Dịp Lễ
Hiển Linh năm 2015 trên hộp thư email của anh em Cựu Chủng sinh Tiểu Chủng viện
Sao Biển Nha Trang có trao đổi về từ ngữ “Mộc dược hay Một dược?” Nhiều anh em
Cựu Chủng sinh trong nước cũng như sống ở nước ngoài đã tìm tài liệu để dẫn chứng
trong 2 từ trên, từ nào chuẩn xác nhất. Cuối cùng anh em thống nhất là dùng từ
“Một dược” để dịch từ “Myrrha” của tiếng Latin.
Vào
google gõ “Mộc dược hay Một dược” sẽ
có nhiều bài giải thích về 2 từ ấy. Đại đa số các tác giả Công giáo và không
Công giáo đều công nhận từ “Một dược” là chuẩn xác nhất.
Bản dịch
Kinh Thánh năm 1916 của Cố Chính Linh (Albert Schlicklin) Địa phận Tây Đàng
Ngoài (Tổng Giáo phận Hà Nội hiện nay): “Liền
vào trong nhà, thấy con trẻ cùng Nẹ Người là Đức Bà Maria, thì sấp mình xuống mà
thờ lạy Người; đoạn mở hộp của châu báu và dâng của lễ tiến Người, là hoàng
kim, nhũ hương và một dược – Et intrántes domum, invenérunt púerum cum María
matre ejus et procidéntes adoravérunt eum: et apértis thesaúris suis obtulérunt
ei múnera, aurum, thus, et myrrham” [1].
Cuốn
‘Sử ký Hội Thánh” của Cố Khánh (Ravier) soạn in lần thứ I năm 1894 và in lần thứ
II năm 1933: “Ba vua thấy làm vậy thì mừng
lắm, liền vào nhà thấy Đức Chúa Giêsu, thì sấp mình xuống đất thờ lạy Người
cùng dâng của lễ là vàng, cùng nhũ hương và một dược mà tiến Người” [2]
Trong
bản dịch Kinh Thánh Cựu Tân ước của Linh mục Đa Minh Trần Đức Huân tái bản năm
1971 dùng từ “Một dược”[3]. Bản thảo dịch Kinh Thánh của Linh mục Giuse Nguyễn
Thế Thuấn ghi là “Một dược” nhưng khi đem in thì người ta tưởng Linh mục viết
sai chính tả nên sửa lại thành “Mộc dược”. Bản dịch của Hồng y Giuse- Maria Trịnh
Văn Căn: “họ sấp mình thờ lạy, rồi mở hộp lấy lễ vật, gồm có vàng, nhũ hương và
mộc dược để dâng tiến Người” [4]
Trong
sách Kinh của Địa phận Qui Nhơn đều ghi “một dược”.
Bài
Phúc âm dành cho Lễ Hiển linh ngày 8/1/2023 được đăng trên trang thông tin các
Giáo phận ở Việt Nam đều ghi “…lễ vật:
Vàng, Nhũ hương và Mộc dược”.
Như vậy
thời kỳ đầu khi dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt các dịch giả đều dùng từ “một
dược”, về sau không biết vì lý do gì “một dược” lại biến thành “mộc dược” (Kinh Nghĩa Đức tin đọc trong ngày Chúa nhật
có câu “Ngày Chúa nhật hôm nay chúng con hiệp nhau kính lạy thờ phượng khong khen cám tạ ơn Chúa…”.Từ “khong khen” là một từ cổ có nghĩa là ca
khen. Trong bài thơ Ave Maria của Hàn Mặc tử có câu: “Sáng nhiều quá cho thanh
âm vời vợi/ Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong
khen”. Hiện nay nhiều giáo xứ tự ý sửa lại thành “ không khen”. Như vậy từ
“không khen” trở thành không ca
khen!)
Để biện
minh cho việc dùng từ “Mộc dược” tác giả Phê rô Nguyễn Đình Diễn đã viết: “Với MỘT DƯỢC dân chúng sửa (chỉ có các nhà
phiên dịch sửa, chứ không có “dân chúng” nào cả!- T/g) thành MỘC DƯỢC có lẽ vì MỘC gần giống với MỘT
nhưng quen thuộc hơn và dễ hiểu hơn vì có sự liên tưởng đến cây cỏ dùng làm thuốc.
“Kết
luận, nên dùng MỘT DƯỢC để nhất quán
với chữ gốc Hán. ‘Từ điển Công giáo’ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tái bản
năm 2019, đã dùng MỘT DƯỢC ở mục từ CHIÊM TINH, NHÀ-. Nhưng không nên khắt
khe cho rằng dùng MỘC DƯỢC là sai lầm.
MỘC DƯỢC mang tính xã hội nhiều hơn MỘT DƯỢC. Trong não trạng người Việt
Nam Công giáo và ngoài Công giáo, MỘC
gợi lên ý nghĩa về thảo dược trong khi MỘT
không nói lên điều gì”[5].
Sao lại
“MỘT không nói lên điều gì”? Trong Tự
Điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí có từ “Một” nghĩa là chết, mất, hết: Mai
một= vùi lấp.
Một dược
(Myrrha) là hương liệu dùng trong việc tẫn liệm xác chết ở vùng Ai Cập và
Palestine thời xa xưa, vì nó có tính chất chống lại sự thối rữa.
Lý luận
như tác giả Phê rô Nguyễn Đình Diễn: “…không nên khắt khe cho rằng dùng MỘC DƯỢC là sai lầm. MỘC DƯỢC mang tính xã hội nhiều hơn MỘT DƯỢC”. Vậy cái gì “mang tính xã hội
nhiều” là đúng chăng? Cứ “chúng khẩu đồng từ” (Nhiều miệng cùng nói một lời-“Thiểu
số phục tùng đa số”) đều đúng hay sao?
Tác giả
Bùi Ngọc Hiển khẳng định: “Chỉ có một dược
mà không hề có mộc dược để dịch myrrha (của Latin), thì tại sao cứ cố chấp dùng
cái không có thay cho cái có?”[6].
Biết
sai thì cố gắng sửa sai, nếu không, nói như tác giả Bùi Ngọc Hiển là “cố chấp”.
Sách Tả truyện viết: “Nhân thùy vô quá.
Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên” (Con người thì không ai là không lỗi lầm.
Có lỗi mà có thể sửa đổi thì chẳng gì tốt đẹp bằng)
Nguyễn Văn Nghệ
Giáo xứ Cây
Vông- Nha Trang
Chú thích:
[1]- Kinh
Thánh Cứ bản Vulgata, Cố Chính Linh Địa
phận Tây Đàng Ngoài, Quyển IV, HongKong, Imprimerie de la Société des
Mission-Etrangère, 1916, trang 14
[2]- Sử
ký Hội Thánh, Cha Khánh (P. Ravier) soạn, In lần thứ I năm 1894, In lần thứ
hai, Quyển thứ I, Hanoi, Imp. Trung- Hòa Thiện- Bản 1933, trang 238
[3]- Kinh
Thánh Cựu Tân ước, dịch theo bản Phổ thông Vatican 1959, Ra Khơi Thánh kinh
Thiện Bản 1971, Tái bản và nhuận chánh, trang 1623
[4]- Hồng Y Giuse –Maria Trịnh Văn Căn, Kinh Thánh, Tòa Giám mục Hà Nội, 1985,
trang 1801
[5]-http://www.legiomariaevn.com/chi-tiet-tin-tuc/1682/moc-duoc-hay-mot-duoc-.html
[6]-http://www.tutevungtau.blogspot.com/2015/04/mot-duoc-hay-moc-duoc.html