CHÚA NHẬT XXVIII
THƯỜNG NIÊN NĂM B (14/10/2018)
[Kn 7,7-11; Dt
4,12-13; Mc 10,17-30]
I. DẪN VÀO
PHỤNG VỤ
Trong xã hội trọng kim tiền như Việt Nam ta
hiện nay thì “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật
của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là đà của danh vọng, là cái lọng che
thân, là cán cân công lý” . Trong não trạng chung của người xưa
cũng như nay thì đồng tiền liền khúc ruột. Vì thế mà chúng ta không có gì phải
ngạc nhiên khi anh chàng thanh niên giầu có bỏ đi sau khi nghe Đức Giê-su nói
với anh: "Ngươi chỉ thiếu một
điều, là ngươi hãy đi
bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu
trên trời, rồi đến theo Ta".
Siêu thoát khỏi tiền của vàng bạc là điều cực kỳ
khó. Chúng ta cần có sức mạnh của Thiên Chúa để sống siêu thoát như Chúa Giê-su
Ki-tô mong đợi nơi người môn đệ của Người.
II. LẮNG NGHE LỜI
CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc
1 (Kn 7,7-11): "Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang
như không".
Tôi đã ước ao được
ban sự hiểu biết, tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự
khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Ðem so sánh sự giàu sang với sự khôn
ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương,
vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để
trước nó thì kể như đất bùn. Tôi yêu quý sự khôn ngoan hơn sức khoẻ và sắc đẹp,
tôi lấy nó làm hơn được sự sáng, vì sự sáng của nó không hề tắt. Tất cả mọi sự
tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó, và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính
không kể xiết.
2.2 Trong bài đọc
2 (Dt 4,12-13): “Lời của Chúa phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn".
Anh em thân mến,
lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi,
thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách
tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt
Chúa; tất cả mọi sự đều phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà chúng ta phải
trả lẽ.
(3) Trong bài
Tin Mừng (Mc 10,17-30): "Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".
Khi ấy
Chúa Giê-su vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi:
"Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giê-su trả lời:
"Sao ngươi gọi Ta là nhân lành?
Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết
các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng
gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những
điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Bấy giờ Chúa Giê-su chăm chú nhìn người ấy và
đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất
cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời,
rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu
bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giê-su nhìn chung quanh và bảo
các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!" Các môn
đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giê-su lại nói tiếp và bảo các ông
rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên
Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước
Thiên Chúa". Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được
cứu độ?" Chúa Giê-su chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì
không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi
sự". Phê-rô thưa cùng Chúa Giê-su rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo
Thầy". Chúa Giê-su trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa,
anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây
giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con
cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu.
Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước
nhất".
.
III. KHÁM PHÁ CHÂN
DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân Dung của Thiên
Chúa (Thiên Chúa là Đấng nào?)
3.1.1 Bài đọc 1 (Kn 7,7-11)
là quan điểm của tác giả Sách Khôn Ngoan về giá trị của Đức Khôn
Ngoan so với của cải vật chất, châu báu ngọc ngà, sức khỏe và sắc đẹp. Tất cả
những thứ này không đáng kể gì so với Đức Khôn Ngoan.
Các nhà chú giải Thánh Kinh đều hiểu Ðức Khôn Ngoan
là Thần Khí của Thiên Chúa, là Lời Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa. Vậy thì qua
đoạn Sách Thánh này chúng ra khám phá ra Thiên Chúa là Đấng đáng chúng ta tìm
kiếm và nghe theo trên hết mọi sự, mọi loài.
3.1.2 Bài đọc 2 (Dt 4,12-13)
là những lời của Thánh Phao-lô nói với các tín hữu Do-thái, về
vai trò và giá trị của Lời Chúa. Lời Chúa là tiêu chuẩn, là định hướng
cho cuộc sống Ki-tô hữu. Mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói đều phải
căn cứ vào Lời Chúa, đối chiếu với Lời Chúa, đặt dưới ánh sáng hướng dẫn và chịu
sự phán xét của Lời Chúa.
Vậy thì nhờ đoạn Thánh Thư này, chúng ta nhận biết
sự cao trọng của Lời Chúa mà yêu mến, suy niệm, cầu nguyện và thực hành.
3.1.3 Bài Tin Mừng (Mc 10,17-30)
là tường thuật rất sống động và nhiều ý nghĩa của Tin Mừng
Mác-cô. Có 3 ý chính liên kết chặt chẽ với nhau:
* Các câu 17-22 là truyện kể về cuộc gặp gỡ và trao
đổi giữa Chúa Giê-su và một chàng thanh niên giầu có. Nhưng câu truyện kết thúc
không lô-gích và không có hậu, vì hai nhân vật trong câu truyện không đi cùng
một hướng:
- Chúa Giê-su đưa mắt nhìn chàng thanh niên và đem
lòng yêu mến.
- Còn chàng thanh niên thì sa sầm nét mặt và buồn
rầu bỏ đi.
Nguyên nhân là vì anh ta có nhiều của cải mà không
muốn từ bỏ những của cải ấy để đi theo Chúa Giê-su.
* Các câu 23-27 là kết luận Chúa Giê-su rút ra từ sự
kiện vừa xẩy ra khiến mọi người phải sửng sốt:
“Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!… Con lạc đà chui qua
lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào Nước Thiên Chúa.” Rất may là Chúa Giê-su đã nói thêm: “Đối
với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có
thể được”
* Các câu 28-31 là giải đáp của Chúa Giê-su cho thắc
mắc chính đáng của ông Phê-rô về phần thưởng hay sự bù đắp mà ông và các môn đệ
khác hy vọng có được, khi đã từ bỏ mọi sự mà theo Thầy:
"Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh
em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, 30
mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con
hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”
Vậy thì nhờ đoạn Tin Mừng này chúng ta nhận ra rằng
trong lãnh vực tâm linh của người muốn đi theo Chúa, của cải vật chất có thể là
một cản trở hơn là một thuận lợi và chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới giúp con
người siêu thoát khỏi sự trói buộc của sự giầu có.
3.2 Sứ điệp của Lời
Chúa (Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?)
Sứ điệp của Lời Chúa trong ba bài Sách Thánh
hôm nay gồm hai phần:
- Một là tiền bạc, của cải, sức khoẻ, sắc đẹp…. là
con dao hai lưỡi, chứ không đơn thuần là thuận lợi cho đời sống tâm linh.
- Hai là theo Chúa, hy sinh, từ bỏ (bất cứ cái
gì) vì Chúa không bao giờ phải thiệt thòi vì Chúa Giê-su
đã hứa :
"Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ
nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng,
mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con
hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.”
IV. SỐNG VỚI THIÊN
CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI
4.1 Sống với
Thiên Chúa
là Thần Linh Chân Lý, là Sự Khôn Ngoan Thượng Trí, là Đấng
thấu suốt mọi sự, hiểu biết giá trị đích thực của mọi thực tại. Vì thế mọi giáo
huấn Người chỉ dậy, cách riêng về của cải vật chất, là những chân lý hữu dụng
cho phần rỗi chúng ta.
4.2 Thực thi sứ
điệp của Lời Chúa hôm nay bằng 2 cách:
* Thứ nhất: Có một quan niệm (hay đánh giá) đúng đắn
về của cải, tiền bạc, sức khỏe, sắc đẹp và các thứ khác (địa vị, chức tước,
quyền hành): chúng là những con dao hai lưỡi, là những tên nô lệ (công cụ) đắc
lực, nhưng lại là những ông/ bà chủ rất nguy hiểm và độc ác.
* Thứ hai: Chọn con đường theo Chúa Giê-su, tin
tưởng vào Lời Chúa Giê-su hứa mà sẵn sàng và quảng đại hy sinh từ bỏ (càng nhiều
càng tốt) vì Người.
V.
CẦU NGUYỆN
CHO THẾ GIỚI VÀ
HỘI THÁNH
5.1
«Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm
hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán
tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.» Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho các dân tộc trên
thế gian này nhận ra giá trị của Lời Chúa mà sống theo sự hướng dẫn của Lời ấy.
Xướng: Chúng
ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.2 «Tôi
nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí
Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.» Chúng ta
hiệp lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, cho các Hồng Y, Tổng Giám Mục
và Giám Mục, cho các Linh Mục để các vị lãnh đạo của Hội Thánh có được sự khôn
ngoan của Thiên Chúa trong khi thi hành sứ mạng phục vụ Dân Chúa.
Xướng: Chúng
ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.3
«Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho
người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.»
Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho những người giầu và cho các nước giầu để họ
không bị của cải giam hãm trong vòng kiềm tỏa của nó mà biết sống từ bỏ và chia
sẻ để được Chúa yêu thương và chúc phúc cho.
Xướng: Chúng
ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
5.4
«Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa
thì ..... mọi sự đều có thể được.»
Chúng ta hiệp lời cầu nguyện cho càng ngày càng có nhiều người
tin tưởng và cảm nghiệm được quyền năng của Thiên Chúa trong đời sống cá nhân và
cộng đồng xã hội ngày hôm nay.
Xướng: Chúng
ta cùng cầu xin Chúa!
Đáp: Xin Chúa nhận lời chúng con!
Sàigòn ngày 05 tháng 10 năm 2018
Giêrônimô Nguyễn Văn
Nội.