Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Gioan Lê Quang Vinh
Bài Viết Của
Gioan Lê Quang Vinh
THÁNH LỄ TẠ ƠN MỪNG KIM CƯƠNG LINH MỤC VÀ THƯỢNG THỌ BÁCH NIÊN CHA CÔ PHÊRÔ NGUYỄN CHÂU HẢI SSS.
PHỎNG VẤN CHA VINHSƠN PHẠM TRUNG THÀNH DỊP LỄ KIM CƯƠNG CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN CHÂU HẢI
NGÀY ĐẠI HỘI GIAO LƯU GIỚI TRẺ HẠT TÂY BẮC PHÚ THỌ
Nhớ Đức Cha Nicôla, vị Giám Mục kiên trung
ĐƯỜNG HỘI THÁNH ĐI LÀ ĐƯỜNG PHÓ THÁC
PHỎNG VẤN ĐỨC CHA AN-PHONG NGUYỄN HỮU LONG - TÂN GIÁM MỤC PHỤ TÁ GIÁO PHẬN HƯNG HOÁ
CON CÁI HỘI THÁNH GIỮA LÒNG THẾ GIỚI
CON CÁI MẸ TRÀ KIỆU
CHÚNG TA ĐÃ CÓ ĐỨC GIÁO HOÀNG
NHỮNG LÀN KHÓI ĐEN VÀ CHÚ CHIM CÂU
ĐỨC THÁNH CHA THOÁI VỊ, NHÌN TỪ HỌC THUYẾT XÃ HỘI CÔNG GIÁO
VỀ SỰ THOÁI VỊ CỦA CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG
Ngụ ngôn thời bấn loạn (kỳ 32)
BỒ CÂU VÀ CON RẮN
THỦ DÂM CÓ TỘI HAY KHÔNG?
Chúa Yêsu, nhà Truyền thông vĩ đại nhất
ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ LỮ HÀNH TAM KỲ
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (Kỳ 31)
CHÚA ĐƯA CON ĐẾN DÒNG NƯỚC TRONG LÀNH
DƯỠNG PHỤ ĐẤNG CỨU THẾ
NIỀM HY VỌNG VÀ LÒNG BIẾT ƠN ĐẦU NĂM MỚI
TẢN MẠN VUI BUỒN CUỐI NĂM
“CÁC CON LÀ NHỮNG TẤM GƯƠNG CHO NGƯỜI LỚN”
NƠI GIÁNG SINH ĐI QUA
GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO VÀ CÔNG LÝ HOÀ BÌNH
TỤC HOÁ VIỆC CẦU NGUYỆN ?
Giáo dân, nói chung đều tốt cả
Thái Hà, hạt giống hôm nay
NỖI BUỒN FACEBOOK
Đừng tự vất bỏ giá trị sâu xa
Ngụ ngôn thời bấn loạn (kỳ 30)
HÃNH DIỆN TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (Kỳ 29)
Phúc Âm hoá, chạnh lòng thương, tìm công lý
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (Kỳ 28)
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (Kỳ 27)
NGỤ NGÔN THỜI BẤN LOẠN (Kỳ 26)
HÀ NỘI KÝ SỰ 2: TRUYỀN THÔNG LÀ NHƯ THẾ!
HÀ NỘI KÝ SỰ 1: TÔI ĐÃ GẶP NGÀI
Sự Thật là một Quyền Năng
BÀI KIỂM TRA GIÁO LÝ

 

Mùa hè sắp đến, các lớp giáo lý đang chuẩn bị bế giảng. Kiểm tra giáo lý và thi giáo lý là những hoạt động cần thiết trong tiến trình giảng dạy giáo lý, nhất là trước khi vào hè. Thế nhưng việc kiểm tra giáo lý dường như chưa được quan tâm đúng mức, đề kiểm tra còn nhiều vấn đề cần bàn. Và đối với nhiều giáo lý viên, việc ra đề thi hay kiểm tra là gánh nặng, đối với người khác, việc ra đề thi có thể là qua loa chiếu lệ. Đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại một lần về mục đích và phương pháp ra đề thi hay kiểm tra giáo lý.

I.       THI HAY KIỂM TRA GIÁO LÝ ĐỂ LÀM GÌ?

Xin khẳng định ngay rằng việc thi hay kiểm tra giáo lý hoàn toàn không phải để thử thách, đánh đố hay thanh lọc các em. Tất cả các em học viên giáo lý đều được Chúa Kytô mời gọi sống cuộc sống thân tình với Người.

Như thế, không giống như các môn học ở trường ngoài đời, các kỳ thi giáo lý không có ý định loại trừ bất cứ thí sinh nào. Việc kiểm tra cũng hoàn toàn không phải là giờ để giáo lý viên giải lao, bớt giảng bài! Do đó, để soạn đề thi giáo lý hữu hiệu và có thể giúp các em thăng tiến, thiết tưởng chúng ta cần xác định mục đích của việc thi hay kiểm tra giáo lý.

1.      Để giúp các em nhớ lại bài học.

Một cách lý tưởng, đề kiểm tra giáo lý phải làm cho các em nhớ lại bài đã học trong một thời gian nào đó, một tháng, nửa học kỳ, một học kỳ hay một năm học. Vì bài thi có mục đích gợi nhớ bài học, giúp các em đến gần với Đức Kytô nhờ hiểu biết Người, việc kiểm tra giáo lý không thể là những câu đánh đố hay làm rối trí các em.

Những câu hỏi như “Tin Mừng Thánh Gioan dùng hình ảnh “đoàn chiên” bao nhiêu lần?” rõ ràng mang tính đánh đố hay chuyên môn quá hơn là câu hỏi: “Hãy kể dụ ngôn về con chiên lạc trong Tin Mừng Matthêu”. Hoặc câu hỏi: “Năm Chúa Giêsu ra đời có đúng là năm 1 của Công Nguyên hay không? Tại sao?” có lẽ không cần thiết cho bằng ý nghĩa của Mầu Nhiệm Nhập Thể.

2.      Để kiểm tra kiến thức, tâm tình các em và khích lệ các em học giáo lý.

Bài thi hay kiểm tra giáo lý là một trong những cách giúp giáo lý viên biết các em đã học được những gì, mình dạy thế nào, hiệu quả ra sao… Không phải hễ các em ngồi yên trong lớp, mắt nhìn lên bảng là đương nhiên các em hiểu bài và hiểu về Đức Kytô cũng như sống gắn bó với Người. Mặt khác, có khi các em nhớ thuộc lòng bài học, nhưng cách dạy của giáo lý viên có những sơ hở làm các em học bài y như học ở trường ngoài.

Nếu như thế thì việc nhớ bài vở sẽ không có mối liên hệ nào với cuộc sống các em. Kiểm tra giáo lý có mục đích xem các em hiểu bài được bao nhiêu, nhớ bài đến mức nào và nhất là các em sống mầu nhiệm được bao nhiêu phần trong đời các em. Vì vậy cần thiết phải có những câu “Em hiểu như thế nào… em có tâm tình gì… em quyết tâm thế nào khi em học bài…”.

Những kỳ thi giáo lý sôi nổi cũng là dịp khích lệ các em hăng say học hỏi Lời Chúa. Thi giáo lý thành công là sau kỳ thi, các em đi học đầy đủ và chuyên cần hơn.

3.      Để giúp giáo lý viên điều chỉnh việc dạy giáo lý của mình.

Xin lưu ý ngay rằng có thể anh chị có cách dạy hay, phù hợp sư phạm và đã thành công nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn, trình độ các em, hoàn cảnh các em và tâm hồn các em ở từng thời điểm và từng khu vực không giống nhau. Do đó không thể nói rằng vì tôi đã dạy thành công lớp Thêm Sức năm học X ở giáo xứ Y thì tôi cũng sẽ thành công ở lớp Vào Đời năm học Z ở giáo xứ A.

Bởi vì có nhiều yếu tố chi phối kết quả giảng dạy, trong đó có yếu tố đời sống đạo của các em, thì việc giáo lý viên nhìn lại mình và nhìn lại công việc giảng dạy của mình là điều cực kỳ cần thiết. Bài kiểm tra giáo lý là một trong những cách đánh giá hiệu quả. Nhờ đó, giáo lý viên sẽ điều chỉnh dần dần và ngày càng dạy giáo lý có kết quả tốt đẹp hơn.

4.      Để phụ huynh hiểu biết hơn về con em mình.

Hầu như lớp giáo lý nào cũng có phiếu liên lạc giáo lý để giúp trường giáo lý cũng như từng giáo lý viên thông báo cho phụ huynh biết về tình trạng học hành của các em. Trong phiếu liên lạc, có ghi số ngày nghỉ của các em, nhận xét của giáo lý viên, và của Cha Phụ Trách giáo lý nếu cần.

Có một chi tiết quan trọng mà phụ huynh nhìn vào sẽ biết con em mình học hành thế nào, ấy là điểm bài kiểm tra giáo lý và kinh bổn. Như thế, bài kiểm tra giáo lý là công cụ hữu ích để giáo lý viên và phụ huynh có cách liên lạc với nhau và thông tin cho nhau dễ dàng nhất. Cũng chính vì tiện ích này mà bài kiểm tra cần phải được chăm chút kỹ lưỡng.

II.    THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỀ THI GIÁO LÝ HOÀN HẢO?

Ra đề thi không phải là việc dễ dàng, cứ nhìn vào bài học rồi đặt câu hỏi. Trước khi đặt bút viết hay mở máy tính đánh máy đề thi, giáo lý viên nên làm hai điều quan trọng: cầu nguyện và đặt ra mục tiêu cho bài kiểm tra.

Giáo lý viên nào cũng biết rằng cầu nguyện để Chúa giúp chúng ta thực hiện điều Chúa muốn một cách hữu hiệu và lợi ích cho các em. Và mục tiêu cũng cần phải đặt ra để không hỏi lan man, hỏi những điều không cần thiết hay quá khó. Ít ra người ra đề kiểm tra phải nhớ rằng một đề thi hoàn hảo phải bảo đảm ít là những điều sau đây:

1.      Tính đáng tin cậy:

Một đề thi đáng tin cậy là một đề thi mà bất cứ giám khảo nào chấm cũng đồng ý với đáp án và cho điểm giống nhau. Một đề thi gây tranh cãi hoặc một đề thi mà mỗi người có thể chấm mỗi kiểu thì không phải là đề thi đáng tin cậy. Ví dụ “Có bao nhiêu vị thánh Tông đồ?” Câu trả lời là mười hai là đúng. Nhưng nếu có em lý luận rằng thêm Thánh Matthia thay thế cho Giuđa Iscariốt thì thành mười ba. Rất có lý. Em khác nói mười bốn, bởi vì Thánh Phaolô được gọi và chọn làm Tông đồ dân ngoại. Chính xác.

Vậy câu hỏi “Có bao nhiêu vị thánh Tông đồ” chưa đáng tin cậy. Có thể đặt lại câu hỏi như sau: “Trong khi đi giảng đạo, Chúa Giêsu chọn bao nhiêu vị Thánh Tông đồ? Em hãy kể tên (giáo lý viên ra đề có thể ghi: tất cả mười hai vị, bốn vị đầu tiên hay những vị mà em nhớ, tuỳ bài thi).

Hoặc nếu ra câu hỏi: “Hãy kể hai mầu  nhiệm chính trong Đạo”, rồi đáp án là mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh, và khi các em nêu mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi hay mầu nhiệm Thánh Thể lại cho là sai, thì e rằng đó chưa phải là câu hỏi giáo lý hoàn hảo và cách chấm bài ấy cũng không đúng và không công bằng.

2.      Tính hợp lý:

Một đề thi hợp lý trước hết phải là đề thi gồm những câu hỏi về chương trình đã dạy và đã học. Trừ khi giáo lý viên dặn kỹ trước rằng các em hãy ôn lại chương trình năm trước để làm bài đầu năm, còn thì các đề thi phải hỏi về các bài đã học. Không thể hỏi bất cứ câu nào giáo lý viên nghĩ ra tuỳ hứng.

Chẳng hạn chương trình giáo lý Rước Lễ Lần Đầu chưa nói nhiều về Chúa Thánh Thần, thì khoan hãy hỏi: “Chúa Thánh Thần làm gì trong thế giới?”. Cũng đừng hỏi những điều mà chính giáo lý viên cũng không biết trả lời thế nào. Mới đây có một giáo lý viên hỏi thế này: “Em hãy cho biết Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể ngày tháng năm nào.” Chúa ơi, lúc nào thì trả lời được chứ ngày tháng năm nào thì chúng con không biết và không tính nổi. Chẳng lẽ phải nói là ngày X tháng Y năm thứ mấy Philatô làm quan tổng trấn (?!)

Một đề thi cũng chưa được coi là hợp lý khi làm cho các em lúng túng. Những điều Chúa đã dạy rõ ràng trong Tin Mừng thì đừng hỏi các em là điều ấy có quan trọng không. Hỏi như vậy vô tình chúng ta chưa tôn kính Lời Chúa và làm cho các em không thấy được tính cách tuyệt đối của Lời.

III. MỘT SỐ HÌNH THỨC RA ĐỀ THI.

Cũng như các kỳ thi ở trường học ngoài đời, bài thi giáo lý có thể có nhiều hình thức khác nhau. Giáo lý viên có thể chọn một, hai hoặc nhiều hình thức hỏi trong một bài thi hay kiểm tra.

1.      Đưa ra câu hỏi và thí sinh trả lời.

Đây là hình thức thi truyền thống. Đề thi dạng này có lợi ích là dễ ra đề, cứ muốn kiểm tra phần nào là đặt câu hỏi cho phần đó. Nhưng đề thi dạng này có hai cái bất tiện: một là chấm bài rất mất thời gian, nhất là khi các em trả lời dài dòng hoặc để chắc ăn, các em chép nguyên bài học! Ví dụ câu hỏi: “Em hãy cho biết có mấy bí tích. Hãy kể ra.” Thế là có em trả lời xong còn định nghĩa từng bí tích, kể luôn các nghi thức, điều kiện lãnh nhận v.v…

Bất tiện thứ hai là người ra đề không kiểm soát được các em sẽ trả lời thế nào, chẳng hạn có khi chẳng biết đúng hay sai, hoặc câu trả lời vượt ra ngoài dự tính của người ra đề, và khi chấm chỉ còn cách ngồi cười! Có lần tôi ra đề kiểm tra: “Em hãy kể vắn tắt việc thiên thần truyền tin cho Đức Maria”. Một em trả lời bắt đầu thế này: “Lúc Đức Maria đang làm việc trong bếp thì có thiên thần đến gọi…” Tôi ngớ ra vì theo nếp nghĩ bình thường, chắc lúc thiên thần truyền tin thì Mẹ đang cầu nguyện. (Nhưng nghĩ lại cũng hay, nhờ những câu trả lời bất  ngờ mà chúng ta hiểu hơn về các em và có khi cũng nảy sinh ra ý mới!)

2.      Trắc nghiệm khách quan.

Trắc nghiệm khách quan được hiểu là bài thi có câu hỏi và có các câu trả lời sẵn được đánh thứ tự A, B, C, D, thí sinh phải chọn một câu đúng hoặc một câu đúng nhất. Ví dụ: “Chúa Giêsu phán rằng lương thực của Người là: A. cơm bánh mỗi ngày. B. châu chấu và mật ong. C. Thánh Ý Chúa Cha. D. bánh và rượu nho. Câu trả lời đúng là câu C.

Ra đề thi dạng này rất mất giờ, nhưng được hai cái lợi: chấm bài nhanh và đáng tin cậy. Bất cứ giám khảo nào cũng chấm giống nhau và cho điểm như nhau. Dạng bài thi này hiện rất phổ biến trên thế giới và cũng đang được áp dụng trong nhiều kỳ thi ở Việt nam. Tuy nhiên chúng tôi thiển nghĩ, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng loại đề thi này trong giáo lý một cách hiệu quả, vì những lý do sau đây:

a) Có những kiến thức giáo lý không thể ra đề dạng này, vì có nhiều nguy hiểm. Chẳng hạn nếu chúng ta ra đề thế này: “Đức Chúa Trời có mấy ngôi: A.  hai ngôi. B. ba ngôi. C. bốn ngôi, thì rõ ràng đề thi có vẻ ngây ngô quá. Đó là chưa kể những câu trả lời sai lạc hiển nhiên như thế sẽ là điều rất phản giáo dục trong giáo lý, có thể ăn sâu vào trí óc non nớt các em với những hậu quả rất tai hại.

b) Một đề trắc nghiệm khách quan được coi là hay và hữu hiệu là khi có những câu trả lời song song về cấu trúc và về ý, và những câu trả lời đó tương tự về nhiều mặt, để thí sinh không thấy câu trả lời đúng ngay tức khắc. Trong giáo lý, điều này rất khó thực hiện, và như đã nói ở trên, việc làm cho các em hoang mang về các chân lý là rất không nên khuyến khích. Do đó đề thi dạng này phải được soạn kỹ, có khả năng chuyên môn và chỉ nên ra thi cho các kỳ thi giáo lý dành cho các em giỏi.

c) Thi giáo lý cần phải có phần tìm hiểu tâm tình và thái độ sống của các em. Do đó nếu một bài thi mà chỉ gồm toàn những câu trắc nghiệm A, B, C thì mục đích này hoàn toàn không đạt được. Chẳng lẽ lại đi hỏi các em: “Sau khi học bài về Hội Thánh, em cảm thấy: A. Em yêu mến Hội Thánh hơn. B. Em cũng không có tâm tình gì v.v… nghe ra có vẻ hơi ngô nghê và cũng nguy hiểm!

3. Điền vào chỗ trống.

Một hình thức ra để kiểm tra giáo lý có lẽ hiệu quả hơn hết là cho các em điền vào chỗ trống. Có thể điền vài từ hay cả câu. Đề thi này có nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, người ra đề kiểm soát được câu trả lời của các em. Chẳng hạn như: “Chúa ban cho Đức Mẹ bốn đặc ân cao trọng, một là ____, hai là _____, ba là______, và bốn là_____”. Chắc chắn các em sẽ dễ trả lời đúng, ít là một phần.

Thứ hai, loại đề này giúp các em nhớ bài học ngay cả khi nhìn vào đề bài. Như trên đã nói, một trong những mục đích của bài thi giáo lý là giúp các em nhớ bài học, do đó giáo lý viên nên tận dụng mọi cơ hội để đạt mục đích này. Dĩ nhiên không phải là gợi ý cho các em trả lời mà không cần học bài.

Thứ ba, loại đề thi này dễ chấm, và quan trọng hơn, việc chấm bài mang độ tin cậy cao. Vì câu trả lời đã được kiểm soát ngay từ khi ra đề, giáo lý viên không sợ các em sẽ viết lung tung vô nghĩa.

Tuy nhiên, loại đề thi này cũng giống như trắc nghiệm khách quan, rất cần suy nghĩ cẩn thận để các câu hỏi được rõ ràng và hợp lý.

IV.  KẾT LUẬN

Bài kiểm tra giáo lý cần thiết về nhiều mặt, và giáo lý viên cần chuẩn bị đề thi kỹ càng như khi soạn bài dạy giáo lý. Nhưng cũng như khi dạy giáo lý, chúng ta nên chú ý, chính Chúa Giêsu là Thầy dạy, chúng ta là người phát ngôn cho Người. Cũng vậy, các em nhớ được Lời Chúa là do Thánh Thần của Người hoạt động: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Tuy vậy, việc cộng tác với Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần để làm cho các em hiểu và nhớ các mầu nhiệm là điều cần thiết. Cầu xin Chúa Phục Sinh cho giáo lý viên chúng ta cảm nhận và sống các mầu nhiệm để rao giảng hữu hiệu.

Gioan Lê Quang Vinh

 

Tác giả: Gioan Lê Quang Vinh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!