SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM B
(28/4/2024)
[Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8]
I. DẪN VÀO PHỤNG
VỤ
Trước 1975 ở Viêt Nam ta
chỉ những người giầu mới được ăn nho, vì đó là nho Mỹ nhập cảng vào nước ta nên
rất đắt. Vì thế mà rất ít người Việt Nam biết cây nho nó như thế nào vì hồi đó
có rất ít nơi trồng nho. Nhưng nay thì đã rất khác: nho đã được trồng ở nhiều
nơi và ai cũng có thể ăn nho, vì đó là nho nội địa của Viêt Nam. Với
người Việt thì thề nhưng với người Do thái hay người Phương Tây như người Pháp,
người Italia, người Tây Ban Nha thì cây nho, trái nho, vườn hay ruộng nho và
rượu nho là những thực tại rất thân quen và gần gũi. Trong Thánh Kinh nói chung
và trong Phúc âm nói riêng cây nho, vườn hay ruộng nho và rượu nho được nhắc
đến khá nhiều lần và diễn tả nhiều thục tại khác nhau, như Israel là vườn nho
của Thiên Chúa, cành nho là các tín hữu Kitô bám vào thân nho là Chúa Kitô để
sinh nhiều hoa trái.
Trong bài Phúc âm Chúa
Nhật V Phục Sinh hôm nay (Ga 15,1-8). Chúa Giêsu đã khẳng định: "Thầy là cây nho, anh em là
cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều
hoa trái….” (câu 5). Chúng ta hãy
tìm hiểu ý nghĩa của bài Phúc âm trên và sứ điệp của Lời Chúa.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG
BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 9,
26-31): "Ngài thuật lại
cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào" Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách
tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã
trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho
các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và
tại Đamas ngài dạn dĩ xưng danh Đức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào
Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân
ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh
em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.
Hội Thánh được bình an
trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây
dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Ga
3,18-24): "Đây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương
nhau" Các con thân mến, chúng
ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do
đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa.
Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng
chúng ta và Người thông biết mọi sự.
Các con thân mến, nếu
lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất
cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ
giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.
Và đây là giới răn của
Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và
phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới
răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta
biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.
2.3 Trong bài Tin Mừng
(Ga 15,1-8): "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều
trái" Khi ấy, Chúa Giêsu phán
cùng các môn đệ rằng: "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng
nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào
trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người
tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với
các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự
nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy,
nếu không ở trong Thầy.
"Thầy là cây nho,
các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều
trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy,
thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng
vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con,
thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Đây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển
là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy".
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH
KINH
3.1 Chân dung của Thiên
Chúa
1°) Trong bài đọc 1
(Cv 9,26-31) chúng ta được
nghe kể khi ông Phaolô đến Giêrusalem để tìm cách nhập đoàn với các
môn đệ Chúa Giêsu thì ông gặp phải nỗi e ngại nơi các môn đệ, vì họ còn sợ ông
và chưa tin ông là một môn đệ. Rõ ràng là các môn đệ Chúa Giêsu và ông Phaolô
đều rao giảng một Chúa, đều làm chứng về một Đấng, đều xây dựng một Hội Thánh.
Nhưng hai bên chưa hiểu và chưa tin nhau. Barnaba đã làm một việc cần thiết và
tuyệt vời để chẳng những không còn nghi ngờ, e ngại mà lại có sự hiệp
thông sâu sắc giữa các Tông Đồ và ông Phaolô.
Qua sự kiện trên chúng
ta thấy Thiên Chúa là Đấng hiệp nhất mọi con người trong một mục tiêu chung.
Chúng ta cũng khám phá ra Thiên Chúa là Đấng dùng mỗi người một cách khác nhau,
để tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn và để loan báo Tin Mừng cho các dân, các
nước.
2°) Trong bài đọc 2 (1 Ga
3,18-24) chúng
ta được nghe Thánh Gioan Tông đồ khuyên nhủ con cái mình hãy yêu
thương cách chân thật và bằng việc làm chứ đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi.
Sống chân thật thì chúng ta không bị lương tâm chê trách tức cáo tội chúng ta.
Mà lương tâm không chê trách thì Thiên Chúa cũng không chê trách. Khi đó chúng
ta có quyền mạnh dạn xin Chúa bất cứ điều gì và chúng ta sẽ được Người ban cho.
Qua
cách diễn tả tư tưởng và nội dung lời khuyên của Thánh Gioan, chúng ta tiếp cận
một Đấng Thiên Chúa chỉ mong muốn con người yêu thương nhau cách chân thực và
cụ thể, để được hạnh phúc trường sinh.
3°) Trong bài Tin Mừng (Ga 15,1-8) chúng ta được nghe những lời hết
sức ngọt ngào của chính Chúa Giêsu Kitô về mối tương quan mật thiết giữa Người
và chúng ta, giữa Thiên Chúa là Cha của Người và chúng ta: một sự kết hiệp chặt
chẽ, một sự sống siêu linh, một mối hiệp thông sâu sắc và một kết quả dồi dào.
Chúa Giêsu cũng mạc khải
cho chúng ta biết điều thật sự tôn vinh Thiên Chúa Cha là “Anh em
sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
3.2 Sứ điệp Lời
Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm
nay có hai phần:
1°) Phần thứ nhất
là Chúa Giêsu muốn thiết
lập một mối tương quan cá vị, mật thiết, gắn bó, có tính sinh tử với mỗi Kitô
hữu. Vì thế mỗi người chúng ta phải biết vun vén, xây đắp cho mối tương quan ấy
mỗi ngày thêm sâu đậm hơn.
Có nhiều cách vun vén,
xây đắp mối tương quan ấy:
(a) Trước hết là siêng
năng “đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện”,
(b) Kế đến là tham dự
các cử hành phụng vụ và bí tích một cách ý thức,
(c) Sau cùng là thực thi
công bằng, bác ái Kitô giáo và thực hiện những điều Thánh Thần khơi dậy trong
lòng khi chúng ta đọc/nghe lời Kinh Thánh hay tiếp xúc với tha nhân, nhất là
với người nghèo và bị thiệt thòi trong xã hội.
2°) Phần thứ hai là mỗi Kitô hữu được Chúa
Giêsu mời sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Người:
(a) Sinh nhiều hoa trái
là có đời sống đạo đức, thánh thiện, khiêm nhu, trong sạch, công bình, bác ái
và phục vụ.
(b) Trở thành môn đệ
Chúa Giêsu là tuân giữ các giới răn của Người, là sống mật thiết với Người và
để Người sai đi (x. Mc 3,14) tức nên giống Chúa Giêsu và tham dự vào sứ mạng
cứu thế của Người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC
THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên
Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương nên
muốn thiết lập với loài người và với mỗi người tín hữu mối quan hệ mật thiết
gắn bó thân tình như cây nho và cành nho.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để việc thi hành sứ điệp
Lời Chúa được dễ dàng và cụ thể, xin mỗi người/cộng đoàn hãy dùng mấy câu hỏi
gợi ý sau đây để kiểm điểm đời sống:
(a) Tôi và cộng
đoàn tôi vun vén, xây đắp mối tương quan mật thiết, gắn bó, có tính sinh tử với
Chúa Giêsu Kitô, với Thiên Chúa như thế nào? và bằng cách nào?
(b) Tôi và cộng đoàn tôi
có sinh nhiều hoa trái là đời sống đạo đức, thánh thiện, khiêm nhu, trong sạch,
công bình, bác ái và phục vụ tha nhân không? Cách kiểm chứng: Nhìn vào tôi và
cộng đoàn tôi, anh chị em lương dân và những người vô thần sống xung quanh, có
nhận ra tôi là môn đệ, cộng đoàn tôi là cộng đoàn môn đệ của Chúa Giêsu Kitô
không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời
cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai
cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn
cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Đây là điều
răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người…” (1 Ga 3,23). Chúng ta hãy cầu nguyện
cho các dân các nước chưa tin vào Danh Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, để họ
nhận ra và tin vào Người là Nguồn Ơn Cứu Độ.
X.- Chúng ta cùng cầu
xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời
chúng con.
5.2 “Hồi ấy, trong
khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững
chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần
nâng đỡ” (Cv 9,31). Chúng ta hãy cầu xin cho Hội Thánh Chúa ở khắp
mọi nơi, nhất là tại Việt Nam, được bình an và phát triển vững chắc, nhờ Thánh
Thần nâng đỡ.
X.- Chúng ta cùng cầu
xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Chúng ta hãy cầu nguyện
cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ
này, để ai nấy sống kết hiệp mật thiết với Thầy Giêsu hầu sinh nhiều hoa trái.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng
ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó
cháy đi” (Ga 15,6). Chúng ta hãy
cầu nguyện cho các tín hữu sống khô khan, nguội lạnh, thờ ơ với đời sống tâm
linh, để họ sớm tỉnh thức và hoán cải.
X.- Chúng ta cùng cầu
xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày 27 tháng 04
năm 2021 - Biên tập tại ngày24 tháng 4 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội.