SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM
B (7/4/2024)
[Cv 4,32.35; 1 Ga 5,1-6; Ga 20,19-31]
I. DẪN VÀO PHỤNG
VỤ
Chúa Giêsu Kitô Con Một
Thiên Chúa đã bị giết chết và đã phục sinh! Tin Mừng Phục Sinh đã được loan
báo! Tin Mừng Phục Sinh đã được một phần nhân loại trong đó có chúng ta, đón
nhận! Đấng Phục Sinh từ nay hiện diện cách vô hình và bằng Thánh Thần bên chúng
ta. Thánh Thần là quà tặng cao quý và hiệu quả khôn lường của Đấng Phục Sinh.
Thánh Thần có quyền năng vô song làm thay đổi cả chiều sâu lẫn chiều rộng tâm
hồn và cuộc sống kẻ tin. Chúng ta - cá nhân và cộng đoàn - sẽ trở thành và phải
trở thành những con người mới. những cộng đoàn mới, hoàn toàn mới.
Vậy thì chúng ta hãy hân
hoan đón nhận Thánh Thần là quà tặng mà Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh ban cho, bằng cách mở
rộng tấm lòng và cuộc sống để Thánh Thần của Đấng Phục Sinh ngự đến và thực
hiện công việc của Người là canh tân đổi mới chúng ta và mọi thực tại trên địa
cầu này.
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG
BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 4,
32-35): "Họ đồng tâm nhất trí" Lúc bấy giờ tất cả đoàn tín hữu đông
đảo đều đồng tâm nhất trí. Chẳng ai kể của gì mình có là của riêng, song để mọi
sự làm của chung. Các tông đồ dùng quyền năng cao cả mà làm chứng việc Chúa
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống lại. Hết thảy đều được mến chuộng. Vì thế,
trong các tín hữu, không có ai phải túng thiếu. Vì những người có ruộng nương nhà cửa đều bán đi
và bán được bao nhiêu tiền thì đem đặt dưới chân các
tông đồ. Và người
ta phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của họ.
2.2 Trong bài đọc 2
(1 Ga 5,1-6): "Mọi
cái sinh ra bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian" Các con thân mến, ai tin rằng Đức
Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh
thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng đó. Cứ dấu này chúng ta nhận biết
rằng chúng ta yêu mến con cái Thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và
thực hành các giới răn Người. Vì chưng,
lòng yêu mến Thiên Chúa là chúng ta tuân giữ giới răn Người,
và giới răn của Người không nặng nề.
Vì
những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng
trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không
phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa? Đấng đã đến nhờ nước và máu, chính là Đức Giêsu Kitô, không phải
trong nước
mà thôi, nhưng trong nước và máu nữa, có Thánh Thần làm chứng rằng Chúa Kitô là
chân lý.
2.3 Trong bài Tin Mừng
(Ga 20,19-31): "Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện
đến" Vào
buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín,
vì sợ người
Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các
ông xem tay và cạnh sườn
Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa
Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai
Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông:
"Các con hãy nhận lấy Thánh Thần,
các con tha tội ai, thì tội người
ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong
Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa
Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng:
"Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy
vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không
thọc bàn tay vào cạnh sườn
Người, thì tôi không tin".
Tám
ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi
các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho
các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và
hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng
hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của
con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con
đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Chúa
Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước
mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô,
Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ
SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên
Chúa
(1°) Trong bài đọc 1 (Cv 4, 32-35), Thánh Luca không mô tả Thiên Chúa là
Đấng như thế nào nhưng dựa vào tường thuật của ngài về những nét đặc trưng
trong đời sống cộng đoàn tín hữu đầu tiên thì chúng ta dễ dàng nhận ra diện mạo
hay chân dung của Thiên Chúa. Đây là cộng đoàn những người đầu tiên tin theo
Đức Giêsu Nazarét và nhìn nhận Người là Chúa của mình. Cộng đoàn này được hình
thành ở Giêrusalem ngay sau ngày Lễ Ngũ Tuần tức Lễ Hiện Xuống. Cách sống của
cộng đoàn có những nét đặc trưng riêng như dồi dào ơn Chúa, tích cực làm chứng
cho Chúa Kitô Phục Sinh, một lòng một ý và yêu thương san sẻ với nhau cả về
tinh thần lẫn vật chất khiến không ai trong cộng đoàn phải thiếu thốn.
Qua cách sống của cộng
đoàn tín hữu đầu tiên như kể trên, chúng ta hình dung được Thiên Chúa là
Đấng quyền năng và yêu thương như thế nào. Thiên Chúa là Đấng quyền năng vì đã
làm cho mọi người trong cộng đoàn biến đổi, sống một cách khác thường, thậm chí
có thể nói là phi thường. Thiên Chúa là Đấng yêu thương vì đã gắn kết mọi người
với nhau và khiến ai nấy đều mở lòng, mở tay chia sẻ của cải với người khác hơn
cả với những người máu mủ ruột thịt.
(2°) Trong bài đọc 2
(1 Ga 5,1-6), Thánh Gioan mô tả đời sống của những kẻ tin vào Chúa Giêsu
Kitô Phục Sinh với những nét đặc thù: họ được Thiên Chúa sinh ra, họ kính mến
Thiên Chúa và yêu thương tha nhân; họ tuân giữ các giới răn của Chúa và chiến
thắng thế gian vì họ có sức mạnh của Niềm Tin và có Thần Khí của Thiên Chúa là
Đấng luôn hỗ trợ và chứng giám.
(3°) Trong bài Tin Mừng (Ga 20,19-31), Thánh Gioan tường thuật lại hai lần hiện ra của Chúa Giêsu
Kitô Phục Sinh với các môn đệ: lần trước thiếu ông Tôma; lần sau có đầy đủ tất
cả các môn đệ, kể cả ông Tôma. Thánh Gioan làm nổi bật chân dung của ông Tôma
với đòi hỏi phải được chứng kiến tận mắt tận tay dấu tích bị đóng đinh thập giá
và bị lưỡi đòng đâm lủng cạnh sườn của Thầy mình thì mới tin là Thầy đã trỗi
dậy từ cõi chết. Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh đã đáp ứng yêu cầu của Tôma trong
lần hiện ra thứ hai: "Đặt ngón tay vào đây,
và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng
nữa, nhưng hãy tin." Tô-ma không còn dám đòi hỏi gì hơn nữa mà chỉ biết “tâm
phục khẩu phục” và thốt lên: "Lạy Chúa của con, lạy
Thiên Chúa của con!"
Nhưng nhân vật chính của
câu truyện là Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh: Người xuất hiện giữa các môn đệ mà
không qua cửa mà vào; Người ân cần, yêu thương mà ban ơn bình an: “Bình an cho anh em!” và cho các ông xem tay
và cạnh sườn nơi giữ lại những dầu tích của cuộc Thương Khó mấy ngày trước; Người
tin tưởng và thủy chung với các môn đệ mà giao sứ mạng: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”; Người ban Thánh
Thần của Thiên Chúa để giúp các môn đệ làm chứng cho Người và thi hành sứ vụ
Người trao: “Anh em hãy nhận lấy Thánh
Thần. Anh
em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị
cầm giữ.”
Tất cả những điều vừa kể giúp chúng ta khám phá ra
chân dung và sứ điệp của Thiên Chúa: Chúa Giêsu
Kitô Phục Sinh ân
cần và tinh tế trong đối xử, Chúa Giêsu Kitô Phục
Sinh chúc
bình an và giao sứ mạng tông đồ và nhất là ban tặng Chúa Thánh Thần cho các môn
đệ.
3.2 Sứ điệp Lời Chúa:
Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Thánh Kinh Chúa
Nhật II Phục Sinh này là:
Đức Giêsu Nazarét đã
Phục Sinh và hiện ra với các môn đệ để củng cố lòng tin của các ông và để sai
các ông đi làm chứng cho Người giữa lòng thế giới.
Bảo chứng của việc hệ trọng ấy là
việc Chúa Kitô Phục Sinh trao ban Thánh Thần và các môn đệ đón nhận Thánh
Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh
Thần. Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em!”
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC
THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên
Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương nên
đã sai Con Một xuống thế làm người. Người đã chết trên thập giá và phục
sinh vinh hiển để quy tụ những ai tin nhận Người là Đức Chúa, thành một cộng
đoàn yêu thương, chia sẻ, đồng tâm nhất trí và tràn đầy ơn sủng của Thần Khí.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Thực thi sứ điệp của Lời
Chúa hôm nay là mỗi ngi đoàn tông đồ, dòng tu) nhìn vào tâm hồn và đời sống
mình:
- xem mình đã trân trọng
đón nhận quà tặng của Đấng Phục Sinh như
thế nào?
- và xem Thánh Thần của
Đấng Phục Sinh đã và đang tác động hay biến đổi mỗi người/mỗi cộng đoàn đến mức
độ nào?
Mấy câu hỏi cụ thể:
1o) Tôi/cộng đoàn tôi có
một lòng một ý theo / trong Thánh Thần không?
2o) Tôi/cộng đoàn tôi có
siêu thoát của cải, coi thường danh vọng, chức quyền thế gian để mở rộng tâm
hồn và bàn tay chia sẻ tài năng, thời giờ và của cải mình có với người khác
không?
3) Tôi/cộng đoàn tôi có
làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh không? làm chứng bằng cách nào?
V. CẦU NGUYỆN CHO NHÂN LOẠI & HỘI
THÁNH
5.1 “Chúng tôi đã
được thấy Chúa” Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho các dân tộc trên
thế giới được ơn nhận ra Thiên Chúa và sự yêu thương chăm sóc của Người, qua
những lời nói và việc làm chứng nhân của các Kitô hữu.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống
lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các Kitô
hữu, nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục,
Phó Tế và Tu Sĩ Nam Nữ, để mọi thành phần Dân Chúa đều trở thành chứng nhân của
Đấng Phục Sinh.
X.- Chúng ta cùng cầu
xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Các tín hữu
thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” Chúng ta hãy cầu nguyện
cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ
này, để ai nấy đều cố gắng sống yêu thương, hiệp nhất với anh chị em trong cộng
đoàn.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nhà
truyền giáo và các tân tòng trên khắp thế giới, để họ được tràn đầy Thánh Thần
của Đấng Phục Sinh.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày 07 tháng 04
năm 2021 –Biên tập tại ngày 3 tháng 4 năm 2024
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội.