CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C
(17.02.2019)
[Gr 17,5-8; 1 Cr 15, 12.16-20; Lc 6,17.26-30]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Là người Công Giáo không chỉ đơn giản là tin vào Mạc Khải của
Thiên Chúa và Giáo Lý mà Giáo Hội giảng dạy, mà còn là chọn lựa một lối suy
nghĩ, nói năng và hành động phù hợp với Mạc Khải và Giáo Lý Ki-tô giáo. Nói một
cách cụ thể người Ki-tô hữu phải sống theo Thiên Chúa chứ không sống theo người
đời, cậy dựa vào Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào người đời.
Thật ra thì không thể đặt người đời làm đối trọng với Thiên
Chúa trên một bàn cân để chọn lựa. Nhưng vì là người, bằng xương bằng thịt với 5
giác quan hữu hình, sống trong một môi trường văn hóa, xã hội nhất định nên
Ki-tô hữu dễ bị tác động ảnh hưởng và lôi cuốn bởi những thực tại của thế giới
hữu hình xung quanh hơn là bởi những giá trị trường cửu của thế giới vô hình
cũng ở xung quanh và trong chính mình nhưng thường người ta không biết. Vì thế
những lời cảnh cáo, nhắc nhở, khuyên nhủ của Thiên Chúa Cha và Con trong Thánh
Kinh, nhất là trong ba bài Sách Thánh của Chúa Nhật VI Thường Niên hôm nay,
không phải không cần thiết!
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA
BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Gr
17,5-8): "Khốn thay cho kẻ tin tưởng người đời; phúc thay cho người tin tưởng
vào Thiên Chúa".
Đây Chúa phán: "Khốn thay cho kẻ
tin tưởng người đời, họ nương tựa vào sức mạnh con người, còn tâm hồn họ thì
sống xa Chúa. Họ như cây cỏ trong hoang địa, không cảm thấy khi được hạnh phúc;
họ ở những nơi khô cháy trong hoang địa, vùng đất mặn không người ở. Phúc thay
cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ
như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè
đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả
luôn.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Cr
15,12.16-20): "Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em cũng là
hão huyền."
Anh em thân mến, nếu Đức Ki-tô
được rao giảng rằng Người đã từ cõi chết sống lại, thì làm sao có người trong
anh em cho rằng không có sự sống lại từ cõi chết? Vì nếu kẻ chết không sống lại,
Đức Ki-tô cũng đã không sống lại. Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại, thì lòng tin
của anh em cũng là hão huyền, và hiện anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của anh em.
Như thế ai đã chết trong Đức Ki-tô, cũng bị tiêu huỷ cả. Nếu chúng ta chỉ hy
vọng vào Đức Ki-tô trong cuộc đời này mà thôi, thì chúng ta là những người vô
phúc nhất trong thiên hạ.
Nhưng không, Đức Ki-tô đã từ cõi
chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những người đã yên giấc.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc
6,17.20-26): "Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có."
Khi ấy, Chúa Giê-su từ trên núi
xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có
đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giu-đê-a, Giê-ru-sa-lem, miền duyên hải
Ty-rô và Si-đon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ
Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: "Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó,
vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói
khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải
khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà
người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi
như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần
thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các
tiên tri y như thế.
"Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ
giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã
được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện
đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người
đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên
tri giả".
III. TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG BA
BÀI THÁNH KINH
3.1 Trong ba bài Thánh Kinh
trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là Đấng nào?
3.1.1 Bài đọc 1 (Gr 17,5-8)
là một đoạn văn ghi lại lời của Thiên Chúa nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a, để hướng
dẫn và thuyết phục những người Ít-ra-en biết, nên tin và cậy dựa vào ai? vào
người đời hay vào Thiên Chúa? Kết quả sẽ rất khác nhau giữa một người tin ở
người đời và một người tin ở Thiên Chúa.
Trong đoạn Gr 17,5-8 trên, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là
Đấng hết lòng yêu thương, không muốn con cái mình sai lạc trong cuộc sống trần
gian, nên dùng ngôn sứ để chỉ dậy và hướng dẫn họ tường tận. Chúng ta cũng khám
phá ra Thiên Chúa là Đấng hết sức tôn trọng tự do và chọn lựa của con người, khi
Người không ép buộc, cưỡng bức mà chỉ trình bày cặn kẽ, so sánh thiệt hơn cho
con cái nhà Ít-raen mà thôi. Ở đây lại nổi bật dung mạo của một Thiên Chúa là
nhà sư phạm tuyệt vời!
3.1.2 Bài đọc 2 (1 Cr 15,12.16-20) là những lời diễn
giải của Thánh Phao-lô về việc Chúa Giê-su Ki-tô đã trỗi dậy tức sống lại. Thánh
Phao-lô dùng lý luận để thuyết phục các tín hữu Cô-rin-tô hãy kiên định trong
giáo lý mà họ đã đón nhận mà tin vững vàng vào sự phục sinh của Chúa Giê-su
Ki-tô. Ngài cũng khẳng định mầu nhiệm chết và phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô là
trung tâm, là nền tảng của đời sống Ki-tô hữu.
Trong đoạn 1 Cr 15,12.16-20 trên, chúng ta khám phá ra rằng
Chúa Ki-tô Phục Sinh là trung tâm và nền tảng, là nguyên lý và điểm tựa của niềm
tin Ki-tô giáo. Có nghĩa là tất cả mọi hoạt động (tư tưởng, lời nói, việc làm,
lối sống) của người tín hữu đều phải xoay quanh mầu nhiệm phục sinh của Chúa
Ki-tô, đặt nền tảng trên mầu nhiệm ấy, xuất phát từ mầu nhiệm ấy và dựa vào mầu
nhiệm ấy!
3.1.3 Bài Tin Mừng (Lc 6,17.20-26) là bài giảng trên
núi của Chúa Giê-su trong Phúc âm Lu-ca. Có bốn lời
“phúc cho anh em” và bốn lời
“khốn cho các ngươi.” Khách quan mà nói
không dễ gì hiểu được ý nghĩa của những lời “phúc
cho” và “khốn cho” này, vì
những điều Chúa Giê-su nói trái ngược hẳn với suy nghĩ và đánh giá của người
đời.
Có nhà chú giải dựa vào một chi tiết nhỏ là
“Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói” để
giải thích rằng Chúa Giê-su nói những lời này với các môn đệ là những người muốn
đi theo Chúa, chứ không nói lời này với hết mọi người, hay với bất cứ người nào!
Giải thích như thế có vẻ trùng khớp với hai nhóm người là
“anh em” và
“các ngươi.”
Trong đoạn Phúc Âm Lc 6,17.20-26 này chúng ta khám phá ra một
nét chân dung của Chúa Giê-su. Đó là Người có một quan điểm khác xa với quan
điểm thông thường của con người, liên quan tới hạnh phúc đích thật của đời người
môn đệ. Chúa Giê-su cho thấy người môn đệ, dù có gặp bất cứ hoàn cảnh nào tồi tệ
đến đâu đi nữa (nghèo, phải đói, phải khóc, bị oán ghét sỉ vả và khai trừ) thì
họ vẫn không phải vì thế mà mất hạnh phúc. Hạnh phúc mà họ có vượt trên mọi hạnh
phúc trần gian. Hạnh phúc đó là được Thiên Chúa yêu,
gọi, chọn và thưởng. Còn những thứ mà người đời coi là hạnh phúc (như
giầu có, no nê, được vui cười và ca tụng) thì chỉ có giá trị nhất thời, chóng
qua và nguy hiểm.
3.2 Qua ba bài Thánh Kinh trên,
Thiên Chúa muốn gửi sứ điệp gì cho chúng ta?
Vậy sứ điệp của Lời Chúa hôm nay rất rõ ràng:
Được chọn là Ki-tô hữu, là thành viên của cộng đoàn Dân Chúa,
mỗi người chúng ta được mời:
* tin vào Thiên Chúa (hơn tin vào người đời),
* tin vào sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô (hơn là
tin vào những lời tuyên truyền dối trá của những người phản Ki-tô chung quanh)
và
* tin vào lời công bố phúc/họa của Chúa Giê-su
Ki-tô (hơn là tin vào quan điểm thông thường của người đời và thế gian).
Và
* thể hiện niềm tin ấy trong đời sống cá nhân, gia đình và
cộng đồng của chúng ta.
IV. SỐNG LỜI CHÚA HÔM NAY
Để thực thi sứ điệp mà Chúa dành cho tôi hôm nay, tôi quyết
tâm thực hiện những việc sau đây trong đời sống hằng ngày, nhất trong những lúc
khó khăn, thử thách, bế tắc :
* Tin vào Thiên Chúa, cậy dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi!
* Tin vào Mầu Nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô chết và phục sinh và
sống theo niềm tin ấy!
* Tin vào quan điểm và lời công bố của Chúa Giê-su về phúc/họa
của người môn đệ (tất cả các Ki-tô hữu đều là môn đệ Chúa) và sống theo quan
điểm ấy!
V. CẦU NGUYỆN (Có thể
dùng làm Lời Nguyện Giáo Dân)
5.1 Lạy Thiên Chúa là Đấng Thông Minh và Sáng Suốt vô cùng,
Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Đáng
nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng
dạ xa rời Đức Chúa!” Chúng con cảm tạ ngợi khen Chúa vì Lời Chúa
đã khiến chúng con phải thức tỉnh mà điều chỉnh cách suy nghĩ và cách sống của
chúng con. Xin Chúa dạy chúng con biết “đặt niềm
tin vào Đức Chúa, và có Đức Chúa làm chỗ nương thân.”
Xướng: Lạy Chúa, chúng con cầu
xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 Lạy Thiên Chúa là Cha Chúa Giê-su Ki-tô, Thánh Phao-lô đã
quả quyết với các tín hữu Cô-rin-tô xưa và với chúng con hôm nay:
"Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và
anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em…. Nhưng Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ
cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” Chúng con ngợi khen và chúc tụng Chúa vì Chúa đã làm cho Con Một
Chúa trỗi dậy từ cõi chết, bằng sức mạnh của Thần Khí Chúa. Xin Chúa ban cho
chúng con ơn phục sinh, chẳng những ở đời sau mà ngay cả ở đời này để chúng con
chiến thắng tội lỗi và tính hư hết xấu của chúng con!
Xướng: Lạy Chúa, chúng con cầu
xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã nói với các môn đệ xưa và
với chúng con hôm nay: “Phúc cho anh em là những
kẻ nghèo khó…; Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói…; Phúc cho anh
em là những kẻ bây giờ đang phải khóc…; Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị
người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa…”
Chúng con cảm tạ và chúc tụng Chúa vì
Chúa cho chúng con là những người bé mọn trước mặt người đời nhưng cao trọng
trước mặt Chúa. Xin Chúa hãy ban cho chúng con ơn mỗi ngày một nên giống Chúa
hơn!
Xướng: Lạy Chúa, chúng con cầu
xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã nói với các môn đệ xưa và
với chúng con hôm nay: "Khốn cho các ngươi là
những kẻ giàu có..; khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê..;
khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười..; khốn cho các
ngươi khi được mọi người ca tụng…” Chúng con cảm tạ và chúc tụng
Chúa vì Chúa nói với chúng con những lời cảnh cáo “khó nghe” nhưng có sức cứu
độ. Xin Chúa hãy ban cho chúng con ơn siêu thoát đối với mọi của cải và hạnh
phúc trần gian!
Xướng: Lạy Chúa, chúng con cầu
xin Chúa. Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con.
Sàigòn ngày 10/02/2019.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.