Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Lm. Trần Minh Huy, pss
Bài Viết Của
Lm. Trần Minh Huy, pss
Tác phẩm: Thương cho đến cùng – Đời linh mục thừa tác
Bài Giảng LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC Cha Stanislaô Nguyễn Đức Vệ
TRƯỚC ĐAU KHỔ VÀ THIỆT HẠI VÌ CÁC TỆ NẠN LẠM DỤNG, GIÁO HỘI VỮNG TIN VÀO CHÚA VÀ QUYẾT TÂM XÂY DỰNG TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP HƠN
Bài giảng LỄ AN TÁNG CHA LOUIS NGUYỄN VĂN BÍNH (Huế - Ngày 30.08.2021)
TRƯỞNG THÀNH NHÂN BẢN TOÀN DIỆN & CÁC MỐI HIỆP THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC HÔM NAY
BÀI GIẢNG LỄ KÉO NGƯỜI TA LẠI GẦN HAY ĐẨY NGƯỜI TA RA XA CHÚA VÀ GIÁO HỘI?
LỄ TẠ ƠN CỦA TÂN LINH MỤC MARTINÔ HỒ ĐÌNH HẢI - Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - Ngày 8/6/2018 tại Gx. Hương Lâm
LỄ KIM KHÁNH KHẤN DÒNG NỮ TU AGATA VÕ THỊ TRÚC Tại Tu Viện Phủ Cam sáng 16/6/2018
Thuyết Trình: YÊU NHAU, MÃI CÒN YÊU và THÊM YÊU
ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN KHIẾT TỊNH TRONG BỐI CẢNH GIÁO HỘI VÀ XÃ HỘI HÔM NAY
CÁC BẠO VƯƠNG HERODE THỜI ĐẠI MỚI (LỄ CÁC THÁNH ANH HÀI, BỔN MẠNG CÁC CHÁU SƠN CA Ngày 28/12/2017)
HÃY CỨU LẤY VÀ BẢO VỆ GIA ĐÌNH CÙNG TRẺ THƠ
CHÚA GIÊSU ĐÃ THỰC SỰ SINH RA CHO CHÚNG TA CHƯA?
HÔN NHÂN VÀ SỰ SỐNG (Giới Trẻ Thanh Đức 20/9/2017)
 Hiệp Thông Trong Đời Sống và Sứ Vụ Linh Mục
VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG HUYNH ĐỆ ĐỂ SỐNG HIỆP THÔNG LINH MỤC
GIẢNG LỄ TẠ ƠN 45 NĂM LINH MỤC
LỄ KIM KHÁNH HÔN PHỐI
GIẢNG LỄ THANH SINH CÔNG TẠI LAVANG (Ngày 21/6/2017)
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC NGÀY NAY - Thường Huấn Linh Mục Xuân Lộc 2-3/5/2017
BAN HUẤN LUYỆN ĐAMINH TAM HIỆP - Thường Huấn 4-7/5/2017
ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN - XÂY DỰNG NHÂN CÁCH TU SĨ
QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN TRONG QUAN HỆ NAM NỮ
Xây dựng Cộng Đoàn Cầu Nguyện và Yêu Thương
NHÀ ĐÀO TẠO TÂM HUYẾT HÔM NAY
ĐÀO TẠO NGƯỜI ĐÀO TẠO - NHÂN BẢN KITÔ GIÁO và ĐỜI TU
MỤC VỤ LINH HƯỚNG - Phân Định và Sống Ơn Gọi
TRỞ NÊN LINH MỤC ĐÍCH THỰC NHƯ LÒNG MONG ƯỚC.
TÌNH CẢM VÀ TÍNH DỤC TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ LINH MỤC NGÀY NAY
Đào Tạo Trưởng Thành Nhân Bản Kitô Giáo và Đời Tu
BÍ TÍCH GIẢI TỘI, PHƯƠNG THẾ TỐI ƯU ĐỂ SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
CẦU NGUYỆN CÁ NHÂN BÍ QUYẾT TÌNH YÊU VÀ VUI SỐNG
LINH MỤC SỐNG VÀ THỰC THI MỤC VỤ LÒNG THƯƠNG XÓT
Linh Mục Sống và Thực Thi Năm Thánh Lòng Thương Xót - Linh Mục Đoàn Ban Mê Thuột Thường Huấn 29/2 - 4/3/2016
GIỚI TRẺ HƯƠNG PHÚ SỐNG VÀ THỰC THI NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT - Lại Ân, ngày 4 Tết Bính Thân
XIN LỖI VÀ THA THỨ
NGHI THỨC SÁM HỐI CỘNG ĐỒNG (Sinh Viên Di Dân Thánh Tâm Tĩnh Tâm Mùa Vọng)
Đối mặt với các thách thức trong đời sống và sứ vụ Linh Mục của chúng ta hôm nay
SỐNG TRIỆT ĐỂ NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN (Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan - Tĩnh Tâm Năm 5-15/8/2015)
ĐTC MONG ĐỢI GÌ NƠI CHÚNG TA TRONG NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN ?
BÀI (2 & 3): SỐNG SỨ ĐIỆP LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI (TĨNH TÂM CUỐI NĂM HỌC 2011-2012 CHỦNG VIỆN THÁNH TÂM MỸ ĐỨC)

(Ban Sáng)

Thưa Anh Em, có ba thời khắc Kinh Thánh được nêu bật trong lễ Chúa Giêsu lên trời liên quan đến cuộc đời và sứ vụ ơn gọi của chúng ta: 

1) Trước khi Chúa Giêsu lên trời, Ngài nói với các tông đồ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20). Ngài cũng bảo các ông trong Công vụ Tông đồ rằng: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).  

Chúa Giêsu hứa ban sức mạnh của Thánh Thần và truyền lệnh cho các tông đồ ngày xưa và cho chúng ta hôm nay ra đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng nhân và qui tụ môn đệ cho Nước Chúa. Và Ngài hứa sẽ ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Chính nhờ sự đồng hành liên lỉ của Chúa Giêsu và sức mạnh thường xuyên của Chúa Thánh Thần mà chúng ta có thể ra khỏi chính mình, khỏi những giới hạn hẹp hòi của thân phận con người yếu đuối ghì trói chúng ta để đến với tha nhân, mở rộng ra cho đến tận cùng trái đất Nước của Thiên Chúa. 

 

2) Khi Chúa Giêsu lên trời, Thánh Luca cho biết: “Chúa Giêsu dẫn các tông đồ tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24, 50-51). Còn sách Công vụ Tông đồ thì bảo: “Chúa Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).  

Chúa Giêsu đã sống lại trong một thể cách mới, không bị lệ thuộc vào thân xác thể lý, vượt trên mọi trải nghiệm và khung cảnh vật chất, nên ý niệm Lên Trời không hàm ý nói đến một nơi chốn cụ thể, nhưng là một tình trạng cho thấy là giai đoạn ‘hiện diện hữu hình’ của mầu nhiệm Nhập Thể đã chấm dứt, kể cả việc ‘hiện ra hữu hình trong một thể cách mới” của bốn mươi ngày sau khi phục sinh. Ngài đã hoàn tất chương trình cứu độ Chúa Cha sai đi thực hiện, đã chiến thắng và khải hoàn trở về cùng Chúa Cha. Lên trời ở đây nhằm chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện.  

Chúa Giêsu “lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. Và vì Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể, nên bản tính nhân loại của chúng ta cũng được tham dự vào thiên tính và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế trời là niềm hy vọng có sức nâng cao địa vị và thân phận con người của chúng ta, làm cho chúng ta được triển nở vượt qua số phận phàm nhân và đạt tới địa vị làm con Thiên Chúa. Quả thế, chúng ta đọc thấy trong Kinh Tiền Tụng Lễ Thăng Thiên I: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và thủ lãnh của chúng con, nên Người đã lên trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo.”

 

3) Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Công vụ Tông đồ cho biết: “Đang lúc các tông đồ còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói ‘Hỡi những người Galilê, sao còn đứng mãi nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 10-11).  

Lời trách “sao còn đứng mãi nhìn trời” nhắc nhở các tông đồ ngày xưa và chúng ta hôm nay là phải trở về với thực tế trần gian, nơi mình có bổn phận làm chứng về Chúa Giêsu cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Nếu chúng ta có hướng lên trời thì điều đó phải có nghĩa là chúng ta hướng tới những thực tại cao quí và tốt đẹp khả dĩ giúp cho con người đạt tới những kích thước viên mãn của mình nơi quê hương thật là trời mới đất mới, không đồng hóa mà cũng không đối lập với trần gian. Nhưng trời mới đất mới đây chính là quê hương trần thế này được đổi mới nhờ Thánh Thần của Đức Kitô Phục sinh, nên chúng ta phải thiết tha hơn ai hết với sứ vụ Chúa đã trao ban, đó là đổi mới bản thân chúng ta, đổi mới thế gian, để xây dựng nước Chúa bằng cách kiến tạo một trời mới đất mới từ xã hội chúng ta đang sống, như Sứ Điệp Truyền giáo của ĐTC đã nói: “Truyền giáo không phải là cách mạng thế giới, nhưng truyền giáo là đổi mới thế giới và làm cho thế giới trở nên ngôi nhà chung cho mọi người.”  

Trong nỗ lực này, thánh sử Marcô cho hay “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16, 19-20). Có Chúa cùng hoạt động là động lực và sức mạnh của các tông đồ ngày trước và của chúng ta bây giờ. Chúng ta phải sống làm sao để có Chúa cùng hoạt động với chúng ta. Điều đó nhắc chúng ta nhớ rằng đời sống ơn gọi là một cuộc hành trình mà chúng ta phải chọn hướng đi cho đúng, cùng dùng các phương tiện tự nhiên và siêu nhiên sao cho thích hợp để đạt tới đích. Chúng ta cần có một sức mạnh thu hút, nâng lên và kéo chúng ta ra khỏi con người cũ của mình.

Sức mạnh đó là chính Chúa Giêsu. Người ta thuật lại rằng trong công cuộc tập luyện, ba của ông Dunkin đặt một miếng thịt trước mặt con chó và ra lệnh “không được ăn.” Con chó chăm nhìn vào mặt ông mà không nhìn miếng thịt, dường như nó cảm nhận rằng nếu nó nhìn miếng thịt thì sự cám dỗ không vâng lời sẽ rất mãnh liệt. Nhờ đó nó tuân theo lệnh cách nghiêm túc. Từ đó, chúng ta có thể rút ra bài học tu đức là hãy luôn nhìn vào Chúa Giêsu, hơn là nhìn vào tạo vật, dù là người, sự hay vật, vì Chúa không bao giờ cám dỗ chúng ta làm điều dữ, như thánh Giacôbê nói (x. Gc 1,13). Khi phải đương đầu với các cơn cám dỗ, nếu chúng ta hướng mắt nhìn về Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ vượt qua được các cơn cám dỗ ấy. Khi phải đối diện với những sự lôi kéo có thể làm chúng ta bị khuất phục, hãy nhìn xem Chúa Giêsu và đi theo sự dẫn dắt của Ngài. Việc nhìn xem Chúa Giêsu và nghe theo tiếng Ngài sẽ giúp chúng ta nhận thức được rõ ràng điều thiện và cho chúng ta sức mạnh để vâng lời Ngài.

Trong Luận Lý học, chúng ta đã biết rằng một vật đi qua giác quan cho ta một giác ảnh; giác ảnh đó đi vào trí khôn cho ta một niệm ảnh, rồi hình thành ý tưởng và hệ thống thần kinh não bộ chi phối khiến tư tưởng chỉ huy hành động. Do đó, người ta kết luận là mọi cơn cám dỗ đều đi qua con mắt và các nhà tu đức khuyên gìn giữ ngũ quan để chống lại các cám dỗ. Ai trong chúng ta cũng đều có trải nghiệm đó với những gì chúng ta thích thú nhìn xem mà ký ức lưu giữ lại trong tiềm thức. Trong chiều hướng này, chúng ta hiểu hơn lời Chúa Giêsu khiển trách Phêrô khi ông can ngăn Ngài lên Giêrusalem chịu khổ hình cứu thế: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy, kẻo con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chỉ suy tưởng việc của con người mà không suy tưởng việc của Thiên Chúa.” Vậy chúng ta hãy giữ mình khỏi những sự nhìn xem làm cớ cho chúng ta vấp phạm, cũng như đừng thành cớ vấp phạm cho anh chị em, bằng cách chăm nhìn vào Chúa Giêsu, như Thư gửi Tín hữu Dothái khuyên “hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Chúa Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (Hb 12, 1-2). 

Chúc anh em dùng những thời khắc của cuộc sống thinh lặng này, nhất là những giây phút trước Thánh Thể,  để nhìn lại một năm qua xem tiến trình ơn gọi và lòng khao khát lý tưởng linh mục của mình xem có tiến triển hơn hay giẫm chân tại chỗ hoặc bị suy thoái, để lượng lấy sức mà chọn lựa dứt khoát, sớm được chừng nào tốt chừng đó, hầu dốc toàn tâm toàn lực đi tới với tâm hồn bằng an thanh thản. Anh em có tất cả tự do và trách nhiệm để làm việc đó, không ai khác có thể làm thay cho anh em được. Amen.

 

(Ban Chiều)

Đang lúc các tông đồ còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói ‘Hỡi những người Galilê, sao còn đứng mãi nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 10-11). 

Thưa Anh Em, lời chất vấn “sao cứ đứng mãi nhìn trời” cũng nhắc nhở chúng ta nhìn vào những thực tại của đời sống ơn gọi của chúng ta sau một niên học, hầu hoạch định cho những bước tiếp theo của chúng ta, nhất là trong các mối tương quan, đặc biệt là tương quan khác phái rất được để ý vào các thời điểm này. 

Trong giáo trình Tu Đức, chúng ta đã nhắc nhở nhau rằng chuyện gì làm riêng tư một mình thì có Chúa biết. Nhưng chuyện gì làm giữa hai người thì rồi người khác cũng sẽ biết, không biết được hôm nay thì mai kia cũng sẽ biết. Có thể vì nhân đạo, họ không nói hoặc chưa nói đó thôi. Ứng sinh nên nhớ rằng những người thương mình và bảo vệ Giáo Hội sẽ không chấp nhận thái độ nước đôi đâu, họ sẽ can thiệp để ngăn chặn. Những người ghét mình hay gia đình mình sớm muộn gì cũng sẽ tố cáo, vì GL 1043 buộc tín hữu phải trình báo với Bản quyền về người có những ngăn trở để nhận lãnh chức thánh. Và ngay chính người con gái khó quên được chuyện ấy cũng sẽ không giữ kín được lâu đâu. Nàng có thể chấp nhận mất người yêu cho Chúa và Giáo Hội, chứ không chịu mất trong tay một hay nhiều cô gái khác; và rồi chính nàng sẽ làm ra chuyện, vì muốn dành lại cho mình hoặc “không ăn được thì đạp đổ!” Nếu cả đôi bên đều cùng đi tu thì tới một lúc nào đó lương tâm thức tỉnh bên nữ sẽ bộc bạch hết với người có trách nhiệm và bạn thân thiết, dù có dặn nhau “sống để dạ thác mang theo,” hoặc biểu lộ ra qua thái độ muốn chiếm hữu – ghen tuông – độc quyền, và sự việc sẽ thêm nghiêm trọng và rắc rối hơn. 

Anh em đã có những trao đổi và thuyết trình ấn tượng về đề tài “Phải giải quyết thế nào nếu lỡ có quan hệ tình dục trước khi vào tu hay trong tiến trình đào tạo?” với những quan điểm khá dứt khoát là phải chuyển đổi ơn gọi, vì thực tế hiện nay đa số các bề trên bản quyền không chấp nhận ứng sinh đã có quan hệ tình dục tiến lên chức linh mục. Những đề tài “Người thường xuyên không vượt thắng được thủ dâm không nên tiến lên chức linh mục, nhất là linh mục giáo phận” hay “Khi bị một người nữ, (đời thường hay nữ tu), yêu và đeo đuổi tấn công một chủng sinh, và ngược lại, khi một chủng sinh yêu và đeo đuổi tấn công một cô gái hay một nữ tu, thì phải làm sao? Nếu biết được có người như thế thì bạn phải làm như thế nào?” cũng đem lại những kết luận có ý nghĩa và hữu ích. Chúng ta nên vận dụng cho mình. 

Nói chung nếu thiếu tính tự giác tự nguyện đổi hướng về phía ứng sinh, thì ứng sinh nào bị phát hiện là không thích hợp, vì khiếm khuyết thể lý, quân bình tâm lý hay luân lý, và có những ngăn trở theo Giáo luật hoặc thiếu tinh thần phục thiện và cố tình dối trá, nên mạnh dạn và nhanh chóng đưa đương sự ra khỏi con đường theo đuổi ơn gọi. Cả hai phía, các nhà đào tạo và ứng sinh, không được phép nuôi dưỡng những hy vọng hảo huyền và những ảo tưởng nguy hiểm, dù biết rằng mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai.  

Chắc anh em cũng đã từng nghe người xưa nói “thấy người mà nghĩ đến ta” và cũng giật mình khi nghe biết có ít nhất 16 anh em chủng sinh khóa 2004 dừng lại hay chuyển hướng ơn gọi vào năm ra trường, thậm chí có một số bị dừng lại ngay trước lễ truyền chức linh mục, khi mọi sự đã sẵn sàng cho cả lễ mở tay tạ ơn. Tại sao “đến đỗi nước này” như vậy? Sống và được chọn lựa trong Giáo phận hằng mấy chục năm, được đào tạo trong Chủng viện 7,8 năm… họ đã qua được mọi cửa ải, thế mà vào giờ chót lại bị kẹt, không qua được một lời tố cáo nào đó, gây tổn thương cho những người có trách nhiệm ở Chủng viện và ở giáo phận là thiếu hiểu biết sâu sát để bị qua mặt dễ dàng; đồng thời có thể có những hiểu lầm và than phiền nặng long, như Chủng viện thiếu sót trong việc đánh giá cho chịu chức hoặc thẩm quyền giáo phận quá khắt khe. Bên nào cũng có cái lý của mình: Chủng viện chỉ giới thiệu chịu chức những ứng sinh hội đủ các tiêu chuẩn, kể cả người có lầm lỗi nhưng đã sửa chữa và được đào tạo nên tốt; ứng sinh có thể phạm lỗi sau khi rời Chủng viện, hoặc tư vấn giáo phận có thể chỉ xét ứng sinh theo lỗi lầm quá khứ. Còn nếu ứng sinh che đậy và luồn lách qua mặt được cả chủng viện lẫn thẩm quyền giáo phận, thì lỗi lầm và trách nhiệm sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, và người tố cáo đáng được trân trọng và biết ơn.  

Trước tình trạng ấy, những người có trách nhiệm phải đặt lại vấn đề và kết luận chung là tăng cường các biện pháp kỷ luật. Quả vậy, kỳ này ĐCV. Hà Nội yêu cầu các giáo phận có gửi chủng sinh tu học phải có đại diện lên cùng Hội đồng chủng viện họp đánh giá chủng sinh, nghe biết Chủng viện nhận xét về chủng sinh giáo phận mình, đồng thời cung cấp cho chủng viện các thông tin cần thiết về chủng sinh của giáo phận mình ngõ hầu việc đào tạo và cất nhắc được sâu sát hơn. Sự nghiêm túc đó của những người có trách nhiệm cũng thúc đẩy và đòi hỏi sự nghiêm túc của ứng sinh. 

Tôi nghĩ biện pháp hay nhất là đào tạo lương tâm tự giác của ứng sinh: thấy mình có trở ngại hoặc khó vượt lên trung kiên sống những đòi hỏi của chức linh mục cho đến cùng được thì ngay thẳng tự nguyện rút lui, khỏi gây tổn thương cho Giáo Hội, và đồng thời bảo đảm được việc xây dựng sự nghiệp tương lai của chính mình, không đợi đến lúc cuối bị tố giác mất cả chì lẫn chài. Mùa nghỉ Hè có thể thuận tiện cho việc xét lại, trao đổi với những người liên hệ và rút êm của một số người: Hè vô, không tựu nữa là xong! 

Tiếp đến là tích cực:

·        Mở rộng và gây ý thức triệt để tham gia vào việc đào tạo các ứng sinh của mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các cha xứ, như Giáo Luật dạy,

·        tiến hành điều tra có phương pháp thích hợp và hiệu quả về ứng sinh, từ môi trường sinh trưởng, học hành đến môi trường thực tập mục vụ và giao du bạn bè (x. GL 1051),

·        sử dụng kỹ thuật chỉ bảo huynh đệ trong nhóm bạn đồng môn,

·        gia tăng việc các nhà đào tạo dành nhiều thời gian hơn đồng hành tiếp xúc cá nhân và thực thi trách nhiệm nhận xét tòa ngoài từng ứng sinh,

·        và định kỳ chia sẻ những nhận xét đó giữa các nhà đào tạo để có một sự hiểu biết sâu sát và tổng thể về từng ứng sinh,

·        Cha Giám đốc gặp riêng từng ứng sinh và cho biết ý kiến chung của Hội đồng chủng viện, để khích lệ thăng tiến điều tốt, khắc phục sửa chữa điều chưa tốt và loại bỏ điều xấu,

·        phối hợp chặt chẽ giữa Chủng viện và Hội đồng tư vấn giáo phận, cùng định kỳ phúc trình cho Giám mục Bản quyền,

·        phối hợp chặt chẽ và cập nhật thông tin về chủng sinh giữa giáo phận và Đại chủng viện Hà Nội,

·        để đánh giá giải quyết đúng và kịp thời.

ĐTC Biển Đức XVI đau đớn về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em góp phần vào việc làm suy yếu đức tin không ít và mất đi lòng tôn kính đối với Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội. Trên chuyến bay từ Rôma đến Bồ Đào Nha ngày 11/5/2011, Ngài nói: “Nguy hiểm lớn nhất cho Giáo Hội không phải đến từ những kẻ thù nghịch hoặc những người chỉ trích bên ngoài, mà sinh ra từ tội lỗi bên trong Giáo Hội... Bách hại Giáo Hội nặng nề nhất không phải đến từ các kẻ thù nghịch bên ngoài, mà nó sinh ra từ tội lỗi bên trong Giáo Hội. Do vậy Giáo Hội hết sức cần thiết phải ăn năn thống hối, chấp nhận thanh luyện, một mặt học tha thứ, nhưng đồng thời cũng học giữ công bình chính trực. Sự tha thứ không loại trừ công bằng.[1] 

Qua Tự sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela (SST, Bảo vệ sự thánh thiện của các Bí tích) ngày 30/04/2001, ĐGH Gioan-Phaolô II liệt việc giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên vào danh sách Các Tội Phạm Nghiêm Trọng dành riêng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin. Năm 2003, ĐHY Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, được phép về một số năng quyền đặc biệt, xử hình sự hành chính và yêu cầu từ chức “ex officio” trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, bao hàm cả việc duyệt lại Tự sắc và phê chuẩn ngày 21/05/2010 khi đã trở thành Giáo hoàng Bênêđíctô XVI.

Ngày 03/05/2011, ĐHY William Joseph Levada, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ký một THƯ LUÂN LƯU VỀ VẤN ĐỀ LẠM DỤNG TÌNH DỤC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN, công bố ngày 16/5/2011, gửi cho các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới, nhằm giúp các HĐGM soạn thảo các đường hướng chỉ đạo xử lý những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và gửi về Bộ trước cuối tháng 5 năm 2012 một bản sao những đường hướng vừa nói. Bộ sẵn sàng giúp làm sáng tỏ hoặc trợ giúp soạn thảo những đường hướng như vậy mà hình phạt nghiêm trọng nhất là tước bỏ bậc giáo sĩ, qua một vụ tố tụng tư pháp hình sự. HĐGMVN không chỉ dừng lại ở ấu dâm, mà còn bao hàm các đối tượng khác nữa. 

Chúng ta chỉ trích dẫn phần liên quan đến Đào tạo linh mục và tu sĩ tương lai: Vào năm 2000, Đức Gioan-Phaolô II đã tuyên bố rằng không có chỗ trong thiên chức linh mục và trong đời sống tu trì đối với bất kỳ ai làm hại đến giới trẻ. Những lời này nhắc nhở trách nhiệm đặc biệt của các giám mục, của các bề trên cao cấp và của những ai có trách nhiệm đào tạo linh mục và tu sĩ tương lai.

Những chỉ dẫn được đưa ra trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, cũng như các huấn thị của các bộ thẩm quyền của Tòa Thánh, đòi hỏi một tầm quan trọng gia tăng cho một sự phân định xác đáng ơn gọi và cho việc huấn luyện nhân bản và thiêng liêng lành mạnh của các ứng viên. Cách đặc biệt sẽ ra sức giúp các ứng viên quí trọng giá trị của đức khiết tịnh và của sự độc thân; giúp họ ý thức về những trách nhiệm gắn liền với tình phụ tử thiêng liêng của người giáo sĩ, đồng thời giúp họ đào sâu sự hiểu biết của họ về kỷ luật của Giáo Hội trong lãnh vực này. Những chỉ dẫn cụ thể hơn có thể được lồng vào trong các chương trình đào tạo của các chủng viện và của các cơ sở đào tạo được dự kiến trong Chương trình đào tạo linh mục (Ratio Institutionis Sacerdotalis) của mỗi nước, dòng tu và hội đời sống tông đồ.

Vả lại, một sự săn sóc đặc biệt sẽ được dành cho bổn phận trao đổi các thông tin về các ứng viên linh mục hay đời sống tu trì chuyển từ chủng viện này đến một chủng viện khác, giữa các giáo phận khác nhau hay giữa các dòng tu và các giáo phận.

 Anh em thân mến, Chúng ta cám ơn Chúa đã cho chúng ta cơ hội tốt để cảnh tỉnh và sống tốt mọi mối tương quan, nhất là tương quan với người khác phái, dù đi tu hay ở đời, người có Đạo hay người không có Đạo, có gia đình hay góa bụa, bằng việc nghiêm túc nghĩ đến và thực hiện tốt 5 điều này:

·    Nơi chốn gặp gỡ,

·    Thời gian và thời lượng,

·    Khoảng cách thể lý và tâm lý,

·    Sự có mặt của những người thứ ba,

·    Sống ý thức sự hiện diện của Chúa.

 

Ước gì được như vậy. Amen.

Tác giả: Lm. Trần Minh Huy, pss

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!