SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM A
(16/7/2023)
[Is 55,10-11; Rm 8,18-23; Mt
13,1-23]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Trên bìa
cuốn Tự điển Bách khoa Larousse nổi tiếng, chúng ta đọc thấy phương châm
này: “On sème à tout vent.” Có thể tạm dịch là: “Gieo khắp bốn phương trời.” Phương châm này giúp chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn người gieo
giống trong Tin Mừng Matthêu: “Trong khi người ấy gieo, thì có những
hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá,
chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó
liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai
mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết
quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục."
Các nhà chú
giải Thánh Kinh cho rằng một nông dân “thực thụ” không gieo giống kiểu ấy vì
thật lãng phí. Nhưng chính cách gieo hạt ấy lại làm nổi bật chủ ý của Chúa
Giêsu: Lời Chúa (là hạt giống) được gieo vãi một cách hết sức hào phóng vào
trong thế giới và cõi lòng con người, vì Lời Chúa có sứ mạng đặc biệt làm trổ
sinh hoa trái ở nơi mà Lời Chúa được gieo vào. Và một khi xuất phát từ miệng
Thiên Chúa, Lời sẽ không trở về với Thiên Chúa nếu chưa đạt kết quả, chưa thực
hiện ý muốn của Thiên Chúa, chưa chu toàn sứ mạng được giao phó.
Cử hành
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A hôm nay, chúng ta được gợi ý
là hãy xem lại cách chúng ta đón nhận Lời Chúa như thế nào để Lời ấy sinh hoa
kết trái trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi
nhìn lại cách chúng ta gieo vãi Lời Chúa như thế nào trong đời sống đạo của
chúng ta?
Nói cách
khác chúng ta nên tự hỏi: chúng ta có là mảnh đất tốt để Lời Chúa đâm bông kết
trái xum xuê không? Chúng ta có gieo vãi Lời Chúa một cách không tính toán và
không biết mệt mỏi không?
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI
SÁCH THÁNH
2.1 Trong bài đọc 1 (Is 55,10-11):
"Chúng làm cho đất phì nhiêu" Đây Chúa
phán: "Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng
chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo
có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ
không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta,
và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác".
2.2 Trong bài đọc 2 (Rm 8,18-23):
"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa" Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng
những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải
cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên
Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như
vậy, nhưng vì Đấng đã bắt nó phải tùng phục với hy vọng là các tạo vật sẽ được
giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển
của con cái Thiên Chúa. Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều
rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ
có các tạo vật, mà cả chúng ta là những kẻ hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần,
chúng ta cũng rên siết trong khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử và ơn cứu độ thân
xác chúng ta.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Mt
13,1-23): "Kìa, có người gieo giống đi gieo lúa" Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi
đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người
phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng
dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
"Này đây, có người gieo giống đi
gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất.
Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều
đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô
héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi
xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có
hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe".
Các môn đệ đến gần thưa Người rằng:
"Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về
phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết.
Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có
cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không
thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên
tri Isaia nói về họ rằng: 'Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn
mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại,
kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại
chữa chúng cho lành'. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc
cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và
nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được
thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.
"Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về
người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ
đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường.
Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận,
nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc
bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi
gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến
lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt,
là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một
trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi".
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP LỜI
CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên Chúa (Thiên Chúa
là Đấng nào?): Trong ba bài Sách Thánh hôm nay chúng ta khám phá Thiên
Chúa:
- Là
Thiên Chúa, Đấng đã gửi (sai) Lời của Người đến với trần gian, đến với con
người để Lời ấy thực thi ý Chúa, thi hành sứ mạng là làm sinh hoa kết quả nơi
tâm hồn những ai đón nhận Lời.
- Là Chúa
Giêsu Kitô vừa là Lời của Thiên Chúa vừa là Đấng đã dùng dụ ngôn mà giảng dậy
những người bình dân ít học về những điều cao siêu về Lời Chúa. Nhờ tài sư phạm tuyệt vời ấy mà ai cũng hiểu trách nhiệm của mình là
phải trở thành mảnh đất tốt để đón nhận Lời Chúa và đồng thời phải gieo vãi Lời
Chúa cho hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh thuận lợi cũng như không thuận lợi.
- Là Chúa Thánh
Thần, Đấng luôn hiện diện và tác động trong tâm hồn người Kitô hữu để làm cho
người ấy mở lòng mở trí đón nhận Lời của Thiên Chúa và để cho Lời ấy sinh hoa
kết trái gấp 30,60 hay 100. Chúa Thánh Thần cũng là động lực thần linh thúc đẩy
các Kitô hữu mạnh dạn reo vãi Lời Chúa trong mọi môi trường sống từ gia đình
cho đến ngoài xã hội.
3.2 Sứ Điệp Lời Chúa (Thiên Chúa dậy gì
hay muốn chúng ta làm gì?): Qua
ba bài Sách Thánh,
chúng ta khám phá ra giáo huấn hay sứ điệp của Lời Chúa hôm nay gồm hai điều:
- Một là
tâm hồn và cuộc sống của mỗi Kitô hữu phải là mảnh đất tốt để Lời Chúa sinh hoa
trái thành 30,60 hoặc 100.
- Hai là
cách sống của mỗi người Kitô hữu phải là lời/việc rao giảng Lời Chúa cho những
người xung quanh.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA
NGƯỜI
4.1 Sống với Thiên Chúa như con cái sống với cha mẹ, như kẻ thụ ơn đối với Đấng
ban ơn, như môn đệ sống với Thầy. Sống bằng cả một tấm lòng yêu thương, tôn
kính và tuân phục! Đặc biệt là sống với Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể
làm người để làm cho loài người sinh hoa kết trái thánh thiện đẹp lòng Thiên
Chúa và tạo hạnh phúc cho chính loài người.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa hay giáo
huấn của Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải thực hiện hai việc sau đây:
- Một là chúng
ta phải quan tâm và dành thời gian cho việc đọc/nghe, suy niệm, tìm hiểu Lời
Chúa và trau dồi đời sống tâm linh.
àTôi hãy tự
hỏi: Đối với hạt giống Lời Chúa thì tâm hồn tôi là mảnh đất tốt? hay là vệ
đường? hay là sỏi đá? hay là bụi gai?
- Hai là chúng
ta phải quan tâm và dành tài năng, tiền của và thời gian cho việc làm chứng và
loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho những người xung quanh.
àTôi hãy tự
hỏi: Tôi có gieo vãi Lời Chúa ra bốn phương tám hướng tức cho hết mọi người, để
Lời Chúa được đón nhận và sinh nhiều hoa trái không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời
cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai
cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn
cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1
“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống
đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống,
cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa
chu toàn sứ mạng Ta giao phó” Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước, nhất là cho các dân tộc
chưa đón nhận Phúc Âm là Lời Thiên Chúa gieo vào trần gian để làm cho trần gian
được biến đổi theo thánh ý Thiên Chúa.
X.- Chúng ta
cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa
nhận lời chúng con.
5.2 “Trong khi
người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, …có những hạt rơi trên nơi
sỏi đá, …có những hạt rơi vào bụi gai….” Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh Chúa Kitô
- nhất là cho Đức Thánh Cha Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục, Phó
Tế, Tu Sĩ Nam Nữ và các giáo
lý viên -, để mọi Kitô
hữu hăng say nhiệt
thành trong việc đón nhận và công bố Lời Chúa cho các Kitô hữu và cho những
người chưa đón nhận Lời Chúa.
X.- Chúng
ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa
nhận lời chúng con.
5.3 “Có những hạt lại rơi nhằm đất
tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba
chục" Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo dân của giáo xứ/cộng
đoàn/cộng đồng chúng ta, để mọi người biết cách làm cho mình trở thành mảnh đất
tốt sinh nhiều hoa trái đẹp lòng Thiên Chúa.
X.- Chúng
ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa
nhận lời chúng con.
5.4 “Ai có tai
thì nghe" Chúng ta
hãy cầu nguyện cho những người thờ ơ với đời sống tôn giáo và những giá trị
nhân bản, để họ biết mở lòng đón nhận những chỉ dẫn khôn ngoan và ánh sáng từ
Trời Cao mà sống cách tương xứng với phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa.
X.- Chúng
ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa
nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày
12 tháng 7 năm 2023
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.