Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Trần Minh Huy, pss
Bài Viết Của
Lm. Trần Minh Huy, pss
Tác phẩm: Thương cho đến cùng – Đời linh mục thừa tác
Bài Giảng LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC Cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ
TRƯỚC ĐAU KHỔ VÀ THIỆT HẠI VÌ CÁC TỆ NẠN LẠM DỤNG, GIÁO HỘI VỮNG TIN VÀO CHÚA VÀ QUYẾT TÂM XÂY DỰNG TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN
Bài giảng LỄ AN TÁNG CHA LOUIS NGUYỄN VĂN BÍNH (Huế - Ngày 30.08.2021)
TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN TOÀN DIỆN & CÁC MỐI HIỆP THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC HÔM NAY
BÀI GIẢNG LỄ KÉO NGƯỜI TA LẠI GẦN HAY ĐẨY NGƯỜI TA RA XA CHÚA VÀ GIÁO HỘI?
LỄ TẠ ƠN CỦA TÂN LINH MỤC MARTINÔ HỒ ĐÌNH HẢI - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ngày 8/6/2018 tại Gx. Hương Lâm
LỄ KIM KHÁNH KHẤN DÒNG NỮ TU AGATA VÕ THỊ TRÚC Tại Tu Viện Phủ Cam sáng 16/6/2018
Thuyết Trình: YÊU NHAU, MÃI CÒN YÊU và THÊM YÊU
ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY
CÁC BẠO VƯƠNG HERODE THỜI ĐẠI MỚI (LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI, BỔN MẠNG CÁC CHÁU SƠN CA Ngày 28/12/2017)
HÃY CỨU LẤY VÀ BẢO VỆ GIA ĐÌNH CÙNG TRẺ THƠ
CHÚA GIÊSU ĐÃ THỰC SỰ SINH RA CHO CHÚNG TA CHƯA?
HÔN NHÂN VÀ SỰ SỐNG (Giới Trẻ Thanh Đức 20/9/2017)
 Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục
VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG HUYNH ĐỆ ĐỂ SỐNG HIỆP THÔNG LINH MỤC
GIẢNG LỄ TẠ ƠN 45 NĂM LINH MỤC
LỄ KIM KHÁNH HÔN PHỐI
GIẢNG LỄ THANH SINH CÔNG TẠI LAVANG (Ngày 21/6/2017)
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY - Thường Huấn Linh Mục Xuân Lộc 2-3/5/2017
BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ
QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN TRONG QUAN HỆ NAM NỮ
Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương
NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY
ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO - NHÂN BẢN KITÔ GIÁO và ĐỜI TU
MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi
TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY
Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu
BÍ TÍCH GIẢI TỘI, PHƯƠNG THẾ TỐI ƯU ĐỂ SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG
LINH MỤC SỐNG VÀ THỰC THI MỤC VỤ LÒNG THƯƠNG XÓT
Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016
GIỚI TRẺ HƯƠNG PHÚ SỐNG VÀ THỰC THI NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT - Lại Ân, ngày 4 Tết Bính Thân
XIN LỖI VÀ THA THỨ
NGHI THỨC SÁM HỐI CỘNG ĐỒNG (Sinh Viên Di Dân Thánh Tâm Tĩnh Tâm Mùa Vọng)
Đối mặt với các thách thức trong đời sống và sứ vụ Linh Mục của chúng ta hôm nay
SỐNG TRIỆT ĐỂ NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN (Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan - Tĩnh Tâm Năm 5-15/8/2015)
ĐTC MONG ĐỢI GÌ NƠI CHÚNG TA TRONG NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN ?
SỐNG HIỆP THÔNG VỚI CÁC LINH HỒN

ĐCV. Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình

Tĩnh Tâm Tháng 11/2012

 

1. Dẫn Nhập: Mầu nhiệm các thánh thông công

Chúng ta đã bước vào Năm Đức Tin với Tông Thư “Cánh Cửa Đức Tin” nhằm giúp khám phá lại hành trình đức tin trước cuộc khủng hoảng hiện nay. Chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các thánh Tông đồ “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công,” và Giáo Hội dạy chết không phải là chấm dứt, nên chúng ta không chấm dứt các mối tương quan với những người đã qua đời. Thật thế, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) dạy: “Nhận biết đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, “vì cầu nguyện cho người chết để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một ý nghĩ lành thánh” (2 Mac 12,46)… Thánh Công Ðồng kính cẩn đón nhận niềm tin cao trọng của tiền nhân trong việc hiệp thông sống động với các anh em được hiển vinh trên trời hay còn phải tinh luyện sau khi chết.[1] 

Còn sách GLGHCG lại dạy “Người Kitô hữu không đơn độc khi cố gắng thanh luyện khỏi tội lỗi và thánh hóa bản thân nhờ ơn Chúa: ‘Trong Ðức Kitô và nhờ Ðức Kitô, mỗi con cái Thiên Chúa được liên kết một cách lạ lùng với những tín hữu khác trong sự hiệp nhất siêu nhiên của Nhiệm Thể Ðức Kitô như trong một ngôi vị nhiệm mầu’” (x. Phaolô VI, Tông hiến Giáo lý về lòng khoan dung số 5; GLGHCG số 1474). “Trong mầu nhiệm các thánh thông công, các tín hữu - những người đã về quê trời, những người còn đền tội nơi luyện ngục hay những người đang lữ hành trên trần gian này- tất cả liên kết với nhau trong tình yêu bền vững và chia sẻ với nhau những điều thiện hảo (x. Phaolô VI, Tông hiến Giáo lý về lòng khoan dung số 5). Trong sự hiệp thông kỳ diệu này, sự thánh thiện của người này ảnh hưởng trên người khác vượt xa thiệt hại do tội lỗi của một người có thể gây ra cho người khác. Vì thế, sự hiệp thông của Dân Thánh giúp cho hối nhân được thanh luyện nhanh chóng và hữu hiệu hơn [GLGHCG số 1475].  

Chúng ta thấy mối quan hệ và tình liên đới mật thiết giữa ba thành phần của Giáo Hội: Giáo Hội Khải Hoàn là các thánh đang hưởng nhan thánh Chúa trên thiên đàng, Giáo Hội Đau Khổ là các linh hồn đang được thanh tẩy trong luyện ngục và Giáo Hội Chiến Đấu là chúng ta đang dấn bước trên trần gian trong cuộc lữ hành đức tin. Các linh hồn trong luyện ngục không làm gì được thêm công nghiệp cho mình, chỉ trông nhờ vào lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng cũng may mắn là các ngài không còn làm chi thêm tội, một chỉ phải lo đền trả những gì đã làm khi còn sống. Các ngài hoàn tất giai đoạn thanh luyện nhanh hay chậm là nhờ vào lời cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, thánh lễ, Kinh Mân Côi… của người còn sống ở trần gian. Do đó, ĐTC Biển Đức XVI dạy: “Cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi là điều hết sức khẩn thiết cần phải được nhấn mạnh; nó là sự chứng thực rất đẹp về tình liên đới, lòng mến và sự trợ giúp, vươn tới bên kia rào cản của cái chết. Hạnh phúc hay nỗi bất hạnh của một người thân yêu giờ đây đã đi qua bên kia, trong chừng mực nào đó tuỳ thuộc vào việc liệu ta có nhớ đến hay quên người ấy, vốn không ngớt cần tình yêu của ta.”[2]

 

2.  Chết rồi con người sẽ đi về đâu?

Chúng ta đã bước vào tháng 11 dành riêng cầu nguyện cho những người đã chết. Thực ra, chẳng ngày nào mà chúng ta chẳng cầu nguyện cho họ, nhất là qua các thánh lễ. Nhưng tháng này, Giáo Hội muốn chúng ta sống ý thức hơn và thực hành mạnh mẽ hơn việc đạo đức này. Thật hợp thời hợp cảnh khi nhắc đến ở đây ba câu hỏi căn bản của đời người: Con người từ đâu mà đến? Làm gì trên trần gian này? Và rồi sẽ đi về đâu? Đi lên cho đến tận cùng nguồn cội, không ai dám phủ nhận Thiên Chúa Tạo Hoá đã dựng nên con người. Và theo Giáo lý mạc khải thì vì Nguyên Tội con người phải chết, vừa về thể lý vừa về thiêng liêng. Nhưng tình yêu vô biên của Thiên Chúa không bỏ rơi con người, Ngài đã sai chính Con của Ngài đến cứu độ con người, cho con người được sống và sống dồi dào,[3] với sự cộng tác của con người như thánh Augustinô cầu nguyện “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần có con cộng tác.”  

Như thế hành trình trần gian của con người sinh ra để đi dần đến cái chết (thể lý) là để cộng tác với hoạt động cứu độ của Chúa Giêsu hầu đạt tới sự sống thiêng liêng vĩnh cửu. Công cuộc cộng tác này thành công khi con người sống lành thánh hay thất bại khi con người sống tội lỗi, và “Thiên Chúa sẽ trả cho mỗi người xứng với việc đã làm khi còn sống,” vì Thiên Chúa hết lòng yêu thương, nhưng Ngài cũng rất mực công bằng như GLGHCG số 1022 dạy: “Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Ðức Kitô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện (x. Cđ. Lyon: DS 857-858; Cđ. Florence: DS 1304-1306; Cđ. Trente: DS 1820) hoặc được hưởng phúc trên trời (x. Benoit XII: DS 1000-1001; Gio-an XXII: DS 990) hoặc sa địa ngục vĩnh viễn” (x. Benoit XII: DS 1002).

 

3. Luyện ngục, cuộc thanh luyện cuối cùng

Nhiều người đã qua đời, thậm chí những người tốt nhất, sẽ không đi thẳng lên thiên đàng được, nhưng sẽ phải trải qua một ít thời gian trong luyện ngục, để được tẩy sạch các dính bén và ước muốn tội lỗi, cũng như bất kỳ tội lỗi nào mà mình đã chưa sám hối và đền trả đủ. Các linh hồn trong luyện ngục phải trải nghiệm những khổ đau dữ dội hơn bất cứ đau khổ nào chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống này. Do đó, chúng ta không muốn những người thân yêu của chúng ta phải trải nghiệm luyện ngục, cũng như không muốn chính mình đi đến đó. Vậy chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta có nhận ra rằng tất cả những hy sinh khốn khó mà chúng ta có thể làm trong cuộc sống này không là gì so với đau khổ trong luyện ngục không?  

Nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ rằng những người thân yêu của chúng ta có thể bây giờ đang ở trong luyện ngục không? Chúng ta có thực sự quan tâm đến khả năng ấy không? Có lẽ nếu khi họ còn ở trong cuộc đời này mà phải chịu rất nhiều đau khổ thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi họ chết, vì lúc đó họ được giải thoát và đau khổ của họ đã qua đi. Lẽ nào chúng ta không nhận ra rằng những lời cầu nguyện và hy sinh của chúng ta là chìa khóa để giải thoát họ. Vậy chúng ta có quan tâm sử dụng chúng không? Thật là tốt đẹp khi chúng ta nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục và làm một cái gì đó cho họ, đặc biệt cho những người chúng ta yêu thương nhất

Thương nhớ người quá cố, nhất là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình là bổn phận hiếu thảo của con người. Ao ước cho người thân mình được “nghỉ yên muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc” cũng là tâm lý thông thường. Do đó việc cầu cho người thân đã qua đời là việc cần thiết, vừa cho linh hồn người chết được cứu thoát khỏi luyện ngục, vừa cho người sống được tỏ lòng hiếu thảo đền ơn. Chúng ta không chỉ nhớ đến các thân nhân và ân nhân đã sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người về phần xác, mà cũng hãy nhớ đến các đấng sinh thành dưỡng dục chúng ta trong đức tin, đời sống thiêng liêng và đời sống ơn gọi nữa, tức các Giám mục, linh mục, các nhà đào tạo, các tu sĩ nam nữ, các giáo lý viên đã khai tâm và mở đường cho chúng ta hiểu biết, yêu mến và đi theo Chúa. Ngoài ra chúng ta cũng không được quên những người chúng ta có liên đới trách nhiệm, những người vì sự thiếu sót hay gương mù gương xấu của chúng ta mà giờ đây đang phải đau khổ trong lửa luyện ngục. Chúng ta cũng hãy nhớ đến mọi người đã ra đi trước chúng ta, nhất là các linh hồn mồ côi không được ai nhớ đến để cầu nguyện cho, dù lắm khi người thân của họ còn đầy rẫy ra đó. Các linh hồn trong luyện ngục chờ mong được ta giúp thoát ra khỏi ngọn lửa thanh tẩy, và thế nào khi về bên Chúa cũng sẽ trả công cứu giúp và cầu lại cho ta trước tòa Chúa. Những điều này không những hợp lòng người, mà còn hợp Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo.  

Quả thế, theo tình thương công thẳng của Thiên Chúa, các người đã qua đời cần có luyện ngục. Khi còn là Hồng y Giuse Ratzinger, ĐTC Biển Đức XVI đã nói: “Quan điểm của tôi là nếu luyện ngục không hiện hữu, thì chúng ta cần phải tạo ra nó” để “những người chết trong ân nghĩa Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, mặc dù chắn chắc được cứu độ đời đời, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu vào hưởng phúc Thiên Ðàng.” GLGHCG số 1030 dạy như vậy, và số 1031 giải thích: “Hội Thánh gọi việc thanh luyện cuối cùng của những người được chọn là luyện ngục. Ðiều này khác hẳn với hình phạt đời đời của kẻ bị chúc dữ. Dựa vào một số đoạn Kinh Thánh (x. 1 Cr 3,15; 1 Pr 1,7), Hội Thánh nói về lửa thanh luyện đối với một số tội nhẹ trước phán xét chung. Qua khẳng định của Chúa Giêsu ‘nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người ấy sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,31), chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác thì phải đợi tới đời sau” (x. Thánh Ghêgôriô Cả, đối thoại 4,39). 

Luyện ngục là một phúc lành lớn cho thấy tình yêu Thiên Chúa. Phần lớn chúng ta hoặc không giữ trọn các giới răn hoặc thất bại trong việc thực thi đức ái: thất bại trong thế giới này thì luyện ngục giúp thanh tẩy chúng ta nên hoàn thiện để đi vào thế giới vĩnh cửu. Như các bí tích trên trần gian cung cấp cho chúng ta một quá trình biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, luyện ngục tiếp tục tiến trình ấy cho tới khi việc chúng ta nên giống Người được hoàn tất. Cầu nguyện tích cực cho người qua đời là bổn phận đức ái của chúng ta. Chúng ta đã biết rõ rằng các linh hồn trong luyện ngục may mắn không làm chi thêm tội, chỉ phải lo đền trả theo lẽ công bằng cho đến đồng xu cuối cùng (x. Lc 12, 59), và họ cũng chẳng làm được chi thêm công phúc cho mình, chỉ trông nhờ vào sự giúp đỡ của chúng ta.

 

4.  Tiến trình việc cầu nguyện cho các linh hồn

GLGHCG số 1032 nhắc đến bổn phận bác ái cứu người chết của người sống như Kinh Thánh thuật lại: ông Giuđa Macabêô xin dâng lễ đền tội cho những người chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi (2 Mcb 12,46). Ngay từ đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong thánh lễ (x. DS 856) để một khi được thanh luyện, họ có thể hưởng nhan Thánh Chúa. Hội Thánh khuyên chúng ta bố thí, làm việc hãm mình và nhường các ân xá cho những người đã qua đời. “Chúng ta hãy nhớ đến họ và hãy giúp họ. Nếu các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha (G 1,5), thì tại sao chúng ta còn nghi ngờ là những lễ tế của chúng ta dâng lên Thiên Chúa để cầu cho người quá cố lại không đem đến cho họ một phần an ủi nào? Ðừng do dự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người đã qua đời”(x. Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài Giảng về 1 Cr 4, 5). Sau khi hoàn thành quá trình thanh luyện, các linh hồn sẽ được vào Thiên Đàng, gia nhập Giáo Hội Chiến Thắng và sẽ cầu bầu, giúp đỡ, chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta, là những kẻ đang phải chiến đấu cam go. 

Tài liệu minh nhiên đầu tiên cho thấy việc cử hành này có từ thời thánh Isidore Seville (+636, vị giáo phụ cuối cùng của các Giáo phụ Tây phương). Thánh Odilo (962-1049), là viện phụ của đan viện Cluny tại Pháp, đã đặt việc cử hành phụng vụ đối với các tín hữu đã ra đi vào ngày mồng hai tháng Mười Một… Sự tuân thủ của các các tu sĩ Biển Đức thuộc Đan viện Cluny đã sớm được thích nghi bởi các tu sĩ Biển Đức khác và bởi các tu sĩ thuộc dòng thánh Brunô được cải tổ từ dòng Biển Đức. Đức Giáo Hoàng Sylvester vào năm 1003 đã chấp thuận và khuyên thực hành. Từ nhiều thế kỷ, lễ Các Thánh đã được cử hành vào ngày đầu tháng 11, việc tưởng nhớ các linh hồn trong Luyện ngục được thiết lập vào ngày sau đó. Hai ngày lễ nối kết các vị-đang-là-thánh với các vị gần-như-là-thánh. 

Ngày 10 tháng 8 năm 1915, Tòa thánh cho các linh mục được dâng 3 lễ vào ngày lễ Cầu hồn: 1 lễ cầu như ý người xin (được lấy bổng lễ), 1 lễ cầu cho các linh hồn và 1 lễ cầu theo ý ĐTC (không được lấy bổng lễ). Giáo Hội cũng xác định dành trọn tháng 11 để cầu cho các linh hồn Luyện ngục. Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô VI, trong Tông huấn Ân xá đã ban một đại xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai viếng nhà thờ vào Chúa nhật trước hoặc sau, hoặc chính ngày lễ Các Thánh, và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn. Giáo hội khuyến khích thực hiện điều ấy với ý thức đặc biệt và trong sự hiệp thông. Chỉ có 2 thành phần có thể lập công được là các thánh và chúng ta, các linh hồn không thể lập công được nên hoàn toàn trông cậy vào lời bầu cử của các thánh và lời cầu nguyện của chúng ta.  

Sách GLGHCG dạy rằng “Chúng ta gọi những điều thiện hảo trong sự hiệp thông của Dân Thánh là kho tàng của Hội Thánh, ‘đây không phải là tổng số của cải vật chất tích lũy qua bao thế kỷ, nhưng là công đức vô giá và vô lượng trước nhan Thiên Chúa, do việc Chúa Kitô đền tạ và lập công dâng lên Thiên Chúa để nhân loại được giải thoát khỏi tội lỗi và được hiệp thông với Chúa Cha. Trong Người, chúng ta có được dư dật sự đền tạ và những công nghiệp do ơn Người cứu chuộc’ (x. Dt 7,23-25; 9,11-28; GLGHCG số 1476). “Kho tàng này còn bao gồm những lời cầu khẩn và việc lành của Ðức Maria và các thánh, là phần có giá trị vô song, không thể đo lường được và luôn luôn mới mẻ. Nhờ ân sủng, khi bước theo Ðức Kitô, các ngài được thánh hóa và chu toàn sứ mạng Chúa Cha trao phó, nên khi cố gắng để mình được cứu rỗi, các ngài cũng cộng tác vào việc cứu rỗi anh em mình trong sự hiệp nhất của Nhiệm Thể” (x. Phaolô VI, Tông hiến Giáo lý về lòng khoan dung số 5; GLGHCG số 1477). 

Để thêm ơn ích cho các linh hồn, Hội Thánh ban phát ân xá. Nhờ quyền cầm buộc và tháo cởi do Ðức Kitô ban, Hội Thánh chuyển cầu cho người tín hữu và mở cho họ kho tàng công phúc của Ðức Kitô và các thánh để Chúa Cha nhân từ tha cho họ những hình phạt tạm phải chịu vì tội. Như thế, Hội Thánh chẳng những muốn nâng đỡ người tín hữu, mà còn khuyến khích họ làm những việc đạo đức, thống hối và bác ái” (x. Phaolô VI, sđd 8; CÐ Trentô: DS 1835; GLGHCG số 1478). Vì những tín hữu đã qua đời đang chịu thanh luyện cũng là thành phần của cộng đoàn Dân Thánh, một trong những cách chúng ta có thể giúp họ là nhường các ân xá để họ được tha các hình phạt tạm thời trong luyện ngục (GLGHCG số 1479). 

Yêu thương các linh hồn là yêu thương chính chúng ta, vì khi đã hoàn tất giai đoạn thanh tẩy, họ sẽ nhập đoàn các thánh trên trời và bầu cử cho chúng ta trong cuộc đời tạm thế này, cũng như khi tới phiên chúng ta phải chịu thanh tẩy trong luyện ngục.

 

5. Xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn và cho mình

Thánh lễ được dâng lên để thờ phượng tạ ơn Chúa, “làm vinh Danh Chúa, mưu ích cho chúng con cùng toàn thể Hội Thánh,” để “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến” (Lời tung hô sau truyền phép), hầu đền bù tội lỗi nhân loại và cầu xin ơn phúc cho Giáo Hội và thế giới; “xin nhớ đến các tôi tớ Chúa đã gọi ra khỏi thế gian,… xin ban cho kẻ đã chết như con Chúa thì cũng được sống lại như Người” (Kinh Tiền Tụng Thánh Lễ).

 

Chúng ta hãy nghe những chia sẻ về lợi ích của thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn:

Thánh Bênađô thuật chuyện Thánh Malaiki đã dâng nhiều thánh lễ cho linh hồn chị mình, tưởng thế là đủ, không dâng nữa. Ba mươi ngày sau, ngài nghe tiếng chị khóc than rằng đã chờ 30 ngày mà không được ai giúp đỡ. Ngài tiếp tục dâng lễ và thấy chị mặc đồ đen. Ngài dâng lễ nữa cho tới khi thấy chị rực rỡ vào Thiên đàng cùng với một số rất đông các linh hồn được giải thoát trong ngày hôm ấy.

 

Thánh Nicholas thấy vô vàn linh hồn luyện ngục ở trong một cánh đồng hợp nhau lại van xin ngài dâng lễ cầu cho họ. Sau 8 ngày dâng lễ, ngài được biết các linh hồn ấy đã được giải thoát khỏi luyện ngục.

 

Thánh Antôn Padua kể rằng Chân phúc Gioan Alverina, vào ngày lễ Các Thánh, sau khi truyền phép, cầm Mình Chúa trong tay và khẩn khoản nài xin Chúa vì công nghiệp Chúa Giêsu cứu lấy các linh hồn luyện ngục, thì thấy được một số đông linh hồn từ luyện ngục bay lên như những ánh lửa tung tóe từ lò lửa về hướng thiên đàng.

 

Còn thánh Tôma tiến sĩ dạy rằng khi linh mục dâng lễ cầu cho linh hồn nào, dù đọc bài lễ nào đi nữa thì công phúc của Thánh lễ cũng như nhau, nhưng nếu ngài đọc bài lễ cầu hồn thì công phúc được đặc biệt hơn, và Giáo hội đã dọn riêng những lời cầu nguyện và bài đọc chỉ cho người quá cố.

 

Ngoài việc cần thiết hy sinh hãm mình, xin lễ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta cũng phải ý thức và tập thói quen xin lễ và dâng lễ cầu nguyện cho chính mình nữa. Hãy quảng đại và an tâm về những thánh lễ, lời cầu nguyện và hy sinh hãm mình chúng ta dâng lên Chúa cho các linh hồn, Chúa sẽ sử dụng cách vô cùng hữu ích cho những ai cần đến: nếu các linh hồn chúng ta chỉ ý cầu cho đã được lên thiên đàng thì Chúa sẽ lấy ban cho các linh hồn khác đang cần hơn, hoặc Chúa ban lại cho chúng ta những ơn cần thiết phần hồn phần xác ở đời này và đời sau. Chỉ là những con người hạn hẹp như chúng ta mà còn biết lấy những gì mình có hoặc vận động những người khác giúp đỡ những người kém may mắn hơn chúng ta, hay những người cần đến sự giúp đỡ, ví dụ tổ chức Help to the churches in needs. Thỉnh thoảng chúng ta cũng hãy nhớ xin lễ và dâng lễ bù vào các thiếu sót chúng ta có thể mắc phải vì quên hay không giữ đúng lời hứa, bổn phận và trách nhiệm của chúng ta. Đó cũng là một nghĩa vụ công bằng phải đền trả ở đời này hoặc đời sau.

 

Thánh Leonard Maurice khuyên xin lễ và dâng lễ cầu cho chính mình khi còn sống tốt hơn là để sau khi đã qua đời, vì những lý do sau đây:

 

·        Xin lễ, dâng lễ khi còn sống, chính mình được dự, chết rồi không chắc có được dự không.

·        Xin lễ, dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu có tội thì hy vọng sẽ được lòng thương xót Chúa ban ơn ăn năn hối cải, xưng thú, đền bù, chứ chết rồi và đã xuống hỏa ngục thì không còn cách nào cứu vãn được nữa, dù có dâng cả ngàn lễ cũng không thay đổi được số phận đời đời.

·        Xin lễ, dâng lễ cầu cho mình khi còn sống để được ơn chết lành, tin rằng Chúa sẽ phù hộ trong giờ lâm tử nhờ ơn phúc thánh lễ.

·        Xin lễ, dâng lễ dâng cầu cho mình khi còn sống thì ơn phúc vẫn còn, và nếu có phải ở luyện ngục thì ngày giờ đền tội sẽ được rút ngắn hơn, chứ chết rồi mới dâng thì linh hồn phải chờ đợi khốn khổ.

·        Xin lễ, dâng lễ cầu cho mình khi còn sống làm vinh danh Chúa, được công từ bỏ của cải, chứ chết rồi, tiền bạc về tay người khác, mấy ai biết nỗi khổ sở nóng nảy của ta mà lo cứu giúp, như gương nhà phú hộ trong PÂ!

·        Xin lễ, dâng lễ cầu cho mình khi còn sống, nếu có ơn nghĩa Chúa thì vừa được tha phạt luyện ngục, vừa được công thưởng Thiên đàng, chứ chết rồi mới xin, mới dâng thì chỉ được tha phạt luyện ngục, không được thêm công thưởng Thiên đàng và làm vinh danh Chúa.

·        Cuối cùng, nên biết rằng một thánh lễ dâng cầu cho ta khi còn sống được tha hình phạt nhiều hơn là dâng nhiều thánh lễ sau khi ta chết, như nếu làm mất lòng ai mà xin lỗi ngay thì ta dễ được tha hơn là chần chừ để phải xin lỗi và phải đền bù trước tòa án.

 

Chúng ta phạm đến Chúa nhiều cách, nếu biết đền bù bằng việc lành phúc đức, từ thiện bác ái, nhất là nhờ công nghiệp Chúa Giêsu qua thánh lễ thì nợ nần chúng ta được tẩy xóa, chứ chờ đến trước tòa án mới xin đền thì hình phạt lại thêm nặng nề hơn. Thánh Anselmo dạy rằng sốt sắng dâng một Thánh lễ khi còn sống lợi ích hơn cả ngàn Thánh lễ khi đã qua đời. Chính Chúa Giêsu cũng dạy “Hãy làm việc khi trời còn sáng, tối rồi ai thấy đường đâu mà làm.” 

Trong tháng cầu hồn, chúng ta không chỉ nhớ tới những người thân của mình đã qua đời, mà còn phải năng cầu nguyện cho họ để họ sớm được về hưởng nhan thánh Chúa. Việc này không những lợi ích cho họ mà còn cho chính cuộc sống đời sau của chúng ta nữa, vì nó nhắc chúng ta thức tỉnh nhìn lại cuộc sống của chính bản thân mình: không xa nữa đâu, không ai biết được lúc nào Chúa vạch đường ranh giới chấm dứt cuộc đời mình, chúng ta sẽ phải đến trước toà phán xét của Thiên Chúa, sẽ phải trả lời Ngài về tất cả những gì chúng ta đã làm.  

Cuộc sống hiện tại rất ngắn ngủi so với cuộc sống đời đời, nhưng chính cuộc sống ngắn ngủi này lại quyết định số phận vô tận đằng sau cái chết. Vậy hãy thức tỉnh ngay từ lúc này. Chúa Giêsu nhắc nhở cho chúng ta là phải luôn luôn sẵn sàng cho giờ từ giã cõi đời này để buớc vào sự sống đời sau. Đừng để đến tuổi già mới sám hối, đừng hẹn rày hẹn mai để đến ngày chết mới ăn năn trở về vì đã “quá muộn.” Kinh nghiệm cho hay ít người hối cải vào giờ chết, vì trẻ đi lối nào thì già cũng đi lối đó, sống sao thác vậy. Bao nhiêu linh hồn đã hư mất vì ngủ say trong danh vọng, tiền tài, sắc dục mà quên đi tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến. 

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”

Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss

 


[1] Lumen Gentium số 50 và 51.

[2] The Ratzinger Report: An Exclusive Interview with Vittorio Messori on the State of the Church (San Francisco: Ignatius Press, 1985) 146-147.

[3] x. Ga 3,16.

Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!