CHÚA
NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B (18/11/2018)
(KÍNH
TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ÐẠO VIỆT NAM)
[Đn 12,1-3;
Dt 10,11-14.18; Mc 13,24-32]
I. DẪN VÀO
PHỤNG VỤ
Trong xã hội Việt Nam ta xưa cũng
như nay, những người trẻ được mang nhãn hiệu CÔCC (con ông cháu cha) thì không
để đâu cho hết niềm tự hào. Thật ra nếu đi sâu vào thực tế thì chưa hẳn tất cả
những người trẻ mang danh CÔCC đều là những người đáng tự hào, vì cha ông của
một số những người trẻ ấy chẳng có gì đáng tự hào, khi chỉ nhờ vào địa vị xã
hội, tham nhũng, hối lộ hay ăn cắp của công mà thành người có chức, có quyền và
có của trong xã hội và chính bản thân những người trẻ ấy cũng chẳng có gì đáng
tự hào do chẳng có công trạng gì với cộng đồng xã hội.
Nhưng những người Công Giáo Việt Nam
thì đích thực là CÔCC theo một nghĩa hoàn toàn khác:
«Cha Ông chúng ta là các Thánh Tử Đạo và chúng ta
đích thực là con cháu của các Ngài, xét cả về huyết tộc lẫn niềm tin Ki-tô, và
chúng ta có quyền tự hào về các Ngài, và về chính chúng ta nếu chúng ta sống
tương xứng với địa vị và danh giá của mình và của Cha Ông».
Thật vậy, Ông Bà, Tổ Tiên chúng ta
là 118 Thánh Tử Đạo đã được Hội Thánh tôn phong (kể cả Chân Phước An-rê Phú Yên)
và hàng chục ngàn các Vị Anh Hùng Tử Đạo. Các ngài đã làm rạng danh người Công
Giáo Việt Nam bằng chứng tá Tử Đạo.
Mừng kính trọng thể các Thánh Tử Đạo
Việt Nam hôm nay, chúng ta không chỉ khơi lên lòng tự hào mà còn phải thể hiện ý
thức trách nhiệm bằng những dấn thân cụ thể cho Giáo Hội cũng như cho quê hương,
cho đồng bào thân yêu, để xứng đáng là CON CHÁU các Thánh Tử Đạo Việt Nam!
II. LẮNG NGHE
LỜI CHÚA TRONG CÁC BÀI THÁNH KINH
2.1 Bài
đọc 1 (Đn 12,1-3): "Khi
ấy dân ngươi sẽ được cứu thoát".
Khi ấy, tổng lãnh sứ
thần Micae sẽ chỗi dậy can thiệp cho con cái dân ngươi, đó sẽ là thời kỳ khốn
khổ chưa từng xảy đến từ khi có các dân tộc cho tới bây giờ. Trong thời kỳ ấy
dân ngươi, hễ ai đã có ghi tên trong sách, sẽ được cứu thoát.
Nhiều kẻ an giấc trong
bụi đất sẽ chỗi dậy; có người sẽ được hưởng phúc trường sinh, có kẻ phải tủi
nhục muôn đời.
Những người thông minh
sẽ sáng chói như ánh sáng vòm trời, và những kẻ khuyên dạy sự công chính cho
nhiều người, sẽ nên như các vì tinh tú tồn tại muôn ngàn đời. Đó là lời Chúa.
2.2 Bài
đọc 2 (Dt 10,11-14.18):
"Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến muôn
đời".
Trong khi mọi tư tế
hằng ngày đứng gần bàn thờ chu toàn chức vụ mình và hiến dâng cũng ngần ấy của
lễ nhiều lần, nhưng không bao giờ xoá được tội lỗi, còn Người khi dâng xong của
lễ duy nhất đền tội, đã ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời, và từ đây, Người
chờ đợi cho đến khi thù địch bị đặt làm bệ dưới chân Người. Vì chưng, nhờ việc
hiến dâng duy nhất mà Người đã làm cho những kẻ được thánh hoá nên hoàn hảo đến
muôn đời. Vậy nơi nào tội lỗi được thứ tha, thì không còn việc dâng của lễ đền
tội nữa. Đó là lời Chúa.
2.3 Bài
Tin Mừng (Mc 13,24-32):
"Người sẽ quy tụ những người được tuyển chọn từ khắp bốn phương trời".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán
cùng các môn đệ rằng: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra
tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức
mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên
đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần
của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời
cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này.
Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con
nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần
ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi
sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi.
"Còn về ngày đó hay giờ
đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng
chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi".
III. CÁC THÁNH
TỬ ĐẠO VIỆT NAM ĐÃ KIÊN CƯỜNG SỐNG VÀ LÀM CHỨNG ĐỨC TIN.
Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam được
gọi là Lễ Thánh An-rê Dũng Lạc và các Bạn Tử Đạo. Việc kính Thánh An-rê Dũng Lạc
và các Bạn Tử Đạo bao gồm việc kính tất cả 117 Vị Tử Đạo đã được Giáo Hội phong
lên bậc Hiển Thánh. 117 vị Thánh này có 96 Thánh Việt Nam (37 linh mục, 14 thầy
giảng, một chủng sinh và 44 giáo dân), 11 Thánh người Tây Ban Nha (6 giám mục và
5 linh mục), 10 Thánh người Pháp (2 giám mục và 8 linh mục). Chúng ta có thể kể
thêm Chân Phước An-rê Phú Yên (Vị tử đạo đầu tiên) vào hàng ngũ các Thánh Tử Đạo
Việt Nam nên con số sẽ là 118 Vị.
Thánh An-rê Dũng Lạc tử đạo ngày 21
tháng 12 năm 1839. Hai vị Thánh Tử Đạo đầu tiên là Linh mục Tế và Linh mục Đậu
tử đạo ngày 22 tháng 1 năm 1745, và vị Thánh Tử Đạo sau cùng là giáo dân Phê-rô
Đa tử đạo ngày 17 tháng 6 năm 1862. Như vậy khi nói các Bạn Tử Đạo với Thánh
An-rê Dũng Lạc ta phải hiểu là các Thánh Tử Đạo kể từ năm 1745 tới năm 1862
(trong khoảng thời gian 117 năm).
Tất cả các Vị Thánh này, chỉ vì kiên
trung giữ vững đức Tin, quyết tâm không bỏ Chúa, không bỏ Giáo Hội, nên đã trải
qua nhiều đau khổ, cơ cực, như bị tra tấn, bị đòn vọt đánh nát thịt da, bị kìm
nung đỏ cặp vào chân tay, bị đói khát, bị mình trần phơi nắng nhiều ngày, bị
gông cùm xiềng xích trong tù ngục nhiều tháng trời v.v.. và sau cùng hoặc bị
chém đầu (án trảm), hoặc bị thiêu đốt (án thiêu sinh), hoặc bị xiết cổ đến chết
(án giảo), hoặc bị cắt các chi thể rồi mới chém đầu (án lăng trì), hoặc bị cắt
xẻ da thịt ra hằng trăm miếng (án bá đao). Cũng có vị, vì bị tra tấn quá dã man,
bị đói khát, ngày đêm nhốt trong cũi chật hẹp, lại phải đeo xiềng xích, cùm chân
tay, nên đã trút hơi thở cuối cùng, trước khi bị đem ra pháp trường.
Một vài
tấm gương anh dũng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam:
- Thánh
Linh mục Du bị trói vào một cây cọc. Có 3
lý hình, một cầm kìm, một cầm dao, còn một người lo đếm cho đủ 100 lát cắt.
Trước đó, lính đã nhét đá vào miệng ngài và cột chặt, để không có thể kêu la hay
bỏ chạy được. Sau một hồi trống, lý hình cắt lớp da trên trán Cha Du lệt xuống
che mắt, rồi cắt từng mảng hai bên ngực, sau lưng, tay chân. Quá đau đớn Cha Du
giãy giụa quàn quại, ngướv mắt lên trời cao, rồi gục đầu xuống nhắm mắt lìa
trần. Tiếp theo quân lính cắt đầu của vị tử đạo, bổ thân mình làm 4 và ném xuống
biển. Còn thủ cấp Cha được đem đi bêu tại nhiều nơi, rồi đưa trả về kinh đô, bị
bỏ vào cối giã nát và cho rắc xuống biển.
- Thánh
Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn
cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lện quan án sát. Vừa nghe lện, hai
lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt
đầu. Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.
- Hai Cha
Điểm và Khoa bị trói chân tay vào cột, lý
hình tròng dây vào cổ. Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến
khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.
Sáng ngày 5-6-1862, trước sự chứng kiến của rất đông
người, hai giáo dân: Thánh Toại và Thánh Huyên
bước vào cũi tre để bị thiêu sống. Những người hiện diện đều xúc động khi nghe
rõ các ông cất tiếng nguyện cầu thật lớn, trong khi ngọn lửa hồng phừng phực bốc
cao, thiêu đốt hai ông.
- Sau ba tháng tù tại Bình Định ông
An-rê Nguyễn Kim Thông nhận được án
phát lưu vào Vĩnh Long. Đường từ Bình Định vào Nam xa xôi, ông Thông cùng với
bốn chứng nhân khác. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông siềng, ông bước đi
một cách rất khó khăn, mệt nhọc. Mỗi ngày chỉ đi được bảy tám dặm, dưới ánh nắng
gay gắt. Tối đến, đoàn tù nhân được tạm giam trong các đòn quan, hay nhà tù địa
phương. Được vài ba ngày, lính thấy ông Thông đuối sức quá, sợ không thể đi tới
nơi, thì thương tình tháo gông xiềng cho ông. Đến Chợ Quán, thấy tình trạng sức
khỏe của ông quá tàn tạ, Cha Được đã đến ban phép xức dầu cho ông. Sau đó ông
lại phải mang gông xiềng tiếp. Khi ông đặt chân lên đất lưu đày, ông chỉ kịp đọc
kinh an năn tội, vài kinh kính mừng, rồi tắt thở. Hôm đó là ngày 15 tháng 5 năm
1855.
- Bà Thánh
I-nê Đê (Lê Thị Thành), sau khi đã bị tra
tấn và chịu đòn, coi trong người không có chỗ nào không bị thương tích, áo quần
đầy máu me, bà đã trút hơi thở cuối cùng trong ngục. Lời sau cùng của bà là:
"Giê-su Ma-ri-a Giu-se, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin
ban cho con trọn niềm tin ở Chúa." Hôm đó là
ngày 12-7-1841, sau 3 tháng bị giam cầm về đức Tin.
- Riêng những vị xử trảm, cũng có những gương sáng
lạng về việc các ngài coi thường sự đau đớn lúc bị chém đầu. Coi như các ngài
ước ao được chém nhiều lần để biểu lộ lòng yêu mến Chúa. Trước khi bị chém
Thánh Giám mục An nói với viên
quan chỉ huy: "Tôi gửi quan 30 quan tiền để xin một ân huệ: Đừng chém tôi một
nhát nhưng 3 nhát. Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi, và
dẫn tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi.
Nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí chết vì đức
Tin, theo gương vị chủ chăn. Và như thế họ đáng hưởng hạnh phúc cùng các Thánh
trên trời.”
- Năm ông Đaminh
Nhi, ông Đa-minh Mạo, ông Đa-minh Nguyên, ông An-rê Tường, ông Vinh sơn Tưởng,
bị xử chém đầu, thì trừ ông Đa-minh Nhi, bốn vị ông Đa-minh Mạo cùng các ông
Đa-minh Nguyên, An-rê Tường, Vinh-sơn Tưởng, đều yêu cầu lý hình, thay vì chém
một nhát, thì xin được chém 3 nhát để tỏ lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi.
- Riêng Thánh Hồ
Đình Hy bị chém đầu, nhưng trước khi đem đi xử, giữa kinh thành
Huế, trong ba ngày 15,18 và 21 tháng 5 năm 1857, thân mình ngài đầy thương tích,
quần áo tả tơi, dính đầy máu, đi đứng lảo đảo như muốn té nhào, bị điệu qua các
đường phố, những khu chợ và quanh thành nội. Lính mở đường đi trước rao tên tử
tội, mỗi khi tới ngã ba đường, phố, chợ và công trường, người tử tội bị đánh 30
trượng, lính vác loa rêu rao: "Thằng theo tà đạo, đức ngỗ nghịch, bất hiếu
với cha mẹ, cưỡng lại luật pháp triều đình. Vì thế bị kết án tử hình. Bọn Gia Tô
tin rằng chết vì đạo sẽ lên Thiên đàng. Điều đó có đúng hay sai, không cần biết.
Gia Tô của nó ở đâu? tại sao thấy nó khổ mà không đến cứu?"
- Sau một năm tù giam,
An-rê Trọng vẫn cương quyết tuyên
xưng đức Tin, các quan quyết định ngày xử là thứ bảy ngày 28-11-1835. Sáng hôm
đó, anh gặp lại người anh họ. Người anh họ hỏi Thánh nhân có muốn ăn gì không?
An-rê Trọng trả lời: "Em muốn giữ chay để dọn mình tử đạo", rồi nói tiếp:
"Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin
nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em, cầu chúc bà mãi mãi thánh thiện và sẽ hài
lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa, cho đến chết."
Nhưng người anh họ chưa kịp về nhắn tin, bà mẹ An-rê
Trọng đã đến đón con và theo con đến tận đầu chợ An Hòa, nơi An-rê sẽ phải xử.
Gặp con, bà chỉ nói một câu: "Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù con có nợ
nần gì ai không? Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay con."
Khi được con cho biết không vướng mắc gì với ai, bà
tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh nói với con những lời đầy khích lệ. Đến nơi
xử, khi quân lính tháo gông xiềng, Thánh Trọng đón lấy, đưa cho anh lính cạnh
bên và căn dặn: "Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm."
Mẹ anh đứng gần bên nghe rõ, nhưng bà cho rằng chỉ
nhận lấy kỷ vật đó mà thôi là chưa đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của
con mình nữa. Bà can đảm, bước ra xin viên quan chỉ huy trao cho bà thủ cấp của
con bà. Bọc trong vạt áo rồi ghìm chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lập đi lập lại:
"Ôi con yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ.” Rồi bà đem về an táng trong nhà.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA “CON
CHÁU CÁC THÁNH”
4.1 Trách nhiệm
sống sứ mạng chứng nhân của mọi Ki-tô hữu đã
được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhắc nhở trong Thư Mục Vụ 2006 về chủ đề “Sống
Đạo Hôm Nay”:
“Trước khi về Trời, Chúa Giê-su đã củng cố niềm
tin của các Tông Đồ, mở trí cho các Ngài hiểu Thánh Kinh và trao cho các Ngài sứ
mạng ra đi rao giảng cho muôn dân, kêu gọi thống hối để được ơn tha tội. Người
khẳng định: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48).
“Từ đó, sống chứng nhân là cách thế biểu thị sống
động nhất về sức mạnh yêu thương cứu độ của Thiên Chúa, cũng như Chúa Giê-su đã
đến trần gian không để tìm vinh quang cho chính mình, nhưng là để làm vinh danh
Thiên Chúa và cứu độ con người, Ki-tô hữu bước theo Chúa Giê-su để được Tin Mừng
của Người biến đổi, và qua đó họ trở nên những người đem Tin Mừng cho thế giới
này.
“Nếu trong đời sống Ki-tô hữu, Chúa Giê-su
thực sự là điểm quy chiếu và là chuẩn mực giúp nhận định giá trị các hành vi,
thì sự hiện diện tích cực qua việc sống đạo của Ki-tô hữu trong xã hội sẽ trở
thành lời chứng về những giá trị căn bản của Tin Mừng và trở nên dấu chỉ của
niềm hạnh phúc Nước Trời.” (Thư Mục vụ 2006 của Hội
Đồng Giám Mục Việt Nam, 4).
4.2 Trong cụ thể nếu muốn sống sứ mạng
chứng nhân ngày hôm nay thì người giáo dân Việt Nam
không thể thờ ơ trước những thực tại bất bình thường và đáng xấu hổ của xã hội
hiện nay:
(a) Trước hết là tình trạng nghèo đói
của đại đa số đồng bào: Xã hội Việt Nam còn đầy
rẫy những
người nghèo: nghèo về vật chất khiến
phải sống dưới mức
tối thiểu không thể xem là đủ sống; nghèo về xã hội, như bị kỳ thị (tôn giáo, sắc
tộc, phe đảng) hay bị
cô lập (già yếu); nghèo về thể chất và tâm linh, như bệnh tật và tàn tật; nghèo
về chính trị, như bị ức hiếp, bóc lột, cưỡng bức; nghèo về văn hóa, như ít học,
ít hiểu biết và không được coi trọng;
nghèo về đạo đức, như tội phạm. Những
người nghèo kể trên đều bị ngăn cản không được dự phần vào đời sống chung của xã
hội một cách xứng hợp, và vì thế nhu cầu cấp thiết là phải giúp đỡ họ thể hiện
vai trò “chủ thể” của họ phù hợp với phẩm giá con người.
(b) Kế đến là tình trạng bất công tràn
lan trong xã hội: Có nhiều kẻ không làm mà hưởng
rất nhiều trong khi có nhiều người khác cực khổ suốt ngày, suốt tuần, suốt
tháng, suốt năm, thậm chí suốt đời mà vẫn không đủ sống. Có những người giầu có
bạc triệu (tính bằng đô-la Mỹ) nhờ có chức có quyền nên có cơ hội kinh doanh đầu
tư hoặc tham nhũng, vơ vét dù bất tài và thất đức. Trong Thư Mục Vụ 2006, các
Giám Mục Việt Nam đã thúc đẩy mọi tín hữu góp phần xây dựng một xã hội công
bằng: “Lòng mến Chúa yêu người thôi thúc chúng ta góp
phần xây dựng một xã hội trong đó con người có điều kiện để sống xứng với phẩm
giá của mình. Bởi vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, nên mọi người có
quyền được tôn trọng và phát huy những khả năng Chúa ban để phục vụ xã hội một
cách hiệu quả nhất. Đồng thời, bởi vì con người là anh em của nhau, được tác tạo
do quyền năng của Thiên Chúa và là đối tượng của ơn cứu chuộc trong Chúa Giê-su
Ki-tô, nên mỗi người cần được đối xử với lòng kính trọng và yêu thương chân
thành như là mục đích của sự phát triển toàn diện, để họ không bao giờ bị biến
thành phương tiện cho sự phát triển kinh tế, cho sự thăng tiến xã hội của bất kỳ
tổ chức hay thế lực nào.
“Để xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc
giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người, cũng cần có một
đường lối thích hợp bảo đảm thực hiện được quyền này. Công việc này đòi hỏi sự
đóng góp từ nhiều phía. Là Ki-tô hữu, được mời gọi để trở thành ánh sáng cho thế
gian, muối cho đời, men trong bột, chúng ta hãy tập trung xây dựng một cộng đoàn
trong đó mọi thành phần đều được yêu thương và được đối xử công bằng.”
“Sự công bằng cần phải đi đôi với lòng tôn
trọng sự thật, vì tôn trọng sự thật là điều kiện để xây dựng một cộng đoàn yêu
thương. Chúng tôi tin chắc rằng gương sáng phát xuất từ cộng đoàn của những
người con cái Chúa sẽ có ảnh hưởng tích cực trong xã hội chúng ta”
(Thư Mục vụ 2006 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, 7).
(c) Sau cùng là tình trạng thiếu tự do,
dân chủ vẫn còn được duy trì mặc dù trào lưu tiến
bộ của loài người là tôn trọng phẩm giá và các quyền con người. Do đó, không ai
hay nhóm người nào, vì bất cứ lý do gì, được quyền chối bỏ hoặc hạn chế các giá
trị thiêng liêng cao cả ấy. Trong lãnh vực này, người Công Giáo có trách nhiệm
đề cao, truyền bá và bảo vệ các giá trị của tự do, dân chủ và phân quyền trong
đời sống xã hội vì phẩm giá và các quyền con người là bất khả xâm phạm và không
thể chuyển nhượng như Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh trong
Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á: “Con người, chứ không phải của cải hay kỹ
thuật là tác nhân chủ yếu & mục tiêu của sự phát triển. Thế nên, sự phát triển
mà Giáo Hội cổ võ vượt xa những vấn đề kinh tế và kỹ thuật. Sự phát triển ấy bắt
đầu và kết thúc với sự toàn vẹn của con người, đã được tạo dựng theo hình ảnh
Thiên Chúa và được Thiên Chúa ban cho một phẩm giá cũng như các quyền con người
bất khả nhượng. Các bản Tuyên Ngôn Quốc Tế khác nhau về các quyền con người cũng
như nhiều sáng kiến được khởi hứng từ các Tuyên Ngôn ấy là một dấu hiệu cho thấy,
trên cấp độ toàn cầu, càng ngày người ta càng quan tâm tới phẩm giá con người.
Không may, trong thực tế, các bản Tuyên Ngôn này thường xuyên bị vi phạm. Đã năm
mươi năm sau ngày long trọng công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, mà nhiều
dân tộc vẫn còn là nạn nhân của những hình thức bóc lột và thao túng làm hạ phẩm
giá, biến họ thành nô lệ thực sự cho những người quyền thế hơn, cho một ý thức
hệ, cho quyền lực kinh tế, cho những hệ thống chính trị đàn áp, cho chủ nghĩa
khoa học kỹ thuật thống trị hay sự xâm nhập của các phương tiện thông tin đại
chúng.” (Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á,
33).
V. CẦU
NGUYỆN
CHO THẾ GIỚI VÀ HỘI THÁNH
5.1
«Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho Hội Thánh Chúa tại
Việt Nam để mọi thành phần Dân Chúa biết noi gương Tổ Tiên là Các Thánh Tử Đạo
Việt Nam mà sống trung kiên và dũng cảm làm chứng cho Đức Tin trong hoàn cảnh xã
hội hôm nay.
Xướng: Chúng
ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2
«Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó,
Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân!»
Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân tộc trên trái đất này, nhất là cho dân
tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta, để mọi người thành tâm thiện chí nhận ra sự
hiện diện của Thiên Chúa và Vương Quyền của Chúa Giê-su Ki-tô mà ăn ngay ở lành
và tôn trọng phẩm giá của người khác.
Xướng: Chúng
ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3
«Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng ngự trong đám
mây mà đến.» Chúng ta
hiệp lời cầu nguyện cho những người đang chịu cảnh áp bức, bất công và cho những
người dũng cảm bênh vực Công Lý và Nhân Quyền trong xã hội Việt Nam hiện nay, để
họ vững lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng Quyền Năng và Chính Trực.
Xướng: Chúng
ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 09/11/2018
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội.