SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B
(15/9/2024)
[Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Đoạn Phúc của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay
(Mc 8,27-35) được các nhà Thánh Kinh học xem là đoạn văn “bản lề” của Phúc Âm
Máccô, vì cùng một lúc đoạn Phúc Âm trên là đoạn kết của phần thứ 1 và là đoạn
mở của phần thứ 2. Phúc Âm Máccô được các nhà chú giải Thánh Kinh gọi là Sách
Giáo Lý Khai Tâm Kitô giáo, vì Sách trình bày điều cốt yếu nhất của đời sống
người Kitô hữu: Đức Giêsu Kitô là Ai tức là Đấng nào? (phần 1) và muốn đi theo
Người hay muốn làm môn đệ Người thì các Kitô hữu phải đi con đường nào, phải sống
như thế nào? (phần 2).
Chúng ta hãy dành tâm trí và thời gian
lắng nghe và tìm hiểu sứ điệp Lời Chúa để sống xứng danh là môn đệ Chúa Giêsu
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH
KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is
50,5-9a): "Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi." Thiên
Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa
lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày,
tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi.
Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không hổ
thẹn: nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn. Đấng xét
tôi vô tội ở gần tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? Chúng ta hầu toà, ai là
kẻ thù địch của tôi, hãy đến đây! Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai
dám kết tội tôi? .
2.2 Trong bài đọc 2 (Gc 2,14-18): "Đức
tin không có việc làm là đức tin chết." Anh
em thân mến, nếu ai nói mình có đức tin, mà không hành động theo đức tin, thì
nào có ích gì? Đức tin như thế có thể cứu được nó ư? Nếu có anh chị em nào
không cơm ăn áo mặc, mà có kẻ trong anh em lại bảo họ rằng: "Chúc anh chị
em đi bình an, và ăn no mặc ấm", mà anh em lại không cho họ những gì cần
dùng cho thân xác, thì nào có ích gì?
Về đức tin cũng vậy, nếu không có việc
làm, là đức tin chết tận gốc rễ. Nhưng có người sẽ nói: "Anh, anh có đức
tin; còn tôi, tôi có việc làm". Anh hãy tỏ cho tôi thấy đức tin không việc
làm của anh, và tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mc 8,27-35): "Thầy
là Đấng Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều." Khi
ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc
quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là
ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là
Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người
hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp:
"Thầy là Đấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về
Người với ai cả.
Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con
Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ
chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các
điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay
lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi
không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".
Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ
lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo
Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống
mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN
CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa là
Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Is 50,5-9a) là
những lời ngôn sứ Isaia mô tả về Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Các nhà
chú giải Thánh Kinh đều hiểu Người Tôi Trung đó là chính Chúa Giêsu Nazarét. Đó
là những lời tiên tri loan báo trước những việc xẩy ra cho người Tôi Tớ của
Thiên Chúa trong cuộc Khổ Nạn Thập Giá. So sánh sự mô tả của Isaia
với các các tường thuật cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu trong cả 4 Phúc
Âm, chúng ta thấy y trang như nhau.
Trong bài đọc 1 này trước hết chúng ta
khám phá ra Thiên Chúa là Chúa Thượng của Người Tôi Trung, Đấng đứng về phía
Người Tôi Trung và là chỗ dựa của Người Tôi Trung. Kế tiếp chúng ta còn khám
phá ra Thiên Chúa mang hình hài của một con người bị người ta vùi dập một cách
tàn nhẫn mà vẫn giữ im lặng chịu đựng vì Người tin vào công lý của Đức Chúa là
Chúa Thượng.
3.1.2 Bài đọc 2 (Gc 2,14-18) là
những lý luận đầy sức thuyết phục của Thánh Giacôbê Tông đồ về tầm quan trọng
của hành động bác ái yêu thương đối với những người có lòng tin. Tin mà không
có việc làm bác ái yêu thương đi cùng để nói lên niềm tin ấy, thì niềm tin ấy
chẳng đem lại ích lợi gì cho chính bản thân kẻ tin cũng như cho những người
xung quanh. Vậy thì lòng tin phải được thể hiện cách cụ thể bằng hành động bác
ái yêu thương thì mới được coi là lòng tin đích thực và mới sinh ích cho cuộc
đời.
Trong bài đọc 2 này chúng ta không thấy
Thánh Giacôbê nói trực tiếp về Thiên Chúa; nhưng chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa
là đối tượng của lòng tin của các Kitô hữu. Người chẳng những đáng được tin thờ
mà còn mong chúng ta thể hiện lòng tin của mình bằng hành động bác ái yêu
thương đối với những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta là hình ảnh của
Người, là chi thể của Thân Mình Chúa Kitô Con yêu dấu của Người.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 8,27-35) là
tường thuật của Thánh Máccô về một biến cố mang tính quyết định trong cuộc đời
của các môn đệ của Chúa Giêsu, thời xưa cũng như thời nay. Chúa Giêsu đặt
ra hai câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai” và “Anh
em, anh em bảo Thầy là ai?” Câu hỏi thứ nhất chỉ là phần
dẫn nhập vào câu hỏi thứ hai, vì điều quan trọng đối với Nhóm Mười Hai cũng như
đối với các Kitô hữu mọi thời đại, là nhận biết Chúa Giêsu là Đấng
nào? Người sống và chết ra sao và vì ai? Người mời gọi các môn đệ đi con đường
nào nếu họ muốn đi theo Người?
Trong bài Tin Mừng này chúng ta khám phá
ra Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Nazarét: Người là Đấng Kitô (tức Đấng Mêsia hay
Đấng Thiên Sai), nhưng là Đấng Mêsia đau khổ chứ không phải là Đấng Mêsia vinh
quang theo quan niệm thế gian mà các Tông đồ ngộ nhận và ước mơ. Người vạch ra
con đường cứu độ bằng Thập Giá và mời gọi những ai muốn theo Người, tức muốn
làm môn đệ Người, hãy đi vào con đường Thập Giá ấy.
3.2 Sứ điệp của Lời Chúa (Chúa muốn chúng
ta làm gì?)
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay có hai phần quan
trọng ngang nhau và liên kết chặt chẽ với nhau:
* Phần thứ nhất là về chính Chúa Giê-su (Chúa
Giê-su là Ai?)
- Chúa Giêsu là Đấng Kitô tức
là Đấng được Thiên Chúa xức dầu (tấn phong) và gửi đến với nhân loại, là Đấng
Mêsia mà Israel (và thế giới) hằng mong đợi, là “Con Người" phải chịu đau
khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau
ba ngày sẽ sống lại.
* Phần thứ hai là về con đường theo Chúa
Giêsu (Theo Chúa Giêsu bằng con đường nào?)
- Theo Chúa Giêsu bằng con đường từ
bỏ: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng
sống ấy”.
IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP
LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là
dành những giây phút thinh lặng chiêm ngắm Thiên Chúa, suy nghĩ về cách sống
của Người Tôi Trung, lắng nghe tiếng mời gọi của Người.
4.2 Thực thi Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay chính là sống ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu Kitô: Tôi/gia đình/cộng đoàn tôi
có chọn con đường hy sinh, từ bỏ, vác thập giá mà theo Chúa Giêsu Kitô không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ
HỘI THÁNH
5.1 «Thầy là Đấng Kitô» Chúng
ta hiệp lời cầu nguyện cho càng ngày càng có nhiều người được Thiên Chúa mở
lòng, mở trí mà nhận biết Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong
làm Sứ Giả xuống thế làm người cứu độ trần gian!
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp:
Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ
tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho
Hội Thánh Công Giáo ở khắp nơi trên thế giới, nhất là cho các Vị Lãnh Đạo Hội
Thánh, để mọi thành phần Dân Chúa vững tin vào sự phù trợ của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp:
Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Đức Tin không có hành động thì quả là
đức tin chết» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho
giáo dân của giáo xứ chúng ta, để mọi người sống và hành động theo Đức Tin mà
yêu thương, giúp đỡ mọi người, nhất là những người yếu kém và thiếu may mắn
trong xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp:
Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính
mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng
sống ấy» Chúng ta hiệp lời cầu
nguyện cho các giáo dân nòng cốt là các quí chức của giáo xứ và giáo họ, các
hội viên của các hội đoàn tông đồ và các giáo lý viên, để những người này đáp
lại lời mời gọi của Chúa Giêsu một cách quảng đại trong hành trình theo Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp:
Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 11 tháng 9 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội.