, không chỉ
liên quan đến con người xác thịt, mà còn liên quan đến Thiên Chúa, Đấng thấu
suốt những điều ẩn giấu... Một số người nhắc đến tên Giám mục, nhưng làm mọi sự
như không có Giám mục. Đối với tôi, lương tâm những người như thế không tốt”. (Trích thư của thánh
I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo, gửi giáo đoàn Ma-nhê-xi-a- Bài đọc
2 Kinh Sách CN XVI TN)
Thứ hai là hiệp thông với các anh
em linh mục khác. “Chúng ta được kêu gọi
trở nên khuôn mẫu cụ thể của cộng đoàn có khả năng sống tương quan huynh đệ,
nhờ biết nhìn nhận phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ân huệ mà mỗi người đã
lãnh nhận” (ĐTC Phanxicô nhắc nhở). “Điều quan trọng là các linh mục
không sống cô lập, nhưng hiệp thông với nhau, nâng đỡ nhau và nhờ đó cảm nghiệm
về việc cùng nhau phục vụ Chúa Kitô trong sự từ bỏ vì Nước Trời” (ĐTC Biển Đức XVI nói).
Là linh mục, điều quan trọng
là chúng ta nên có những bạn linh mục, bởi khi cùng chia sẻ với các bạn linh
mục khác và luôn gắn bó với họ, chúng ta mới thật sự và trọn vẹn là chính mình.
Thật là một phúc lành khi có những phút giây quên đi những gánh nặng và ở bên
những anh em thân yêu của mình, mà không có chút gì là mưu mẹo hay khó xử. Cần
được báo động về việc một số linh mục không thích các linh mục khác, và cũng
không cảm thấy thích thú gì khi có dịp quy tụ lại với nhau. Đó là điềm báo
trước không mấy tốt lành cho những linh mục đó.
Linh mục có bạn bè linh mục thì cuộc sống sẽ vui hơn; nhưng khi linh mục
không bạn bè với ai, dẫu có được xem là ông thánh đi nữa, thì cũng là một ông
thánh buồn và đáng buồn. Sống khép kín cô đơn cũng là một loại bệnh và cách
chữa hiệu quả chính là tình bằng hữu chân thành. Chạy qua chạy lại thăm hỏi anh
em sẽ giúp giải tỏa được nỗi cô đơn đó, lại tăng thêm uy tín cho nhau trước mặt
giáo dân, cũng như xã hội và chính quyền: Đàng sau linh mục X., linh mục Y. là
cả tập thể linh mục có tiếng nói và ảnh hưởng. Kim Chỉ Nam Linh Mục lưu ý các
linh mục hãy cố gắng tránh sống lẻ loi và chủ quan, phải cố gắng kiến tạo sự
hiệp thông bằng cách cho đi và nhận lãnh từ giữa các anh em linh mục với nhau,
biểu lộ những hình thức tương tác tinh thần cũng như vật chất đa dạng, cách đặc
biệt với những anh em đang gặp khó khăn vật chất cũng như tinh thần.
ĐTC Phanxicô khích lệ: “Sứ mệnh
mà chúng ta được kêu gọi bước vào không miễn thứ cho chúng ta khỏi đau khổ, đau
đớn và thậm chí bị hiểu lầm. Đúng hơn, nó đòi hỏi chúng ta phải đối đầu với
chúng một cách thẳng thừng và chấp nhận chúng, để Chúa có thể biến đổi chúng và
làm chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với chính Người” (http://vietcatholic.org/News/html/251627.htm)
. “Mối quan hệ huynh đệ bao hàm việc chấp nhận những khác biệt và xung khắc. Có
những lúc cuộc sống huynh đệ gặp khó khăn, nhưng nếu không có tình huynh đệ thì
sẽ không thể sinh hoa trái”. (http://www.hdgmvietnam.org/tiep-cac-be-tren-tong-quyen-duc-thanh-cha-thong-bao-nam-2015-la-nam-doi-song-thanh-hien/5605.57.7.aspx
)
Sau cùng, con xin hết lòng cám ơn Đức Tổng Giuse đã cho phép Cha Vệ mừng và
mời con giảng lễ Kim Khánh Linh Mục của ngài trong tuần tĩnh tâm năm của linh
mục đoàn Huế, và con cũng có dịp chia sẻ đôi điều về đời sống và sứ vụ linh mục.
Con xin cám ơn hai Đức Tổng, Đức Cha Giảng Phòng, Cha TĐD, Cha ĐDGM, Quí Cha Hạt Trưởng và tất cả Quý Cha đã chịu khó lắng nghe. Con cũng xin lỗi vì bài giảng lễ
hơi dài một chút. Xin Chúa và Mẹ Maria Lavang chúc lành cho tất cả chúng ta.
Amen.