Trên
một số trang mạng có bài văn nghị luận về đề tài “Bệnh vô cảm” của em Phan
Hoàng Yến, học sinh lớp 9A2 Trường Trung học cơ sở Chu Văn An-Hà Nội được nhiều
người quan tâm. Nhập đề em đã đề cập đến các nhà khoa học cố gắng sáng chế ra
những rô-bốt “làm sao cho thật giống con người để giúp con người được nhiều hơn
trong các công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc sống”. Nhưng “Chỉ lạ một điều: Đó
là trong khi các nhà khoa học đang ‘vò đầu bứt tóc’ không biết làm sao có thể tạo
ra một con chip ‘tình cảm’ để khiến ‘những cỗ máy vô tình’ biết yêu, biết ghét,
biết giận thì dường như con người lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ
ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn
không những chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp xã hội-
bệnh vô cảm”[1]
Bệnh
vô cảm đã khiến con người “Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất bình,
không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái đẹp mà không ngưỡng mộ, không say
mê, không thích thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại thờ ơ, không động lòng chua
xót, không rung động tâm can. Vậy đó còn là con người không hay chỉ là cái xác
khô của một cỗ máy?”[2].
Tại
sao con người Việt Nam ngày càng vô cảm như thế? Em Phan Hoàng Yến cho rằng người
Việt Nam hiện nay “càng lúc càng khép chặt cửa trái tim mình lại, không còn biết
hưởng thụ cái đẹp mà chỉ nghĩ đến tiền, đến công việc ngày mai” và “người ta chỉ
nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi”[3].
Người
Việt Nam ngày càng chạy theo vật chất, chắc là phải có nguyên nhân? Theo cụ Trần
Trọng Kim(1883-1953): “Cộng sản giáo ngày nay thì hoàn toàn duy vật, nghĩa là
ngoài vật chất ra, không có sự tin tưởng nào khác nữa, cho thiên đường không phải
ở cõi trời mà chính ở cõi trần gian này”; “Còn về đường tín ngưỡng, thì đạo Cộng
sản đã là đạo hoàn toàn duy vật, tất không ai thờ phụng thần thánh nào khác nữa”;
“Vậy những tín đồ cộng sản phải là những người cuồng tín và chỉ biết đời sống vật
chất mà thôi, ngoài ra không có gì nữa. Sống có một đời rồi hết, nên ai nấy chỉ
lo làm cho mình được mọi điều thắng lợi, sá chi những điều phúc họa thiện ác”;
“…Vì có tư tưởng như thế, cho nên cha, con, anh em bè bạn không có tình nghĩa
gì cả, chỉ biết tôn trọng chủ nghĩa của Cộng sản và phục tòng những người cầm
quyền của đảng, ngoại giả, giết hại lẫn nhau, lừa đảo nhau: hễ ai làm những việc
mà lợi cho đảng là người giỏi, người tốt. Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ
cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới theo chủ nghĩa cộng sản”[4].
Người
cộng sản luôn nói đến tu dưỡng “đạo đức cách mạng””, nhưng “Đạo đức cách mạng
có phần giống đạo đức nhân bản, thí dụ chống tham nhũng, cần kiệm liêm chính,
chí công vô tư, nhưng cũng có phần mâu thuẫn với nó, thí dụ lòng căm thù và
tiêu diệt những người của giai cấp đối kháng, đàn áp người bất đồng chính kiến”[5].
Do đó
“Làm một cán bộ cao cấp, đạo đức cách mạng rất là cần, nhưng chưa đủ. Còn phải
có đạo đức nhân bản để trước hết làm được con người lương thiện và tử tế. Đó là
tình yêu thương và tôn trọng đồng loại dù họ ở tầng lớp nào, thuộc giai cấp
nào. Không những yêu thương con người mà còn yêu thương vạn vật, là biết ơn và
kính trọng Trời Đất. Đó là tâm từ bi, là lòng trắc ẩn đối với chúng sinh, là đức
khiêm tốn, là lòng nhân ái, bao dung. Không có được đạo đức nhân bản, con người
ta dễ trở thành những kẻ máu lạnh, chỉ biết dùng thủ đoạn lao vào cắn xé nhau,
lừa bịp nhau để tranh đoạt vật chất và quyền lực”[6]
Trong
Cải cách ruộng đất, đáng lẽ những ông đội đi làm công tác Cải cách ruộng ruộng
đất, dạy dân về đạo đức nhân bản, đàng này lại “mớm” cho vợ tố chồng, con tố
cha. Tuy rằng đảng và chính quyền có nhận lỗi và cố gắng sửa sai nhưng nó vẫn
còn hệ lụy cho đến ngày nay.
Sau
ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn “giải phóng” khỏi ách kiềm kẹp của “Mỹ Ngụy”
nhưng dưới con mắt của “bên thắng cuộc” nhiều con dân Việt lại bị gán cho danh
hiệu “ngụy quân-ngụy quyền”. Ngụy là xấu xa, cần phải “cải tạo”. Nhiều người đã
phải bỏ mạng nơi “Trại cải tạo”khiến cho nhiều vợ con trở thành cô nhi, quả phụ.
Đất nước được “giải phóng” gần nửa thế kỷ, ấy vậy mà cái từ “ngụy” vẫn còn trên
môi miệng của nhiều người!
Con
người mà thiếu đạo đức nhân bản, chỉ biết tôn sùng vật chất sẽ trở nên vô cảm:
“vô cảm là con đường trực tiếp dẫn đến những cái xấu, cái ác. Nó là một căn bệnh
lâm sàng mà trong đó, não của người bệnh vẫn hoạt động nhưng trái tim lại hoàn
toàn băng giá. Người ta đã vô cảm thì làm sao thấu hiểu được nỗi đau, tình cảm
của người khác, người ta chỉ nghĩ đến mình và lợi ích riêng mình mà thôi”[7].
Theo em
Phan Hoàng Yến: “điều duy nhất chúng ta có thể làm để cho căn bệnh vô cảm
‘không còn đất sống’ là hãy biết mở cửa trái tim để biết cảm nhận, biết yêu
ghét thương giận và chia sẻ những điều tinh túy đó cho những người xung quanh”[8]
Em đã kết
luận: “Tóm lại, ta nhận thấy rằng căn bệnh vô cảm đang lan tràn ngày càng rộng
lớn và trở nên vô cùng nguy hiểm, biến con người thành một cỗ máy vô tri chỉ biết
vận động. Đừng để điều đó xảy ra mà hãy đấu tranh để giành lại phần “người”,
giành lại “trái tim” mà Thượng Đế, mà Tạo hóa đã ban cho chúng ta, đào thải căn
bệnh vô tình quái ác ra khỏi xã hội”[9].
Thượng
Đế- Tạo hóa mà em Phan Hoàng Yến nhắc đến chính là Ông Trời mà người Việt Nam gọi.
Ông Trời là cứu cánh, là cùng đích để nhân loại hướng đến. Sách Trung dung của
Nho giáo viết: “Cố quân tử bất khả dĩ bất tu thân. Tư tu thân bất khả dĩ bất sự
thân.Tư sự thân bất khả dĩ bất tri nhân.Tư tri nhân bất khả dĩ bất tri Thiên”
(Cho nên bậc quân tử cần phải tu thân.Muốn tu thân cần phải biết phụng dưỡng
cha mẹ. Muốn biết phụng dưỡng cha mẹ cần phải biết đến người khác [tha nhân].
Muốn biết đến tha nhân cần phải biết đến Ông Trời).
Nhà thần
học người Brazil là Leonardo Boff đã hỏi Đức Đạt lai Lạt ma: “Thưa Ngài, tôn
giáo nào tốt nhất?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo
đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt
hơn”. Leonardo Boff hỏi tiếp: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Đức Đạt lai Lạt ma trả
lời: “Tất cả những gì làm anh biết thương cảm hơn; Biết theo lẽ phải hơn; Biết
từ bỏ hơn; Biết dịu dàng hơn; Biết nhân hậu hơn; Có trách nhiệm hơn. Có đạo đức
hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”[10]
Hãy mở
rộng trái tim mà Thượng Đế đã ban tặng cho chúng ta, để chúng ta biết “vui với
ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (lời bài hát : Vì Chúa là tình yêu- Linh
mục Kim Long)
Nguyễn Văn Nghệ
Diên
Khánh- Khánh Hòa
Chú thích:
[1][2][3][7][8][9]-
ione.net/bai-van-9-5-diem-ve-benh-vo-cam-gay-xon-xao-2386663.html
[4]- Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi (Kiến văn tiểu lục), Việt
Books-2010, tr.113-115
[5][6]-
https;//baotiengdan.com/2021/10/16/tham-du-ban-tron-cua-bbc/
https://www.youtube.com/watch?v=WP6KsZMGihU&t=160s
[10]- khoahoctamlinh.vn/kham-pha/ton-giao-nao-tot-nhat-1101.html