SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B
(14/7/2024)
[Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc
6,7-13]
I. DẪN VÀO PHỤNG
VỤ
Một trong những nét son của Công
Đồng Vatican II là đã khẳng định và đề cao phẩm giá và địa vị cao trọng của các
Kitô hữu giáo dân. Thật ra giáo huấn của Công Đồng cũng chỉ là những tái khẳng
định của giáo huấn Thánh Kinh mà thôi. Vì thế chúng ta chẳng những có thể khẳng
định với Thánh Giêrônimô rằng: “Không biết
Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” mà còn có thể tuyên bố: “Không biết Thánh Kinh còn là không biết chính mình chúng ta
nữa!” nghĩa là không biết phẩm giá
và địa vị cao trọng cũng như trách nhiệm cao cả và nặng nề của chúng ta.
Lời Chúa trong ba bài Sách Thánh
Chúa Nhật XV Thường Niên Năm B là một trong nhiều ví dụ về điều vừa nói trên.
Chúng ta hãy chăm chú nghe/đọc/suy nghĩ và cầu nguyện với những đoạn Thánh Kinh
mà Giáo hội chọn cho Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, để được đổi mới trong nhận thức
và hành động!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA
BÀI SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1
(Am 7,12-15): "Hãy đi nói tiên tri cho dân Ta" Trong những ngày ấy, Amasia (vị tư tế ở Bêthel) nói cùng Amos
rằng: "Hỡi tiên tri, người hãy trốn sang đất Giuđa, sinh sống và nói tiên
tri ở đó. Chớ tiếp tục nói tiên tri ở Bêthel, vì đó là thánh điện của vua và là
đền thờ của vương quốc". Amos trả lời cùng Amasia rằng: "Tôi không
phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri, nhưng là đứa chăn bò (và
chuyên) đi hái trái sung. Khi tôi đang đi theo đàn chiên, thì Chúa dẫn tôi đi
và nói cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của
Ta".
2.2 Trong bài
đọc 2 (Ep 1,3-14): "Ngài đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng
thế gian" Chúc tụng Thiên
Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành cho chúng ta bằng
mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Đức Kitô. Như Ngài đã chọn chúng ta
trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh
tuyền trước mặt Ngài trong tình yêu thương.
Chiếu theo thánh
ý Ngài, Ngài đã tiền định cho ta được phúc làm con nhờ Đức Giêsu Kitô, để chúng
ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta được ơn cứu
chuộc nhờ máu Người, được ơn tha tội theo sự phong phú của ân sủng Ngài. Ân sủng
này, Ngài đã đổ tràn đầy trên chúng ta với tất cả sự khôn ngoan thượng trí,
khiến chúng ta được biết mầu nhiệm ý định của Ngài, theo ý Ngài đã định về
Người, để kiện toàn trong thời gian viên mãn, là thâu hồi vạn vật trên trời
dưới đất trong Đức Kitô.
Cũng trong Người
mà chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, được tiền định theo ý định của Ngài là
Đấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh
quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trông cậy vào Đức Kitô. Trong Người, cả
anh em nữa, sau khi anh em đã nghe lời chân thật là Tin Mừng cứu rỗi anh em,
anh em đã tin và được ghi dấu Thánh Thần, như đã hứa. Người là bảo chứng phần
gia nghiệp của chúng ta, để chúng ta được ơn cứu chuộc, và được ca ngợi vinh
quang Ngài.
2.3 Trong bài Tin
Mừng (Mc 6,7-13): "Người bắt đầu sai các ông đi" Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi,
Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi
đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền
trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Đến đâu,
các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con,
cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố
cáo họ". Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức
dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VA SỨ
ĐIỆP CỦA THIÊN TRONG BA BÀI SÁCH THÁNH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa
(Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Trong bài đọc 1 (Am 7,12-15) nhờ lời giảng giải của ngôn sứ
Amốt với tư tế Amátgia mà chúng ta biết được tại sao Amốt trở thành ngôn sứ:
Chính Thiên Chúa đã chọn ông và - có thể nói là - “đã cưỡng bức” ông nói
lời sấm ngôn cho dân Israel, chứ bản thân ông không hề muốn làm công việc ấy
chút nào. Amốt không muốn làm ngôn sứ, có lẽ vì ông biết rõ mình không có tài
ăn nói trước công chúng và quan quyền. Cũng có thể vì ông sợ bị chống đối và
bách hại. Nhưng ngôn sứ Amốt đã hoàn thành nhiệm vụ và trở thành nổi tiếng
trong hàng ngũ các ngôn sứ, vì các sấm ngôn của ông “mang tính phê phán xã hội” (prophétisme
critique) tức lên án những tình trạng bất công trong xã hội: kẻ giầu sang,
quyền thế bóc lột và áp bức người nghèo hèn.
Qua ngôn sứ Amốt và các sấm ngôn
của ông chúng ta khám phá ra một Đấng Thiên Chúa đặc biệt quan tâm và yêu
thương người nghèo đến độ đứng về phía họ, bênh vực họ chống lại mọi áp bức,
bóc lột từ những người có quyền chức. Đúng là “Thiên Chúa đứng về Phe Tả” như
tựa đề của cuốn sách mà Giám mục Luigi Bettazzi (Italia) đã viết cách đây mấy
chục năm.
3.1.2
Trong bài đọc 2 (Ep 1,3-14), - là
một đoạn thư của Thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Êphêxô, - Thánh Tông đồ nói
về ơn gọi làm con và bao hồng ân cao quí khác mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta
trong Chúa Kitô. Cùng với ơn làm nghĩa tử cao quí ấy, chúng ta còn được ơn nghe
biết Tin Mừng Cứu độ và được Thánh Thần in dấu ấn để chúng ta được đảm bảo phần
gia nghiệp của Thiên Chúa hứa ban cho dân riêng của Người.
Qua đoạn Thánh
Thư này, chúng ta khám phá ra một Đấng Thiên Chúa vô cùng quảng đại và yêu
thương đối với nhân loại nói chung và đối với các Kitô hữu nói riêng vì Người
đã ban muôn vàn hồng ân cao quý cho chúng ta qua và nơi Con Một yêu dấu của
Người là Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
3.1.3 Trong bài Tin
Mừng (Mc 6,7-13) Thánh Máccô tường thuật việc
Chúa Giêsu sai Mười Hai Môn Đệ (Tông Đồ) đi rao giảng Tin Mừng, trừ quỉ và chữa
lành những người đau ốm bệnh tật và bị các thần ô uế ám hại. Các Môn Đệ còn
được Chúa Giêsu căn dặn tỉ mỉ là trong khi đi truyền giáo thì họ chỉ cậy dựa
vào một mình Thiên Chúa mà thôi, chứ không được cậy dựa vào một sức mạnh nào
khác (được biểu tượng bằng một hành trang nghèo nàn). Người còn căn dặn các ông
về cách ứng xử với mọi người khi được tiếp đón cũng như khi bị từ chối. Vâng
theo chỉ thị của Thầy, các Tông Đồ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong khi
thi hành sứ vụ Chúa Giêsu trao phó.
Nhờ đoạn Phúc Âm này, chúng ta
khám phá ra Chúa Giêsu là Đấng giao phó sứ mạng rao giảng Tin Mừng và chữa lành
cho các môn đệ. Sứ mạng này Người đã nhận được từ Chúa Cha và nay Người giao
lại cho tất cả các môn đệ, trong đó có chúng ta. Để thực hiện thành công sứ
mạng được giao, các môn đệ và chúng ta phải biết cậy trông vào Chúa và chỉ cậy
trông vào một mình Chúa mà thôi.
3.2 Sứ điệp của
Lời Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là:
Vì Tình Yêu “nhưng không và quảng
đại”,
Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô đã
ban tặng và giao phó cho chúng ta ơn gọi và sứ mạng làm con Thiên
Chúa,
ơn gọi và sứ mạng làm ngôn sứ của
Người, tức làm người nói Lời Thiên Chúa, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa cho
người trần thế.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ
ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng đã vì yêu thương loài người mà dùng ngôn sứ Amốt làm
phát ngôn viên nói lời Thiên Chúa và đã sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng
Cứu Độ mà Chúa Giêsu Kitô đã đem tới cho nhân loại.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để thực thi sứ điệp của Lời Chúa
hôm nay mỗi người/nhóm/cộng đoàn Kitô hữu phải:
* Trước hết là ý thức tầm quan
trọng của ơn gọi và sứ mạng của mình: Đó là ơn gọi và sứ mạng được làm con
Thiên Chúa, được làm kẻ nói Lời Thiên Chúa (như ngôn sứ Amốt), và làm người
người rao giảng và chữa lành (như các Tông đồ).
* Kế đến là tìm mọi cách thể hiện
và thực thi ơn gọi và sứ mạng cao trọng ấy trong gia đình và ngoài xã hội.
[Xin tự hỏi và trả lời trung thực
trước mặt Chúa và trước lương tâm của mình:
Hằng ngày tôi làm những gì, tôi
sống như thế nào để thể hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa?
Hằng ngày tôi làm những gì để nói
Lời Thiên Chúa? để rao giảng Tin Mừng Cứu độ của Thiên Chúa cho những người tôi
gặp?]
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ
HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu
nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu
cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu
cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 «Chính
Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho
tôi: “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho thề giới được Thiên Chúa
ban cho nhiều ngôn sứ can đảm và kiên cường như Amốt để nhắc nhở cho những
người đang làm tội danh vọng, quyền lực và của cải bất chính mà cải tà qui
chính.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Người
gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức
Thánh Cha Phanxicô, cho các Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục, cho các Linh
Mục, Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để với ơn Chúa trợ giúp, các ngài chu toàn sứ mạng
được Thiên Chúa sai đến với mọi người, nhất là đến với những người nghèo hèn và
bị bỏ rơi trong xã hội.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3 «Trong
Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi
theo lượng ân sủng rất phong phú của Người» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ
chúng ta, để mọi người biết cảm tạ ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa là Đấng
vừa giầu có vừa hào phóng mà ban muôn vàn ơn, nhất là ơn làm con Thiên Chúa, ơn
làm ngôn sứ và làm tông đồ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4 «Người
chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được
mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được
mặc hai áo» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các nhà truyền giáo trên mọi
nẻo đường của thế giới hôm nay để họ cảm nghiệm được sức mạnh của Thiên Chúa mà
vững lòng trông cậy mà ra đi thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa.
Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa! Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigon ngày 10 thàng 7 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội.